Nội Dung Chính
TỨ VÔ LƯỢNG TÂM
Bài thuyết Pháp cho Phật tử Việt Nam tại tỉnh Quảng Bình (qua Zoom)
(Bài giảng ngày 19/7/2023)
Thuyết giảng: Ngài Tam Tạng thứ 15 Bhadanta Paññāvaṃsābhivaṃsa
Chuyển ngữ: Sư Ashin Sarana và Cô Hasu
PHẦN 1: PHÁP THOẠI
Ngài Sayadaw kính chúc tất cả quý vị thật nhiều hạnh phúc và sức khỏe cả về thân và tâm. Và bây giờ thời gian dành cho pháp thoại được bắt đầu.
Trong thời Pháp thoại ngày hôm nay, Ngài Tam Tạng sẽ dạy chúng ta bốn pháp mà chúng ta luôn luôn cần phải thực hành. Trong cuộc sống hàng ngày, trong sự hiện hữu này, mỗi ngày chúng ta phải đối mặt, đương đầu với rất nhiều khó khăn. Nếu tâm của chúng ta không được nhu nhuyến, không được tu tập, thì khi đối diện với những khó khăn trong cuộc sống, chúng ta sẽ cảm thấy không thoải mái. Chính vì điều đó nên tâm bị ảnh hưởng bởi những điều phiền toái ở cuộc sống bên ngoài. Khi tâm bị mắc kẹt bởi những suy nghĩ bất thiện, hay có những phiền não, chúng ta tìm mọi cách, mọi phương diện khác nhau để giải tỏa như: sử dụng rượu bia hoặc các chất say, hoặc tận hưởng những dục lạc giác quan, v.v…
Đức Phật dạy bốn cách để giải phóng tâm, và ngày hôm nay Ngài Tam Tạng thứ 15 sẽ dạy cho chúng ta bốn cách này.
Trong cuộc sống, con người khởi lên những suy nghĩ ác ý, sân hận. Chính vì những suy nghĩ sân hận này, con người tìm cách để hãm hại, chống đối lẫn nhau. Khi những suy nghĩ sân hận khởi lên trong tâm, chúng ta có thể trút cơn giận ấy lên những đồ vật như: ti-vi, những đồ nội thất, thậm chí lên người thân, con cái của mình. Đây không phải là cách để giải phóng tâm thoát khỏi những suy nghĩ ác ý hay sân hận, phiền não. Để đối trị với sự sân hận, chúng ta cần phải trau dồi lòng từ mẫn, hay tâm từ.
Đầu tiên, chúng ta cần phải lan tỏa tâm từ cho chính bản thân mình bằng cách nguyện: “Nguyện cho tôi được hạnh phúc, được nhiều sức khỏe và sớm thoát khỏi tất thảy mọi đau đớn và khổ sở cả về thân lẫn tâm”.
Ở cấp độ thứ hai, chúng ta cần rải tâm từ cho những người thân yêu của mình.
Ở cấp độ thứ ba, chúng ta phải rải tâm từ cho những người mà chúng ta không thương yêu và cũng không ghét bỏ.
Ở cấp độ thứ tư, chúng ta rải tâm từ cho những người mà chúng ta ghét.
Tại sao chúng ta cần phải rải tâm từ cho chính bản thân mình? Bởi vì tất cả mọi người trên thế gian này đều yêu bản thân mình nhất, không ai yêu thương mình bằng chính bản thân mình. Chính vì điều đó, khi bắt đầu phương pháp hành thiền rải tâm từ, chúng ta phải khơi dậy lòng từ ở chính bản thân mình trước rồi từ đó mới có thể lan tỏa đến cho người khác.
Ở cấp độ thứ hai, chúng ta cần phải rải tâm từ cho những người thân yêu của mình. Vì dễ để thực hiện việc rải tâm từ cho những người chúng ta yêu thương. Ở giai đoạn đầu rất khó để chúng ta thực hành rải tâm từ cho người chúng ta ghét, việc đó có thể sẽ khơi dậy lên một mong muốn không muốn rải tâm từ, dẫn đến chúng ta có khuynh hướng tránh né việc thực hành tâm từ.
