Phần 4

Tứ Niệm Xứ

Tứ Niệm Xứ

Kinh Đại Niệm Xứ không khẳng định đề mục nào cần được quan sát trước. Tuy nhiên, theo trình tự thuyết giảng (pavattikkama), sắc uẩn và phép quán thân được nói đến đầu tiên. Sắc uẩn, đặc biệt là phong đại (vāyo-dhātu) tức yếu tố gió, là những gì dễ thấy nhất nên khi mới bắt đầu hành thiền hành giả được dạy lấy yếu tố gió như hơi thở làm đề mục chính cho sự ghi nhận của mình. Cách thực tập như vậy thuộc về phép Quán Thân (kāyānupassanā).

Trong khi quán thân, các cảm giác đau hay khó chịu nơi thân và tâm có thể sanh khởi nổi bật và sự chú tâm ghi nhận các cảm giác này là Quán Thọ (vedanānuspassanā). Ngoài ra, hành giả cũng kinh nghiệm nhiều loại tâm sinh khởi trong khi hành thiền. Ghi nhận tâm sinh khởi là hành giả Quán Tâm (cittānupassanā). Hành giả không cần phải cố ý tìm tâm để ghi nhận. Đối với hành giả sơ cơ, rất nhiều trạng thái tâm khác nhau liên tục sinh khởi với tốc độ cực nhanh nên quán tâm không phải là điều dễ dàng. Do vậy, để hành đúng theo pháp thiền Minh Sát Niệm Xứ, hành giả sơ cơ chỉ nên chú tâm ghi nhận đề mục chính thuộc thân và đừng phí thời giờ quán sát tâm hay bắt chước cách thức ghi nhận của các hành giả đã có tuệ giác cao. Trong lúc nghe hay thấy, chánh niệm vào sự nghe hay thấy là hành giả Quán Pháp (dhammānupassanā).

Liên tục chánh niệm ghi nhận các đề mục thuộc thân, thọ, tâm, pháp đang sinh khởi, hành giả kinh nghiệm đề mục sinh diệt với tốc độ cực nhanh nên hiểu rõ các đặc tính chung vô thường, khổ, vô ngã của các hiện tượng danh sắc sanh khởi nổi bật qua sáu cửa giác quan. Khi chánh niệm được thiết lập một cách vững vàng và tâm định trở nên mạnh mẽ, hành giả tuần tự phát triển được tuệ giác theo từng giai đoạn.

Một khi Minh Sát Tuệ lớn mạnh, đề mục sanh khởi kế tiếp nhau dường như chờ đợi hành giả ghi nhận. Ở giai đoạn này, tâm lập tức ghi nhận những hiện tượng danh sắc sanh khởi qua sáu cửa giác quan nổi bật nhất mà không cần nhiều nỗ lực. Hành giả cảm thấy như có sự thôi thúc “ghi nhận, ghi nhận” và chánh niệm tự động làm việc. Tâm ghi nhận trở nên thuần thục, nhuần nhuyễn giúp hành giả hiểu biết đề mục một cách rõ ràng.

Sau đây, Sư đề cập đến từng phép quán một cách tổng quát. Riêng hai phép quán thân và quán tâm, Sư sẽ giảng chi tiết về cả hai phương diện lý thuyết và thực hành.

  • Quán Thân (kayānupassanā)

Trong phần mở đầu kinh Đại Niệm Xứ, Đức Phật dạy về quán thân như sau:

“Ở đây, vị tỳ khưu sống quán thân trong thân, tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm để chế ngự tham, ưu ở đời (Idha, bhikkhave, bhikkhu kāye kāyānupassī viharati ātāpī sampajāno satimā vineyya loke abhijjhā domanassaṁ).

Lý Thuyết

Hợp từ “kāyānupassanā” được kết hợp bởi “kāya” có nghĩa là thân, tiếp ngữ “anu” là lập đi lập lại, và “passanā” là ghi nhận hay thấy. Vậy, “kāyānupassanā” là ghi nhận đề mục thuộc thân lập đi lập lại nhiều lần hay là quán thân.

Đối với phép quán thân, Ngài dạy: “kāye kāyānupassī viharati”. “Anupassī” có nghĩa người quan sát nhiều lần và “kāyānupassī” là người có thói quen quán sát thân hay làm công việc quan sát thân lập đi lập lại một cách liên tục. Và nếu lược bỏ chữ “kāya” trong “kāyānupassī”, cụm từ “kāye anupassī” cũng mang ý nghĩa người thường quan sát liên tục, nhiều lần (anupassī) thân hay nhóm vật chất (kāye). “Viharati” là các tư thế đi, đứng, ngồi, nằm hay mọi cử động nhỏ nhặt như co, duỗi, xoay, nhắm mắt, mở mắt, nháy mắt…của thân. Như vậy, theo cách giải thích này, cả cụm từ “kāye kāyānupassī viharati” được hiểu là người làm công việc quan sát thân (kāyānupassī) cần phải ghi nhận mọi hoạt động xảy ra nơi thân một cách liên tục, lập đi lập lại nhiều lần.

Tuy nhiên, thuật ngữ “kāya” còn có nghĩa là đống, nhóm hay khối vật chất tức sắc uẩn (rūpa). Phân tích theo Vi Diệu Pháp (abhidhamma), thân (kāya) thuộc sắc uẩn được cấu tạo bởi 28 loại tính chất vật chất khác nhau. Trong đó, 18 tính chất vật chất gồm tứ đại và 14 tính chất tùy thuộc được xem là những tính chất vật chất thật sự (rūparūpa) có thể dùng làm đối tượng của Thiền Minh Sát Niệm Xứ. Tứ Đại gồm bốn yếu tố chính là đất (pathavī), nước (āpo), lửa (tejo) và gió (vāyo). Trong đó, yếu tố đất biểu hiện qua sự cứng, mềm, thô hay nhám; yếu tố nước có đặc tính lỏng, dính hút, gò bó; yếu tố lửa (nhiệt độ) có đặc tính nóng, ấm, lạnh; và yếu tố gió có đặc tính đẩy, nâng đỡ biểu hiện qua sự nhẹ, căng, chuyển động. Khi hành thiền Minh Sát Niệm Xứ để biết về sắc uẩn, chúng ta kinh nghiệm 18 tính chất vật chất này. Do đó, chúng rất quan trọng.

Khi hành thiền, hành giả có thể kinh nghiệm nhiều hạt tử nhỏ li ti trong thân. Tuy không thể thấy được đặc tính riêng của từng hạt tử vật chất nhỏ riêng rẽ nhưng khi chúng hợp lại thành nhóm hay khối (kāya) thì đặc tính riêng của chúng có thể kinh nghiệm được. Chẳng hạn, khi những hạt tử cứng, mềm hợp lại thành nhóm, đặc tính cứng, mềm của yếu tố đất có thể kinh nghiệm được. Tương tự như thế, khi những hạt tử ẩm ướt hợp lại thành nhóm, hành giả kinh nghiệm đặc tính ẩm ướt của yếu tố nước. Khi những hạt tử nóng, lạnh hợp lại thành nhóm, hành giả kinh nghiệm đặc tính nóng, lạnh của yếu tố lửa. Khi những hạt tử nhẹ, căng hay chuyển động hợp lại thành nhóm, hành giả kinh nghiệm đặc tính nhẹ, căng hay chuyển động của yếu tố gió. Như vậy quán sát thân có nghĩa là đặc tính riêng của các nhóm vật chất hay khối sắc uẩn biểu hiện như thế nào thì hành giả phải ghi nhận chúng như thế ấy. Ngoài ra, hành giả cũng có thể kinh nghiệm được đặc tính chung vô thường, khổ, và vô ngã của sắc pháp trong khi hành thiền.

