Bài Giảng 8: Những Bất Tịnh Của Tâm – Ngài Tam Tạng 15 Thuyết Pháp

NHỮNG BẤT TỊNH CỦA TÂM

BÀI THUYẾT PHÁP TẠI THIỀN VIỆN PHƯỚC SƠN
(Bài giảng kết thúc khoá thiền |Ngày 07/4/2023)

Thuyết giảng: Ngài Tam Tạng thứ 15 Bhaddanta Paññāvaṃsābhivaṃsa
Chuyển ngữ: Sư Thiện Đức – Kusalaguṇa Bhikkhu

 

Trước khi thuyết bài Pháp thoại buổi sáng bế mạc hôm nay, Ngài Tam Tạng thứ 15 cầu chúc và rải tâm từ đến tất cả quý hành giả, quý Tăng Ni, quý thiện nam tín nữ thân tâm thường an lạc, tránh khỏi tất cả mọi điều rủi ro tai hại để thành tựu hạnh phúc cao thượng Niết-bàn.

Sáng nay, Ngài Tam Tạng thứ 15 chia sẻ với hội chúng bài Pháp thoại về những bất tịnh của tâm. Những bất tịnh của tâm, bất thiện pháp có thể được gột rửa, được làm sạch bởi những thiện pháp, bởi những tâm thiện.

Là phàm nhân, dù là người xuất gia hay cư sĩ tại gia, đôi khi làm những việc bất thiện và cũng nhiều khi hoan hỷ trong việc làm thiện. Vì khi làm thiện, khi làm bất thiện như vậy, nên trong đời sống phàm nhân thường có những quả vui và cũng có những quả khổ xen lẫn nhau.

Đừng nói những phàm nhân bình thường, ngay cả một vị Bồ Tát thực hành những phẩm hạnh Ba-la-mật trong nhiều kiếp đôi khi cũng làm nhiều điều bất thiện. Vì vậy, ngay cả khi thực hành Ba-la-mật, một vị Bồ Tát đôi khi cũng đọa vào một trong bốn cảnh khổ (bốn đường ác đạo).

Để những bất thiện pháp ở trong quá khứ và hiện tại đã lỡ làm không trổ quả, chúng ta cần thực hành và làm nhiều thiện pháp. Nên trong đời sống hằng ngày, một người gặp nhiều may mắn, có những kết quả tốt đẹp là do những pháp thiện đã từng thực hiện, từng làm trong quá khứ trổ quả. Khi những quả thiện đã trổ, đến giai đoạn không còn nữa thì những pháp bất thiện có thể trổ quả vì những pháp bất thiện luôn luôn đợi sẵn để trổ quả. Để những quả bất thiện không trổ, chúng ta cần phải thực hành nhiều thiện pháp, thiện nghiệp để làm duyên cho những quả thiện tiếp tục trổ quả thay vì để cho những quả bất thiện xen vào.
Ngài lấy ví dụ:

Chai bằng thuỷ tinh đựng thuốc độc thì gọi là chai thuốc độc, dường như ai cũng sợ, cũng tránh khi thấy chai thuốc độc. Cũng tương tự như vậy, khi thân ngũ uẩn này làm những điều bất thiện thì gọi là ngũ uẩn bất thiện, và ngũ uẩn bất thiện này có thể cho quả tái sinh vào những cảnh giới đau khổ. Nếu chai thuỷ tinh đựng sữa thì gọi là chai sữa, và khi thấy chai sữa thì mình biết rằng chai sữa này có lợi ích, có thể dùng được và có thể giúp đỡ mình duy trì sức khoẻ. Tương tự như vậy, khi thân ngũ uẩn làm những điều thiện nghiệp thì thân ngũ uẩn đó trở thành thân ngũ uẩn thiện, thân ngũ uẩn thiện này có thể làm nhân làm duyên để không bị tái sinh vào bốn cõi khổ.

