Phần 2

Vun Bồi Tâm Linh

Dẫn Nhập

Bố Thí

Trì Giới

Vun Bồi Tâm Linh

Dẫn Nhập

Hôm nay là ngày 5 tháng 5 năm 2007, Sư giảng pháp khai mạc khóa thiền tích cực bốn mươi bốn ngày tại Như Lai Thiền Viện, San José, California. Sư rất vui khi thấy đông thiền sinh tham dự khóa thiền và mong tất cả nỗ lực thiền tập để có được “món quà Pháp Bảo” cũng như biết cách sử dụng món quà này một cách hiệu quả.

Đối với một món quà bình thường, nếu ta chỉ giữ quà mà không dùng, hoặc lâu lâu mới dùng thì bụi bặm bám đầy và có thể sẽ không còn dùng được nữa. Hoặc nếu dùng thường xuyên, sau một thời gian món quà có thể hao mòn. Tuy nhiên, món quà Pháp Bảo càng dùng nhiều càng rạng ngời và tăng phẩm chất. Người sử dụng quà Pháp Bảo đúng cách, nhân phẩm được tăng lên và trở nên cao quý.

Có câu nói “văn hóa là tinh hoa của con người”, nhưng thế nào là văn hóa, là tinh hoa thật sự? Trong lãnh vực Phật Pháp, người có văn hóa là người có khả năng tự kiểm soát mình, không làm tổn thương người khác về vật chất lẫn tinh thần. Biết tự kiểm soát mình, cá nhân sẽ không bị khinh khi do cư xử sai lầm qua thân, khẩu, ý. Do đó, cá nhân biết kiểm soát tâm ý sẽ trở thành người có văn hóa, thuần thục, dịu dàng và dễ mến. Cho nên, xử sự có văn hóa là tinh hoa thật sự của con người.

Đối nghịch với văn hóa là thô tháo. Người có văn hóa sẽ không thô tháo và người thô tháo không thể xử sự có văn hóa được. Thô tháo là có thân, khẩu, ý không trong sạch, đáng chê trách. Con người trở nên thô tháo bởi phiền não. Lửa phiền não tham, sân, si thiêu đốt tâm làm hại cá nhân, và mang tai họa đến những người xung quanh.

Mọi đau khổ đều do phiền não nơi tâm gây ra. Do đó, ai cũng mong muốn gia đình và người thân của mình không gặp phiền não, được an vui và hạnh phúc. Ước muốn này có thể do tâm từ hay lòng ích kỷ riêng tư chỉ mong cho bản thân mình, gia đình mình, người thân mình, và quốc gia mình an vui mà thôi. Và khi sự mong muốn vì ích kỷ trở nên thái quá, cá nhân sẽ không còn tự kiểm soát được mình. Cá nhân trở thành thô bạo, thiếu văn hóa và xử sự sai trái như tà hạnh, dối trá, dùng các chất say để làm vui, chiếm đoạt tài sản của người bằng võ lực, mưu cầu danh lợi bất hợp pháp, và hãm hại người khác. Cho nên, không tự kiểm soát được mình là làm hại người, và nếu tự kiểm soát được mình là bảo vệ người khác.

Người ta thường nói, thoát khỏi kẻ thù là thoát khỏi hiểm nguy. Điều này cũng có nghĩa là, nếu không thoát khỏi kẻ thù sẽ không thoát khỏi hiểm nguy. Có hai loại kẻ thù: kẻ thù bên trong và kẻ thù bên ngoài. Kẻ thù bên trong là sự bất thiện và các phiền não, và kẻ thù bên ngoài là người thù. Thỉnh thoảng mới có người thù, nhưng gặp thường xuyên là kẻ thù bên trong.

Kẻ thù bên trong gây cho ta nhiều rắc rối. Nếu nuông chìu tham sân si, cá nhân sẽ không thoát khỏi kẻ thù bên trong và sẽ gặp nhiều nguy hiểm. Nguy hiểm của sự tự chê trách, tự phê phán, hoặc bị chê trách, bị phê phán bởi bậc trí nhân; cũng như nguy hiểm vì bị luật pháp trừng phạt và tái sinh vào các cảnh giới thấp kém. Tóm lại, có bốn loại hiểm nguy đáng sợ của kẻ thù bên trong: tự chê trách, bị người khác chê trách, bị trừng phạt, và tái sinh vào cảnh giới thấp. Muốn bình an và không bị hiểm nguy, phải thoát khỏi kẻ thù bên trong.