Quán thân trong thân (kāyānupassanā) còn có nghĩa là quán sát liên tục khối sắc uẩn đang sinh khởi mà không lẫn lộn với cái gì khác. Chẳng hạn, nếu theo dõi chuyển động phồng xẹp của bụng, khi phồng sinh khởi, hành giả chỉ ghi nhận phồng; khi xẹp sinh khởi, hành giả chỉ ghi nhận xẹp. Hành giả đừng thấy phồng mà niệm “xẹp”, đừng thấy xẹp mà niệm “phồng”. Hành giả đừng thấy phồng mà lại niệm vào cảm thọ, tâm hay pháp. Giống như khi thấy miếng vàng, ta phải hiểu nó là vàng chứ không thể là cái gì khác.

Tóm lại, người làm công việc quan sát thân (kāyānupassī) cần có thói quen ghi nhận liên tục, lập đi lập lại nhiều lần hiện tượng vật chất hay khối sắc uẩn (kāye) đang sinh khởi để hiểu đề mục như nó thật sự là vậy tức là thấy các đặc tính riêng và chung của chúng. Đó là phép quán thân trong thân (kayānupassanā) theo lý thuyết.

Thực Hành

Khi ngồi thiền, hành giả quán sát chuyển động phồng xẹp nơi bụng. Khi phồng sinh khởi, hành giả nỗ lực hướng và đưa tâm đến để ghi nhận sự phồng và có thể niệm thầm “phồng, phồng”… Khi có sự xẹp, hành giả tập trung ghi nhận chuyển động xẹp và có thể niệm thầm “xẹp, xẹp”… Khi co, duỗi, mở mắt, nhắm mắt, hành giả ghi nhận và có thể niệm thầm “co, co”, “duỗi, duỗi”, “mở mắt, mở mắt”, “nhắm mắt, nhắm mắt”. Khi kinh hành, hành giả ghi nhận chuyển động dở, bước, đạp, đứng, xoay… và có thể niệm thầm “dở, dở”, “bước, bước”, “đạp, đạp”, “đứng, đứng”, “xoay, xoay”…

Bốn yếu tố đất, nước, lửa và gió biểu hiện qua trạng thái cứng, mềm, dính hút, nhẹ, nóng lạnh, căng, chuyển động… là chân đế, tức là những gì có thật và cần được quán sát. Trong bốn yếu tố này, yếu tố gió biểu hiện qua sự chuyển động, căng, nâng đỡ là dễ thấy nhất. Trong cơ thể, trạng thái cứng cũng dễ nhận thấy và khi chú tâm ghi nhận khối cứng, có thể kinh nghiệm những hạt tử tạo nên khối cứng ấy. Kinh nghiệm sự cứng, hành giả ghi nhận và có thể niệm thầm “cứng, cứng”. Khi có sự mềm, hành giả ghi nhận và có thể niệm thầm “mềm, mềm”. Khi lạnh, ghi nhận và có thể niệm thầm “lạnh, lạnh”. Khi nhẹ ghi nhận và có thể niệm thầm “nhẹ, nhẹ”. Khi ướt ghi nhận và có thể niệm thầm “ướt, ướt”. Khi căng ghi nhận và niệm thầm “căng, căng”… Tóm lại, bất kỳ hiện tượng gì đang diễn ra rõ ràng, nổi bật nhất, hành giả hãy chánh niệm ghi nhận toàn thể hiện tượng đó. Hành giả đừng niệm là “đất”, “gió” hay “lửa” mà hãy niệm những gì mình đang kinh nghiệm được như “cứng”, “nhẹ”, “lạnh”. Hành giả sơ cơ nên niệm thầm một cách song hành với sự ghi nhận đề mục vì sự niệm thầm giúp hành giả dễ dàng theo dõi đề mục mặc dầu đó cũng chỉ là ý niệm, tên gọi hay là danh chế định thuộc tục đế.

Lúc mới thực hành, vì tâm có thói quen ghi nhận hình tướng và tư thế của đề mục nên hành giả sơ cơ chỉ kinh nghiệm hình tướng hay tư thế tục đế (paññatti) nơi đề mục. Khi tục đế nổi bật thì chân đế chìm khuất, cho nên hành giả sẽ không thấy được bản chất chân đế (paramattha) của đề mục. Tuy nhiên, hành giả cứ ghi nhận và niệm thầm tên của đề mục (phồng, xẹp) như nó đang diễn ra sao cho hành giả hay biết đề mục một cách rõ ràng. Một khi tâm không phóng khỏi đề mục là việc tu tập đã có dấu hiệu tốt.

Dần dà khi Tấn, Niệm và Định phát triển, bản chất chân đế của đề mục càng lúc càng thể hiện rõ rệt hơn. Vào lúc đó, hành giả không còn thấy tục đế tức hình dáng hay tư thế bụng, thân thể, tay, chân, đầu… nữa. Hành giả cũng không biết mình đang ngồi, nằm hay co duỗi. Ở giai đoạn này, chỉ còn lại hai việc là đề mục sinh khởi cùng với sự ghi nhận đề mục đang sinh khởi mà không cần phải niệm thầm tên của đề mục nữa.

Cũng giống như khi học đánh vần và đọc chữ, trẻ em phải học đánh vần từng chữ cái trước (c, a, m) rồi mới đọc nguyên cả chữ (cam). Lúc đầu, trẻ em phải đọc lớn từng chữ cái một chứ chưa có khả năng nhìn lướt qua nguyên một chữ mà có thể đọc và hiểu được. Sau khi biết đọc, trẻ em được dạy đọc câu ngắn, câu dài rồi cả đoạn văn mà không cần đánh vần nữa. Cùng thế ấy, hành giả sơ cơ khi ghi nhận nên đặt tên đề mục và niệm thầm khi mới bắt đầu thực tập.

Trong Phụ Chú Giải, có điểm tranh luận rằng để hiểu chân đế tức những gì có thật, tại sao ta không đơn thuần ghi nhận đề mục và bỏ qua việc niệm thầm bởi lẽ tên gọi được dùng khi niệm thầm chỉ là danh chế định thuộc tục đế thật sự không có thật. Trong thực tế, khi chưa phát triển được sát na định, hay khi sát na định chưa đủ mạnh, việc niệm thầm giúp hành giả tập trung tâm ý ghi nhận đề mục kỹ càng và khắn khít hơn giống như trẻ nít tập đánh vần trước mới có thể đọc được chữ sau. Khi trẻ đã biết đọc cả câu văn thì việc đánh vần từng chữ không còn cần thiết nữa. Chẳng hạn như khi Tấn, Niệm, Định và tuệ giác phát triển, hành giả thấy biết rõ ràng bản chất chân đế của đề mục nên không cần phải niệm thầm nữa. Đến đây, nếu còn niệm thầm thì hành giả không theo kịp đề mục chân đế đang diễn biến vì các hiện tượng danh sắc sinh diệt thật mau lẹ. Thiền tập đến giai đoạn này, hành giả sẽ tự mình hiểu được câu “khi chân đế nổi bật thì tục đế chìm khuất”.

Cách thức hành thiền theo phép quán thân hay những phép quán khác như quán thọ, quán tâm và quán pháp đều giống nhau là hành giả phải ghi nhận đề mục một cách tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm như được ghi lại trong phần mở đầu của kinh Đại Niệm Xứ: “Ở đây, vị tỳ khưu sống quán thân trên thân, tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời”.

Tinh Cần, Tỉnh Giác, và Chánh Niệm

Để có thể hiểu đề mục tường tận, rõ ràng, cần phải ghi nhận đề mục không phải một mà nhiều lần, lập đi lập lại. Muốn vậy, hành giả cần phát triển các trạng thái tâm tinh cần (ātāpī) hay tinh tấn dũng mãnh, tỉnh giác (sampajāno) và chánh niệm (satimā) trong khi hành thiền.

Với tinh cần, chánh niệm và tỉnh giác, hành giả quán thân nhiều lần, lập đi lập lại. Nhờ đó, sẽ kinh nghiệm được sự sinh diệt hay đặc tính vô thường của đề mục. Kinh nghiệm đặc tính vô thường, hành giả hiểu luôn bản chất bất toại nguyện hay khổ và vô ngã của đề mục. Từ đó, hành giả thấy chúng chẳng đáng để mình ưa thích hay dính mắc nữa.