Mặc dù chai thuỷ tinh đựng thuốc độc nhưng khi đổ hết thuốc độc và lấy nước rửa sạch, sau đó có thể dùng để đựng sữa và chai thuỷ tinh đó trở thành chai sữa và có thể giúp một người có được sức khoẻ khi uống chai sữa đó. Cũng tương tự như vậy, khi thân ngũ uẩn đã làm những điều bất thiện thì có thể sử dụng “nước thiện pháp” rửa những bất thiện trong thân ngũ uẩn để từ đó trở nên thân ngũ uẩn thiện và có thể giúp một người tránh khỏi bốn cõi khổ.

Liên quan đến điều này, vào thời Đức Phật có một câu chuyện:

Vào thời Đức Phật, có một gia đình Bà-la-môn, người chồng tên là Bhaggavā, người vợ tên là Mantani đã sinh hạ sinh một người con trai. Khi đứa trẻ sinh ra, tất cả các khí giới ở trong thành Sāvatthī đều phát sáng. Khi đó, những người biết xem tướng số đoán rằng đứa trẻ này sau khi lớn lên sẽ trở thành một kẻ trộm rất nguy hiểm, có thể trở thành một tướng cướp. Vì vậy, gia đình ông Bà-la-môn sợ hãi và không muốn người con mình trở thành một tướng cướp, nên đã đặt tên cho con là Ahimsaka, với mong muốn đứa con mình lớn lên sẽ không làm hại bất kỳ ai. Khi còn bé, đứa trẻ tỏ ra rất thông minh và tâm tính rất tốt, được mọi người yêu thương.

Khi lên mười sáu tuổi, Ahimsaka được gửi đến một trường đại học để học các môn học thuật. Ahimsaka học với một vị thầy, với tố chất thông minh và hiểu biết, Ahimsaka đã làm mọi việc cho vị thầy, đồng thời cũng rất có trách nhiệm với việc học của mình. Ahimsaka không những là một người có tâm tánh tốt mà còn là một người học giỏi, có hiếu và có trách nhiệm đối với người thầy, nên luôn sẵn sàng giúp đỡ và có thể làm bất kỳ điều gì cho thầy mình. Vì vậy ở trong trường, ai cũng rất thương yêu và quý mến Ahimsaka.

Vì Ahimsaka thông minh, có trách nhiệm với thầy mình nên người thầy rất thương yêu và luôn ưu tiên cho Ahimsaka. Chính vì vậy, những người học trò khác vì tâm ganh tị, đố kỵ nên tỏ ra không hài lòng, không ưa thích Ahimsaka. Những học trò này đã nghĩ cách ly gián giữa Ahimsaka với thầy mình. Họ đã chia ra làm ba nhóm để bằng mọi cách ly gián Ahimsaka với vị thầy.

Nhóm đầu tiên đến người thầy và nói xấu về Ahimsaka nhưng người thầy không tin. Nhóm thứ hai cũng đến người thầy nói xấu Ahimsaka nhưng người thầy vẫn không tin. Nhóm thứ ba nói xấu Ahimsaka và thưa với vị Thầy rằng Ahimsaka có mối quan hệ không trong sáng với vợ của người thầy. Ahimsaka có đi ra, đi vào, ở nhà của thầy với vợ của thầy, rất đáng nghi ngờ. Ban đầu người thầy không tin nhóm thứ nhất, nhóm thứ hai người thầy cũng không tin nhưng đến nhóm thứ ba thì người thầy bắt đầu nghi ngờ Ahimsaka.

Người thầy sau khi nghi ngờ Ahimsaka, bắt đầu không tin tưởng, không trọng dụng Ahimsaka. Không những thế, người thầy còn khởi lên ý muốn hại Ahimsaka, muốn Ahimsaka không ở nhà của mình và sẽ trở thành một tội phạm để Ahimsaka biến mất khỏi cuộc đời. Vì làm gì cũng được nhưng đụng đến vợ mình thì người thầy không thể chịu được. Mặc dù chuyện không xảy ra nhưng sau khi nghe đến lần thứ ba về việc Ahimsaka có sự gian díu với vợ mình, người thầy đã khởi lên ý muốn sát hại Ahimsaka.

