Phần 7

Những Điều Trọng Yếu Trong Thiền Tập

Tầm, Tấn, Niệm Định

Chánh Niệm Vững Vàng

Tầm Quan Trọng Của Sát Na Định

Phát Triển Và Quân Bình Ngũ Ngũ Lực

Những Điều Trọng Yếu Trong Thiền Tập

Tầm, Tấn, Niệm, Định

Đức Phật là người giảng dạy pháp hành Minh Sát Niệm Xứ để chúng sanh vun bồi tâm linh và thiền sư thay mặt Đức Phật chỉ dẫn lại cho hành giả. Hành giả phải có niềm tin nơi pháp hành là con đường thanh lọc tâm để thành đạt trí tuệ giải thoát. Có niềm tin nơi Đức Phật, nơi Giáo pháp, hành giả sẽ hứng khởi tu tập và quyết tâm đoạn tận phiền não tham, sân, si. Nhờ có sự quyết tâm như vậy, hành giả can đảm chịu đựng được đau nhức, chấp nhận cuộc sống ít ăn ít ngủ, và vận dụng tinh tấn vào việc thiền tập. Và khi ghi nhận đề mục, hành giả ghi nhận bằng tất cả nỗ lực để không mất chánh niệm.

Thiền là ghi nhận đề mục một cách kỹ càng, chính xác, liên tục để làm sinh khởi những thiện pháp chưa sinh khởi, để phát triển tâm, từ nhỏ thành lớn, từ yếu thành mạnh, từ ít thành nhiều cho đến khi thuần thục, trưởng thành và hoàn toàn trong sạch. Khi hành giả nỗ lực hướng và đưa tâm đến đề mục, tâm sẽ trở nên năng động, tỉnh táo và sẵn sàng ghi nhận đề mục một cách kịp thời. Hành giả nên ghi nhận đề mục liên tục để chánh niệm được thiết lập vững vàng để định tâm được phát triển mạnh mẽ.

Tầm, Tấn, Niệm, Định, mỗi yếu tố có vai trò khác nhau. Tầm là sự hướng tâm đến đề mục giúp tâm khai mở, tươi mát để phát triển Tấn, Niệm và Định. Nếu không có Tầm, tâm sẽ trở nên co rút, thụ động, giãi đãi, mệt mỏi không muốn cố gắng nữa. Tấn là trạng thái tâm hay tâm sở nỗ lực đưa và giữ tâm mặt đối mặt với đề mục nên ngăn chận không cho phiền não sanh khởi. Tuy nhiên, có vài hành giả với niềm tin mạnh mẽ nơi pháp hành Minh Sát Niệm Xứ nên quá phấn chấn. Khi có quá nhiều tinh tấn, tâm ghi nhận vượt xa đề mục khiến suy nghĩ, tưởng tượng thường xảy ra. Đôi khi quá nhiều tinh tấn làm tâm trở nên bất an, tán loạn. Trong trường hợp này, cần điều chỉnh để tinh tấn vừa đủ hầu tạo sự quân bình nơi tâm. Hành giả vận dụng tinh tấn đúng mức để tâm ghi nhận bắt kịp và bám chặt đề mục. Khi có sự bất an, phóng dật nơi tâm, hành giả hãy ghi nhận kịp thời trạng thái tâm này.

Nếu không có Tầm và Tấn, cho dù không bỏ cuộc, hành giả cũng chỉ muốn tu tập một cách thoải mái, thích thú hưởng thụ sự ngủ nghỉ. Không quyết tâm thì biếng nhác chế ngự tâm và hành giả sơ cơ thường hay bị như vậy. Do đó, cần phải ghi nhận ngay lập tức khi những trạng thái sinh khởi nơi tâm này. Chánh Niệm là sự ghi nhận diễn biến của đề mục một cách khách quan, không thiên lệch, không phê phán. Chánh Niệm có khả năng bảo vệ tâm, tạo sự an toàn cho tâm khỏi các phiền não. Hành giả phải hết mình ghi nhận đề mục một cách chặt chẽ và chính xác để Chánh Niệm được vững vàng (satipaṭṭhāna). Nhờ đó, trạng thái tâm định trong khoảnh khắc hay sát na định (khaṇika samādhi) phát triển mạnh mẽ. Định là trạng thái tâm tập trung trên đề mục nên tâm không còn bị phân tán. Khi sát na định liên tục xảy ra, tâm trở nên gom tụ, định tĩnh và là nền tảng để thành tựu loại bình an thật sự. Nếu hành thiền tích cực như vậy, tâm hành giả sẽ không có cơ hội mông lung suy nghĩ, phân tích hay phóng dật.

Kết hợp ba trạng thái tâm Tấn, Niệm, Định lại với nhau tạo nên sức mạnh chung gọi là Thiền (bhāvanā). Khi Thiền được phát triển, hành giả sẽ hiểu được đặc tính riêng, đặc tính điều kiện, và đặc tính chung là vô thường, khổ, và vô ngã của các đối tượng danh sắc đang sanh khởi ngay trong giây phút hiện tại.

Nhờ trí tuệ phát triển, vô minh hoặc si mê không thể sinh khởi vì hành giả thấy rõ sự thật. Khi tâm ghi nhận xuyên thấu đề mục, hành giả hiểu một cách đúng đắn vô thường là vô thường, khổ là khổ, và vô ngã là vô ngã. Hành giả hiểu biết bằng kinh nghiệm thực chứng chứ không phải tưởng tượng hay suy nghĩ, thấy sự thật đúng như nó là vậy nên đó là sự hiểu biết đúng đắn. Kết quả là hoài nghi, phân vân hay tà kiến không thể phát sinh. Kinh nghiệm đặc tính vô thường, khổ và vô ngã, hành giả loại bỏ tà kiến về thường còn, hạnh phúc và ngã.

