Phần 20

3 – Pháp-Hạnh Xuất-Gia Ba-La-Mật (Nekkhammapāramī)

Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật có ba bậc:

3.1- Pháp-Hạnh Xuất-Gia Ba-La-Mật Bậc Hạ (Nekkhammapāramī)

Tích Bhisajātaka (Phi-xá-cha-tá-ká)

Tích Bhisajātaka , Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm con gia đình Bà-la-môn phú hộ, có tâm nhàm chán trong ngũ-dục, nên tạo pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật bậc hạ (nekkhammapāramī), trở thành Đạo-sĩ ở trong rừng Himavanta. Tích này được bắt nguồn như sau:

Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana, gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, Đức-Thế-Tôn đề cập đến một vị tỳ-khưu phát sinh tâm tham muốn trong ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục). Đó là năm đối-tượng ràng buộc, nên Đức-Thế-Tôn cho truyền gọi vị tỳ-khưu ấy đến, truyền hỏi rằng:

– Này tỳ-khưu! Con phát sinh tâm tham muốn trong ngũ-dục như vậy, có thật không?

Vị tỳ-khưu thú thật rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, có thật vậy. Bạch Ngài.

– Này tỳ-khưu! Do nguyên nhân nào mà con phát sinh tâm tham muốn như vậy?

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, do phiền-não phát sinh. Bạch Ngài.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

– Này tỳ-khưu! Con đã xuất-gia trong giáo pháp của Như-Lai, để diệt mọi phiền-não, dẫn đến giải thóat khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới. Sao con để phiền-não phát sinh, rồi sinh tâm tham muốn ngũ-dục như thế!

Trong quá khứ, khi Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác chưa xuất hiện trên thế gian, chư bậc thiện-trí xuất gia trở thành đạo-sĩ, đem vật-dục (vatthukāma) và phiền-não dục (kilesakāma) làm đối-tượng, để tự răn dạy, nguyền rủa mình.

Tích Bhisajātaka

Đức-Thế-Tôn thuyết tích Bhisajātaka được tóm lược như sau:

Trong thời quá khứ, Đức-vua Brahmadatta ngự tại kinh-thành Bārāṇasī. Khi ấy, Đức-Bồ-tát, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh trong gia đình Bà-la-môn phú hộ có của cải tài sản nhiều đến 800 triệu, cha mẹ đặt tên Ngài là Mahākañcanakumāra: Công-tử Mahākañcana.

Về sau, cha mẹ của Đức-Bồ-tát sinh đứa con thứ hai đặt tên là Upakañcanakumāra: Công-tử Upakañcana, theo tuần tự sinh thêm năm đứa con trai và đứa con gái út đặt tên là Kañcanadevī.

Đức-Bồ-tát Mahākañcana trưởng thành sau khi học thành tài các bộ môn theo truyền thống Bà-la-môn từ kinh-thành Takkasilā trở về, cha mẹ muốn cho Đức-Bồ-tát lập gia đình, nên bảo rằng:

– Này Mahākañcana con yêu quý! Cha mẹ muốn chọn một người con gái cùng giai cấp đem về làm lễ thành hôn cho con.

Nghe cha mẹ dạy bảo như vậy, Đức-Bồ-tát Mahā-kañcana thưa với cha mẹ rằng: 

– Kính thưa cha mẹ, con không muốn thành hôn cưới ai làm vợ cả, bởi vì con nhận thức thấy rõ tam-giới này như là nhà tù lớn giam hãm chúng-sinh đáng kinh sợ, đầy tai họa đau khổ, như lửa đang cháy khắp mọi nơi.

Con cảm thấy nhàm chán trong ngũ-dục là sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục, thấy tội lỗi trong ngũ-dục. Dù trong giấc mộng con cũng không từng thấy hành dâm, huống hồ gì con đang tỉnh.

Vậy, làm sao con có thể cưới ai làm vợ được!

– Kính thưa cha mẹ, xin cha mẹ cưới vợ cho các em con. Riêng con chắc chắn không muốn cưới vợ.

Nghe Đức-Bồ-tát Mahākañcana khăng khăng không chịu cưới vợ. Cha mẹ đã khẩn khoản năn nỉ nhiều lần không được, nên nhờ các người bạn thân của Đức-Bồ-tát Mahākañcana đến tha thiết năn nỉ nhưng cũng không làm cho Đức-Bồ-tát thay đổi ý kiến. Các người bạn bèn hỏi Đức-Bồ-tát rằng:

– Này bạn Mahākañcana thân mến! Bạn muốn gì mà không muốn cưới vợ?

