Phần 15

Người Thợ Săn Và Con Trai

Trong thời ấy, một gia đình người thợ săn Nesāda nhà ở gần kinh-thành Bārāṇasī, hằng ngày người thợ săn Nesāda và người con trai tên Somadatta đi vào rừng đặt bẫy, săn bắn thú rừng bán thịt để nuôi sống gia đình.

Một hôm, hai cha con người thợ săn đi vào rừng săn bắn không được con thú nào, người cha nói với người con rằng:

– Này Somadatta! Hôm nay, cha con chúng ta săn bắn không được con thú nào đem về nhà, chắc chắn cha con ta sẽ bị mẹ của con nổi giận rầy la.

Bây giờ trời tối rồi, cha con ta leo lên cây ngủ tạm qua đêm nay, ngày mai chúng ta sẽ đi săn bắn cho được những con thú đem về nhà.

Sáng hôm ấy, nhằm vào ngày giới Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta xuất hiện lên cõi người, nằm khoanh tròn quanh gò mối gần gốc cây đa, nguyện thọ trì bát-giới uposathasīla, rồi giữ gìn tám điều-giới cho được trong sạch trọn vẹn.

Khi ấy, biết có người thợ săn Nesāda tìm đến, nên Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta liền biến hóa thành Đức-vua-trời. Người thợ săn Nesāda hỏi rằng:

– Thưa Ngài, Ngài là ai mà ngồi một mình ở nơi khu rừng vắng vẻ này?

Nghe người thợ săn Nesāda hỏi như vậy, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta trả lời rằng:

– Này Bà-la-môn! Ta là Đức Long-vương ở cõi long cung có nhiều oai lực, nếu ta nổi giận thì có thể thiêu huỷ những vật xung quanh biến thành tro bụi, Đức Phụ-vương của ta là Đức Long-vương Dhataraṭṭha và Mẫu-hậu là Chánh-cung Hoàng-hậu Samuddajā, ta là hoàng-tử Bhūridatta.

Nhìn người thợ săn Nesāda này, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta biết rằng:

“Người thợ săn Nesāda này là con người ác, phản bạn. Nếu người thợ săn này đi báo cho vị thầy rắn đến đây, thì vị thầy rắn sẽ gây ra tai hoạ cho việc thọ trì bát-giới uposathasīla của ta.

Vậy, ta nên mời người thợ săn Nesāda này đến cõi long cung, rồi ta sẽ ban cho y địa vị, nhiều của cải, để y an hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung.

Như vậy, ta sẽ được thuận lợi trong việc thọ trì bát-giới uposathasīla lâu dài.”

Nghĩ xong Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta truyền hỏi người thợ săn Nesāda rằng:

– Này Bà-la-môn! Ngươi ở cõi người này, phải vất vả đi săn bắn thú rừng bán thịt nuôi mạng khổ cực lắm, ta mời ngươi đến cõi long cung, ta sẽ ban cho ngươi chức vị, nhiều của cải, để cho ngươi an hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung, không phải vất vả khổ cực gì cả.

Vậy, ngươi có muốn đi với ta hay không?

Người thợ săn tâu rằng:

– Muôn tâu Đức Long-vương Bhūridatta! Tôi có đứa con trai ở đằng kia, tôi sẽ báo cho con trai tôi biết, rồi tôi sẽ đi theo Đức Long-vương.

– Này Bà-la-môn! Vậy, ngươi hãy dẫn người con trai của ngươi cùng đi đến cõi long cung với ta, để hưởng mọi sự an-lạc trong cõi ấy.

Hai cha con người thợ săn đến gặp Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta, Đức-Bồ-tát dẫn hai cha con đến con sông Yamunā, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta truyền bảo rằng:

– Này Bà-la-môn! Ta dẫn hai cha con ngươi đến cõi long cung do oai lực của ta.

Khi hai cha con người thợ săn đến cõi long cung thì thân hình hai cha con trở thành như người hóa sinh, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta ban cho hai cha con mỗi người mỗi lâu đài và 400 long-nữ theo hầu hạ, hai cha con hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung.

Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta không dể duôi, cứ nửa tháng đến chầu Đức Phụ-vương Dhataraṭṭha và Mẫu-hậu Samuddajā, thuyết pháp tế độ hai Ngài.

Thỉnh thoảng Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta cũng đến thăm hai cha con người thợ săn và khuyên hai cha con ở đây hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung.

Hai cha con hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung được một năm. Riêng người cha cảm thấy buồn chán muốn trở lại cõi người, bởi vì phước ít nhìn thấy cõi long cung giống như trong cõi địa-ngục nóng nảy, ngôi lâu đài bằng vàng nguy nga đẹp đẽ giống như nhà tù khó chịu, các cô long-nữ xinh đẹp kia giống như các nữ Dạ-xoa hung ác.

Vì vậy, người cha cảm thấy khổ tâm nghĩ rằng:

“Cõi long cung đối với ta như thế này, còn Somadatta con của ta thì sao?”.

