Phần 9

Minh Sát Trực Tiếp và Minh Sát Suy Diễn

Minh Sát Trực Tiếp

Minh Sát Suy Diễn

Hãy Nỗ Lực Tu Tập

Đừng Để Bị Khổ Đau

Nhân Duyên và Luân Hồi

Tinh Tấn Hành Thiền

Hạnh Phúc

MINH SÁT TRỰC TIẾP VÀ MINH SÁT SUY DIỄN..

Có hai loại tuệ giác minh sát. Đó là Minh Sát Trực Tiếp (paccakkhañāna) hay kinh nghiệm thực chứng và Minh Sát Suy Diễn (anumānañāna) hay sự hiểu biết qua suy diễn dựa theo kinh nghiệm thực chứng.

Minh Sát Trực Tiếp

Kinh nghiệm thực chứng từ thiền tập là hiểu biết tận tường và cụ thể về danh sắc như thể để danh sắc trong lòng bàn tay và nhìn ngắm. Khi ghi nhận chuyển động phồng, xẹp với tầm và tấn, chánh niệm và chập định phát triển giúp hành giả thấy được đặc tính riêng của đề mục. Khi tâm trụ trên sự căng, hành giả hiểu sự căng; khi tâm bám trên sự cứng, hành giả hiểu sự cứng; và hành giả hiểu bản chất danh sắc như nó là vậy (yathābhūtānupassanāñāna). Nhờ quán sát danh sắc ngay khi chúng đang sinh khởi như thế, hành giả hiểu được đặc tính riêng của các hiện tượng này.

Chú tâm vào chuyển động toàn thân khi hạ người xuống để ngồi, hành giả kinh nghiệm các cảm giác căng, cứng, khó chịu và nặng dần. Nếu ghi nhận kịp thời, hành giả sẽ thấy ý muốn hạ người xuống (danh) đến trước và chuyển động hạ người (sắc) tiếp theo sau. Khi hành giả thấy danh sắc một cách rõ ràng, biện biệt như vậy, hành giả đạt được Tuệ Phân Biện Danh Sắc (nāmarūpaparicchedañāna).

Sự hiểu biết này là kinh nghiệm thực chứng có được nhờ thiền tập (paccakkhañāna). Từ kinh nghiệm danh sắc một cách biện biệt như vậy, hành giả hiểu rằng không có ai cả mà chỉ có danh sắc. Hành giả hiểu rõ không có cá nhân cũng như không có linh hồn hay tự ngã như mình tưởng nhưng chỉ có danh và sắc hiện hữu trong từng khoảnh khắc mà thôi. Nhờ đó, hành giả loại bỏ tà kiến về tự ngã hay tiểu hồn (jīva atta). Hành giả thay thế sự hiểu biết sai lầm do tưởng (saññā ditthiyā mūla) bằng sự hiểu biết thực chứng tức trí tuệ. Trí tuệ hay sự hiểu biết rõ ràng là Chánh Kiến (sammā diṭṭhi).

Tà tưởng (micchā-saññā) tức sự ngộ nhận do tưởng bắt nguồn từ những gì không có thật. Tin tưởng sai lầm vào những gì không có thật là vô minh hay tà kiến. Đó là ý nghĩa của kệ ngôn “tưởng làm cho hiểu biết sai lầm, làm phát sinh tà kiến” (saññā ditthiyā mūla). Do có sự hiểu biết chắc chắn về những gì có thật, hành giả không còn tà kiến hay không còn tin vào tự ngã, linh hồn. Đây là trí tuệ đến từ thiền tập.

Ngay lúc sắp ngồi, hành giả chú tâm cẩn thận sẽ thấy hàng loạt ý muốn ngồi xảy ra trước rồi chuyển động ngồi mới xảy ra sau. Nhờ ghi nhận đúng đắn, hành giả thấy được tiến trình sanh khởi của danh sắc. Danh là ý muốn ngồi tạo nên sắc là chuyển động ngồi. Sự hiểu biết về liên hệ nhân quả này giữa danh và sắc chính là Tuệ Giác Về Nhân Quả (paccayapaiggahañāna).