Đức Phật dạy, muốn thoát khỏi kẻ thù bên trong, cần phải tận diệt các phiền não quá độ. Do tham lam quá đáng, con người cướp giựt tài sản của kẻ khác, tà hạnh với những người vị thành niên hay đã có gia đình. Người làm những điều này nghĩ rằng thỏa mãn những gì mình muốn là thành công, nhưng sự thật là đã bị đánh bại bởi kẻ thù bên trong là phiền não. Hay người đó nghĩ đã có được những gì họ mong muốn nhưng thật sự đã bị kẻ thù bên trong lấy mất tất cả. Do đó, phạm vào các hành động sai trái sẽ làm cho cách ứng xử trở nên không trong sạch, thô bạo và do đó cuộc sống không được an vui.

Nếu chỉ đua đòi danh lợi cho chính mình, gia đình mình, phe nhóm mình, con người sẽ trở nên ích kỷ và không phát triển được tâm từ ái. Thiếu tâm từ, con người trở nên giận dữ. Thiếu tâm bi, con người trở nên độc ác. Do đó, nuông chìu theo lòng tham quá độ, con người sẽ chỉ mưu cầu lợi lạc cho chính mình, gia đình hay phe nhóm và không tự kiểm soát được mình nên dễ trở nên sân hận, ganh tỵ, độc ác, và dối trá. Ngược lại, nếu không đua đòi danh lợi cho bản thân và gia đình, con người sẽ nghĩ đến lợi lạc, an vui của người khác và từ đó phát triển được các đức tính từ bi, nhẫn nhục, và dung thứ.

Có được từ tâm và lòng bi mẫn là tự thắng chính mình. Với lòng từ bi, cá nhân không nỡ hại người khác. Do vậy, các ô nhiễm bên trong giảm bớt và tâm trở nên sáng suốt, phân biệt rõ ràng lợi hại, thích nghi hay không thích nghi. Nhờ có trí tuệ và biết suy xét, cá nhân sẽ không làm điều sai trái và tận dụng cơ hội cũng như thời gian làm điều thiện lành để trở thành người có văn hóa thật sự.

Con người cần phải biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi. Nhờ hỗ thẹn và ghê sợ tội lỗi, con người không muốn có hành động, lời nói hay tư tưởng bất thiện. Do đó, cá nhân biết tự kiểm soát mình, dứt bỏ sự thô tháo nơi bản thân và như vậy, thân khẩu ý trở nên trong sạch, dễ mến, dịu dàng, không bị chê trách. Cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, Đức Phật đã dạy cách thức loại trừ hành động và cách ứng xử thô thiển, bất thiện để trở nên có văn hóa thật sự. Ba pháp tu tập để thành đạt mục đích này là: bố thí, trì giới và hành thiền. Bố thí (dāna) là cho ra những gì cá nhân hiện có để giúp đỡ người khác, trì giới (sīla) là tự kiểm soát để không làm điều sai trái, và hành thiền (bhāvanā) làm cho tâm trong sạch, không bị ô nhiễm bởi phiền não.

Đức Phật dạy có ba loại phiền não là phiền não tác động, phiền não tư tưởng và phiền não ngủ ngầm. Phiền não tác động biểu hiện qua thân và khẩu, phiền não tư tưởng biểu hiện qua ý tưởng, và phiền não ngủ ngầm tiềm ẩn trong tâm và sẽ sinh khởi khi hội đủ điều kiện. Ngài cũng chỉ ra con đường Giới, Định, Huệ hay Bát Chánh Đạo để đoạn trừ ba loại phiền não này.

Qua tu tập, hành giả tự kinh nghiệm những thay đổi tốt đẹp trong đời sống tinh thần cho nên phát triển đức tin nơi giáo pháp và pháp hành. Do đó, Sư khuyên các thiền sinh nên áp dụng lời Phật dạy một cách đúng đắn và chính xác trong bốn mươi bốn ngày tới để vun bồi tâm linh một cách có hiệu quả. Nếu hành giả tu tập tinh cần, theo sát những lời chỉ dạy của Đức Phật và thiền sư hướng dẫn, Sư bảo đảm hành giả sẽ kinh nghiệm giáo pháp và trở thành người có văn hóa và tinh hoa thật sự.

BỐ THÍ

Bố thí (dāna) là chia sẻ với người khác những gì mình có. Đức Phật dạy rằng bố thí với ý muốn chia sẻ là nhân (vatthu) và sự thịnh vượng hạnh phúc là quả là điều nên làm (kiriya). Đức Phật cũng dạy bố thí là phước báu vì nó làm cho đời sống trở nên thanh tịnh (atta santānaṁ punāti sodetīti puññaṁ). Khi bố thí là điều nên làm, là nhân hạnh phúc, và là phước báu, nghĩa cử bố thí thật đáng trân quý vô cùng.

