Phần 12

Kết Luận

KẾT LUẬN

Hôm nay tại Như Lai Thiền Viện, chúng ta tổ chức lễ bế mạc khóa thiền bốn mươi bốn ngày. Khóa thiền đã thành công mỹ mãn nhờ công sức đóng góp của các thiền sư, những người trong Ban Điều Hành, cùng nhiều thiện nguyện viên và thí chủ. Ngoài ra, thiền đường khang trang mới xây cũng hỗ trợ hành giả tu tập thoải mái. Sư rất hài lòng và nhớ những điều này suốt đời.

Những tiến bộ tinh thần có liên hệ mật thiết với sự hỗ trợ vật chất. Nếu thiền viện không đáp ứng đầy đủ nhu cầu ăn ở, thuốc men thì khóa thiền tích cực như thế này không thể kéo dài và thành tựu mỹ mãn. Sư khen ngợi những Phật tử Á châu ở đây luôn sẵn lòng đóng góp thực phẩm và những vật dụng cần thiết hỗ trợ cho sự tu tập các toàn thể thiền sinh.

Tuy nhiên, công việc hỗ trợ cho sự nghiệp hoằng dương chánh pháp thời xưa có khác với thời nay. Những thiện tín trong thời Đức Phật thường là những người đã chứng đắc Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán. Vì lẽ đó, họ trân quý pháp hành và hiểu rõ những gì cần làm để hỗ trợ chư tăng và công cuộc truyền bá chánh pháp nên hiệu quả rất cao. Các thiện tín này cung ứng đầy đủ những gì mà Đức Phật và Chư Tăng cần.

Những người có trách nhiệm tại Như Lai Thiền Viện đều đã tu tập đến chừng mực nào đó. Tuy nhiên, Sư muốn những người này tiếp tục tu tập đến mức độ hoàn mãn và hộ trì tứ vật dụng cần thiết để chư tăng yên tâm tu tập như cư sĩ Cấp Cô Độc hay Visakha đã làm trong thời Đức Phật. Các thiện tín nơi đây đều nên cố gắng tu tập để đạt đến mức này. Sư vững tin rằng Như Lai Thiền Viện sẽ phát triển và lớn mạnh trong tương lai không xa.

Phẩm Tính Của Hàng Tứ Chúng

Hành theo lời Đức Phật dạy là thăng hoa cuộc đời của mình, làm cho Chánh pháp hưng thịnh về phẩm chất lẫn số lượng. Trong bài kinh Sobhana sutta thuộc Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật dạy rằng:

“Cattarome bhikkhave viyattā vinītā

visāradā bahussutā dhammadharā

dhammānudhammappaṭipannā saṁghaṁ sobhanti.”

“Này chư tỳ khưu, khi mà bốn hội chúng biết phân biệt đúng sai, có giới đức nghiêm trang, có lòng tự tin, học nhiều hiểu rộng, luôn gìn giữ chánh pháp trong tâm và thực hành chánh pháp đưa đến giải thoát, họ sẽ làm đẹp tăng chúng (sangha).”

Bàn về bốn hội chúng gồm những người quy y Tam Bảo và tu tập Giới-Định-Huệ, ngày nay, ngoài chư tỳ khưu (bhikkhu), thiện nam (upāsaka) và tín nữ (upāsikā), hội chúng Tỳ Khưu Ni (bhikkhunī) theo truyền thống Bắc Tông vẫn còn nhưng theo truyền thống Nam Tông chỉ gồm những người nữ xuất gia được gọi là Tu Nữ. Vào thời Đức Phật, bốn hạng thính chúng này có đủ phẩm và lượng, nhưng thời nay lượng thịnh phẩm suy nên không được như thuở trước.

Theo bài kinh Sobhana sutta, dẫu là Tỳ Khưu, Tỳ Khưu Ni, tu nữ, cư sĩ nam hay cư sĩ nữ, để xứng đáng đứng vào hàng tứ chúng của Đức Phật cần tu tập để có sáu phẩm tính sau đây:

  1. Có trí tuệ (viyattā)
  2. Có giới hạnh (vinītā)
  3. Có đức tin (visāradā)
  4. Học nhiều hiểu rộng (bahussutā)
  5. Gìn giữ giáo pháp (dhammadharā)
  6. Thực hành giáo pháp (dhammānudhammappaṭipannā)

Có Trí Tuệ (viyattā)

Nhờ có trí tuệ (paññāveyyattiyena) nên phân biệt rõ ràng và rốt ráo những điều lợi hại, đúng sai, thích nghi và không thích nghi. Do vậy, trước khi nói hay làm điều gì, luôn suy xét xem điều ấy có đem đến lợi lạc cho mình và người hay không và có thích nghi không. Không nên tùy tiện làm theo ý mình mà không biết lợi hại ra sao.