Khi chúng ta đã thuần thục trong việc lan tỏa tâm từ hay rải tâm từ cho chính bản thân mình cũng như cho những người mà chúng ta yêu thương, ở cấp độ thứ ba, chúng ta sẽ thực hành thiền rải tâm từ đến với những người chúng ta không thương cũng không ghét. Bởi vì lúc này phù hợp cho chúng ta rải tâm từ đến những người mà chúng ta có cảm giác trung lập.
Khi chúng ta đã thuần thục rải tâm từ cho chính bản thân mình, cho những người mình yêu thương, cho những người mình không thương không ghét, đến giai đoạn này chúng ta đã có đủ kỹ năng, năng lực để lan tỏa tâm từ cho những người mà chúng ta ghét. Đây là cách chúng ta thực hành thiền tâm từ theo tuần tự.
Khi chúng ta đã thuần thục rải tâm từ cho bản thân, cho những người mình yêu thương, cho những người không thương không ghét và cho cả những người mình ghét. Đến giai đoạn này chúng ta hoàn toàn có thể khơi dậy lòng từ của mình một cách dễ dàng để có thể trao đi cho những người khác, khi đó chúng ta mới có thể tránh được những hiềm hận, sân hận, ác ý nơi tâm mình.
Khi chúng ta có thể đè nén hoặc giải quyết sự sân hận, sự ác ý nơi chính bản thân mình, chúng ta mới có được sự bình an. Khi bản thân có sự bình an, chúng ta mới có thể khiến cho mọi người xung quanh cảm thấy bình an. Khi mọi người xung quanh được bình an, có thể khiến cho cộng đồng, ngôi làng, thành phố, đất nước, thế giới này được bình an. Chính vì điều đó nên Ngài Tam Tạng thứ 15 khuyến khích tất cả chúng ta hãy cố gắng thực hành thiền tâm từ.
Đó là cách thực hành đầu tiên giúp chúng ta thoát khỏi những phiền não ở trong tâm (sự sân hận, ác ý). Trước khi dạy cho chúng ta cách thực hành thứ hai, Ngài Tam Tạng thứ 15 giải thích thêm: chúng ta không chỉ có sự sân hận, ác cảm trong tâm và khi sự sân hận, ác ý trong tâm khởi lên thì chúng ta không chỉ tự hãm hại chính bản thân mình mà còn hãm hại những người khác nữa. Chúng ta tìm những cách để tranh đấu, hãm hại nhau, thậm chí giữa các quốc gia còn xung đột dẫn đến chiến tranh. Khi chúng ta có rất nhiều những suy nghĩ về sân hận, ác ý, mong muốn làm hại người khác, mong muốn giết hại người khác, mong muốn chiến tranh để tương tàn lẫn nhau, Đức Phật đã khuyến khích, chỉ dạy cho chúng ta hãy thực hành pháp thứ hai, đó là Tâm bi mẫn.
Chúng ta có thể thực hành tâm bi mẫn như cách chúng ta thực hành thiền tâm từ bằng việc niệm thầm câu “Dukkha Muccantu” – câu này có nghĩa rằng “Mong cho những ai, những chúng sinh nào đang đau khổ hãy thoát khỏi những đau khổ ấy”.
Khi chúng ta thực hành tâm từ hay tâm bi mẫn bằng cách suy xét rằng: những ai đang đau bệnh thì mong ước cho họ sẽ sớm khỏi bệnh và mong muốn cho họ được thật nhiều sức khỏe. Hay khi thấy một người nào đó đang đói khát, hãy nguyện chúc cho họ có đầy đủ thực phẩm để dùng hay có tất cả mọi thứ họ cần. Bằng cách thực hành tâm bi mẫn theo cách này, chúng ta sẽ đạt được sự bình an cho chính bản thân, từ đó loại bỏ đi mong muốn hãm hại hay giết hại người và chúng sinh khác.