Đức Phật dạy Giáo Pháp (dhamma) và Giới Luật (vinaya). Giáo Pháp là lời dạy bảo, là kim chỉ nam giúp người hành theo để hưởng nhiều lợi lạc và Giới Luật là những luật lệ đặt ra để giúp con người có lời nói và hành động đúng đắn, trong sạch. Giáo Pháp và Giới Luật còn gọi là sāsana có nghĩa văn hóa hay cách thức làm cho con người trở nên có văn hóa. Bố thí (dāna) là nền tảng của Phật giáo, mở đường cho sự tu trì giới luật (sīla) và thiền tập (bhāvanā). Do đó, bố thí cũng là văn hóa.

Bố thí loại bỏ được tham lam, ích kỷ. Ngay lúc bố thí mà không mong cầu danh lợi riêng tư, tâm thí chủ được trong sạch và phước bố thí sẽ mang lại những gì thí chủ mong ước (kārakassa manorathaṁ pūretīti puññaṁ).

Bố thí giúp cho cá nhân hiểu được căn bản của lời Phật dạy và là thiện nghiệp hỗ trợ thành tựu điều mong ước mà không cần cầu khẩn một đấng thần linh nào. Vì lẽ đó, thí chủ hiểu rằng chỉ có thiện ý trong sạch cũng như tin vào luật nhân quả là làm lành gặp lành, làm ác gặp ác giúp thành tựu điều mình mong ước. Do vậy, bố thí đúng cách giúp loại bỏ si mê, vun bồi chánh kiến (sammāditthi) và phát triển trí tuệ (paññā).

Khi bố thí, ta khởi lòng từ ái (mettā) mong muốn người nhận có được cái mà họ cần và an vui, hạnh phúc. Do đó, bố thí giúp phát triển từ tâm và loại trừ sân hận (adosa) vì sân hận đối nghịch với từ ái. Vì muốn người khác được an vui hạnh phúc, thí chủ chia sẻ những gì mình có. Do vậy, bố thí loại trừ ích kỷ, khơi dậy lòng bi mẫn (karunā), tính nhẫn nại, khoan dung và đức hy sinh. Khi thấy người nhận được hạnh phúc, thí chủ còn sinh lòng hoan hỷ (muditā), vui với niềm vui của người nhận. Khi những trạng thái tâm thiện (kusala cetasika) này sinh khởi thì ganh tỵ, tự hào, kiêu hãnh, ác ý, bủn xỉn bị loại trừ.

“Dāna” thường được dịch là “dâng tặng”, “cho”, hay “chia sẻ”, nhưng thật ra “dāna” còn có nghĩa là cái gì được tặng (dātabbavatthu), ý muốn tặng (cetanā), và hành động ban tặng. Bố thí chỉ được thành tựu khi có cả ba yếu tố là vật cho, ý muốn bố thí, và hành động bố thí. Khi một người có vật muốn cho, có ý muốn cho mà không luyến tiếc, và có lòng từ bi đối với người nhận thì việc bố thí tự động xảy ra. Bố thí hội đủ những điều kiện trên được coi là sự bố thí đúng cách. Đây là loại bố thí mang phẩm chất cao, mở đường cho sự phát triển giới đức trong sạch.

Khi bố thí, ta mở rộng lòng từ, bi, hoan hỷ với người khác. Nếu bố thí mà không mong lợi lạc, tâm vắng bóng tham lam, ích kỷ, và sân hận. Với lòng từ bi sẽ không nỡ giết hại, cướp bóc, tà dâm, lường gạt hay gây đau khổ cho ai nên tâm trở nên trong sạch. Do đó, trong lúc bố thí, cá nhân có được thân, khẩu, ý trong sạch.

Bố thí mà vô cầu và với tâm từ bi là hành động của người có trí tuệ. Bố thí chỉ nhắm đến mục đích tận diệt mọi phiền não và thành đạt hạnh phúc giải thoát cao thượng sẽ là duyên lành loại trừ tham, sân, si thô thiển, tăng trưởng các thiện nghiệp và hỗ trợ cho sự tu giới.

Có ba loại bố thí là tài thí (āmisadāna), vô úy thí (abhayadāna), và pháp thí (dhammadāna). Tài thí (āmisadāna) là bố thí tài vật với tác ý trong sạch. Vô úy thí (abhayadāna) là bố thí sự bình yên, tránh hay không đem sự sợ hãi đến cho người khác. Con người thường sợ hãi chánh quyền, trộm cướp, máu, lửa, kẻ thù, rắn độc, ma quỷ, hay các chúng sinh vô hình. Vậy giúp tạo nên một chánh quyền tốt, ngăn ngừa hỏa hoạn, lụt lội, cứu người trong cơn hoạn nạn, bảo vệ người khỏi bị kẻ thù hay thú dữ làm hại đều là vô úy thí. Làm người ai cũng sợ bị hãm hại, dối gạt, khổ sở bởi các chất say, mất mát của cải và hạnh phúc. Vì sân hận, cá nhân hãm hại và gây đau khổ cho người khác. Cho nên, giữ giới để kiểm soát thân, khẩu là thực hành vô úy thí vì sẽ không gây ra thiệt hại, đau khổ cho tha nhân. Phước báu của vô úy thí vượt xa tài thí; do đó, nên chú trọng thực hành vô úy thí (giữ giới) ngoài tài thí.

