Phần 8

Năm Chướng Ngại Tâm

Các Chi Thiền Minh Sát

Kinh Hành và Lợi Ích

NĂM CHƯỚNG NGẠI NƠI TÂM (nīvarana)

Trong khi hành thiền, năm chướng ngại tâm hay năm triền cái (nīvarana) thường hay phát sinh gây khó khăn cho hành giả. Nếu không khắc phục được các chướng ngại này, sự thực tập sẽ không mang lại kết quả đáng kể nào cả. Năm chướng ngại là ái dục (kāmacchanda), sân hận (byāpāda), dã dượi buồn ngủ (thina-middha), trạo cử hối tiếc (uddhacca-kukkucca), và hoài nghi (vicikicchā).

Các chướng ngại kể trên gây ô nhiễm cho tâm (cetaso upakkilesa), làm cản trở không cho các chi thiền phát triển (āvaraṇa), và che khuất không cho hành giả thấy sự thật (paññāya dubbalīkaraṇā). Chúng cũng ngăn cản không cho các thiện nghiệp thành tựu. Vì các chướng ngại tâm này, sự hiểu biết (trí tuệ) dù có hình thành, cũng rất yếu ớt. Để chế ngự các chướng ngại tâm, hành giả cần phát triển các trạng thái tâm hay tâm sở đối kháng có sức mạnh áp đảo.

Ái dục (kāmacchanda) là trạng thái tâm ham muốn vật đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái… Khi tâm không được kiểm soát, ái dục sẽ sinh khởi làm cho tâm đuổi theo những đối tượng này. Khi có sự định tâm hay nhất tâm, tâm không còn phóng chạy đó đây nhưng trở nên định tĩnh. Do đó, nhất tâm (ekaggatā) hay định (samādhi) khắc phục được ái dục. Bao lâu định tâm được duy trì, bấy lâu ái dục không thể sinh khởi nơi tâm hành giả.

Sân hận (byāpāda) được biểu hiện qua bực bội, giận dữ, phẫn nộ, bất mãn, dã tâm, ác ý hãm hại người khác. Đối nghịch với sân hận là hỷ (pīti), trạng thái tâm hoan hỷ, vui vẻ.

Dã dượi, buồn ngủ (thina-middha) là trạng thái tâm co rút, đông cứng giống như bơ bị cứng lại ở nhiệt độ thấp. Dã dượi (thina) là dễ duôi, buông xuôi, thụ động, tiêu cực, không muốn cố gắng, chỉ muốn sự dễ dàng thoải mái trong sự tu tập. Buồn ngủ (middha) là khuynh hướng muốn hưởng thụ cảm giác ngủ nghỉ. Con người vốn thích hưởng thụ cuộc sống thoải mái, đầy đủ tiện nghi. Khi rảnh rỗi, người ta thường ngã lưng tìm sự thoải mái. Khi thức giấc, họ không dậy ngay mà nằm nán để tiếp tục thưởng thức cảm giác sảng khoái do cơn ngủ đem lại (middhasukha). Thói xấu này đã đeo đuổi cả đời nên khi tham dự khóa thiền, họ vẫn tiếp tục muốn hưởng thụ như vậy. Hành giả thuộc loại này giữ chánh niệm một cách lỏng lẻo, lấy lệ. Họ ghi nhận đề mục một cách lơ là làm cho tâm trở nên co rút, thụ động, rơi vào tình trạng hôn trầm rồi chìm vào cơn ngủ. Để loại trừ dã dượi buồn ngủ, hành giả cần phát triển chi thiền Tầm (vitakka) hướng tâm đến đề mục vì trạng thái tâm thiền này làm cho tâm mở mang, linh hoạt, tỉnh táo và năng động.

Trạo cử, hối tiếc (uddhacca-kukkucca) làm cho tâm chao động không gom tụ trên đề mục (uddhacca) và bứt rứt vì những chuyện đã qua (kukkucca). Đối nghịch với trạng thái bất an này là lạc (sukha) tức là trạng thái tâm hạnh phúc, an vui.