Bây giờ Ngài dạy cho chúng ta cách thứ ba để giải thoát khỏi những phiền não ở trong tâm. Đó là, trên thế giới này con người sống có những tâm ganh tỵ, đố kỵ lẫn nhau, Đức Phật đã dạy rằng thay vì ganh tỵ và đố kỵ lẫn nhau, chúng ta hãy hoan hỉ trước những thành công của người khác. Sự ghen tỵ khởi sinh khi một người nào đó nhìn thấy sự thịnh vượng, thành công, tốt đẹp của người khác. Khi thấy như vậy, họ không muốn thấy, không muốn nghe, không muốn nói về điều đó. Việc không muốn nói, không muốn thấy, không muốn nghe sự thành công, thịnh vượng của người khác được gọi là sự ghen tỵ hay đố kỵ. Sự đố kỵ ở đây có nghĩa là khi một người có được những gì mà họ mong muốn, họ cần nhưng họ không muốn những người khác cũng được như họ. Ví dụ như khi họ có nhà, có xe, có bằng cấp, có sức khỏe, có địa vị, v.v… nhưng họ không muốn người khác cũng được như họ. Đây được gọi là sự đố kỵ, ích kỷ.
Để vượt qua sự ích kỷ, ghen tỵ, Đức Phật dạy chúng ta hãy lan tỏa tâm hoan hỷ bằng việc mong cho những thành công, những gì người khác đạt được đừng biến mất, mong sự thành công, sự giàu có hãy ở lại với họ. Ích kỷ, ghen tỵ là những phiền não ảnh hưởng tâm của chúng ta rất nhiều. Khi chúng làm mờ ám tâm thì rất khó để chúng ta có được sự quân bình, và khiến cho chúng ta thực hiện những hành động bất thiện.
Một ngày nọ, Vua trời Đế Thích đến gặp Đức Phật và hỏi Đức Phật rằng: “Kính bạch Thế Tôn, tại sao khi đã có rất nhiều thứ như hạnh phúc, sự bình an, sức khỏe nhưng người ta vẫn còn ganh tỵ và đố kỵ lẫn nhau? Bởi vì đố kỵ và ganh tỵ gây ra sự phiền não rất lớn, và chính vì điều đó khiến cho người ta không còn cảm thấy hạnh phúc và bình an.”
Câu “Bởi vì đố kỵ và ganh tỵ gây ra sự phiền não rất lớn, và chính vì điều đó khiến cho người ta không còn cảm thấy hạnh phúc và bình an”. Không phải do Vua trời Đế Thích nói mà do chính Đức Thế Tôn nói. Ngài nói rằng, thậm chí cả Chư Thiên và loài người đạt được rất nhiều thứ nhưng họ vẫn ganh tỵ với nhau, trở thành kẻ thù của nhau. Chính vì điều đó họ đã đánh mất đi sự bình an và hạnh phúc của mình.
Ngài Tam Tạng thứ 15 sách tấn, khuyến khích tất cả chúng ta ở đây hãy cố gắng thực hành tâm hoan hỷ để có thể đối trị, giải quyết sự sân, sự tật đố, ghen tỵ và ích kỷ trong bản thân mỗi người. Chúng ta nên mong muốn cho người khác được hạnh phúc, bình an, thành công, thịnh vượng. Khi chúng ta mong ước cho người khác như vậy thì dần dần sự ghen tỵ và tật đố trong chúng ta dần được thuyên giảm.
Có một vài trường hợp, khi yêu thương ai đó quá nhiều, người ta sẽ sinh ra cực đoan là ghét ai đó quá nhiều. Chính vì điều đó, để loại bỏ cực đoan này, Đức Phật dạy chúng ta thực hành pháp thứ tư, đó là thực hành tâm xả.