Về pháp thí (dhammadāna), giáo pháp (dhamma) hướng dẫn con người cách thức nâng cao phẩm chất đời mình. Vun bồi chánh niệm vững vàng (satipaṭṭhāna) đem đến cho ta nhiều lợi lạc; cho nên, hướng dẫn người khác thực hành chánh niệm chính là pháp thí. Giúp người biết cách gìn giữ thân, khẩu, ý thanh tịnh cũng là pháp thí. Chỉ cách cho người khác loại bỏ các ô nhiễm trong tâm cũng là pháp thí. Ở thiền viện này, các thiện nguyện viên phục vụ thiền sinh trong vấn đề ăn uống và chỗ ở, tạo điều kiện cho các thiền sinh tu tập tốt cũng là thực hành pháp thí.

Có người bố thí vì mong cầu hạnh phúc giàu sang, một loại hạnh phúc không bảo đảm. Có người bố thí chỉ vì lòng từ bi mong người nhận được an vui và hoan hỷ với niềm vui của người nhận. Tuy nhiên, nên bố thí với mục đích giải thoát khỏi mọi khổ đau. Khi cả hai thí chủ và người thọ nhận đều giữ giới tròn đầy thì sự bố thí được tối ưu nhờ vào giới đức trong sạch của cả người cho lẫn người nhận.

Vua Asoka đã cho khắc vào trụ đá như sau: bố thí là một thiện nghiệp nhỏ, nhưng nếu được làm đúng cách sẽ giúp loại bỏ tham, sân, si thật nhiều. Do loại bỏ được tham, sân, si thô thiển, thí chủ thoát khỏi sự lôi kéo của phiền não, nên đời sống được thăng hoa. Vì lẽ đó, mỗi khi bố thí, đừng mong cầu loại hạnh phúc không đảm bảo trong luân hồi mà hãy nhắm đến mục đích tận diệt mọi phiền não để thành đạt loại hạnh phúc bảo đảm cao thượng.

TRÌ GIỚI

KẺ NỘI THÙ VÀ SỰ TRÌ GIỚI

Những lời giảng của Đức Phật về năm kẻ thù đáng sợ (bhayavera) hay sự sợ hãi do không giữ ngũ giới được ghi lại rải rác trong tạng kinh. Trong tiếng Pāḷi, “bhaya” là sợ hãi và “vera” là kẻ thù.

Sợ hãi (bhaya) được phân chia thành nhiều loại: sợ hãi phát sinh do trí tuệ (sahottappa ñāṇa), sợ hãi phát sinh trước những đối tượng đáng sợ (ārammaṇabhaya), và tâm sợ hãi, bất an (cittutrāsabhaya). Khi thấy rõ những mối hiểm nguy trong vòng luân hồi (samsāra), ta sẽ cấp bách muốn thoát khỏi luân hồi (samvega). Sự sợ hãi này phát sinh do trí tuệ. “Ārammaṇabhaya” là sợ hãi trước một đối tượng đáng sợ nào đó như chánh quyền bạo tàn hay độc tài hoặc lo sợ cho tương lai. “Cittutrāsabhaya” là tâm bất an, sợ sệt, một hình thức sân hận loại yếu.

Nói về kẻ thù (vera), có hai loại kẻ thù: trạng thái tâm bất thiện (akusalavera) và người thù (puggalavera). Trạng thái tâm bất thiện hay phiền não là kẻ thù bên trong hay kẻ thù gần. Người thù là kẻ thù bên ngoài hay kẻ thù xa. Con người thường lãng phí nhiều thời giờ lo âu, sợ hãi kẻ ngoại thù, cái không đáng lo sợ. Tuy nhiên, nội thù hay kẻ thù bên trong nguy hiểm hơn ngoại thù nhiều vì là mầm mống gieo rắc mọi đau khổ và không dễ loại trừ. Do vậy, muốn được an vui, không nên dung tha kẻ nội thù nhưng quyết tận diệt kẻ nội thù một cách không thương tiếc.

Khi không chánh niệm, tâm bị mê mờ nên những trạng thái tâm bất thiện sinh khởi. Đa số bị tà kiến về tiểu hồn (jīva atta) tin rằng trong mỗi cá nhân có linh hồn riêng điều khiển và kiểm soát mọi hoạt động của cá nhân đó. Họ lý luận là nếu không có linh hồn thì thể xác sẽ vô dụng, không thể thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm v.v… Họ cho rằng khi chết rồi thể xác sẽ bị hư hoại nhưng linh hồn chuyển sang thân xác mới để tiếp tục sống trong kiếp tới. Ngoài ra, còn có tà kiến tin đại hồn (parama atta) là đấng tối cao sáng tạo ra tất cả, hiểu biết mọi chuyện, không buồn vui, không hình tướng… và chỉ huy các tiểu hồn.

