Nội Dung Chính [Hiện]
Video (8) Cha Mẹ và Con Cái, Ai Là Ân Nhân – Thiền Sư U Paṇḍitā – Khóa Thiền Mùa Xuân 2007
Cha Mẹ và Con Cái, Ai Là Ân Nhân? – Thiền Sư U Paṇḍitā | Khóa Thiền Mùa Xuân 2007
(Năm 2007, tại Như Lai Thiền viện California)
Hôm nay là lễ Ngày cho Mẹ, là ngày vinh danh cho các Bà Mẹ, đây là điều rất tốt. Trước nhất, Sư Cả giải thích về chữ Maṅgala, chữ Maṅgala được dịch nhiều cách, nhưng vẫn chưa nói hết các ý nghĩa của chữ này. Nếu không hiểu sâu xa, người ta chỉ hiểu nghĩa của chữ này 1 cách hời hợt. Sư sẽ giảng về ý nghĩa chữ Maṅgala và sau đó giảng về phẩm hạnh của bà Mẹ. Một khi giải thích về phẩm hạnh của Mẹ thì phẩm hạnh của người Cha cũng được tự động giải thích.
Mọi người không ai thích làm những điều thấp kém, ai cũng thích làm những gì thanh cao. Không ai muốn mình thấp hèn, mà chỉ muốn sao cho mình được thanh cao, tốt đẹp. Nhưng muốn trở thành người thanh cao, không phải tự nhiên mà có được, mà không cần phải làm gì hết. Chỉ khi nào loại bỏ được những điều thấp kém thì mới không bị những điều thấp kém kéo xuống, đời người này mới được nâng cao và như vậy là phúc lành Maṅgala. Do đó có 2 loại hạnh phúc, 1 loại hạnh phúc là Nhân, và 1 loại hạnh phúc là Quả. Nếu một người có được phúc lành làm Nhân, thì tự động có được phúc lành là Quả. Trong kinh điển nói rằng maṅgalā nāma tavirā saraṃ vutti (phút 2:06), có nghĩa “sự loại bỏ được các việc thấp hèn làm Nhân, tạo nên sự phát triển các việc cao quý để trở thành thanh cao là Quả”. Mọi người đều ghét bỏ sự thấp hèn, nếu không có khả năng loại bỏ các việc thấp hèn thì không thể phát triển để thành thanh cao. Một người trở nên thấp kém nếu chính người này không thể phấn đấu lại với những điều thấp kém. Nếu chúng ta có thể loại bỏ các việc thấp kém một cách có phương pháp, thì không bị các việc thấp kém kéo trở xuống. Càng phấn đấu để loại bỏ sự thấp kém thì càng thoát khỏi những việc làm thấp kém, và càng trở nên thanh cao hơn. Đó là tại sao sự loại bỏ việc thấp kém là Nhân, để trở thành thanh cao là Quả. Do đó chúng ta nên cẩn thận với các trạng thái thấp hèn, làm sao thoát khỏi sức hút của các trạng thái thấp kém. Các trạng thái thấp kém gồm 3 bất thiện Tâm: Tham, Sân, Si. Là phiền não. Có 3 giai đoạn phiền não sẽ hiển lộ: Thứ nhất: giai đoạn phát tác ra Thân khẩu; Thứ 2: giai đoạn phát tác ở tư tưởng; và Thứ 3: giai đoạn phát tác tiềm ẩn bên trong làm điều kiện. Do đó chúng ta cần biết phương pháp để loại trừ các phiền não Tham, Sân, Si. Nếu một người không biết phương pháp, hoặc biết nhưng không làm thì người này chấp nhận phiền não. Và như thế phiền não sẽ kéo người này đi xuống và trở thành người thấp hèn. Phiền não Tham Sân Si hay trạng thái thấp hèn này còn gọi là tội (pāpa). Bao lâu chúng ta chưa thành đạt Thánh đạo Quả, Thánh đạo Tuệ thì các trạng thái thấp kém này có thể sinh khởi khi có cơ hội. Nếu còn loại phiền não ngủ ngầm tiềm ẩn bên trong Tâm, thì khi có cơ hội, loại phiền não này sẽ biến sang thành phiền não tư tưởng. Khi Tâm có liên hệ với các sự ô nhiễm hay trạng thái Tâm thấp kém, hay loại phiền não tư tưởng, Tâm cũng trở nên thấp kém. Cũng giống như người giao du với người điên, thì người này cũng trở thành người điên. Tương tự, Tâm liên hệ với các Tâm thấp kém thì Tâm cũng trở nên thấp kém. Tuy nhiên chưa phải là hết, khi chúng