Người thầy nghĩ rằng: “Nếu ta trực tiếp giết hại Ahimsaka, mọi người sẽ biết và ta sẽ bị mang tiếng, không ai đến học với ta nữa”. Người thầy nghĩ ra một cách khiến không ai biết, ông đã kêu Ahimsaka lại và nói rằng: “Này Ahimsaka thương mến, những gì con học dường như thầy đã dạy hết rồi, chỉ còn một môn cuối cùng. Nếu con có thể kiếm được một ngàn ngón tay về đây thì thầy sẽ dạy cho con môn cuối cùng đó, là môn tuyệt kỹ mà thầy chỉ truyền cho những người nào có ngàn ngón tay.”

Ban đầu Ahimsaka có bản tính lương thiện, học giỏi, vâng lời thầy, có trách nhiệm, nhưng vì những người bạn xung quanh ganh tỵ, đố kỵ và tìm cách ly gián, hãm hại Ahimsaka nên Ahimsaka đã trở thành một người xấu.

Với sự tin tưởng người thầy của mình, Ahimsaka đã đi vào rừng để tìm kiếm bằng được một ngàn ngón tay mang về đưa cho thầy, để học được một môn tuyệt kỹ cuối cùng từ người thầy quý kính. Khi vào rừng tìm kiếm những ngón tay, cứ gặp những người nào đi vào rừng, Ahimsaka đều giết và cắt một ngón tay. Cứ như vậy, thấy một người, Ahimsaka giết một người, thấy hai người Ahimsaka giết hai người, và sau mỗi lần giết người như vậy Ahimsaka đều lấy một ngón tay xâu lại thành một cái vòng. Trong suốt thời gian trong rừng, Ahimsaka đã làm việc mỗi ngày là giết người để lấy ngón tay.

Thời gian đầu, sau khi giết hại người nào, Ahimsaka cắt một ngón tay rồi để chỗ này, chỗ kia. Vì có nhiều ngón tay nên Ahimsaka không nhớ mình để ở những chỗ nào. Vì vậy, sau khi giết rất nhiều người, nhưng số ngón tay không có nhiều, có khi bị chim hay những con thú tha đi. Nên những ngón tay không nhiều như số lượng người mà Ahimsaka đã giết. Vì vậy, Ahimsaka khởi lên ý: “Nếu cứ để ngón tay chỗ này chỗ kia như vậy thì sẽ không bao giờ có đủ một ngàn ngón tay. Hay bây giờ mình lấy sợi dây xâu những ngón tay sau khi cắt ra từ những người mình giết, làm thành vòng đeo lên cổ”. Ahimsaka đã làm như vậy và kể từ đó Ahimsaka có một cái tên khác là Angulimāla, nghĩa là “người đeo vòng bằng ngón tay”.

Trước đó, Ahimsaka chỉ ở trong rừng và giết hại những người đi vào rừng, rồi lấy những ngón tay xâu lại thành vòng đeo lên cổ. Sau đó càng ngày càng ít người đi vào rừng, cuối cùng không còn ai vào rừng nữa. Angulimāla đến những nơi gần các thành phố, làng mạc tìm kiếm người để giết và lấy ngón tay làm thành vòng đeo. Vì vậy, các vùng lân cận, làng mạc, thành thị trở nên bất an, người dân không muốn sống ở những nơi mà Angulimāla đang chờ chực để bắt và giết, họ đã đi đến thành Sāvatthī. Họ không những đến thành Sāvatthī để ở mà còn đến hoàng cung trình với nhà vua Kosala. Từ đó, vua Kosala bắt đầu vào cuộc và sai quân lính đi bắt Angulimāla.