Hoài nghi (vicikicchā) là trạng thái tâm phân vân, không hiểu rõ đề mục. Khi tâm được giữ yên và chà sát trên đề mục, chi thiền Tứ (vicāra) hình thành. Khi ấy, hành giả thấy đề mục hiển lộ rõ ràng nên không còn hoài nghi. Do đó, Tứ đối nghịch lại với hoài nghi.

Năm chướng ngại tâm cũng ảnh hưởng đến thân, khẩu, ý. Nếu để tâm buông lung, mặc cho năm chướng ngại này thao túng, hành giả được xem là người bại trận. Ái dục khiến hành giả tham đắm. Sân hận làm cho hành giả ganh ghét, ác ý. Dã dượi buồn ngủ là kẻ thù gần nhất đã đeo đuổi theo hành giả từ vô lượng kiếp khiến cho hành giả dễ duôi, buông thả, chỉ thích sự dễ dãi, ham hưởng thụ cảm giác ngủ nghỉ. Dã dượi buồn ngủ thường gây khó khăn nhiều nhất trong sự tu tập đối với hành giả sơ cơ. Để tâm miên man trôi theo những suy nghĩ về quá khứ làm cho hành giả hối tiếc, bất an. Vì các chướng ngại tâm này mà hành giả không đạt được sự tiến bộ nào cả. Kết quả là hành giả thiếu tự tin nơi chính mình, hoài nghi đối với pháp hành nên không muốn hay không nỗ lực thực tập.

Do đó, năm chướng ngại tâm cản trở việc tu tập. Chúng ngăn cản việc thanh lọc tâm khiến thân, khẩu, ý không được trong sạch, làm cho đời người xuống cấp, khốn khổ. Nếu không tu tập, đào luyện tâm ý cho được thiện lành để được an vui, hạnh phúc thật sự thì hành giả phí phạm cả một đời người. Cho nên, hành giả cần phải cố gắng tu tập phát triển sức mạnh nơi tâm để chế ngự năm chướng ngại tâm hay năm triền cái này. Được như vậy, tâm sẽ trong sạch và thân, khẩu, ý trở nên tốt đẹp, dễ mến.

Hành giả đã bỏ lại phía sau loại hạnh phúc thế tục để đến đây tu tập. Nhưng nếu tu tập dễ duôi, hành giả sẽ không hưởng được hạnh phúc giáo pháp. Kết quả là hành giả đánh mất hạnh phúc thế tục lẫn hạnh phúc giáo pháp. Do đó, ngoại trừ lúc ngủ nghỉ, hành giả nên dành hết thời giờ và năng lực để nỗ lực hướng và đưa tâm đến ghi nhận đề mục vừa sanh khởi một cách rõ ràng và chính xác. Nhờ vậy, sẽ khắc phục được năm chướng ngại tâm và việc hành thiền có kết quả tốt đẹp. Là người lính đang chiến đấu với kẻ thù phiền não, hành giả cần nỗ lực tu tập, giữ chánh niệm liên tục và tăng cường các sức mạnh trong tâm để trở thành người thắng trận.

Tóm lại, hành giả phải cố gắng phát triển cho được năm chi thiền Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất Tâm để chế ngự năm chướng ngại tâm là ái dục, sân hận, dã dượi buồn ngủ, bất an, và hoài nghi. Ngoài ra, khi phát triển sức mạnh của năm thiền chi này, tâm hành giả trưởng thành có khả năng chế ngự được các trạng thái tâm bất thiện khác.