Nghe các bạn hỏi như vậy, Đức-Bồ-tát trả lời rằng:

– Này các bạn thân mến! Tôi muốn lánh xa ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục) trong đời, nên tôi không muốn cưới vợ.

Các bạn không thể thuyết phục được Đức-Bồ-tát Mahākañcana, nên cha mẹ của Đức-Bồ-tát đến khuyên bảo tuần tự sáu người con trai còn lại nên cưới vợ, nhưng không có người con trai nào chịu vâng lời theo cha mẹ.

Cả sáu người con trai đều khăng khăng không chịu cưới vợ, thậm chí người con gái út Kañcanadevī cũng không chịu lấy chồng.

Cha mẹ không thể khuyên bảo người con nào được.

Về sau, khi cha và mẹ tuần tự qua đời, Đức-Bồ-tát Mahākañcana anh trưởng cùng với sáu người em làm lễ hoả táng cha và mẹ xong, tất cả bảy anh em đồng tâm nhất trí đem tất cả của cải khoảng 800 triệu làm phước-thiện đại-thí đến cho những người nghèo khổ, thiếu thốn, rồi bảy anh em dự định cùng dẫn nhau vào rừng núi Himavanta, xuất gia trở thành đạo-sĩ.

Xuất-Gia Trở Thành Đạo-Sĩ

Sau khi làm phước-thiện đại-thí hết phần của cải tài sản xong, Đức-Bồ-tát Mahākañcana anh trưởng dẫn sáu người em trai, một người em gái, một người tớ trai, một người tớ gái và một người bạn hữu cùng nhau đi vào rừng núi Himavanta, mỗi người làm một cốc lá gần hồ sen lớn, rồi xuất gia trở thành đạo-sĩ sống tại nơi ấy.

Hằng ngày, các đạo-sĩ dẫn nhau vào rừng vừa chuyện trò vừa hái trái cây lớn nhỏ, các thứ rau, các loại củ, … đem về cùng ăn chung chuyện trò vui vẻ với nhau.

Một hôm, trên đường từ trong rừng trở về, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana suy nghĩ rằng:

“Chúng ta đã từ bỏ nhà cửa, của cải đi xuất-gia trở thành đạo-sĩ sống trong rừng núi, mà cách sống giống như đời sống của người tại gia thế này, không thích hợp với bậc xuất-gia trở thành đạo-sĩ như chúng ta.”

Buổi chiều hôm ấy, gọi tất cả các vị đạo-sĩ tụ hội, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana nói rõ điều suy nghĩ của mình, rồi bảo rằng:

– Này quý vị đạo-sĩ! Từ nay, mỗi vị ở tại cốc của mình thực-hành pháp-hành thiền-định với đề mục kasiṇa, không nên chuyện trò vui vẻ với nhau như thế này nữa.

Chỉ một mình tôi đi vào rừng tìm các thứ trái cây lớn nhỏ, rau, củ mà thôi, đem về chia ra 11 phần ăn.

Khi nghe tiếng kiểng đá báo hiệu, mỗi vị từ cốc đi ra nghiêm chỉnh, cẩn trọng lục-môn (nhãn-môn, nhĩ-môn, tỷ-môn, thiệt-môn, thân-môn, ý-môn) thanh-tịnh đến tại tảng đá này, lãnh một phần ăn đem về cốc để dùng, rồi tiếp tục thực-hành pháp-hành thiền-định với đề mục kasiṇa.

Trong trường hợp đặc biệt, nếu vị đạo-sĩ nào có sự việc gì xảy ra thì vị đạo-sĩ ấy nên đánh kiểng đá báo hiệu, để tất cả các vị đạo-sĩ sẽ tụ hội tại nơi này.

Nghe Đức-Bồ-tát Mahākañcana truyền bảo như vậy, vị đạo-sĩ Upakañcana em kế thứ nhì bạch rằng:

– Kính bạch vị Đạo-trưởng, tất cả chúng em đều nương nhờ nơi Đạo-trưởng mà xuất gia trở thành đạo-sĩ như ngày nay.

Vậy, Đạo-trưởng là Tôn sư của chúng con, tất cả chúng con đều có bổn phận hầu hạ phục vụ Tôn sư. Cho nên, việc đi vào rừng tìm các thứ trái cây lớn nhỏ, rau, củ là phận sự của chúng con.

– Kính bạch Tôn sư, xin thỉnh Tôn sư, nữ đạo-sĩ Kañcanadevī em gái và nữ đạo-sĩ tớ gái, cả ba vị đều ở tại cốc thực-hành pháp-hành thiền-định, còn lại chúng con gồm có tám vị luân phiên nhau, mỗi ngày một vị đi vào rừng tìm đủ các thứ trái cây lớn nhỏ, rau, củ, đem về chia ra làm 11 phần ăn, đặt trên tảng đá này, rồi đánh kiểng báo hiệu.

