PHẬT GIÁO CHUYỂN SANG CÁC NƯỚC LẦN ĐẦU HẾT

Thuở Phật giáo được 218 năm, đức Hoàng đế A-dục (asoka) lên thế ngôi cha, thống trị trong nước Ấn Độ. Ngài nối chí của phụ vương ngài, nên hằng đem binh đi chinh phạt các xứ. Khi đã thâu phục được xứ Kalingarattha rồi, ngài có thẩm xét rằng: Trận giặc vừa qua, bọn Kalingarattha bị tử trận hằng vạn hằng ức người, thấy càng thảm thương. Thật là việc chẳng nên làm. Từ đây Ngài rất đem lòng tín ngưỡng Phật giáo, phế sự thân chinh các nước, chỉ lo trị an nước nhà, theo lẽ đạo, nên ngài mới có hiệu riêng là Thạnh pháp vương A-dục (Crīdhammāsokarāja).

Muốn cho thiện tín bỏ dữ về lành, ngài định truyền bá Phật pháp đến các nước ở dưới quyền ngài. Điều này là nguyên nhân làm cho Phật giáo được hành trướng. Lịch sử ghi rằng: thuở ấy trong nước Ấn Độ có 4 mặt đạo: Phật giáo, Bà-la-môn giáo, Je-na giáo, A-ji-qua-ca giáo. Đức hoàng đế A-dục xét rằng: Phật giáo là một nền đạo vô thượng, không một tôn giáo nào sánh bằng, nên ngài nhứt định đem Phật giáo ra để hóa độ chúng sanh. Ngài lấy Phật giáo làm quốc giáo, nhưng ngài cũng chẳng hà hiếp các mặt đạo khác. Vì lòng thành tín Phật giáo nên Ngài làm lễ thọ phép tam qui và trì trai, giữ giới. Ngài cũng có xuất gia thọ cụ túc giới một lúc (có lẽ do theo gương của ngài đây mà các đức vua lân bang, cho đến vua Xiêm cũng vậy, đều có thọ tụ cúc giới làm tỳ khưu trong một lúc hết). Ngài cũng có đến sùng bái bốn nơi động tâm (Samvejaniyathāna) và tạo tượng Phật để thờ trong các nơi.

Đức hoàng đế A-dục có làm 3 việc đại hữu ích cho Phật giáo: lập hội kết tập Tam tạng, truyền bá Phật giáo, tạo tháp Phật. Ngài kết tập Tam tạng từ khi Ngài mới qui y Phật giáo. Thuở ấy chư tăng đã chia ra làm hai phái rồi là: phái Nguyên Thủy (Theravāda), phái Tân Tiến (Ācāryavāda). Từ khi kết tập kỳ nhì (như đã có giải phía trước) trở về sau, trong mỗi phái lại còn chia ra đến 10 chi phái nữa.

Đức hoàng đế A-dục rất tôn trọng đại đức Mogaliputratissa là vị Tăng thống của phái Theravāda, nên ngài mới hết lòng bảo hộ phái ấy. Trong đại tạng luật có ghi rằng: Khi bọ ngoại đạo thấy chư tăng hằng được nhà vua sùng bái, dâng cúng nhiều vật dụng, bọn họ lại giả dối vào tu theo Phật giáo rất nhiều, mới sanh ra có sự bất hòa trong tăng chúng. Thấu đến tai đức hoàng đế A-dục, ngài bèn dạy phải tra vấn, nếu thầy tỳ khưu nào đáp không thông, phải bị trục xuất ra khỏi giáo hội, ngài bạch cùng đại đức Tăng thống làm tọa chủ, hội họp chư tăng để kết tập Kinh, Luật lại một lần nữa, tại thành Pataliputra. Hội thánh kỳ này gọi là “Kết tập kỳ ba” (Tatiyasangāyanā). Do sự chia rẽ chư tăng ra làm hai phái, từ khi kết tập kỳ nhì, 100 năm trở về sau, bên giáo hội của phái Tân Tiến (Ācāryavāda) đã có sửa đổi Phật Pháp nhiều lắm rồi, nên mới sanh ra sự bất hòa trong tăng chúng. Cớ ấy nên đức hoàng đế A-dục mới trục xuất bên phái Tân Tiến hết 60.000 vị tỳ khưu và kết tập Tam tạng, yêu cầu tăng chúng phải đồng ý nhau, thọ trì một giáo pháp. Hội thánh kỳ ba này cũng dùng tiếng Magadha (Pālī) để kết tập, noi theo gương hai kỳ kết tập trước, chỉ khác nhau là lựa bỏ mấy chỗ thêm bớt. Tuy là dùng tiếng Magadha để kết tập, chớ hội thánh kỳ ba này cũng chưa chép tam tạng ra bằng chữ.

Về việc đức hoàng đế A-dục cho người đi tuyên truyền Phật Pháp sang đến các nước ngoài, thì có lịch sử ghi trong Đại Tạng Luật (Mahāvagga) như sau này: Đại đức Ma-ha-đê-quá (Mahadeva) sang xứ Má-hi-xá-man-đá-la (Mahisamandala); Đại đức Rắt-khí-tá (Rakkhita) sang nước Quá-ná-quá-xi (Vanavasi); Đại đức Tham-má-rá-khí-tá (Dhammarakkhita) sang nước Ba-ranh-ta (Baranta); Đại đức Mahāthammarakhita sang nước Ma-ha-rát-thá (Maharattha); Đại đức Mac-sanh-ti-cá (Majjhantika) sang nước Cá-sá-mia và Ganh-thá-rá (Kasmir và Gandhara); Đại đức Mac-si-má (Majjhima) sang nước Hi-ma-quanh-tá (Himavanta); Đại đức Ma-ha-rắt-khí-tá (Mahārakkhita) sang nước Dô-ná-lô-cá (Yonaloka); Đại đức Ma-hinh-đá (Mahinda) con đức hoàng đế A-dục sang đảo Tích Lan (Ceylan); Đại đức Xôn-na và Út-tá-rá (Sona và Uttara) sang nước Xú-quanh-ná (Suvanna).

Về lịch sử đức hoàng đế A-dục tọa tháp Phật, đại khái có sự hữu ích nhiều do theo hai lẽ sau này: chia xá-lị, cách tạo tháp.

Về sự chia xá-lị thì lịch sử có ghi rằng đức hoàng đế A-dục được xá-lị mà đức vua A-ja-tá-xá-tru (Ājātasatru) gìn giữ để lại thành Vương Xá, đem chia ra để thờ trong các tháp trong mỗi nơi, mà Ngài đã có lòng tạo ra, tổng cộng cả thảy là 84.000 tòa tháp, cho nên từ đó mới có tháp Phật đủ trong các xứ. Nhờ lòng bảo hộ Phật giáo của đức hoàng đế A-dục như vậy, nên số người tu Phật càng tăng thêm hơn trước rất nhiều và người tới lui sùng bái bốn nơi động tâm (Samvejaniya) ngày càng thêm đông. Thuở ấy, 8 động tâm tháp thờ xá-lị đầu tiên, đã hư nát hết nhiều chỗ.

                                                                           —

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app