Người thợ săn Nesāda tìm đến gặp người con, hỏi rằng:

– Này Somadatta yêu quý! Sống ở cõi long cung này, con cảm thấy buồn chán hay không?

– Kính thưa cha, con hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung như thế này, làm sao con có thể cảm thấy buồn chán được. Còn cha cảm thấy như thế nào?

– Này somadatta yêu quý! Cha cảm thấy buồn chán khổ tâm quá, bởi vì cha nhớ mẹ con và các em của con.

– Này Somadatta yêu quý! Cha con ta xin trở về cõi người để thăm viếng mẹ con và các em của con.

Nghe người cha nói như vậy, nhớ lại trước đây trên cõi người hằng ngày phải vật vả cực khổ đi vào rừng săn bắn thú rừng đem thịt đi bán để nuôi sống gia đình; còn ở cõi long cung này, đời sống sung sướng được hưởng mọi sự an-lạc, cho nên Somadatta không muốn trở về cõi người, nhưng người cha khẩn khoản năn nỉ, nên Soma-datta phải chịu đồng ý với người cha trở về cõi người.

Biết người con trai chịu theo mình trở về, người cha cảm thấy nhẹ được nỗi lo âu, nhưng ông không biết phải tâu thế nào để Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta cho phép hai cha con ông trở về cõi người, nên ông nghĩ rằng:

“Nếu tâu sự thật, ta cảm thấy buồn chán ở cõi long cung này, thì Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta sẽ ban cho ta nhiều ân huệ nữa, sẽ truyền các long-nữ xinh đẹp đến đàn ca múa hát cho ta xem cho vui, để ta ở lại hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung này. Như vậy, ta không có lý do xin phép trở về cõi người được. Vậy, ta phải tìm cách tâu dối với Đức Long-vương Bhūridatta.”

Người thợ săn Nesāda có mưu kế, và chờ đợi cơ hội Đức Long-vương Bhūridatta đến thăm.

Một hôm, đến thăm hai cha con người thợ săn, Đức-Bồ-tát Bhūridatta truyền hỏi rằng:

– Này Bà-la-môn, hai cha con nhà ngươi sống nơi này có thiếu thốn gì không? Thân tâm thường được an-lạc hay không?

– Tâu Đức Long-vương Bhūridatta, hai cha con chúng tôi sống tại cõi long cung này đầy đủ mọi tiện nghi như thế này, hưởng được mọi sự an-lạc, cho nên thân tâm chúng tôi thường được an-lạc.

– Tâu Đức Long-vương Bhūridatta, cõi long cung của Đức Long-vương rộng lớn, cung điện của Đức Long-vương bằng ngọc, bằng vàng châu báu, được trang hoàng bằng thất báu, các thứ ngọc quý, v.v… các lâu đài nguy nga tráng lệ, hồ lớn có nhiều loài hoa sen xinh đẹp, hương thơm ngào ngạt, có nhiều loài hoa thơm cỏ lạ màu sắc rực rỡ, có các đàn long-nữ xinh đẹp, đàn giỏi, ca hay, nhảy múa tuyệt vời, v.v… như thế này, tôi không biết có còn cõi nào sánh bằng cõi long cung này hay không? Tâu Đức Long-vương.

Nghe người thợ tán dương ca tụng cõi long cung như vậy, Đức-Bồ-tát Bhūridatta truyền bảo rằng:

– Này Bà-la-môn! Nhà ngươi chớ nên nói như vậy, giang sơn cõi long cung nhỏ bé này làm sao sánh được với cõi Tam-thập-tam-thiên của Đức-vua-trời Sakka.

– Này Bà-la-môn! Cung điện của Đức-vua-trời Sakka thật vĩ đại, rất nguy nga tráng lệ gấp bội lần so với cung điện cõi long cung này. Kiếp Long-vương của ta vốn thuộc loài súc-sinh tuy có nhiều oai lực biến hóa, nhưng kiếp sau ta muốn trở thành Đức-vua-trời Sakka cõi Tam-thập-tam-thiên.

Vì vậy, ta thường xuất hiện lên cõi người trong những ngày giới hằng tháng, để thọ trì bát-giới uposathasīla, rồi giữ gìn 8 điều-giới cho được trong sạch trọn vẹn.

Nghe Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta truyền dạy như vậy, người thợ săn rất hoan hỷ có được cơ hội, để xin phép Đức Long-vương Bhūridatta trở về cõi người, nên tâu dối rằng:

– Tâu Đức Long-vương Bhūridatta, hai cha con chúng tôi đi vào rừng săn bắn thú rừng bán thịt để nuôi mạng, duyên may gặp được Đức Long-vương dẫn cha con chúng tôi xuống cõi long cung này được hưỏng mọi sự an-lạc, mà vợ con thân quyến của tôi không hề hay biết hai cha con chúng tôi sống hay chết như thế nào.

Nay, muốn xin Đức Long-vương cho phép chúng tôi trở về cõi người, để thăm viếng vợ con, thân quyến.

