Quả Của Nghiệp Kammaphala – Ngài Tam Tạng 15 Thuyết Pháp Tại Ninh Bình

BÀI THUYẾT PHÁP TẠI THÀNH PHỐ NINH BÌNH – QUẢ CỦA NGHIỆP – KAMMAPHALA

(Giảng ngày 11/4/2023)
Thuyết giảng: Ngài Tam Tạng thứ 15 Bhaddanta Paññāvaṃsābhivaṃsa
Chuyển ngữ: Sư Thiện Đức – Kusalaguṇa Bhikkhu

 

Để bắt đầu bài pháp thoại hôm nay, Ngài Tam Tạng thứ 15 rải tâm từ và chúc phúc đến tất cả quý Phật tử có mặt tại nơi đây được thân tâm an lạc, tránh khỏi những điều rủi ro, nguy hiểm, tai hại và thành tựu những hạnh phúc như ý nguyện.
Ngài Tam Tạng thứ 15 muốn chia sẻ đến chúng ta và các Phật tử bài Pháp liên quan đến “Quả của nghiệp”.

Là một Phật tử, chúng ta thường có sự hiểu biết và niềm tin đối với nghiệp và quả của nghiệp. Đó là niềm tin và sự hiểu biết căn bản. Trong rất nhiều bài Kinh trong Tam Tạng, Đức Phật cũng nói về nghiệp và quả của nghiệp. Trong năm định luật Niyāma có định luật về nghiệp (kamma niyāma), ở đây là làm những điều xấu thì chịu quả xấu, làm những điều tốt sẽ được quả tốt.

Vào thời Đức Phật, có rất nhiều ngoại đạo không tin vào nghiệp và quả của nghiệp ở trên đời. Họ tin rằng chết là hết, không có kiếp sau, nên họ nghĩ làm những điều thiện để làm gì, vì thiện cũng không có kết quả, ác cũng không có kết quả, họ cứ sống theo sở thích. Không chỉ vào thời Đức Phật mà trong thời đại ngày nay cũng có nhiều quan điểm như vậy.

Nghiệp ở đây chính là Cetanā là tư tác, nghĩa là hành động với sự cố ý. Vì vậy, một người có những hành động với sự cố ý ở trong quá khứ và cả trong hiện tại nên vừa có nghiệp quá khứ vừa có nghiệp hiện tại. Trong thời đại ngày nay, như chúng ta biết qua mạng Internet, v.v… có rất nhiều người làm việc xấu: sát sanh, trộm cắp, tà dâm hoặc nói dối, uống rượu hoặc các chất say, đó là những hành động bất thiện gọi là bất thiện nghiệp.

Chúng ta cũng có thể thấy những người làm ác, những người sống bằng những nghề như: sát sanh, buôn bán các loại chất độc bị cấm như thuốc phiện v.v…, những người làm ăn kinh tế bất chính nhưng vẫn giàu có, có nhiều tài sản của cải và những điều kiện thuận lợi trong đời sống. Khi thấy như vậy, là một phàm nhân, thỉnh thoảng có những suy nghĩ như: “Những người làm ác; những người buôn bán, làm ăn bất chính; những người sát sanh, giết hại vật, sống bằng những nghề sát hại những sinh linh; những người có đời sống không có thiện nghiệp nhưng vẫn giàu có, vẫn có điều kiện, đầy đủ của cải và thuận lợi trong đời sống”.

Cho nên, chúng ta cần phân biệt nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại. Đối với những người có kết quả hiện tại tốt như có nhiều tài sản, của cải và thuận lợi trong đời sống là do những nghiệp thiện lành, những nghiệp tốt trong quá khứ trổ quả. Còn với những hành động bất thiện như sát sanh, trộm cắp, làm ăn bất chính là những nghiệp hiện tại chưa trổ quả. Nên những người đó mặc dù ở hiện tại làm những điều bất thiện nhưng vẫn giàu có và có những điều kiện thuận lợi đó là do quả của nghiệp quá khứ. Đối với những hành động, những nghề nghiệp làm ăn bất chính có được những của cải, tài sản thì những của cải, tài sản đó có thể bị nước cuốn trôi, bị hỏa hoạn, lửa thiêu đốt hay bị những người con bất hiếu làm tổn hại tài sản hay sẽ bị cấp chính quyền tịch thu, v.v… Nếu trong kiếp hiện tại những quả bất thiện đó không trổ thì chắc chắn sẽ trổ trong những kiếp sau.