Khi nghe tiếng kiểng, xin thỉnh mỗi vị đi ra nhận một phần ăn đem về cốc để dùng, rồi thực-hành pháp-hành thiền-định với đề mục kasiṇa.

Về sau, các đạo-sĩ xuống hồ lấy củ sen lên nấu chín chia ra làm 11 phần ăn cho mỗi vị một phần ăn để dùng. 

Tất cả các vị đạo-sĩ tinh-tấn thực-hành pháp-hành thiền-định với đề mục kasiṇa, có định tâm vững chắc, có nhiều oai lực phi thường.

Khi ấy, cõi trời Tam-thập-tam-thiên của Đức-vua trời Sakka bị rung chuyển do oai lực giới-đức của các đạo-sĩ ấy, khiến Đức-vua-trời Sakka phải kính phục, nên nghĩ rằng:

“Tất cả các vị đạo-sĩ ấy có còn hướng tâm đến hưởng thụ ngũ-dục hay không? Ta nên thử xem cho biết sự thật.”

Đức-vua-trời Sakka dùng oai lực giấu phần ăn củ sen của vị Đạo-trưởng Mahākañcana.

Ngày đầu, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana từ trong cốc đi ra đến tảng đá không thấy phần ăn củ sen của mình, nên nghĩ rằng:

“Hôm nay, vị đạo-sĩ ấy quên chia phần ăn của ta rồi.”

Ngày thứ hai, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana cũng không thấy phần ăn củ sen của mình, nên nghĩ rằng:

“Chắc ta có lỗi gì, nên vị ấy không chia phần ăn củ sen cho ta.”

Ngày thứ ba, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana cũng không thấy phần ăn củ sen của mình, nên nghĩ rằng:

“Do nguyên nhân nào mà quý vị không chia phần ăn củ sen cho ta suốt ba ngày qua?

Nếu ta có lỗi thì ta nên xin lỗi, rồi ta xin quý vị tha thứ lỗi cho ta.”

Nghĩ như vậy, chiều hôm ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana đánh tấm kiểng đá báo hiệu.

Nghe tiếng kiểng đá, tất cả các vị đạo-sĩ cùng nhau đến tụ hội tại nơi quy định. Một vị đạo-sĩ hỏi rằng:

– Kính thưa quý vị, vị nào đánh kiểng đá, có điều gì xảy ra vậy?

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana bảo rằng:

– Này quý vị, chính tôi là người đánh kiểng đá.

Các vị đạo-sĩ thưa rằng:

– Kính bạch Tôn sư, do nguyên nhân gì mà Tôn sư đánh kiểng đá vậy?

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana hỏi rằng:

– Này quý vị! Đã ba ngày qua liên tục, ba vị nào có phận sự đi tìm củ sen vậy?

Một vị đạo-sĩ đứng dậy chắp hai tay thưa rằng:

– Kính bạch Tôn sư, ngày hôm trước cách nay ba hôm, phiên con đi tìm củ sen. Bạch Ngài.

– Này con! Ngày hôm ấy, con có nhớ chia phần củ sen cho thầy hay không?

– Kính bạch Tôn sư, ngày hôm ấy, con đã chọn lựa những củ sen ngon nhất làm phần ăn để kính dâng đến Tôn sư trước. Bạch Ngài.

– Này quý vị! Ngày hôm qua vị nào đi tìm củ sen vậy?

Một vị đạo-sĩ đứng dậy chắp hai tay thưa rằng:

– Kính bạch Tôn sư, ngày hôm qua, phiên con đi tìm củ sen. Bạch Ngài.

– Này con! Ngày hôm qua, con có nhớ chia phần ăn củ sen cho thầy hay không?

– Kính bạch Tôn sư, hôm qua, con đã chọn lựa những củ sen ngon nhất làm phần ăn để kính dâng đến Tôn sư trước. Bạch Ngài.

– Này quý vị! Ngày hôm nay, vị nào đi tìm củ sen vậy?

Một vị đạo-sĩ đứng dậy chắp hai tay thưa rằng: 

– Kính bạch Tôn sư, ngày hôm nay, phiên con đi tìm củ sen. Bạch Ngài.

– Này con! Ngày hôm nay, con có nhớ chia phần ăn củ sen cho thầy hay không?

– Kính bạch Tôn sư, hôm nay, con đã chọn lựa những củ sen ngon nhất làm phần ăn để kính dâng đến Tôn sư trước. Bạch Ngài.

