Nội Dung Chính
Veyyāvaccakusala: Phước-thiện hỗ-trợ
Định nghĩa Veyyāvacca:
“Visesena āvaranti ussakkaṃ āpajjanī’ti byāvaṭā.
Byāvaṭassa kammaṃ: veyyāvaccaṃ.”
Những người nào cố gắng quan tâm đặc biệt đến công việc tạo phước-thiện những người ấy được gọi là người hỗ-trợ tạo phước-thiện. Phước-thiện nào làm cho những người ấy quan tâm đặc biệt đến công việc tạo phước-thiện, gọi là veyyāvaccakusala: phước-thiện hỗ-trợ tạo mọi phước-thiện.
Veyyāvaccakusala: Phước-thiện hỗ-trợ tạo phước-thiện như là:
– Hỗ-trợ người theo học pháp-học Phật-giáo.
– Hỗ-trợ hành-giả thực-hành pháp-hành thiền.
– Hỗ-trợ giúp đỡ thí-chủ tạo phước-thiện bố-thí.
– Hỗ-trợ giúp đỡ nuôi dưỡng tỳ-khưu bệnh.
– Hỗ-trợ giúp đỡ quét dọn làm sạch sẽ xung quanh cội Đại-Bồ-đề, quét dọn làm sạch sẽ xung quanh ngôi bảo tháp tôn thờ Xá-Lợi của Đức-Phật Gotama và ngôi tháp thờ Xá-Lợi của chư Thánh A-ra-hán.
– Hỗ-trợ giúp đỡ sửa ngôi chùa cũ, sửa chỗ ở của chư tỳ-khưu, v.v…
Đó là định nghĩa theo cách puggaladhiṭṭhāna: định nghĩa theo người là chính.
Taṃ taṃ kiccakaraṇe byāvaṭassa bhāvo: veyyāvaccaṃ
Pháp nào làm nhân cho người quan tâm đặc biệt hỗ-trợ giúp đỡ tạo phước-thiện, pháp ấy gọi là veyyāvacca: phước-thiện hỗ-trợ tạo mọi phước-thiện. Đó là tác-ý tâm- sở đồng sinh với dục-giới thiện-tâm.
Đó là định nghĩa theo cách dhammadhiṭṭhāna: định nghĩa theo pháp là chính.
* Hỗ-trợ giúp đỡ mọi công việc trong đời không có lỗi, không có hại cho mình, cũng không có hại cho mọi người, không có hại đến mọi chúng-sinh khác, như giúp đỡ chữa bệnh, nuôi bệnh, giúp đỡ dạy các môn học có ích lợi, hoàn toàn vô hại, giúp đỡ công việc đồng áng, trồng trọt, giúp đỡ làm công việc xây dựng, v.v…
Như vậy, cũng gọi là veyyāvacca: phước-thiện hỗ-trợ.
Tích Uttaravimānavatthu là tích lâu đài to lớn nguy nga tráng lệ sáng ngời của vị thiên-nam Uttara cũng như hội trường Sudhammā tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên của Đức-vua trời Sakka.
Khi ở cõi người, tiền-kiếp của vị thiên-nam Uttara đã tạo phước-thiện như thế nào?
Khi ở cõi người, tiền-kiếp của vị thiên-nam Uttara là cậu Uttara, người làm công ăn lương của ông tỉnh trưởng Pāyāsi tỉnh Setabya trong đất nước Kosala.
Hằng ngày, cậu Uttara tạo phước-thiện hỗ-trợ giúp ông tỉnh trưởng lo công việc phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư tỳ-khưu, sa-môn, bà-la-môn, những người nghèo khổ, những người đi đường, v.v…
Trước kia, ông tỉnh trưởng Pāyāsi là người có tà-kiến thấy sai chấp lầm rằng: không có kiếp sau, không có quả của ác-nghiệp, không có quả của thiện-nghiệp nào cả.
Về sau, ông tỉnh trưởng Pāyāsi đi đến hầu nghe Ngài Trưởng-lão Kumārakassapa giảng giải tế độ, ông tỉnh trưởng Pāyāsi từ bỏ tà-kiến ấy, trở thành người có chánh-kiến, ông tỉnh trưởng phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, rồi kính xin thọ phép quy-y Tam-bảo trở thành người cận-sự-nam (upāsaka) đã quy-y Tam-bảo đến trọn kiếp.