Nghe người thợ săn Nesāda tâu như vậy, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta truyền bảo rằng: 

– Này Bà-la-môn! Hai cha con của nhà ngươi đến ở trong cõi long cung này được hưởng mọi sự an-lạc như thế này, trong cõi người không dễ gì có được, nhưng nếu hai cha con nhà ngươi muốn trở về cõi người để thăm viếng thân quyến thì ta cũng chiều theo ý của ngươi.

– Này Bà-la-môn! Ta muốn giúp đỡ ngươi, sau khi ngươi trở về cõi người để có cuộc sống đầy đủ sung sướng an-lạc, không chịu cảnh khổ thiếu thốn, nên ta sẽ ban tặng cho ngươi một viên ngọc maṇi như ý. Nếu khi nhà người muốn được vật gì, thì viên ngọc maṇi như ý này sẽ giúp cho nhà ngươi được thành tựu như ý.

Sở dĩ Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta ban cho người thợ săn Nesāda viên ngọc maṇi như ý, để cho người thợ săn muốn bất cứ vật gì trong đời cũng sẽ được thành tựu như ý. Như vậy, đời sống của người thợ săn và toàn gia đình được đầy đủ sung túc, được hạnh phúc an-lạc, nhờ nơi ân-đức của Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta mà không nghĩ đến chuyện phản bội, làm hại Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta.

Nghe Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta ban cho viên ngọc maṇi như ý, thì người thợ săn tâu rằng:

– Tâu Đức Long-vương Bhūridatta, tôi vô cùng cảm kích trước tình thương yêu cao cả của Đức Long-vương đối với chúng tôi.

Nay, tôi đã già rồi, sau khi trở về cõi người, tôi muốn xuất gia trở thành đạo-sĩ. Vì vậy, viên ngọc maṇi như ý ấy đối với tôi không trọng dụng được thì uổng lắm, tôi chân thành đội ơn Đức Long-vương, tôi không dám nhận, kính xin Đức Long-vương giữ lại.

Sự thật, viên ngọc maṇi như ý ấy chỉ dành cho những vị có nhiều phước lớn mà thôi, còn người thợ săn Nesāda này là người có ít phước, nên không có khả năng nhận viên ngọc maṇi như ý ấy được.

Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta truyền bảo rằng:

– Này Bà-la-môn! Nhà ngươi xuất gia hành phạm hạnh, đó là điều tốt, nhưng không phải là việc dễ làm. Nếu khi nào ngươi chán nản thực-hành phạm hạnh hoàn tục trở lại cuộc sống của người tại gia, khi ấy, nhà ngươi lại sẽ cần đến của cải cần thiết trong cuộc sống, nhà ngươi hãy đến tìm ta tại nơi gò mối ấy, ta sẽ giúp đỡ cho ngươi nhiều của cải.

Nghe Đức Long-vương Bhūridatta truyền bảo chí tình như vậy, người thợ săn Nesāda tâu rằng:

– Tâu Đức Long-vương Bhūridatta, lời truyền dạy của Đức Long-vương thật chí tình quá, tôi vô cùng cảm kích trước tâm-từ cao thượng của Đức Long-vương đối với cha con chúng tôi. Tôi chân thành cảm tạ ân đức của Đức Long-vương.

Biết người thợ săn Nesāda không muốn tiếp tục ở lại cõi long cung này, nên Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūri-datta truyền bảo bốn vị long-nam tiễn đưa hai cha con người thợ săn trở lại cõi người, dẫn hai cha con đến con đường đi về kinh-thành Bārāṇasī, rồi bốn vị long-nam trở về lại cõi long cung.

Người thợ săn bảo với người con rằng:

– Này Somadatta! Đây là con đường cũ đi đến nhà chúng ta.

Trên đường đi nhìn thấy hồ nước trong, người cha bảo con rằng:

– Này Somadatta yêu quý! Nước hồ trong trẻo, cha con ta xuống hồ tắm cho mát, rồi trở về thăm mẹ và các em con.

Nghe người cha nói như vậy, Somadatta đồng ý ngay. Hai cha con cởi y phục và những đồ trang sức của hàng long-nam ra, gói lại để trên bờ, rồi hai cha con đi xuống hồ nước tắm.

Khi ấy, tất cả y phục và những đồ trang sức cõi long cung đều biến khỏi nơi ấy, hiện về lại cõi long cung, thay bằng bộ đồ cũ đã mặc trước kia và những dụng cụ cung tên, bẫy đặt bắt thú rừng hiện ra trở lại như xưa.

Sau khi hai cha con tắm xong, bước lên bờ, không nhìn thấy những bộ y phục và những đồ trang sức trong cõi long cung nữa, chỉ thấy những bộ y phục cũ và những dụng cụ săn bắn trước kia mà thôi, Somadatta than rằng:

– Này cha ơi! Cha đã làm hại con rồi! Bây giờ con mất hết tất cả chẳng còn gì nữa!