Trong cuộc đời con người, tham, sân phát sinh cũng vì si mê tức hiểu biết sai lầm hay tà kiến. Về điểm này, cố Hòa Thượng Thiền Sư Mahasi Sayadaw nói rằng tham, sân nổi lên vì không chánh niệm ghi nhận kịp thời các hiện tượng danh sắc sanh khởi nổi bật qua sáu cửa giác quan ngay trong giây phút hiện tại. Bằng cách dùng các vũ khí Tấn, Niệm và Định, hành giả sẽ hiểu biết bản chất thật sự của đối tượng được ghi nhận. Khoảnh khắc nào trí tuệ phát sinh, hành giả buông bỏ được phiền não tham, sân ngay trong khoảnh khắc đó và thực chứng loại tâm giải thoát. Hay biết tâm mình đang trong sạch không có phiền não là hành giả quán tâm (cittānupassanā).

Do đó, nhờ thiền tập, hành giả phát triển được trí tuệ và sự phát triển này không tầm thường. Đây là lợi lạc của thiền.

Chánh Niệm Vững Vàng (Satipaṭṭhāna)

Hành giả phải ghi nhận liên tục suốt ngày từ lúc thức dậy cho đến khi đi ngủ để chánh niệm được thiết lập vững vàng (satipaṭṭhāna). Hãy cẩn thận ghi nhận tất cả mọi hiện tượng sinh khởi trong khi đi, đứng, ngồi, nằm và những hoạt động khác. Việc ghi nhận liên tục tất cả các hiện tượng sanh khởi có vẻ quá vất vả; tuy nhiên, nếu cẩn thận chánh niệm trong khi ngồi, kinh hành và trong sinh hoạt hằng ngày như được chỉ dẫn, hành giả sẽ quán sát được tất cả các hiện tượng một cách kỹ lưỡng và sâu sắc. Hãy hạ quyết tâm không để thất niệm cho dù là một cử động nhỏ nhặt. Một khi thất niệm cần phải nhận biết ngay mình đã thất niệm.

Muốn chánh niệm được liên tục, hành giả cần phải nỗ lực kịp thời để hướng và đưa tâm đến ghi nhận và bám chặt vào đề mục. Khi ngồi thiền, hành giả hãy cẩn thận quán sát đề mục chính là chuyển động phồng xẹp của bụng. Chỉ khi đề mục phụ trở nên nổi bật, hành giả mới ghi nhận nó và ngay sau khi nó biến mất, trở về quán sát lại chuyển động phồng xẹp. Chẳng hạn, khi phóng tâm xảy ra một cách nổi bật, hành giả chánh niệm ghi nhận ngay sự phóng tâm và sau khi phóng tâm biến mất trở về quán sát lại chuyển động phồng xẹp của bụng.

Khi xe chạy liên tục thì bình điện mạnh nhờ được nạp điện đầy đủ. Cùng thế ấy, chánh niệm liên tục tạo nên sức mạnh bảo vệ không cho phiền não xâm nhập tâm. Luồng tâm bất thiện bị cắt đứt mở đường cho luồng tâm thiện tuôn chảy. Thường xuyên thất niệm sẽ không phát triển được sức mạnh nơi tâm cho nên không hưởng được lợi lạc từ sự tu tập. Sau nhiều ngày tu tập mà không hưởng được lợi lạc, hành giả sẽ xuống tinh thần và chán nản. Một khi tu tập không nghiêm túc, cho dù có thọ giáo với nhiều vị thiền sư danh tiếng, hành giả sẽ không bao giờ tiến bộ.

Do đó, hành giả hãy giữ chánh niệm liên tục hầu như mọi lúc ngoại trừ lúc ngủ nghỉ. Tu tập nghiêm túc, tinh cần sẽ giúp hành giả thành tựu được mục tiêu trong một thời gian ngắn. Sư kêu gọi hành giả hãy cố gắng tu tập một cách tinh cần trong những ngày còn lại của khóa thiền.

Giảng giải về Đại Niệm Xứ, Đức Phật không dùng chữ “sati” mà đặc biệt nhấn mạnh “satipaṭṭhāna”. Kinh điển giải thích: “paṭṭhatīti paṭṭhāna” tức chánh niệm hay sự hay biết (sati) theo sát đề mục. Trong chữ “paṭṭhāna”, chữ ‘thāna’ có nghĩa “được thiết lập” và “pa” là cực nhanh (pakkhantana), chìm sâu (okkantitvā), ngoại hạng (visiṭ཭ha), mạnh mẽ (bhusa) hay vượt trội (atisaya). Như vậy satipaṭ཭hāna là chánh niệm được thiết lập một cách vững vàng.

Nếu là chánh niệm thì nó không thể hời hợt giống như nút bần nổi trôi trên mặt nước (apilāpanalakkhaṇā) mà phải chìm sâu vào đề mục như viên sỏi chìm sâu xuống đáy nước. Vậy “satipaṭṭhāna” là sự ghi nhận kịp thời hay chánh niệm chặt chẽ, một loại chánh niệm được duy trì liên tục như một dòng nước, có sức mạnh xuyên thấu và bao phủ trọn vẹn các đề mục thuộc thân, thọ, tâm và pháp.

