Phần 16

Chánh-Cung Hoàng-Hậu Samuddajā Thấy Ác Mộng

Trong ngày vị thầy rắn Alampāyana bắt Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta, vào canh chót đêm ấy bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā là Mẫu-hậu của Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta, nằm thấy ác mộng rằng:

“Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā bị một người đàn ông có gương mặt đỏ, dùng gươm chặt cánh tay bên phải của bà đem đi, khi máu đang chảy ròng.”

Sau khi tỉnh cơn ác mộng bà vẫn còn sợ hãi tay sờ cánh tay bên phải của bà còn nguyên, bà mới biết rằng đó là cơn ác mộng. Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā nghĩ rằng:

“Ta nằm thấy cơn ác mộng thật là kinh hoàng, không biết có điều gì xảy ra cho bốn vị hoàng-tử của ta và đấng phu-quân của ta hay không?

Trong bốn hoàng hoàng-tử thường có ba hoàng-tử ở tại long cung, chỉ có hoàng-tử Bhūridatta thường xuất hiện trên cõi người, để thọ trì và giữ gìn bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng mà thôi.

Trong cõi người, nếu hoàng-tử Bhūridatta gặp thầy rắn hoặc Điểu-vương thì chắc chắn sẽ gây tai hoạ cho hoàng-tử Bhūridatta của ta.”

Nghĩ như vậy, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā lo lắng khổ tâm sầu não nghĩ đến hoàng-tử Bhūridatta suốt ngày đêm.

Kể từ ngày bà Chánh-cung Hoàng-hậu thấy cơn ác mộng đến hôm nay đã trải qua nửa tháng.

Theo lệ thường, cứ mỗi nửa tháng hoàng-tử Bhūridatta đến chầu thăm viếng Đức Phụ-vương Dhataraṭṭha và Mẫu-hậu Samuddajā.

Hôm ấy là ngày đến kỳ hạn nửa tháng, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā ngồi nhìn ra trước cổng lâu đài không thấy hoàng-tử Bhūridatta đến, bà than vãn rằng:

“Hoàng-nhi Bhūridatta con hãy mau đến thăm Mẫu-hậu, Mẫu-hậu đang mong chờ con.”

Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā mong chờ hoàng-tử Bhūridatta, làm cho bà khổ tâm sầu não suốt nửa tháng ròng rã.

Theo lệ thường, mỗi tháng một lần, ba hoàng-tử Sudassana, Subhoga, Ariṭṭha ngự đến chầu thăm viếng Đức Phụ-vương Dhataraṭṭha và Mẫu-hậu Samuddajā.

Hôm ấy, nhằm vào ngày đến kỳ hạn Đức Long-vương Sudassana, hoàng-tử trưởng của Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā và Đức Long-vương Dhataraṭṭha, ngự đến chầu Mẫu-hậu, nhìn thấy Mẫu-hậu khổ tâm sầu não khóc than, hoàng-tử trưởng Sudassana không biết do nguyên nhân nào làm cho Mẫu-hậu khổ tâm như vậy, nên tâu rằng:

– Muôn tâu Mẫu-hậu, con đến chầu thăm Mẫu-hậu, do nguyên nhân nào mà Mẫu-hậu không vui mừng, ai làm cho Mẫu-hậu khổ tâm, sầu não?

Hoặc Mẫu-hậu có nỗi khổ tâm gì mà trên gương mặt của Mẫu-hậu âu sầu, đôi mắt của Mẫu-hậu đầy nước mắt vậy? Tâu Mẫu-hậu.

– Này Hoàng-nhi Sudassana yêu quý! Mẫu-hậu nằm thấy cơn ác mộng trải qua một tháng nay như sau:

“Một người đàn ông có đôi mắt đỏ, dùng thanh gươm chặt cánh tay bên phải của Mẫu-hậu, đem đi, khi máu đang chảy ròng.”

Đó là nguyên nhân làm cho Mẫu-hậu khổ tâm sầu não khóc than suốt ngày đêm, kể từ ngày hôm ấy cho đến nay trải qua một tháng rồi.

– Này Hoàng-nhi Sudassana yêu quý! Mẫu-hậu cùng con ngự đến thăm lâu đài của Bhūridatta để biết rõ về hoàng-đệ Bhūridatta của con như thế nào?

Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā cùng phái đoàn hộ giá của Hoàng-tử trưởng Sudassana ngự đến thăm lâu đài của Hoàng-tử Bhūridatta.

Một tháng trước, các hoàng-hậu của Đức Long-vương Bhūridatta xuất hiện lên cõi người đến chỗ gò mối không gặp Đức Long-vương đấng phu-quân của họ. Các bà hoàng-hậu nghĩ rằng:

“Đức Long-vương đã ngự trở về cõi long cung, đến chầu Mẫu-hậu Samuddajā và Đức Phụ-vương Dhata-raṭṭha, rồi ở lại hầu hạ phục vụ thuyết pháp tế độ Mẫu-hậu cùng Đức Phụ-vương.”

Vì vậy, các bà Hoàng-hậu không đi tìm kiếm Đức Long-vương Bhūridatta nữa.

Hôm nay, nhìn từ xa thấy Mẫu-hậu Samuddajā và Hoàng-huynh Sudassana ngự đến đây, các bà hoàng-hậu của Đức Long-vương Bhūridatta ngự ra cung kính đón rước Mẫu-hậu và Hoàng-huynh cùng đảnh lễ nơi bàn chân của hai Vị, rồi tâu rằng: 

– Muôn tâu Mẫu-hậu, Đức Long-vương Bhūridatta hoàng-tử của Mẫu-hậu ở nơi nào, sao không cùng ngự theo Mẫu-hậu?

– Muôn tâu Mẫu-hậu, đã một tháng qua, các con ngày đêm mong chờ Đấng phu-quân Bhūridatta trở về.