Tà kiến về tiểu hồn, đại hồn là bất thiện, là kẻ thù bên trong hay nội thù. Si mê không hiểu biết hay lầm lẫn về hậu quả của tham, sân cũng là kẻ thù bên trong. Hoài nghi không phân biệt được đúng sai cũng là kẻ thù bên trong. Tâm hối hận, trạo cử, không được kiểm soát cũng là kẻ thù bên trong. Nơi tâm của người không tu tập, các trạng thái tâm bất thiện như thế thường sinh khởi làm cho tâm luôn xao động. Do đó, các trạng thái tâm bất thiện được gọi là kẻ nội thù. Không ngăn ngừa, để cho chúng sinh khởi là chấp nhận và đồng lõa với kẻ nội thù. Chính vì kẻ nội thù này mà ta tự hại và gây tổn thương cho người khác.

Khi si mê quá độ, các trạng thái tâm bất thiện sinh khởi khiến con người không biết thu thúc những gì cần phải thu thúc hay không giữ giới, và không làm những gì cần phải làm hay không vun bồi thiện nghiệp. Ngũ giới bao gồm không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói lời sai trái, và không lạm dụng chất say. Không giữ ngũ giới sẽ không thoát khỏi kẻ nội thù nên sống một cuộc đời đầy lo sợ và hiểm nguy.

Không giữ giới cấm sát sanh, cá nhân có thể gây oan trái, thù hận với nhiều người, thậm chí giết hại người khác. Thế giới ngày nay dẫy đầy những tranh chấp, đánh nhau giữa các phe nhóm, quốc gia… Kẻ thất thế dù phải cúi đầu nhượng bộ nhưng vẫn luôn nuôi dưỡng trong tâm mối hận và chờ đợi cơ hội trả thù. Không giữ giới, con người còn có những cư xử sai trái khác như trộm cắp, tà hạnh, dối trá, say sưa. Say sưa đưa đến lơ đãng, cẩu thả, không giữ gìn được những điều phải giữ gìn nên cá nhân tự hủy hoại đời mình như hôn nhân đổ vỡ, mất việc, không được người kính trọng… Khi tham, sân, si quá độ, ta không còn tự chủ nên có những cư xử thái quá gây tổn thương cho mình và người về vật chất lẫn tinh thần. Người như thế không thể xem là một con người thật sự.

Do đó, nếu không chế ngự được kẻ thù bên trong, càng ngày con người càng bị hành hạ bởi nội thù phiền não và có thêm kẻ ngoại thù. Kết quả là không thể an vui mà luôn sợ hãi, lo âu và đời sống họ vì vậy trở nên khốn khổ. Thêm vào đó, khi mất đi họ còn phải chịu tái sinh vào khổ cảnh vì những bất thiện nghiệp đã gây ra trong đời này.

Trong một phút không chánh niệm, bất thiện tâm sinh khởi sáu mươi lần. Trong năm phút không chánh niệm, bất thiện tâm sinh khởi ba trăm lần. Trong một giờ không chánh niệm, bất thiện tâm sinh khởi ba ngàn sáu trăm lần. Nếu không chánh niệm trong nhiều giờ, bất thiện tâm sinh khởi nhiều ngàn lần liên tục. Do đó, nếu không khắc phục được kẻ thù bên trong, ta sẽ nuông chìu chúng và gây nguy hại cho người khác. Người làm hại kẻ khác sẽ bị hối hận dày vò, tự phê phán mình (attānuvādabhaya), sợ người chê trách (parānuvādabhaya), luật pháp trừng phạt và lo âu (daṇḍabhaya), tái sinh về khổ cảnh (duggatibhaya). Vì vậy, hại người là bất thiện nghiệp đã xảy ra làm điều kiện cho bất thiện mới như hối hận, lo sợ sanh khởi.

Biết tự kiểm soát sẽ có lòng từ bi nghĩ đến sự an vui của người khác nên không nỡ hại người; và như vậy, phát triển được tâm từ, lòng khoan dung, tính nhẫn nại và đức hy sinh. Vì lẽ đó, giữ năm giới tròn đầy là mang sự bình yên đến người khác (abhayadāna), là kỷ cương cho xã hội. Đây là điều mà mọi người không phân biệt chủng tộc hay tôn giáo nên thực hành. Giữ giới làm cho thân, khẩu, ý trong sạch, nhân phẩm rạng ngời và nhờ đó ta đựợc tái sinh vào nhàn cảnh.