Nghe con than vãn như vậy, người cha an ủi rằng:

– Này Somadatta con yêu quý! Con chớ nên tiếc của nữa, trong rừng này còn thú rừng thì cha con mình đi săn bắn thú rừng, bán thịt nuôi sống gia đình chúng ta như trước.

Sau đó, hai cha con dẫn nhau trở về nhà, mọi người trong gia đình vui mừng đoàn tụ vợ chồng và các con.

Buổi đoàn tụ gia đình vui mừng, bà vợ người thợ săn làm đồ ăn ngon đãi chồng và các con, người chồng ăn xong ngủ say. Bà hỏi người con trai rằng:

– Này Somadatta con yêu quý! Hai cha con đi đâu mà mất tích một năm qua, đã ở nơi nào mà đến nay mới trở về nhà, vậy con?

Somadatta thưa với mẹ rằng:

– Thưa mẹ, hai cha con được Đức Long-vương Bhūri-datta dẫn xuống cõi long cung sống hưởng mọi sự an-lạc suốt một năm qua, cha con nhớ mẹ và các em, nên xin Đức Long-vương cho phép trở về thăm mẹ và các em.

– Này Somadatta con yêu quý! Đức Long-vương Bhūridatta có ban cho viên ngọc quý nào không con?

– Thưa mẹ, Đức Long-vương Bhūridatta có ban cho cha một viên ngọc maṇi như ý, mà cha không chịu nhận đem về. Mẹ ạ.

– Này Somadatta! Tại sao cha con không chịu nhận vậy con?

– Thưa mẹ, cha con tâu với Đức Long-vương Bhūri-datta rằng:

“Sau khi trở về cõi người, tôi sẽ xuất gia trở thành đạo-sĩ, nên không nhận viên ngọc maṇi như ý ấy.”

Nghe Somadatta thưa như vậy, bà vợ người thợ săn nổi giận, đi vào phòng gặp người chồng la rầy rằng:

– Này ông chồng bất nghĩa! Ông bỏ mẹ con tôi, đi hưởng sự an-lạc cõi long cung một năm qua. Khi trở về Đức Long-vương Bhūridatta ban cho viên ngọc maṇi như ý ông không chịu nhận, ông còn có ý định xuất-gia trở thành đạo-sĩ, bỏ lại mẹ con tôi.

Sao không đi luôn, còn trở lại nhà làm gì nữa!

Bà đánh sau lưng chồng bằng cái chày đâm tiêu.

Bị người vợ la rầy, đánh đập, người chồng xin lỗi năn nỉ rằng:

– Này em yêu quý! Nhớ em và các con, nên anh trở về nhà thăm em và các con. Vậy, xin em bớt giận anh.

Trong rừng còn các loài thú, thì anh còn đi vào rừng bẫy thú, săn bắn thú, bán thịt nuôi nấng em và các con. 

Chuyện Viên Ngọc Maṇi Như Ý

Một hôm, người thợ săn Nesāda và người con Somadatta đi vào rừng săn bắn, nhìn thấy viên ngọc maṇi như ý trên tay vị Bà-la-môn, nên hỏi người con rằng:

– Này Somadatta yêu quý! Con hãy nhìn kỹ viên ngọc maṇi trên tay ông Bà-la-môn kia có phải là viên ngọc maṇi như ý của Đức Long-vương Bhūridatta hay không?

– Thưa cha, đúng là viên ngọc maṇi như ý ấy.

– Này Somadatta yêu quý! Nếu đúng là viên ngọc maṇi như ý ấy, thì cha sẽ tìm mọi cách lừa đảo để chiếm đoạt viên ngọc maṇi như ý ấy cho bằng được.

– Thưa cha, ngày trước Đức Long-vương Bhūridatta ban viên ngọc maṇi như ý ấy cho cha, thì cha không chịu nhận, bây giờ cha tìm cách lừa đảo vị Bà-la-môn ấy để chiếm lấy viên ngọc maṇi như ý ấy.

Đó là điều bất thiện không nên làm. Thưa cha.

– Này Somadatta! Con không nên nói đến chuyện trước đây. Bây giờ, con hãy xem cha lừa đảo vị Bà-la-môn này, để chiếm lấy viên ngọc maṇi như ý ấy.

Khi ấy, người thợ săn hỏi ông Bà-la-môn rằng:

– Này ông Bà-la-môn! Viên ngọc maṇi mà ông cầm trên tay là viên ngọc quý trong cõi long cung.

Vậy, ông có được viên ngọc quý ấy bằng cách nào?

– Này người thợ săn! Sáng nay, tôi vừa đi trên đường, vừa tụng đọc bài thần chú mà vị đạo-sĩ dạy cho tôi. Khi ấy, 1000 long-nữ đang quây quần xung quanh viên ngọc maṇi này, nghe tôi đọc bài thần chú phép thuật Alampāyanamanta: Phép thuật bắt rắn độc ấy, chúng nó hoảng sợ chạy biến mất, không kịp mang theo viên ngọc maṇi này, nên tôi đã nhặt viên ngọc maṇi này.