Nghe các bà hoàng-hậu của Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta tâu như vậy, bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā chết ngất, vì quá xúc động, Hoàng-tử Sudassana đến đỡ Mẫu-hậu còn các bà hoàng-hậu ấy ôm đôi bàn chân Mẫu-hậu khóc than thảm thiết. Khi ấy, Đức Long-vương Subhoga và Đức Long-vương Ariṭṭha cùng đoàn hộ giá ngự đến chầu thăm viếng Đức Phụ-vương Dhataraṭṭha và Mẫu-hậu Samuddajā. Trên đường đi ngang qua lâu đài của Hoàng-huynh Bhūridatta thì nghe tiếng khóc than của các hoàng tẩu, nên hai Đức Long-vương ghé vào lâu đài, thì thấy Mẫu-hậu Samuddajā nằm trên long sàng, Hoàng-huynh trưởng ngồi bên cạnh, các hoàng tẩu ôm đôi bàn chân Mẫu-hậu khóc than thảm thiết.

Hai hoàng-tử Subhoga và Ariṭṭha không biết chuyện gì xảy ra, ngự đến hầu đảnh lễ Mẫu-hậu, mới biết Hoàng-huynh Bhūridatta đã mất tích một tháng rồi.

Hoàng-tử Subhoga và Hoàng-tử Ariṭṭha tâu với Mẫu-hậu rằng:

– Muôn tâu Mẫu-hậu, xin Mẫu-hậu an tâm, ba huynh đệ chúng con sẽ đi khắp mọi nơi từ trên cõi trời, nơi rừng núi Himavanta, cõi người, các con sông, biển… tìm cho được Hoàng-huynh Bhūridatta thỉnh về chầu Mẫu-hậu trong vòng 7 ngày.

Nghe các hoàng-tử tâu như vậy, Mẫu-hậu Samuddajā truyền bảo rằng:

– Này các Hoàng-nhi yêu quý! Các con hãy mau đi tìm Bhūridatta về chầu Mẫu-hậu, nếu Mẫu-hậu không gặp được Bhūridatta sớm thì chắc chắn Mẫu-hậu không thể sống được.

Nghe Mẫu-hậu truyền dạy như vậy, Hoàng-tử trưởng Sudassana truyền dạy hai hoàng-đệ rằng:

– Này hai Hoàng-đệ! Cả ba huynh đệ chúng ta phải đi khắp mọi nơi, huynh phân công như sau:

* Hoàng-đệ Ariṭṭha có tính khí nóng nảy nếu thấy Hoàng-huynh Bhūridatta bị hành hạ ở xóm làng nào thì xóm làng ấy chắc chắn sẽ bị thiêu đốt thành tro bụi. Đó là điều hoàng-đệ Bhūridatta không muốn.

Vậy, huynh phân công hoàng-đệ Ariṭṭha đi tìm trên các cõi trời. Nếu hoàng-đệ thấy Hoàng-huynh Bhūridatta đang thuyết pháp thì hoàng-đệ vào thỉnh Hoàng-huynh Bhūridatta trở về cõi long cung đến chầu Mẫu-hậu gấp, vì Mẫu-hậu đang khắc khoải mong chờ.

* Hoàng-đệ Subhoga đi tìm trong rừng núi Hima-vanta và các con sông lớn, biển. Nếu thấy Hoàng-huynh Bhūridatta thì thỉnh Hoàng-huynh Bhūridatta ngự trở về cõi long cung vào chầu Mẫu-hậu, vì Mẫu-hậu đang khắc khoải mong chờ.

* Còn huynh sẽ đi tìm trên cõi người, nếu huynh xuất hiện lên cõi người với hình dáng người thanh niên trai trẻ thì loài người không quan tâm, không kính trọng. Vậy, huynh sẽ biến hóa thành vị đạo-sĩ thì được loài người kính trọng, huynh sẽ dễ dàng hỏi thăm tin tức của Hoàng-đệ Bhūridatta.

Sau khi phân công xong, cả ba huynh đệ vào đảnh lễ Mẫu-hậu Samuddajā, xin Mẫu-hậu ban phước lành ra đi.

Khi ấy, một hoàng-muội Ajamukhī là người em cùng Đức Phụ-vương Dhataraṭṭha khác Mẫu-hậu, Công-chúa Ajamukhī rất kính yêu Hoàng-huynh Bhūridatta, nên xin đi theo sau Hoàng-huynh trưởng Sudassana.

Hoàng-huynh trưởng truyền dạy rằng:

– Này hoàng-muội Ajamukhī yêu quý! Em không thể đi theo cùng với huynh được, bởi vì huynh biến hóa thành vị đạo-sĩ, em đi theo sau sẽ bị người ta chê trách.

Nghe hoàng-huynh trưởng Sudassana truyền dạy như vậy, hoàng-muội Ajamukhī thưa rằng:

– Thưa Hoàng-huynh trưởng, em sẽ biến hóa thành con nhái con nằm gọn trên cái mũ của Hoàng-huynh.

– Này hoàng-muội Ajamukhī yêu quý! Nếu như vậy thì hoàng muội hãy mau đi theo Hoàng-huynh ngay!

– Thưa Hoàng-huynh trưởng, trước hết, muội hỏi các hoàng tỷ, hoàng-hậu của Hoàng-huynh Bhūridatta, để biết Hoàng-huynh Bhūridatta xuất hiện lên cõi người thường thọ trì và giữ gìn bát-giới uposathasīla chỗ nào, rồi huynh muội chúng ta hãy đi đến chỗ ấy trước.

Các hoàng-hậu của Đức Long-vương Bhūridatta cho biết tại gò mối gần cây đa bên bờ sông Yamunā, là nơi Đấng phu-quân Bhūridatta thường nằm thọ trì và giữ gìn bát-giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng.