Ông tỉnh trưởng Pāyāsi muốn tạo phước-thiện bố-thí hằng ngày, nên truyền bảo cậu Uttara hỗ-trợ giúp ông tạo phước-thiện bố-thí các vật thí như cơm, đồ ăn, vải may y phục đến chư tỳ-khưu, sa-môn, bà-la-môn, những người nghèo khổ, những người qua đường.
Ông tỉnh trưởng Pāyāsi vốn có tính keo kiệt, bủn xỉn trong của cải, nên ông ra lệnh cho cậu Uttara đem các vật thí loại xấu, loại tồi tạo phước-thiện bố-thí đến chư tỳ-khưu, sa-môn, bà-la-môn, những người nghèo khổ, những người đi đường, v.v…
Mặc dù vậy, cậu Uttara vẫn vâng lệnh ông tỉnh trưởng đem những vật thí loại xấu, loại tồi ấy tạo phước-thiện bố-thí, cúng dường đến chư tỳ-khưu, sa-môn, bà-la-môn một cách cung-kính, và tạo phước-thiện bố-thí phân phát những vật thí loại xấu, loại tồi ấy đến những người nghèo khổ, những người đi đường, v.v… cũng cung-kính như vậy.
Sau khi tạo phước-thiện bố-thí xong phận sự, cậu Uttara phát nguyện rằng: “Tôi chỉ gặp ông tỉnh trưởng Pāyāsi kiếp hiện-tại này mà thôi. Do năng lực phước-thiện hỗ-trợ tạo phước-thiện bố-thí này, kiếp sau của tôi xin không gặp lại ông tỉnh trưởng Pāyāsi này nữa.”
Nghe người báo cho ông tỉnh trưởng biết, cậu Uttara phát nguyện như vậy, nên ông tỉnh trưởng Pāyāsi gọi cậu Uttara đến hỏi rằng:
– Này Uttara! Ta nghe người báo tin cho biết ngươi đã phát nguyện như vậy có thật hay không? Cậu Uttara thưa với ông tỉnh trưởng Pāyāsi rằng:
– Kính thưa ông tỉnh trưởng, đúng sự thật như vậy.
– Này Uttara! Do nguyên nhân nào mà ngươi phát nguyện như vậy?
– Kính thưa ông tỉnh trưởng, ông dùng những món ăn ngon lành, mặc y phục những thứ vải tốt, còn ông ra lệnh cho tôi đem những thứ vật thực dở như cơm nấu bằng thứ gạo hẩm, với nước cải ngâm chua; các thứ vải thô xấu tạo phước-thiện bố-thí đến chư tỳ-khưu, sa-môn, bà-la-môn, những người nghèo khổ, những người đi đường, v.v…
Những thứ vật thí loại xấu, loại tồi ấy mà chính ông cũng không muốn nhìn thấy. Ông tỉnh trưởng muốn cho mọi người kính trọng ông, nhưng ông lại đối xử với những người ấy như vậy, thì làm sao họ kính trọng, thương yêu ông được?
Nghe cậu Uttara thưa như vậy, ông tỉnh trưởng Pāyāsi ra lệnh cậu Uttara rằng:
– Này Uttara! Vậy, từ nay ngươi hãy tạo phước-thiện bố-thí những món vật thực như ta dùng, những thứ vải như ta mặc (1)
Tuân theo lệnh của ông tỉnh trưởng Pāyāsi, từ đó về sau, hằng ngày cậu Uttara hỗ-trợ, giúp đỡ ông tỉnh trưởng trong công việc tạo phước-thiện bố-thí, cúng dường những vật thí tốt đến chư tỳ-khưu, sa-môn, bà-la-môn một cách cung-kính, và bố-thí phân phát những vật thí tốt ấy đến những người nghèo khổ, những người đi đường, v.v… rất cung-kính, với tâm từ, tâm bi của mình.
Quả báu phước-thiện bố-thí của ông tỉnh trưởng Pāyāsi
Ông tỉnh trưởng Pāyāsi chỉ ra lệnh cho cậu Uttara tạo phước-thiện bố-thí mà thôi, ông không tự tay mình tạo phước-thiện bố-thí đến chư tỳ-khưu, chư sa-môn, chư bà-la-môn, các người nghèo khổ, người đi dường khác, cũng không biết kính trọng phước-thiện bố-thí.
