TRÍCH LỤC TRONG PHẬT NGÔN

Đức Phật đáp câu hỏi về sự dâng cúng thịt.

Trong Kinh Jīvakasūtra bộ Majjhimanikāya, Majjhimapaññāsaka có ghi rằng: Thuở nọ, Đức Phật ngự nơi rừng xoài của ngự y Jīvaka gần kinh đô Rājagaha, có ngự y Jīvaka đến bạch hỏi rằng: Bạch Đức Thế Tôn, tôi được nghe rằng những người giết thú, chú tâm dâng đức Cồ Đàm; đức Cồ Đàm cũng biết, song vẫn thọ thịt mà người chú tâm giết thú đem dâng cúng, cho họ phải phạm tội. Những người nói như thế đó gọi là nói đúng theo lẽ đạo chăng? Phật phán rằng: Không đúng, vì Như Lai đã có cấm chế rằng: Bậc Sa-môn không nên dùng thịt do ba lẽ: thịt mà mình thấy họ giết thú cho mình dùng, thịt mà mình được nghe họ giết thú cho mình dùng, thịt mà mình đã nghi họ giết thú cho mình dùng. Cả ba thứ thịt đó, Như Lai cấm, không cho tỳ khưu dùng. Như Lai cho phép dùng ba thứ thịt khác, là thịt mà mình: không thấy, không nghe, không nghi rằng họ giết thú cho mình dùng. Phán như thế rồi Phật lại giảng thuyết về tình trạng mà tỳ khưu có tâm: từ (metta), bi (karunā), hỷ (mudutā), xả (upekkhā) đối với chúng sanh, không ưa thích cho chúng sanh nào thác, không ưa thích cho chúng sanh nào bị giết, rồi Ngài giải rằng: Người nào giết chúng sanh và chủ ý dâng thịt đem dâng đến Như Lai hoặc các hàng Thinh văn của Như Lai, người đó hằng bị tội trong năm thời là: trong thời bảo người đi bắt thú đó đến, trong thời mà thú đó bị buộc trói, trong thời dạy người giết thú đó, trong thời mà thú đó chịu khổ, trong thời đem dâng cho Như Lai hoặc các hàng Thinh văn của Như Lai dùng thịt không nên, như thế đó. Vị ngự y Jīvaka bèn tán dương rằng: Chư vị tỳ khưu thường dùng thịt nên dùng, chẳng có tội lỗi chi cả, như vậy.

Trong bộ Cūlavagga (tạng luật) có ghi chuyện thầy tỳ khưu Devadatta[17] rằng: Khi thầy Devadatta ngụ trong nơi thanh vắng có nghĩ rằng: Ta nên làm cho người nào tín ngưỡng, rồi sẽ được nhiều lợi danh. Vừa nghĩ như thế đó thì rõ ràng: Hoàng tử Ajātasatrū[18] còn thiếu niên, sẽ được trưởng thành và có nhiều tương lai tốt đẹp, ta nên làm cho hoàng tử Ajātasatrū tín ngưỡng, mới được nhiều lợi danh; nghĩ rồi tự mình biến làm một người trẻ tuổi, bị rắn quấn chung quanh mình, rồi bay đến ngồi trên bắp vế hoàng tử Ajātasatrū. Hoàng tử thấy liền phát tâm kinh sợ, thầy Devadatta lập tức huờn hình lại là vị tỳ khưu như cũ. Từ đó đức hoàng tử hết lòng trong sạch, tín ngưỡng, thân mật với thầy Devadatta. Mỗi ngày, buổi mai và chiều đều vào hầu thầy Devadatta. Mỗi buổi mai đem dâng 500 mâm cơm. Thầy Devadatta bị lợi danh đè nén, rồi bèn tính: Ta sẽ thống trị tăng già. Vừa nghĩ như thế thì thần thông liền tiêu diệt. Lúc đó, có vị trời Kakudha biết rõ tâm của Devadatta, lập tức hạ san, bạch với đại đức Mục Kiền Liên (Moggallāna) rằng: Thầy Devadatta vì lợi danh đè nén, nên tính muốn thống trị Tăng già, vừa tính thì thần thông liền tiêu mất. Bạch rồi lui ra. Đại đức Mục Kiền Liên vội vàng vào bạch với Phật, theo lời của vị trời Kakudha đã nói. Phật bèn phán rằng: Này Mục Kiền Liên! Vị trời Kakudha nói lẽ nào, lời ấy thật sẽ như vậy. Ngươi hãy chi nhớ lời ấy. Không bao lâu, trong giờ Phật đang thuyết pháp, trong giữa hàng thính giả, có đức vua tọa chủ, thầy Devadatta đứng dậy, chấp tay bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn, Ngài đã già yếu rồi, xin Ngài đừng bận lòng, hãy ngự an đi, nhường tỳ khưu tăng cho tôi thống trị. Phật đáp: Không nên đâu Devadatta, ngươi chớ nên vừa lòng với sự thống trị tăng già. Nhưng thầy Devadatta cầu xin đến ba lượt, Phật phán rằng: Ngay cả Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên mà Như Lai cũng không nhượng cho, phương chi đến ngươi, “như người nuốt nước miếng mình”.[19] Khi Devadatta được nghe như thế đó, thì sân hận bất bình rằng: Đức Thế Tôn nói ta là người nuốt nước miếng mình, tán dương đức Xá Lợi Phất và Đức Mục Kiền Liên. Đây là sự giận, tức lần đầu của Devadatta đối với Phật.