Biết được chỗ của Hoàng-huynh Bhūridatta, hai huynh muội hiện lên cõi người ngự đến tại nơi ấy quan sát xem xét thấy những vết máu khô của Hoàng-đệ Bhūridatta, đi theo vết máu đến một nơi thấy những sợi dây mây vụn đang bỏ rãi rác nơi ấy. Vị đạo-sĩ Sudassana đoán biết chắc chắn rằng: “Vị thầy rắn đã bắt Hoàng-đệ Bhūridatta.”

Vị đạo-sĩ Sudassana phát sinh nỗi khổ tâm cùng cực, nước mắt trào ra, vị đạo-sĩ lần theo con đường mòn mà vị thầy rắn đã đi đến một vùng dân chúng đông đúc, vị đạo-sĩ Sudassana hỏi thăm dân chúng rằng: 

– Này quý bà con! Vị thầy rắn bắt Đức Long-vương Bhūridatta biểu diễn trò tại đây có phải không?

– Kính thưa vị đạo-sĩ, cách đây một tháng, vị thầy rắn Alampāyana bắt Đức Long-vương biểu diễn trò tại đây, đã thu được nhiều tiền, vàng bạc,.. đi đến vùng khác rồi.

Nghe dân chúng cho biết rõ tin tức về Hoàng-đệ Bhūridatta, vị đạo-sĩ Sudassana cảm thấy vui mừng, nhưng nỗi khổ tâm lại phát sinh, bởi vì nghĩ đến Hoàng-đệ Bhūridatta bị thầy Alampāyana hành hạ, vị đạo-sĩ Sudassana theo dõi từ vùng này đến vùng khác, từ tỉnh thành này đến tỉnh thành khác cuối cùng đến kinh-thành Bārāṇasī, gặp vị thầy rắn Alampāyana đang chuẩn bị bắt Đức Long-vương Bhūridatta biểu diễn cho Đức-vua Bārāṇasī xem.

Hôm ấy, vị thầy rắn Alampāyana ăn mặc một bộ đồ sang trọng. Cho người mang lồng kính ra đặt trước sân rồng của cung điện, các hoàng gia, các quan cùng dân chúng trong kinh-thành tụ hội rất đông, một ngai vàng được sắp đặt chờ Đức-vua Bārāṇasī ngự đến xem.

Đức-vua Bārāṇasī truyền bảo các quan rằng:

– Trẫm sẽ ngự đến, truyền cho vị thầy rắn Alampāyana hãy đem Long-vương Bhūridatta thả ra trước.

Được lệnh của Đức-vua, vị thầy rắn Alampāyana mở của lồng kính, báo hiệu mời Đức Long-vương Bhūridatta bò ra ngoài.

Khi ấy, vị đạo-sĩ Sudassana đứng sau nhóm người xem, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta thò đầu ra xem bên ngoài, nếu nhìn thấy có Điểu-vương xuất hiện ở nơi ấy, thì Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta không dám bò ra ngoài, vì sợ Điểu-vương gây tai hại cho mình.

Thấy không có Điểu-vương, nên Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta bò thẳng đến chỗ đứng của vị đạo-sĩ Sudassana, những người đứng xem gần nơi ấy đều hoảng sợ bỏ chạy ra xa, chỉ còn vị đạo-sĩ Sudassana đứng yên một chỗ, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta cúi đầu dưới đôi bàn chân của vị đạo-sĩ Sudassana.

Vị đạo-sĩ Sudassana nhìn thấy hoàn cảnh đáng thương của Hoàng-đệ Bhūridatta, nên xúc động khóc trào nước mắt, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta cũng khóc rồi bỏ trở lại vào chiếc lồng kính.

Khi ấy, vị thầy rắn Alampāyana hiểu lầm rằng:

Vị đạo-sĩ bị Long-vương Bhūridatta cắn, nên vị thầy rắn đến an ủi rằng:

– Thưa đạo-sĩ, Long-vương Bhūridatta bò đến cắn đôi bàn chân của Ngài có phải không?

– Kính xin Ngài chớ nên lo sợ, tôi có bổn phận chữa trị vết thương cho Ngài được bình phục.

Nghe vị thầy rắn Alampāyana thưa như vậy, vị đạo-sĩ Sudassana muốn khiêu khích với vị thầy rắn rằng:

– Này thầy rắn Alampāyana! Đức Long-vương ấy không có khả năng làm gì ta được, dù chỉ một chút thôi. Thật ra, trong đời này có bao nhiêu thầy rắn cũng không có một ai hơn ta được.

Vì không biết vị đạo-sĩ ấy là ai, thầy rắn Alampāyana chạm tự ái, nên nổi cơn giận dữ mắng nhiếc rằng:

– Này đạo-sĩ! Ngươi là ai mà ngu si đến cuồng dại, dám tự cao tự đại, mang hình thức đạo-sĩ đến đây thách đố với ta giữa hội chúng đông đảo như thế này!

Vị thầy rắn Alampāyana tuyên bố rằng:

– Kính xin toàn thể hội chúng thông cảm cho tôi, nếu có chuyện gì xảy ra với vị đạo-sĩ này thì tôi là người vô tội, kính xin quý vị đừng giận tôi. 

Nghe vị thầy rắn Alampāyana nói vậy, vị đạo-sĩ thách đố với vị thầy rắn rằng:

– Này thầy rắn Alampāyana! Ông đem con Long-vương đấu với con nhái con của ta. Trong cuộc chiến đấu này giữa hai chúng ta, mỗi người có một số tiền 5000 đồng kahāpana, nếu người nào thua thì người đó mất số tiền đó, nếu người nào thắng thì người ấy được số tiền đó.

Nghe vị đạo-sĩ đặt ra điều kiện đấu nhau như vậy, vị thầy rắn Alampāyana nói với vị đạo-sĩ trẻ rằng:

– Này đạo-sĩ trẻ! Ta là người giàu mới có số tiền lớn như vậy, còn ngươi là kẻ nghèo hèn, ai đứng ra bảo lãnh cho ngươi?