Ở trên đời chúng ta cũng thấy những người trong hiện tại rất thiện lành, có tâm bố thí, rộng lượng sẻ chia, biết giữ giới và biết hành thiền. Người có tâm tánh tốt, giúp đỡ người khác, luôn làm điều thiện nhưng trong đời sống vẫn gặp nhiều khó khăn, kinh tế không phát triển, hay có vấn đề trong những mối quan hệ, v.v… Những người này cũng rất dễ phát sinh tâm nghi ngờ về những việc làm thiện lành của mình, có thể nghi ngờ rằng: “Sao mình làm nhiều điều thiện, luôn tốt với mọi người nhưng sao mình gặp hết khó khăn này đến khó khăn khác.”

Đối với những trường hợp này, nếu người đó hiểu có hai loại nghiệp, nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại, người đó sẽ không nghi ngờ về những hành động mình đang làm. Mặc dù trong hiện tại làm những điều tốt nhưng kết quả khó khăn, nghèo nàn là do những nghiệp xấu trong quá khứ, chứ không phải do mình làm những điều tốt, thiện lành ở trong hiện tại mà gặp những điều kiện khó khăn, trở nên nghèo nàn. Những gì chúng ta làm thiện, làm những điều tốt trong hiện tại thì chắc chắn một ngày sẽ có những kết quả tốt, nếu không trổ quả trong kiếp này thì sẽ trổ quả trong những kiếp sau. Đó là một điều chắc chắn và một người có niềm tin vào Nghiệp và Quả của Nghiệp thường có niềm tin chắc chắn như vậy.

Là một phàm nhân, có khi làm những việc bất thiện một cách vui vẻ và cũng có khi hoan hỷ làm những điều thiện lành. Vì vậy, trong đời sống có khi gặp những thuận lợi nhưng cũng có khi gặp những điều không thuận lợi, đó chính là do những nghiệp thiện và bất thiện ở trong quá khứ. Nếu chúng ta hiểu được có hai loại nghiệp, nghiệp quá khứ và nghiệp hiện tại, và nghiệp thiện sẽ cho quả thiện, tốt đẹp và nghiệp bất thiện sẽ cho quả xấu, không tốt đẹp, chúng ta mới hiểu được định luật của nghiệp (kamma niyāma).

Liên quan đến nghiệp và quả của nghiệp, ngài Tam Tạng thứ 15 muốn chia sẻ đến quý Phật tử câu chuyện liên quan đến vị đại thí chủ của chùa Jetavana (chùa Kỳ Viên Tịnh Xá). Vị đại thí chú đó là ông Cấp Cô Độc Anāthapiṇḍika. Để xây dựng chùa Kỳ Viên Tịnh Xá, ông phú hộ Cấp Cô Độc Anāthapiṇḍika cúng dường năm mươi triệu đồng tiền vàng. Ông đã sử dụng mười tám triệu đồng tiền vàng để mua đất, khoảng mười tám triệu đồng tiền vàng để xây dựng chùa, và khoảng mười tám triệu đồng tiền vàng để tổ chức lễ khánh thành cúng dường đến Đức Phật và Tăng đoàn, như vậy ông đã cúng dường tất cả là năm mươi tư triệu đồng tiền vàng.

Khi đến chùa, ông Anāthapiṇḍika thường mang những vật dụng đến chùa để cúng dường Đức Phật và tăng đoàn, buổi sáng ông thường mang cháo, buổi chiều ông thường mang đến loại thuốc mà đức Phật cho phép dùng buổi chiều như mật ong, đường, bơ đậu, dầu, buổi tối ông mang theo hoa và đèn để cúng dường đến Đức Phật và Tăng đoàn. Mỗi lần ông Anāthapiṇḍika đến chùa, các Sadi trẻ, nhà sư trẻ thường nhìn vào tay của ông Cấp Cô Độc: “không biết hôm nay ông Cấp Cô Độc mang gì đến để cúng dường cho mình”, vì khi thấy các vị sư trẻ, các vị Sadi trẻ, ông Cấp Cô Độc thường mang theo các vật dụng để cúng dường cho các vị này. Không những thế, ông Cấp Cô Độc còn cúng dường Tăng đoàn mỗi ngày tại tư gia của mình, đều đặn mỗi ngày ông đặt bát cúng dường khoảng hai ngàn vị.