Nghe ba vị đạo-sĩ bạch như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana báo cho biết rằng:

– Này quý vị! Suốt ba ngày qua, thầy đến tảng đá để nhận phần ăn của mình, nhưng không được phần ăn củ sen nào cả.

* Ngày đầu, thầy nghĩ rằng: “Vị chia phần ăn, quên phần của ta rồi.”

* Ngày hôm qua, thầy nghĩ rằng:“Chắc ta có lỗi gì?”

* Ngày hôm nay, thầy nghĩ rằng: “Ta nên đánh kiểng đá, báo quý vị đến tụ hội tại nơi này. Nếu ta có lỗi thì ta nên xin quý vị tha lỗi.”

Đó là nguyên nhân mà thầy đánh kiểng đá chiều nay.

Nay, thầy đã nghe ba vị làm phận sự tìm củ sen trong ba ngày qua, đều có chia phần ăn củ sen cho thầy, nhưng sự thật, thầy không nhận được phần ăn củ sen.

Vậy, ai là người ăn cắp phần ăn củ sen ấy?

Thật ra, ăn cắp phần ăn củ sen, đó là điều đáng trách đối với bậc đã từ bỏ nhà cửa, của cải đi xuất gia trở thành đạo-sĩ như chúng ta.

Nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana truyền bảo như vậy, tất cả các vị đạo-sĩ đều phát sinh tâm ghê-sợ tội-lỗi mà thốt lên kinh ngạc rằng: “Ô! Tội lỗi thật!”

Khi ấy, vị thiên-nam ngự trên cây trong rừng gần hồ nước, hiện xuống dưới đất, đến ngồi nơi hội họp ấy; một con voi phá chuồng, chạy trốn trong rừng, thỉnh thoảng đến đảnh lễ chư đạo-sĩ, cũng đến đứng nơi ấy; một con khỉ bị thầy bắt rắn bắt buộc diễn trò với con rắn hổ mang, nên chạy trốn vào rừng sống gần hồ nước cũng đến ngồi nơi ấy; Đức-vua-trời Sakka hiện xuống ẩn mình không để ai thấy cũng chứng kiến tại nơi ấy.

Khi ấy, vị đạo-sĩ Upakañcana, em trai kế của Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana, đứng dậy thành kính đảnh lễ Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana Tôn sư, và kính trọng các vị đạo-sĩ, với lòng chân thành xin bạch rằng:

– Kính bạch Tôn sư, xin Thầy cho phép con bộc bạch sự trong sạch của con có được không?

Nghe Upakañcana bạch như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana bảo rằng:

– Này Upakañcana! Thầy cho phép con tự nhiên bộc bạch sự trong sạch của con.

Những Lời Thề Gọi Là Độc Địa

* Vị đạo-sĩ Upakañcana đứng giữa nhóm đạo-sĩ bộc bạch sự trong sạch của mình, xin thề với lời độc địa rằng:

– Kính bạch Tôn sư, nếu người nào ăn cắp phần ăn củ sen của Thầy thì xin cho người ấy có được nhiều ngựa, nhiều bò, nhiều vàng bạc, có được người vợ xinh đẹp dễ thương thật đáng yêu quý nhất, có nhiều con trai con gái thật dễ thương.

Sở dĩ, đó gọi là lời thề độc địa là vì vị đạo-sĩ ấy thấy những thứ vật-dục ấy có nhiều chừng nào, thì nỗi khổ thân, khổ tâm cũng có nhiều chừng ấy, bởi vì những thứ ấy đều vô thường, là khổ cả.

Vị đạo-sĩ này là người lánh xa ngũ-dục (là sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục), có tâm nhàm chán trong ngũ-dục, bởi vì đó là năm đối-tượng ràng buộc. 

Các vị đạo-sĩ khác cũng thấy rõ, biết rõ tội lỗi của vật-dục (vatthukāma) và phiền-não-dục (kilesakāma).

Vì vậy, khi nghe vị đạo-sĩ Upakañcana thề độc địa như vậy, các vị đạo-sĩ đều bịt hai lỗ tai lại. Còn Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana bảo rằng:

– Này Upakañcana! Lời thề của con thật là độc địa quá! Con không ăn cắp củ sen thật sự. Vậy, con nên ngồi xuống chỗ ngồi của mình.

* Tiếp theo vị đạo-sĩ em trai thứ nhì đứng dậy thành kính đảnh lễ Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana, xin bộc bạch sự trong sạch của mình, xin thề với lời độc địa rằng:

– Kính bạch Tôn sư, nếu người nào ăn cắp phần ăn củ sen của Thầy thì xin cho người ấy thích trang sức, thoa bột trầm đỏ thơm tho, mặc vải từ vùng Kāsi, là người có nhiều con trai con gái dễ thương, là người say mê đắm đuối trong ngũ-dục.