Vậy, trong cuộc chiến đấu này giữa ta và ngươi, mỗi người phải đặt ra một số tiền 5000 đồng kahāpana.

Nghe vị thầy rắn Alampāyana nói như vậy, vị đạo-sĩ Sudassana đến chầu Đức-vua Bārāṇasī tâu rằng:

– Muôn tâu Đại-vương cao thượng, cầu mong Đại-vương được sống lâu, an-lạc. Kính xin Đại-vương đứng ra bảo lãnh số tiền 5000 đồng kahāpana giúp bần đạo.

Nghe vị đạo-sĩ tâu như vậy, Đức-vua truyền hỏi rằng:

– Thưa vị đạo-sĩ, vì lý do gì mà đạo-sĩ cầu xin Trẫm đứng ra bảo lãnh số tiền lớn như vậy?

Nghe Đức-vua truyền hỏi như vậy, vị đạo-sĩ Sudassana tâu rằng:

– Muôn tâu Đại-vương, bởi vì thầy rắn Alampāyana đem Đức Long-vương Bhūridatta đấu với con nhái con của bần đạo. Trong cuộc chiến đấu giữa bần đạo với vị thầy rắn Alampāyana, nếu người nào thua thì phải chịu chồng đủ số tiền 5000 đồng kahāpana cho người thắng.

– Muôn tâu Đại-vương cao thượng, kính xin Đại-vương ngự đến chứng kiến cuộc chiến đấu hôm nay. 

Đức-vua Bārāṇasī ngự cùng vị đạo-sĩ Sudassana ra chỗ sân rồng nơi hội chúng tụ hội đông đảo.

Nhìn thấy Đức-vua ngự ra cùng với đạo-sĩ, vị thầy rắn Alampāyana kính nể không dám xem thường vị đạo-sĩ, do nghĩ rằng: vị đạo-sĩ này là người trong hoàng tộc, nên thưa rằng:

– Thưa vị đạo-sĩ, tôi không dám coi thường tài năng và oai lực của Ngài, nhưng tôi khuyên Ngài không nên ỷ lại vào tài năng của mình mà không biết sợ con Long-vương Bhūridatta này. Tôi cho Ngài biết con Long-vương Bhūridatta này có nhiều thần lực, có chất độc khủng khiếp lắm.

Nghe vị thầy rắn Alampāyana khuyên như vậy, vị đạo-sĩ Sudassana nói với thái độ khiêu khích rằng:

– Này thầy rắn Alampāyana! Bần đạo biết Đức Long-vương này không có chất độc, nhưng ông đã lừa gạt mọi người cho rằng: Đức Long-vương có chất độc kinh khủng, để ông kiếm được nhiều của cải.

Nếu mọi người đều biết Đức Long-vương này không có chất độc, thì ông đâu có kiếm được của cải lớn như thế này?

Nghe vị đạo-sĩ Sudassana nói như vậy, thầy rắn Alampāyana nổi cơn tức giận như điên như cuồng mắng nhiếc vị đạo-sĩ Sudassana rằng:

– Này đạo-sĩ giả! Ngươi mặc đồ gia cọp, đầu đội mũ như đạo-sĩ, ngươi vốn là người si mê đần độn tự cao tự đại, dám thách ta giữa hội chúng này. Ngươi dám coi thường Long-vương Bhūridatta này không có chất độc.

Vậy, ngươi có dám đến gần con Long-vương Bhūri-datta này, để ngươi biết có chất độc kinh khủng, có nhiều thần lực hay không?

Ta nói cho ngươi biết, nếu ngươi đến gần thì con Long-vương Bhūridatta này phun chất độc, phun lửa ra thiêu đốt ngươi biến thành tro bụi ngay!

Vị đạo-sĩ Sudassana nói khiêu khích với vị thầy rắn Alampāyana rằng:

– Này thầy rắn Alampāyana! Con rắn nước, con rắn lửa may ra còn có chất độc, nhưng Đức Long-vương Bhūridatta này làm gì có chất độc!

Vị thầy rắn Alampāyana nổi cơn tức giận điên cuồng nói rằng:

– Này vị đạo-sĩ giả! Tôi từng nghe chư Thánh A-ra-hán cao thượng dạy rằng:

“Các thí-chủ đã làm phước bố-thí trong đời này sau khi họ chết, đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy cho quả tái-sinh lên cõi trời.”

Vậy, khi đang còn sống, ngươi có những gì bố-thí được thì nên làm phước bố-thí ngay bây giờ. Ta sẽ sai khiến con Long-vương Bhūridatta có chất độc kinh khủng, có nhiều thần lực sẽ bò đến cắn ngươi, sẽ thiêu huỷ ngươi biến thành tro bụi ngay bây giờ.

Vị đạo-sĩ Sudassana cũng khuyên vị thầy rắn rằng:

– Này thầy rắn Alampāyana! Tôi cũng từng nghe chư Thánh A-ra-hán cao thượng dạy rằng:

“Các thí-chủ đã làm phước bố-thí trong đời này sau khi họ chết, đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy cho quả tái-sinh lên cõi trời.”

Vậy, khi ông còn sinh-mạng, ông nên đem của cải tài sản để làm phước bố-thí ngay bây giờ. Tôi sẽ cho con nhái con tên Ajamukhī có nhiều chất độc kinh khủng, có nhiều thần lực nhảy ra cắn ông, chắn chắn ông sẽ biến thành tro bụi.

– Này thầy rắn Alampāyana! Con nhái con này tên Ajamukhī vốn là công-chúa của Đức Long-vương Dhataraṭṭha, nó là hoàng-muội cùng Đức Phụ-vương khác Mẫu-hậu với bần đạo, công-chúa Ajamukhī có chất độc kinh khủng, có nhiều thần lực nó sẽ cắn ông biến thành tro bụi.