Khi nghe tin vua Kosala sai quân lính đi bắt Angulimāla, mẹ của Angulimāla cảm thấy lo lắng cho người con mình. Mẹ của Angulimāla đã đi vào một khu rừng tìm kiếm Angulimāla để báo tin. Mặc dù không thấy Angulimāla, nhưng bà biết Angulimāla đang ở trong khu rừng này, bà đã nói to báo cho Angulimāla biết: “Vua Kosala đang cho quân lính bắt, vì vậy hãy tránh xa khu rừng này, hãy chạy đi, trốn đi, nếu không vua Kosala sẽ bắt về quy án”. Khi nghe như vậy, Angulimāla nhận biết giọng nói này là của mẹ mình. Nhưng khi đó Angulimāla đã kiếm được chín trăm chín mươi chín ngón tay, chỉ còn một ngón tay nữa là đủ một ngàn ngón tay.

Angulimāla nghĩ rằng: “Bây giờ ta đã có chín trăm chín mươi chín ngón tay rồi chỉ còn một ngón tay nữa là sẽ được thầy dạy cho một môn tuyệt kỹ”. Khi Angulimāla đang suy nghĩ như vậy thì mẹ của Angulimāla đã đến gần. Angulimāla nghĩ rằng: “Bây giờ chỉ còn một ngón tay nữa, nhưng đây là mẹ của mình, nhưng nếu có một ngón tay nữa thì ta sẽ học được môn tuyệt kỹ từ người thầy, ta sẽ đạt được mục đích cuối cùng của ta”. Nghĩ như vậy, với kiếm trong tay, Angulimāla đã đuổi theo người mẹ. Khi đó, Đức Phật biết Angulimāla sẽ phạm một trọng tội nếu Ngài không xuất hiện, và với trọng tội này Angulimāla sẽ không có cơ hội để thấy Pháp. Nên bằng thần thông của mình, Đức Phật đến và đứng ở giữa Angulimāla và người mẹ của Angulimāla.

Với sức mạnh của Angulimāla, từ trước đến nay không người nào (dù chạy rất nhanh) có thể thoát được Angulimāla, không ai có thể sánh được với sức mạnh và tốc độ của Angulimāla. Đức Phật đã dùng nguyện lực khiến cho Angulimāla chạy với tốc độ thật nhanh nhưng không đuổi kịp Ngài. Vì vậy, ban đầu Angulimāla có ý định rượt theo mẹ của mình để giết và lấy ngón tay cuối cùng. Nhưng khi Đức Phật xuất hiện ở giữa thì Angulimāla đã đổi ý. Khi đó Angulimāla chưa biết đó là Đức Phật, chỉ nghĩ Ngài là một vị Sa môn nên thay vì đuổi giết mẹ mình, Angulimāla đã đuổi theo Đức Phật với ý định giết vị Sa môn lấy một ngón tay. Với tốc độ cực nhanh và hết sức lực của mình, Angulimāla đã đuổi theo Đức Phật nhưng không thể đuổi kịp. Đến khi kiệt sức, Angulimāla dừng lại và nói với Đức Phật rằng: “Này Sa Môn hãy dừng lại! Làm gì mà chạy nhanh như vậy?”

Đức Phật trả lời: “Này Angulimāla, ta đã dừng lại rồi ông hãy dừng lại đi”.

Angulimāla nghĩ rằng: “Thật lạ thay! Vị Sa Môn này đang đi mà bảo là dừng lại rồi, còn ta đã dừng lại rồi mà vị Sa Môn bảo ta hãy dừng lại là như thế nào?”. Angulimāla thưa với Đức Phật rằng: “Thưa Sa Môn, Ngài đang đi mà bảo là dừng lại rồi, còn tôi đây đã dừng lại rồi mà Ngài bảo là tôi hãy dừng lại. Câu nói này có ý nghĩa như thế nào?”.

