Phần 22

Quan Thừa-Tướng

Ngày hôm sau, Quan thừa-tướng ngồi trên ngai một mình nghĩ rằng:

“Bốn đứa con trai của ta đã bỏ ta đi xuất gia trở thành đạo-sĩ cả rồi, chỉ còn lại một mình ta mà thôi. Bây giờ, ta như gốc cây khô trụi cành trụi lá.

Vậy, ta cũng nên xuất gia trở thành đạo-sĩ theo 4 đứa con yêu quý của ta.”

Nghĩ vậy, nên cho người truyền gọi phu-nhân Vāseṭṭhī đến, Quan thừa-tướng bảo rằng:

– Này phu-nhân Vāseṭṭhī! Người đời gọi là ‘cây’ bởi vì có cành có lá, khi cây ấy đã trụi cành, trụi lá hết, thì gọi là ‘gốc cây khô’.

– Này phu-nhân Vāseṭṭhī! Bốn đứa con yêu quý đã bỏ chúng ta đi xuất gia trở thành đạo-sĩ cả rồi. Bây giờ, tôi xin trao tất cả của cải tài sản lớn này lại cho phu-nhân, tôi cũng từ bỏ dinh thự này, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ theo bốn đứa con của tôi.

Sau khi truyền bảo phu-nhân Vāseṭṭhī của mình như vậy, Quan thừa-tướng liền cho truyền gọi 16.000 Bà-la-môn đến hội họp.

Quan thừa-tướng bảo các vị Bà-la-môn ấy rằng:

– Này quý vị Bà-la-môn! Tôi sẽ từ bỏ dinh thự này, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ theo bốn đứa con của tôi.

Còn quý vị nghĩ thế nào?

Các vị Bà-la-môn ấy đều thưa rằng:

– Kính thưa Quan thừa-tướng, tất cả chúng tôi cũng xin đi theo Quan thừa-tướng, để xuất gia trở thành đạo-sĩ theo bốn đứa con của Ngài.

Quan Thừa-Tướng Đi Xuất-Gia

Quan thừa-tướng trao tất cả của cải tài sản gồm có khoảng 180 triệu đồng (tiền Ấn xưa), cho phu-nhân Vāseṭṭhī của mình, rời khỏi dinh thự, dẫn nhóm 16.000 Bà-la-môn ra khỏi kinh-thành Bārāṇasī, tìm đến bốn đứa con yêu quý tại bờ sông Gaṅgā.

Nhìn thấy Quan thừa-tướng, phụ thân của mình từ xa đi đến, dẫn theo đoàn tùy tùng thuộc hạ đông đảo, Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla ngồi trên hư không thuyết pháp tế độ phụ thân cùng nhóm tùy tùng ấy.

Phu-Nhân Vāseṭṭhī

Sau khi Quan thừa-tướng dẫn nhóm 16.000 Bà-la-môn đi xuất-gia, bà Vāseṭṭhī phu-nhân của Quan thừa-tướng nghĩ rằng:

“Bốn đứa con của ta không màng ngôi vua, đã đi xuất gia trở thành đạo-sĩ rồi, Đức phu-quân của ta từ bỏ của cải tài sản đến khoảng 180 triệu và bỏ chức Quan thừa-tướng cao nhất trong triều, dẫn nhóm tuỳ tùng thuộc hạ 16.000 Bà-la-môn đi xuất gia rồi, chỉ còn lại một mình ta mà thôi.

Vậy, ta cũng nên từ bỏ tất cả, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ theo bốn đứa con yêu quý của ta.”

Nghĩ như vậy, bà Vāseṭṭhī cho gọi các phu-nhân của 16.000 vị Bà-la-môn đến, rồi thông báo rằng:

– Này tất cả quý phu-nhân! Quan thừa-tướng phu-quân của ta đã dẫn 16.000 vị Bà-la-môn phu-quân của quý bà, đã đi xuất gia trở thành đạo-sĩ theo bốn đứa con của ta rồi.

Vậy, quý bà nghĩ thế nào?

Các bà phu-nhân thưa rằng:

– Kính thưa Lệnh bà, Lệnh bà nghĩ thế nào?