Sau khi nói xong, đạo-sĩ Sudassana đứng giữa hội chúng đông đảo đưa bàn tay ra gọi hoàng-muội Ajamukhī rằng:

– Này hoàng-muội Ajamukhī yêu quý! Em hãy nhảy ra từ trên mũ của hoàng-huynh, đứng trên bàn tay của hoàng-huynh.

Nghe tiếng Hoàng-huynh Sudassana gọi, con nhái con vốn là công-chúa Ajamukhī nhảy ra từ trên mũ, đứng trên bàn tay của vị đạo-sĩ Sudassana, nhả từ miệng ra ba giọt chất độc trên bàn tay của vị đạo-sĩ Sudassana, rồi nhảy trở lại nằm trên mũ của vị đạo-sĩ như trước.

Khi ấy, vị đạo-sĩ Sudassana đưa ba giọt chất độc dõng dạt tuyên bố rằng:

– Toàn thể dân chúng trong nước này sẽ bị diệt vong chỉ do 3 giọt chất độc này mà thôi.

Tiếng nói của vị đạo-sĩ Sudassana vang dội khắp kinh thành Bārāṇasī ra xa chu vi rộng lớn.

Khi ấy, Đức-vua Bārāṇasī truyền hỏi vị đạo-sĩ Sudassana rằng:

– Thưa Ngài đạo-sĩ, tại sao dân chúng trong nước này sẽ bị diệt vong?

– Tâu Đại-vương, dân chúng trong nước này sẽ bị diệt vong bởi vì ba giọt chất độc này.

– Thưa Ngài đạo-sĩ, xin Ngài bỏ ba giọt chất độc xuống mặt đất được hay không? 

– Tâu Đại-vương, không thể được. Nếu bần đạo bỏ ba giọt chất độc này xuống mặt đất, thì xin Đại-vương nên biết rằng:

Các loài cây ăn trái, các giống lúa, loài hoa màu, v.v… do nương nhờ mặt đất đều bị khô héo, tàn lụi cả vì ba giọt chất độc này.

Vì vậy, bần đạo không thể bỏ xuống mặt đất được.

– Thưa đạo-sĩ, xin Ngài ném xuống nước được hay không?

– Tâu Đại-vương, cũng không thể được. Nếu bần đạo ném ba giọt chất độc này xuống nước, thì xin Đại-vương biết rằng:

Các loài chúng-sinh sống trong nước đều bị chết cả thảy, không còn một con nào sống sót.

Vì vậy, bần đạo không thể bỏ xuống nước được.

– Thưa đạo-sĩ, xin Ngài ném lên hư không có được hay không?

– Tâu Đại-vương, cũng không thể được. Nếu bần đạo ném 3 giọt chất độc này lên hư không thì xin Đại-vương nên biết rằng:

Mưa và sương sẽ không có, hạn hán suốt bảy năm ròng rã.

Vì vậy, bần đạo không thể nào ném lên hư không.

Đức-vua Bārāṇasī khẩn khoản yêu cầu rằng:

– Thưa đạo-sĩ, Trẫn không biết làm cách nào nữa. Vậy, xin Ngài tìm cách cứu giúp toàn thể dân chúng trong nước tránh khỏi tai hoạ diệt vong.

Vị đạo-sĩ Sudassana tâu rằng:

– Tâu Đại-vương, nếu như vậy thì xin Đại-vương truyền lệnh cho đào ba cái hầm thật sâu gần sát nhau, rồi bần đạo sẽ làm cho nó trở thành vô hiệu. 

Sau khi đào xong ba cái hầm sâu, vị đạo-sĩ Sudassana bỏ đầy các loại cây thuốc khác nhau để làm hóa giải bớt chất độc vào hầm thứ nhất, bỏ đầy phân bò vào hầm thứ nhì, bỏ đầy thần dược vào hầm thứ ba.

Vị đạo-sĩ Sudassana bỏ ba giọt chất độc xuống hầm thứ nhất, ngay khi ấy, ngọn lửa bốc cháy ngùn ngụt, cháy lan sang hầm thứ nhì chứa đầy phân bò, rồi cháy sang hầm thứ ba gặp thần dược, ngọn lửa cháy hết thần dược, thì mới tắt.

Khi ấy, vị thầy rắn Alampāyana đứng gần nơi ấy, bị tiếp xúc hơi độc làm cho thân hình của ông lở loét, trở thành bệnh ngoài da thấy rất ghê tởm. Vị thầy rắn sợ hãi hét lên rằng:

“Nāgarājānaṃ vissajjemi.” (3 lần)

Tôi xin thả Đức Long-vương Bhūridatta ra được tự do. (3 lần)

Nghe tiếng la hét lớn của thầy rắn Alampāyana như vậy, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta từ trong lồng kính bò ra, liền biến hóa ra thân hình to lớn có đầy đủ trang phục, đồ trang sức ngọc ngà quý báu đứng giữa hội chúng như Đức-vua-trời, đồng thời vị đạo-sĩ Sudassana và công-chúa Ajamukhī cũng hóa ra như vị thiên-nam, vị thiên-nữ có đầy đủ trang phục và đồ trang sức lộng lẫy đứng bên cạnh Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta.

Khi ấy, Đức Long-vương Sudassana tâu rằng:

– Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương có biết ba huynh đệ muội chúng con là ai không?

Đức-vua Bārāṇasī truyền bảo rằng:

– Thưa quý vị, Trẫm không biết thật.

– Muôn tâu Đại-vương, Đại-vương không biết ba huynh đệ muội chúng con là phải, nhưng điều chắc chắn Đại-vương nhớ rõ chuyện Công-chúa Samuddajā của Đức-vua Brahmadatta ban cho Đức Long-vương Dhataraṭṭha trước kia đúng không?

Đức-vua Bārāṇasī truyền bảo rằng:

– Này quý vị! Đúng vậy, Trẫm nhớ rõ lắm! Bởi vì Công-chúa Samuddajā là Hoàng-muội của Trẫm.