CÁC CHI THIỀN MINH SÁT

Hành giả hành thiền Minh Sát Niệm Xứ khi có định tâm phát triển từ sát na định liên tục có thể đạt các Tầng Thiền Minh Sát (vipassanā jhāna) và kinh nghiệm rõ ràng các thiền chi trong các tầng thiền này. Có bốn Tầng Thiền Minh Sát:

  • Sơ Thiền là tầng thiền thứ nhất với năm thành tố hay thiền chi: Tầm (vitakka), Tứ (vicāra), Hỉ (pīti), Lạc (sukha), Nhất Tâm (ekaggatā).
  • Nhị Thiền là tầng thiền thứ hai với ba thiền chi: Hỉ (pīti), Lạc (sukha), Nhất Tâm (ekaggatā).
  • Tam Thiền là tầng thiền thứ ba với hai thiền chi: Lạc (sukha), Nhất Tâm (ekaggatā).
  • Tứ Thiền là tầng thiền thứ tư với hai thiền chi: Xả (upekhā), Nhất Tâm (ekaggatā). Có hai cách phân chia các chi thiền:
  • Cách thứ nhất gồm sáu chi thiền: Tầm (vitakka), Tứ (vicāra), Hỉ (pīti), Lạc (sukha), Xả (upekkhā), Nhất Tâm (ekaggatā).
  • Cách thứ hai gồm năm chi thiền: Tầm (vitakka), Tứ (vicāra), Hỉ (pīti), Xả (upekkhā), Nhất Tâm (ekaggatā).

Theo cách chia thứ nhì, lạc và xả đều được xem là cảm giác nên có thể kết hợp thành một chi thiền gọi chung là Xả (upekkhā).

Sư không rõ các chi thiền được dịch sang Anh Ngữ như vitakka là thought (ý nghĩ), vicāra là reflection (hồi tưởng), pīti là joy hay rupture (niềm vui), sukha là happiness (hạnh phúc) và upekkhā là equanimity (quân bình) có thật sự tương đương với nguyên ngữ Pāḷi không. Có thể chúng sát nghĩa trên lý thuyết nhưng không chính xác trong thực hành. Tuy nhiên, hành giả có kinh nghiệm thiền sẽ thấy và hiểu ý nghĩa các chi thiền này rất rõ ràng và chính xác.

Tầm (vitakka): Trong Bát Chánh Đạo, Tầm chính là Chánh Tư Duy (sammā saṅkkappa) hay sự suy nghĩ đúng đắn. Nhưng trong khi hành thiền, Tầm là trạng thái tâm hay tâm sở (cetasika) nhắm hay hướng đến đề mục hay đối tượng. Do đó, Tầm cũng là Chánh Hướng Tâm.

Trong lúc hành thiền, muốn thấy và hiểu rõ các hiện tượng danh sắc hay tâm-vật-lý sanh khởi nổi bật qua sáu cửa giác quan trong khoảnh khắc hiện tại, hành giả cần phải quán sát hay ghi nhận chúng ngay lúc vừa mới sinh khởi. Chẳng hạn, muốn thấy rõ sự căng, cứng, mềm trong chuyển động phồng, xẹp của bụng, hành giả phải quán sát phồng, xẹp khi chúng đang xảy ra. Để được như vậy, trước hết hành giả phải hướng tâm đến đề mục. Trạng thái hướng đến đề mục này của tâm chính là Tầm. Chi thiền Tầm có ảnh hưởng quyết định đối với sự ghi nhận đề mục vì hướng tâm đến đề mục kịp thời làm cho tâm trở nên năng động trong sự ghi nhận.

Tứ (vicāra): Tứ là trạng thái tâm hay tâm sở (cetasika) trực diện và chà sát tâm trên đề mục. Khi tâm có trạng thái Tứ sanh khởi, hành giả thấy đề mục một cách rõ ràng nên không còn phân vân, hoài nghi.

Sau khi có Tầm hay trạng thái hướng tâm đến đề mục, tâm cần được đưa tới đề mục. Muốn đưa tâm đến đề mục cần phải có cố gắng hay tinh tấn. Tuy nhiên, sự tinh tấn hay cố gắng thông thường không đủ sức mạnh nên cần phải vận dụng loại tinh tấn có phẩm chất cao hay tinh cần (ātāpa vīriya). Tinh cần làm cho hành giả không còn dễ duôi thụ động mà nỗ lực đưa tâm đến đề mục. Khi tâm đến được đề mục, trạng thái tâm làm tâm đối diện trực tiếp và chà sát đề mục là Tứ.