ta buông lung cho các tâm thấp kém, chúng ta sẽ thiếu kiểm soát, sẽ cư xử sai trái. Khi thiếu tâm từ bi thì cá nhân sẽ có cư xử sai trái, làm tổn thương cho mình và cho người khác. Khi cá nhân có sự cư xử sai trái qua thân khẩu, các cá nhân trở thành người thấp hèn. Nếu cá nhân không có đạo đức, không thể coi là 1 con người, và như vậy làm cho cá nhân bị hạ thấp. Nếu không giữ chánh niệm, cá nhân sẽ cư xử sai trái, và trở nên thấp hèn. Bao lâu chưa loại bỏ được phiền não ngủ ngầm bằng Minh sát Tuệ và Thánh Tuệ, thì cá nhân vẫn còn là người thấp kém. Ai cũng muốn được là người cao thượng, vì thế Maṅgala có nghĩa: “phương pháp loại bỏ các Tâm thấp kém, để làm cho cá nhân thăng tiến và cao thượng”. Maṅgala gồm 3 phần: Man, Ga và La. Man – từ chữ Marinda có nghĩa là tạo nên sự chết, dịch trực tiếp là “Giết”; Ga – có nghĩa thấp kém; La – có nghĩa “cắt đứt” hay “loại bỏ”. Ngoài ra chữ pamāda có nghĩa “thất bại”, hay dễ duôi trong sự thu thúc những gì nên thôi thúc và phải làm những gì cần phải làm. Người dễ duôi không thu thúc những gì nên thôi thúc và không làm được những gì cần phải làm. Người này để tâm không kiểm soát, tâm bị thấp kém và dẫn đến cư xử sai trái, phạm nhiều tội lỗi làm cho cá nhân bị hạ thấp. Cho dù cá nhân chưa chết, nhưng giới hạnh đã chết. Chữ Marinda là tạo nên sự chết. Ở đây, sự cư xử sai trái đã giết chết giới hạnh của cá nhân. Cá nhân không còn sự kính trọng và không còn giới hạnh. Giới hạnh của cá nhân không còn trong sạch, dễ mến nên làm cho cá nhân trở nên người thấp kém. Chữ Ga có nghĩa “thấp kém”. Hai chữ “Maṅ” và “Ga” hợp lại thành Maṅga có nghĩa “giết chết giới hạnh của cá nhân” và làm cho cá nhân thấp kém. “La” có nghĩa “loại bỏ”. 3 chữ Maṅgala có nghĩa “loại bỏ sự ô nhiễm vốn làm hạ thấp giới hạnh và hạ thấp sự kính trọng của cá nhân”. Ý nghĩa của chữ này rất đẹp và tế nhị. Maṅgala đồng nghĩa với chữ Tapa là cả hai đều mang nghĩa là làm cho cá nhân thấp kém. Nói cách khác, chính vì phạm nhiều tội lỗi mà cá nhân bị mất đi giới hạnh và sự kính trọng. Pamāda chỉ sợ lơ đãng, dễ duôi, là nguyên nhân làm cho Tâm bị thấp kém. Pamāda còn được dịch là “sự quên”, nhưng ý nghĩa của pamāda là thất bại, cẩu thả, dễ duôi. Làm con người phải chấp nhận trách nhiệm và phải có trách nhiệm. Trách nhiệm giữa Cha Mẹ và Con cái, trách nhiệm giữa Thầy Trò, giữa Chủ và Người làm công. Mỗi người đều có trách nhiệm, làm con người phải có trách nhiệm của một con người. Cá nhân phải sống đúng như 1 con người, sao cho không bị thấp kém. Nếu thất bại không thu thúc những gì nên thu thúc, cá nhân trở nên thấp kém. Do đó cá nhân nên thu thúc, ngăn ngừa, chữa trị, và diệt tận các ô nhiễm. Trách nhiệm của cá nhân là phải làm cho các ô nhiễm suy yếu, và cuối cùng diệt tận các ô nhiễm này. Vì lẽ đó thất bại trong việc phải thu thúc những gì cần thu thúc gọi là pamāda. Maṅgala và Tapa là làm cho cá nhân bị mất giới hạnh. Do đó cá nhân phải thu thúc không