Hành giả phải xác định đề mục để hướng tâm đến ghi nhận cũng như người ta khoanh tròn hình người muốn tìm giữa một nhóm người trong bức ảnh để dễ nhận diện. Vì các hiện tượng danh sắc sinh khởi và hoại diệt rất nhanh, hành giả phải lập tức ghi nhận đề mục sao cho tâm ghi nhận nhảy bổ vào đề mục mà không cần suy nghĩ gì cả như nhảy ào xuống nước vì không có thời giờ đắn đo khi khẩn cấp. Nếu không, hành giả sẽ mất cơ hội ghi nhận đề mục đang sinh khởi nên không thể hiểu được bản chất thực sự của đề mục qua kinh nghiệm thực chứng của mình (attapaccakkha). Pháp hành Minh Sát Niệm Xứ không dành cho những ai hay suy tư.

Chánh niệm ghi nhận đề mục còn được so sánh với sự tấn công bất ngờ hay dàn trải lực lượng phòng vệ trong chiến tranh. Ngày xưa, khi đánh nhau, nếu một bên bắt được thủ lĩnh của bên kia thì kể như thắng trận. Hoặc lực lượng an ninh cần phải dàn trải ra bốn hướng để ngăn ngừa kẻ thù xâm nhập và nếu quân thù xâm nhập hãy lập tức dùng mọi biện pháp để tiêu diệt kẻ thù. Cùng thế ấy, để bảo vệ tâm, hành giả cần phải chánh niệm theo dõi đề mục vừa mới sanh khởi để phiền não không xâm nhập tâm hay ghi nhận phiền não kịp thời để loại trừ ngay tức khắc.

Ta nên yêu thương tất cả chúng sinh dẫu cho đó là loài côn trùng nhỏ bé, nhưng ta không nên thương xót và nhân nhượng phiền não. Vì danh sắc liên tục sinh khởi không ngừng trong mỗi cá nhân, nếu hành giả không dùng chánh niệm để ghi nhận hầu hiểu rõ bản chất của danh sắc, mảnh vườn tâm sẽ biến thành vùng đất phì nhiêu của đủ loại phiền não (kilesabhūmi) như tham ái, sân hận, ngã mạn, ác ý, ganh tỵ… Ngược lại, khi chánh niệm được duy trì liên tục thì tâm sẽ trở thành vùng đất mầu mỡ của Minh Sát Tuệ (vipassanābhūmi), của trí tuệ (paññābhūmi). Tóm lại, để biến tâm thành vùng đất trí tuệ, hành giả phải nhanh chóng nắm lấy đề mục, ghi nhận kịp thời, liên tục, kỹ càng, chặt chẽ và chính xác sao cho tâm ghi nhận chìm sâu và bao phủ trọn vẹn đề mục. Nói cách khác, chánh niệm cần được thiết lập vững vàng.

Tầm Quan Trọng Của Sát Na Định

Với chánh niệm được thiết lập vững vàng, hành giả phát triển được chập định hay sát na định (khaṇika samādhi) tức là sự định tâm trong từng khoảnh khắc khi ghi nhận đề mục. Sát na định còn được gọi là sát na nhất tâm (khaṇika cittekaggatā).

Sự định tâm có được do sát na định khởi sinh liên tục (khanamattaṭṭhitiko samādhi) có sức mạnh tương đương với toàn định (appanā samādhi) trong Thiền Vắng Lặng vì có phẩm chất giữ tâm vững chắc, định tĩnh, gom tụ và an trụ nơi đề mục. Làm thế nào sát na định có thể giữ tâm định tĩnh và gom tụ nơi đề mục? Bởi vì khi sát na định có mặt, tâm không bị áp đảo bởi các trạng thái đối lập (patipakkhehi anabhibhūto). Trong thiền tập, hành giả gặp các chướng ngại tâm hay triền cái (nīvarana) như ái dục, sân hận, buồn ngủ, chao động hối tiếc, hoài nghi. Để các chướng ngại không có cơ hội sanh khởi nơi tâm, sát na định cần được duy trì liên tục, nối tiếp nhau một cách khít khao như một dòng chảy không gián đoạn, không khoảng hở. Vì vậy, hành giả phải kịp thời ghi nhận liên tục bất kỳ đề mục nào đang sinh khởi như phồng, xẹp, ngồi, đụng, nóng, lạnh, cứng, mềm… ngay trong giây phút hiện tại.

Không có sát na định sẽ không phát triển được tuệ giác nên hành giả không thể hiểu danh sắc, nhân quả, vô thường, khổ, vô ngã… và Niết Bàn. Nếu sát na định rời rạc, ngắt quảng, yếu ớt thì không đủ sức mạnh để tuệ giác có thể phát sinh. Tuy nhiên, khi sát na định phát triển liên tục thì sức định tâm trở nên mạnh mẽ cũng tựa như từng sợi dây nhỏ riêng rẽ vốn dễ đứt nhưng khi đan chặt với nhau thành sợi dây thừng lớn sẽ rất bền chắc. Để phát triển sát na định mạnh mẽ và liên tục, hành giả phải chánh niệm khắn khít ghi nhận đề mục ngay lúc vừa sanh khởi một cách không gián đoạn hầu như mọi lúc trong khóa thiền ngoại trừ khi ngủ.

Hành giả có thể nghĩ rằng chánh niệm ghi nhận liên tục đề mục sinh khởi trong từng sát na là điều không thể nào thực hiện được. Sư không bao giờ bảo quý vị làm những điều không thể làm được nên điều này có thể thành đạt. Một khi sát na định trở nên mạnh mẽ, liên tục thì tuệ giác lần lượt sanh khởi theo từng giai đoạn. Đến tuệ giác cao, sát na định rất khó bị hư hoại. Ở giai đoạn này, dầu hành giả cố ý làm mất tâm định bằng những ý tưởng ái dục, sân hận … tâm vẫn quay về tiếp tục bám lấy đề mục đang ghi nhận. Ở tuệ giác cao hơn nữa, dù hành giả có cố ý hướng tâm ra khỏi đề mục, tâm chỉ lệch sơ khỏi đề mục rồi lập tức quay trở về ôm sát đề mục như cũ. Hiệu ứng này giống như sự phản hồi của thanh “bu mơ rang” khi được ném ra vội vàng bay trở về tay người ném. Và khi Tuệ Minh Sát chín muồi, hành giả sẽ đạt Đạo, Quả và chứng ngộ Niết Bàn.