Lúc mới bắt đầu quán sát đề mục, hành giả chưa thực sự hành thiền Minh Sát Niệm Xứ. Chỉ đến khi thành tựu được hai chi thiền Tầm và Tứ, hành giả mới được xem là hành thiền Minh Sát Niệm Xứ. Nhờ các chi thiền Tầm và Tứ, tâm ghi nhận gắn bó với đề mục, không còn phóng chạy đây đó như trước nữa nên chánh niệm được phát triển.

Sư lấy ví dụ dùng nĩa lấy miếng khoai tây để quí vị dễ hiểu ý nghĩa các chi thiền Tầm và Tứ. Muốn lấy miếng khoai tây, trước hết phải hướng về hay nhắm đến miếng khoai tây. Kế tiếp là cố gắng đưa nĩa đến và cắm vào miếng khoai tây. Nhắm đến miếng khoai tây tức là Tầm, cố gắng đưa nĩa đến miếng khoai tây là Tấn, và cắm nĩa vào miếng khoai tây là Tứ. Nếu không có tâm hướng đến miếng khoai tây, hành giả có thể đưa nĩa trật đi nơi khác. Hay nếu có nhắm đến miếng khoai tây nhưng không cố gắng đưa nĩa đến tận nơi hay chỉ đưa nửa vời thì cũng không đến được miếng khoai tây. Và nếu nhắm và có cố gắng đưa nĩa đến nhưng không ghim được vào miếng khoai tây thì cũng không thể lấy được miếng khoai tây. Như vậy, khi dùng nĩa để lấy một miếng khoai tây, phải có đủ cả ba điều kiện là nhắm đến miếng khoai tây, cố gắng đưa nĩa đến miếng khoai tây, và rồi cắm nĩa vào miếng khoai tây. Tương tự như vậy, sự thiền tập tốt đẹp cần cả ba trạng thái tâm Tầm, Tấn và Tứ để tâm ghi nhận được đề mục hầu phát triển chánh niệm.

Một ví dụ nữa là dùng kim chỉ may hai miếng vải lại với nhau. Để may hai miếng vải lại với nhau người thợ cần cả kim lẫn chỉ. Mũi kim xuyên qua hai tấm vải để làn chỉ theo sau kết chặt hai miếng vải lại. Tầm được so sánh với mũi kim luồng qua hai tấm vải và Tứ là sợi chỉ theo sau mũi kim kết chặt hai miếng vải với nhau. Hai mảnh vải là tâm ghi nhận và đề mục quán sát. Như vậy Tầm như mũi kim đem tâm ghi nhận và đề mục lại với nhau và Tứ làm cho tâm ghi nhận dính vào đề mục.

Như vậy, trong sự ghi nhận chuyển động phồng xẹp của bụng, hành giả phải hướng tâm đến phồng, xẹp rồi nỗ lực đưa tâm đến và giữ tâm trên đề mục. Nếu Tầm và Tứ kết hợp tốt đẹp thì tâm ghi nhận dễ bắt được đề mục. Do đó, Tầm và Tứ là hai chi thiền rất cần thiết cho sự tiến bộ trong thiền tập.

Hành giả tự thẩm định xem hai chi thiền Tầm và Tứ có mặt trong sự tu tập của mình như thế nào. Nếu không có Tầm và Tứ, hành giả chỉ có loại chánh niệm hời hợt không đủ sức giúp thấy được bản chất thật sự của đề mục, tương tự như trong bửa cơm, tuy ăn nhưng không biết được vị của thức ăn. Hoặc như khi ăn đậu phọng, hành giả không cảm nhận được sự cứng, mềm, mùi, vị của đậu phọng vì tuy nhai nhưng chỉ chú ý hời hợt. Nếu thật sự chú tâm, hành giả sẽ thấy chuyển động của hàm dưới và đậu phọng được nghiền nát giữa hai hàm và cũng biết luôn vị của đậu phọng ra sao. Cùng thế ấy, nếu ghi nhận đề mục một cách hờ hững thì việc ghi nhận không có hiệu quả. Do đó, khi được hỏi ghi nhận phồng biết được điều gì, ghi nhận xẹp biết được điều gì, hành giả không thể trả lời đầy đủ mà chỉ nói đại khái hay trả lời bằng sự suy nghĩ mà thôi. Cho nên, phải chánh niệm ghi nhận đề mục cẩn thận thì mới thấy được đặc tính riêng của các hiện tượng cũng giống như có chú tâm trong khi ăn, hành giả mới thấy được mùi, vị riêng của từng thức ăn.