Tuệ giác hay hiểu biết về tương quan nhân quả giữa danh và sắc phá bỏ được trạng thái si mê cực độ của tâm (sammoha) về Thượng Đế hay Đại Hồn (parama atta) sáng tạo và điều khiển mọi vật. Vì không hiểu về luật nhân quả nên trạng thái si mê cực độ này tiềm tàng qua bao kiếp sống trong kiếp luân hồi. Nhờ phát triển được Tuệ Nhân Quả tức hiểu biết là nhân nào sanh quả đó, hành giả loại bỏ tà kiến về một đấng tối cao hay Thượng Đế có khả năng tạo ra mọi vật.

Nếu tiếp tục hướng tâm và nỗ lực liên tục ghi nhận đề mục, chánh niệm sẽ được thiết lập vững vàng và sát na định trở nên mạnh mẽ hơn nữa. Nhờ vậy, hành giả thấy được cả nhân và quả cũng sinh ra và diệt đi nhanh chóng trong từng khoảnh khắc. Danh sắc cũ sanh diệt, danh sắc mới tiếp đến cũng sanh diệt. Ngay lúc đó, hành giả trực nhận bản chất sinh diệt hay đặc tính chung Vô Thường (anicca) nơi các hiện tượng danh sắc. Và vì bị áp đảo bởi danh sắc sinh diệt liên tục không ngừng nghỉ như vậy nên hành giả có cảm giác bất toại nguyện hay khổ (dukkha). Rồi hành giả nhận ra rằng các hiện tượng danh sắc sanh khởi và hoại diệt tùy thuộc vào điều kiện và theo cách thế riêng biệt của chúng chứ không chịu bất cứ sự kiểm soát nào cả. Và đây chính là đặc tính Vô Ngã (anatta). Hiểu được ba đặc tính chung Vô Thường, Khổ, Vô Ngã của các hiện tượng danh sắc là Tuệ Giác Thấu Đạt (sammasanañāna) trong Thiền Minh sát.

Hành giả thường không kinh nghiệm cả ba đặc tính vô thường, khổ và vô ngã cùng một lúc. Tuy nhiên, khi kinh nghiệm một đặc tính đang nổi bật thì cũng hiểu luôn hai đặc tính còn lại chẳng hạn như khi hành giả hiểu vô thường thì hành giả cũng hiểu khổ và vô ngã.

Như vậy, khi lấy danh sắc làm đề mục quán sát, Minh Sát Tuệ (vipassanāñāna) sẽ tuần tự phát triển. Đây là sự hiểu biết qua thực chứng hay Minh Sát Trực Tiếp (paccakkhañāna).

Minh Sát Suy Diễn

Có hành giả lầm lẫn cho rằng chỉ cần suy nghĩ, phân tích hay suy diễn không thôi cũng có thể hiểu được danh sắc mà không cần phải quán sát. Tuy nhiên, mọi hiện tượng danh sắc liên hệ với nhau qua tương quan nhân quả liên tục sinh khởi trong hiện tại, nếu không chú tâm quan sát ta sẽ không thể nào hiểu được.

Khi ngồi thiền, hành giả được chỉ dẫn ghi nhận đề mục chính là chuyển động phồng xẹp của bụng. Liên tục quán sát phồng xẹp, hành giả sẽ thấy có sự căng cứng, chuyển động là đặc tính riêng của yếu tố gió. Chuyển động phồng xẹp có liên hệ với hơi thở. Phồng liên hệ với thở vô, không có thở vô sẽ không có phồng. Xẹp liên hệ với thở ra, không có thở ra sẽ không có xẹp. Sự thở vô, thở ra có nguyên nhân là ý muốn thở vô, thở ra. Do có ý muốn thở vô nên có thở vô và vì thở vô nên bụng mới phồng. Tương tự, do có ý muốn thở ra nên có thở ra và vì thở ra nên bụng mới xẹp. Như vậy, do có ý muốn thở vô, thở ra nên có chuyển động phồng, xẹp. Ý muốn thuộc tâm là danh, phồng xẹp là thân hay sắc. Như vậy, trong trường hợp này, danh tạo nên sắc theo tương quan nhân quả và cả hai không tồn tại mãi. Sự sanh khởi và hoại diệt của các hiện tượng danh sắc này là vô thường. Do vậy, chỉ khi chánh niệm ghi nhận các hiện tượng danh sắc ngay khi chúng vừa mới sinh khởi, hành giả mới có thể hiểu hiện tượng như nó thật sự là vậy và nhờ thế tuần tự phát triển các Tuệ Minh Sát.