Nhà hiền triết Hy Lạp Heraclitus có nói: “Không ai bước xuống hai lần trong cùng một dòng sông”. Dòng sông luôn luôn thay đổi. Thấy dòng nước cũ qua đi và dòng nước mới đến nên biết dòng sông là vô thường. Tuy nhiên, đây mới chỉ là khái niệm tục đế về vô thường (paññatti anicca) chứ chưa phải là kinh nghiệm thực chứng các đặc tính chung vô thường, khổ, vô ngã nơi danh sắc qua thiền tập. Vì danh và sắc hay tâm và thân sinh khởi liên tục một cách nhanh chóng, cái mới sanh khởi để thay thế cái cũ vừa hoại diệt ngay tức khắc, nên chúng ta tưởng chúng như một khối, một dòng hay một luồng dầy đặc (ghana) trôi chảy không có khoảng hở. Chỉ đến khi qua thiền tập kinh nghiệm được bản chất sinh diệt của mọi hiện tượng, chúng ta mới thực sự hiểu biết đặc tính vô thường theo chân đế.

Tinh cần (ātāpī) là loại tinh tấn dũng mãnh phi thường có khả năng làm khô cạn phiền não. Khi tinh cần có mặt, bất thiện tâm bị ngăn chận mở đường cho thiện tâm sinh khởi nên tâm trở nên trong sạch.

Cần tinh cần trong từng khoảnh khắc hay sát na để hướng và đưa tâm đến chánh niệm ghi nhận (satimā) chuyển động phồng xẹp hay bất kỳ đề mục nào (thân, thọ, tâm, pháp) đang sinh khởi nổi bật ngay trong khoảnh khắc hiện tại. Đừng tu tập một cách lơ là vì như vậy biếng nhác sẽ xảy ra và phiền não có cơ hội sinh khởi đối với đề mục đang có mặt. Khi phiền não sinh khởi, tâm bị phân tán, mê mờ nên không thể ghi nhận và theo dõi đề mục rõ ràng. Cũng đừng phí thời giờ suy nghĩ, phân tích đây là yếu tố đất, nước… mà hãy nỗ lực chánh niệm để tâm ghi nhận theo sát, khắn khít với đề mục. Chánh niệm chính là sự bảo vệ tâm (ārakkha) trong từng khoảnh khắc vì khi chánh niệm có mặt phiền não không thể sinh khởi.

Khi liên tục ghi nhận đề mục lập đi lập lại nhiều lần (anupassanā) tức là chánh niệm sau theo sát chánh niệm trước như một dòng nước không kẽ hở, chánh niệm được thiết lập một cách vững vàng (satimā). Ngay lúc đó, sát na định (khaṇika samādhi) trở nên mạnh mẽ giúp tâm gom tụ, tập trung (avikkhepo samādhi), không còn phóng trượt khỏi đề mục hay tản mạn, dao động bởi ái dục, sân hận…Kết quả là tâm an trụ trên đề mục. Trạng thái tâm an trụ trên đề mục là Chánh Định (samādhi). Theo chú giải và phụ chú giải, mặc dầu Chánh Định không được đề cập ngay trong phần này của kinh Đại Niệm Xứ, nhưng sau khi Chánh Niệm được thiết lập vững vàng (satimā), để tuệ giác hay Tỉnh Giác (sampajañña) sanh khởi thì Định (samādhi) phải được phát triển ngay trước đó.

Với định tâm, hành giả phát triển được sự hiểu biết rõ ràng, chính xác, trọn vẹn bản chất thực sự của các hiện tượng danh sắc sanh khởi nổi bật qua sáu cửa giác quan trong khi ghi nhận. Bản chất thực sự này bao gồm đặc tính riêng và đặc tính chung của đề mục. Trạng thái tâm hiểu biết rõ ràng trong khi thiền tập này là Tỉnh Giác (sampajañña). Áp dụng tỉnh giác vào thiền tập có nghĩa là ghi nhận đề mục tỉ mỉ, chính xác, khách quan, trọn vẹn trong sự quân bình của ngũ căn.

Khi tâm ghi nhận chìm vào chuyển động phồng xẹp của bụng, hành giả kinh nghiệm rõ ràng sự căng, cứng, nóng, ấm, lạnh… Đây là đặc tính riêng của đề mục. Nói một cách chi tiết thì sự căng, cứng, chuyển động là biểu hiện của yếu tố gió và nóng, lạnh, nhẹ là biểu hiện của yếu tố lửa…Đây là những tính chất vật chất thuộc Tứ Đại. Khi tâm ghi nhận sự căng cứng, hành giả kinh nghiệm sự sanh khởi và hoại diệt của đặc tính này một cách rõ ràng. Đây là đặc tính chung vô thường của yếu tố gió. Tương tự, hành giả cũng kinh nghiệm đặc tính chung của các yếu tố khác thuộc tứ đại khi chánh niệm, tỉnh giác ghi nhận các yếu tố này.

Nhờ chánh niệm khắn khít với đề mục, nhờ tâm tập trung và liên tục bám sát đề mục nên hành giả thấy đề mục diễn biến thật rõ ràng. Sự tỉnh giác hay thấy biết rõ ràng này có được từ kinh nghiệm thực chứng chứ không phải do nghe, đọc, suy tưởng, hay học hỏi từ các bậc thầy. Ở đây, Đức Phật đã đặc biệt dùng từ tỉnh giác (sampajañña) để nói đến sự hiểu biết rõ ràng thay cho các từ tuệ giác (ñāna) hay trí tuệ (paññā) mặc dầu chúng tương đương với nhau.

Sư lấy thí dụ về đàn kiến. Nếu nhìn đàn kiến từ xa sẽ thấy như một sợi dây. Muốn thấy rõ cần phải đến gần. Điều này ví như sự hướng tâm đến đề mục trong khi hành thiền. Khi đến gần hơn sẽ nhận ra là đàn kiến chứ không phải là sợi dây. Cuối cùng đến sát đàn kiến sẽ thấy từng con kiến một đang bò nối tiếp nhau. Tương tự như thế, khi sự ghi nhận có tầm và tấn, chánh niệm phát triển. Và khi sự ghi nhận được liên tục, chánh niệm trở nên vững vàng và sát na định phát triển mạnh mẽ. Nhờ vậy, tâm an trụ trên đề mục và hành giả kinh nghiệm được bản chất thật sự của đề mục. Nhìn thấy từng con kiến riêng rẽ ví như thấy đặc tính riêng của đề mục. Khi ngồi quán sát đàn kiến sẽ thấy các con kiến đang bò như thế nào. Sự biết thấy rõ ràng này có thể sánh với kinh nghiệm thực chứng đề mục một cách tận tường và trọn vẹn. Đây chính là trạng thái tâm tỉnh giác (sampajañña) có được nhờ thiền tập. Hành giả hiểu biết đề mục qua kinh nghiệm thực chứng của mình chứ không do suy nghĩ nên không thể nào sai lạc được.

Đức Phật dùng từ sampajañña để nói đến kinh nghiệm thực chứng trong Thiền Minh Sát Niệm XứVipassanā. Passanā là thấy biết và “vi” là nhiều cách khác nhau. Do đó, vipassanā là thấy bằng nhiều cách tức là kinh nghiệm các đặc tính chung sanh diệt, bất toại nguyện và không thể kiểm soát được của các hiện tượng danh sắc hay tâm và thân. Các đặc tính chung này được ý niệm hóa là vô thường, khổ, và vô ngã. Do đó, vô thường, khổ và vô ngã tự chúng không phải là chân đế mà là các thuật ngữ hay cách thức biểu hiện (ākāra) các đặc tính chung của danh sắc như sanh diệt, bất toại nguyện và không thể kiểm soát. Các đặc tính chung này là những chân đế hay thực tại tối hậu thật sự hiện hữu. Nhờ hành thiền Minh Sát Niệm Xứ, hành giả hiểu danh và sắc hay tâm và thân luôn sinh khởi và hoại diệt nên phát triển tuệ giác về vô thường, khổ và vô ngã. Vậy vipassanā là Minh Sát Tuệ hay sự hiểu biết ba đặc tính chung vô thường, khổ, vô ngã của các hiện tượng danh sắc, một loại hiểu biết ngoại hạng, trọn vẹn nhờ tỉnh giác (sampajañña) hay bằng kinh nghiệm thực chứng qua thiền tập.