Phẩm hạnh con người được đo lường bằng sự giữ giới. Nếu giữ giới trọn vẹn, cá nhân được xem là người có phẩm chất cao. Ví như người có máu O có thể hiến máu cho người có loại máu A, máu B và máu AB vì máu O thích nghi với tất cả. Cùng thế ấy, ngũ giới thích nghi cho tất cả mọi người. Tóm lại, nên vun bồi giới hạnh để khỏi phạm những lỗi lầm trong cư xử gây tổn thương cả vật chất lẫn tinh thần cho mình và tha nhân.

BA LOẠI PHIỀN NÃO

Khi muốn mà không được thỏa mãn, con người sẽ cảm thấy khổ sở, phiền não. Một khi tâm bị phiền não hành hạ, thiêu đốt nó sẽ trở nên xấu xa, ươn yếu. Và nếu cứ để tâm buông lung không kiểm soát, con người sẽ bất chấp tội lỗi, sẵn sàng làm mọi chuyện như giết chóc, hãm hại, tà hạnh, say sưa… Nếu quán xét, hành giả sẽ thấy rằng một trăm phần trăm các đau khổ xảy ra trong đời đều do phiền não gây nên.

Ai cũng muốn hạnh phúc, không ai muốn đau khổ. Đau khổ hoàn toàn do phiền não gây ra. Có ba loại phiền não: phiền não tác động (vītikkamakilesa), phiền não tư tưởng (pariyuṭṭhānakilesa), và phiền não ngủ ngầm (anusayakilesa). Phiền não hành hạ con người, thiêu đốt tâm làm cho tâm dơ bẩn, giống như lửa làm mọi vật cháy đen, lem luốc. Người có phiền não nhiều sẽ đau khổ nhiều, người có phiền não ít đau khổ ít.

Đức Phật dạy rằng để thoát khỏi đau khổ, cần phải tận diệt ba loại phiền não nói trên bằng cách vun bồi giới (sīla), định (samādhi) và huệ (paññā).

Phiền não tác động đưa đến hành vi và lời nói sai trái được chế ngự bằng sự giữ giới. Mỗi khi xin giới, hành giả nguyện: “Tôi xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự sát sanh v..v…” Nhờ giữ giới nên không phạm lỗi lầm qua hành động và lời nói giống như thu thúc không đi vào vùng đang có dịch bệnh truyền nhiễm khắp nơi.

Phiền não tư tưởng không biểu lộ qua thân và khẩu nhưng thể hiện trong tâm khi toan tính hay tưởng nghĩ đến những hành động bất thiện như sát sanh, trộm cắp, tà hạnh… Phiền não tư tưởng được chế ngự bằng định; do đó, cần phải thực hành chánh niệm liên tục để phát triển định tâm. Khi chánh niệm chưa đủ mạnh, phiền não có thể sinh khởi lúc này hay lúc khác; tuy nhiên, nếu có chánh niệm, hành giả sẽ ngăn ngừa được phiền não phát sinh. Vì phòng cháy hơn chữa cháy, nên hành giả cẩn thận duy trì chánh niệm mọi lúc để phiền não không có cơ hội sanh khởi nơi tâm. Nếu đám cháy bộc phát, cần phải dập tắt ngay. Cùng thế ấy, khi phiền não tư tưởng sanh khởi, hành giả phải lập tức chánh niệm ghi nhận để loại trừ ngay tư tưởng bất thiện này.

Phiền não ngủ ngầm luôn tiềm ẩn trong tâm chờ điều kiện hay cơ hội thuận tiện sẽ bộc phát thành phiền não tư tưởng. Phiền não ngủ ngầm chỉ có thể bị tiêu diệt bằng pháp hành Minh Sát Niệm Xứ. Trong tiến trình hành thiền, Minh Sát Tuệ càng lớn mạnh thì phiền não ngủ ngầm càng suy yếu. Và khi giác ngộ với chánh trí, phiền não ngủ ngầm mới bị diệt tận.

Trong ba loại phiền não, phiền não tác động qua thân, khẩu là thô tháo nhất. Phiền não tác động vì không giữ giới đem đến nhiều sợ hãi và lắm kẻ thù. Nhờ giữ giới tròn đầy, ta có thể tự kiểm soát không làm những điều bất thiện nên trở thành người có giới đức, bảo vệ được mình cùng người và hưởng nhiều lợi lạc. Tuy nhiên, giữ giới chỉ giúp ngăn ngừa sự sanh khởi của loại phiền não tác động thô tháo chứ không có khả năng đoạn tận được loại phiền não này. Lý do là một khi không giữ giới và nếu điều kiện hội đủ thì loại phiền não này lại sanh khởi. Chỉ khi hành thiền Minh Sát Niệm Xứ và thành tựu Thánh Đạo Nhập Lưu hay Tu Đà Hoàn Đạo (sotāpattimagga), hành giả mới có khả năng diệt trừ loại phiền não tác động này.

