Kiếp chót của Ngài Trưởng-lão Bākula

Sau khi tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão Bākula chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp chót đầu thai vào lòng bà vợ ông phú hộ tại kinh-thành Kosambī, trước thời-kỳ Đức-Phật Gotama chưa xuất hiện trên thế gian.

Từ khi đầu thai vào lòng mẹ suốt 10 tháng, gia đình phú hộ phát sinh của cải quý báu nhiều vô kể, được Đức-vua ban thưởng tước cao quý.

Tròn đủ 10 tháng, khi sinh ra đời, người mẹ của công-tử nghĩ rằng: “Công-tử của ta là một đứa con có phước lớn, ta muốn con của ta được khỏe mạnh, không có bệnh, được sống lâu.

Vậy, ta nên bảo các nhũ mẫu ẵm con của ta đem xuống sông Yamunā làm lễ tắm gội đầu sau ngày sinh này thì con của ta sau này được khỏe mạnh, không có bệnh hoạn ốm đau, được sống lâu.”

Đứa trẻ bị con cá lớn nuốt vào bụng

Các bà nhũ mẫu ẵm đứa trẻ mới sinh ra đem xuống sông Yamunā đang làm lễ tắm gội đầu đứa trẻ, thì ngay khi ấy, một con cá lớn nhìn thấy đứa trẻ ấy, tưởng là miếng mồi, nó há mồm ra ngậm đứa trẻ nuốt vào bụng bơi đi nơi khác, mà các bà nhũ mẫu không sao cứu được.

Đứa trẻ là bậc đại-phước kiếp chót, nên dù nằm trong bụng con cá cũng như nằm trong phòng ngủ sang trọng, không cảm thấy khổ chút nào cả.

Do oai lực của 10 pháp-hạnh ba-la-mật kiếp chót của đứa trẻ, nên con cá như nuốt phải một vật nóng, làm cho nó nóng nảy bơi mau như điên suốt 30 do tuần, rồi bị dính lưới của nhóm dân chài trong kinh-thành Bārāṇasī.

Thông thường, con cá lớn như thế này khi mắc lưới thì chết ngay, nhưng do oai lực phước-thiện của đứa trẻ, con cá vẫn còn sống cho đến khi bắt ra khỏi lưới. Những  người dân chài cột dây khiêng con cá đi quanh kinh-thành Bārāṇasī, để bán với chừng ấy kahāpaṇa, nhưng không có một ai mua con cá ấy.

Khi khiêng con cá đến trước cổng nhà phú hộ có của cải tài sản đến 800 triệu, trong kinh-thành Bārāṇasī, bà phú hộ hỏi họ rằng:

– Này các ngươi bán con cá ấy bao nhiêu Kahāpaṇa?

Những người dân chài thưa rằng:

– Kính thưa Bà, xin Bà cho chừng ấy Kahāpaṇa.

Bà phú hộ trao chừng ấy Kahāpaṇa cho những người dân chài, rồi cho người đem con cá vào nhà.

Bà phú hộ được đứa trẻ làm con

Hằng ngày, bà phú hộ không bao giờ tự tay làm cá, hoặc làm đồ ăn, nhưng hôm ấy, bà phú hộ đặt con cá trên tấm ván lớn, rồi tự tay mình làm thịt con cá này. Thông thường, người ta mổ cá trước bụng, nhưng bà phú hộ mổ con cá này ở phía sau, khi dở lên bà nhìn thấy đứa trẻ có màu da như màu vàng ròng nằm trong bụng con cá, bà phú hộ rất vui mừng reo lên rằng:

“Ta được đứa trẻ trong bụng con cá”.

Bà phú hộ ẵm đứa trẻ đến trình ông phú hộ. Gia đình phú hộ vốn không có con, nay bỗng dưng được đứa trẻ có nét mặt sáng sủa, màu da như màu vàng ròng, nên ông vô cùng sung sướng bảo gia nhân đánh chuông thông báo cho mọi người biết như vậy.

Ông bà phú hộ ẵm đứa trẻ lên xe đi vào cung điện chầu Đức-vua Bārāṇasī tâu rằng:

– Muôn tâu Hoàng-Thượng, vợ chồng tiện dân được đứa trẻ trong bụng con cá. Vậy, nay vợ chồng tiện dân phải làm thế nào? 