Về sau, sau khi ông tỉnh trưởng Pāyāsi chết, đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy cho quả tái-sinh làm vị thiên-nam trong lâu đài tầm thường hoang vắng có tên Serīsaka-vimāna tại cõi trời tứ Đại-Thiên-vương, sống một mình không có ai hầu hạ, mà còn phải lên hầu hạ các chư-thiên trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên nữa.
Quả báu phước-thiện hỗ-trợ của cậu Uttara
Hằng ngày, cậu Uttara là người làm công ăn lương của ông tỉnh trưởng Pāyāsi, cậu Uttara có phận sự hỗ-trợ tạo phước-thiện bố-thí, các vật thí loại tốt đến chư tỳ-khưu, sa-môn, bà-la-môn một cách cung-kính, và bố-thí phân phát những vật thí tốt ấy đến những người nghèo khổ, những người đi đường, v.v… rất cung-kính, với tâm từ, tâm bi như vậy.
Sau khi cậu Uttara chết, đại-thiện-nghiệp hỗ-trợ tạo phước-thiện bố-thí ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hoá-sinh làm vị thiên-nam Uttara cao quý trong một lâu đài Uttaravimāna cao 12 do-tuần to lớn nguy nga tráng lệ sáng ngời tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên, cũng như hội trường Sudhammā của Đức-vua trời Sakka tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên.
Vị thiên-nam Uttara cao quý có hào quang sáng ngời, có đông chư thiên-nam và chư thiên-nữ hầu hạ, hưởng mọi sự an-lạc trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên ấy.
* Một hôm, Ngài Trưởng-lão Gavampati bay lên nghỉ trưa trên cõi trời tứ Đại-Thiên-vương, gặp vị thiên-nam Pāyāsi truyền hỏi rằng:
– Này vị thiên-nam! Tiền-kiếp của ngươi là ai, đã làm phước-thiện như thế nào mà tái-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời này như vậy?
Vị thiên-nam Pāyāsi bạch với Ngài Trưởng-lão rằng:
– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, tiền-kiếp của con là tỉnh trưởng Pāyāsi ra lệnh cho cậu Uttara hỗ-trợ giúp con tạo phước-thiện bố-thí, còn con không tự tay tạo phước-thiện bố-thí đến những người thọ-thí, và không biết kính trọng phước-thiện bố-thí, nên sau khi con chết, đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy cho quả tái-sinh làm vị thiên-nam trong lâu đài Serīsakavimāna hoang vắng này. Bạch Ngài.
– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, khi Ngài trở về cõi người, kính xin Ngài Trưởng-lão dạy bảo cho những người thân nhân của con biết rằng:
“Tỉnh trưởng Pāyāsi đã không tự tay tạo phước-thiện bố-thí một cách cung-kính, không kính trọng phước-thiện bố-thí, nên sau khi chết, đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hoá-sinh làm vị thiên-nam trong lâu đài hoang vắng trên cõi trời tứ Đại-Thiên-vương.”
– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, kính xin Ngài dạy bảo những người thân nhân của con và những người khác nên tự tay mình tạo phước-thiện bố-thí đến chư tỳ-khưu, chư sa-môn, chư bà-la-môn một cách cung-kính, và nên biết kính trọng phước-thiện bố-thí.
Ngài Trưởng-lão Gavampati nhận lời yêu cầu của vị thiên-nam Pāyāsi, rồi Ngài hỏi thiên-nam Pāyāsi rằng:
– Này vị thiên-nam Pāyāsi! Cậu Uttara là người làm công ăn lương hỗ-trợ giúp tiền-kiếp ngươi tạo phước-thiện bố-thí, nay kiếp hiện-tại của cậu Uttara sinh ở cõi trời nào vậy?
– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, cậu Uttara là người làm công ăn lương hỗ-trợ giúp tiền-kiếp của con tạo phước-thiện bố-thí các vật thí cúng-dường đến chư tỳ-khưu, chư sa-môn, chư bà-la-môn,…một cách cung-kính, nên sau khi cậu Uttara chết, đại-thiện-nghiệp cao quý ấy cho quả tái-sinh kiếp sau là vị thiên-nam Uttara trong lâu đài Uttaravimāna to lớn cũng như hội trường Sudhammā của Đức-vua-trời Sakka trên cõi trời Tam- thập-tam-thiên. Bạch Ngài.