HỖ THẸN VÀ GHÊ SỢ TỘI LỖI

Nhờ biết hổ thẹn tội lỗi (hirī) và ghê sợ tội lỗi (ottappa) mà ta giữ giới. Có sự hổ thẹn tội lỗi nên không làm điều bất thiện ví như không dám sờ vào phân vì không muốn bẩn tay. Ghê sợ tội lỗi sẽ không làm điều bất thiện giống như không dám sờ vào thanh sắt nóng đỏ vì sợ bị phỏng tay. Tóm lại, nhờ biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi mà ta không làm điều sai lầm.

Hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi được gọi là pháp trắng hay pháp thanh tịnh (sukkadhamma). Màu trắng không hút nhiệt nên pháp trắng có nghĩa là pháp không thu hút phiền não. Hai pháp này còn được gọi là pháp sáng (devadhamma) hay pháp bảo vệ thế gian (lokapāla) vì nhờ chúng mà cá nhân bảo vệ được chính mình và người khác nên thế giới được yên bình. Do đó, mọi người cần có sự hổ thẹn và ghê sợ những điều tội lỗi để chuyên tâm gìn giữ giới đức cho được tròn đầy.

PHẨM HẠNG CỦA GIỚI ĐỨC

Về phẩm hạng của giới đức, theo Thanh Tịnh Đạo, sự trì giới được thành tựu bởi bốn yếu tố: ý hướng (chandādhipati), nỗ lực (vīriyādhipati), quyết tâm (cittādhipati) và trí tuệ (vīmaṁsādhipati). Dựa vào mức độ và phẩm chất của bốn yếu tố này mà giới đức được phân làm ba hạng: bậc hạ (hīna sīla), bậc trung (majjhima sīla) và bậc thượng (panīta sīla). Nếu bốn yếu tố này đều ở mức độ yếu thì sự giữ giới có phẩm chất bậc hạ. Nếu bốn yếu tố này ở mức độ trung bình thì sự giữ giới có phẩm chất bậc trung. Và nếu bốn yếu tố này mạnh mẽ thì sự giữ giới có phẩm chất bậc thượng.

Phẩm chất còn được phân hạng theo mục đích của sự giữ giới. Nếu giữ giới với mục đích được khen ngợi và có nhiều bạn bè thì sự giữ giới có phẩm chất bậc hạ. Nếu giữ giới vì nghĩ rằng giới đức sẽ đem lại nhiều lợi lạc như giúp mình tránh được hiểm nguy, làm trong sạch thân, khẩu thì sự giữ giới có phẩm chất bậc trung. Nếu giữ giới vì nghĩ rằng giới đức làm thân, khẩu trong sạch và mở đường cho sự thanh lọc tâm thì giới đức này có phẩm chất bậc thượng. Các bậc trí nhân luôn có giới đức bậc thượng.

Phẩm chất của giới đức còn được phân hạng theo mức độ trong sạch. Có người giữ giới với tâm ngã mạn nghĩ rằng chỉ có “tôi” có giới trong sạch, nên khởi tâm khinh rẻ người khác. Trong trường hợp này, thiện nghiệp giữ giới trộn lẫn với bất thiện nghiệp ngã mạn nên sự giữ giới này có phẩm chất bậc hạ. Giữ giới mà không ngã mạn hay tự cao thì sự giữ giới có phẩm chất bậc trung. Nếu giữ giới với tâm hoàn toàn trong sạch thì sự giữ giới có phẩm chất bậc thượng. Các hành giả ở đây đang giữ giới mà không ngã mạn tự cao, nên sự giữ giới của các hành giả mang phẩm chất bậc trung.

Phẩm chất của giới đức còn được phân hạng theo ý muốn. Giữ giới vì muốn được lợi lạc vật chất có phẩm chất bậc hạ. Giữ giới vì muốn thoát khỏi sinh tử luân hồi có phẩm chất bậc trung. Giữ giới vì muốn giải thoát tất cả chúng sinh ra khỏi luân hồi có phẩm chất bậc thượng. Người vun bồi Ba La Mật trì giới với phẩm chất bậc thượng. Các hành giả ở đây có sự giữ giới bậc trung vì sau mỗi lần xin giới, các hành giả nguyện: “Idam me sīlam maggaphalañānassa paccayo hotu”, nghĩa là: “Nhờ phước báu của sự giữ giới tròn đầy, mong cho tôi chứng đạt được Đạo, Quả.” Khi trì giới, nếu có mong ước riêng tư thì nên mong chứng ngộ Niết Bàn để chấm dứt mọi khổ đau và có hạnh phúc giải thoát bảo đảm.

