Bài Giảng 03: Thời Gian Nuốt Chửng Chúng Sinh – Ngài Tam Tạng 15 Thuyết 5/4/2023

THỜI GIAN NUỐT CHỬNG CHÚNG SANH

Bài thuyết pháp tại Thiền Viện Phước Sơn
(Bài giảng số 03 – Buổi Chiều|Ngày 05/04/2023)

Thuyết giảng: Ngài Tam Tạng thứ 15 Bhaddanta Paññāvaṃsābhivaṃsa
Chuyển ngữ: Sư Thiện Đức – Kusalaguṇa Bhikkhu

Hoặc: https://www.youtube.com/watch?v=wvBoFwdVAbA

Để bắt đầu bài pháp thoại chiều hôm nay, trước hết Ngài Tam Tạng thứ 15 rải tâm từ đến cho tất cả chư hành giả có mặt nơi đây, cầu chúc cho tất cả các quý hành giả thân tâm được nhiều an lạc.

Buổi chiều hôm nay, Ngài muốn chia sẻ đến tất cả chúng ta bài Pháp thoại liên quan đến “thời gian”. Thời gian là một yếu tố luôn chi phối các chúng sinh, Ngài gọi là “thời gian nuốt chửng các chúng sinh”. “Thời gian nuốt chửng” ở đây có nghĩa là thời gian buổi sáng nuốt chửng thời gian buổi tối hôm qua, thời gian buổi chiều nuốt chửng thời gian buổi trưa, thời gian buổi trưa nuốt chửng thời gian buổi sáng. Thời gian đã trôi đi thì không còn quay trở lại được.

“Thời gian nuốt chửng các chúng sinh” nghĩa là các chúng sinh bị chi phối bởi thời gian. Sắc đẹp, sức khoẻ và những thứ khác của chúng sinh thường bị chi phối, huỷ hoại bởi thời gian. Người đang thuyết Pháp ở đây và những người đang nghe Pháp cũng đang bị thời gian chi phối, đang bị thời gian nuốt chửng. Thân thể của chúng ta bị sự già chi phối, do thời gian đã hướng thân của mỗi chúng ta càng ngày trở nên già nua, yếu đi.

Khi còn trẻ ta có sức khoẻ, sắc đẹp, đến khoảng 40 tuổi thân thể bắt đầu yếu đi và các loại bệnh như tiểu đường, tim mạch, huyết áp, vv…bắt đầu xuất hiện làm cho cơ thể càng ngày càng yếu đi. Sức khoẻ của chúng ta, sức khoẻ của các chúng sinh cũng bị thời gian chi phối, nuốt chửng, bào mòn. Vì vậy Ngài nói rằng thời gian đang nuốt chửng các chúng sinh trên phương diện sắc đẹp, sức khoẻ. Thời gian càng ngày càng bào mòn sức mạnh, sức khỏe của mỗi chúng ta. Khi còn trẻ chúng ta cảm thấy rất mạnh khoẻ, nhưng khi lớn tuổi, sức mạnh bị giảm đi và đến lúc không bước đi một cách bình thường, đến khi thân không còn theo chỉ đạo của tâm nữa.

Đặc biệt khi các hành giả đang tu tập thiền có thể nhìn thấy rõ và quan sát những hiện tượng thân, tâm sẽ thấy rất rõ thời gian bào mòn thân, tâm, sức khỏe, sắc đẹp của mình như thế nào. Không những là trong năm, trong tháng, trong ngày mà thấy rõ sự bào mòn của thời gian trong từng phút, từng giây, từng sát na. Cái này sinh lên rồi mất đi để nhường chỗ cho thân và tâm khác xuất hiện và mất đi. Trải qua từng giây, từng phút những hiện tượng thân và tâm cứ như vậy sinh diệt theo thời gian.