Khi đó Đức Phật mới giải thích rằng: “Này Angulimāla! Ta đã dừng lại bởi vì ta đã dừng tâm giết hại các chúng sinh, ta đã có tâm dừng lại những điều bất thiện, vì vậy mà ta đã dừng lại trong tử sinh luân hồi. Còn ông dừng lại nhưng vẫn còn tâm giết hại chúng sinh, cho nên ông vẫn còn chạy ở trong tử sinh luân hồi từ cõi khổ này đến cõi khổ khác”.

Khi nghe Đức Phật trả lời như vậy với một giọng Phạn âm, và sau khi hiểu câu nói đó, Angulimāla biết rằng đây không phải là người bình thường, đây là một vị Phật. Angulimāla đã đi lại gần, quỳ xuống đảnh lễ Đức Phật, xin quy y làm nơi nương tựa cho mình và xin Đức Phật cho xuất gia trở thành vị Tỳ-khưu ở trong Giáo Pháp. Khi đó Đức Phật đã xuất gia cho Angulimāla với hình thức Ehi Bhikkhu. Nghĩa là Đức Phật chỉ gọi: “Ehi bhikkhu” (này đến đây Tỳ-khưu) thì Angulimāla tự động trở thành một vị Tỳ-khưu có đầy đủ y bát và trở thành một người xuất gia. Sau khi xuất gia ở trong khu rừng, Angulimāla đã thực hành phạm hạnh, và kể từ đó không còn khởi lên tâm sát hại chúng sinh khác nữa.

Angulimāla sinh hoạt giống như một người xuất gia, mỗi ngày đi trì bình khất thực, nhưng Angulimāla đã không được một người nào cúng dường đặt bát. Khi tin Angulimāla xuất gia đã lan truyền khắp nơi trong kinh thành cũng như ở những nơi khác, Angulimāla đi khất thực đến đâu, người dân bỏ chạy đến đó, những người đứng ở gần nhà thì chạy vào nhà đóng cửa, những người ở xa thì bỏ chạy đi nơi khác, không ai dám lại gần Tỳ-khưu Angulimāla. Nên mỗi ngày đi khất thực như vậy, Angulimāla không được ai cúng dường.

Một ngày nọ, khi đi khất thực, trên đường Tỳ-khưu Angulimāla gặp một người con gái sắp sinh, vì sinh khó nên than khóc rất nhiều. Tỳ-khưu Angulimāla nghe tiếng khóc thấy rất thương cảm nên đã trở về thưa với Đức Phật. Đức Phật dạy cho Angulimāla một bài Kinh để giúp những người con gái khi sinh nở được dễ dàng. Bài Kinh hộ trì đó có tên là Angulimāla Sutta, là một trong mười một bài Kinh hộ trì bây giờ. Sau khi học thuộc bài Kinh, Tỳ-khưu Angulimāla đã đi đến nơi cô gái đang sinh khó và đọc bài Kinh này, cô gái đã sinh con một cách dễ dàng.

Kể từ đó, Tỳ-khưu Angulimāla mới được mọi người biết đến và họ loan tin đồn rằng: những ai sinh khó hãy tìm đến nhờ Tỳ-khưu đọc Kinh hộ trì. Và mỗi lần có người đến nhờ đọc Kinh hộ trì, Angulimāla vẫn đọc cho họ, và cứ mỗi lần đọc Kinh như vậy những người sinh khó lại được sinh một cách rất dễ dàng. Từ đó về sau, càng nhiều người biết đến và những ai sinh khó hoặc những ai sắp sinh đều đến thỉnh mời Tỳ-khưu Angulimāla đến đọc kinh hộ trì Angulimāla Sutta. Sau này, Angulimāla dường như không còn nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Khi Tỳ-khưu Angulimāla không có thời gian để đi đọc Kinh cho nhiều người, họ lấy nước rửa chỗ ngồi của Tỳ-khưu Angulimāla rồi mang về vảy lên trên người sắp sinh hay người sinh khó thì người đó trở nên sinh đẻ rất dễ dàng.