làm những gì để bị đánh mất giới hạnh, để giới hạnh không bị chết. Vì thu thúc không để bị thấp kém, phẩm giá cá nhân trở nên sáng ngời và làm cho giới hạnh phát triển, nhờ đó cá nhân không bị chết, giới hạnh và sự kính trọng nơi cá nhân không bị chết. Cá nhân phải làm những gì cần phải làm, nếu thất bại là xem như dễ duôi. Thất bại không làm những gì cần phải làm, cá nhân không hưởng được lợi lạc. Nếu không làm những gì cần phải làm, nên cá nhân bị thấp kém, không thể thăng tiến thành người cao thượng và có được sự kính trọng. Appamāda “không dễ duôi” có nghĩa cá nhân phải giữ chánh niệm, không xa rời chánh niệm, luôn luôn có chánh niệm với mình. Giữ chánh niệm để không có sự cư xử sai trái. Không được
thất bại, không được cẩu thả trong sự giữ chánh niệm. Với sự có mặt của sự không dễ duôi cá nhân sẽ có khả năng giữ gìn không để cư xử sai trái và quá mức giới hạn, nhờ vậy cá nhân không bị mất giới hạnh và sự kính trọng. Cá nhân không bị thấp kém, con người cá nhân được thăng cao và hưởng được lợi lạc. Không phải do Tạo Hóa hay Thượng Đế ban phép cho cá nhân hưởng lợi lạc hay có thể xóa các tội lỗi cho cá nhân, để làm cho cá nhân trở nên người cao thượng, hoặc làm cho cá nhân trở nên người thấp kém. Theo lời dạy của Đức Phật, chính do sự dễ duôi hay không dễ duôi mà cá nhân có giới hạnh hay không có giới hạnh, hưởng được lợi lạc hay gặp hiểm nguy, cao thượng hay thấp hèn, hoặc kính trọng hay không được kính trọng, hoặc được kính trọng hay không được kính trọng. Trong xã hội giữa Cha Mẹ và Con cái, ai là ân nhân? Cha Mẹ là ân nhân. Cha Mẹ nuôi Con cái bằng 5 điều:
1. Thứ nhất: không muốn Con bị thấp kém
2. Thứ hai: muốn thấy Con thành công và sống đầy đủ vật chất
3. Thứ ba: không muốn Con bị hại, không muốn thấy Con khổ
4. Thứ tư: muốn Con cái có học vấn và giỏi giắn trong sự giao tế với mọi người
5. Và thứ năm: muốn Con cái có hạnh kiểm tốt.
Cha Mẹ muốn mọi điều tốt đẹp cho Con cái, không muốn Con mình gặp nguy hiểm, là Tâm Bi; muốn Con mình thành công, là Tâm Từ. Vì không muốn Con gặp nguy hiểm, Cha Mẹ muốn Con giữ gìn những gì cần phải giữ gìn và phải làm những gì cần phải làm. Cha Mẹ còn có trách nhiệm đối với Con cái:
1. Thứ nhất: giữ gìn cho Con không bị thấp kém, không làm những gì thấp hèn để bị thấp kém. Không phải Cha Mẹ muốn kiểm soát hay áp bức Con mà là Cha Mẹ không muốn Con bị hại nên ngăn cấm không cho làm những điều xấu xa.
2. Trách nhiệm thứ hai: giúp Con làm những điều tốt đẹp.
Chỉ với 2 trách nhiệm đầu tiên, nếu Cha Mẹ làm tròn đầy đủ, thì cũng đủ quá tốt.
3. Trách nhiệm thứ ba: cho Con cái được học hành tốt đẹp
4. Trách nhiệm thứ tư: sắp xếp việc lập gia đình cho Con cái khi Con cái đến tuổi
Do đó Con cái nên trả ơn cho Cha Mẹ vì đã nuôi nấng mình với trách nhiệm này. Cha Mẹ cũng được so sánh như các Bậc Phạm Thiên. Các Vị Phạm Thiên rải Tâm Từ đến chúng sanh, họ có Tâm Bi khi thấy chúng sanh đau khổ, họ có Tâm Hỷ khi thấy chúng sanh sống đầy đủ, và họ có Tâm Xả đối với chúng sanh khi thấy chúng sanh có nghiệp duyên. Các bậc Cha Mẹ cũng có 4 Tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả đối với Con cái.