Chế Ngự Tham, Ưu và Thành Tựu Chánh Trí

Hành giả được nhắc nhở quán sát bất cứ đề mục nào đang sinh khởi rõ rệt và nổi bật nhất không phân biệt danh hay sắc hoặc thân hay tâm. Hành giả đừng niệm vào những gì chưa xảy ra và đừng để ý đến các hiện tượng không biểu hiện rõ ràng. Nhờ tinh tấn và chánh niệm, hành giả hiểu được bản chất thật sự của đề mục nên loại bỏ được tà kiến (micchādiṭṭhi). Tà kiến còn gọi là papañca với ý nghĩa làm cho vòng sinh tử kéo dài triền miên bất tận.

Tà kiến phát sinh do tưởng sai lầm (micchāsaññā) và tưởng sai lầm phát sinh do không ghi nhận đề mục đúng như nó là vậy. Kệ ngôn “avibhūtārammane diṭṭhiyā upaṭṭhito” có nghĩa đề mục không rõ ràng, không thật, do tưởng tượng mà ra. Vì tưởng sai lầm nên con người ngỡ rằng những tính chất vật chất hay sắc pháp trong thân sinh khởi tự thuở thiếu thời không mất đi mà vẫn còn nguyên vẹn đến già. Họ nghĩ là vật chất sinh ra ở phút giây trước còn nguyên vẹn đến phút giây sau, vật chất sinh ra hôm qua còn nguyên vẹn đến hôm nay. Do vậy, những người này coi trọng thân thể của mình, luôn thấy thân thể mình đẹp đẽ, đáng yêu và bền vững. Họ ngỡ rằng linh hồn ngự trị trong thân này thấy, nói, cử động và có thể làm chủ thân này suốt đời. Vì không dễ dàng loại bỏ tà kiến vốn đã ăn sâu lâu đời trong tâm như thế nên con người khó nhận ra bản chất vô thường, khổ và vô ngã nơi các hiện tượng danh sắc.

Cũng như kính hiển vi được dùng để quan sát những gì không thấy được bằng mắt thường, các trạng thái tâm tinh cần, tỉnh giác, chánh niệm cần được phát triển để thấy rõ ràng và chính xác bản chất thực sự của các hiện tượng danh sắc đang được ghi nhận. Tinh tấn (vīriya) ngăn cản phiền não, chánh niệm (sati) canh gác và bảo vệ tâm, và chánh định (samādhi) giúp tâm an trụ trên đề mục. Khi cả ba trạng thái tâm tinh cần, chánh niệm và tỉnh giác có mặt và liên kết với nhau, chúng tạo nên sức mạnh không ngờ giúp hành giả nhìn thấu ba đặc tính chung vô thường, khổ và vô ngã của các đề mục được ghi nhận.

Nhận ra ba đặc tính chung nơi đề mục, hành giả loại bỏ tưởng sai lầm nên tà kiến và phiền não không thể phát sinh. Hành giả không còn dính mắc (anurodha) vào thân tứ đại này cũng như những gì mình đã thành đạt, hoặc hết bực bội (virodha) về những khiếm khuyết của mình. Tóm lại, hành giả thành đạt chánh trí (sammadiṭṭhi), loại bỏ tham ái (abhijjhā) và ưu sầu (domanassa) qua việc hành thiền Minh Sát Niệm Xứ (vipassanā) tức vun bồi tâm linh (bhāvanā).

Người không hiểu lợi lạc của thiền tập sẽ không hành thiền nên không phát triển được tâm. Khơi dậy tinh tấn dũng mãnh hay tinh cần (ātāpī) chính là phát triển tâm. Nếu mỗi giây hành giả ghi nhận được đề mục một lần thì trong một phút có sáu mươi lần phát triển tâm và trong một giờ hành giả sẽ có ba ngàn sáu trăm lần vun bồi tâm linh. Biết cách vận dụng Tấn, Niệm, Định khi ghi nhận đề mục, hành giả sẽ hiểu đặc tính riêng và chung của đề mục rõ ràng nên không còn bám níu vào các hiện tượng danh sắc nữa. Nhờ đó phiền não sẽ không sanh khởi. Một khi thoát ra khỏi hấp lực của phiền não, hành giả vượt lên các trạng thái tâm thấp kém và nâng cao phẩm chất đời mình.

Đức Phật đã giải thích lợi lạc của pháp hành Minh Sát Niệm Xứ một cách thật đơn giản nhưng rất thâm sâu. Không hiểu được lợi lạc, hành giả sẽ không quý trọng pháp hành này. Nếu không vận dụng sức mạnh của Tấn, Niệm, Định trong khi hành thiền thì dẫu có tham dự suốt khóa thiền dài hạn, hành giả cũng không thể đạt được tiến bộ đáng kể nào cả.

Người bị bệnh đi gặp nhiều bác sĩ khác nhau nhưng nếu không uống thuốc và kiêng cử như được căn dặn, bệnh không những không lành mà còn trở thành kinh niên không thể chữa trị được nữa. Cùng thế ấy, nếu hành giả không thiền tập chuyên cần và nghiêm túc như được chỉ dẫn thì sẽ trở thành hành giả kinh niên giống như bệnh nhân kinh niên vậy. Vì thế, hành giả nên dành hết thời giờ cho việc thiền tập để loại trừ phiền não thay vì tự hào rằng mình đã hành thiền rất lâu với bao nhiêu vị thầy. Hành giả đừng có chểnh mảng lúc tu lúc nghỉ mà hãy thiền tập một cách tinh cần trong từng phút giây như Đức Phật luôn luôn sách tấn.

  • Quán Thọ (Vedanānupassanā)

Khi phát triển được sự định tâm và thỏa thích với lợi lạc của sự tu tập, hành giả cảm thấy hoan hỷ và sung sướng. Hỷ lạc phát sinh như vậy vì tâm lúc đó vắng bóng phiền não. Hành giả có được cảm giác sung sướng do ẩn cư khỏi người thân và sự vắng bóng phiền não đem lại. Đây là hạnh phúc ẩn cư. Ngay lúc đó, để cho chánh niệm được liên tục, hành giả phải nhớ ghi nhận ngay cảm giác sung sướng hay lạc thọ (sukhavedanā) này. Ghi nhận như vậy là quán thọ (vedanānupassanā). Hoặc đôi lúc đang chú tâm quan sát đề mục chính là phồng xẹp, hành giả cảm thấy ngứa ngáy hay đau nhức. Khi sự ngứa ngáy hay đau nhức trở nên nổi bật hơn đề mục chính, hành giả nhớ ghi nhận cảm giác không thoải mái hay khổ thọ này và có thể niệm thầm “ngứa, ngứa” hay “đau, đau” song hành với sự diễn biến của đề mục. Thực hành như thế là hành giả cũng quán thọ (vedanānupassanā).

  • Quán Tâm (Cittānupassanā)

Không có nơi đâu trong kinh điển nói rằng chỉ có quán tâm không mà thôi. Đức Phật dạy cả bốn phép quán trong Kinh Đại Niệm Xứ bao gồm quán thân, quán thọ, quán tâm, và quán pháp. Khi nói đến phép quán tâm, Đức Phật dạy lúc nào nên quán tâm như sẽ được giảng dưới đây.