Mỗi ngày ông Cấp Cô Độc thường dùng thời gian của mình để làm thiện pháp, một ngày ba buổi ông đến chùa để cúng dường và tại tư gia ông cũng đặt bát cho hai ngàn vị Chư Tăng. Vì vậy, ông Cấp Cô Độc không tự mình điều hành, cai quản công việc làm ăn do ông dành hầu hết thời gian ở trong ngày để bố thí, cúng dường, trì giới. Chính vì vậy mà công việc làm ăn trong gia đình của ông Cấp Cô Độc ngày càng suy giảm và kinh tế cũng theo đó càng ngày càng bị xuống dốc. Không những thế những doanh nhân, những người đã từng làm ăn buôn bán với ông Cấp Cô Độc đã từng vay mượn rất nhiều tiền (mười tám triệu đồng tiền vàng) từ gia đình ông nhưng họ không trả. Trước kia, khi ông giàu có ông đã bị rơi nhiều của cải, vàng bạc xuống biển (khoảng mười tám triệu đồng tiền vàng).

Vì những nghiệp quá khứ tiếp tục trổ, nên ông Cấp Cô Độc đã gặp hết khó khăn này đến khó khăn khác, kinh tế ngày càng ngày sút giảm, công việc làm ăn cũng ngày một khó khăn, những người vay mượn tiền cũng không trả lại và những của cải tài sản cũng bị rơi rớt xuống biển. Ông càng ngày càng gặp khó khăn, càng ngày càng nghèo đi.

Như vậy, ta thấy ông Cấp Cô Độc cứ mỗi ngày tinh tấn thực hành thiện pháp, thực hành bố thí cúng dường, trì giới và thiền tập nhưng gặp những khó khăn trong đời sống, hết khó khăn này đến khó khăn khác liên quan đến công việc làm ăn, liên quan đến của cải tài sản. Trước kia khi cúng dường chúng Tăng, ông Cấp Cô Độc đều cúng dường những món ăn thượng hạng nhưng bây giờ ông chỉ có thể cúng dường cơm tấm hay canh nước chua. Trước kia ông cúng dường các bộ y phục rất tốt, rất đẹp nhưng bây giờ ông cúng dường các bộ y phục không chất lượng giống như trước kia. Với một người bình thường có sự hiểu biết bình thường nhìn vào ông Cấp Cô Độc có thể hiểu, nhìn nhận rằng: “Ồ, do ông lo làm những điều như bố thí, cúng dường, trì giới, hành thiền nên giờ ông mới bị quả như vậy, do không cố gắng để làm ăn, v.v…”

Có một nghiệp xấu mà ông Cấp Cô Độc đã làm và giờ trổ quả khiến ông gặp nhiều khó khăn trong mọi mặt trong đời sống. Và một phần cũng do nghiệp hiện tại là ông không tự mình đốc thúc, điều hành công việc làm ăn nên dẫn đến kết quả ngày càng gặp khó khăn trong công việc và tài sản càng ngày càng mất đi.

Vào một ngày nọ, khi ông Cấp Cô Độc đến Kỳ Viên tịnh xá để đảnh lễ Đức Phật, Đức Phật hỏi ông Cấp Cô Độc: “Này cư sỹ Cấp Cô Độc, nay ông có còn khả năng để bố thí, cúng dường như trước kia nữa không”. Ông Cấp Cô Độc thành thật thưa với đức Phật: “Bạch đức Thế Tôn con còn có khả năng bố thí, cúng dường nhưng không giống như trước kia, trước kia con có thể bố thí, cúng dường những món ăn thượng hạng, …”. Và Đức Phật dạy tiếp: “Mặc dù cúng dường những món thượng hạng nhưng với tâm không trong sạch thì kết quả cũng không có nhiều, nhưng nếu cúng dường những món không phải là thượng hạng với tâm trong sạch, trong sáng thì sẽ có kết quả tốt đẹp”. Khi được Đức Phật khuyến khích, sách tấn như vậy, tâm của ông Cấp Cô Độc trở nên hoan hỷ hơn.