Những người không thấy rõ quá trình thời gian bào mòn sức khỏe, sắc đẹp, sức lực như thế nào sẽ không quý trọng thời gian của mình mà phung phí thời gian cho những việc vô ích, thậm chí có thể dẫn đến sự tai hại cho bản thân, người khác và chúng sinh khác. Còn những người có trí là những bậc thiện tri thức, những hành giả thấy rõ sự bào mòn của thời gian đối với những hiện tượng thân và tâm, bào mòn sắc đẹp, sức khoẻ và sức lực, sẽ cố gắng, tận dụng thời gian quý giá của mình để làm những việc có ích cho bản thân, cho tha nhân. Vì vậy những người có trí là bậc thiện tri thức thay vì để thời gian bào mòn sức khoẻ, sắc đẹp, vv… sẽ sử dụng thời gian một cách có sự hiểu biết, không những không bị thời gian nuốt chửng, bào mòn mà những người có trí còn có thể bào mòn và nuốt chửng lại thời gian bằng cách tận dụng thời gian để làm những việc hữu ích mang lại sự an vui cho mình và cho tha nhân.

Đức Phật của chúng ta là một ví dụ điển hình để chúng ta thấy bậc trí không bị thời gian bào mòn, nuốt chửng mà có thể nuốt chửng hay bào mòn lại thời gian. Vì lợi ích của Chư Thiên và nhân loại, Ngài đã tận dụng những thời gian quý báu của mình để mang lại những lợi ích, an vui cho tất cả chúng sinh hữu duyên. Một ngày Đức Phật chỉ nghỉ 1 tiếng 20 phút, Ngài sử dụng thời gian còn lại để mang lại những lợi lạc cho Chư Thiên và loài người.

Chúng ta là những người con Phật, là đệ tử của Ngài nên cố gắng học hỏi theo hạnh của đức Phật, không để thời gian nuốt chửng chính mình mà hãy nuốt chửng và bào mòn thời gian bằng cách chúng ta phải làm việc. Làm việc như thế nào? Chúng ta phải thực hành bố thí, cúng dường, thực hành sự giữ giới, thực hành thiền tập. Đó là những công việc mà một Phật tử cần phải thực hành, cần phải làm để có thể bào mòn, có thể nuốt chửng trở lại thời gian, thay vì bị thời gian nuốt chửng và bào mòn chính bản thân mỗi người.

Khi nói đến sự làm việc, ta làm việc thông qua thân, khẩu và ý. Chúng ta từ nhà đến đây để ngồi thiền, nghe Pháp. Đây là công việc được làm bằng thân. Chúng ta đến đây để phục vụ, hỗ trợ khoá thiền. Những công việc này cũng được thực hiện bằng thân. Có những việc không làm bằng thân nhưng có thể làm bằng khẩu, bằng lời nói. Ví dụ ở nhà, chúng ta có thể nhắc nhở trẻ em, những người con, người cháu hãy cung kính Đức Phật, cung kính Chư Tăng, khuyến khích làm những điều thiện như bố thí, cúng dường, khuyến khích giữ giới, khuyến khích hành thiền. Đó là những công việc mà chúng ta có thể làm bằng lời nói. Hoặc ở nhà, hay đến chùa, chúng ta đọc kinh, chúng ta niệm Phật. Ví dụ chúng ta đọc: “Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa”. Đọc kinh như vậy, niệm Phật như vậy với sự hiểu biết ân đức của đức Phật, đó cũng là công việc được làm bằng lời nói.

Có những việc không làm bằng thân, bằng khẩu mà có thể làm bằng ý. Ví dụ khi ta niệm Phật, niệm Ân Đức Phật, niệm Ân Đức Pháp ở trong tâm, chúng ta rải tâm từ đến cho tất cả chúng sinh bằng tâm của mình, hay ta hành thiền quan sát sự sinh diệt của các pháp hữu vi như danh pháp, sắc pháp, ngũ uẩn thông qua ba đặc tính: vô thường, khổ và vô ngã. Tất cả những việc làm như vậy gọi là việc làm bằng ý của mình.

Những ai làm những công việc nêu trên bằng thân, khẩu hay ý thì những người này không bị thời gian nuốt chửng, không bị thời gian bào mòn, mà ngược lại những người này đang nuốt chửng, bào mòn thời gian.

