Nội Dung Chính
Tích Truyện Pháp Cú
Phẩm Voi
Lão Bà La Môn Và Các Con
Con voi tên Tài Hộ…
Câu chuyện xảy ra khi đức Phật ở Xá-vệ, trong trường hợp một Bà-la-môn già bị các con hất hủi.
Tại thành Xá-vệ, một Bà-là-môn có bốn người con trai và gia tài tám trăm ngàn đồng tiền vàng. Khi các con đến tuổi trưởng thành, ông cưới vợ cho chúng và cho mỗi đứa một trăm ngàn tiền vàng. Sau đó, vợ ông chết, các người con họp nhau lại bàn tán:
– Nếu cha ta cưới vợ khác, gia tài sẽ bị chia cho mấy đứa con sau và không còn gì cả. Chi bằng chúng ta săn sóc ông già để hưởng gia tài của ông.
Chúng bu quanh hầu hạ ông chu đáo, lo thức ăn ngon, quần áo đẹp, tắm rửa cho ông, mọi bổn phận đều làm tròn.
Một ngày nọ, chúng đến hầu thấy ông vẫn còn ngủ. Ngay khi ông thức giấc, chúng rửa tay chân cho ông, và nói về sự bất lợi của một gia đình chia hai dòng con. Chúng hứa:
– Chúng con sẽ săn sóc cha cho tới khi cha chết, cha hãy chia cho chúng con số tiền còn lại.
Ông già chiều theo lời yêu cầu, chia luôn bốn trăm ngàn tiền còn lại làm bốn phần, cho mỗi đứa một phần, riêng ông chẳng còn gì, ngoài bộ quần áo dính da.
Vài ngày đầu, đứa con trưởng hầu hạ ông. Một hôm, khi ông đến nhà người này như thường lệ, mụ con dâu đứng ở cửa vừa gặp ông liền nói:
– Ông có cho thêm con trai ông một trăm hay một ngàn đồng không? Rõ ràng ông cho mỗi con trai ông hai trăm ngàn đồng mà. Ông không biết đường đi tới nhà mấy ông con kia à?
Ông Bà-la-môn giận dữ, mắng:
– Im đi, con đàn bà đê tiện.
Ông đến nhà đứa con thứ hai. Nhưng chỉ vài hôm, ông lại bị đuổi ra khỏi nhà theo cách của đứa thứ nhất, và cảnh ấy cũng diễn ra ở tại nhà đứa út. Rốt cuộc ông không có nhà để nương thân.
Do đó, ông từ bỏ đời thế gian, đi tu theo giáo đoàn Pandaranga, xin ăn từ nhà này sang nhà khác. Theo thời gian, ông trở nên gầy ốm vì tuổi già, thân thể suy sụp vì thức ăn tồi tệ và chỗ ngủ không đủ ấm. Một ngày nọ, sau khi đi xin ăn về, ông nằm dài tại chỗ và ngủ thiếp đi. Mở mắt ra ông mệt mỏi nhìn quanh chẳng thấy có đứa con nào để nhờ cậy. Ông nghĩ thầm: “Họ nói rằng Sa-môn Cồ-đàm có một dáng dấp từ hòa, vẻ mặt chân thật cởi mở, rằng thái độ của Ngài hoan hỷ, rằng Ngài tiếp khách lạ với tất cả vẻ thân thiện. Có lẽ ta nên đến với Sa-môn Cồ-đàm, để được tiếp đãi ấm áp”.
Ông khoác áo, ôm bát, chống gậy đi đến chỗ Thế Tôn. Đến nơi ông ngồi qua một bên thật cung kính. Đức Thế Tôn chào đón ông vui vẻ và hỏi:
– Này Bà-la-môn, vì sao ông đến nơi này với vẻ tiều tụy, áo rách tả tơi thế kia?
– Thưa Cồ-đàm, tôi có bốn đứa con trai, nhưng chúng bị mê hoặc bởi mấy con vợ, rồi đuổi tôi ra khỏi nhà.
– Được rồi, ông hãy học thuộc bài kệ này. Và khi mọi người và các con ông đến nhà họp, ông đọc lên trước chúng.
Ngài dạy:
Chúng là những đứa con khi sanh ra tôi vui mừng, mong mỏi.
Vậy mà chúng nghe lời vợ xúi giục, đuổi tôi như xua chó.
Chúng gọi tôi “Cha thân yêu!…” thật ác độc và rỗng tuếch.
Quỷ đội lốt con trai, chúng bỏ rơi tôi khi tuổi già, như bỏ đói con ngựa già vô dụng.
Làm cha một lũ ngu, phải xin ăn lang thang từng nhà.
Một cây gậy còn tốt hơn lũ con bất hiếu.
Gậy còn đuổi được bò rừng chó dữ.
Gậy dẫn đường trong đêm tối, đỡ chân qua vũng nước bùn lầy.
Ông Bà-la-môn học thuộc lòng bài dạy trên.