Phát Triển và Quân Bình Ngũ Lực (bala)

Để việc thực hành Thiền Minh Sát được tốt đẹp, cần phải phát triển ngũ lực hay năm sức mạnh (bala) một cách hữu hiệu. Ngũ lực gồm có Tín (saddhā), Tấn (vīriya), Niệm (sati), Định (samādhi) và Huệ (paññā). Ngoại trừ Niệm hay Chánh Niệm, các lực còn lại phải quân bình với nhau thì sự thiền tập mới có kết quả.

Phát Triển Ngũ Lực (bala)

  1. Tín (saddhā) Tín là niềm tin vào Đức Phật, sự giác ngộ của Ngài, định luật nghiệp báo, và nhất là pháp hành Minh Sát Niệm Xứ.

Kệ ngôn “satthari dhamme sa pasādāyattaṁ” có nghĩa là “cẩn thận lắng nghe lời chỉ dạy liên hệ mật thiết với đức tin và pháp hành.” Đức Phật khám phá và chỉ dạy pháp hành Minh Sát Niệm Xứ và thiền sư chỉ là người thay mặt Đức Phật hướng dẫn hành thiền. Hành giả cần có niềm tin nơi pháp hành và thiền sư cũng như nên hiểu biết về những lợi lạc của pháp hành. Hành giả phải hết lòng tin tưởng đây là cách thức duy nhất để thanh lọc tâm chúng sinh như đã được đề cập trong Kinh Đại Niệm Xứ. Với sự vững tin như vậy, hành giả sẽ quyết tâm tu tập để giải thoát khỏi khổ đau trong kiếp sống.

Tâm trong sạch vắng bóng tham, sân, si là nhờ thiền tập đúng với phương pháp (sadhammasavanādhina). Vì thế, hành giả nên chăm chú lắng nghe pháp thoại để biết cách thức thiền tập cũng như mọi hướng dẫn của thiền sư trong giờ trình pháp để thực tập cho đúng. Nếu hành thiền đúng theo lời chỉ dẫn, hành giả chắc chắn có sẽ tiến bộ chỉ sau vài ngày tu tập.

Ở đây, Sư muốn giải thích tổng quát về ba sự thành tựu an toàn. Sự thành tựu đầu tiên là kinh nghiệm thực chứng hay Tuệ Minh Sát do kết quả thiền tập đem lại. Từ sự hiểu biết bằng kinh nghiệm thực chứng hay Minh Sát Tuệ của mình trong hiện tại, hành giả suy diễn về những kết quả tương tự như vậy trong quá khứ và tương lai cũng như ở nơi người khác. Đây là Minh Sát Suy Diễn và là sự thành tựu thứ hai. Sự hiểu biết qua suy diễn phải bắt nguồn từ trí tuệ trực giác hay Minh Sát Tuệ; nếu không, đó chỉ là sự suy luận suông vô căn cứ. Thành tựu sau cùng là Chánh Tín tức là tin vào những gì đáng tin nhưng vượt ngoài khả năng tri kiến của mình. Những gì đáng tin hành giả nên chấp nhận; nếu không, hành giả chỉ phí thì giờ trong khi thiền tập cũng như sẽ phát sinh suy nghĩ, hoài nghi trong khóa thiền.

Nếu không theo đúng sự chỉ dẫn của thiền sư, chắc chắn sự thiền tập sẽ không có kết quả. Do đó, hành giả sẽ không phân biện được danh sắc nên có khuynh hướng suy nghĩ và sự suy nghĩ càng lúc càng gia tăng. Nếu suy nghĩ mông lung và vô nghĩa, hành giả sẽ phí thì giờ trong khi thiền tập. Suy nghĩ những gì vượt ngoài khả năng hiểu biết có thể đưa đến mệt mỏi hay quẩn trí. Khi suy nghĩ miên man, hành giả có thể sẽ đánh mất thiền lực, khơi dậy ngã mạn, và đưa đến tà pháp. Đây là điều rất đáng sợ. Muốn phát triển được trí tuệ qua thiền tập, nên tránh suy nghĩ như thế trong khi quan sát đề mục.

Hành giả nên hiểu là thực hành Thiền Minh Sát nhằm phát triển tuệ giác hay Minh Sát Tuệ. Nhờ thế, hành giả hiểu đúng đắn bản chất đích thực của các hiện tượng danh sắc sanh khởi qua sáu cửa giác quan. Đặc tính của các hiện tượng ra sao, hành giả hiểu đúng như vậy. Thiền Minh Sát giúp hành giả hiểu biết rõ ràng về danh sắc, nhân quả, vô thường, khổ và vô ngã…Một khi có sự hiểu biết qua kinh nghiệm thực chứng, hành giả sẽ hiểu rõ lợi lạc của pháp hành. Nhờ đó, đức tin tăng lên mạnh mẽ và thấy quý trọng pháp hành. Kết quả là hành giả gia tăng nỗ lực hay tinh tấn thiền tập.