Nhờ sự thấy rõ đặc tính của danh sắc qua kinh nghiệm thực chứng như vậy, sự hiểu biết qua suy diễn tự động hình thành. Chẳng hạn khi có chánh kiến thấy chuyển động ngồi của mình bắt đầu với ý muốn ngồi (tâm) và theo sau là thân ngồi xuống (thân) chỉ là tiến trình danh sắc xảy ra theo tương quan nhân quả, hành giả cũng hiểu rằng tiến trình này cũng diễn ra tương tự nơi người khác. Ngoài ra, hành giả cũng suy diễn sự ngồi trong quá khứ cũng như sự ngồi trong tương lai cũng chỉ là tiến trình danh sắc liên hệ qua nhân quả như vậy mà thôi. Do đó, sự hiểu biết danh sắc rõ ràng qua kinh nghiệm thực chứng đưa đến sự hiểu biết qua suy diễn (anumānañāna) hay Minh Sát Suy Diễn (anumānavipassanā).

Với minh sát suy diễn, hành giả có thể hiểu các hiện tượng danh sắc bên ngoài thân hay thuộc quá khứ hoặc tương lai. Sư muốn lưu ý hành giả là sự hiểu biết qua suy diễn phải bắt nguồn từ sự hiểu biết qua thực chứng. Không có hiểu biết qua thực chứng sẽ không có hiểu biết qua suy diễn. Vài hành giả dù chưa có sự hiểu biết qua thực chứng nhưng lại suy tư, phân tích, tưởng tượng. Làm như vậy hành giả chỉ phí thì giờ mà thôi. Nếu điều này xảy ra, hành giả hãy ghi nhận các trạng thái tâm suy tư, phân tích hay tưởng tượng ngay tức khắc có nghĩa là chánh niệm ghi nhận ngay vào lúc các trạng thái tâm này vừa mới sanh khởi. Ngoài ra, một số hành giả do ảnh hưởng của minh sát suy diễn cũng đã suy tư quá nhiều nên có thể bị trở ngại trong khi thiền tập. Nếu trường hợp này xảy ra, hành giả hãy cũng phải ghi nhận trạng thái tâm suy tư càng sớm càng tốt.

Như vậy, minh sát tuệ hình thành do quán sát đề mục danh sắc đang xảy ra ngay trong thời điểm hiện tại nên là kinh nghiệm trực tiếp liên hệ đến hành giả. Minh sát suy diễn là sự hiểu biết nhờ suy diễn dựa vào minh sát tuệ và đề mục có thể thuộc quá khứ hay tương lai, liên hệ đến hành giả hay tha nhân. Để có được minh sát tuệ, hành giả cần vận dụng tầm và tấn ghi nhận đề mục trong hiện tại. Ngược lại, minh sát suy diễn tự động hình thành từ minh sát trực tiếp không cần vận dụng hai tâm sở này.

Suy Tư và Minh Sát Suy Diễn

“Patisaṅkhāna bala” là năng lực suy luận hay phân tích khác với “bhāvanā bala” là năng lực tham thiền hay thiền lực. Ngoài đời, tư duy có thể đem đến ít nhiều lợi lạc, nhưng trong thiền tập, hành giả đừng phí thì giờ phân tích hay suy nghĩ mông lung. Hành giả nên ghi nhận đề mục đang sinh khởi trong hiện tại để hay biết đúng đắn đề mục. Khi không chú tâm quan sát đề mục, hành giả sẽ đắm chìm trong phân tích, suy tưởng vô bổ (sukka takka) bất tận. Suy nghĩ miên man không dứt, hành giả sẽ đánh mất thiền lực (bhāvanā bala). Suy tư suông và lâu dài sẽ đưa đến ngã mạn (māna), đại ngã mạn (atimāna) cho rằng tôi thuộc làu kinh điển, là thiên tài, bác học, thiền sư… Tiếp tục suy nghĩ với sự tự mãn, hành giả sẽ lao vào con đường tà đạo (adhamma) đầy nguy hiểm.