Bà Vāseṭṭhī phu-nhân của Quan thừa-tướng bảo rằng:

– Này tất cả quý phu-nhân! Ta quyết định từ bỏ dinh thự này và tất cả của cải tài sản lớn này, rồi ta đi xuất gia trở thành nữ đạo-sĩ theo bốn đứa con của ta.

Còn các bà nghĩ thế nào?

Các bà phu-nhân đồng thưa rằng:

– Kính thưa Lệnh bà, tất cả chúng tôi đều xin đi theo Lệnh bà, để xuất gia trở thành nữ đạo-sĩ theo bốn công-tử của Lệnh bà.

Phu-Nhân Vāseṭṭhī Đi Xuất Gia

Sau đó, bà Vāseṭṭhī phu-nhân của Quan thừa-tướng từ bỏ tất cả, dẫn nhóm 16.000 phu-nhân của vị Bà-la-môn cùng các con của họ, rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, đi tìm đến bốn công-tử tại bờ sông Gaṅgā.

Nhìn thấy mẫu thân của mình dẫn đoàn người đông đảo từ xa đến, Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla ngồi trên hư không thuyết pháp tế độ mẫu thân cùng đoàn tùy tùng đông đảo ấy.

Đức-Vua Esukārī

Ngày hôm ấy, không thấy Quan thừa-tướng đến chầu như thường ngày, Đức-vua Esukārī truyền hỏi rằng:

– Này các khanh! Quan thừa-tướng thế nào mà không đến chầu hôm nay?

– Muôn tâu Bệ-hạ, Quan thừa-tướng và bà Vāseṭṭhī phu-nhân của Quan thừa-tướng từ bỏ dinh thự và tất cả của cải tài sản lớn ấy, rồi dẫn đoàn tuỳ tùng đông đảo rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, đi xuất gia theo bốn công-tử tại bờ sông Gaṅgā rồi. Tâu Bệ-hạ.

Nghe tâu như vậy, Đức-vua Esukārī nghĩ rằng:

“Của cải tài sản nào không có chủ, của cải tài sản ấy thuộc về của Đức-vua.”

Nghĩ vậy, nên Đức-vua Esukārī truyền lệnh lính trong triều đến dinh thự Quan thừa-tướng chở tất cả của cải tài sản của Quan thừa-tướng đem về nộp vào kho triều đình.

Chánh-Cung Hoàng-Hậu

Nhìn thấy lính chở của cải nhiều đem về nộp vào kho như vậy, nên Chánh-cung Hoàng-hậu của Đức-vua Esukārī truyền hỏi các lính ấy rằng:

– Này các khanh! Của cải tài sản của ai mà các ngươi chở nhiều quá vậy?

– Muôn tâu Chánh-cung Hoàng-hậu, Đức-vua truyền lệnh chở tất cả của cải tài sản của Quan thừa-tướng đem về nộp vào kho triều đình.

– Này các khanh! Quan thừa-tướng ở đâu? Dinh thự Quan thừa-tướng không còn ai hay sao? 

– Muôn tâu Chánh-cung Hoàng-hậu, Quan thừa-tướng và bà Vāseṭṭhī phu-nhân của Quan thừa-tướng đã từ bỏ dinh thự, từ bỏ tất cả của cải tài sản lớn, rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, mỗi vị dẫn theo đoàn tùy tùng đông đảo đi xuất gia trở thành đạo-sĩ theo bốn công-tử của họ rồi, nên trong dinh thự không còn người nào cả.”

Nghe người lính tâu như vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu suy nghĩ rằng:

“Đức-vua Esukārī, Đức phu-quân của ta truyền lệnh cho lính triều đình khuân tất cả của cải tài sản lớn mà Quan thừa-tướng, phu-nhân Vāseṭṭhī và bốn công-tử của Quan thừa-tướng đã từ bỏ, như nhổ bãi nước miếng, rồi bỏ đi, Đức-vua lại truyền lệnh cho những người lính khuân tất cả của cải tài-sản ấy về nộp vào kho triều đình.

Vậy, ta nên thức tỉnh Đức-vua bằng một thí dụ.”