Đức Long-vương Sudassana tâu rõ lý lịch rằng:

– Muôn tâu Đại-vương, cháu là hoàng-tử trưởng tên Sudassana, em cháu là hoàng-tử thứ nhì Bhūridatta, cả hai chúng cháu là hoàng-tử của bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā, Hoàng-muội của Đại-vương.

Vậy, Đại-vương là Đức-vua cậu của hai huynh đệ chúng cháu.

– Muôn tâu Đức-vua cậu, Mẫu-hậu Samuddajā sinh hạ được bốn hoàng-tử: cháu là hoàng-tử trưởng tên Sudassana, kế hoàng-tử thứ nhì Bhūridatta, hoàng-tử thứ ba Subhoga và hoàng-tử thứ tư Ariṭṭha. Mỗi cháu đi tìm hoàng-tử Bhūridatta mỗi nơi. Còn công-chúa Ajamukhī này là hoàng-muội của chúng cháu cùng Đức Phụ-vương Dhataraṭṭha khác Mẫu-hậu.

Nghe Đức Long-vương Sudassana tâu rõ cội nguồn như vậy, Đức-vua Bārāṇasī vui mừng khôn xiết, ôm choàng ba cháu vào lòng, quá xúc động trào ra nước mắt, rồi dẫn nhau ngự vào cung điện.

Trước tiên Đức-vua truyền hỏi rằng:

– Này các cháu yêu quý! Mẫu-hậu Samuddajā của các cháu thế nào? Cậu muốn gặp Mẫu-hậu của các cháu bằng cách nào? 

Đức Long-vương Sudassana tâu rằng:

– Tâu Đức-vua cậu, Mẫu-hậu Samuddajā của các cháu nằm thấy ác mộng đoán biết chắc chắn rằng:

Hoàng-tử Bhūridatta bị tai nạn, cho nên ngày đêm Mẫu-hậu Samuddajā nhớ thương hoàng-tử Bhūridatta, lo lắng sầu não khổ tâm, truyền ba huynh đệ chúng cháu mỗi vị một nơi đi tìm cho được hoàng-tử Bhūridatta, thỉnh về chầu Mẫu-hậu sớm.

– Tâu Đức-vua cậu, Đức-vua ngoại của chúng cháu hiện đang ngự tại nơi nào?

– Này các cháu yêu quý! Đức-vua ngoại của các cháu từ khi tiễn đưa Công-chúa Samuddajā rời khỏi cung điện, ban cho Đức Long-vương Dhataraṭṭha. Từ đó, đêm ngày nhớ thương Công-chúa Samuddajā, nỗi buồn khổ khôn nguôi, nên Đức-vua Ngoại đã truyền ngôi lại cho cậu, rồi Đức-vua Ngoại từ bỏ kinh-thành Bārāṇasī đi vào rừng xuất gia trở thành đạo-sĩ.

Hiện nay, Đức-vua Ngoại đạo-sĩ của các cháu đang ngự tại rừng núi kia.

– Tâu Đức-vua cậu, Mẫu-hậu của chúng cháu muốn viếng thăm Đức-vua Ngoại và Đức-vua cậu. Cháu xin hẹn đến ngày hôm ấy, Đức-vua cậu ngự đến chỗ ở của Đức-vua ngoại. Vào ngày hôm ấy, cháu sẽ thỉnh Mẫu-hậu Samuddajā, và các cháu đủ mặt ngự đến đoàn tụ gia đình tại chỗ ở của Đức-vua Ngoại đạo-sĩ ấy.

Đức-vua Bārāṇasī truyền hỏi về Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta rằng:

– Này cháu Bhūridatta yêu quý! Cháu có nhiều thần lực phi thường như vậy, tại sao vị thầy rắn Alampāyana bắt được cháu?

Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta tâu với Đức-vua cậu Bārāṇasī hiểu rõ về tạo pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật, pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật, pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật, v.v… của mình, rồi Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta thuyết pháp giảng dạy Đức-vua cậu thực-hành mười pháp của Đức-vua, làm phước-thiện bố-thí, giữ-giới, v.v… giữ gìn truyền thống tổ tiên của Hoàng tộc.

Khi ấy, Đức Long-vương Sudassana tâu rằng:

– Tâu Đức-vua cậu, Mẫu-hậu Samuddajā đang ngày đêm nhớ thương, khắc khoải trông ngóng từng giờ từng phút mong gặp Hoàng-tử Bhūridatta. Chúng cháu cần phải trở lại cõi long cung sớm.

Vậy, chúng cháu kính đảnh lễ Đức-vua cậu, xin phép bái biệt Đức-vua cậu, hẹn vào ngày ấy đoàn tụ đông đủ.

Đức-vua Bārāṇasī tiễn đưa những người cháu yêu quý ra khỏi cung điện, không cầm được nước mắt, nhìn theo ba đứa cháu cho đến khi chúng nó biến mất, xuất hiện trở về cõi long cung của mình.

Đức-Bồ-Tát Bhūridatta Trở Về Cõi Long Cung

Khi Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta trở về cõi long cung, Mẫu-hậu Samuddajā, Đức Phụ-vương Dhataraṭṭha, các hoàng-hậu, những người trong hoàng tộc, các quan cận thần, v.v… đều vui mừng khôn xiết.

Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta bị nhốt trong lồng kính một tháng qua, phải chịu mọi cảnh khổ hành hạ đói khát, nên bị lâm bệnh, nằm trên lâu đài của mình, nhưng còn phải vất vả tiếp những người thân đến thăm viếng.

* Hoàng-tử Ariṭṭha có phận sự lên trên cõi trời để tìm kiếm khắp mọi nơi mà không gặp Hoàng-huynh Bhūri-datta, nên đã trở về cõi long cung trước nhất. 