Có ba sự thành tựu (siddhi). Đó là thành tựu qua Minh Sát Trực Tiếp (paccakkhasiddhi), thành tựu qua Minh Sát Suy Diễn (anumānasiddhi), và thành tựu bằng Chánh Tín (okappanasiddhi, saddheyyasiddhi) như đã được đề cập. Trong thiền tập, nếu cẩn thận chánh niệm ghi nhận khi hạ người xuống, hành giả sẽ thấy có hàng loạt ý muốn ngồi (danh) và sự nặng, cứng dần dần gia tăng (sắc). Tùy vào mức độ định tâm và chánh niệm, hành giả có thể kinh nghiệm mối tương quan nhân quả cặp đôi giữa ý muốn ngồi (tâm hay danh) và chuyển động ngồi (thân hay sắc) diễn ra liên tục như dòng nước. Hành giả cũng có thể kinh nghiệm sự sinh diệt của đề mục trong tiến trình ngồi như khi vật chất cũ (nặng, cứng, chuyển động) mất đi, vật chất mới lại sinh khởi; khi ý muồn cũ diệt đi, ý muốn mới lại xuất hiện. Kinh nghiệm tâm và vật chất đến đi liên tục, hành giả hiểu vô thường, khổ và vô ngã. Sự hiểu biết này thành tựu từ kinh nghiệm thực chứng trong khi quan sát đề mục chứ không phải do suy nghĩ. Đây là thành tựu qua Minh Sát Trực Tiếp (paccakkhasiddhi).

Từ hiểu biết về danh sắc, nhân quả, vô thường… qua thực chứng cá nhân, hành giả suy diễn rằng những điều mà mình đang kinh nghiệm cũng đã xảy ra trong quá khứ, sẽ xảy ra trong tương lai, nơi người khác. Loại hiểu biết qua suy diễn này không có được do suy luận suông vô bổ mà chỉ thành tựu được dựa vào kinh nghiệm thực chứng (paccakkhasiddhi) mà thôi. Đây là thành tựu qua Minh Sát Suy Diễn (anumānasiddhi).

Hiểu biết hay thành tựu bằng chánh tín (okappanasiddhi, saddheyyasiddhi) có được khi tin vào những gì có thật nằm ngoài khả năng hiểu biết của mình. Bỏ thời giờ suy gẫm về những gì vượt ra ngoài sự hiểu biết của mình có thể làm ta mệt mỏi, thậm chí đưa đến điên cuồng. Xuyên suốt quá trình hành thiền Minh Sát, hành giả sẽ hiểu biết sự thật (paramattha) tức đặc tính của đề mục qua kinh nghiệm thực chứng. Tuy nhiên, ở giai đoạn sơ cơ, do chưa thể hiểu được những sự thật này, hành giả cần chấp nhận bằng chánh tín để cố gắng tiếp tục tu tập hầu đạt được tiến bộ trong khi hành thiền.

HÃY NỖ LỰC TU TẬP

Đừng Để Bị Khổ Đau

Con người vốn thích hạnh phúc ái dục (sukhakāmā) và chán ghét đau khổ (dukkha patikūlā). Riêng hành giả nên mưu cầu giải thoát khỏi đau khổ và thành đạt loại hạnh phúc bảo đảm. Một trăm phần trăm đau khổ trong đời đều do phiền não gây nên. Ngay khi tham, sân, si vừa sinh khởi, chúng lập tức gây đau khổ. Nuông chìu phiền não chỉ làm cho ta đau khổ trong đời này và còn tiếp tục gánh chịu hậu quả xấu trong đời sau.

Được sinh làm người, phải có ý thức tự thu thúc những gì cần thu thúc để không gây tổn thương cho chính mình hay người khác cũng như làm những gì cần làm để tạo nhiều lợi lạc cho mình và cho người. Nếu không tự thu thúc, kiểm soát, sẽ sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói lời sai trái, sử dụng chất say… hại mình và hại người. Dẫu cho chưa gây ra những điều tai hại như thế, tâm vẫn trở nên thấp kém vì chứa đầy ô nhiễm. Tóm lại, đã được sinh ra làm người, cần phải nỗ lực (appamāda) giữ giới để không có những lời nói, hành động bất thiện, thấp hèn.

Nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa là thực hành Minh Sát Niệm Xứ để phát triển tâm, từ xấu sang tốt, từ yếu sang mạnh và càng lúc càng trong sạch. Hành thiền là chánh niệm ghi nhận và quán sát mọi hiện tượng sinh khởi nơi thân hay quán thân (kāyānupassanā), nơi cảm thọ hay quán thọ (vedanānupassanā), nơi tâm hay quán tâm (cittānupassanā), hoặc nơi bất cứ pháp nào sinh khởi khi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm… hay là quán pháp (dhammānupassanā). Trong bốn phép quán niệm trên, hành giả nhất là hành giả sơ cơ nên bắt đầu quán sát sắc pháp nơi thân là đề mục dễ thấy nhất (quán thân). Trong khi quan sát sắc pháp, nếu có đề mục nào khác trở nên nổi bật hơn, chẳng hạn cảm giác dễ chịu, đau nhức, suy nghĩ…, hành giả lập tức ghi nhận đề mục này.

Thực hành Tứ Niệm Xứ còn có nghĩa là chánh niệm quan sát và ghi nhận mọi hiện tượng danh sắc sinh khởi nổi bật theo tương quan nhân quả qua sáu cửa giác quan ngay trong khoảnh khắc hiện tại. Nhờ tinh tấn thiết lập chánh niệm chặt chẽ và vững vàng nơi đề mục, hành giả có thể ngăn ngừa những tư tưởng bất thiện sinh khởi đưa đến những lời nói và hành động sai trái, đáng chê trách.

Thiếu tinh tấn dũng mãnh, hành giả không thể kiểm soát mình bằng chánh niệm cũng giống như lái xe không có thắng gây ra tai nạn. Người thiếu chánh niệm không thu thúc lục căn, để tâm buông lung phóng chạy theo các đối tượng giác quan, nghĩ rằng sống đời trôi nổi, hoang đàng là tự do, hạnh phúc. Họ không hiểu rằng mỗi người phải tự gánh lấy hậu quả về những hành vi sai trái hay bất thiện của mình. Trong bất cứ tư thế nào, tâm người này thường phóng dật, tản mạn chứ không bám vào đề mục. Do vậy, phiền não phát sinh làm tâm ẩm ướt, ô nhiễm.

Để tâm ô nhiễm là không có sự hỗ thẹn tội lỗi, ghê sợ tội lỗi và chú tâm chân chánh. Ví như tấm vải khi bị ướt trở nên nặng nề, tâm bị phiền não trở nên trì trệ, thụ động, không an tịnh nên khó mà phát triển được Tuệ Minh Sát. Không có trí tuệ, tâm sẽ không trưởng thành để có thể ngăn ngừa hay đẩy lui phiền não. Người lơ đãng, bất cẩn (pamādavihāri) như thế luôn sống đời khổ sở. Và dẫu cho người này không gặp rắc rối đương thời, nhưng đến cuối đời, họ không thể sống yên ổn vì cứ ân hận những hành động xấu xa đã tạo ra.

Phàm nhân vì si mê dầy đặc nên thỏa thích hưởng thụ loại hạnh phúc ái dục (kāmasukha) pha trộn với phiền não, sống cuộc đời buông thả, dễ duôi. Thú vật cũng hưởng loại hạnh phúc ái dục thấp kém (anariyasukha) như vậy. Phí thì giờ hưởng thụ hạnh phúc ái dục không trong sạch chắc chắn dẫn đến đau khổ vì nó là loại hạnh phúc ô nhiễm và không bảo đảm.

Nhân Duyên và Luân Hồi

Trong cuộc đời, chúng sinh gặp nhiều đau khổ hơn hạnh phúc. Vì si mê không thấy những hiểm nguy và đau khổ trong kiếp sống nên chấp khổ là vui. Do đó, họ luôn khao khát vật đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái… và sanh tâm luyến ái vào đời sống. Muốn thoát khỏi đau khổ, hành giả phải biết nguyên nhân của khổ đau để diệt trừ.

Đức Phật chỉ cho ta thấy những đau khổ của già, bệnh, chết do tái sinh mà ra. Muốn không tái sinh ta không nên tạo nghiệp. Muốn không tạo nghiệp phải diệt trừ ái dục. Một khi ái dục bị diệt tận, nghiệp thiện hay bất thiện đều không còn được tạo ra nên sẽ không còn phải tái sinh nữa. Bằng không, nghiệp thiện, bất thiện cứ tiếp tục tạo quả tốt, xấu trong hiện tại và tương lai khiến ta trôi lăn mãi trong vòng luân hồi và triền miên đau khổ.

