GIẢI VỀ LỊCH SỬ PHẬT GIÁO TRONG NƯỚC XIÊM

Phật giáo truyền sang nước Xiêm từ bao giờ? Điều này có nhiều thuyết khác nhau. Có người nói từ đời đức hoàng đế A-dục, ngài phái người đi phổ cập sang các nước, có chỗ nói truyền bá sau thời kỳ ấy, lâu lắm. Nhưng lấy theo sự đích xác là do theo cổ vật còn di truyền lại, hiệp với lịch sử, thì Phật giáo lan ra đến nước Xiêm theo bốn thời kỳ sau này:

Lần đầu: phái Nguyên Thủy (Theravāda)

Sơ khởi Phật giáo truyền sang Xiêm từ thuở nước Xiêm lập kinh đô tại nước Muong, lần đầu hết. Có cổ tích chắc chắn còn lại trong thời kỳ ban sơ, là có kim thân tạo ra lúc Đức Thế Tôn thuyết Pháp lần đầu (Chuyển pháp luân) có khắc chữ bằng tiếng Magadha, có cả tháp thờ pháp tọa của Phật, và tháp thờ dấu chân của Phật mà người Xiêm tạo ra để sùng bái. Mấy món cổ vật ấy chứng chắc rằng: Phật giáo truyền sang nước Xiêm trước hết là phái Nguyên Thủy (Theravāda) theo cách thức mà đức hoàng đế A-dục đã phái người đi phổ độ đến các nước. Nhân đó có thể nói Phật giáo bành trướng đến nước Xiêm, trước thời kỳ Phật Pháp 500 năm và người Xiêm được thọ trì chín chắn từ thuở ấy. Đến sau rồi khi bên Ấn Độ có tạo kim thân thì người Ấn Độ cũng đem truyền sang đến nước Xiêm nữa.

 

 Lần thứ hai: phái Đại Thừa (Ācāryavāda)

Thuở Phật khởi ra có phái Đại thừa tràn ra khắp trong nước Ấn Độ, thì người Ấn Độ đem phái Đại thừa truyền sang các nước, như thói quen đã ghi trong thời kỳ trước, nhưng đầu tiên truyền sang đảo Sumatra, rồi đến đảo Java, Kambujā (Cao Miên). Có người Ấn Độ khác ở trong xứ Magadha đem phái Đại thừa truyền sang nước Miến Điện, Soạn-tha quần đảo (Ile de la sonde) nhưng dường như chẳng được nhiều người hoan nghinh.

Thuở Phật Pháp được 1.300 năm đức vua xứ Sumātra có oai thế lớn, đi thâu phục các xứ đến mũi Ma-lây-du (pointe Maleyyū). Người Sumātra mới đem phái Đại thừa truyền sang các nơi mà họ đã thâu phục được, ngày nay vẫn còn Đại thừa Phật giáo trong các nơi ấy.

Lần thứ ba: phái Tiểu Thừa (Bhūkama)

Thuở Phật giáo 1.600 năm đức vua A-nu-rút-tha (Anuruddha) thống trị nước Miến Điện, lập kinh đô tại thành Bhūkama có quyền thế lớn, đi chinh phạt đến đâu Ngài bảo hộ Phật giáo tới đó. Thuở ấy Phật giáo bên Ấn Độ đã điêu tàn.

Đến khi đức vua Anuruddha thâu phục được miền bắc nước Xiêm, Ngài cũng đem Tiểu thừa Phật giáo truyền sang miền ấy, nhưng miền nam nước Xiêm vẫn còn giữ theo Đại thừa (vì đường xa bất tiện nên truyền sang không thấu).

                                              

Lần thứ tư: phái Tích Lan

Phật giáo đảo Tích Lan truyền sang nước Xiêm thì thưở Phật Pháp mới được 1.696 năm, khi đức vua Barakkabahu mới lên ngôi tại Tích Lan, là một vị hoàng đế có trong lịch sử Tích Lan. Ngài có oai thế lớn, thâu phục được các dịch quốc và là một bực hộ Phật Pháp, giống như hoàng đế A-dục. Ngài thỉnh một vị tổ trong nhà tăng lên làm tọa chủ để kết tập Tam tạng và ngài điều đình cho chư tăng được hiệp nhứt. Thuở ấy, Phật giáo Tích Lan rất được thạnh hành, tiếng đồn thấu đến nước Miến Điện, Soạn-tha quần đảo (Ile de la sonde), Xiêm, Cao Miên, nên có chư tăng mấy nước ấy tìm sang Tích Lan để nghiên cứu. Khi đã xét rõ chư tăng Tích Lan thọ trì theo Chánh pháp, thì đều đem lòng sùng bái muốn ở lại học tập theo và đem Chánh pháp về truyền lại trong nước mình. Nhưng chư tăng Tích Lan không chịu hòa cùng chư tăng mấy nước và muốn chư tăng ấy phải làm lễ thọ cụ túc giới lại. Chư tăng các nước cũng vui lòng vâng chịu. Thọ qui giới xong, chư tăng các nước đều ở lại trong xứ Tích Lan để học tập Kinh, Luật cho đến khi vừa thông thuộc đều đủ rồi họ mới trở về nước nhà; lại còn thỉnh chư tăng Tích Lan theo nữa. Khi trở về đến nước, người trong nước thấy cử chỉ của chư tăng Tích Lan đúng theo Chánh pháp, họ hết lòng hoan nghinh, cho con cháu vào học tập và xuất gia càng ngày càng đông, từ trong nước Miến Điện, nước Ramanna, nước Xiêm chí nước Lào và nước Cao Miên. Lịch sử có ghi chuyện chư tăng Tích Lan truyền bá Phật Pháp đến các nước là theo lẽ đã giải trên.