Ban đầu sau khi xuất gia, Angulimāla đi trì bình khất thực, bởi vì sợ hãi, lo lắng nên mọi người đều chạy trốn khiến cho Angulimāla không có một miếng ăn, khiến Angulimāla không có người đặt bát cúng dường. Nhưng kể từ khi với tâm từ, lòng chân thực của mình, Angulimāla đã giúp đỡ rất nhiều người và trở thành một vị cứu tinh cho những người sinh khó, những người sắp sinh, vì vậy trở nên rất thân thiện, gần gũi với mọi người. Và khi Tỳ-khưu Angulimāla được mọi người tin tưởng, gần gũi, họ đã cúng dường những món vật thực thích hợp. Nhờ vậy Tỳ-khưu Angulimāla tu tập thực hành phạm hạnh rất thuận tiện, thuận duyên và không lâu Tỳ-khưu Angulimāla đã chứng đắc Thánh đạo Thánh quả A-ra-hán, trở thành một bậc Thánh A-ra-hán ở trong Giáo Pháp của Đức Phật. Khi trở thành một bậc Thánh A-ra-hán, Tỳ-khưu Angulimāla đã không còn ở trong sinh tử luân hồi.

Như vậy, ban đầu vì gặp những người bạn xấu, thầy xấu, Angulimāla đã trở nên một người xấu, trở thành một tướng cướp giết rất nhiều người. Nhưng kể từ khi gặp Đức Phật, là bậc thiện trí thức tối thượng trên đời, Ngài đã giúp Tỳ-khưu Angulimāla trở thành một người thiện và cuối cùng trở thành một bậc thánh A-ra-hán. Đức Phật đã giúp Tỳ-khưu Angulimāla lấy nước thiện pháp, nước thiện nghiệp để gột rửa những bất thiện pháp, bất thiện nghiệp trong quá khứ bằng cách thực hành những việc thiện, phát triển những pháp thiện để cuối cùng trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Ban đầu Angulimāla đã làm rất nhiều điều bất thiện giống như chai chứa thuốc độc. Vì làm nhiều điều bất thiện như vậy, nên ngũ uẩn của Angulimāla trở thành ngũ uẩn có rất nhiều chất độc và sẽ dẫn dắt đọa vào bốn đường ác đạo. Nhưng sau khi gặp Đức Phật, Tỳ Khưu Angulimāla đã dùng những thiện pháp, thiện nghiệp để gột rửa, thay thế những bất thiện pháp, bất thiện nghiệp trong quá khứ, Angulimāla đã làm cho ngũ uẩn trở nên trong sạch, trở thành một ngũ uẩn có đầy sữa thiện pháp và nhờ vậy mà không còn bị đọa vào bốn đường ác đạo và đã giải thoát khỏi tử sinh luân hồi ở trong Tam Giới sau khi trở thành một bậc Thánh A-ra-hán.

nhưnVì vậy, Ngài Tam Tạng thứ 15 nhắc nhở mỗi hành giả chúng ta là hãy cố gắng thực hành nhiều thiện pháp, nhiều thiện nghiệp, đó là những nước sữa để làm sạch, gột rửa những chất độc bất thiện ở trong ngũ uẩn của mỗi hành giả và khi làm được như vậy thì ngũ uẩn của mỗi hành giả mới trở nên lợi ích, mới có thể sử dụng để tu tập đạt đến những Pháp cao thượng và cuối cùng mới giải thoát khỏi mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong Tam Giới. Và đó cũng là lời kết của bài pháp thoại sáng hôm nay trong buổi lễ bế mạc khóa tu, khóa Pháp hội bốn ngày.

Namo Buddhaya!

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app