Suy nghĩ như vậy xong, Chánh-cung Hoàng-hậu truyền lệnh cho người lính mua thịt bò ngon đem về gom một đống thịt phía trước sân cung điện, rồi giăng lưới bẫy sẵn, chờ bầy chim kên kên thấy thịt từ xa bay đến ăn thịt bò ngon.

Những con chim kên kên ăn thịt bò ngon no quá, thân mình nặng nề không thể bay lên được. Con chim kên kên nào khôn, mửa bớt thịt ra, làm cho thân mình nhẹ bớt, nên bay trở về tổ được.

Còn con chim kên kên nào ham ăn thịt bò ngon no quá, thân hình nặng nề không thể bay lên được, chúng đều bị mắc lưới bẫy.

Chánh-cung Hoàng-hậu truyền lệnh cho người lính bắt một con kên kên đem đến cho bà. Chánh-cung Hoàng-hậu đem con chim kên kên ấy đến chầu Đức-vua Esukārī, tâu rằng:

– Muôn tâu Hoàng-thượng, kính thỉnh Hoàng-thượng ngự đến đứng chỗ cửa sổ nhìn xuống trước sân, thấy bầy chim kên kên nằm trong bẫy lưới. Rồi tâu rằng:

– Muôn tâu Hoàng-thượng, nếu những con chim kên kên nào ăn thịt bò ngon quá no, rồi biết mửa ra bớt, thân nhẹ bớt, thì những con chim kên kên ấy bay lên trở về tổ của mình được.

Nếu những con chim kên kên nào ăn thịt bò ngon quá no, không chịu mửa ra được, thân nặng nề, thì những con chim kên kên ấy không thể bay lên được, nên chúng đều bị sa vào bẫy lưới của thần-thiếp.

– Muôn tâu Hoàng-thượng, Quan thừa-tướng, phu-nhân Vāseṭṭhī và bốn công-tử của Quan thừa-tướng đã từ bỏ tất cả của cải tài sản, như nhổ bỏ các ngũ-dục sình lầy, rồi đi xuất gia trở thành đạo-sĩ. Còn Hoàng-thượng lại truyền lệnh cho lính khuân tất cả của cải tài sản ấy đem về nộp vào kho triều đình, để sử dụng lại.

– Muôn tâu Hoàng-thượng, người nào sử dụng những gì mà người khác nhổ bỏ rồi, chư bậc thiện-trí không tán dương ca tụng người ấy.

Nghe lời tâu của Chánh-cung Hoàng-hậu, Đức-vua Esukārī liền thức tỉnh, phát sinh đại-thiện-tâm biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, nhàm chán ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục), cảm thấy tam-giới này như ba hầm lửa đang cháy ngùn ngụt, phát sinh động tâm, nên nghĩ rằng:

“Ta nên từ bỏ ngai vàng điện ngọc, rồi ta cũng nên đi xuất gia trở thành đạo-sĩ, ngay hôm nay mà thôi.”

Khi ấy, Đức-vua Esukārī tán dương ca tụng Chánh-cung Hoàng-hậu rằng:

– Này Ái-khanh! Như người đàn ông lực lưỡng có sức mạnh giúp nắm tay người yếu đuối bị chìm trong vũng sình lầy, đưa lên bờ được an toàn như thế nào. Cũng như ái-khanh cứu vớt Trẫm thóat ra khỏi vũng sình lầy ngũ-dục bằng lời lẽ chân lý đúng đắn như thế ấy.

Đức-Vua Esukārī Đi Xuất Gia

Sau khi tán dương ca tụng Chánh-cung Hoàng-hậu như vậy, Đức-vua Esukārī truyền lệnh các quan hội triều. Khi các quan văn võ tề tựu đông đủ, Đức-vua Esukārī truyền bảo rằng:

– Này các khanh! Trẫm từ bỏ ngai vàng, rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ theo công-tử Hatthipāla, ngay hôm nay.

Còn các khanh nghĩ thế nào?

Nghe Đức-vua Esukārī truyền bảo như vậy, các quan văn võ đều tâu rằng:

– Muôn tâu Bệ-hạ, chúng thần cũng xin theo Bệ-hạ, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ.