Nghe vị Bà-la-môn nói vậy, người thợ săn Nesāda có tác-ý ác muốn chiếm đoạt viên ngọc maṇi ấy, nên nói với ông Bà-la-môn rằng:

– Này ông Bà-la-môn! Viên ngọc maṇi ấy có nhiều oai lực, nếu người nào không biết tôn trọng, không biết cách giữ gìn, thì viên ngọc maṇi ấy sẽ gây ra sự tai hại kinh khủng cho người ấy.

– Này ông Bà-la-môn! Tôi sẽ trả cho ông 100 lượng vàng, xin ông bán viên ngọc maṇi ấy cho tôi.

Thật ra, người thợ săn Nesāda không có một lượng vàng nào trong nhà cả, nhưng y tin tưởng rằng:

“Khi có viên ngọc maṇi như ý ấy, nếu y muốn những thứ nào thì do nhờ oai lực viên ngọc maṇi như ý ấy, y sẽ được thành tựu như ý ngay tức khắc.”

Nghe người thợ săn muốn mua viên ngọc maṇi ấy với giá 100 lượng vàng, ông Bà-la-môn bảo rằng:

– Này người thợ săn! Tôi không thể bán viên ngọc maṇi quý báu này bằng vàng hoặc các châu báu nào cả.

Nghe ông Bà-la-môn khẳng định như vậy, người thợ săn Nesāda phát sinh tâm tham muốn cùng tột nên hỏi ông Bà-la-môn ấy rằng:

-Thưa ông Bà-la-môn, nếu ông không bán viên ngọc maṇi ấy bằng vàng hoặc các thứ châu báu nào khác thì ông muốn đổi viên ngọc maṇi quý ấy bằng thứ gì trong đời này? Vậy, xin ông cho tôi biết.

Ông Bà-la-môn trả lời rằng:

– Này người thợ săn! Nếu người nào chỉ cho tôi thấy chỗ ở của Long-vương có nhiều thần lực, có chất độc kinh khủng, không một ai dám tiếp xúc thì tôi sẽ trao viên ngọc maṇi này cho người ấy ngay.

Nghe ông Bà-la-môn trả lời như vậy, người thợ săn hỏi rằng:

– Này ông Bà-la-môn! Ông là hóa thân của loài Điểu-vương Garuḍa hoặc một loài chúng-sinh nào biến hình ra thành Bà-la-môn đi tìm kiếm Long-vương để ăn thịt có phải không?

– Này người thợ săn! Tôi không phải là Điểu-vương Garuḍa, tôi cũng không phải loài chúng-sinh nào biến hình cả, tôi là người thầy bắt rắn độc, mọi người gọi ta là thầy rắn Alampāyana.

– Thưa vị thầy rắn Alampāyana, Ngài có oai lực gì, có quyền lực gì mà Ngài không sợ Long-vương có nhiều thần lực, có chất độc kinh khủng?

Nghe người thợ săn Nesāda hỏi như vậy, vị thầy rắn Alampāyana kể lại rằng:

– Này người thợ săn Nesāda! Điểu-vương Sapaṇṇa truyền dạy phép thuật Alampāyanamanta: Phép thuật bắt rắn cho vị đạo-sĩ dòng Koliya thực-hành phạm hạnh trong rừng nhiều năm.

Tôi đi vào rừng gặp vị đạo-sĩ ấy, xin phục vụ cho vị đạo-sĩ, tôi đem hết lòng tôn kính tận tâm phục vụ vị đạo-sĩ ấy một cách chu đáo suốt ngày đêm trải qua một thời gian lâu, như người học trò lo phục vụ vị tôn sư của mình và vị đạo-sĩ có tâm-từ, tâm bi đối với tôi.

Một hôm, vị đạo-sĩ có tâm bi dạy cho tôi phép thuật Alampāyanamanta: Phép thuật bắt rắn độc và thuốc trị nọc rắn độc, nên tôi biết được phép thuật Alampāyana-manta và thuốc trị nọc rắn độc.

Vì vậy, tôi không sợ Long-vương có nhiều thần lực, có chất độc khủng khiếp.

Tôi là vị thầy rắn của các vị thầy bắt rắn độc, mọi người gọi tôi là vị thầy rắn Alampāyana vậy. 

Nghe vị thầy rắn Alampāyana nói về khả năng đặc biệt của ông, vả lại ông đã từng nói rằng:

“Nếu người nào dẫn chỉ cho tôi thấy chỗ ở của Long-vương có nhiều thần lực, có chất độc kinh khủng, không một ai dám tiếp xúc, thì tôi sẽ trao viên ngọc maṇi này cho người ấy ngay.”

Người thợ săn Nesāda rất muốn được viên ngọc maṇi như ý ấy, nên bàn tính với người con của y rằng:

– Này Somadatta yêu quý! Cha rất muốn được viên ngọc maṇi như ý ấy.