Ngoài Tầm và Tứ, trạng thái tinh tấn của tâm cũng đóng vai trò quan trọng không kém cho việc đưa và giúp giữ tâm trên đề mục. Thiền có nghĩa là tu tập làm cho các thiền tâm được sinh khởi, lập đi lập lại nhiều lần. Vận dụng tinh tấn làm phát triển Tầm và Tứ. Tầm và Tứ giúp cho Niệm và Định hình thành; nhờ vậy, chế ngự được phiền não hay ngăn ngừa các trạng thái tâm bất thiện sanh khởi. Lợi lạc như thế nào khi tâm thoát khỏi phiền não hay các trạng thái tâm bất thiện? Đó là sự hình thành trạng thái tâm vui vẻ, hạnh phúc khiến hành giả cảm thấy thỏa thích, thoải mái và vui sướng với pháp hành.

Tầm giúp cho tâm linh hoạt tươi tỉnh và Tứ giúp tâm ghi nhận trực diện, chà sát trên đề mục. Tinh tấn nung đốt biếng nhác, giúp hành giả luôn trong tư thế sẵn sàng ghi nhận đề mục vừa sinh khởi. Tâm ghi nhận đề mục nhanh chóng làm hình thành chánh niệm. Khi sự ghi nhận liên tục, chánh niệm được thiết lập vững vàng và tâm sẽ không rời đề mục.

Khi tâm gắn chặt vào đề mục, những suy nghĩ bất thiện không khởi sinh và tâm không còn phóng chạy đó đây theo các đối tượng ngũ dục. Vì thế, chánh niệm vững vàng được ví như người canh gác bảo vệ tâm (ārakkha) khỏi phiền não. Khoảnh khắc hay sát na nào mà tâm được bảo vệ, trong khoảnh khắc đó tâm không còn dao động mà gom trụ, định tĩnh trên đề mục. Đây là trạng thái nhất tâm từng khoảnh khắc được gọi là chập định hay sát na định (khaṇika samādhi).

Do đó, Tầm, Tứ và Tấn đóng vai trò rất quan trọng trong sự thiết lập chánh niệm và hình thành sát na định.

Khi Tấn, Niệm, Định không sinh khởi riêng rẽ mà liên kết thành một nhóm, chúng có khả năng bảo vệ tâm một cách hữu hiệu lạ thường. “Bhāvanā” có nghĩa là tu thiền, là khơi dậy sức mạnh trong tâm, là làm cho các trạng thái tâm thiện Tấn, Niệm, Định sinh khởi, phát triển và lớn mạnh (vaddhanā).

Tấn và Tầm làm tâm tươi tỉnh, năng động và loại trừ dễ duôi, buồn ngủ. Niệm và Định làm tâm an tịnh, không giao động bởi phiền não. Nhờ Tấn, Niệm và Định mà các ý tưởng dục lạc như ao ước thấy cảnh đẹp, nghe âm thanh hay, ngửi mùi thơm, nếm vị ngon, xúc chạm êm ái, sân hận, bất mãn, dã dượi, buồn ngủ, bất an, chao động, hoài nghi… vắng bóng nơi tâm.

Thoát khỏi phiền não của sự ham muốn ngũ dục, tâm trở nên an tịnh. Do tâm an tịnh, hai chi thiền Hỷ (pīti) và Lạc (sukha) phát sinh.