* Hoàng-tử Subhoga có phận sự đi tìm trong khu rừng núi Himavanta, các con sông lớn, các biển cả đại dương, khi Hoàng-tử Subhoga đến con sông Yamunā gặp người thợ săn Nesāda hằng ngày đến con sông này tắm để rửa tội, bởi vì y phản bạn, chỉ thầy rắn Alampāyana bắt Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta.

Hoàng-tử Subhoga bắt người thợ săn Nesāda đem xuống cõi long cung để trị tội, nhưng Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta truyền lệnh cho các long-nam dẫn người thợ săn Nesāda rời khỏi cõi long cung đưa trở về cõi người.

Ngày Đoàn Tụ Thân Tộc

Đúng ngày hẹn, Đức-vua Bārāṇasī cùng với đoàn hộ giá ngự đến cốc của Đức Phụ-vương đạo-sĩ.

Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta truyền lệnh rằng:

– Chúng ta chuẩn bị ngự đến chầu Đức-vua Ngoại Brahmadatta và Đức-vua Cậu Sāgarabrahmadatta.

Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta dẫn đầu phái đoàn gồm có Đức Phụ-vương Dhataraṭṭha, Mẫu-hậu Samuddajā, các hoàng-tử, các công-chúa, các hoàng-hậu, các thành phần trong long tộc, cùng các quan quân theo hộ giá từ cõi long cung xuất hiện lên bờ sông Yamunā trên con đường dẫn đến cốc của Đức-vua Ngoại Brahmadatta đạo-sĩ.

Khi ấy, từ xa nhìn thấy Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta dẫn đầu phái đoàn đông đảo, Đức-vua Sāgarabrahmadatta không nhận ra được Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta cháu của mình, nên tâu hỏi Đức Phụ-vương đạo-sĩ rằng:

– Muôn tâu Đức Phụ-vương, phái đoàn đông đảo, quân lính chỉnh tề, tiếng trống nhịp nhàng, tiếng tù và vang dội của Đức-vua nào từ xa ngự đến, Đức-vua còn trẻ có gương mặt trong sáng như vàng rồng, oai phong lẫm liệt ngự trên chiếc long xa được trang hoàng lộng lẫy, có chiếc lọng che trên đầu.

Đức-vua nào có gương mặt trong sáng như vàng ròng, trên thân mình được điểm trang những viên ngọc maṇi vô giá, bên cạnh có hai người hầu tay cầm quạt lông đuôi công được kết rất xinh đẹp.

Đức-vua nào có thân hình cân đối khoẻ mạnh, trang điểm những viên ngọc maṇi quý giá, đôi chân mang đôi hia vàng óng ánh, tay cầm thanh gươm báu, …

Trẫm xin tỏ lòng tôn kính Đức-vua ấy.

– Muôn tâu Đức Phụ-vương, Đức-vua ấy là Đức-vua đất nước nào? Từ đâu ngự đến đây vậy? Đức Phụ-vương.

Đức Đạo-sĩ Brahmadatta chứng đắc các bậc thiền và các phép-thần-thông là Đức Phụ-vương của Đức-vua Sāgarabrahmadatta truyền dạy rằng:

– Này Hoàng-nhi Sāgarabrahmadatta! Đức Long-vương Bhūridatta sắp ngự đến nơi đây, là hoàng-tử của Đức Long-vương Dhataraṭṭha và Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā, Hoàng-muội của hoàng-nhi. Đức Long-vương Bhūridatta ấy là cháu gọi Đức Phụ-vương là Ông ngoại và gọi hoàng-nhi là vua cậu.

Khi Đức Đạo-sĩ Brahmadatta truyền dạy Đức-vua Sāgarabrahmadatta như vậy, thì Đức Long-vương Bhūridatta dẫn đầu phái đoàn gồm có Đức Phụ-vương Dhataraṭṭha, Mẫu-hậu Samuddajā, các Hoàng-hậu, các hoàng-tử, các công-chúa, các hoàng gia, các đoàn quan quân đông đảo theo hộ giá đến tận cốc của vị Đạo-sĩ Brahmadatta.

Khi ấy, Đức Long-vương Dhataraṭṭha đến đảnh lễ dưới hai bàn chân của Đức Đạo-sĩ Brahmadatta, Nhạc Phụ và đảnh lễ Đức-vua Sāgarabrahmadatta, Nhạc Huynh, rồi ngồi một nơi hợp lẽ.

Tiếp đến Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā đến đảnh lễ dưới hai bàn chân của Đức Đạo-sĩ Brahmadatta, Đức Phụ-vương, Bà vô cùng xúc động, nỗi vui mừng trào nước mắt, khi gặp lại Đức Phụ-vương trải qua bao năm xa cách, Bà gục đầu trên đôi bàn chân của Đức Phụ-vương Brahmadatta một hồi lâu, mới vấn an sức khoẻ, hàn huyên với nhau trong tình phụ tử thiêng liêng, rồi Bà đến đảnh lễ dưới hai bàn chân của Hoàng-huynh Sāgarabrahmadatta. Hoàng-huynh và Hoàng-muội rất vui mừng khôn xiết trào nước mắt, hàn huyên với nhau nói không hết lời. Một cảnh tượng đoàn tụ những người thân yêu với nhau thật là thắm thiết.

Tiếp đến, các hoàng-tử của bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā đến đảnh lễ dưới hai bàn chân của Ông ngoại Brahmadatta lần đầu tiên mới gặp nhau, mới biết lẫn nhau, tình cảm cũng rất là thiêng liêng!

Và cùng nhau đến đảnh lễ dưới hai bàn chân của Đức-vua Cậu Sāgarabrahmadatta.

Cảnh gia đình dòng họ đoàn tụ trong tình cảm thiêng liêng thắm thiết với nhau, rồi phái đoàn Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta đảnh lễ Ông ngoại Đạo-sĩ Brahmadatta và Đức-vua cậu Sāgarabrahmadatta xin bái biệt trở về cõi long cung.