Các Loại Tâm

Theo Vi Diệu Pháp, tâm gồm có tâm bất thiện (akusala citta), tâm thiện (kusala citta) và tâm bất định (abyākata citta). Tất cả các tâm bất định đều không có tham ái. Trong mười tám tâm vô nhân (ahetukacitta), trừ tiếu sanh tâm (hasituppāda), mười bảy tâm còn lại gồm nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức, tỷ thức, thân thức, tiếp thọ tâm và suy đạt tâm đều không liên hệ đến tham ái. Các tâm thiện dục giới và các tâm kết quả dục giới cũng là những tâm không có tham ái (vītarāgacitta). Tuy nhiên, các tâm siêu thế (lokuttaracitta) không thuộc nhóm không mang tham ái (vītarāgacitta) cũng không thuộc nhóm mang tham ái (sarāgacitta). Đối với tâm bất thiện (akusala citta), có mười hai tâm bao gồm tám tâm tham (sarāgacitta), hai tâm sân (sadosacitta) và hai tâm si (samohacitta) là hoài nghi (vicikicchā) và trạo cử (uddhacca). Tuy nhiên, vì si mê nên ta mới làm điều bất thiện; cho nên, tất cả mười hai tâm bất thiện còn được gọi là tâm có gốc si.

Tâm thường duyên theo lục căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Nơi mắt, hình ảnh tiếp xúc với phần nhạy cảm của mắt làm tâm thấy hay nhãn thức phát sinh. Tương tự như thế, tâm nghe hay nhĩ thức sinh khởi nơi tai; tâm ngửi hay tỷ thức sinh khởi nơi mũi; tâm nếm hay thiệt thức sinh khởi nơi lưỡi; tâm hay biết sự đụng chạm hay thân thức sinh khởi nơi thân; và ý thức được tin là sinh khởi nơi tim căn (hadayavatthu) tức lượng máu trong tim mặc dầu Đức Phật không đề cập như vậy.

Ngay khi thấy vật gì, hành giả không dễ dàng ghi nhận đựợc sự sinh khởi của tâm thấy hay nhãn thức vì vào lúc đó, ngoài nhãn thức, sắc pháp gồm phần nhạy cảm của mắt hay nhãn căn (cakkhu vatthu) và đối tượng như hình ảnh hay vật thấy được (rūpārammaṇa) cũng cùng có mặt. Khi đối tượng đập vào mắt, ba danh pháp chính là nhãn thức (cakkhuviññāṇa), xúc (phassa) và thọ (vedanā) đồng sinh khởi. Khi thấy hình ảnh đẹp hay vật gì xinh xắn, hành giả cảm thấy hài lòng nên thọ lạc (sukha vedanā) phát sinh. Trước hình ảnh hay vật gì xấu xí, thô thiển, hành giả cảm thấy bực bội nên thọ khổ (dukha vedanā) phát sinh. Trước cái gì không xấu không đẹp, hành giả cảm thấy không vui thích cũng không bực bội nên thọ trung tính (upekhā vedanā) phát sinh.

Trong kinh điển, có thuật ngữ “abhiññāta” được kết hợp bởi “abhi” và “ñāta”. “Abhi” có nghĩa “thâm sâu”, “ngoại hạng”, “phi thường” và “ñāta” là những gì cần biết tức chân đế. Do đó, abhiññāta là những chân đế cần được biết gồm danh (nāma) và sắc (rūpa). Các tâm tục thế cùng những trạng thái tâm hay tâm sở của chúng đồng sinh khởi với nhau đều là “abhiññāta” vì đây là chân đế cần được kinh nghiệm. Do đó, ngoại trừ các tâm siêu thế (lokuttaracitta), tất cả các tâm tục thế (lokiyacitta) đều được xem là đề mục hành thiền. Đây là những gì cần biết bằng trí tuệ thâm sâu hay bằng sự hiểu biết ngoại hạng, phi thường qua kinh nghiệm thực chứng chứ không phải qua sách vở hay suy tư.

Tuy nhiên, Kinh Pháp Cú (Dhammapada) có ghi: “tâm rất khó thấy” (sududdasaṁ), “tâm rất vi tế” (sunipuṇaṁ), luôn phóng chạy đó đây và chìm đắm trong ngũ dục (yattha kāma nipātina). Dầu là một nhà thông thái hay một danh nhân, tâm của người này vẫn luôn phóng đi đây đó như níu bắt đối tượng này hoặc chối bỏ đối tượng khác. Vì lẽ đó, tham ái, sân hận, mê mờ, hoài nghi thường xuyên sinh khởi và ngự trị trong tâm nhưng người đó thường không hay biết. Voi không được huấn luyện vẫn mãi là con thú hoang trong rừng. Nếu để tâm không kiểm soát, tâm sẽ trở nên buông lung theo đuổi hết đối tượng này đến đối tượng khác.

Khi cha mẹ không theo dõi và chăm sóc con cái đúng cách, chúng sẽ lêu lỏng và giao du với bạn xấu cho nên trở thành người không tốt. Nếu không tu tập Thiền Minh Sát Niệm Xứ sẽ không biết chánh niệm ghi nhận các hiện tượng danh sắc sanh khởi qua sáu cửa giác quan. Do đó, không thể nào hiểu được các đối tượng đúng theo bản chất đích thực của chúng và vì vậy vô minh, si mê hay tà kiến sẽ phát sinh. Kết quả là các trạng thái tâm tham lam, sân hận sẽ sanh khởi. Tham lam hay ái dục sẽ phát sinh khi gặp đối tượng ưa thích; sân hận, bực bội sẽ sanh khởi khi gặp đối tượng không vừa ý; và bất an, giao động, hoài nghi phát sinh nơi tâm là kết quả của vô minh nhưng thường không được nhận biết. Vì tham, sân, si nên chúng sanh tạo nghiệp bất thiên.

Ngược lại, khi cha mẹ chăm sóc con cái đàng hoàng đúng cách, chúng sẽ ở nhà thường xuyên nên không có cơ hội bè bạn với người xấu. Cùng thế ấy, hành giả qua giáo pháp biết rằng tâm cần phải được kiểm soát và bảo vệ bằng chánh niệm để tránh tạo nghiệp bất thiện nên mới hành thiền.

Khởi đầu hành giả được chỉ dạy lấy thân như chuyển động phồng xẹp của bụng làm đề mục chính để ghi nhận trong lúc ngồi thiền hầu giữ cho tâm ý khỏi lang bạt đó đây. Tuy nhiên, trong khi hành giả ghi nhận, tâm có thể phóng chạy theo các đối tượng khác làm cho các trạng thái tâm hay tâm sở (cetasika) si mê, tham ái, sân hận sinh khởi nơi tâm hành giả. Trong trường hợp này, theo kinh điển, Đức Phật dạy hành giả hãy ghi nhận những trạng thái đang sinh khởi trong tâm ngay lúc đó. Đó là phép quán tâm (cittānupassanā).

Để sự ghi nhận được dễ dàng, cố Hòa Thượng Thiền Sư Mahasi có chỉ dẫn cách thức niệm thầm như “tham ái, tham ái” hay “sân hận, sân hận” hoặc “si mê, si mê” song hành với sự ghi nhận các trạng thái tâm tham, sân, si tương ứng đang sanh khởi. Nếu các trạng thái tâm này không biến đi sau một vài ghi nhận hay niệm thầm, hành giả cứ tiếp tục ghi nhận hay niệm thầm cho đến khi chúng không còn nữa. Lúc đó, hành giả sẽ hiểu được thế nào là phép quán tâm hay niệm tâm.

Quán Tâm Có Gốc Tham Ái (sarāgacitta)

Ô nhiễm loại thô có thể được loại trừ nhờ giữ giới. Giữ giới ví như tránh không đi vào vùng có bệnh dịch đang hoành hành để khỏi bị lây bệnh truyền nhiễm. Tương tự, hành giả có thể ngăn ngừa không cho tham ái phát sinh bằng cách chánh niệm liên tục vào đề mục. Tuy nhiên, hành giả không thể nào ngăn cấm tham ái hay ô nhiễm sinh khởi. Do thói quen, hành giả muốn thấy vật đẹp, nghe âm thanh hay, ngửi mùi thơm, nếm vị ngon, đụng chạm vật êm ái nên trạng thái tham ái có thể sinh khởi lên nơi tâm hành giả trong khi đang theo dõi đề mục. Theo kinh Đại Niệm Xứ, hành giả ghi nhận ngay trạng thái tâm mong muốn hay tham ái đang xảy ra (sarāgaṁ vā cittaṁ sarāgaṁcittanti pajānāti).