Có Giới Hạnh (vinītā)

Từ trong vô lượng kiếp, chúng sanh luôn có lời nói và hành động thô thiển do không thu thúc, giữ giới. Để trở thành người sống biết thu thúc, có văn hóa và xử sự nhã nhặn, hành giả cần loại bỏ phiền não tác động bằng Giới (vinaya), ngăn ngừa loại phiền não tư tưởng bằng Định (samādhi), và diệt tận phiền não ngủ ngầm bằng Huệ (paññā). Một khi hành thiền Minh Sát Niệm Xứ đạt đến Đạo, Quả Nhập Lưu hay Tu Đà Hoàn sẽ cắt đứt được một số phiền não dẫn đến bốn đường ác đạo nên có thể tự thu thúc và trì giới nghiêm ngặt hơn.

Có Đức Tin (visāradā)

“Visāradā” là lòng tự tin (vesārajja) dựa trên trí tuệ và sự hiểu biết đúng đắn, không phải loại đức tin mù quáng.

Khi không chánh niệm, khi không loại bỏ được tà kiến hay niềm tin sai lầm vào linh hồn, hành giả sẽ không thấy và hiểu được danh sắc. Vì tà kiến, hành giả dám làm mọi điều, dẫu là điều bất thiện, để đem hạnh phúc đến cho linh hồn. Do tà kiến không phân biệt được đúng sai, hành giả luôn phân vân, hoài nghi và tạo nhiều bất thiện nghiệp nên tham, sân, si tăng trưởng và tâm trở thành hạ cấp. Hành giả sẽ mãi sống đời thấp hèn, nhút nhát và thiếu tự tin nếu tiếp tục dung túng và cho phép phiền não tàn phá đời mình. Hành thiền Minh Sát Niệm Xứ, hành giả có thể diệt trừ phiền não, thoát khỏi trạng thái tâm thấp kém nên có đựợc đức tin vào Đức Phật, sự giải thoát của ngài, pháp hành, định luật nghiệp báo và chính mình.

Học Nhiều Hiểu Rộng (bahussutā)

“Bahussutā” là học hỏi, thu thập loại kiến thức có thể đem đến lợi lạc cho mình ngay trong đời này và những đời sau. Có cơ may gặp được chánh pháp trong đời này, hành giả cần hiểu biết chánh pháp đúng đắn. Hành giả cần học hỏi ít nhất là pháp thiền Minh Sát Niệm Xứ. Nhờ học hỏi, nghiên cứu và thảo luận giáo pháp, mà có thể hiểu biết rõ ràng điều gì nên làm và không nên làm. Một khi hiểu biết rõ ràng, tự mình có thể vun bồi thân, khẩu, ý trong sạch và chỉ dẫn người khác vun bồi tâm linh như mình. Học hỏi, thảo luận và giảng dạy giáo pháp còn làm gia tăng kiến thức cho nên hành giả cần nghiên cứu, học hỏi giáo pháp càng nhiều càng tốt.

Gìn Giữ Giáo Pháp (dhammadharā)

“Dhammadharā” là gìn giữ pháp bảo trong tâm. Sau khi học và nắm vững cách thức trau dồi Giới, Định, Huệ , nên thực hành và ứng dụng những điều đã học vào trong cuộc sống. Không quên giáo pháp, luôn mang giáo pháp theo mình, ứng dụng lý thuyết vào thực hành là đặc tính của dhammadharā.

Để cống hiến và phục vụ, cần có phẩm tính thông học giáo pháp (bahussutā) và gìn giữ giáo pháp (dhammadharā). May mắn gặp được Chánh pháp trong đời, cần phải dốc lòng hành thiền tìm kiếm lợi lạc cho chính mình và tạo điều kiện giúp người khác cùng tu tập. Các thiện tín nơi đây nên tu tập, hộ trì Chư Tăng và cung ứng những nhu cầu cần thiết cho bạn đạo cùng tu tập. Là những người kế thừa Phật pháp, nên biết sửa đổi khiếm khuyết của mình để có thể cống hiến và phục vụ tốt hơn.

Thực Hành Giáo Pháp (dhammānudhammappaṭipannā)

Trong chữ “dhammānudhammappaṭipannā”, “dhamma” là chín pháp siêu thế, “anudhamma” là vun bồi Giới, Định, Huệ và “patipannā” là thực hành. Vậy “dhammānudhammappaṭipannā” là tu tập Giới, Định, Huệ tức hành thiền Minh Sát Niệm Xứ để thành tựu Đạo, Quả với trí tuệ siêu thế.