Liền khi đó, Phật dạy các tỳ khưu rằng: Này các thầy! Hãy cho tăng bố cáo trong kinh đô Rājagaha rằng: Khi trước thầy Devadatta có hành vi khác, nay khác. Thầy Devadatta làm điều nào bằng thân, khẩu, ý điều đó Phật, Pháp, Tăng không nhìn nhận nữa. Không bao lâu, thầy Devadatta lại vào xin Phật năm điều sau này nữa là: xin cho tỳ khưu ở tu trong rừng đến trọn đời, xin cho tỳ khưu đi khất thực đến trọn đời, xin cho tỳ khưu dùng vải dơ lượm được rồi giặc may làm y mặc đến trọn đời, xin cho tỳ khưu ở tu dưới cội cây đến trọn đời, xin không cho tỳ khưu ăn cá, thịt đến trọn đời.

Năm điều cầu xin ấy Đức Phật không nhận cho và phán rằng:

  • Thầy tỳ khưu phải tu trong rừng, hoặc được phép ngụ nơi tịnh thất mà thí chủ phát tâm trong sạch dâng cúng cũng được.
  • Thầy tỳ khưu phải đi khất thực, hoặc được phép thọ thực mà thí chủ phát tâm trong sạch yêu cầu dâng cúng cũng được.
  • Thầy tỳ khưu phải dùng vải dơ lượm được, rồi giặc may làm y mà mặc, hoặc được phép thọ y mà thí chủ phát tâm trong sạch dâng cúng cũng được.
  • Thầy tỳ khưu tùy thích được phép tu dưới cội cây trong 8 tháng (ngoài mùa hạ) hoặc ngụ nơi chùa cũng được.
  • Thầy tỳ khưu được phép thọ tam tịnh nhục là thứ thịt mà thầy không nghe, không thấy, không nghi họ giết thú cho mình dùng.

Ông Pierre Salet, dịch giả cuốn Les paroles du Bouddha có trích diễn câu này: Ce qui nous rend impurs, ce n’est pas manger de la viande, mais c’est la haine, I’intempérance, I’entelement, la bigoterie, la fourberie, I’envile, I’orgueil, la complaisance pour les hommes injustes.

Nghĩa: Những điều làm cho chúng ta bất tịnh không phải là sự ăn thịt (ăn mặn) mà lòng oán hận, không tiết độ, ngoan ngạnh, mê tín, gian xảo, tật đố, kiêu căng, xiêu lòng theo kẻ bất chánh.

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app