Bởi vì, người nào say mê đắm đuối trong ngũ-dục thì người ấy phải chịu bao nhiêu nỗi khổ.

* Tiếp theo cũng như vậy, vị đạo-sĩ em trai thứ ba xin thề với lời độc địa rằng:

– Kính bạch Tôn sư, nếu người nào ăn cắp phần ăn củ sen của Thầy thì xin cho người ấy là người tại gia có nhiều ruộng đất, nhiều lúa gạo đầy kho, nhiều của cải ngọc ngà châu báu, nhiều con trai con gái, có danh tiếng, say mê trong ngũ-dục, người ấy sống tại gia như vậy, không thấy sự già, sự bệnh của mình.

Bởi vì, người sống tại gia có đầy đủ ngũ-dục, chắc chắn sẽ có nhiều nỗi khổ lớn lao.

* Tiếp theo cũng như vậy, vị đạo-sĩ em trai thứ tư xin thề với lời độc địa rằng:

– Kính bạch Tôn sư, nếu người nào ăn cắp phần ăn củ sen của Thầy thì xin cho người ấy được làm lễ đăng quang lên ngôi vua có nhiều quyền lực, có sức mạnh, xâm chiếm các nước khác làm nước chư hầu, trị vì đất nước rộng lớn có bốn biển làm ranh giới.

Bởi vì, thấy tội lỗi trong ngôi vị đế-vương. Đức-vua càng lớn thì càng có nhiều nỗi khổ.

* Tiếp theo cũng như vậy, vị đạo-sĩ em trai kế thứ năm xin thề với lời độc địa rằng:

– Kính bạch Tôn sư, nếu người nào ăn cắp phần ăn củ sen của Thầy thì xin cho người ấy là vị thầy Bà-la-môn say mê trong sự xem sao, đoán số không bao giờ biết chán, được Đức-vua, các quan, các phú hộ,… thường đến lễ bái cúng dường người ấy.

Bởi vì, tâm tham-ái trong lễ vật cúng dường là nhân sinh khổ thân, khổ tâm.

* Tiếp theo cũng như vậy, vị đạo-sĩ em trai kế thứ sáu xin thề với lời thề độc địa rằng:

– Kính bạch Tôn sư, nếu người nào ăn cắp phần ăn củ sen của Thầy thì xin cho người ấy được mọi người trong đời suy tôn là người tài giỏi về môn tụng thần chú; người ấy được nổi danh lan truyền khắp mọi nơi, nên có nhiều người đem các phẩm vật đến lễ bái cúng dường người ấy.

Bởi vì, thấy tội lỗi trong lễ vật cúng dường.

* Tiếp theo cũng như vậy, vị đạo-sĩ bạn hữu xin thề với lời độc địa rằng:

– Kính bạch Tôn sư, nếu người nào ăn cắp phần ăn củ sen của Thầy thì xin cho người ấy được Đức-vua ban cho xóm làng trù phú để lấy thuế, lúc nào cũng phát sinh tâm tham hoan hỷ cho đến chết.

Bởi vì, thấy tội lỗi trong của cải tài sản. 

* Tiếp theo cũng như vậy, vị đạo-sĩ tớ trai xin thề với lời thề độc địa rằng:

– Kính bạch Tôn sư, nếu người nào ăn cắp phần ăn củ sen của Thầy thì xin cho người ấy được Đức-vua ban ân huệ làm chủ một vùng trù phú, ngày đêm thưởng thức ca hát, nhảy múa vui chơi trong đám bạn hữu. Xin đừng gặp điều không may nào xảy ra cả.

Bởi vì, thấy rõ, biết rõ tội lỗi trong vật-dục và phiền-não-dục là nhân sinh khổ.

* Tiếp theo cũng như vậy, nữ đạo-sĩ Kañcanadevī em gái út xin thề với lời độc địa rằng:

– Kính bạch Tôn sư, nếu người nữ nào ăn cắp phần ăn củ sen của Thầy thì xin cho người nữ ấy được Đức-vua cao cả nhất trên trái đất, tấn phong người nữ ấy là đệ nhất Chánh-cung Hoàng-hậu cao cả nhất đứng đầu trong 16 ngàn hoàng-hậu, cung phi mỹ nữ.

Bởi vì, nữ đạo-sĩ có tâm nhàm chán trong ngũ-dục, xem ngũ-dục ví như đống phẩn có mùi hôi thối nên tránh xa, thấy rõ, biết rõ tội-lỗi trong ngũ-dục.