Vào thời đức Phật, khi Ngài đang ngự ở Kỳ Viên tịnh xá, gần thành Xá vệ (Sāvatthī), có một tín nữ tên là Sona. Bà Sona có tất cả 14 người con, 7 trai và 7 gái. Bà tương đối lớn tuổi, khoảng 70 tuổi. Mặc dù có rất nhiều con, bà Sona đã cưới vợ gả chồng cho tất cả những người con trai, con gái của mình khi đến tuổi trưởng thành. Sau khi cưới vợ gả chồng cho tất cả các con, mỗi người có ngôi nhà riêng của mình, cuối cùng bà Sona chỉ có một mình trong ngôi nhà. Vì trong nhà không còn con trai, con gái nữa, bà Sona điều hành mọi công việc trong nhà, tất cả những công việc liên quan đến làm ăn kinh tế và những công việc khác. Những người con trai, con gái của bà thấy như vậy thuyết phục bà: “Mẹ ơi, bây giờ mẹ đã già rồi. Mẹ tự mình điều hành công việc làm ăn kinh tế như vậy khổ quá. Hay bây giờ mẹ có những tài sản gì, hãy chia đều cho tất cả 14 người con. Sau đó hãy đến nhà của các con để ở. Như vậy thì rất khỏe và sung sướng”.

Thật ra những người con trai, con gái của bà không phải vì thương bà mà nói như vậy. Họ sợ bà mất đi, tài sản sẽ không thuộc về họ. Nên họ đã thuyết phục bà bán tất cả của cải tài sản để chia cho họ trước khi bà không còn ở trên thế gian. Với tình thương của người mẹ đối với các con, cũng như sự tin tưởng với những người con của mình, bà đã bán tất cả nhà cửa, ruộng vườn và những tài sản quý giá, sau đó chia đều cho 14 người con. Cuối cùng bà Sona không còn tài sản nào trong tay, nhà cửa, tài sản cũng không còn.

Vì nghe lời những người con, bà đã bán tất cả của cải, tài sản và chia cho các con. Bà đã đến ở nhà các con, mỗi đứa luân phiên nuôi mẹ 7 ngày. Ngày qua ngày, bà cũng đã gần tuổi 80.

Thời gian đầu những người con trai, con gái đã tình nguyện, thực hiện lời hứa nuôi mẹ của mình, lần lượt mỗi người nuôi mẹ 7 ngày. Giai đoạn đầu mọi chuyện rất êm xuôi, không có gì xảy ra, nhưng một thời gian sau, có những nhà người con gái vẫn còn trong sáng, vẫn có tình thương đối với người mẹ già, nhưng người còn rể thì không còn như trước kia, tâm không còn đủ trong sáng, đủ kiên nhẫn đối với người mẹ của vợ mình. Những người con trai cũng vậy, mặc dù thương mẹ, có tâm trong sáng và có hiếu đối với mẹ, nhưng những tâm thế của người con dâu đã khác đi, không giống như ban đầu. Cảm nhận được điều đấy, người mẹ già bắt đầu có những suy nghĩ và cảm thấy không còn đủ sự thoải mái để ở trong nhà của những người con mình nữa.

Những người con dâu, người con rể có thái độ bất kính đối với người mẹ của vợ, của chồng mình, những thái độ đó đã ảnh hưởng qua những người con trai, con gái – là chồng, là vợ. Cho nên thời gian sau, không những người con dâu, người con rể có những lời nói khó nghe đối với người mẹ chồng, mẹ vợ của mình mà ngay cả những người con trai, con gái của bà Sona cũng có những thái độ bất kính, những lời nói khó nghe, thậm chí la hét, chửi mắng bà. Bà trước kia vốn là một người giàu có, nên bà có sự mặc cảm, tự ti. Cuối cùng bà không muốn ở nhà của những người con mình nữa, bà đã đi lang thang từ chỗ này qua chỗ khác, những nơi nào bà có thể ở được, bà xin ở lại. Ngày qua ngày, từ chỗ này qua chỗ khác, bà đi ăn xin.

Khi đối diện cảnh ăn nhờ ở đậu như vậy, bà cảm thấy thế gian này không còn gì để bám víu nữa, bà đã khởi lên ý muốn xuất gia. Với ý nghĩ đó, bà đã tìm đến chùa Jetavana (Trúc Lâm Tịnh Xá) để xin đức Phật cho xuất gia thọ giới Tỳ-khưu ni. Khi đó bà đã hơn 80 tuổi.