  1. Tấn (vīriya)

Tấn là trạng thái tâm nỗ lực trong khi hành thiền. Đức Phật luôn nhắc nhở chúng ta đừng biếng nhác (atandito). Trong cổ ngữ Pāḷi, “tandi” là “biếng nhác” đồng nghĩa với “thina-middha” tức “hôn trầm, thụy miên” hay buồn ngủ. Đức Phật dạy rằng: “Tâm thụ động làm phát sinh biếng nhác” hay “biếng nhác làm cho tâm thụ động” (līnam cittaṁ kosajjā-nupatitaṁ). Người lười biếng (kusīta) chỉ muốn hưởng thụ cảm giác thoải mái, dễ dãi (middha sukha), không tận sức làm việc để chính mình hưởng được lợi lạc. Vì lẽ đó, người lười biếng bị cười chê, bị xem là kẻ vô ích. Ngài cũng dạy là người lười biếng sống khổ sở (kusīto bhikkhave dukkhaṁ viharati) bởi lẽ họ bị vướng kẹt, rối rắm trong những trạng thái tâm thấp hèn (vokiṇṇo pāpakehi akusalehi dhammehi), luôn mơ tưởng, khao khát sắc tốt, tiếng hay… (kāmavitakka) và không thỏa mãn với những gì họ có.

Có người chỉ luôn mưu cầu cuộc sống đầy đủ tiện nghi và hạnh phúc thế tục trong đời này. Tâm người này tự do theo đuổi các đối tượng ngũ dục, thỏa thích thụ hưởng cái mình muốn nên gặp nhiều rối rắm, nan giải trong đời và tự đánh mất lợi lạc của chính mình (mahantañsa sadattha paripureti). Ngoài ra, ý tưởng muốn giết hại (byāpādavitakka), hành hạ, gây đau khổ cho kẻ khác (vihimsāvitakka) hay ganh ghét, đố kỵ cũng là những trạng thái tâm bất thiện thấp hèn thường hay sanh khởi trong tâm người biếng nhác.

Người lười biếng không thể tu Giới, Định, Huệ nên không thể coi là con người thật sự. Không giữ được các giới căn bản (sīla) là đánh mất phẩm hạnh của một con người. Tuy nhiên, dầu có giới hạnh nhưng không thiền tập, tâm vẫn bị dao động với những ý tưởng bất thiện. Vì thế, ta cần trau dồi tâm, làm cho tâm trở nên định tĩnh (samādhi). Được sinh làm người mà không biết trao dồi Giới và Định là đánh mất lợi lạc thật sự của một kiếp người. Và dẫu có Giới và Định, nhưng nếu không hành thiền Minh Sát Niệm Xứ thì vẫn không có được trí tuệ (paññā) đúng nghĩa, tức là không phân biệt được điều lợi lạc và không lợi lạc, thích nghi và không thích nghi cho mình và cho người. Họ không hề hay biết rằng thân, khẩu, ý trong sạch hay không ô nhiễm có được qua thiền tập mới là lợi lạc hay hạnh phúc thực sự.

Người lười biếng dù biết lợi ích của hành thiền và có đến thiền viện tu tập nhưng họ vẫn đem theo thói quen lười biếng vào khóa thiền. Hành giả loại này ghi nhận đề mục lơ là, yếu ớt, hời hợt làm cho tâm trở nên co rút, thụ động (saṁkhittacitta). Vì không muốn nỗ lực thiền tập mà chỉ thích thoải mái (middhasukha), người này cảm thấy uể oải và bắt đầu than phiền rằng pháp môn này khó hành trì vì phải dùng nhiều sức lực và cuối cùng rời thiền viện.

Biếng nhác là kẻ nội thù hủy hoại thiền tập. Để ngăn ngừa kẻ nội thù này, hành giả cần phải nỗ lực vận dụng tinh tấn khởi động (ārambha dhātu), tinh tấn triển khai (nikkama dhātu) và tinh tấn ngoại hạng (ātāpa vīriya) bao gồm tinh tấn dũng mãnh (āraddha vīriya), tinh tấn kiên trì (paggahita vīriya) và tinh tấn hoàn thành (paripuṇṇa vīriya) trong khi hành thiền.

Để khỏi lười biếng, trước hết hành giả phải có tinh tấn khởi động bằng cách nỗ lực hướng và đưa tâm đến ghi nhận đề mục đang sinh khởi nổi bật ngay trong khoảnh khắc hiện tại. Khi ngồi thiền, hành giả phải cẩn thận ghi nhận đề mục chính là chuyển động phồng xẹp của bụng và các đề mục phụ nổi bật khác ngay khi chúng vừa mới sinh khởi. Khi kinh hành, hành giả chú tâm vào chuyển động dở, bước, đạp của bước chân liên tục từ đầu đến cuối. Để có thể ghi nhận khắn khít tất cả những gì đang sinh khởi nổi bật, hành giả cần vận dụng loại tinh tấn khởi động này. Tinh tấn khởi động hướng tâm ghi nhận đến đối tượng (vitakka) khiến tâm đang co rút, thụ động trở nên tươi tỉnh và năng động.

Trong khi thiền tập, nếu mệt mỏi hay biếng nhác sinh khởi, hành giả lập tức nỗ lực ghi nhận ngay các trạng thái tâm này. Nhờ triển khai tinh tấn như vậy, tâm hành giả trở nên năng động, tỉnh táo, luôn sẵn sàng ghi nhận đề mục, duy trì chánh niệm. Và như thế tinh tấn triển khai (nikkama dhātu) hình thành.