Đức Phật hướng dẫn tất cả chúng ta pháp thực hành thứ tư đó là tâm xả, bằng việc xem xét rằng mỗi người đều có nghiệp riêng của chính mình, tiếng Pāli là kammassakā – nghĩa là quán xét đến đặc điểm, bản chất tự nhiên của chúng sinh. Biết rằng mỗi chúng sinh đều có kho nghiệp riêng, họ là chủ nhân của nghiệp. Những gì họ thành công, đạt được trong đời này đều là kết quả của những nghiệp thiện, nghiệp bất thiện họ đã làm trong quá khứ. Nên khi chúng ta thấy hoặc chứng kiến một chúng sinh đang đau khổ thì biết được rằng sự đau khổ đó của họ là quả cho những hành động mà họ đã làm trong quá khứ. Cũng tương tự như vậy, khi chúng ta thấy một chúng sinh thành công, hạnh phúc thì hiểu được rằng sự thành công, sự hạnh phúc là kết quả của những nghiệp thiện mà họ đã làm trong quá khứ.
Trên thế gian này, chúng ta không thể lúc nào cũng cảm thấy xúc động tột cùng với tất cả mọi. Vì vậy, Đức Phật dạy chúng ta thực hành tâm xả để có thể tránh những cực đoan. Có hai cực đoan ví dụ, vui mừng tột độ và sầu muộn trước những nỗi khổ niềm đau của người khác. Việc thực hành tâm xả rất quan trọng để có thể tránh được những cực đoan này.
Tóm lại, có bốn pháp mà tất cả chúng ta nên thực hành đó là tâm từ, tâm bi mẫn, tâm hoan hỷ và tâm xả. Khi thực hành bốn pháp này, một người có thể đạt được sự bình an cho chính mình. Khi có được sự bình an cho chính mình, họ cũng có thể giúp cho những người thân yêu trong gia đình, bạn bè, những người xung quanh có được sự bình an. Như vậy, họ cũng có thể khiến cho toàn bộ ngôi làng, thành phố, đất nước và cả thế gian này có được sự bình an.
Chính vì điều đó, tất cả thiện nam tín nữ ngày hôm nay đến đây để nghe pháp thoại. Để loại bỏ đi sự sân hận, ác ý, giận dữ, quý vị cần phải thực hành tâm từ. Với những ai muốn những chúng sinh khác không còn đau khổ, hãy thực hành tâm bi mẫn. Để loại bỏ sự ganh tỵ và tật đố, chúng ta cần thực hành rất nhiều tâm hoan hỷ. Để tránh những cực đoan như vui mừng thái quá, vui mừng tột độ, hoặc đau khổ sầu muộn trước những nỗi khổ niềm đau của tha nhân, chúng ta cần phải thực hành thật nhiều tâm xả. Rất quan trọng để chúng thực hành cùng lúc cả bốn tâm từ, tâm bi, tâm hỷ và tâm xả. Đây cũng là lời kết cho buổi pháp thoại ngày hôm nay của Ngài Tam Tạng thứ 15./.
PHẦN 2: HỎI ĐÁP
Câu hỏi 1: Cô tín nữ đã kết hôn bốn năm, trong hôn nhân được một năm và đã ly hôn. Hiện tại cô thấy có sự đau khổ và khó để mở lòng ra. Cô hỏi Ngài Tam Tạng thứ 15 có cách nào để cô có thể vượt qua được tình trạng hiện nay của bản thân hay không?
Ngài Tam Tạng thứ 15 giải thích rằng: Sẽ rất hữu ích nếu chúng ta thực hành tứ vô lượng tâm. Đó là trau dồi tâm từ, tâm bi, tâm hỷ và tâm xả. Đồng thời, đặc biệt khi chúng ta có những nỗi sầu muộn rất sâu sắc, chúng ta quán tưởng đến những ân đức của Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) sẽ mang lại rất nhiều năng lượng. Một lời khuyên đặc biệt là chúng ta cần thực hành thiền tuệ Vipassanā. Chỉ thông qua thực hành thiền tuệ, dần dần chúng ta mới có thể giảm thiểu, vơi đi những nỗi sầu muộn trong lòng. Đồng thời, bằng việc hành thiền tuệ Vipassanā, cũng đem lại cho chúng ta vô lượng lợi ích. Ngài cũng vừa hướng dẫn cho chúng ta cách thực hành tứ vô lượng tâm – Từ, Bi, Hỷ, Xả.