Đức-vua truyền bảo rằng:

– Này ông bà phú hộ! Đứa trẻ này có phước lớn, dù nó nằm trong bụng con cá, mà sinh mạng vẫn được an toàn. Vậy, hai ông bà phú hộ nên nuôi dưỡng đứa trẻ này xem như là con của mình.

Đứa trẻ tên là Bākula

Gia đình ông bà phú hộ là cha mẹ của đứa trẻ ở kinh- thành Kosambī nghe tin gia đình ông bà phú hộ kinh-thành Bārāṇasī được một đứa trẻ trong bụng con cá.

Bà phú hộ là mẹ đẻ của đứa trẻ cùng nhóm gia nhân đi xe lên đường đến kinh-thành Bārāṇasī, tìm đến nhà gia đình phú hộ kinh-thành Bārāṇasī.

Nhìn thấy bà phú hộ kinh-thành Bārāṇasī đang chơi đùa với đứa trẻ, bà phú hộ kinh-thành Kosambī khen ngợi đứa trẻ rằng:

“Đứa trẻ thật là đáng yêu quý quá!”

Khi ấy, bà phú hộ kinh-thành Kosambī mẹ sinh thưa với bà phú hộ kinh-thành Bārāṇasī rằng:

– Thưa bà, đứa trẻ này là con của tôi.

Bà phú hộ kinh-thành Bārāṇasī mẹ nuôi thưa rằng:

– Thưa bà, đứa trẻ này là con của tôi, không phải con của bà đâu!

Ms:(1)

– Thưa bà, bà được đứa trẻ này từ đâu?

Mn: – Thưa bà, tôi được đứa trẻ này từ trong bụng con cá.

Ms: – Thưa bà, nếu như vậy, thì chắc chắn đứa trẻ này không phải là con của bà, nó chính là con của tôi.

Mn: – Thưa bà, con của bà ở đâu?

Ms: – Thưa bà, tôi mang thai 10 tháng, khi đứa trẻ này sinh ra được đem xuống sông Yamunā để làm lễ tắm gội đầu, thì con cá há mồm ra ngậm đứa trẻ nuốt vào bụng bơi đi đến nơi này.

Mn: – Thưa bà, con của bà bị con cá khác nuốt bơi đi nơi khác rồi, còn đứa trẻ này trong bụng con cá mà tôi đã mua.

Như vậy, bà phú hộ kinh-thành Kosambī là mẹ sinh và bà phú hộ kinh-thành Bārāṇasī là mẹ nuôi tranh chấp với nhau về đứa trẻ, không thuộc về bên nào nên hai người mẹ ẵm đứa trẻ cùng nhau đến chầu Đức-vua Bārāṇasī để Đức-vua phán xét.

Đức-vua phán xét rằng:

“Bà phú hộ kinh-thành Kosambī mang thai 10 tháng sinh ra đứa trẻ này, bà phú hộ không phải là mẹ sinh thì không thể được. Và bà phú hộ kinh-thành Bārāṇasī đã mua con cá, thì tất cả những thứ gì trong con cá đều thuộc quyền sở hữu của bà phú hộ kinh-thành Bārāṇasī.

Cho nên, đứa trẻ nằm trong bụng con cá thuộc về của bà phú hộ kinh-thành Bārāṇasī không phải là mẹ nuôi thì cũng không thể được.

Vì vậy, đứa trẻ này là người thừa kế (dāyāda) của 2 gia đình phú hộ. Kể từ nay, đứa trẻ này là thuộc về của 2 gia đình phú hộ, nên đặt tên là Bākulakumāra: Công-tử Bākula” (Bākula nghĩa là 2 gia đình, 2 dòng họ).

Công-tử Bākula của hai gia đình phú hộ

Khi công-tử Bākula trưởng thành hưởng mọi sự an-lạc trong 2 gia đình phú hộ tại kinh-thành Bārāṇasī và kinh-thành Kosambī. Mỗi gia đình phú hộ xây dựng 3 tòa lâu đài gồm có đầy đủ mọi thứ để hưởng mọi sự an-lạc trong đời, như các đoàn ca hát, nhảy múa, những món ngon vật lạ, một chiếc thuyền lớn, những xe cộ đi du ngoạn ngắm cảnh, v.v…

Công-tử Bākula hưởng mọi sự an-lạc trong mỗi gia đình phú hộ của mỗi kinh-thành 4 tháng (2 tháng tại kinh-thành và 2 tháng trên chiếc thuyền).