Khi đã quyết tâm thiền tập, hành giả sẽ can đảm chịu đựng những cảm giác đau nhức, ngứa ngáy cũng như chấp nhận cuộc sống đạm bạc trong khóa thiền. Tinh tấn dũng mãnh (āraddha vīriya) một khi được thiết lập và tăng trưởng sẽ trở thành tinh tấn kiên trì (paggahita vīriya). Nếu là loại tinh tấn kiên trì thì nó không thể sụt giảm hay gián đoạn giữa chừng mà luôn lớn mạnh trong từng sát na tương tự như khi đang đưa vật gì lên thì không thể buông giữa chừng hay ngừng dở dang mà phải tiếp tục kéo nó lên mãi. Do đó, hành giả luôn tinh tấn vun bồi thiện nghiệp thiền tập để những bất thiện pháp không thể sanh khởi làm ô nhiễm tâm.

Có được loại tinh tấn kiên trì nên xuyên suốt quá trình thiền tập, hành giả kiên nhẫn theo đuổi sự thực tập, thăng tiến trong pháp hành. Rồi với tinh tấn hoàn thành (paripuṇṇa vīriya) hành giả luôn duy trì thân khẩu ý trong sạch và thành đạt mục tiêu cuối cùng.

Nói một cách khác, khi thiền tập, hành giả sử dụng tinh tấn khởi động (ārambha dhātu) ở giai đoạn đầu, vận dụng tinh tấn triển khai (nikkama dhātu) khi lười biếng phát sinh, và tinh tấn ngoại hạng (ātāpa vīriya) gồm tinh tấn dũng mãnh (āraddha vīriya), tinh tấn kiên trì (paggahita vīriya), và tinh tấn hoàn thành (paripuṇṇa vīriya) để đạt được hạnh phúc an bình giải thoát.

  1. Niệm (sati)

Niệm hay chánh niệm là sự ghi nhận và theo dõi một cách khách quan, không thiên lệch và không phê phán các hiện tượng danh sắc sanh khởi nổi bật qua sáu cửa giác quan ngay trong khoảnh khắc hiện tại. Hay nói một cách khác, các đối tượng sanh khởi ra sao hành giả ghi nhận y như vậy, không thêm không bớt.

* Đặc Tính: Thuật ngữ “apilāpana lakkhaṇā” có nghĩa “đặc tính không hời hợt, bềnh bồng trên bề mặt.” Khi cái phao hay nút bần được ném xuống nước, nó sẽ nổi trên mặt nước. Khi viên sỏi được nếm xuống nước, nó sẽ chìm tới đáy. Nếu là chánh niệm thì phải chìm sâu vào đề mục giống như viên sỏi chìm vào trong nước. Đây là đặc tính của chánh niệm.

* Công Năng: Chánh niệm có công năng không quên, không để mất đề mục (asammosanarasa) hay giữ tâm nơi đề mục. Vì đề mục sinh diệt không ngừng nên chánh niệm phải liên tục bám theo đề mục trong từng khoảnh khắc, để giữ đề mục trong tầm quan sát của mình.

* Biểu Hiện: Biểu hiện của chánh niệm là mặt đối mặt với đề mục (visayābhimukhābhāva paccupaṭṭhānā). “Visayā” là “đối tượng” hay “đề mục” và “abhimukha” là “mặt đối mặt”. Ví như muốn nhìn rõ tượng Phật cần phải trực diện và nhìn thẳng vào tượng Phật; để ghi nhận đề mục, tâm ghi nhận phải mặt đối mặt với đề mục. Do đó, khi đề mục vừa sinh khởi, hành giả đừng có ghi nhận đề mục một cách hời hợt mà phải theo dõi ngay lập tức sao cho chánh niệm song hành, mặt đối mặt, bao phủ trọn vẹn và xuyên thấu đề mục. Một biểu hiện khác của chánh niệm là bảo vệ tâm (ārakkha paccupatthānā) khỏi phiền não.

* Nguyên Nhân Kế Cận: Nguyên nhân phát sinh chánh niệm là sự ghi nhận đối tượng một cách tức thì, khắn khít và chính xác (thirasaññāpadaṭṭhāna). Như máy ghi âm lưu lại mọi âm thanh một cách trung thực, hành giả phải nhanh chóng ghi nhận mọi đề mục sinh khởi kịp thời mà không suy nghĩ, phân tích. Nhờ ghi nhận liên tục không xao lãng những gì đang sinh khởi như nghe, thấy, ngửi, nếm, sờ chạm, phồng, xẹp, nhắm mắt, mở mắt…, chánh niệm hình thành và phát triển vững vàng.

Khi có chánh niệm thì “rakkhāvaraṇagutti” hiện diện. “Rakkha” nguyên nghĩa là “bảo vệ” hay “canh giữ” và “āvaraṇa” là ngăn chận để phiền não hay bất thiện không chen vào tâm. Do đó, chánh niệm bảo vệ tâm khỏi phiền não. Bao lâu được bảo vệ và ngăn chận khỏi phiền não, bấy lâu tâm được an toàn (gutti) và giải thoát (mutti).

Một cái chai trống luôn chứa đầy không khí. Để đẩy không khí ra khỏi chai, có thể cho nước vào chai. Cứ mỗi giọt nước nhỏ vào chai, một số không khí bị đẩy ra ngoài. Tiếp tục như thế, nước trong chai càng tăng, không khí bị đẩy ra khỏi ngoài càng nhiều. Không khí chiếm trong chai ví như phiền não chứa trong tâm. Đối với phiền não đã sinh khởi, hành giả phải lập tức dùng chánh niệm ghi nhận để đẩy nó ra khỏi tâm giống như dùng nước đẩy không khí ra khỏi chai.

Không khí cũng có thể được đẩy ra ngoài bằng cách làm nóng cái chai. Tương tự như thế, có thể dùng lửa tinh tấn (ātāpa vīriya) để đốt cháy, loại trừ phiền não. Một khi bị lửa tinh tấn liên tục thiêu đốt, phiền não sẽ dần dần khô cạn. Khi liên tục ghi nhận các đề mục đang sinh khởi bằng tinh tấn dũng mãnh, chánh niệm có khả năng loại trừ phiền não, ví như không khí bị đẩy ra khỏi chai.