Khi giữ giới với mục đích tạo Ba La Mật, cá nhân không tìm kiếm lợi lạc cho riêng mình mà cốt nhắm đến lợi lạc của người khác dù có phải hy sinh. Nhờ nghiêm mật hành trì mà phát triển được tâm từ bi, lòng khoan dung, đức hy sinh và tính nhẫn nại. Người làm việc thiện và giữ giới nhắm đến lợi lạc của người khác là người cao thượng (parama) và sự trì giới cao thượng này được gọi là Ba La Mật (pāramī).

Nếu các hành giả ở đây giữ giới vì không muốn gây đau khổ nhưng nghĩ đến hạnh phúc của người khác và với mục đích giải thoát thì sự giữ giới này được xếp vào loại giữ giới Ba La Mật (sīlapāramī) có phẩm chất bậc thượng.

Người ta thường lầm lẫn rằng bố thí càng nhiều thì giới đức càng trong sạch. Họ coi trọng bố thí vật chất hơn là giữ giới mà không hiểu rằng mỗi cá nhân phải có trách nhiệm giữ giới, tự kiểm soát mình để không làm khổ lụy người khác. Các hành giả ở đây không phải giữ năm giới mà giữ đến tám giới. Khi giữ giới, hành giả đang thực hành văn hóa Phật giáo.

BỐ THÍ VÀ TRÌ GIỚI

Đức Phật dạy về bố thí trước khi giảng về trì giới vì bố thí dễ thực hiện hơn giữ giới. Khi bố thí mà không mong cầu lợi lạc cho riêng mình, người bố thí không còn tham, sân, si quá độ và có tâm trong sạch. Như vậy bố thí tạo điều kiện và nền tảng cho sự trì giới.

Bố thí là pháp tu “làm những gì nên làm” trong khi trì giới là pháp tu “tránh những gì không nên làm”. Là con người chúng ta phải có bổn phận đối với gia đình, xã hội và quốc gia. Chúng ta nên bố thí giúp đỡ người khác về phương diện vật chất và nên trì giới để không làm tổn thương mọi người. Đức Phật dạy rằng do tinh tấn (appamāda) làm những gì cần phải làm, thu thúc những gì cần phải thu thúc mà cá nhân hưởng được lợi lạc. Quả báo của bố thí là cuộc sống vật chất dồi dào và của trì giới là sự tái sinh vào nhàn cảnh. Ở nước Mỹ, con người có đời sống vật chất đầy đủ tiện nghi, hưởng thụ nhiều loại hạnh phúc vật chất nên có thể nói người dân được hưởng quả báo của các nghiệp thiện bố thí và trì giới trong quá khứ.

Trong kinh điển, “pariccāga” là cho hay từ bỏ và “pariggaha” là nhận. Bố thí là cho đi, dâng tặng nên là pariccāga. Vậy bố thí vật chất cho những người khốn cùng, cúng dường bậc có giới-định-huệ là pariccāga. Ngay lúc bố thí, người cho không những không có ý tưởng hãm hại, hành hạ mà còn cầu mong người nhận được an vui và hoan hỉ với niềm vui của họ. Do đó, thực hành bố thí thường xuyên, ta vượt qua được tham, sân, si thô thiển, lòng từ bi rộng mở và có thân, khẩu trong sạch. Cho nên, cho đi tức là nhận lại. Ta cho đi vật chất và nhận về niềm hạnh phúc an lạc cùng giới đức trong sạch. Vì thế, thiện nghiệp bố thí và trì giới mang đặc tính hoàn mỹ, không tỳ vết, trổ quả an vui (kusalā anavajja-sukhavipāka-lakkhaṇā) và được coi là văn hóa trong Phật giáo.

Đức Phật dạy cho chúng sinh biết là bố thí và trì giới đem đến cuộc sống hạnh phúc ở cõi người hoặc cảnh trời. Nhờ bố thí và trì giới, cá nhân tu tập tốt ở chặng đầu và có được những gì quý, đẹp và hạnh phúc mà mình mơ ước. Tuy nhiên, Ngài cũng chỉ rõ những bất toàn của hạnh phúc ngũ dục ở những cõi này. Hạnh phúc ngũ dục dù có lớn lao đến đâu cũng không phải là loại hạnh phúc tột cùng vì nó không thật sự bền vững và bảo đảm. Ví như voi con được cưng chìu khi nhỏ nhưng sẽ bị cưa ngà khi lớn lên, nếu người và chư thiên sống cả đời chỉ để hưởng hạnh phúc ngũ dục thì cuộc sống này trở nên vô giá trị. Do đó, hạnh phúc có được qua sự bố thí và trì giới vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Vì vậy, hành giả phải quyết chí hành thiền hay tu tập Định và Huệ để đạt đến chặng cuối là tận diệt mọi phiền não ngủ ngầm trong tâm để hưởng hạnh phúc giải thoát đảm bảo hơn.

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app