Ở nhà của ông Cấp Cô Độc có bảy cửa, và ở cửa thứ tư có một Thiên giả tà kiến không có niềm tin đối với Tam Bảo (Phật – Pháp – Tăng). Nên khi nhìn thấy chư Tăng, đệ tử của đức Phật mỗi ngày ra vào nhà ông Cấp Cô Độc, vị Thiên giả tà kiến này cảm thấy không vui. Cứ mỗi lần Đức Phật ngự đến nhà của ông Cấp Cô Độc, đều có những vị chư Thiên có nhiều năng lực hơn đến để hầu đức Phật. Vì có nhiều vị chư Thiên có nhiều năng lực hơn đến nhà ông Cấp Cô Độc, nên vị Thiên giả tà kiến phải đi xuống đất thay vì ở trên cây cột của ngôi nhà, điều này khiến cho vị Thiên giả tà kiến càng trở nên không vui.

Khi ông Cấp Cô Độc còn giàu có, vị Thiên giả tà kiến không có cơ hội nói những lời khó nghe với ông Cấp Cô Độc, nhưng khi ông Cấp Cô Độc trở nên nghèo khó, vị Thiên giả tà kiến lấy đó làm cơ hội để nói những lời ông muốn nói ở trong lòng. Vào một đêm nọ ông đi vào phòng của ông Cấp Cô Độc, đối diện với ông và nói với ông Cấp Cô Độc rằng: “Này gia chủ, ta có những lời muốn nói với ông, ông có biết vì sao ông nghèo như vậy không? Trước kia rất giàu có nhưng bây giờ trở nên nghèo hèn vì mỗi ngày ông đều cúng dường Tăng đoàn, và thỉnh thoảng Đức Phật dẫn Tăng đoàn đến ông lại cúng dường Đức Phật và Tăng đoàn.

Điều này khiến ông trở nên nghèo khó. Nếu ông vẫn tiếp tục cúng dường như vậy thì một ngày không xa ông sẽ phải mang bát đi xin ăn. Nên ông không nên cúng dường nữa.”

Với một người bình thường không có trí tuệ, không có nhiều hiểu biết khi nghe Chư Thiên nói như vậy (không nhìn thấy người nói hoặc nhìn thấy một vị Chư Thiên hào quang sáng chói) chắc chắn sẽ tin ngay. Nhưng với ông Cấp Cô Độc là một câu chuyện khác, vì ông Cấp Cô Độc là một bậc Thánh có đức tin bất động đối với Tam Bảo. Ông Cấp Cô Độc đã quở trách vị Thiên giả tà kiến, ông nói rằng: “Không phải chỉ một mình ông mà mười, một trăm, một ngàn hay một trăm ngàn vị Thiên giả như ông đến nói những lời như vậy, thì ta vẫn không tin, vì ta đã có niềm tin bất động ở nơi Tam Bảo”.

Ông Cấp Cô Độc đã đuổi vị Thiên giả tà kiến đó ra khỏi nhà, ông nói rằng “Ông hãy đi đi, từ nay về sau ông đừng ở đây nữa, hãy đi ra khỏi nhà của ta”. Khi bị ông Cấp Cô Độc đuổi ra khỏi nhà, vị Thiên giả tà kiến cùng những người con của mình đã đi tìm một chỗ ở khác, tìm từ chốn này qua chốn khác nhưng vẫn không có chỗ nào. Vị Thiên giả cùng với những người con của mình đã tìm đến những vị Chư Thiên hộ trì kinh thành (ngôi nhà của ông Cấp Cô Độc ở trong kinh thành đó) để cầu xin những vị Chư Thiên này giúp đỡ, nói với ông Cấp Cô Độc vài lời để xin ông Cấp Cô Độc cho trở về Tam Bảo. Nhưng những vị Chư Thiên hộ trì kinh thành cũng không hứa có thể giúp đỡ hay không.

Vì không có sự giúp đỡ từ những vị Chư Thiên hộ trì kinh thành nên vị Thiên giả tà kiến đã tìm đến các vị Tứ Đại Thiên Vương để cầu sự giúp đỡ. Các vị Tứ Đại Thiên Vương thấy vị Thiên giả tà kiến này đã xúc phạm đến Tam Bảo, ông Cấp Cô Độc là cư sĩ kính tín Tam Bảo nên các vị Tứ Đại Thiên Vương cũng rất e ngại, không giúp được cho vị Thiên tà kiến. Sau đó, vị Thiên giả tà kiến tìm đến vị Vua Trời Đế Thích Sakka để nhờ sự giúp đỡ. Vị vua Trời Đế Thích cũng có cách nhìn giống như Tứ Đại Thiên Vương và cũng không hứa sẽ giúp đỡ vị Thiên tà kiến này. Nhưng Vua Trời Sakka đã nói với vị Thiên giả ba vấn đề: “Mặc dù ta không giúp đỡ được ông nhưng ta có cách, nếu ông làm theo cách này thì có thể được ông Cấp Cô Độc xá tội cho”.