Là người sợ hãi hiểm nguy, đau khổ trong vòng luân hồi, hành giả nên nỗ lực đi trên Bát Chánh Đạo tức nghiêm túc tu tập Giới-Định-Huệ nhằm tận diệt ba loại phiền não thô, trung và vi tế. Càng tu tập, hành giả càng làm phiền não yếu dần cho đến khi chúng hoàn toàn bị bứng tận gốc rễ. Trong thiền tập, mỗi khi thất niệm là hành giả đi lệch khỏi Bát Chánh Đạo giống như khi không kiểm soát được tay lái, xe sẽ chạy lệch khỏi đường. Trong pháp hành Minh Sát Niệm Xứ, chánh niệm ví như tay lái và sự thu thúc là thắng xe. Nhờ tay lái và thắng xe còn tốt nên tránh được tai nạn. Cùng thế ấy, khi tự kiểm soát bằng chánh niệm, hành giả sẽ không tự hại mình và hại người.

Bằng pháp hành thiền Minh Sát Niệm Xứ, Đức Bồ Tát trở thành Phật Chánh Đẳng Chánh Giác hưởng được loại hạnh phúc bảo đảm và rồi chỉ dạy lại cho chúng sinh. Để đạt loại hạnh phúc mà chư Phật nói đến, cần có tinh tấn ngoại hạng (sammappadhānā) trong khi thiền tập. Hành giả hãy hạ quyết tâm làm khô cạn phiền não dẫu cho thịt máu cạn kiệt, hao mòn. Hành giả nên dốc lòng tu tập mà không sợ đau nhức, bệnh tật hay phải bỏ cả thân mạng. Sư nói là bỏ thân mạng nhưng chưa có ai chết trong lúc hành thiền Minh Sát Niệm Xứ cả.

Tinh Tấn Hành Thiền

Khi hành thiền Minh Sát Niệm Xứ, hành giả cần làm nóng loại tinh tấn đốt cháy phiền não (ātāpa vīriya) để có thể duy trì chánh niệm trong mọi thời. Nếu không, tâm sẽ trở nên nguội lạnh và lười biếng. Tinh tấn duy trì chánh niệm trong từng khoảnh khắc là cản ngăn bất thiện pháp và mở đường cho thiện pháp sinh khởi. “Yoga” hay “vīriya” có nghĩa là nỗ lực, tinh cần, và người vận dụng “yoga” để thanh lọc tâm và phát triển trí tuệ được gọi là “yogi”, tức hành giả hay thiền sinh (bhāvanāya yuttapayuttatāya yogi).

Khi có sự ghi nhận kịp thời đề mục một giây, tâm không bị phiền não chi phối trong một giây. Khi ghi nhận đề mục trong một phút, tâm sẽ được giải thoát sáu mươi giây. Và dẫu hành giả chỉ kịp thời ghi nhận đề mục được hai giây trong một phút thì trong một giờ tâm vẫn an hưởng được ba mươi lần giải thoát khỏi phiền não.

Khi có chánh niệm, tâm biết rõ thiện pháp hay bất thiện pháp đang diễn ra trong từng khoảnh khắc nên hành giả quý trọng pháp hành Minh Sát Niệm Xứ. Chúng ta vốn bị phiền não đeo đuổi và hành hạ từ vô lượng kiếp trong vòng luân hồi, nên đã đến lúc hãy tự thẩm định khả năng đề kháng phiền não của mình.

Có hành giả, thay vì ghi nhận đề mục với hướng tâm và nỗ lực hay với tầm và tấn, lại phí thời giờ suy nghĩ, tưởng tượng hay thắc mắc là tại sao mình hành thiền, cái gì đang xảy ra, đang thấy danh hay sắc… Trong lúc suy nghĩ, tưởng tượng, thắc mắc như thế, tâm hành giả đang bị phiền não chi phối nên không trong sạch, không giải thoát. Loại hành giả này dù hành thiền hai tháng cũng không thể có kinh nghiệm đáng kể nào cả. Ngược lại, khi ghi nhận một cách đúng đắn, kịp thời đề mục chính hay các đề mục phụ đang sanh khởi nổi bật ngay trong phút giây hiện tại qua sáu cửa giác quan, tâm trở nên trong sạch, thoát khỏi phiền não. Khi có được tâm trong sạch qua thiền tập, hành giả càng có thêm niềm tin nơi pháp hành, Giáo Pháp và Đức Phật.