Để tâm ghi nhận chìm sâu vào đề mục hay để có chánh niệm, hành giả phải nỗ lực hướng và đưa tâm đến bám chặt và ghi nhận đề mục một cách khắn khít. Điều này có nghĩa là phải vận dụng tất cả các trạng thái tâm Tầm, Tấn và Tứ trong khi hành thiền.

Tóm lại, trong lúc hành thiền, hành giả dùng chánh niệm ngăn ngừa phiền não sanh khởi. Đối với phiền não đã sinh khởi, hành giả dùng chánh niệm để loại trừ bằng cách ghi nhận kịp thời phiền não. Sự ghi nhận đúng lúc sẽ làm cho phiền não biến mất. Muốn xua đuổi phiền não nhưng không ghi nhận đề mục thì không phải là pháp hành Minh Sát Niệm Xứ. Do đó, hành giả cần giữ chánh niệm liên tục để tâm giải thoát khỏi phiền não.

  1. Định (samādhi)

Định là trạng thái tâm an trụ trên đề mục. Nhờ nỗ lực chánh niệm ghi nhận mọi đề mục đang sinh khởi nổi bật ngay trong khoảnh khắc hiện tại, sát na định hình thành liên tục làm cho tâm trở nên tĩnh lặng, gom tụ nơi đề mục.

Đối nghịch với tâm gom tụ, tĩnh lặng (samāhitacitta) là tâm phân tán, không gom tụ, không tĩnh lặng (asamāhitacitta). Khi niệm (sati) và định (samādhi) không đủ mạnh vì thiếu tinh tấn, hỷ (pīti) không phát sinh. Một khi hỷ không phát sinh, thư thái (passaddhi) cũng sẽ không phát sinh. Do đó, hành giả không kinh nghiệm được sự thoải mái, an lạc, tĩnh lặng. Vì tâm không tĩnh lặng nên suy nghĩ, tưởng tượng (vikkhitta) liên tục sinh khởi khiến cho tâm tán loạn, vọng động, bất an. Trong trường hợp này, hành giả cần có tác ý chân chánh (yoniso manasikāra) là phải hướng và đưa tâm đến ghi nhận đề mục ngay.

Một số hành giả với niềm tin mạnh mẽ nơi pháp hành Minh Sát Niệm Xứ đã hăm hở thực hành nên có quá nhiều tinh tấn. Khi quá tinh tấn quán sát nhưng lại không hướng được tâm ghi nhận đến đề mục (Tầm) thì tâm ghi nhận sẽ phóng trượt khỏi đề mục. Kết quả là tâm chao động bên trên đề mục thay vì bám vào đề mục (atipaggahitaṁ cittaṁ uddhaccānupatitaṁ). Trạng thái tâm không thể áp sát mà chơi vơi ngay phía trên đề mục gọi là trạo cử (uddhacca).

Nếu bất an (vikkhitta) hay trạo cử (uddhacca) sinh khởi nơi tâm, hãy kịp thời ghi nhận chúng. Chánh niệm ghi nhận kịp thời đề mục đang sinh khởi, hành giả sẽ hay biết tâm đang bất an, tản mác hay không tĩnh lặng.

Phải điều chỉnh tinh tấn vừa đủ sao cho tâm ghi nhận theo sát và chìm sâu vào đề mục. Nhờ tinh tấn đúng mức, tâm được gắn bó với đề mục bằng chánh niệm nên không còn bị dao động bởi phiền não. Khi thoát khỏi phiền não, tâm trở nên trong sạch, gom tụ, tĩnh lặng (samāhitacitta) và hành giả tự mình nhận biết rất rõ ràng điều này. Khi trạng thái định tâm này sinh khởi, hành giả cũng phải lập tức ghi nhận ngay.

  1. Huệ (pañña)

Huệ là trạng thái tâm hiểu rõ bản chất thật sự của các hiện tượng danh sắc sanh khởi nổi bật qua sáu cửa giác quan đang được chánh niệm ghi nhận. Một khi phát triển được sát na định, hành giả thấy rõ lợi lạc của pháp hành, thỏa thích với việc tu tập và cảm thấy hoan hỷ (pīti), hạnh phúc (sukha). Đây là loại hạnh phúc ẩn cư (pavivekasukha) có được do xa rời bạn bè, người thân và phiền não (pavivitto pāpakehi akusalehi dhammehi). Khi trạng thái hạnh phúc này sinh khởi, hành giả hãy lập tức ghi nhận ngay. Bằng cách này, hành giả đang niệm thọ (vedanānupassanā).

Với Chánh Tinh Tấn, phiền não bị ngăn ngừa. Với Chánh Niệm, tâm được bảo vệ không bị phiền não xâm nhập và với Chánh Định, tâm trở nên gom tụ, định tĩnh. Nhờ phát triển Tấn, Niệm, Định hay Nhóm Định trong Bát Chánh Đạo, tâm kinh nghiệm bản chất thật sự của các hiện tượng danh sắc sanh khởi đang được ghi nhận. Nhờ tuệ giác sanh khởi, tâm được giải thoát khỏi phiền não (vimuttacitta). Đây là trạng thái tâm đối lập với trạng thái tâm phiền não (avimuttacitta).