Cách vua trời Sakka bày cho vị Thiên giả tà kiến là “Vì lời nói của ông đã xúc phạm Tăng đoàn, nên bây giờ ông phải chịu hình phạt, đó là ông hãy đi tìm, lấy về những của cải, tài sản mà ông Cấp Cô Độc đã mất hoặc những của cải, tài sản những người khác đã vay mượn không trả lại. Những của cải, tài sản nào mà ông Cấp Cô Độc đã chôn cất nhưng bị chôn vùi xuống đất hay dưới biển. Bằng khả năng của mình, ông hãy mang chúng về và bỏ vào trong kho của ông Cấp Cô Độc.” Vua Trời Sakka cũng bày cho vị Thiên giả tà kiến đi tìm và mang về để vào kho của ông Cấp Cô Độc những của cải tài sản không có chủ.

Sau khi trở về cõi người, vị Thiên giả tà kiến đã đi lấy lại những của cải, tài sản mà những người khác đã từng mượn, từng vay của ông Cấp Cô Độc mang trở về kho báu của ông Cấp Cô Độc (khoảng mười tám triệu đồng tiền vàng). Với thần thông của mình, vị Thiên giả tà kiến đã đi tìm và mang về những của cải, châu báu, vàng bạc mà ông Cấp Cô Độc đã từng bị mất, bị đất chôn vùi, bị rơi xuống biển (số vàng bạc, châu báu này khoảng mười tám triệu đồng tiền vàng). Vị Thiên giả tà kiến đã đi tìm những của cải, tài sản không có chủ nhân và bỏ vào trong kho báu của ông Cấp Cô Độc (khoảng mười tám triệu đồng tiền vàng). Như vậy, vị Thiên giả tà kiến đã mang về kho báu của ông Cấp Cô Độc tổng cộng là năm mươi tư triệu đồng tiền vàng.

Sau khi để những của cải, tài sản, vàng bạc, châu báu vào kho của ông Cấp Cô Độc, vị Thiên giả tà kiến đã đi vào phòng của ông Cấp Cô Độc. Lần này với thái độ xin lỗi, vị Thiên giả đã nói với ông Cấp Cô Độc rằng: “Tôi đã xúc phạm đến ông và xúc phạm đến Tam Bảo, nay tôi đã chịu hình phạt bằng cách là mang về cho ông tổng cộng năm mươi tư triệu đồng tiền vàng để vào trong kho báu của ông. Nay xin ông hãy tha lỗi cho tôi và cho tôi quay về ở lại nhà ông”. Sáng ngày hôm sau, ông Cấp Cô Độc đã dẫn vị Thiên giả tà kiến đến gặp Đức Phật để xin lỗi và sám hối Đức Phật. Đến trước Đức Phật, vị Thiên giả đã sám hối, và thưa rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Con đã có những lời nói xúc phạm đến Tam Bảo, Phật-Pháp-Tăng, xin Ngài hãy từ bi xá những tội lỗi đó cho con”. Sau khi sám hối với Đức Phật, vị Thiên giả tà kiến cũng xin lỗi ông Cấp Cô Độc về lời nói xúc phạm đến ông Cấp Cô Độc. Khi đó dựa vào nhân duyên là vị Thiên giả tà kiến đã đến sám hối với Đức Phật và đã xin lỗi ông Cấp Cô Độc, Đức Phật đã thuyết một bài Pháp.

Như vậy chúng ta thấy có những nghiệp chưa đến lúc trổ quả. Nghiệp xấu chưa đến lúc trổ quả nhưng vẫn có những quả của những nghiệp hướng thiện. Vì vậy, một người làm ác nhưng có một đời sống an vui, thuận lợi là do những nghiệp ác chưa đến lúc trổ quả. Chúng ta cũng thấy có những người làm điều thiện nhưng chỉ gặp những điều bất trắc, khó khăn trong đời sống vì những nghiệp thiện chưa đến lúc trổ quả. Vì những thiện nghiệp hiện tại chưa trổ quả, và chịu những quả bất thiện của những nghiệp bất thiện ở trong quá khứ nên có những khó khăn ở trong hiện tại. Vì vậy, khi một người làm những nghiệp bất thiện trong hiện tại và đến lúc trổ quả, người đó sẽ chịu những quả xấu. Và những thiện nghiệp nào trong hiện tại đến lúc trổ quả tốt, người ấy mới có được sự thuận lợi, những điều kiện dễ dàng trong cuộc sống.