Hỷ (pīti): Hỷ là trạng thái tâm thích thú trước những gì đang xảy ra khiến hành giả hoan hỉ. Hỉ làm cho thân tâm nhẹ nhàng vì khi trạng thái tâm hay tâm sở này sanh khởi thì những cảm giác khó chịu, nặng nề tan biến đi và thay vào đó là cảm giác vui vẻ, thoải mái.

Lạc (sukha): Lạc là trạng thái tâm an lạc, hạnh phúc tiếp theo Hỷ. Trạng thái tâm hay tâm sở Lạc làm cho hành giả hài lòng, thỏa thích và sung sướng với việc hành thiền.

Hỷ, Lạc phát sinh, hành giả cảm thấy hạnh phúc. Hành giả bắt đầu kinh nghiệm hương vị pháp bảo. Hỷ, Lạc phát sinh do nhờ sống ẩn dật, khước từ ham muốn ngũ dục (vivekaja pītisukha). Hạnh phúc mà hỷ, lạc đem lại có thể sánh với cảm giác thỏa thích của người chơi trò đánh đáo. Khi ném trúng mục tiêu, người này cảm thấy vui thích. Cùng thế ấy, khi hành giả niệm kịp thời, sát na định hình thành làm phát sinh hỷ, lạc nên hành giả cảm thấy vui sướng, thỏa thích. Đây là loại hạnh phúc giải thoát khỏi phiền não được kinh nghiệm trong khi thực hành giáo pháp. Hành giả tự so sánh hạnh phúc giáo pháp giải thoát khỏi phiền não và hạnh phúc ngũ dục để thấy sự khác biệt giữa hai loại hạnh phúc này. Tâm không còn phân vân, hoài nghi, ái dục, sân hận, dã dượi buồn ngũ, và bất an giao động.

Nhờ hiểu được giá trị pháp hành, hành giả càng thiền tập nghiêm túc, cẩn trọng và tinh cần hơn. Ở giai đoạn này, sự tu tập tiến triển dễ dàng và hành giả bắt đầu ham thích thiền tập. Đến Tuệ Sinh Diệt (udayabbayañāna), hành giả cảm thấy hoan hỉ, sung sướng với thiền tập và kinh nghiệm loại hạnh phúc do sự dứt bỏ phiền não đem lại. Loại hạnh phúc này vượt trội hẵn hạnh phúc thế tục khiến hành giả tràn đầy tự tin với pháp hành, và cảm thấy trân quý pháp hành. Hành giả không còn muốn bỏ thiền, trái lại càng theo đuổi sự tu tập xa hơn nữa. Cảm thấy đời mình thăng tiến, hành giả hiểu rằng hạnh phúc thế tục quả thật quá nhỏ so với hạnh phúc giáo pháp. Tuy nhiên, hạnh phúc này vẫn chưa chín muồi, hành giả cần tiếp tục chánh niệm trong từng sát na để tiến xa hơn.

Mặc dầu lợi lạc như vậy nhưng Sư vẫn thấy vài hành giả trong khi kinh hành nhìn đó đây thay vì nhìn xuống phía trước và chú tâm theo dõi bước chân. Sư nghĩ rằng hành giả bỏ hạnh phúc thế tục lại phía sau để đến đây tu tập. Nếu tu tập một cách lơ là, hành giả sẽ không hưởng được hạnh phúc giáo pháp và như vậy hành giả mất cả hai hạnh phúc thế tục lẫn hạnh phúc giáo pháp. Bỏ công sức để đến đây, hành giả nên tu tập nghiêm chỉnh, liên tục và siêng năng để có cơ hội hưởng được hạnh phúc giáo pháp. Sư không muốn làm khó nhưng chỉ muốn cho hành giả hưởng được lợi lạc từ sự tu tập vì nếu tu tập lơ là, dễ duôi thì dù có ở đây một tháng hay sáu tuần, hành giả vẫn không hưởng được nhiều lợi lạc.