* Tiếp theo cũng như vậy, nữ đạo-sĩ tớ gái xin thề với lời độc địa rằng:

– Kính bạch Tôn sư, nếu tớ gái nào ăn cắp phần ăn củ sen của Thầy thì xin cho tớ gái ấy không biết sợ sệt, ngồi ăn chung những món ăn ngon với những người chủ.

Bởi vì, người tớ gái ngồi ăn chung với chủ, đó là điều bất-hạnh.

* Tiếp theo vị thiên-nam xin thề với lời độc địa rằng:

– Kính bạch vị Đạo-sư, nếu thiên-nam nào ăn cắp phần ăn củ sen của Đạo-sư thì xin cho kiếp sau của thiên-nam ấy sẽ là Ngài Trưởng-lão trụ-trì một ngôi chùa lớn cũ tại kinh-thành lớn, nên thường sửa chữa, làm mọi công việc hằng ngày, là Ngài Trưởng-lão ham mê làm việc suốt ngày.

Bởi vì, trong thời-kỳ Đức-Phật Kassapa, tiền-kiếp vị thiên-nam này đã từng là Ngài Trưởng-lão trụ-trì một ngôi chùa lớn cũ, nên phải sửa chữa, làm mọi công việc hằng ngày, phải chịu bao nhiêu khổ cực.

Vì vậy, vị thiên-nam tưởng nhớ lại tiền-kiếp của mình mà kinh sợ.

* Tiếp theo con voi cũng xin thề với lời độc địa rằng:

– Kính bạch vị Đạo-sư, nếu con voi nào ăn cắp phần ăn củ sen của vị Đạo-sư thì xin cho con voi ấy bị buộc bốn chân, cổ và eo buộc bằng sợi dây xích chắc chắn, bị dắt ra khỏi rừng yên tịnh này, dẫn về kinh-thành, bị đâm bằng lưỡi giáo, bị móc bằng câu móc.

* Tiếp theo con khỉ cũng xin thề với lời độc địa rằng:

– Kính bạch vị Đạo-sư, nếu con khỉ nào ăn cắp phần ăn củ sen của vị Đạo-sư thì xin cho con khỉ ấy bị đeo vòng hoa đẹp nơi cổ, bị xỏ lỗ tai, bị đánh bằng roi. Vị thầy rắn tập luyện con khỉ xong, bắt con khỉ ấy diễn trò với rắn hổ mang, bắt đến gần miệng rắn hổ mang. Con khỉ ấy bị buộc cổ dắt đi diễn trò với rắn hổ mang theo các ngõ đường trong kinh-thành.

Nghe tất cả 13 vị có lời thề độc địa như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana nghĩ rằng: tất cả

“Không biết có ai nghĩ rằng ta không mất phần ăn củ sen mà nói rằng mất hay không, để bộc bạch sự trong sạch của mình. Vậy, ta cũng xin thề với lời độc địa trước sự hiện diện của tất cả quý vị rằng:

– Này quý vị! Người nào nói dối rằng: “Phần ăn củ sen không mất mà nói mất, hoặc có nghi ngờ người nào, thì xin cho người ấy say mê hưởng mọi thứ ngũ-dục (vatthukāma) với tâm phiền-não-dục (kilesakāma), không được đi xuất gia trở thành đạo-sĩ, cho đến chết ở trong gia đình.

Ẩn mình nghe 11 vị đạo-sĩ, vị thiên-nam và con voi, con khỉ bộc bạch tâm trong sạch của mình như vậy, mà họ cho rằng: “Đó là lời thề độc địa”, nên Đức-vua-trời Sakka nghĩ rằng:

“Ta có tác-ý giấu phần ăn củ sen của vị Đạo-sư suốt ba ngày qua, để thử nhóm đạo-sĩ xem. Nay nghe họ đều tỏ vẻ nhàm chán trong ngũ-dục thật sự, thấy tội-lỗi ngũ-dục như nhổ bãi nước miếng, nên họ đều thề với lời thề mà họ cho là độc địa.

Vậy, ta nên bạch hỏi nguyên nhân nào mà họ phát sinh tâm nhàm chán trong ngũ-dục như vậy”

Đức-vua-trời Sakka hiện ra ngự đến đảnh lễ Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana, rồi truyền hỏi rằng:

– Kính bạch Ngài Đạo-sư Mahākañcana, phần đông chúng-sinh trong đời mong mỏi, tìm kiếm những ngũ-dục, nên tạo ác-nghiệp, mọi đại-thiện-nghiệp, bởi vì ngũ-dục là đối-tượng đáng mong ước, đáng hài lòng ưa thích, đáng say mê đối với chúng-sinh trong đời này.

