Đúng pháp và sai pháp (dhamma-adhamma)

Khi đến kinh-thành Sāvatthi, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana. Nghe tin tất cả hai nhóm tỳ-khưu xứ Kosambī đang trên đường đến kinh-thành Sāvatthi, để hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi bạch rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, tất cả hai nhóm tỳ-khưu xứ Kosambī sẽ đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, để xin sám hối. Vậy, con nên đối xử với họ như thế nào? Bạch Ngài.

Đức-Thế-Tôn khuyên dạy Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta rằng:

– Này Sāriputta! Con nên đối xử với tất cả tỳ-khưu ấy theo chánh-pháp.

Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta bạch rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con nên biết phân biệt thế nào gọi là tỳ-khưu nói tà-pháp (adhammavādī) và thế nào gọi là tỳ-khưu nói chánh-pháp (dhammavādī)?

Đức-Thế-Tôn khuyên dạy rằng:

– Này Sāriputta! Con nên biết phân biệt tỳ-khưu nói tà-pháp có 18 điều như sau:

18 điều tà-pháp 

Tỳ-khưu trong Phật-giáo này là người:

1- Thuyết giảng điều tà-pháp, nói là điều chánh-pháp.

2-Thuyết giảng điều chánh-pháp, nói là điều tà-pháp.

3- Thuyết giảng điều sai luật, nói là điều đúng luật.

4- Thuyết giảng điều đúng luật, nói là điều sai luật.

5- Thuyết giảng điều Như-Lai không thuyết giảng, nói là điều Như-Lai thuyết giảng.

6- Thuyết giảng điều Như-Lai thuyết giảng, nói là điều Như-Lai không thuyết giảng.

7- Thuyết giảng điều Như-Lai không thường hành, nói là điều Như-Lai thường hành.

8- Thuyết giảng điều Như-Lai thường hành, nói là điều Như-Lai không thường hành

9- Thuyết giảng điều Như-Lai không chế định, nói là điều Như-Lai chế định.

10- Thuyết giảng điều Như-Lai chế định, nói là điều Như-Lai không chế định.

11- Thuyết giảng điều phạm giới, nói là điều không phạm giới.

12- Thuyết giảng điều không phạm giới, nói là điều phạm giới.

13- Thuyết giảng điều phạm giới nhẹ, nói là điều phạm giới nặng.

14- Thuyết giảng điều phạm giới nặng, nói là điều phạm giới nhẹ.

15- Thuyết giảng điều phạm giới rồi còn phạm giới nữa, nói là điều phạm giới, rồi không còn phạm giới nữa.

16- Thuyết giảng điều phạm giới rồi không còn phạm giới nữa, nói là điều phạm giới rồi còn phạm giới nữa.

17- Thuyết giảng điều phạm giới trầm trọng, nói là điều phạm giới không trầm trọng.

18- Thuyết giảng điều phạm giới không trầm trọng, nói là điều phạm giới trầm trọng.

– Này Sāriputta! Con nên biết phân biệt tỳ-khưu nói tà-pháp có 18 điều như vậy.

18 điều chánh-pháp

– Này Sāriputta! Con nên biết phân biệt tỳ-khưu nói chánh-pháp có 18 điều như sau:

Tỳ-khưu trong Phật giáo này là người:

1- Thuyết giảng điều tà-pháp, nói là điều tà-pháp.

2- Thuyết giảng điều chánh-pháp, nói là điều chánh-pháp.

3- Thuyết giảng điều sai luật, nói là điều sai luật.

4- Thuyết giảng điều đúng luật, nói là điều đúng luật.

5- Thuyết giảng điều Như-Lai không thuyết giảng, nói là điều Như-Lai không thuyết giảng.

6- Thuyết giảng điều Như-Lai thuyết giảng, nói là điều Như-Lai thuyết giảng.

7- Thuyết giảng điều Như-Lai không thường hành, nói là điều Như-Lai không thường hành.

8- Thuyết giảng điều Như-Lai thường hành, nói là điều Như-Lai thường hành.

9- Thuyết giảng điều Như-Lai không chế định, nói là điều Như-Lai không chế định.

10- Thuyết giảng điều Như-Lai chế định, nói là điều Như-Lai chế định.

11-Thuyết giảng điều phạm giới, nói là điều phạm giới.

12- Thuyết giảng điều không phạm giới, nói là điều không phạm giới.

13- Thuyết giảng điều phạm giới nhẹ, nói là điều phạm giới nhẹ.

14- Thuyết giảng điều phạm giới nặng, nói là điều phạm giới nặng.

15- Thuyết giảng điều phạm giới rồi còn phạm giới nữa, nói là điều phạm giới, rồi còn phạm giới nữa.

16- Thuyết giảng điều phạm giới rồi không còn phạm giới nữa, nói là điều phạm giới rồi không còn phạm giới nữa.

17- Thuyết giảng điều phạm giới trầm trọng, nói là điều phạm giới trầm trọng.

18- Thuyết giảng điều phạm giới không trầm trọng, nói là điều phạm giới không trầm trọng.

– Này Sāriputta! Con nên biết phân biệt tỳ-khưu nói chánh-pháp có 18 điều như vậy.

Tà pháp (Adhamma) đó là:

– 10 bất-thiện-nghiệp hoặc 10 ác-nghiệp.

– 4 pháp-chấp-thủ: Tham-dục chấp-thủ, tà-kiến chấp-thủ, pháp thường-hành chấp-thủ, ngã-kiến chấp-thủ.

– 8 tà-đạo (micchāmagga): Tà-kiến, tà-tư-duy, tà-ngữ, tà-nghiệp, tà-mạng, tà-tinh-tấn, tà-niệm, tà-định.

Tóm lại các ác-pháp đều gọi là tà-pháp (adhamma).

Chánh-pháp (Dhamma) đó là:

– 10 đại-thiện-nghiệp.

– 37 Pháp chứng đắc Thánh-đạo (Bodhipakkhiya-dhamma): 4 pháp-niệm-xứ, 4 pháp-tinh-tấn, 4 pháp-thành-tựu, 5 pháp-chủ, 5 pháp-lực, 7 pháp-giác-chi, 8 pháp-chánh-đạo.

Tóm lại các thiện-pháp đều gọi là chánh-pháp (dhamma).

Tà-pháp hoặc chánh-pháp có tầm quan trọng như thế nào trong Phật-giáo?

* Người nào thuyết tà-pháp, giảng tà-pháp đem lại sự tai hại, sự thoái hóa, sự khổ não lâu dài không chỉ riêng cho người ấy, mà còn cho nhiều người liên quan khác nữa, nhất là làm cho Phật-giáo suy thoái.

* Người nào thuyết chánh-pháp, giảng chánh-pháp đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài không chỉ riêng cho người ấy, mà còn cho nhiều người liên quan khác nữa, nhất là làm cho Phật-giáo phát triển.

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app