1. Cha Mẹ có Tâm Từ đối với Con cái, mong muốn cho Con cái được tốt đẹp mọi điều, muốn cho Con thành công và an vui
2. Thứ hai: Cha Mẹ có Tâm Bi vì không muốn thấy Con gặp nguy hại
3. Thứ ba: Cha Mẹ có Tâm Hỷ khi thấy Con thành công
4. Và thứ tư: Cha Mẹ có Tâm Xả khi thấy Con mình đã tự lập, không còn cần phải bận tâm, lo lắng. Tâm Cha Mẹ trở nên quân bình đối với Con cái
Đó là tại sao Cha Mẹ được so sánh như các Vị Phạm Thiên. Con cái sống hạnh phúc, an vui bên Cha Mẹ là những người giống các Bậc Phạm Thiên.
Trong kinh điển còn đề cập đến sự chăm lo của người Mẹ với Con. Khi con còn ở trong bụng, người Mẹ luôn suy nghĩ về đứa con, mong cho Con mình được sinh ra có tứ chi lành lặn, mạnh khỏe. Khi sinh Con thấy Con mạnh khỏe, người Mẹ vui mừng quên hết tất cả những đau đớn. Mẹ săn sóc, ôm ấp Con, cho Con bú, coi chừng Con không bị đốt bởi muỗi mòng. Mẹ lo lắng khi nghe Con khóc vì bị muỗi đốt, Mẹ có Tâm Bi với Con. Khi Con biết đi, biết chơi, Mẹ cũng rất vui sướng khi thấy Con biết đi, biết chơi, được mạnh khỏe và học hành tốt đẹp, cũng như hoan hỉ khi thấy Con mình thông minh làm được nhiều chuyện, có khả năng đảm đang việc nhà. Cho đến khi Con học thành tài, có khả năng tự lập, Mẹ không còn phải lo lắng quan tâm nữa, Mẹ có Tâm Xả. Xả không phải là bỏ mặc, không để ý, nhưng Mẹ cảm thấy an tâm thư thái khi biết Con đã trưởng thành, có khả năng tự lập. Do các phẩm tính giống như Phạm Thiên, Cha Mẹ nuôi nấng Con cái bằng Từ Bi Hỷ Xả, nên Cha Mẹ xứng đáng cho Con cái kính trọng và tôn vinh. Vì vậy chỉ mừng ngày cho Mẹ không chưa đủ, người Con phải biết cách săn sóc thích nghi cho Cha Mẹ thì như vậy Ngày cho Mẹ mới được xem là ngày tốt lành. Cha Mẹ còn được xem là người thầy đầu tiên, Cha Mẹ dạy Con cách đi, cách ăn, cách đứng, dạy Con biết cách hòa đồng với những người khác, dạy cho biết những kiến thức căn bản, cho Con đến trường học toán, khoa học v.v… Nhưng những kiến thức căn bản mà Cha Mẹ dạy Con là những gì thiết yếu cho Con, chẳng hạn như dạy Con có đạo đức, kỷ luật. Đây là những bổn phận làm thầy của Cha Mẹ. Vì Cha Mẹ là những người thầy đầu tiên nên xứng đáng được kính trọng và tôn vinh, do đó Con cái phải có bổn phận trả ơn cho Cha Mẹ. Ngoài ra trong Kinh điển còn xem Cha Mẹ là người đáng được kính trọng và tôn vinh, vì nhờ Cha Mẹ mà Con cái không là những người thấp hèn, nhờ sự dạy dỗ nên Con cái ngoan ngoãn, có nề nếp và đàng hoàng. Vì những phẩm tính này nên Cha Mẹ xứng đáng là người được kính trọng và tôn vinh. Mẹ còn nuôi dưỡng Con cái bằng sữa của mình, con bú sữa Mẹ có được từ máu huyết của Mẹ, nhờ đó mà lớn lên và khỏe mạnh. Sữa Mẹ dành cho Con với Tâm Từ và Bi, Mẹ cho Con sữa từ chính máu huyết của mình. Mẹ nuôi Con không quản thân mạng, Mẹ luôn luôn bảo vệ Con, Mẹ luôn luôn là người cận kề nhất đối với Con cái. Do đó Con cái phải