Như vậy, Đức-vua Esukārī từ bỏ ngai vàng, từ bỏ kinh-thành Bārāṇasī rộng lớn, dẫn nhóm quan và đoàn tùy tùng dài khoảng ba do-tuần, ngự đi xuất-gia, tìm đến nơi Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla tại bờ sông Gaṅgā.

Nhìn thấy Đức-vua Esukārī cùng đoàn tuỳ tùng đông đảo từ xa đến, Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla ngồi trên hư không thuyết pháp tế độ Đức-vua Esukārī cùng đoàn tuỳ tùng ấy.

Chánh-Cung Hoàng-Hậu Pañcālī

Sau khi nghe tin Đức-vua Esukārī cùng các quan trong triều đã rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ rồi. Ngày hôm sau, dân chúng còn lại trong kinh-thành Bārāṇasī, kéo nhau tụ hội tại trước cung điện, đảnh lễ Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī, tâu rằng:

– Muôn tâu Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī, Đức-vua Esukārī cao cả trong đất nước Kāsi đã từ bỏ ngai vàng, rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, ngự đi xuất gia trở thành đạo-sĩ rồi.

Chúng thần dân thiên hạ kính thỉnh Chánh-cung Hoàng-hậu lên ngôi vua, trị vì đất nước Kāsi này, làm nơi nương nhờ của chúng thần dân thiên hạ trong đất nước Kāsi này.

Toàn thể chúng thần dân thiên hạ đều một lòng trung thành phục vụ Chánh-cung Hoàng-hậu.

Kính xin Lệnh bà ban lời giáo huấn đến thần dân thiên hạ.

Nghe lời tâu của thần dân thiên hạ, Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī truyền bảo rằng:

– Này toàn thể dân chúng! Đức-vua Esukārī cao cả đã từ bỏ đất nước Kāsi này, đã xuất gia trở thành đạo-sĩ rồi. Ta cũng sẽ từ bỏ ngũ-dục ràng buộc trong đời, mà đi xuất gia trở thành đạo-sĩ thực-hành phạm hạnh cao thượng.

– Này toàn thể dân chúng! Đức-vua Esukārī cao cả đã từ bỏ đất nước Kāsi này, đã xuất gia trở thành đạo-sĩ rồi. Ta cũng sẽ từ bỏ ngũ-dục như sình lầy mà ta sở hữu trong đời, mà đi xuất gia trở thành đạo-sĩ thực-hành phạm hạnh cao thượng.

– Này toàn thể dân chúng! Thời gian ban ngày đã trôi qua, ban đêm cũng trôi qua, tuổi thọ giảm dần, tiếp theo tuần tự trải qua ba thời: ấu niên, trung niên, lão niên. Cho nên, ta sẽ từ bỏ ngũ-dục ràng buộc trong đời, mà đi xuất gia trở thành đạo-sĩ thực-hành phạm hạnh cao thượng.

– Này toàn thể dân chúng! Thời gian ban ngày đã trôi qua, ban đêm cũng trôi qua, tuổi thọ giảm dần, tiếp theo tuần tự trải qua ba thời: ấu niên, trung niên, lão niên. Cho nên, ta sẽ từ bỏ ngũ-dục như sình lầy trong đời, mà đi xuất gia trở thành đạo-sĩ thực-hành phạm hạnh cao thượng

– Này toàn thể dân chúng! Thời gian ban ngày đã trôi qua, ban đêm cũng trôi qua, tuổi thọ giảm dần, tiếp theo tuần tự trải qua ba thời: ấu niên, trung niên, lão niên. Cho nên, ta sẽ xuất gia trở thành đạo-sĩ để thực-hành phạm-hạnh cao-thượng, diệt mọi phiền-não, mọi tham-ái nóng nảy trong đời, để cho tâm trong sạch thanh-tịnh.