Vậy, chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội tốt hiếm có này, nếu cha dẫn vị thầy rắn Alampāyana đến chỗ ở của Đức Long-vương Bhūridatta, thì cha chắc chắn sẽ có được viên ngọc maṇi như ý ấy.

Nghe người cha nhẫn tâm phản bội, làm hại Đức Long-vương Bhūridatta bậc ân nhân của hai cha con, chỉ vì tâm tham muốn viên ngọc maṇi như ý một cách mù quáng quá độc ác, cho nên Somadatta thưa với cha rằng:

– Thưa cha kính yêu, Đức Long-vương Bhūridatta là bậc ân nhân của hai cha con chúng ta trước đây, Đức Long-vương đã ban cho hai cha con chúng ta hưởng mọi sự an-lạc suốt một năm trong cõi long cung.

Trước khi trở lại cõi người Đức Long-vương Bhūri-datta đã ban cho cha viên ngọc maṇi như ý ấy, cha không chịu nhận. Bây giờ cha lại nhẫn tâm dẫn vị thầy rắn Alampāyana đến làm hại Đức Long-vương Bhūri-datta, chỉ vì muốn được viên ngọc maṇi như ý ấy.

– Thưa cha kính yêu, con xin cha không nên nhẫn tâm phản bội, làm hại Đức Long-vương Bhūridatta.

Dù nghe người con khẩn khoản khuyên can như vậy, người cha vẫn không chịu nghe lời khuyên can của người con, ông bảo rằng: 

– Này Somadatta! Con còn nhỏ dại chưa biết được sự lợi ích đặc biệt của viên ngọc maṇi như ý ấy. Cha sẽ không bao giờ chịu bỏ lỡ cơ hội tốt hiếm có này.

Biết người cha bị tâm tham muốn cùng tột viên ngọc maṇi như ý làm tối tăm, không biết được sự tai hại trong kiếp hiện-tại và những kiếp vị-lai, nên Somadatta giảng giải cho người cha biết rằng:

– Thưa cha kính yêu! Người nào có tác-ý làm hại người bạn tốt, không biết tri ân đối với bậc ân nhân của mình, trong kiếp hiện-tại, người ấy bị người đời chê trách, bị bạn bè xa lánh, khổ tâm khổ thân.

Sau khi người ấy chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi địa-ngục, phải chịu quả khổ lâu dài của ác-nghiệp ấy.

Nếu cha muốn được những thứ của cải nào, thì cha nên đến xin Đức Long-vương Bhūridatta, Đức Long-vương sẽ ban những thứ của cải ấy cho cha.

Nhưng nếu cha có ác-tâm dẫn vị thầy rắn Alam-pāyana đến làm hại Đức Long-vương thì cha tạo nhiều tội ác nghiêm trọng.

Khi nghe người con Somadatta giảng giải như vậy, người cha hiểu việc làm tội ác nghiêm trọng, nhưng người cha có tà-kiến hiểu lầm nói với người con rằng:

– Dù cha có tạo nhiều tội ác nghiêm trọng bao nhiêu, sau đó, cha xuống sông tắm gội cho sạch tội lỗi và cúng tế thần lửa, thì cha cũng trở lại trong sạch như thường.

Biết không thể thuyết phục người cha từ bỏ ý định phản bội, làm hại Đức Long-vương Bhūridatta, nên Somadatta thưa rằng:

– Thưa cha, con đã khẩn khoản khuyên can cha không nên làm hại Đức Long-vương Bhūridatta, tạo ra nhiều tội ác nghiêm trọng mà cha không chịu từ bỏ. 

Vậy, từ nay về sau, con quyết tâm không đi cùng đường với cha nữa, cha đi đường của cha, con đi đường của con, bởi vì cha là người phản bạn, làm hại Đức Long-vương Bhūridatta bậc ân nhân của cha con ta.

Sau khi thưa với người cha như vậy, Somadatta quay lưng đi không nhìn lại, đi thẳng vào rừng núi Himavanta xuất gia trở thành đạo-sĩ thực-hành pháp-hành thiền-định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc-giới và các phép-thần-thông, không trở về nhà nữa.

Sau khi vị đạo-sĩ Somadatta chết, sắc-giới thiện nghiệp cho quả tái-sinh lên cõi trời sắc-giới phạm-thiên hưởng an-lạc cho đến hết tuổi thọ trong cõi trời sắc-giới phạm-thiên ấy.

Người Ít Phước Không Giữ Được Viên Ngọc Maṇi Như Ý

Sau khi người con Somadatta bỏ đi, người thợ săn Nesāda nghĩ rằng:

“Somadatta con trai của ta không hài lòng với việc làm ác của ta bỏ đi, rồi nó cũng sẽ trở về nhà thôi.”

Nhìn thấy vị thầy rắn Alampāyana bất bình, người thợ săn Nesāda thưa rằng:

– Thưa vị thầy rắn Alampāyana, xin thầy an tâm, tôi sẽ dẫn thầy đến chỗ ở Đức Long-vương Bhūridatta ngay bây giờ.