Kinh dạy hành giả ghi nhận những gì đang sinh khởi trong tâm như nó là vậy. Khi vắng bóng ái dục, tâm trong sạch, hành giả biết tâm đang trong sạch. Khi tâm có ái dục, hành giả ghi nhận ngay là tâm đang có ái dục. Tâm ra sao, hành giả ghi nhận là vậy, không thêm không bớt. Quán sát tâm đúng theo chỉ dẫn của kinh điển như thế, hành giả mới tự mình kinh nghiệm bản chất thật sự của tâm hay có được sự hiểu biết đúng đắn về tâm (bhāvanāmayañāna) khi chúng đang xảy ra. Như vậy, hành giả mới được xem là thực hành phép quán tâm (cittānupassanā).

Trong khi thiền tập, cố Hòa Thượng Thiền Sư Mahasi đã không giải thích về tâm như Vi Diệu Pháp. Ngài chỉ dùng loại ngôn ngữ hằng ngày để hướng dẫn chúng ta thiền tập bao gồm phép quán tâm. Khi hành thiền, hành giả không cần phải biết và nhớ có bao nhiêu tâm. Những suy tư hay tưởng tượng về tâm (cintāmayañāna) và kiến thức về Vi Diệu Pháp (sutamayañāna) đều không phải là cách thức niệm tâm. Những gì mà hành giả Thiền Minh Sát Niệm Xứ cần phải làm trong khi hành thiền là ghi nhận các tâm tục thế ngay khi chúng trở thành đối tượng nổi bật trong giây phút hiện tại.

Do đó, nếu hành giả không ghi nhận với sự hướng tâm và tinh tấn, tâm sẽ không an trụ trên đề mục nhưng chạy đây đó và bị ô nhiễm. Nếu thực hành đúng đắn bằng nỗ lực hướng tâm và ghi nhận đề mục cẩn thận, hành giả sẽ có khả năng hay biết kịp thời lúc tâm phóng. Nhờ vậy, hành giả đem được tâm trở lại với đề mục hoặc hành giả loại trừ kịp thời các trạng thái tâm bất thiện đang sinh khởi trong tâm hành giả. Với nỗ lực hướng và đưa tâm đến ghi nhận đề mục, ô nhiễm không sinh khởi nên tâm trở nên định tĩnh. Thực hành được như vậy là hành giả có khả năng hay biết lúc nào tâm trong sạch hay không trong sạch. Đó là phép quán tâm.

Hành giả sơ cơ có thể niệm thầm một cách song hành với sự ghi nhận đề mục theo sự chỉ dẫn của Cố Hòa Thượng Thiền Sư Mahasi như đã được nêu trên. Nếu trạng thái tâm tham muốn sanh khởi, hành giả ghi nhận ngay và có thể niệm thầm “muốn, muốn” một cách song hành với sự ghi nhận. Nhờ quan sát và ghi nhận như vậy, tham ái hay ái dục sẽ không còn nữa (vītarāgacitta) và tâm trở nên trong sạch trở lại. Trong trường hợp tham ái không mất ngay sau một lần ghi nhận và niệm thầm, hành giả cần tiếp tục ghi nhận cho đến khi tâm trở lại trạng thái yên tĩnh. Khi tham ái vắng mặt, hành giả hay biết tham ái vắng mặt mà không cần phải ghi nhận.

Đó là quán tâm có tham ái được ghi lại trong Kinh Đại Niệm Xứ và theo sự chỉ dạy của cố Hòa Thượng Thiền Sư Mahasi dựa theo kinh điển.

Quán Tâm Có Gốc Sân Hận (sadosacitta)

Khi tâm sân (sadosacitta) sinh khởi, ta giận dữ, bất mãn, muốn tiêu diệt hay gây phiền phức cho người khác. Sân hận đối lập với hỷ (pīti). Trong đời sống hằng ngày hay trong lúc hành thiền, sân hận lẻn vào tâm khi thất niệm. Trong kinh Đại Niệm Xứ, Đức Phật dạy: “Khi tâm có sân, biết rằng tâm có sân” (sadosaṁ vā cittaṁ sadosaṁcittanti pajānāti). Vậy khi sân hận phát sinh, hành giả hãy lập tức chánh niệm ghi nhận để hiểu tâm sân như nó là vậy. Khi bất mãn, hành giả ghi nhận trạng thái tâm này và có thể niệm thầm “bất mãn, bất mãn”. Khi giận, hành giả ghi nhận và có thể niệm thầm “giận”, “giận”. Ghi nhận hay niệm như thế, hành giả có thể thấy sân hận mất ngay hoặc giảm dần. Khi sân hận không còn, tâm trở nên trong sạch, hành giả biết tâm không còn sân hận.

Sân hận ví như bệnh tật cần được ngăn ngừa trước khi phát sinh và chữa trị ngay khi phát tác. Ghi nhận đề mục bằng sự hướng tâm và tinh tấn là cách thức ngăn ngừa phiền não phát sinh. Khi phiền não sinh khởi vì không chánh niệm kịp thời, hành giả hãy lập tức ghi nhận ngay trạng thái tâm phiền não để đoạn trừ. Có bệnh chỉ cần dùng một liều thuốc là dứt, có bệnh cần dùng nhiều liều hơn. Có loại hỏa hoạn có thể dập tắt được ngay nhưng cũng có loại cần thêm nhiều thời gian. Tương tự như vậy, hành giả có thể loại trừ phiền não trong một lần hay qua nhiều lần ghi nhận. Đó là cách quán tâm có sân hận.

Quán Tâm Có Gốc Si Mê (samohacitta)

Khi hành thiền, các tâm có gốc si mê (samohacitta) cũng sinh khởi. Si mê (moha) là bối rối, phân vân, mê mờ, không biết sự thật. Nguyên nhân của si mê là tâm không được an trụ vì hoài nghi (vicikicchā) hay trạo cử (uddhacca).

Vì hoài nghi, tâm không an trụ và vì trạo cử hay chao động tâm cũng không an trụ. Do đó, có hai hình thức si mê là si mê vì hoài nghi vào những gì có thật hay không biết sự thật (vicikicchāsampayutta) và si mê do chao động hay trạo cử (uddhacca sampayutta). Hai loại si mê này sinh khởi nơi tâm phàm nhân mỗi ngày.

Khi không niệm vào đề mục bằng sự hướng tâm và tinh tấn, tâm ghi nhận trượt khỏi đề mục nên si mê, hoài nghi, phân vân phát sinh và tâm ngay lúc đó là tâm si mê (samohacitta). Nếu kịp thời đưa tâm đến giáp mặt và chà sát đề mục, hoài nghi sẽ không phát sinh và tâm thoát khỏi si mê (vītamohacitta). Ngoài ra, vì tâm chao động hay trạo cử nên hành giả không phát triển các trạng thái tâm hoan hỷ (pīti), thư thái (passaddhi), hạnh phúc (sukha), an tịnh (samādhi) để kinh nghiệm được hương vị giáo pháp. Đây cũng là tâm si mê. Trong lúc tu tập, hành giả cần hiểu rằng khi chánh niệm vắng mặt thì si mê sinh khởi hay tâm không chánh niệm chính là tâm si mê. Hãy tưởng tượng xem những người không thực tập Thiền Minh Sát Niệm Xứ, không biết dùng chánh niệm để diệt trừ si mê thì tâm họ như thế nào. Trong một phút không chánh niệm, tâm sẽ có sáu mươi lớp si mê, trong một giờ sẽ có ba ngàn sáu trăm lớp si mê, và trong nhiều giờ thì có hàng hàng lớp lớp si mê làm mờ mịt tâm. Tâm bị che đậy bởi si mê tương tự như người bị bệnh mắt kéo mây. Nếu lớp mây mỏng người này thấy lờ mờ không rõ, nếu lớp mây đóng quá dầy người này mất luôn thị giác không nhìn thấy được gì nữa, hoặc có thấy thì cũng chỉ thấy sai. Trong trường hợp này rất khó để chỉ cho người đó biết được đâu là chánh đạo.