Việc thực hành tứ vô lượng tâm sẽ giúp cho chúng ta thoát khỏi những phiền não ở trong tâm như ác ý, sân hận, ganh tỵ, đố kỵ hoặc những cực đoan như vui mừng tột độ hoặc sầu muộn vô cùng. Tứ vô lượng tâm là điều chúng ta nên thực hành vì giúp chúng ta giải quyết được rất nhiều vấn đề trong cuộc sống của mình. Không chỉ cô tín nữ đây mới có nỗi khổ niềm đau mà bản thân Ngài cũng có những nỗi đau khổ riêng. Tất cả chúng ta đều là con người, chúng ta đều có những nỗi khổ niềm đau. Chính vì điều đó tất cả chúng ta nên thực hành tứ vô lượng tâm.
Câu hỏi 2: Làm sao để phân biệt giữa tâm từ và tâm bi?
Ngài Tam Tạng thứ 15 trả lời: Giữa tâm từ và tâm bi có sự khác biệt. Đối với tâm từ, chúng ta mong muốn cho những người khác hoặc chúng sinh khác bốn điều, đó là: hạnh phúc ở trong thân và tâm – có nghĩa là thân an và tâm lạc; tiếp theo là thoát khỏi tất thảy mọi hiểm nguy và đau khổ cả trong thân và tâm. Tâm từ có nghĩa là mong cho những người khác, những chúng sinh khác tăng trưởng hơn nữa những hạnh phúc, sức khỏe và không có tật bệnh.
Với tâm bi, chúng ta tập trung vào những đau khổ hiện hữu đang có ở chúng sinh. Chúng ta mong rằng những đau khổ của họ hãy tan biến đi và sẽ không còn nữa. Nghĩa là đối với tâm bi, những người nào họ đang đau khổ ở thời điểm hiện tại thì chúng ta mong rằng những nỗi khổ niềm đau của họ sẽ không còn nữa. Trong khi đối với tâm từ thì chúng ta mong muốn rằng những chúng sinh khác được thịnh vượng hơn, hạnh phúc hơn, được nhiều sức khỏe hơn.
Câu hỏi 3: Thưa Ngài Tam Tạng thứ 15, đối với những nỗi đau và sự tức giận của bản thân, cá nhân con khi thực hành thiền Vipassanā thì con đã giải phóng được rất nhiều dù không triệt để. Câu hỏi của con là, nên có thái độ như thế nào đối với những người gây ra cho mình những nỗi đau ấy khi họ không ý thức được vấn đề đấy, họ vẫn thản nhiên, họ không ý thức được việc họ gây ra sự đau khổ cho người khác. Vậy thái độ tha thứ của mình liệu có đồng nghĩa với việc khuyến khích cho họ tiếp tục hành động đối với những người khác không?
Ngài Tam Tạng thứ 15 trả lời rằng: Chúng ta cần phải xem xét, nhìn nhận những phẩm chất tốt đẹp của người đó, họ tốt đẹp ở những phương diện nào và những điều tốt mà họ đã làm. Ngài Thiền Sư (Ashin Sarana) hỏi thêm: nếu chúng ta đã tha thứ cho họ nhưng họ vẫn tiếp tục làm điều đó thì như thế nào?
Ngài Tam Tạng thứ 15 nói rằng thời Đức Phật, điều này cũng đã diễn ra. Vào thời Đức Phật có vị rất nổi tiếng là Devadatta (Đề bà đạt đa), vị này rất nhiều lần làm những điều xấu xa, dù Đức Phật có khống chế như thế nào thì vị này vẫn tiếp tục làm những hành động xấu. Cũng có rất nhiều người họ không chịu hình phạt, nhưng về phía chúng ta, hãy cố gắng hết sức có thể để giúp đỡ họ bằng việc trao đổi, nói chuyện hoặc thảo luận với nhau hoặc tìm những phương cách khác phù hợp để có thể có được tiếng nói chung./.