Nói xong, người thợ săn Nesāda dẫn vị thầy rắn Alampāyana đến đứng cách không xa gò mối bên cạnh cây đa gần bờ sông Yamunā, người thợ săn Nesāda chỉ tay về phía gò mối chỗ Đức-Bồ-tát Bhūridatta đang nằm thọ trì và giữ gìn bát-giới uposathasīla trong ngày giới hôm ấy.

Khi ấy, biết có người đến, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta mở mắt ra nhìn thấy người thợ săn Nesāda dẫn theo vị thầy rắn Alampāyana. Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta nghĩ rằng:

“Người thợ săn Nesāda này dẫn vị thầy rắn Alam-pāyana đến đây sẽ gây sự tai họa cho việc thực-hành, giữ gìn bát-giới uposathasīla của ta.

Ngày trước, ta đã đoán biết y là con người ác, phản bạn. Cho nên, ta đã dẫn y xuống cõi long cung để y hưởng mọi sự an-lạc trong cõi long cung. Khi y trở lại cõi người, ta đã ban cho y viên ngọc maṇi như ý ấy mà y không chịu nhận.

Nay, y lại muốn được viên ngọc maṇi như ý ấy trên tay vị thầy rắn Alampāyana. Vì vậy, y dẫn vị thầy rắn ấy đến đây bắt ta, để y được viên ngọc maṇi như ý ấy.

Sáng nay, ta đã thọ trì bát-giới uposathasīla đầy đủ 8 điều-giới, nếu ta phát sinh tâm sân làm hại họ thì ta phạm-giới, bát-giới của ta sẽ bị đứt.

Để giữ gìn bát-giới uposathasīla cho được hoàn toàn trong sạch và đầy đủ trọn vẹn tám điều-giới này.

Vậy, ta nên phát-nguyện rằng:

“Dù bị thầy rắn Alampāyana hành hạ ta bằng cách nào đi nữa ta vẫn nhẫn-nại chịu đựng không bao giờ phát sinh tâm sân đối với vị thầy rắn.”

Sau khi phát-nguyện xong, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta tạo pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật, nhắm đôi mắt chui đầu vào trong vòng khoanh thân mình, nằm yên không cựa quậy.

Đứng không xa chỗ nằm của Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta, người thợ săn Nesāda chỉ tay về phía Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta đang nằm khoanh tròn, rồi người thợ săn Nesāda đưa hai bàn tay ra thưa với vị thầy rắn Alampāyana rằng:

– Thưa vị thầy rắn Alampāyana, xin thầy bắt Đức Long-vương Bhūridatta kia, và xin thầy trao viên ngọc maṇi ấy cho tôi.

Nhìn thấy Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta có thân hình xinh đẹp tuyệt vời, vị thầy rắn liền phát sinh tâm tham vô cùng hoan hỷ, nên không còn coi trọng viên ngọc maṇi quý báu ấy nữa, vị thầy Alampāyana ném viên ngọc maṇi về phía người thợ săn Nesāda đồng thời bảo rằng:

– Ngươi hãy nhận lấy viên ngọc maṇi này!

Viên ngọc maṇi như ý vừa chạm hai bàn tay của tên thợ săn Nesāda, y bắt không được, nên viên ngọc maṇi như ý bị rơi xuống mặt đất, ngay tức thì viên ngọc maṇi như ý biến vào lòng đất, hiện trở lại cõi long cung.

Người thợ săn Nesāda thiệt hại ba điều

Người thợ săn Nesāda bị thiệt hại ba điều.

1- Không nhận được viên ngọc maṇi như ý ấy. 

2- Làm mất tình nghĩa thân thiện với Đức Long-vương Bhūridatta. 

3- Mất Somadatta người con yêu quý thường đồng hành với y.

Người thợ săn Nesāda khổ tâm khóc than thảm thiết, không còn nơi nương nhờ, bởi vì không chịu nghe lời khuyên can của người con chí hiếu, y thất tha thất thểu lê đôi chân về nhà.

Đức-Bồ-Tát Bhūridatta Bị Hành Hạ

Nhìn thấy Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta nằm yên khoanh tròn quanh gò mối, vị thầy rắn Alampāyana thoa thần dược vào toàn thân, miệng ngậm thần dược đọc bài thần chú phép thuật Alampāyanamanta: Phép thuật bắt rắn độc, từ từ tiến dần đến Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta, vị Alampāyana nắm cái đuôi kéo ra, rồi nắm chặt cái đầu, mở cái miệng Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta phun thần dược với nước miếng vào miệng Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta.

Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta vốn là loài chúng-sinh rất sạch sẽ, dù Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta bị phun nước miếng và thần dược vào miệng, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta vẫn nhẫn-nại chịu đựng không hề phát sinh tâm sân, vẫn nhắm kín đôi mắt lại để giữ gìn bát-giới uposatthasīla cho được trong sạch hoàn toàn và đầy đủ trọn vẹn tám điều-giới, không để điều-giới nào bị đứt cả.