Mặc dù đã trở thành một vị Tỳ-khưu ni lúc hơn 80 tuổi, nhìn lại cuộc đời của mình bà thấy rằng mình không có một công đức gì của sự bố thí cúng dường, không có công đức gì liên quan tới sự trì giới và không có công đức gì liên quan tới sự thiền tập. Dù đã lớn tuổi, xuất gia lúc hơn 80 tuổi, bà chưa có Hạ lạp nào. Trong giáo pháp của Đức Phật, Hạ lạp (số năm xuất gia, năm thọ giới) quan trọng hơn tuổi đời. Khi xuất gia ở trong giáo pháp của Đức Phật dù là Tỳ-khưu hay Tỳ-khưu ni đều căn cứ vào Hạ lạp hay là tuổi đạo để phân định sự cao thấp, lớn nhỏ. Mặc dù bà lớn tuổi, tuổi đời của bà đã hơn 80 nhưng chưa có tuổi đạo nên khi ở trong chùa cùng với những vị Tỳ-khưu ni trẻ mới 25 tuổi, 30 tuổi nhưng có 5 tuổi đạo, 10 tuổi đạo, vì vậy theo trật tự ở trong đạo, các cô Tỳ-khưu ni trẻ vẫn lớn hơn cô Tỳ-khưu ni già hơn 80 tuổi đời. Ở trong chùa, Tỳ-khưu ni già lớn tuổi đời nhưng chưa có tuổi đạo phải làm việc theo sự chỉ bảo của Tỳ-khưu ni trẻ có tuổi đạo lớn hơn.

Khi các cô trẻ sai đi bưng nước, rửa chén bát, làm việc này việc kia, cô Tỳ-khưu ni già lớn tuổi đời cũng phải nghe theo. Khi đó cô Tỳ-khưu ni già lớn tuổi đời suy nghĩ rằng: “Khi ta còn ở ngoài đời bị con trai, con gái, con dâu, con rể nói nặng, nói nhẹ. Bây giờ ta đi xuất gia và ở trong chùa cũng bị các sư cô trẻ sai bảo làm cái này cái kia. Vì sao ta bị như vậy? Bà suy nghĩ rằng có lẽ do ở trong ta không hộ trì Pháp vì vậy khi ở ngoài đời bị cảnh con cái, dâu, rể nói nặng nói nhẹ, khi vào chùa cũng bị các sư cô trẻ sai bảo làm việc này việc kia. Là do ở trong ta không có Pháp mới như vậy.”

Với suy nghĩ như vậy, bà đã tinh tấn hành thiền kể từ đó. Bà đã không ngừng hành thiền, tinh tấn cả ngày lẫn đêm hành thiền liên tục. Không giống như trước kia, bây giờ bà vẫn xách nước, rửa chén, quét dọn lau chùi ở chùa nhưng bà đã làm với sự chánh niệm. Mỗi công việc như vậy, bà đều thực hiện với sự quan sát, sự thực hành pháp chánh niệm liên tục. Thậm chí vì tuổi già sức yếu, nên khi đang ngồi muốn đứng dậy, bà phải dựa vào tường, hay bà phải nắm một sợi dây để đứng dậy. Mỗi hành động như vậy, bà thực hiện với sự chánh niệm, tỉnh giác, ghi nhận những hiện tượng thân, tâm đang xảy ra trong thân và tâm của bà. Với tâm kiên định và đức tin mãnh liệt, bà đã tinh tấn liên tục thực hành thiền. Khi ngồi, khi đi, khi đứng, khi từ tư thế ngồi chuyển qua tư thế đứng, từ tư thế đứng chuyển qua tư thế đi, mỗi tư thế, mỗi cử chỉ, mỗi hành động, bà đều thực hiện thực hiện với một tâm sáng suốt, chánh niệm liên tục. Cứ như vậy mỗi ngày bà vừa hành thiền, vừa làm việc, bà cũng làm theo sự chỉ bảo của các cô Tỳ-khưu ni trẻ trong chùa.