Xả (upekhā): Xả là trạng thái tâm quân bình, không buồn không vui, không thoải mái và cũng không khó chịu. Trạng thái tâm hay tâm sở Xả làm tâm trở nên thanh tịnh, vắng lặng, chính xác và sắc bén có thể thấy rõ các khía cạnh vi tế của các hiện tượng.

Nhất Tâm (ekaggatā): Nhất tâm là trạng thái tâm làm cho tâm an trụ trên đề mục thiền có nghĩa là tâm không còn bị phân tán mà tập trung, gom tụ vào đề mục.

Tùy theo công phu và khả năng tu tập, hành giả phát triển được các thiền chi trong khi hành thiền. Căn cứ vào sự hình thành và hiện diện của các thiền chi, hành giả thành đạt các Tầng Thiền Minh sát (vipassana jhāna) như được đề cập ở trên.

KINH HÀNH VÀ LỢI ÍCH

Kinh hành là hành thiền trong tư thế đi trên một quảng đường ngắn chứ không phải là đi theo lối tập thể dục hay đi dạo. Khi kinh hành, hành giả đi chậm chậm trong chánh niệm, mắt nhìn xuống phía trước và chú tâm ghi nhận chuyển động của bước chân. Kinh hành đem lại năm điều lợi ích như sau:

  • Giúp cho hành giả có khả năng đi xa nhờ vào sức mạnh của chân (addhānakkhamo).
  • Làm gia tăng tinh tấn (padhānakkhamo). Trong tiến trình dở, bước, đạp có hàng loạt ý muốn và chuyển động nơi chân sinh diệt theo từng cặp đôi một qua tương quan nhân quả. Muốn thấy được hàng loạt ý muốn và chuyển động sinh diệt, hành giả phải nỗ lực ghi nhận đề mục cẩn thận và kịp thời. Nhờ vậy, tinh tấn gia tăng. Thiếu tinh tấn, phiền não sẽ lẻn vào tâm dưới hình thức buồn ngủ v.v… Nhờ tinh tấn mà phiền não bị loại trừ, luồng tâm bất thiện bị ngăn chặn mở đường cho luồng tâm thiện liên tục sanh khởi.
  • Giúp cho máu huyết lưu thông nên ít bệnh tật (appābādo), có sức khỏe tốt nếu được quân bình với ngồi thiền.
  • Giúp tiêu hóa thức ăn dễ dàng (suparināmāhāra). • Tạo nên sự định tâm bền vững (ciraṭṭhitikasamādhi). Kinh hành đòi hỏi hành giả vận dụng nhiều loại tinh tấn khác nhau. Nỗ lực ghi nhận gồm tinh tấn khởi động theo dõi chuyển động dở bước đạp, tinh tấn phát triển vượt qua sự phóng tâm trong khi kinh hành cho đến khi trở lại ngồi thiền. Ngoài ra, hành giả còn cố gắng liên tục ghi nhận ngay trong khi ngồi xuống và cho đến khi hạ người xuống để ngồi. Nhờ tinh tấn và chánh niệm được giữ liên tục nên hành giả có sự định tâm mạnh mẽ và lâu dài.

Biết được năm điều lợi lạc của việc kinh hành, hành giả hãy chuyên tâm chánh niệm trong lúc kinh hành để hưởng được năm lợi lạc nói trên.

Kinh điển chỉ dẫn rằng khi kinh hành, hành giả đi chậm trong chánh niệm và ghi nhận bước chân di chuyển. Khi kinh hành, hành giả làm như người mù không nhìn ngó đó đây và như người điếc không để tâm đến âm thanh hay tiếng động. Trong lúc theo dõi dở, bước, đạp, nếu thoáng thấy vật gì, nghe tiếng động, ngứa ngáy nơi thân, hành giả đừng để tâm nhưng cứ tiếp tục chú tâm theo dõi các chuyển động dở, bước, đạp của bàn chân. Nếu cảm thấy phải ghi nhận các hiện tượng này, hành giả nên dừng lại rồi mới ghi nhận. Sau khi ghi nhận, tiếp tục kinh hành với sự theo dõi bước chân.