Đối với quý Ngài đạo-sĩ nhận thức thế nào về ngũ-dục mà phát sinh tâm nhàm chán trong ngũ-dục như vậy? Bạch Ngài.

Nghe Đức-vua-trời Sakka bạch hỏi như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana tâu rằng:

– Muôn tâu Đức-vua-trời Sakka, bởi vì say mê trong ngũ-dục, nên phần đông chúng-sinh tạo thân hành ác, tạo khẩu nói ác, để phải chịu mọi cảnh khổ như bị hành hạ đánh đập, bị giam cầm trong nhà tù, bị chém giết.

Bởi vì say mê trong ngũ-dục nên phần đông chúng-sinh phát sinh tâm dể duôi, quên mình tạo ác-nghiệp mà bậc thiện-trí chê trách. Những người ấy phải chịu quả khổ trong kiếp hiện-tại. Sau khi chết, nếu ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau thì sẽ sinh trong bốn cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy.

Do thấy tội lỗi của ngũ-dục như vậy, nên các đạo-sĩ phát sinh đại-thiện-tâm nhàm chán trong ngũ-dục.

Nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ thưa như vậy, Đức-vua-trời Sakka bạch thú thật rằng:

– Kính bạch Ngài Đạo-sư Mahākañcana cao thượng, Trẫm muốn thử xem quý vị đạo-sĩ có còn hướng tâm đến hưởng thụ ngũ-dục hay không, nên mới lấy giấu phần ăn củ sen của Ngài Đạo-sư suốt ba ngày liên tiếp.

Tất cả quý Ngài đạo-sĩ đều là những bậc có giới-đức trong sạch, hoàn toàn không phạm tội trộm cắp.

– Kính bạch Ngài Đạo-sư Mahākañcana, đây là ba phần ăn củ sen của Ngài.

Đức-Vua-Trời Sakka Bị Quở Trách

Nghe Đức-vua-trời Sakka bạch như vậy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana tâu rằng:

– Tâu Đức-vua-trời Sakka, các vị đạo-sĩ chúng tôi không phải những người thuộc hạ của Đức-vua-trời, chúng tôi không phải những người để cho Đức-vua-trời thử xem như vậy.

Các đạo-sĩ chúng tôi không phải thân quyến cũng không phải bạn hữu của Đức-vua-trời.

Tại sao Đức-vua-trời ngự xuống đây làm trò đùa với các đạo-sĩ chúng tôi như vậy! 

Đức-Vua-Trời Sakka Sám Hối Và Xin Nương Nhờ

Nghe Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana quở trách như vậy, Đức-vua-trời Sakka cúi xin lỗi bằng câu kệ rằng:

– Kính bạch Ngài Đạo-sư Mahākañcana cao thượng, Trẫm xin hết lòng thành kính đảnh lễ, xin sám hối Ngài Đạo-sư cùng quý vị đạo-sĩ, cầu xin quý Ngài tha thứ lỗi cho Trẫm đã phạm đến quý Ngài lần này. Trẫm cầu mong chư bậc thiện-trí, có đức nhẫn-nại, có tâm từ tế độ không ghét bỏ Trẫm.

Trẫm xin Ngài Đạo-sư là vị Tôn sư, là Đức Phụ-thân của Trẫm, Trẫm xin nương nhờ bóng mát dưới đôi bàn chân của Ngài Đạo-sư.

Khi Đức-vua-trời Sakka thành tâm sám hối lỗi lầm của mình, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana tha thứ lỗi cho Đức-vua-trời Sakka và khuyên bảo nhóm vị đạo-sĩ cũng nên tha thứ lỗi cho Đức-vua-trời Sakka nữa.

Vâng lời Thầy, nhóm đạo-sĩ đều hoan hỷ tha thứ lỗi cho Đức-vua-trời Sakka.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana khuyên dạy nhóm đệ-tử rằng:

– Này các con! Tất cả chúng ta được thấy Đức-vua-trời Sakka cao cả trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, đó là điều vinh hạnh đối với chúng ta sống trong rừng như thế này. Nếu sống tại nhà thì chúng ta không có cơ hội thấy Đức-vua-trời Sakka như vậy.

– Này các con! Các con nên phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ, hãy nên tha thứ lỗi cho Đức-vua-trời Sakka, bởi vì thầy đã nhận lại được phần ăn củ sen rồi.

Sau đó, Đức-vua-trời Sakka thành kính đảnh lễ Đức Đạo-sư Mahākañcana và nhóm đạo-sĩ, rồi xin phép ngự trở về cõi trời Tam-thập-tam-thiên. 