Vào một ngày nọ, bà được cô Tỳ-khưu ni trẻ sai đi nấu nước. Khi vào trong nhà bếp, cô Tỳ-khưu ni lớn tuổi lấy nước và bắc lên bếp. Trong thời gian chờ đợi nước sôi, bà suy nghĩ rằng chắc cũng còn một thời gian nữa nước mới sôi, bây giờ ta hãy ngồi thiền. Bà đã ngồi thiền và chú tâm trên đề mục thiền của mình. Khi đó, Đức Phật, với tâm của mình, biết cô Tỳ-khưu ni lớn tuổi đang hành thiền ở trong nhà bếp, Ngài biết rằng trí tuệ của Tỳ-khưu ni lớn tuổi này cũng đang phát triển và đang chín muồi. Vì vậy, từ Hương thất của Ngài, Ngài đã phóng hào quang đến nơi mà cô Tỳ-khưu ni lớn tuổi đang hành thiền.

Mặc dù, đức Phật không đích thân ngự đến nơi bà Tỳ-khưu ni lớn tuổi đang hành thiền, Ngài chỉ phóng hào quang và dùng năng lực của mình, Ngài đã nói lên một bài kệ để cho cô Tỳ-khưu ni lớn tuổi nghe. Khi nghe bài kệ, cô Tỳ-khưu ni lớn tuổi nghĩ rằng Đức Phật biết mình đang hành thiền và đang ngự đến để thuyết Pháp cho mình nghe. Ý nghĩa của bài kệ đó là: “Dù sống 100 năm không thấy Pháp, không bằng sống một ngày thấy được Pháp”. Dù sống tuổi đời cả một trăm năm nhưng chỉ trong một khoảnh khắc thấy được Pháp thì khoảnh khắc đó vô cùng giá trị so với tuổi đời một trăm năm. Sau khi chấm dứt bài kệ, cô Tỳ-khưu ni lớn tuổi đã thấy được Pháp, đã chứng đắc được Thánh đạo, Thánh quả A-ra-hán, đoạn trừ tất cả những lậu hoặc trầm luân ở trong Tam giới, giải thoát khỏi cảnh khổ tử sinh luân hồi. Không phải chỉ là một bậc thánh A-ra-hán bình thường, cô Tỳ-khưu ni lớn tuổi khi chứng đắc Thánh đạo, Thánh quả A-ra-hán, đồng thời chứng đắc Tứ tuệ phân tích là những trí tuệ nhận biết về Tam Tạng là những lời Phật dạy và có khả năng thuyết giảng. Cô Tỳ-khưu ni lớn tuổi cũng chứng đắc luôn các loại thần thông, gọi là Lục thông. Như vậy, cô Tỳ-khưu ni đã trở thành bậc A-ra-hán có Tứ tuệ phân tích và Lục thông. Sau khi chứng đắc Thánh đạo, Thánh quả A-ra-hán cùng với Tứ tuệ phân tích và Lục thông, cô Tỳ-khưu ni lớn tuổi bây giờ nấu nước bằng thần thông chứ không phải bằng củi, bằng lá giống như trước kia nữa.

Sau đó các cô Tỳ-khưu ni trẻ ở trong chùa biết rằng cô Tỳ-khưu ni lớn tuổi đã là một bậc thánh A-ra-hán có các loại thần thông như vậy, họ đã đến và xin lỗi vị Tỳ-khưu ni lớn tuổi về những lỗi mà họ đã làm trước kia. Kể từ đó, các cô Tỳ-khưu ni trẻ cũng không dám sai bảo cô Tỳ-khưu ni lớn tuổi làm việc này việc kia nữa. Cô Tỳ-khưu ni lớn tuổi đã có một đời sống không phụ thuộc vào các cô Tỳ-khưu ni trẻ và có một đời sống yên bình hơn, an lạc hơn.