Đến cuối đường kinh hành, khi muốn đứng, hành giả hãy ghi nhận ý muốn đứng trước khi dừng lại. Trong khi đang đứng chú tâm ghi nhận toàn thân đang đứng chứ không phài hai bàn chân. Có thể niệm thầm “đứng, đứng”. Khi xoay người, hành giả hãy xoay chầm chậm và ghi nhận bàn chân đang xoay và có thể niệm thầm “xoay, xoay”. Hành giả hãy tinh tấn ghi nhận liên tục trong lúc kinh hành.

Sư tiếp tục quan sát và thấy một số hành giả vẫn còn nhìn ngang, nhìn dọc hay ngước nhìn lên trong khi đang đi kinh hành. Ngẩng đầu lên hay nhìn ngó đó đây trong khi đi kinh hành, hành giả sẽ mất chánh niệm. Khi kinh hành, hành giả nên giữ đầu thẳng, mắt nhìn xuống phía truớc khoảng 6 bộ (gần 2m) và bước chậm lại như một người yếu đuối, bệnh hoạn. Nếu muốn lấy vật gì, hãy dừng lại rồi chánh niệm đưa tay lấy. Có hành giả vừa đi kinh hành vừa đưa tay ra lấy ví, viết hoặc ưỡn, giản cổ. Làm như vậy, hành giả đánh mất cơ hội ghi nhận những gì đang sinh khởi trong hiện tại. Và đây là sự thiệt thòi cho hành giả.

Trong khi kinh hành, hành giả hướng và đưa tâm đến ghi nhận chuyển động dở, bước, đạp của bàn chân và có thể niệm thầm “dở, dở”, “bước, bước”, “đạp, đạp”. Khi niệm “dở”, “bước”, “đạp”, hành giả hãy nỗ lực ghi nhận một cách chính xác và khít khao để tâm ghi nhận chìm vào đề mục. Thoạt đầu, hành giả chỉ thấy được hình dáng của bàn chân. Dần dà, hành giả thấy tư thế dở chân, đưa chân tới hay đặt chân xuống. Dẫu thấy hình dáng hay tư thế, hành giả cũng đã có một ít lợi lạc trong pháp hành. Tuy nhiên, chú tâm chánh niệm trong khi đi kinh hành không phải để hiểu biết về hình dáng hay tư thế của chân khi di chuyển. Hành giả cần vượt xa hơn nữa để thấy được các đặc tính riêng, đặc tính điều kiện, và đặc tính chung của đề mục trong khi kinh hành.

Khi dở chân, hành giả kinh nghiệm sự đẩy lên nhẹ nhàng. Khi đặt chân xuống, hành giả cảm nhận sự nặng, cứng, mềm. Sự đẩy lên là đặc tính riêng của yếu tố gió,. Sự nặng, cứng, mềm là đặc tính riêng của yếu tố đất. Các đặc tính riêng này cũng giống như vị ngọt là đặc tính của đường. Trước khi dở chân, hành giả thấy hàng loạt ý muốn dở chân và vì có hàng loạt ý muốn dở chân nên mới có sự dở chân. Trong khi chân dở lên, hành giả kinh nghiệm ý muốn dở chân và sự nâng đẩy nhẹ nhàng sinh khởi theo từng cặp đôi. Đây là đặc tính điều kiện theo tương quan nhân quả. Rồi hàng loạt ý muốn và chuyển động dở, bước, đạp của bàn chân sanh khởi và hoại diệt theo từng cặp đôi một một cách liên tục như một luồng trôi chảy. Đây là đặc tính chung về sự vô thường của các hiện tượng. Tóm lại, muốn thấy các đặc tính trong khi dở, bước, đạp, hành giả phải tinh cần nỗ lực hướng và đưa tâm đến và chánh niệm ghi nhận liên tục chuyển động của bước chân.

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app