biết trả ơn cho Cha Mẹ để xứng đáng là người thừa kế của cải. Theo lời dạy của Đức Phật, khi Cha Mẹ qua đời, Con cái phải làm phước để tưởng nhớ đến Cha Mẹ, trả ơn Cha Mẹ bằng đường lối thế tục không đủ. Dù có để Mẹ bên vai phải, và Cha bên vai trái suốt đời, cũng chưa trả hết công ơn Cha Mẹ. Cách trả ơn tốt nhất là nếu Cha Mẹ chưa có đức tin nơi Tam Bảo, Con cái hãy giúp Cha Mẹ có đức tin nơi Tam Bảo. Con cái phải khơi dậy được đức tin nơi Cha Mẹ, Con cái còn giúp cho Cha Mẹ hiểu được về Nghiệp, làm tốt gặp tốt, làm xấu gặp xấu. Con cái còn giúp Cha Mẹ biết giữ giới và thu xếp cho Cha Mẹ hành Thiền để sửa đổi Tâm và thành đạt trí tuệ. Đó là cách Con cái giúp cho Cha Mẹ, đem giáo pháp đến cho Cha Mẹ, giúp cho Cha.
Mẹ tu tập Giới Định Tuệ, là cách trả ơn tốt nhất. Con cái cũng trả ơn Cha Mẹ bằng cách cung cấp vật chất đầy đủ như thực phẩm, quần áo, giường ngủ v.v… hay giúp Cha Mẹ tắm rửa, đấm bóp. Khi Con cái săn sóc Cha Mẹ đàng hoàng, những người khác thấy vậy khen ngợi: Ồ, mấy người Con này săn sóc Cha Mẹ đàng hoàng quá. Bằng tác ý thiện khi săn sóc Cha Mẹ và săn sóc một cách đàng hoàng, Con cái sẽ được an vui hạnh phúc trong đời này và cả đời sau. Có thể quý vị nghĩ rằng mừng ngày Lễ cho Mẹ như vậy là đủ rồi, Con cái hãy cẩn thận đừng tạo cho mình sự hối tiếc không trả ơn cho Cha Mẹ đầy đủ. Có những người Con bỏ bê Cha Mẹ, có những người Con làm nhục Cha Mẹ, và về sau bị hối hận giày vò. Lúc hối tiếc thì Cha Mẹ có thể không còn sống nữa, người Con có thể sống suốt đời trong sự hối hận, tuyệt vọng và sân hận. Sư Cả nói về tích truyện Hoàng tử A Sà Thế: Hoàng tử là kẻ thù của Vua Cha, là Vua Bình Sa Vương. Trong kiếp trước, Hoàng tử đã từng là kẻ thù của Vua Cha, khi giao du với Đề Bà Đạt Ta, Hoàng Tử làm nhục Cha, bỏ tù Vua Cha. Hoàng tử là người tàn ác, ra lệnh chặt chân để Vua không đi được. Và cuối cùng, Vua Bình Sa Vương chết vì vết thương. Hoàng tử nghĩ như vậy là điều tốt. Về sau, khi có con lần đầu tiên, vua A Sà Thế thấy nỗi vui sướng thấm nhập vào da thịt. Vua nhớ lại Cha mình đã từng thương mình như vậy, Vua mới hỏi Mẫu Hậu về Vua Cha ngày xưa. Mẫu Hậu mới kể lúc Vua còn nhỏ, bị nổi nhọt ở tay rất nhức nhối, làm cho Hoàng tử khóc luôn. Sợ con bị đau nhức, Vua Cha ngậm lấy tay con, mặc cho máu mủ từ mụt nhọt tuôn ra trong miệng, nhưng Vua Cha cứ ngậm vì sợ lấy tay ra Hoàng tử sẽ thức giấc. Vua Cha lặng lẽ nuốt hết các máu mủ, để Hoàng tử tiếp tục an giấc. Mẫu Hậu mới nói: “khi Vua còn nhỏ, Vua Cha thương Ngài biết bao”. Nghe Mẫu Hậu giải thích, Vua bừng tỉnh, ra lệnh thả ngay Vua Cha Bình Sa Vương, nhưng đã quá muộn, Vua đã chết trong ngục thất. Và từ ấy trở về sau, Vua A Sà Thế hối hận về việc này suốt cuộc đời. Do đó chỉ khi nào một người hiểu được phẩm giá của Cha Mẹ thì người này mới được coi là người có phẩm giá. Đức Phật ca tụng