Tiếp theo vị thầy rắn Alampāyana đọc tụng thần chú phép thuật Alampāyanamanta và dùng thần dược khống chế Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta, nắm cái đuôi giật lên giật xuống làm cho vật thực trong bụng trào ra ngoài miệng, đặt Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta nằm dài trên mặt đất, y giẫm đạp trên toàn thân từ đuôi lên đầu, rồi ngược lại từ đầu đến đuôi nhiều lần như vậy, làm bộ sương sống rã rời, làm cho mất sức lực.

Vị thầy rắn Alampāyana nắm cái đuôi của Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta choàng lên vai mang đi, cái đầu chúc xuống đất kéo lê đi.

Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta chịu bao nhiêu nỗi khổ thân không sao tả được, nhưng nhờ tạo pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật và pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật, cho nên, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta không hề phát sinh tâm sân đối với vị thầy rắn ấy.

Đặt Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta nằm xuống đất, rồi cột chặt lại một nơi, vị thầy rắn Alampāyana vào rừng tìm dây mây đan một cái lồng bỏ Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta vào trong lồng ấy, rồi mang lên vai đến một vùng đông dân cư. Vị thầy rắn Alampāyana đặt cái lồng nhốt Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta xuống, ông loan báo dân chúng trong vùng rằng:

– Này toàn thể dân chúng trong vùng! Ai muốn xem Long-vương Bhūridatta biểu diễn đủ trò hay chưa từng thấy thì hãy tụ hội lại đây.

Nghe vị thầy rắn Alampāyana loan báo như vậy, dân chúng trong vùng kéo nhau đến rất đông. Khi ấy, vị thầy rắn Alampāyana nói với Long-vương Bhūridatta rằng:

– Này Long-vương Bhūridatta! Long-vương hãy biểu diễn các trò thật hay cho dân chúng xem, nếu tôi thu được nhiều tiền của thì tôi sẽ thả Long-vương được tự do trở lại cõi long cung.

Nghe vị thầy rắn Alampāyana hứa như vậy, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta nghĩ rằng:

“Hôm nay, ta sẽ biểu diễn các trò thật hay cho dân chúng xem, khi vị thầy rắn Alampāyana thu được nhiều tiền của, rồi sẽ thả ta ra.

Như vậy, vị thầy rắn Alampāyana bảo ta biểu diễn như thế nào thì ta sẽ làm như thế ấy”.

Vị thầy rắn Alampāyana mở nắp lồng ra, Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta từ trong lồng bò ra, vị thầy rắn Alampāyana bảo rằng:

– Này Long-vương Bhūridatta! Long-vương hãy hóa ra thân hình to lớn.

* Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta liền hóa ra thân hình to lớn.

– Này Long-vương! Hãy hóa ra thân hình nhỏ bé.

* Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta liền hóa ra thân hình nhỏ bé. 

* Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta phùng mang lớn dần dần.

* Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta biến mất rồi hiện ra lại.

* Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta hiện rõ nửa thân hình.

* Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta biến ra thân hình màu vàng, màu xanh, màu trắng.

* Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta phun lửa, phun khói, v.v…

Vị thầy rắn Alampāyana bảo Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta biểu diễn thế nào thì Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta biểu diễn thế ấy.

Dân chúng đứng xem Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta bị thầy rắn Alampāyana sai khiến biểu diễn đủ trò, dân chúng ai cũng xúc động trào rơi nước mắt. Mọi người ban thưởng nhiều vàng, bạc đồ trang sức,… cốt để cho vị thầy rắn Alampāyana được nhiều của cải, rồi thả Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta được tự do, nhưng khi thu được nhiều của cải quý báu, vị thầy rắn càng phát sinh tâm tham muốn được thêm nhiều của cải, nên không chịu thả Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta được tự do.

Vị thầy rắn Alampāyana cho người đóng một chiếc lồng bằng kính, nhốt Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta trong lồng kính ấy, rồi đặt trên chiếc xe sang trọng, đưa Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta đi từ vùng này sang vùng khác, bắt buộc Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta biểu diễn các trò cho dân chúng xem, để vị thầy rắn thu được nhiều tiền của, không cho Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūridatta dùng món ăn mật ong và gạo rang, mà cho các món đồ ăn không thể dùng được.

Tuần tự chiếc xe chở Đức-Bồ-tát Long-vương Bhūri-datta đến trước các cửa kinh-thành Barāṇasī.

Hôm ấy, nhằm vào ngày giới vị thầy rắn Alampāyana xin vào chầu Đức-vua Bārāṇasī tâu rằng:

– Muôn tâu Bệ-hạ, kẻ tiện dân có khả năng điều khiển được Long-vương Bhūridatta biểu diễn các trò rất hay để Bệ-hạ xem.

Đức-vua Bārāṇasī chuẩn tấu, rồi truyền lệnh cho các quan đánh trống thông báo cho các quan trong triều, những người trong hoàng tộc cùng dân chúng trong kinh-thành Bārāṇasī đến xem Long-vương Bhūridatta biểu diễn các trò hay.

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app