Quân Bình Ngũ Lực

Để phát triển được tuệ giác hay có được kết quả khi thiền tập, hành giả cần biết quân bình ngũ lực hay năm sức mạnh đề cập ở trên. Đối với chánh niệm, không bao giờ có trường hợp chánh niệm quá mạnh mà chỉ có chánh niệm quá yếu mà thôi. Để chánh niệm được phát triển vững vàng, cần ghi nhận các hiện tượng danh sắc sanh khởi nổi bật qua sáu cửa giác quan một cách đồng thời, chính xác và liên tục. Ngoài chánh niệm ra, bốn lực hay yếu tố còn lại là Tín, Tấn, Định và Huệ có thể quá yếu hoặc quá mạnh. Nếu một trong bốn lực này yếu, hành giả sẽ không đủ khả năng để chế ngự phiền não. Nếu vượt trội quá, hành giả sẽ không thấy rõ đề mục. Do đó, hành giả phải cẩn thận giữ cho các lực này đừng yếu quá cũng như đừng mạnh quá và quân bình với nhau.

Nếu Tín và Huệ chênh lệch nhau thì thiền tập khó tiến bộ. Không có Tín sẽ không có Dục (chanda) tức là mong muốn thực tập. Và vì không có sự mong muốn thực tập nên sẽ không phát triển được Tấn, Niệm, Định và Huệ. Tuy nhiên, khi Tín quá mạnh mà không có Huệ thì chỉ có tin một cách mù quáng. Mù quáng vì chỉ có nghe rồi tin mà không có sự phân tích đúng sai nên đức tin không có được phẩm tính thật sự. Do đó, Tín quá yếu không tốt và quá vượt trội cũng không hay. Khi Huệ quá yếu, có thể tin tưởng sai lầm và khi Huệ quá mạnh, hành giả có khuynh hướng suy nghĩ, phân tích một cách thái quá về những gì xứng đáng để tin. Do đó, cần phải giữ cho Huệ đừng quá mạnh cũng đừng quá yếu. Tín và Huệ cần phải đuề huề với nhau. Nếu Tín vượt trội Huệ, hành giả sẽ tin dễ dàng kể cả những gì không có giá trị để tin. Nếu Huệ quá mạnh so với Tín, hành giả sẽ tự đánh lừa qua suy nghĩ hay phân tích. Tín và Huệ cần phải quân bình thì sự thiền tập mới hiệu quả.

Tương tự, Tấn và Định cũng cần phải quân bình với nhau. Khi Tấn vượt Định, tâm sẽ trượt khỏi đề mục và trở nên chao động. Vài hành giả quá nôn nóng vơi kết quả trong khi hành thiền nên có quá nhiều tinh tấn làm cho tâm bị phân tán, không gom tụ và tập trung trên đề mục. Ngược lại, nếu tinh tấn quá yếu, tâm sẽ biếng nhác, dễ duôi. Do đó, phải giữ đừng để Tấn quá nhiều hay quá ít. Nếu Định quá mạnh so với Tấn, tâm sẽ bị dã dượi, buồn ngũ. Nếu Định quá ít, tâm sẽ không ở trên đề mục. Tấn và Định cần phải quân bình với nhau để tâm an trụ trên đề mục.

Niệm là lực đặc biệt trong ngũ lực và như đề cập ở trên, không có trường hợp Niệm quá mạnh, chỉ sợ Niệm quá yếu mà thôi. Niệm ở đây không phải là loại niệm thông thường mà là chánh niệm phi thường. Vì thế Đức Phật đã khéo léo dùng hợp từ saitpaṭṭhāna thay vì sati để chỉ chánh niệm vững vàng trong pháp hành Minh Sát Niệm Xứ một cách chính xác.

Từ satipaṭṭhāna được kết hợp bởi sati và patthāna. Hợp từ paṭṭhāna được kết hợp bởi pa và thāna. Pa có nghĩa vững vàng, theo sát đề mục ngay khi đề mục sinh khởi và thāna có nghĩa được thiết lập. Như vậy, paṭṭhāna có nghĩa được thiết lập vững vàng. Do đó, satipaṭṭhāna là chánh niệm được thiết lập vững vàng trên đề mục.

Khi các hiện tượng danh sắc sanh khởi nổi bật qua sáu cửa giác quan ngay trong khoảnh khắc hiện tại, tâm ghi nhận phải chạy ào đến bao trùm và chìm sâu vào đề mục. Chánh niệm vững vàng không hời hợt trên đề mục, không giống như nút bần bềnh bồng trên mặt nước mà chìm sâu vào đề mục như viên sỏi. Đây là đặc tính của chánh niệm như đã được đề cập ở trên.

Khi thiền tập, hãy nỗ lực hết mình để ghi nhận đề mục với tốc độ nhanh nhất. Điều này có nghĩa là tâm ghi nhận phải tức khắc ào đến chụp bắt đề mục ngay khi hiện tượng vừa xảy ra và liên tục ghi nhận một cách song hành với sự diễn biến của đề mục. Sự ghi nhận phải thật khít khao và chính xác để phiền não không có cơ hội sanh khởi.

Tóm lại, trong ngũ lực, bốn lực Tín, Tấn, Niệm, Định có thể có lúc mạnh lúc yếu nhưng phải có sức mạnh ngoại hạng và cao độ. Muốn được như vậy, hành giả không được chần chờ, suy nghĩ, hay tưởng tượng. Do các hiện tượng danh sắc sinh khởi và hoại diệt rất nhanh nên hành giả phải lập tức nỗ lực hướng và đưa tâm đến ghi nhận đề mục tức thì. Hành giả phải ghi nhận đề mục với tốc độ thật nhanh, nếu không, tuệ giác sẽ không sanh khởi. Nhờ vào sự ghi nhận có hiệu quả, tuệ giác phát sinh và hành giả hiểu được bản chất thực sự của đề mục. Tâm lúc đó không phiền não và hành giả an hưởng hạnh phúc giải thoát.

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app