phẩm hạnh của các bậc Cha Mẹ. Trong Túc Sanh Truyện cũng có những câu chuyện cho thấy Con cái trả hiếu cho Cha Mẹ thoát khỏi những hiểm nguy cùng những lợi lạc khác, nhưng Sư Cả không có thì giờ để nói về những điều này. Một người được xem là có giới hạnh, khi nào người này hiểu được phẩm giá của Tam Bảo và Cha Mẹ. Ơn Cha Mẹ còn được ví cao như núi Meru và phẩm giá của Cha Mẹ còn lớn hơn cả núi này. Tuy nhiên không kể đến các Tôn giáo khác. Có những người con tuy là Phật tử nhưng không hiểu và phủ nhận phẩm tính của Tam Bảo, vài người không hiểu công ơn Cha Mẹ nên đã làm nhục Cha Mẹ mình. Ở các quốc gia có khoa học kỹ thuật tiến bộ, sáng chế đủ thứ mới mẻ, có tiêu chuẩn đời sống cao, con người luôn luôn chạy đuổi theo những gì mới mẻ. Họ không hiểu phẩm tính của các bậc Cha Mẹ, họ thất bại trong việc trả ơn Cha Mẹ, họ không quý trọng công đức Cha Mẹ do vậy Tâm họ không được cao cả, Tâm họ thấp kém. Họ chỉ nghĩ không có ơn gì phải đền đáp, người như vậy đi quá độ đến mức không còn kiểm soát. Họ chỉ tùy thuộc vào kỹ thuật và vật chất, họ cố gắng làm những gì sao cho Tâm không cần phải gắng sức, do vậy Tâm họ trở nên thiếu tinh tấn, yếu ớt và không có khả năng. Người như vậy không phải là người, họ không có sự hiểu biết của một con người, họ rất hư hỏng, tệ hại. Vì vậy, những ai chỉ chạy đuổi theo vật chất là những người không quân bình, họ quá cực đoan, làm bất kì việc gì để giữ quân bình, làm theo trung đạo, cũng như phải giữ sự quân bình nơi tự tin, tính tâm và trí tuệ, đừng để thái quá, nếu không cá nhân có thể cho những gì đạo đức là không đạo đức, và những gì không đạo đức là đạo đức. Sư Cả cho thí dụ: nước ngọt từ dòng sông đổ ra biển, khi hòa vào nước biển thì nước ấy không còn dùng được nữa. Cùng thế ấy, nếu một người hiểu được đạo đức, nhầm lẫn không đạo đức là đạo đức, cho rằng đạo đức vô dụng, thì người này cũng trở nên vô đạo đức. Ở thế gian này người ta không hiểu đạo đức nên trở nên cực đoan. Trong xã hội, cá nhân nên hiểu các trách nhiệm giữa Cha Mẹ và Con cái, Thầy và Trò, Chủ và Người làm công, mỗi người đều có trách nhiệm. Đặc biết đối với gia đình cần phải làm tròn trách nhiệm làm Cha Mẹ và Con cái. Là con nên hiểu các bậc Cha Mẹ như các Đấng Phạm Thiên, là những người thầy đầu đời, thì có vậy mới cảm kích được công ơn Cha Mẹ. Điều quan trọng là phải hiểu được các phẩm tính của Cha Mẹ và sự quan trọng của việc trả ơn cho Cha Mẹ. Và Con cái cũng phải biết trả ơn cho Cha Mẹ một cách hiệu quả nhất, không phải chỉ nhớ suông và mừng Ngày của Mẹ một cách bình thường, mà phải có sự trả ơn cho Cha Mẹ đặc biệt là phải làm hết sức cho Mẹ sao cho Ngày của Mẹ trở nên hiệu quả và lợi lạc.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật !
(Bài giảng ngày 14/05/2007)
BỘ VIDEOS 39 BÀI GIẢNG | THIỀN SƯ U PAṆḌITĀ | KHÓA THIỀN MÙA XUÂN 2007