Riêng về nước Xiêm thì Phật giáo Tích Lan truyền sang đến lần đầu hết, là lối thời kỳ Phật giáo được 1.800 năm, chư tăng nước Xiêm cũng chịu làm lễ thọ cụ túc giới lại theo qui tắc của chư tăng Tích Lan, xong rồi bèn trở về nước mình, có thỉnh cả chư tăng Tích Lan, nên từ đó Phật giáo càng được thạnh hành. Điều này có lịch sử Xiêm ghi đích xác rằng: Thuở Phật giáo được hơn 1.820 năm, đức vua Xiêm có xây một cảnh chùa rất to lớn, dâng cúng đến chư tăng Tích Lan. Khi Phật giáo Tích Lan càng tăng tiến thì phái Đại thừa càng thối bộ và điêu tàn. Trong nước Xiêm chỉ có phái Tiểu thừa, nhưng lúc đầu còn chia ra làm hai phe: là phe cựu và phe tân (mới thọ giới đàn cùng chư tăng Tích Lăn). Bên nước Miến Điện, Soạn-tha quần đảo, Cao Miên cũng có hai phe vậy. Nhưng sau rốt rồi hiệp lại làm một. Sự hiệp nhứt ấy cũng nhờ có đức vua Xiêm điều đình mới xong (có ghi trong lịch sử rõ ràng).

Sự hiệp nhứt ấy do nhiều lẽ như sau này:

Chư tăng phe Tích Lan chỉ ngụ nơi tịnh xá lập trong rừng, còn chư tăng của người Xiêm thì thường ngụ ở trong chùa cất tại châu thành. Chùa của chư tăng phe Tích Lan ở không xa mà cũng chẳng gần thế gian lắm, vừa vào ra khất thực, hoặc thuyết pháp độ đời. Họ chỉ giữ hạnh tiết độ làm trọng, nên mới tìm ở nơi rừng núi thanh vắng. Phần đông người tín ngưỡng thường lập chùa, cất thất trong các nơi ấy, dâng cúng đến chư tăng phe Tích Lan. Càng ngày càng tăng số người khuynh hướng thì họ lại càng tạo chùa dâng cúng thêm nữa.

Lại nữa, hai phe cũng không chịu hiệp nhau để hành các cuộc lễ tăng sự. Điều quan trọng là phe cựu hành kinh luật bằng tiếng Bắc Phạn (Sanskrit), phe tân (mới theo chư tăng Tích Lan) thì noi theo Tam tạng bằng tiếng Magadha. Vả lại, chư tăng bên phe Tích Lan không chịu hiệp nhứt vì thấy phe chư tăng Xiêm còn hành lẫn lộn theo phái Đại thừa.

Hai phe được hiệp nhứt nhờ có phần đông người Xiêm càng ngày thêm khuynh hướng theo phe Tích Lan, số tăng đồ và tín đồ càng tăng lên, thì nên phe cựu càng giảm xuống. Cho nên sau rốt rồi, phe cựu phải nhập theo phe Tích Lan. Sự hiệp nhứt ấy có hai điều giao kết là: trong phép truyền qui giới, trước phải thọ Tam qui bằng tiếng Magadha: Bút-thăn-sá-rá-năn-gách-sa-mí (Buddhaṃ-Saranaṃ-Gacchāmi) v.v… Xong rồi phải thọ thêm bằng tiếng Sanskrit một lần nữa: Bút-tham-xá-rá-nam gách-sa-mi (Buddham Saranam Gacchāmi) v.v… Điều này chỉ rõ rằng chư tăng phe Tích Lan dùng tiếng Magadha để hành đạo, chư tăng cựu thì theo tiếng Sanskrit. Sự thọ phép Tam qui bằng hai thứ tiếng ấy còn dùng cho đến ngày nay là lẽ như vậy.

Thuở Phật giáo phe Tích Lan được thạnh hành bên nước Xiêm, người Xiêm noi theo gương Tích Lan, trước hết họ tạo tháp Phật giống theo kiểu mẫu Tích Lan; về kinh luật thì họ bỏ lần tiếng Sanskrit, mà trở học theo Tam tạng tiếng Magadha. Chư tăng Xiêm từ ngày hiệp nhứt nhau rồi, thì lo chuyên cần về đàng Chánh giáo, y theo bên Tích Lan.

Một phần chuyên về sự học tập Tam tạng theo tiếng Magadha, thì ở theo mấy cảnh chùa lập tại châu thành. Một phần chuyên về phép tham thiền, trí tuệ, mong chứng đạo quả Niết-bàn thì hằng ở nơi rừng, núi thanh vắng, nhưng cả và hai bên cũng đều là một phe.

Đến khi nước Xiêm lập kinh đô tại A-du-thia (Ayudhya) thì bên Tích Lan bị sự chiến tranh náo loạn, nên Phật giáo phải suy vi, nước Tích Lan bèn phái người qua thỉnh chư tăng Xiêm có đại đức Upali làm trưởng đoàn sang đảo Tích Lan để lập giới đàn truyền qui giới cho người Tích Lan, trở nên trong sạch như xưa, nên gọi là phe Xiêm hoặc phe Upali, danh ấy còn di truyền cho đến ngày nay.

 

‒ CHUNG ‒

 

 

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app