Hành giả cần đi trên con đường Chánh Đạo hay tu tập Giới, Định, Huệ không ngừng nghỉ mới có thể an tịnh tâm, tăng trưởng trí tuệ và bứng tận gốc rễ mọi phiền não ngủ ngầm trong tâm. Nhờ chánh niệm ghi nhận mọi hiện tượng danh sắc đang sinh khởi nổi bật qua sáu cửa giác quan ngay trong khoảnh khắc hiện tại như kinh điển chỉ dẫn, hành giả sẽ đạt được ít nhất là Đạo, Quả Nhập Lưu hay Tu Đà Hoàn trong kiếp này.

Là những người kế thừa Phật Pháp, nên chú trọng phát triển phẩm chất hơn là số lượng. Do vậy, làm đẹp mình với sáu phẩm tính trên bằng pháp hành Minh Sát Niệm Xứ là hành giả làm đẹp, tôn vinh Phật Giáo. Có đầy đủ những phẩm tính trên sẽ dễ dàng lĩnh hội được những điều Đức Phật dạy, nhờ đó phân biệt được chánh pháp và tà pháp, biết những gì mà người khác diễn giải có đúng với Phật Pháp hay không.

Hãy Tu Tập Tứ Niệm Xứ

Người đời luôn theo đuổi và mưu cầu hạnh phúc thế tục. Tuy nhiên, họ chẳng bao giờ hoàn toàn thỏa mãn với những gì họ có để rồi chẳng biết tự bao giờ, họ biến mình thành kẻ nô lệ của lòng tham ái. Vì tham lam, họ ăn ngủ không yên và luôn sống trong hồi hộp, lo âu, tự làm khổ chính mình. Nếu có thể từ bỏ hạnh phúc thế tục, biết sống tri túc tức bằng lòng với những gì mình có, con người sẽ chẳng bao giờ bị phiền muộn vì khát khao chưa được hoàn toàn thỏa mãn hay quá phấn chấn khi đạt được điều mong đợi. Một khi nếm được hương vị pháp bảo ngọt ngào qua pháp hành Minh Sát Niệm Xứ, hành giả sẽ có khả năng giữ tâm quân bình và hạnh phúc với đời sống tri túc, ẩn cư.

Sống đời ẩn cư xa lánh người thân và phiền não, thân khẩu ý bỗng trở nên trong sạch nên không còn đam mê vật đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, hay xúc chạm êm ái. Gặp được niềm hạnh phúc lớn lao trong pháp hành sẽ không còn muốn kinh nghiệm loại hạnh phúc ngũ dục thấp kém. Dù vậy, loại hành giả này vẫn chưa đủ sức vượt ra ngoài hạnh phúc thế tục vì ngay cả các bậc thánh Nhập Lưu Tu Đà Hoàn và Nhất Lai Tư Đà Hàm vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn ái dục. Tuy nhiên, người này sẽ không bao giờ cho phép mình đi quá xa, không tìm kiếm hạnh phúc thế tục bằng những phương tiện bất chính. Ví như người lái xe tuân theo luật lệ lưu thông sẽ không gây ra tai nạn hại người, người hành thiền Minh Sát Niệm Xứ biết tự kiểm soát đời mình để không làm điều lầm lỗi đáng bị chê trách.

Đức Phật dạy rằng hạnh phúc thế tục mà phàm nhân luôn thỏa thích hưởng thụ quả thật bất tịnh (mīḷa) và thấp hèn (anariya). Do đó, hãy từ bỏ (pariccāga) hạnh phúc thế tục và hành thiền Minh Sát Niệm Xứ để nhận lấy (pariggaha) loại hạnh phúc khước từ, ẩn cư, tịch tịnh và an bình vốn to tát và bảo đảm hơn. Sư sách tấn quý vị tiếp tục nỗ lực hành thiền để thành đạt tối thiểu tầng Thánh Nhập Lưu ngay trong kiếp sống này.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Hồi Hướng Công Đức

Nguyện cho tất cả chúng sinh

Cùng chia trọn vẹn phước lành hôm nay

Nguyện cho tất cả từ đây

Luôn luôn an lạc duyên may mọi miền

Nguyện cho chư vị Long, Thiên

Trên trời dưới đất oai thiêng phép mầu

Cùng chia công đức dày sâu

Hộ trì chánh pháp bền lâu muôn đời.