Sau khi truyền dạy năm câu kệ xong, Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī truyền gọi những phu-nhân của những vị quan trong triều đến chầu, truyền bảo rằng:

– Này tất cả quý phu-nhân! Đức-vua Esukārī đã từ bỏ ngai vàng, từ bỏ đất nước Kāsi rộng lớn, dẫn nhóm quan trong triều cùng đoàn tuỳ tùng đông đảo, rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī này, ngự đi xuất gia trở thành đạo-sĩ theo công-tử Hatthipāla, tại bờ sông Gaṅgā.

Vậy, tất cả quý bà nghĩ thế nào?

Nghe Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī truyền hỏi như vậy, quý bà phu-nhân của các vị quan đều tâu rằng:

– Muôn tâu Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī, Lệnh bà nghĩ thế nào?

– Này tất cả quý phu-nhân! Ta cũng từ bỏ tất cả, rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī này, rồi ngự đi xuất gia trở thành nữ đạo-sĩ theo công-tử Hatthipāla, tại bờ sông Gaṅgā.

– Muôn tâu Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī, kính xin Lệnh bà cho phép tất cả chúng tôi cùng đi theo xuất gia trở thành nữ đạo-sĩ theo công-tử Hatthipāla, tại bờ sông Gaṅgā.

Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī vô cùng hoan hỷ truyền bảo rằng: “Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Quý phu-nhân.” 

Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī truyền lệnh cho lính trong triều mở các kho vàng, kho ngọc, v.v… và vẽ bản đồ chỉ rõ các hầm kho báu lớn chôn dưới đất, rồi ghi dòng chữ trên bảng treo lên cho mọi người biết rằng:

“Những thứ của cải này đã được vua ban cho rồi, nếu ai cần lấy những vật gì thì được phép lấy những vật ấy như ý.”

Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī truyền lệnh cho những người lính đánh kiểng thông báo cho toàn thể dân chúng trong kinh-thành và dân chúng trong đất nước Kāsi đều biết như vậy.

Nghe tin Đức-vua Esukārī từ bỏ ngai vàng, rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī ngự đi xuất gia trở thành đạo-sĩ rồi. Nay, Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī cũng sẽ rời khỏi kinh-thành Bārāṇasī, ngự đi xuất gia trở thành nữ đạo-sĩ nữa, làm cho toàn thể dân chúng trong kinh-thành Bārāṇasī xao động trong lòng. Cho nên, toàn thể dân chúng trong kinh-thành xôn xao bàn luận với nhau, rồi cuối cùng quyết định từ bỏ nhà cửa, của cải tài sản, mọi người đều lũ lượt dẫn con cháu xin đi theo Chánh-cung Hoàng-hậu cùng xuất gia trở thành đạo-sĩ theo công-tử Hatthipāla, tại bờ sông Gaṅgā.

Kinh-thành Bārāṇasī trở nên vắng người qua lại.

Chánh-Cung Hoàng-Hậu Pañcālī Đi Xuất Gia

Cuối cùng, Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī dẫn đầu đoàn người đông đảo dài ba do-tuần, ngự đi ra khỏi kinh-thành Bārāṇasī, đi xuất gia theo công-tử Hatthipāla tại bờ sông Gaṅgā.

Nhìn thấy Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī dẫn đầu đoàn người đông đảo từ xa ngự đến, Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla ngồi trên hư không thuyết pháp tế độ Chánh-cung Hoàng-hậu cũng đoàn tuỳ tùng đông đảo ấy.

Đức-Bồ-Tát Hatthipāla Đi Vào Rừng Núi Himavanta

Khi ấy, Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla dẫn đầu đoàn tuỳ tùng dài độ 12 do-tuần đi vào rừng núi Himavanta. Dân chúng đất nước Kāsi nghe tin rằng:

Công-tử Hatthipāla dẫn đầu đoàn người đông đảo dài 12 do-tuần đi vào rừng núi Himavanta, để xuất gia trở thành đạo-sĩ, làm cho kinh-thành Bārāṇasī vắng người qua lại.

Vậy, chúng ta ở lại nơi đây có ích lợi gì!

Cho nên, các đoàn người lũ lượt kéo nhau đi theo vào rừng núi Himavanta, để xin xuất gia trở thành đạo-sĩ với Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla đông đảo đến 30 do-tuần. Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla dẫn đoàn tùy tùng chưa đến rừng núi Himavanta.