* Một hôm, Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna ngự lên trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên gặp vị thiên-nam Uttara, nên hỏi rằng:
– Này Uttara! Ngươi có lâu đài to lớn nguy nga tráng lệ có ánh sáng tỏa rộng khắp mọi nơi cũng như hội trường Sudhammā của Đức-vua trời Sakka là nơi hội họp nhóm chư thiên. Ngươi có nhiều oai lực, có ánh sáng hào quang sáng ngời tỏa ra khắp mọi phương hướng, có đông thiên-nam thiên-nữ hầu hạ, hưởng mọi sự an-lạc như vậy.
Khi ở cõi người, tiền-kiếp của ngươi đã tạo những phước-thiện nào mà nay kiếp hiện-tại này ngươi có nhiều oai lực đến như vậy?
Nghe Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna hỏi như vậy, vị thiên-nam Uttara vô cùng hoan-hỷ bạch với Ngài Đại-Trưởng-lão rằng:
– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, khi ở cõi người, tiền-kiếp của con là người làm công ăn lương của ông tỉnh trưởng Pāyāsi, con có phận sự tạo phước-thiện hỗ-trợ giúp đỡ tạo phước-thiện bố-thí cúng dường các vật thí đến chư tỳ-khưu, Sa-môn, Bà-la-môn một cách cung-kính, và bố-thí phân phát những vật thí đến những người nghèo khổ, những người đi đường, v.v…cũng cung-kính, với tâm từ, tâm bi.
Ngoài ra, khi có được món vật thực, con cũng tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư tỳ-khưu, Sa-môn, Bà-la-môn một cách cung-kính.
– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, những phước-thiện mà tiền-kiếp của con đã tạo tại cõi người như vậy.
Sau khi con chết, đại-thiện-nghiệp cao quý ấy có cơ hội cho quả tái-sinh hoá-sinh làm vị thiên-nam trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên, trong lâu đài to lớn nguy nga tráng lệ sáng ngời, con có ánh sáng hào quang, có nhiều oai lực như thế này.
– Kính bạch Ngài Đại-Trưởng-lão, tiền-kiếp của con, đã tạo những phước-thiện khi ở cõi người như vậy, nên kiếp hiện-tại, con là vị thiên-nam có nhiều oai lực, có ánh sáng hào quang sáng ngời toả khắp các phương hướng, có nhiều thiên-nam, thiên-nữ hầu hạ, con hưởng mọi an-lạc như vậy. Bạch Ngài.
Nhận xét về ông tỉnh trưởng Pāyāsi và cậu Uttara
Ông tỉnh trưởng Pāyāsi trong tích Serīsakavimāna và cậu Uttara trong tích Uttaravimāna được tóm lược như sau:
* Tiền-kiếp của vị thiên-nam Pāyāsi là ông tỉnh trưởng Pāyāsi tỉnh Setabya trong đất nước Kosala, ra lệnh cho cậu Uttara hằng ngày làm phận sự hỗ-trợ ông trong công việc tạo phước-thiện bố-thí các vật thí đến chư tỳ-khưu, chư sa-môn, chư bà-la-môn, các người nghèo khổ, người đi đường, v.v…
Ông tỉnh trưởng Pāyāsi chỉ xuất ra tiền của mà thôi, không tự tay mình tạo phước-thiện bố-thí đến người thọ thí một cách cung-kính, và cũng không coi trọng công việc tạo phước-thiện bố-thí. Cho nên, sau khi ông tỉnh trưởng Pāyāsi chết, đại-thiện-nghiệp bậc thấp cho quả tái-sinh kiếp sau hoá-sinh làm vị thiên-nam tên là Pāyāsi trong lâu đài Serīsakavimāna hoang vắng, tại cõi trời tứ Đại-Thiên-vương, không có thiên-nam, thiên-nữ nào hầu hạ, vị thiên-nam Pāyāsi còn phải lên cõi trời Tam-thập-tam-thiên hầu hạ các vị chư-thiên trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên nữa.