Tất cả nhóm đạo-sĩ thực-hành pháp-hành thiền-định, đều chứng đắc các bậc thiền sắc-giới và chứng đắc các phép-thần-thông.

Sau khi nhóm đạo-sĩ chết, sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh lên cõi trời sắc-giới phạm-thiên.

Sau khi thuyết về tích Bhisajātaka xong, Đức-Thế-Tôn truyền dạy chư tỳ-khưu rằng:

– Này chư tỳ-khưu! Chư đạo-sĩ thiện-trí tiền bối đều đem ngũ-dục ra làm đối-tượng để thề với lời thề gọi là độc địa theo cảm tưởng của mình như vậy.

Đức-Thế-Tôn thuyết về pháp chân-lý tứ Thánh-đế, tỳ-khưu có tâm tham muốn trong ngũ-dục thấy rõ tội-lỗi của ngũ-duc, nên nhàm chán ngũ-dục, rồi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu tại nơi ấy.

Tích Bhisajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại

Trong tích Bhisajātaka này, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama làm đạo-sĩ Mahākañcana trong thời quá khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian thì hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Bhisajātaka liên quan đến kiếp hiện-tại của những nhân vật ấy như sau:

– Vị đạo-sĩ Upakañcana em trai thứ nhất, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

– Vị đạo-sĩ em trai thứ nhì, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna.

– Vị đạo-sĩ em trai thứ ba, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa. 

– Vị đạo-sĩ em trai thứ tư, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Anuruddha.

– Vị đạo-sĩ em trai thứ năm, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Puṇṇa.

– Vị đạo-sĩ em trai thứ sáu, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Ānanda.

– Vị nữ đạo-sĩ Kañcanadevī em gái út, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā.

– Vị đạo-sĩ tớ gái, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Khujjuttarā.

– Đức-vua-trời Sakka, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Kāḷudāyī.

– Vị đạo-sĩ tớ trai, nay kiếp hiện-tại là cận-sự-nam Cittagahapati.

– Vị thiên-nam cội cây, nay kiếp hiện-tại là Dạ-xoa Sātāgira.

– Con voi, nay kiếp hiện-tại là voi chúa Pālileyya.

– Con khỉ, nay kiếp hiện-tại là con khỉ dâng mật ong đến Đức-Phật Gotama tại rừng Pālileyya.

– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

Mười Pháp-Hạnh Ba-La-Mật

Tóm lược tích Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật bậc hạ, ngoài ra, còn có pháp-hạnh ba-la-mật khác cũng đồng thời thành tựu như sau:

– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana đem tất cả của cải làm phước bố-thí, đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana giữ-giới trong sạch, đó là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật. 

– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana có trí-tuệ suy xét đúng đắn, đó là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana có sự tinh-tấn không ngừng, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana có đức nhẫn-nại, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana phát-nguyện bằng lời chân-thật, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana có tâm-từ đối với chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Mahākañcana có tâm-xả đối với chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

Đó là 9 pháp-hạnh ba-la-mật khác cũng đồng thời thành tựu cùng một lúc với pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật bậc hạ này.

Nhận Xét Về Đức-Bồ-Tát Đạo-Sĩ Mahākañcana

Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật bậc hạ là 1 trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, cũng là 1 trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha).

Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật đó là đại-thiện-tâm trong sạch nhàm chán trong ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục).

Trong tích Bhisajātaka này, Đức-Bồ-tát Mahākañcana, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, sinh trong gia đình phú hộ.

Khi Đức-Bồ-tát Mahākañcana trưởng thành, cha mẹ khuyên bảo Đức-Bồ-tát nên cưới vợ, nhưng Đức-Bồ-tát khăng khăng từ chối, không chịu cưới vợ, bởi vì Đức-Bồ-tát thấy rõ tội lỗi trong ngũ-dục. 

Đức-Bồ-tát Mahākañcana huynh trưởng làm gương cho sáu người em trai và một người em gái noi theo.

Sau khi cha mẹ qua đời, Đức-Bồ-tát Mahākañcana đem tất cả của cải làm phước-thiện đại-thí đến những người nghèo khổ, rồi dẫn sáu người em trai, một người em gái, một người bạn hữu, một người tớ trai và một người tớ gái đi vào rừng Himavanta, xuất gia trở thành đạo-sĩ.

Tất cả nhóm vị đạo-sĩ đều là những người có tâm nhàm chán trong ngũ-dục, thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm.

Sau khi 11 vị đạo-sĩ này chết, sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên.

(Xong pháp-hạnh xuất-gia Ba-la-mật bậc hạ)

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app