Một ngày nọ, dòng Bà-la-môn họp mặt, các con trai ông cũng đến họp. Chúng ăn mặc sang trọng, trang sức quí giá và ngồi vào chỗ danh dự giữa những người Bà-la-môn. Ông già nhủ thầm: “Đây là cơ hội tốt cho ta”. Ông đi vào phòng họp, giữa mọi người ông đưa tay lên nói:
– Tôi muốn đọc một bài thơ, xin các ngài hãy nghe cho.
– Ông đọc đi, chúng tôi nghe.
Ông đứng giữa hội chúng, đọc lên bài kệ đức Phật dạy.
Luật pháp thời ấy ấn định rằng: “Nếu người nào hưởng gia tài của cha mẹ, mà không nuôi dưỡng cha mẹ, sẽ bị tử hình”. Các con ông đã hoảng sợ, quỳ xuống dưới chân ông van xin:
– Cha ơi! Xin cứu chúng con.
Trái tim người cha mềm yếu, ông bèn bảo lãnh cho chúng.
– Xin các vị đừng xử tội chúng. Chúng sẽ nuôi nấng tôi.
Hội chúng hăm đám con ông:
– Từ nay, nếu các anh không săn sóc ông cụ tử tế, chúng tôi sẽ đưa ra pháp luật đấy.
Bốn người con trai hoảng sợ, vội khiêng ông cụ về nhà, tắm rửa kỳ cọ, xoa dầu, bôi kem, ướp phấn… cho ông cụ, rồi gọi vợ đến bảo:
– Từ nay bổn phận của các bà phải săn sóc cha cho chu đáo. Nếu thiếu sót coi chừng ăn đòn.
Chúng dọn thức ăn thượng vị cho ông.
Từ đó được bồi dưỡng, nghỉ ngơi êm ấm tiện nghi, ông cụ phục hồi sức khỏe, thân thể tươi tốt. Ông tự nhủ: “Ta được như vầy là nhờ Sa-môn Cồ-đàm”. Ông bèn chọn một cặp vải tốt, đi đến chỗ đức Phật, chào Ngài và lui ngồi một bên, đặt vải dưới chân Phật, thưa:
– Kính bạch Cồ-đàm, dòng Bà-la-môn chúng tôi mong ước rằng một vị thầy nhận lễ vật, xin đức Cồ-đàm tôn kính là thầy của tôi, nhận lễ vật này.
Phật nhận xấp vải, và giảng pháp cho ông cụ nghe. Nghe xong, ông quy y Phật và thưa:
– Bạch Cồ-đàm, các con tôi thường cung cấp cho tôi một ngày bốn bữa ăn, tôi xin cúng dường Ngài hai bữa.
– Rất tốt đó ông lão, nhưng chúng ta chỉ đi đến nhà nào được chọn.
Ông cụ về nhà bảo các con:
– Này các con, Sa-môn Cồ-đàm là bạn của ta, ta dâng Ngài hai bữa ăn. Khi Ngài đến hãy tiếp đãi đừng thiếu sót.
Các con đều hứa nghe lời. Ngày hôm sau, đức Phật đi khất thực, Ngài đứng trước cửa nhà của người con trưởng. Người này vội đỡ lấy bình bát của Ngài, mời vào nhà, soạn ghế nệm gấm thỉnh Phật ngồi, và cúng dường thức ăn thượng vị. Những ngày sau, đức Thế Tôn đến các người con kế, họ đều tiếp đón Ngài nồng hậu.
Ngày nọ sắp đến lễ hội, người con trưởng hỏi ông:
– Thưa cha, ai là ân nhân danh dự của chúng ta?
– Chỉ có Sa-môn Cồ-đàm thôi, không ai khác.
– Như thế, ngày mai xin mời Ngài và năm trăm vị Sa-môn.
Ông cụ thỉnh Phật và năm trăm Tăng chúng. Ngày hôm sau, Phật cùng chúng Tăng đến nhà ông. Ngôi nhà trang hoàng theo nghi thức lễ hội, ông Bà-la-môn dọn chỗ ngồi cho Phật và chúng Tăng, dâng cúng các thức ăn thượng vị loại cứng, loại mềm. Bốn người con ngồi trước Phật, bạch rằng:
– Thưa Ngài Cồ-đàm, chúng tôi săn sóc ông già chu đáo, không dám lơ là. Ngài hãy nhìn ông cụ xem.
Phật dạy:
– Các ngươi làm như thế tốt lắm. Người khôn ngoan bao giờ cũng nuôi dưỡng cha mẹ chu đáo.
Ngài nói kệ:
(324) Con voi tên Tài Hộ,
Phát dục, khó điều phục,
Trói buộc không ăn uống,
Voi nhớ đến rừng voi.
Đức Phật kể chuyện con voi Tài Hộ (Dhanapàla) dù được vua săn sóc, cho ăn ngon, ở nơi đẹp, vẫn nhớ mẹ nơi rừng voi. Không chịu ăn uống vì nghĩ đến bổn phận làm con đối với cha mẹ. Nghe xong, mấy người con đều rơi lệ. Đức Phật biết rằng họ đã thấm nhuần bèn giảng pháp. Cuối cùng, cả ông cụ, các con trai, con dâu, đều chứng Sơ quả.