* Tiền-kiếp của vị thiên-nam Uttara là người làm công ăn lương của ông tỉnh trưởng Pāyāsi, tên là Uttara.
Hằng ngày, cậu Uttara vâng theo lệnh của ông tỉnh trưởng Pāyāsi, tạo phước-thiện hỗ-trợ giúp ông trong công việc tạo phước-thiện bố-thí các vật thí đến chư tỳ-khưu, chư Sa-môn, chư bà-la-môn một cách cung-kính, phân phát các vật thí đến những người nghèo khổ,…cũng cung-kính với tâm từ, tâm bi đến với họ.
Cho nên, sau khi cậu Uttara chết, đại-thiện-nghiệp bậc cao cho quả tái-sinh kiếp sau hoá-sinh làm vị thiên-nam Uttara cao quý trong lâu đài Uttaravimāna cao 12 do-tuần to lớn nguy nga tráng lệ sáng ngời tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên, cũng như hội trường Sudhammā của Đức-vua trời Sakka tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên.
Vị thiên-nam Uttara cao quý có hào quang sáng ngời, có đông chư thiên-nam và thiên-nữ hầu hạ, hưởng mọi sự an-lạc trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên ấy.
Như vậy, ông tỉnh trưởng Pāyāsi là thí-chủ xuất ra nhiều tiền của mỗi ngày, nhưng không trực-tiếp tự tay tạo phước-thiện bố-thí đến người thọ-thí.
Còn cậu Uttara là người làm công ăn lương, tạo phước-thiện hỗ-trợ giúp ông tỉnh trưởng Pāyāsi, hằng ngày trực-tiếp tự tay tạo phước-thiện bố-thí cúng dường các vật thí đến chư tỳ-khưu, chư sa-môn, chư bà-la-môn một cách cung-kính.
* Quả của phước-thiện bố-thí của ông tỉnh trưởng Pāyāsi không trực-tiếp tự tay tạo phước-thiện bố-thí đến người thọ-thí thật là thấp kém.
* Còn quả của phước-thiện hỗ-trợ của cậu Uttara làm công ăn lương trực-tiếp tự tay tạo phước-thiện bố-thí cúng dường các vật thí đến chư tỳ-khưu, chư sa-môn, chư bà-la-môn một cách cung-kính thật là cao quý.
Như vậy, đại-thiện-nghiệp bố-thí của người thí-chủ xuất ra tiền của tạo phước-thiện bố-thí dù có nhiều đến bao nhiêu, mà không tự tay tạo phước-thiện bố-thí đến cho người thọ-thí, thì cũng không thể sánh với đại-thiện-nghiệp hỗ-trợ của người bỏ công sức tạo phước-thiện hỗ-trợ trực-tiếp tự tay tạo phước-thiện bố-thí đến người thọ-thí một cách cung-kính.
Thật ra, người thí-chủ có tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm xuất tiền của tạo phước-thiện bố-thí trong những dục-giới lộ-trình-tâm diễn tiến qua thời gian quá ít so với người bỏ công sức có tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm tạo phước-thiện hỗ-trợ, trực-tiếp tự tay tạo phước-thiện bố-thí đến người thọ-thí trong những dục-giới lộ-trình-tâm diễn tiến qua thời gian hằng ngày quá nhiều vô số, không sao kể được.
Tóm lại, người thí-chủ xuất ra tiền của tạo phước- thiện bố-thí mà không tự tay mình tạo phước-thiện bố-thí đến cho người thọ-thí, dù có xuất ra tiền của nhiều đến bao nhiêu cũng không thể sánh với người bỏ công tạo phước-thiện hỗ-trợ giúp đỡ tạo phước-thiện bố-thí.
Nếu người thí-chủ có đại-thiện-tâm trong sạch, tin nghiệp và quả của nghiệp, xuất ra tiền của tạo phước-thiện bố-thí, rồi tự tay mình tạo phước-thiện bố-thí đến cho người thọ-thí, một cách cung-kính thì chắc chắn quả báu của phước-thiện bố-thí ấy thật là vô lượng, đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an-lạc trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
Bài viết trích từ cuốn Phước Thiện – Tỳ Khưu Hộ Pháp biên soạn. Quý vị có thể tải sách bản PDF tại đây.
AUDIO TOÀN BỘ CUỐN SÁCH PHƯỚC THIỆN