Đức-vua Sāgarabrahmadatta ở lưu lại đôi ba hôm sau mới ngự trở về kinh-thành Bārāṇasī.

* Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā quy thiên tại cõi long cung.

* Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta giữ gìn giới cho đến trọn kiếp, sau khi băng hà, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau làm Đức-vua-trời Sakka trong cõi Tam-thập-tam-thiên như ý nguyện.

Và tất cả mọi nhân vật trong tích này sau khi chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi trời.

Sau khi thuyết về tích Bhūridattajātaka xong, Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

– Này các cận-sự-nam, cận-sự-nữ! Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta là tiền-kiếp của Như-Lai đang bồi bổ các pháp-hạnh ba-la-mật cho được đầy đủ, Đức-Bồ-tát Long-vương rời khỏi cõi long cung, hiện lên cõi người, để giữ gìn bát-giới uposathasīla hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn trong những ngày giới hằng tháng như vậy.

Tích Bhūridattajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại

Trong tích Bhūridattajātaka này, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm kiếp Đức Long-vương Bhūridatta. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Bhūridattajātaka ấy liên quan đến kiếp hiện-tại của những nhân vật ấy như sau:

– Đức Long-vương Dhataraṭṭha, nay kiếp hiện-tại là Đức Phụ-vương Suddhodana.

– Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā, nay kiếp hiện-tại là Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Mahāmayādevī.

– Hoàng-tử trưởng Sudassana, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

– Hoàng-tử Subhoga, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna.

– Hoàng-tử Kāṇāriṭṭha, nay kiếp hiện-tại là tỳ-khưu Sunakkhatta.

– Cậu Somadatta, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ānanda.

– Công-chúa Ajamukhī, nay kiếp hiện-tại là Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā

– Thợ săn Nesāda, nay kiếp hiện-tại là tỳ-khưu Devadatta.

– Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

Mười Pháp-Hạnh Ba-La-Mật

Tóm lược tích Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc hạ, ngoài ra, còn 9 pháp-hạnh ba-la-mật khác cũng đồng thời thành tựu như sau:

– Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta dám hy sinh tất cả, đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta lánh xa ngũ dục, đó là pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta suy xét đúng đắn, đó là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta có sự tinh-tấn không ngừng, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta có đức nhẫn-nại chịu đựng, không hề phát sinh tâm sân, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta giữ gìn lời chân-thật, đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta phát-nguyện bằng lời chân-thật, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật. 

– Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta có tâm-từ đối với người thợ săn, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta có tâm-xả đối với người thợ săn, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

Đó là chín pháp-hạnh ba-la-mật khác đồng thời thành tựu cùng với pháp-hạnh giữ-giới Ba-la-mật bậc hạ ấy.

Nhận Xét Về Tích Đức-Bồ-Tát Long-Vương Bhūridatta

Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc hạ là 1 trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, cũng là 1 trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha).

Pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật đó là tác-ý tâm-sở và ba tiết-chế tâm-sở giữ gìn thân và khẩu tránh xa mọi hành ác, để thành tựu thân hành thiện và khẩu hành thiện, thân và khẩu được trong sạch thanh-tịnh.

Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta nhẫn-nại chịu đựng nỗi khổ cốt để giữ gìn bát-giới uposathasīla gồm có 8 điều-giới cho được trong sạch đầy đủ trọn vẹn, gọi là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc hạ.

Loài Long (Nāga) là hạng chúng-sinh đặc biệt có thần thông biến hóa tự nhiên do quả của nghiệp (kamma-vipāka iddhi). Vì vậy, loài long có thể biến hóa ra thành người, chư-thiên, súc-sinh, v.v… Loài Long ở cõi long cung, có lâu đài toàn bằng vàng, bạc, thất báu, bằng các thứ ngọc quý… phát sinh do quả của đại-thiện-nghiệp.

Tích Bhūridattajātaka này có những trường hợp đặc biệt như:

* Trường hợp Thái-tử Brahmadatta thành hôn với long-nữ sống ở trong rừng. Long-nữ hóa ra lâu đài đầy đủ tiện nghi do oai lực của long-nữ. Bà long-nữ sinh hạ công-tử Sāgarabrahmadatta và tiểu-thư Samuddajā.

Hai đứa con này thuộc về loài người thật giống người cha không có phép-thần-thông biến hóa tự nhiên do quả của đại-thiện-nghiệp như người mẹ long nữ.

Như vậy, người-nam có thể thành hôn với long-nữ sinh con trai, con gái thuộc về loài người thật.

* Trường hợp Đức Long-vương Dhataraṭṭha thành hôn với công-chúa Samuddajā, rồi rước về cõi long cung do oai lực của Đức Long-vương Dhataraṭṭha.

Bà Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā sống trong cõi long cung, sinh hạ được bốn đứa con trai là hoàng-tử trưởng Sudassana, hoàng-tử thứ Bhūridatta (Đức-Bồ-tát Bhūridatta là tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama), hoàng-tử Subhoga và hoàng-tử Āriṭṭha. Bốn đứa con này thuộc về loài long giống cha, nên có phép-thần-thông biến hóa tự nhiên do quả của đại-thiện-nghiệp.

Như vậy, loài long-nam có thể thành hôn với loài người nữ sinh con thuộc về loài long có thần thông biến hóa tự nhiên do quả của đại-thiện-nghiệp.

* Trường hợp người thợ săn Nesāda và đứa con trai Somadatta xuống cõi long cung do oai lực của Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta. Trong khi hai cha con người thợ săn sống ở cõi long cung, được hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung như loài long. Nhưng khi hai cha con trở về cõi người, thì trở lại cuộc sống bình thường như mọi người.

Như vậy, loài người có thể sống ở cõi long cung được, do nhờ oai lực của Đức Long-vương.

(Xong pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật bậc hạ)

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app