Danh Sách Phật Tử Hùn Phước Ấn Tống

Hải Bàn, Bé Bi & Bé Lập, Bùi Hoài Thanh, Bùi Ngọc Tiêu, Bửu Hoàng Tuyết, Diệu Hạnh, Diệu Tịnh, Diệu Thuần, Đào Tiến, Đoàn Minh Gia, Harrison Doan, Đoàn Minh Tâm, Đỗ Vũ Phương, Hứa Huyền, Huỳnh Muội, Huỳnh Phước, Huỳnh Thanh Xuân, Lâm Tuyết Cần, Khiêm & Lisa, Kim Chi, Kim Liên, Lê Đình Minh Thu, Lê Tấn Thành, Lê Thanh Hồng, Lê Thị Hừng, Minh N. Lê, Lêdynh Thủy, Liêm Phụng, Lim Martin, Lưu Bình, Lưu Định, Lý Mai, Nguyên Khiêm, Giang Nguyễn & Út Nguyễn, Giảng Nguyễn, Nguyễn Thu Hà, Nguyễn Quý Hiền, Hoàng Nguyễn, James Nguyễn, gđ Nguyễn Thị Ký, Nguyễn Lam, Nguyễn Long, Nguyễn Phạm Thanh Xuân, Nguyễn Thị Quỳ, Sen Nguyễn, Thanh Nguyễn, Trâm Nguyễn, Nguyễn Trang Anh, Nguyễn Tú Anh, Nguyễn Vinh, Phạm Tố Anh, Phạm Hoàng, Phạm Phú Luyện, Phạm Phú Văn Lang, Phạm Ngọc Thạch, Phạm Phú Đông Pha, Phạm Phú Đan Tâm, Phạm Phú Trí, Phạm Xuân Đạt, Phan Liên, Mai Phan, Phu Bao Tang, Nancy C. Sampson, Sư Cô Giác Tịnh, Sư Cô Minh Hạnh, Thái Hà, gđ Trần Đình Kham, Trần Kiều, Trần Cẩm Lan, gđ Trần Cẩm Liên, Metta Trần, Trần Văn Nam, Ngọc Anh Trần, Trần Ngọc Khánh Chi, Thanh Trần, Trần Thị Thu Thủy, Trần Thị Thùy Dương, Trần Thị Thùy Khanh, Trần Bạch Tiết, Trần Tuấn – Lan, Trần Tươi, Trương Vũ Kim, Từ Mai Anh, Từ Nguyên Xuân, Từ Sơn, Từ Tuyết Hương, Tỳ Kheo Thiện Viên, Vipassana Metta Foundation, Vân Lục, Võ Ngọc Hiệp, Võ Thị Nhiều, Võ Kim Phụng, Võ Hồng Sơn, Hằng & Hiếu Vũ, Vũ Thị Mai, Vũ Bạch Tuyết, Vương Minh Thu, Cúc Weirich

 

 

Sách Do Như Lai Thiền Viện Ấn Tống

1 Căn Bản Thiền Minh Sát

  1. Chánh Niệm, Giải Thoát và Bồ Tát Đạo
  2. Chẳng Có Ai Cả
  3. Chỉ Là Một Cội Cây Thôi
  4. Con Đường Hạnh Phúc
  5. Courses On the Foundations of Buddhist Culture, Beginning Level
  6. Courses On the Foundations of Buddhist Culture, Intermediate Level
  7. Cuộc Đời Đức Phật
  8. Đại Niệm Xứ
  9. Dependent Origination
  10. Destroy The Five Aggregates
  11. Đoạn Trừ Lậu Hoặc
  12. Đức Phật Đã Dạy Những Gì
  13. Five Ways To Cultivate a Mature and Stable Mind
  14. Fundamentals of Vipassana Meditation
  15. Gương Tri Ân
  16. Kinh Lời Vàng
  17. Lời Dạy Thiên Thu
  18. Mặt Hồ Tỉnh Lặng
  19. Meditation Lectures
  20. Mười Hai Nhân Duyên
  21. Ngay Trong Kiếp Sống Này
  22. Niệm Rải Tâm Từ
  23. Pháp Hành đưa Đến Bình An
  24. Paṭṭhāna In Daily Life
  25. Settling Back Into The Moment
  26. Silavanta Sutta
  27. Sống Trong Hiện Tại
  28. Spiritual Cultivation
  29. Suy Niệm Về Hiện Tượng Chết
  30. Vài Làn Hương Pháp
  31. Vun Bồi Tâm Linh

 

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app