Không những cô Tỳ-khưu ni lớn tuổi có Tứ tuệ phân tích và Lục thông, cô còn được Đức Phật ca ngợi, tán thán là một người Đệ nhất về Trí Tuệ ở trong Tỳ-khưu ni, đặc biệt là Trí tuệ phân tích. Đó là đệ nhất về trí tuệ liên quan đến tứ tuệ phân tích.
Qua câu chuyện bà Sona khi còn là một cư sĩ và sau đó xuất gia trở thành một cô Tỳ-khưu ni lớn tuổi ở trong chùa, bị sự chi phối sai bảo để làm những việc lặt vặt cho các cô Tỳ-khưu ni trẻ. Sau đó với sự tinh tấn, nỗ lực làm việc, đó là sự thực hành Pháp, cô Tỳ-khưu ni chứng đắc được Thánh đạo, Thánh quả A-ra-hán, có cả Tứ tuệ phân tích và Lục thông, đoạn trừ tất cả những phiền não, những lậu hoặc, trầm luân trong Tam giới sinh tử luân hồi.

Ta thấy rằng, với sự tinh tấn làm việc, sự tinh tấn thực hành giáo pháp, cô Tỳ-khưu ni lớn tuổi, dù khi xuất gia đã lớn tuổi, vẫn có thể chứng đắc Thánh đạo, Thánh quả A-ra-hán, vẫn có thể chứng đắc Tứ tuệ phân tích và Lục thông, cô đã thoát được cảnh bị sai bảo làm các việc lặt vặt trong chùa, không bị chi phối, quấy nhiễu bởi những công việc lặt vặt do các cô Tỳ-khưu ni trẻ sai bảo. Là một hành giả ta cần phải tinh tấn làm việc bằng cách thực hành thiền định, thiền tuệ, thực hành Giáo Pháp của Đức Phật. Qua sự thực hành, ta mới có thể thay đổi được chính mình và cải thiện được từ hoàn cảnh không an vui đến hoàn cảnh an vui, từ hoàn cảnh đau khổ đến hoàn cảnh thoát khỏi đau khổ.

Qua câu chuyện cô Tỳ-khưu ni lớn tuổi tên là Sona, ở giai đoạn đầu mặc dù bà rất giàu có, nhưng đến lúc 80 tuổi, khi không còn sống ở trong ngôi nhà của những người con trai, con gái và đi lang thang chỗ này chỗ kia, sau đó bà xuất gia trở thành Tỳ-khưu ni sống ở trong chùa. Bà đã nhìn lại bản thân mình không có bất kỳ một công đức gì liên quan đến bố thí cúng dường, liên quan đến việc giữ giới, liên quan đến hành thiền. Sau khi nhìn thấy sự quan trọng của việc thực hành Giáo Pháp, bà đã không ngừng nỗ lực, tinh tấn để hành thiền. Nhờ sự tinh tấn tu tập bà đã chứng đắc Thánh đạo, Thánh quả A-ra-hán cùng với Tứ tuệ phân tích và Lục thông. Mặc dù tuổi đã già nhưng với sự nỗ lực tinh tấn không ngừng nghỉ, bà cũng có thể đoạn trừ được tất cả các lậu hoặc thông qua sự chứng đắc Thánh đạo, Thánh quả A-ra-hán.

Những hành giả chúng ta nếu so với bà Tỳ-khưu ni Sona, tuổi đời vẫn còn rất trẻ so với bà Tỳ-khưu ni Sona, với tuổi đời trẻ, còn nhiều thời gian như vậy mà chúng ta tinh tấn không ngừng thực hành Giáo Pháp giống như bà Tỳ-khưu ni Sona thì chúng ta chắc chắn sẽ có được sự thành tựu ở trong việc thực hành Giáo pháp.

Qua câu chuyện bà Tỳ-khưu ni Sona lớn tuổi, Ngài Tam Tạng thứ 15 khuyến khích và sách tấn tất cả hành giả chúng ta hãy nỗ lực tinh tấn không ngừng trong việc thực hành Giáo Pháp của Đức Phật. Ngài cũng cầu chúc cho tất cả các hành giả có được sự thành tựu, có được sự chứng đắc được giáo pháp giống như là bà Tỳ-khưu ni Sona. Đó là lời kết của bài Pháp thoại chiều hôm nay./.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Sādhu, Sādhu, Sādhu!

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app