Đức Phật nói cho ông Cấp Cô Độc và vị Thiên giả tà kiến về những thiện nghiệp cũng như bất thiện nghiệp trong quá khứ và những thiện nghiệp cũng như bất thiện nghiệp trong hiện tại khi đến lúc hợp thời sẽ trổ quả. Sau khi vị Thiên giả tà kiến nghe Đức Phật thuyết pháp đã chứng đắc Thánh đạo Thánh quả Nhập Lưu và được ông Cấp Cô Độc cho trở về nhà, trở lại chỗ cũ.

Nếu chúng ta suy xét những sự việc liên quan đến ông Cấp Cô Độc, trong nghiệp hiện tại ông Cấp Cô Độc làm rất nhiều như bố thí, cúng dường, giữ giới, hành thiền. Mặc dù làm những điều tốt, những điều thiện ở trong hiện tại nhưng ở khoảng giữa của cuộc đời, ông Cấp Cô Độc chịu nhiều tổn thất và gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống. Vì vậy, những quả xấu ông Cấp Cô Độc đã phải đối diện trong giữa cuộc đời của ông chắc chắn là do những nghiệp bất thiện trong quá khứ đã trổ quả. Mặc dù, chịu nhiều tổn thất, gặp rất nhiều điều kiện khó khăn nhưng ông Cấp Cô Độc vẫn không thoái chí quyết làm những thiện nghiệp và có niềm tin bất động đối với Tam Bảo, nên vào cuối cuộc đời ông đã có được những quả thiện lành, những quả ngọt trổ. Ông đã có lại được những của cải, tài sản tất cả là năm mươi tư triệu đồng tiền vàng chất đầy kho.

Cho nên, trong đời sống chúng ta cần phải hiểu, dù ông Cấp Cô Độc là một bậc Thánh Nhập Lưu và làm rất nhiều phước thiện nhưng khoảng gần cuối đời, do có một nghiệp xấu xen vào đã trổ quả, nên ông đã gặp phải những điều kiện khó khăn. Nên đối với những người bình thường, những nghiệp bất thiện trong quá khứ xen vào trổ quả khiến cho một người gặp những khó khăn, đó là một sự việc thường xảy ra.

Vì vậy, sau khi có sự hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp, khi làm những điều tốt, những nghiệp thiện nhưng vẫn gặp một số khó khăn thì chúng ta không nên thoái chí, nản lòng. Hãy tiếp tục làm những điều thiện, theo niềm tin Phật Pháp, theo sự hiểu biết của mình, phải kiên trì thực hành thiện nghiệp thì chắc chắn giống như cuộc đời ông Cấp Cô Độc, những quả thiện lành sẽ trổ và người đó sẽ có được những quả ngọt, những điều kiện thuận lợi trong đời sống nhờ những thiện nghiệp đã tạo và duy trì. Khi những thiện nghiệp trổ quả và có rất nhiều thiện nghiệp trổ quả liên tục sẽ khiến cho nghiệp bất thiện không có cơ hội để trổ quả. Đời sống của mỗi chúng ta sẽ có được nhiều thuận duyên trong cuộc sống, trong việc tu tập.

Ngài cầu chúc cho tất cả quý Phật tử luôn tinh tấn thực hành thiền và luôn có sự hiểu biết, có niềm tin vững chãi vào “định luật của nghiệp”, đó là hễ làm những nghiệp thiện, nghiệp tốt thì sẽ có những kết quả ngọt lành và làm những nghiệp bất thiện, những nghiệp xấu thì sẽ gặp những kết quả không tốt, những kết quả xấu./.

Dhamma Nanda

Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa. Nhận thấy những lợi lạc vô cùng quý báu của Dhamma mà Bậc Giác Ngộ chỉ dạy, khoảng Rằm tháng 4 âm lịch năm 2020, con Dhamma Nanda và các bạn hữu Dhamma đã có tác ý phát triển trang Theravada.vn và hệ thống Phật Giáo Theravāda, nhằm tổng hợp lại các tài liệu Dhamma quý báu mà các Bậc Trưởng Lão và các Bậc Thiện Trí đã dày công lưu giữ và truyền dạy, nhằm đem lại lợi lạc đến nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam.

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app