Thật vậy, công-tử Bākula hưởng mọi sự an-lạc trong gia đình phú hộ tại kinh-thành bên này suốt 2 tháng, rồi bước xuống chiếc thuyền lớn có đầy đủ mọi thứ như các đoàn ca hát, nhảy múa, các món ăn vật lạ, v.v…, để cho công-tử Bākula hưởng mọi sự an-lạc trong đời. Chiếc thuyền lớn di chuyển từ kinh-thành này đến nửa đường  thời gian 2 tháng đến chỗ hẹn trên dòng sông.

Một chiếc thuyền lớn của gia đình phú hộ kinh-thành bên kia chờ nửa đường chỗ hẹn trên dòng sông, để đón rước công-tử Bākula bước sang chiếc thuyền lớn bên kia cũng có đầy đủ mọi thứ trên chiếc thuyền, để cho công-tử Bākula hưởng mọi sự an-lạc trong đời. Chiếc thuyền lớn duy chuyển suốt 2 tháng mới đến kinh-thành bên kia, rồi công-tử Bākula hưởng mọi sự an-lạc trong gia đình phú hộ tại kinh-thành bên kia suốt 2 tháng.

Như vậy, công-tử Bākula hưởng mọi sự an-lạc trong mỗi gia đình phú hộ tại mỗi kinh-thành có 2 tháng, còn 2 tháng hưởng mọi sự an-lạc trên chiếc thuyền lớn đến nửa đường chỗ hẹn trên dòng sông.

Công-tử Bākula hưởng mọi sự an-lạc trong mỗi gia đình phú hộ của mỗi kinh-thành luân phiên nhau như vậy, suốt thời gian tròn 80 năm.

Công-tử Bākula trở thành tỳ-khưu

Công-tử Bākula sống tại-gia suốt thời gian tròn 80 năm. Vào thời ấy, Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, Đức-Phật ngự đi đến kinh-thành Kosambī (hoặc kinh-thành Bārāṇasī).

Khi ấy, nghe tin Đức-Phật Gotama ngự đến kinh-thành Kosambī, công-tử Bākula, là vị Thanh-văn đệ- tử kiếp chót, đi đến hầu đảnh lễ, cúng dường những phẩm vật đến Đức-Phật, rồi lắng nghe Đức-Phật thuyết-pháp.

Công-tử Bākula phát sinh đức-tin trong sạch nơi Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật.

Sau khi công-tử Bākula trở thành tỳ-khưu trong 7 ngày, tỳ-khưu Bākula vẫn còn là tỳ-khưu phàm-nhân, đến sáng sớm ngày thứ 8, tỳ-khưu Bākula thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng cùng với tứ tuệ-phân-tích, lục-thông trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.

Sau khi trở thành bậc Thánh A-ra-hán tất cả các người bạn thân, các đoàn ca hát, nhảy múa, các nhạc công, các nhóm tùy tùng thuộc hạ là những người trong kinh-thành Bārāṇasī và trong kinh-thành Kosambī của công-tử Bākula khi còn sống tại-gia, mỗi người đều nhận được nhiều của cải đem về sinh sống trong gia đình của mình.

Khi sống trong gia đình, họ thường nhớ ơn của Ngài Trưởng-lão Bākula, nên họ dệt, may thành bộ y, rồi đem kính dâng đến Ngài Trưởng-lão Bākula.

Hằng nửa tháng trước, người thân trong kinh-thành Kosambī dâng một bộ y đến Ngài Trưởng-lão Bākula, rồi nửa tháng sau, người thân trong kinh-thành Bārāṇasī dâng một bộ y đến Ngài Trưởng-lão Bākula, cứ thay phiên nhau dâng bộ y như vậy.

Ngoài ra, các thứ vật dụng khác cũng thường thay phiên nhau dâng cúng dường đến Ngài Trưởng-lão  Bākula như vậy, cho nên, tứ vật dụng của Ngài Trưởng- lão nhiều vô kể. Ngài Trưởng-lão Bākula thường cho người đem tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư tỳ-khưu khác.