Khi đức tin (tín) tăng trưởng thì ý chí tu tập sẽ tăng trưởng theo và hành giả sẽ tinh tấn (tấn) chú niệm đề mục kỹ càng (niệm) khi hành thiền. Nhờ vậy, tâm lúc nào cũng sáng suốt, sẵn sàng ghi nhận bất kỳ đề mục nào sinh khởi nổi bật. Khi chánh niệm mỗi ngày một lớn mạnh, tâm hành giả càng an trụ hơn nơi đề mục (định) và hành giả bắt đầu gặt hái kết quả là phát triển được tuệ giác Minh Sát (huệ). Hành giả sẽ có được tuệ phân biệt danh sắc và rồi các tuệ giác cao hơn theo từng giai đoạn. Có được tuệ giác càng cao, ý chí tu tập và tinh tấn càng mạnh mẽ.

Hạnh Phúc

Đến tham dự khóa thiền là từ bỏ hạnh phúc thế tục nên hành giả có được loại hạnh phúc khước từ (nekkhamasukha) ngay tức khắc. Xa lánh và cắt đứt quan hệ với người hay phiền não là hành giả có loại hạnh phúc ẩn cư (pavivekasukha). Khi việc tu tập phát triển, hành giả có loại hạnh phúc tĩnh lặng (upasamasukha) nhờ ái dục bị chế ngự và tâm vắng bóng phiền não. Vào lúc đạt đến Tuệ Sinh Diệt (udayabbayañāna), hành giả kinh nghiệm loại hạnh phúc đặc biệt không thể buông bỏ (amānusī ratī) vượt trội hẳn hạnh phúc thế tục. Tiếp tục tu tập, hành giả sẽ chứng ngộ Niết Bàn, kinh nghiệm hạnh phúc diệt thọ tưởng định (avedayitasukha) và hạnh phúc tịch tịnh (santisukha).

Bởi vì Minh Sát Đạo hay Bát Chánh Đạo là nền tảng để thành tựu loại hạnh phúc vượt trội hạnh phúc thế tục, hành giả phải là “hành giả thứ thiệt” biết vận dụng loại tinh tấn ngoại hạng. Ví như con người có cuộc sống thế tục thoải mái nhờ vào tiến bộ của khoa học kỹ thuật, hành giả có được hạnh phúc khước từ (nekkhamasukha), hạnh phúc ẩn cư (pavivekasukha), hạnh phúc tĩnh lặng (upasamasukha) và hạnh phúc giải thoát (sambodhasukha) nhờ tu tập Thiền Minh Sát Niệm Xứ. Kinh nghiệm những loại hạnh phúc ngoại hạng này, hành giả bỗng nhận ra rằng pháp hành Minh Sát Niệm Xứ mà Đức Phật chỉ dạy trong kinh Đại Niệm Xứ (mahāsatipaṭṭhāna sutta) quả thật vô cùng vi diệu.

Tóm lại, nhờ tinh tấn tu tập, hành giả giải thoát tâm khỏi các tư tưởng bất thiện, khắc phục sự biếng nhác và viên mãn tam học Giới-Định-Huệ. Không tinh tấn tu tập Giới-Định-Huệ sẽ không có được thái độ cư xử nhã nhặn, thân khẩu ý trong sạch, đáng mến và tâm định tĩnh. Cho nên, không có Giới-Định-Huệ là một điều đáng sợ và người không có Giới-Định-Huệ đáng bị chê trách.

Ở đời, người ta thường dành đồ quý giá để tặng nhau. Khi người nhận tiếp đón món quà với tất cả tấm lòng và sử dụng một cách trân quý, người cho sẽ cảm thấy vui. Quà thế tục có thể được sử dụng thường xuyên, thỉnh thoảng hay được giữ làm kỷ niệm. Nhưng với quà pháp bảo Minh Sát Niệm Xứ, người nhận cần đem ra sử dụng ngay để sớm có lợi lạc. Quà thế tục luôn bị hư hỏng theo thời gian, nhưng quà pháp bảo có thể dùng suốt đời và càng sử dụng thì quà càng rạng ngời. Người không dùng hay lâu lâu mới dùng quà pháp bảo là người không xứng đáng được nhận lãnh nó. Một khi món quà pháp bảo được người nhận trân quý và sử dụng đúng đắn, thiền sư rất cảm kích và nhớ suốt cuộc đời của mình.

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app