Bệnh mắt kéo mây trị được thì bệnh tâm si mê cũng trị được. Đức Phật biết phương pháp đoạn trừ si mê nên Ngài còn được xem là người trị bệnh si mê. Muốn trị dứt bệnh si mê phải hành thiền Minh Sát Niệm Xứ. Đó là phương thuốc mà Đức Phật kê cho chúng sinh.

Như người bị bệnh mắt kéo mây sau khi được chữa lành thấy mọi vật rõ ràng, người có tâm si mê sau khi hành thiền đúng phương pháp sẽ không còn si mê và sẽ thấy sự vật chính xác đúng với bản chất thật sự của chúng. Theo lời dạy của Đức Phật, cần phải lột bỏ các lớp si mê vốn đã đeo đuổi tâm trí từ bao nhiêu kiếp sống trong vòng luân hồi. Và cách tốt nhất để lột bỏ lớp si mê là phải chánh niệm ghi nhận các hiện tượng danh sắc sanh khởi nổi bật qua sáu cửa giác quan ngay trong khoảnh khắc hiện tại.

Tâm si mê có thể liên kết hay câu hữu với tham hay sân. Tham muốn, ngã mạn, tự kiêu, tà kiến về tiểu hồn, về đại hồn là tâm si có gốc tham. Các tâm này cũng phát sinh trong lúc hành thiền khi hành giả mất chánh niệm. Tâm chạy theo các đối tượng ngũ dục hay khi hành giả có ý nghĩ tự hào về việc hành thiền của mình. Khi hành thiền tốt, hành giả nghĩ “tôi hành thiền giỏi, chỉ có tôi mới giỏi”. Khi không biện biệt được danh sắc sẽ cho rằng có linh hồn và vì bị tà kiến như vậy nên sẽ tốn rất nhiều thì giờ làm nhiều việc với mục đích mong cho linh hồn được hạnh phúc.

Ấn Độ giáo tin rằng hồn chứa đựng kiến thức và có hai loại hồn là tiểu hồn (jīva atta) hay linh hồn ngự trị trong mỗi chúng sanh hữu tình và đại hồn (parama atta) là Thượng Đề hay Đại Phạm Thiên (mahā brahmā) sáng tạo ra vũ trụ. Họ tin rằng tiểu hồn nằm trong cơ thể điều khiển mọi sinh hoạt của cá nhân. Vật lớn hồn lớn, vật nhỏ hồn nhỏ như hồn của kiến nhỏ hơn hồn của voi. Hồn kiểm soát thân, hồn tạo nên sự thấy, nghe, ngửi… hay đi, đứng, nằm, ngồi, co, duỗi… Khi chết, hồn di chuyển sang thân xác mới. Vì tin vào hồn và do tâm tham nên người ta làm mọi thứ để hồn được thỏa mãn. Ngoài ra, họ còn tin đại hồn là đấng tối cao không hình tướng, không buồn vui và biết tất cả mọi chuyện. Thay vì nỗ lực hành thiền để thoát khỏi khổ đau và giải thoát khỏi vòng luân hồi, họ cúng tế và cầu nguyện đại hồn để được cứu rỗi.

Đối với các tâm si liên kết hay câu hữu với sân như ác ý, bủn xẻn, ganh tỵ, hối hận, hãm hại, sợ hãi, lo âu, hành giả phải ghi nhận ngay khi những trạng thái tâm này sanh khởi. Hành giả có thể niệm thầm “sợ, sợ” hay “ lo, lo”… Có lúc ngồi thiền quá lâu, hành giả lo sợ máu không lưu thông khiến bị đứt mạch máu. Nếu trường hợp này xảy ra, hành giả hãy ghi nhận ngay vào sự lo nghĩ này. Có lúc thấy hối tiếc, ghen ghét, ganh tỵ, hành giả nhớ ghi nhận ngay các trạng thái tâm này ngay khi chúng vừa mới sanh khởi. Hành giả có thể ngăn ngừa các tâm có gốc si bằng cách ghi nhận đề mục hiện tại. Hành giả phải ghi nhận bằng sự hướng tâm và với tất cả nỗ lực.

Nếu các trạng thái tâm bất thiện tham, sân, si phát sinh, hành giả hãy lập tức ghi nhận ngay. Nhờ vậy, chúng sẽ yếu dần và biến mất khỏi tâm hành giả. Do đó, quán tâm là chánh niệm ghi nhận các trạng thái tâm đang có mặt nơi tâm ngay khi chúng vừa mới sanh khởi.

Vào lúc đi kinh hành, hành giả hãy chú tâm ghi nhận mỗi bước chân sao cho tâm ghi nhận chìm vào các chuyển động dở, bước, đạp của bàn chân. Một khi tâm ghi nhận trượt khỏi đề mục dở, bước, đạp, hành giả cần nhận biết ngay rằng tâm ghi nhận vừa mới trượt khỏi đề mục, rằng mình vừa mới thất niệm. Biết được mình không ghi nhận kịp thời đề mục, hành giả chợt hiểu ra sự có mặt của tâm si mê (samohacitta). Bao lâu mà hành giả có khả năng ghi nhận đề mục đang sinh khởi và hiểu được bản chất thực sự của đề mục, bấy lâu si mê hoàn toàn vắng mặt (vītamohacitta).

Trong quá trình thiền tập, vào thời điểm mà hành giả thất niệm, hành giả không được xem như đang hành thiền Minh Sát Niệm Xứ. Ngay lúc hành giả không chú tâm quan sát đề mục bằng Tầm và Tấn, tâm sẽ phóng chạy đó đây nên tham ái, sân hận, bất an, phóng dật, hoài nghi sinh khởi.

Khi hành thiền, tâm hành giả trải nghiệm các trạng thái tâm trong sạch lẫn không trong sạch. Kệ ngôn có câu: “sarāgaṁ vā cittaṁ sarāgaṁcittanti pajānāti, vītarāgaṁ vā cittaṁ vītarāgaṁcittamti pajānāti.” Tức là khi không chứa ái dục tâm trong sạch, hành giả biết là tâm đang trong sạch và khi ái dục phát sinh, hành giả hãy ghi nhận ngay để thấy ái dục như nó là vậy. Hành giả nên chánh niệm ghi nhận bất kỳ tâm nào đang nổi bật để thấy được bản chất thực sự của nó (yasmim yasmim khane yaṁ yaṁ cittaṁ pavattati taṁ taṁ sallakkhento…). Quan sát và ghi nhận như thế là hành giả đang quán tâm (cittānupassanā) đúng theo sự giảng giải của Đức Phật được ghi lại trong Kinh Đại Niệm Xứ. Hành giả nên thực tập đúng với kinh điển chứ đừng làm theo ý mình hay những chỉ dẫn không phù hợp với kinh đîển.

Tóm lại, theo phép quán tâm được ghi lại trong kinh điển, hành giả khách quan ghi nhận ngay những gì đang sinh khởi nổi bật trong tâm. Tâm có sao hành giả ghi nhận là vậy. Chẳng hạn khi tâm có tham hành giả biết tâm có tham, khi tâm có sân hành giả biết tâm có sân, và khi tâm có si hành giả biết tâm có si… Nếu thực hành đúng đắn, ghi nhận cẩn thận, hành giả sẽ có khả năng hay biết kịp thời lúc tâm phóng đi hay lúc tâm có các trạng thái bất thiện như tham, sân, si…sanh khởi. Với sự hay biết kịp thời, hành giả loại trừ ngay các trạng thái tâm bất thiện đang sinh khởi trong tâm và kéo tâm trở lại với đề mục quán sát. Nhờ quán tâm đúng theo sự chỉ dạy của Đức Phật như vậy mà hành giả phát triển được khả năng hay biết về tâm để thanh lọc tâm cho được trong sạch. Đó là phép quán tâm.