Tuyên dương Ngài Trưởng-Lão Bākula ít bệnh đệ nhất

* Công-tử Bākula từ nhỏ sống tại-gia đến lúc tròn 80 tuổi, công-tử Bākula không hề có bị bệnh hoạn, ốm đau, dù chỉ là sổ mũi, nhức đầu nhẹ, cũng không từng phát sinh đối với công-tử Bākula.

* Công-tử Bākula xuất gia trở thành tỳ-khưu Bākula lúc tròn 80 tuổi.

Từ khi trở thành tỳ-khưu Bākula đến ngày thứ 8 trở thành bậc Thánh A-ra-hán cho đến lúc Ngài Trưởng-lão Bākula có 80 tuổi hạ, trong suốt khoảng thời gian ấy, Ngài Trưởng-lão Bākula cũng không hề có bệnh hoạn, ốm đau gì cả, và 4 thứ vật dụng luôn luôn phát sinh đầy đủ đối với Ngài Trưởng-lão Bākula.

Một hôm, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana giữa chư Đại-đức Thánh-tăng, Đức-Thế-Tôn tuyên dương ca tụng Ngài Trưởng-lão Bākula rằng:

“Etadaggaṃ Bhikkhave, mama sāvakānaṃ bhik- khūnaṃ appābādhānaṃ yadidaṃ Bākulo”.

– Này chư tỳ-khưu! Trong các hàng tỳ-khưu Thanh-văn đệ-tử của Như-Lai, Bākula là vị tỳ-khưu có ít bệnh đệ nhất.

Ngài Trưởng-lão Bākula đã thành-tựu được như ý nguyện đúng như Đức-Phật Padumuttara đã thọ ký trong thời quá-khứ.

Ngài Trưởng-lão Bākula tịch diệt Niết-bàn

Ngài Trưởng-lão Bākula khi còn là công-tử Bākula sống tại-gia hưởng mọi sự an-lạc trong đời tròn suốt 80 năm, không hề có thứ bệnh gì, dù chỉ là bệnh sổ mũi thôi. Đến 80 tuổi, công-tử Bākula xuất gia trở thành tỳ-khưu.

Sau khi trở thành tỳ-khưu Bākula được 7 ngày, đến sáng ngày thứ 8, tỳ-khưu Bākula trở thành bậc Thánh A-ra-hán, Ngài Trưởng-lão Bākula có 80 tuổi hạ.

Ngài Trưởng-lão Bākula sống trong suốt 80 tuổi hạ cũng không hề có thứ bệnh nào cả.

Đó là quả báu của phước-thiện bố-thí thuốc trị bệnh mà tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão Bākula đã tạo trong thời-kỳ Đức-Phật Anomadassī, và tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão Bākula đã phát nguyện muốn trở thành vị tỳ- khưu có ít bệnh nhất, đã được Đức-Phật Padumuttara quá-khứ thọ ký cũng được thành tựu như ý nguyện.

Công-tử Bākula sống tại-gia tròn 80 tuổi và xuất gia trở thành bậc Thánh A-ra-hán, Ngài Trưởng-lão có 80 tuổi hạ. Như vậy, tuổi thọ của Ngài Trưởng-lão Bākula có tròn 160 năm.

Một hôm, Ngài Trưởng-lão Bākula thưa với chư Đại- đức tỳ-khưu-Tăng rằng:

“Hôm nay, tôi sẽ tịch diệt Niết-bàn.”

Để chư tỳ-khưu không phải lo công việc hỏa táng thân xác của Ngài, cho nên, Ngài Trưởng-lão Bākula ngồi kiết già giữa chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, phát nguyện, rồi nhập thiền đề-mục lửa (tejokasiṇa), cuối lộ-trình-tâm“cuti” tịch diệt Niết-bàn.

Sau khi Ngài Trưởng-lão Bākula tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới, hỏa-đại bốc lên thiêu đốt thân xác của Ngài Trưởng-lão chỉ còn những viên Xá-lợi màu trắng như màu hoa lài mà thôi.

Chư tỳ-khưu xây ngôi tháp tôn thờ Xá-lợi của Ngài Trưởng-lão Bākula.

Bài viết trích từ cuốn Phước ThiệnTỳ Khưu Hộ Pháp biên soạn. Quý vị có thể tải sách bản PDF tại đây.

AUDIO TOÀN BỘ CUỐN SÁCH PHƯỚC THIỆN

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app