  • Quán Pháp (Dhammānupassanā)

Quán Pháp là phép quán cuối cùng của Tứ Niệm Xứ được Đức Phật dạy trong Kinh Đại Niệm Xứ. Quán pháp là ghi nhận các đối tượng thuộc cả danh pháp và sắc pháp. Nói theo ngũ uẩn, quán pháp là quán cả năm uẩn trong khi quán thân là quán sát sắc uẩn, quán thọ là quán sát thọ uẩn, quán tâm là quán sát thức uẩn.

Theo Kinh Đại Niệm Xứ, các đối tượng danh sắc được ghi nhận trong khi hành thiền theo phép quán pháp bao gồm năm chướng ngại tâm hay năm triền cái thuộc danh, ngũ uẩn thủ thuộc danh và sắc, sáu căn sáu trần thuộc danh và sắc, thất giác chi thuộc danh, và Tứ Diệu Đế bao gồm cả danh và sắc.

Sư sẽ không đi vào chi tiết của phép quán này. Chỉ biết khi hành thiền, trong lúc đang ghi nhận đề mục chính là chuyển động phồng xẹp của bụng bỗng tiếng động vang đến tai một cách nổi bật, hãy hướng tâm ghi nhận ngay đối tượng nghe này. Hành giả có thể niệm thầm một cách song hành với sự ghi nhận tiếng động là “nghe, nghe” trước khi các ý tưởng sanh khởi. Tương tự như vậy, trong lúc đang đi kinh hành ghi nhận đề mục chính là chuyển động dở, bước đạp của bàn chân, bổng thấy người hay vật gì làm mình phóng tâm, hành giả đứng lại ghi nhận ngay đối tượng thấy và có thể niệm thầm “thấy, thấy” trước khi sự suy nghĩ hay phân tích xảy ra. Thực hành như thế là hành giả đang quán pháp (dhammānupassanā).

Trí Tuệ Thâm Sâu 

Tham, sân, si được ví như những căn bệnh ngặt nghèo cần phải chữa trị tức thì. Khi những trạng thái tâm bất thiện này sinh khởi, hành giả đừng có mất thì giờ phân tích mà hãy nỗ lực hướng và đưa tâm đến ghi nhận ngay. Hành giả có thể niệm thầm “ham muốn, ham muốn” nếu ham muốn; “giận, giận” nếu giận; và “hoài nghi, hoài nghi” nếu hoài nghi. Khi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, hành giả cũng ghi nhận như thế. Bằng cách niệm liên tục, tâm ghi nhận sẽ trực diện với đề mục đang sanh khởi giúp chánh niệm được thiết lập vững vàng và sát na định phát triển mạnh mẽ. Nhờ vậy, hành giả kinh nghiệm đặc tính riêng và đặc tính chung của đề mục. Ví như khi nhìn vào khuôn mặt ai, nếu tâm ghi nhận hướng về vùng nào trên mặt sẽ thấy vùng đó và nếu nhìn toàn thể sẽ thấy cả gương mặt. Bằng cách ghi nhận như vậy, các trạng thái tâm bất thiện sanh khởi hay ngủ ngầm bị suy yếu dần và cuối cùng sẽ bị đoạn tận một cách vĩnh viễn.

Kệ ngôn “patipakkhavigamanena” có nghĩa là “thoát khỏi trạng thái đối nghịch”. Bất thiện pháp là trạng thái đối nghịch với thiện pháp. Khi thiện pháp sinh khởi như tâm đang có trạng thái chánh niệm thì bất thiện pháp như tham, sân, si không phát sinh. Ngay lúc đó, dục tầm hay ý tưởng ham muốn (kāmavitakka), sân tầm hay ý tưởng giận hờn (byāpādavitakka), và hại tầm hay ý tưởng hãm hại (vihimsāvitakka) vắng bóng. Đây chính là Chánh Tư Duy (sammā saṅkhappa). Một khi tâm trong sạch, dầu có thâm sâu (gambhīra) và khó nhận ra đến bao nhiêu, giáo pháp vẫn hiển lộ thật rõ ràng (supākata) và hành giả có thể tự mình thấy và biết giáo pháp một cách tường tận.

Trí tuệ hay sự hiểu biết sâu xa hình thành nhờ thiền tập. Khi ghi nhận phồng xẹp đang sinh khởi, hành giả hiểu được căng, dãn, chuyển động là đặc tính riêng của yếu tố gió. Ngay khi hạ người, nếu ghi nhận kịp thời, hành giả sẽ thấy một cách biện biệt hàng loạt ý muốn ngồi và chuyển động ngồi của cơ thể và như vậy phát triển được Tuệ Giác Phân Biện Danh Sắc (nāma rūpaparicchedañāna). Với tuệ giác này, hành giả chỉ thấy danh sắc vào mỗi phút giây ghi nhận đề mục chứ không có linh hồn (jivā atta) nào cả. Nhờ đó mà hành giả thoát khỏi tà kiến hay tin tưởng sai lầm về linh hồn điều khiển hoạt động của mỗi cá nhân.

Rồi hành giả cũng thấy vì có ý muốn ngồi nên chuyển động ngồi mới xảy ra và trực nhận được tương quan nhân quả giữa hai hiện tượng này. Hành giả biết rõ là nhân nào sanh quả đó và đây chính là Tuệ Giác Về Tương Quan Nhân Quả (paccayapariggahañāna). Với tuệ giác này, hành giả không còn tin vào đại hồn (parama atta) hay Thượng Đế đầy quyền năng sáng tạo ra vũ trụ. Tiếp tục thiền tập, hành giả phát triển Tuệ Giác Thấu Đạt (sammasanañāna) kinh nghiệm các đặc tính chung vô thường, khổ, và vô ngã của các hiện tượng danh sắc.

Với sự hiểu biết bản chất thực sự của đề mục bao gồm đặc tính riêng, đặc tính chung cùng với sự phát triển tuần tự các tuệ giác cao hơn theo từng giai đoạn, hành giả cuối cùng sẽ đạt được Đạo Tâm (magga) và Quả Tâm (phala). Trí tuệ thâm sâu này chỉ có được nhờ thực tập Thiền Minh Sát Niệm Xứ mà thôi. Đó là Chánh Kiến (sammā diṭṭhi).

Như vậy, trí tuệ thâm sâu bao gồm các Tuệ Minh Sát và kinh nghiệm Đạo, Quả có được qua sự thực chứng cá nhân. Minh Sát Tuệ vượt xa sự hiểu biết có được từ sách vở (sutamayañāna) hay suy tư (cintāmayañāna) và sâu sắc, sống động hơn kinh nghiệm có được qua sự chứng đắc các tầng thiền tục thế Sắc Giới và Vô Sắc Giới (lokiya jhāna) trong Thiền Vắng Lặng. Do vậy, hành giả chớ nên chỉ thỏa mãn với những kiến thức lĩnh hội qua sách vở hay suy tư cũng như việc tu tập Thiền Vắng Lặng không mà thôi.

Trong Kinh Pháp Cú có kệ ngôn: “Cittaṁ guttaṁ sukhāvahaṁ” với ý nghĩa là “khi được canh gác, tâm an toàn và bình yên”. Tâm không còn bị xao động bởi tham, sân, si mà trở nên an tịnh. Vì Tuệ Minh Sát đem đến bình an, hạnh phúc nên chúng ta cần hành thiền Minh Sát Niệm Xứ. Một khi được vun bồi, tâm sẽ thay đổi và trở nên an tịnh, hạnh phúc một cách không ngờ.

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app