Khi ấy, trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên Đức-vua-trời Sakka suy xét rằng:

“Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla dẫn đầu đoàn tùy tùng đông đảo đi vào rừng núi Himavanta, để xuất gia trở thành đạo-sĩ.

Vậy, ta nên có bổn phận chuẩn bị chỗ ở, các thứ vật dụng cần thiết đủ để cho mọi người xuất gia trở thành đạo-sĩ, và mọi thứ tiện nghi trong đời sống hằng ngày của các đạo-sĩ.

Cho nên, Đức-vua-trời Sakka truyền gọi vị thiên nam Vissakamma đến, rồi truyền bảo rằng:

– Này Vissakamma! Ngươi nên hiện xuống cõi người, tại rừng núi Himavanta, hóa ra các cốc lá, những thứ vật dụng cần thiết để cho mọi người xuất gia trở thành đạo-sĩ, và mọi thứ tiện nghi trong đời sống hằng ngày của các đạo-sĩ, chiều dài 36 do-tuần, chiều ngang 15 do-tuần. 

Tuân theo lệnh của Đức-vua-trời Sakka, vị thiên nam Vissakamma hiện xuống cõi người, làm con đường dẫn đến rừng núi Himavanta chỗ thuận lợi, gần bến bờ sông Gaṅgā, hóa ra các cốc lá, những thứ vật dụng cần thiết đầy đủ để cho mọi người xuất gia trở thành đạo-sĩ, và mọi thứ tiện nghi cần thiết trong đời sống hằng ngày của toàn thể đạo-sĩ, như đường kinh hành, chỗ nghỉ buổi trưa, hồ nước lớn, những cây ăn quả nhiều loại có quả quanh năm suốt tháng, đầy đủ cho tất cả mọi đạo-sĩ, chiều dài khoảng 36 do-tuần, chiều ngang khoảng 15 do-tuần, do oai lực của vị thiên nam Vissakamma.

Sau khi hóa xong, vị thiên nam Vissakamma ghi dòng chữ rằng:

“Ye keci pabbajitukāmā ime parikkhāre gaṇhantu.”

“Những vị nào có ý định xuất gia trở thành đạo-sĩ, kính xin quý Ngài được phép sử dụng những thứ vật dụng cần thiết này.”

Vị thiên nam Vissakamma dùng oai lực của mình đuổi các con thú dữ và các loài chim có tiếng kêu đáng kinh sợ ra xa khỏi phạm vi sinh sống, sinh hoạt hằng ngày của toàn thể quý vị đạo-sĩ, rồi mới trở về cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

Đức-Bồ-Tát Hatthipāla Xuất-Gia Trở Thành Đạo-Sĩ

Khi Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla dẫn đầu đoàn tùy tùng đến bìa rừng theo con đường dẫn đến vùng mà vị thiên nam Vissakamma hóa ra dành cho Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla cùng đoàn tùy tùng đông đảo của Đức-Bồ-tát.

Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla biết rõ Đức-vua-trời Sakka đã truyền lệnh cho chư-thiên hóa ra đầy đủ mọi thứ sẵn sàng dành cho mình và đoàn tùy tùng đông đảo của mình, để xuất gia trở thành đạo-sĩ.

Thật vậy, nhìn thấy tấm bản có ghi dòng chữ:

“Ye keci pabbajitukāmā ime parikkhāre gaṇhantu.”

Mở cửa bước vào cốc lá, nhìn thấy bộ y phục của đạo-sĩ, Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla thay bộ y phục công-tử bằng bộ y phục đạo-sĩ, tự nguyện xuất gia trở thành đạo-sĩ, rồi bước ra ngoài đi kinh hành quanh cốc đôi ba vòng, cảm thấy thật là hạnh phúc an-lạc!

Sau đó, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla cho phép tất cả mọi người đều xuất gia trở thành đạo-sĩ cả thảy.

Xem xét toàn vùng, Đức-Bồ-tát đạo-sĩ sắp đặt những vị nữ đạo-sĩ có con nhỏ ở giữa, vòng tiếp theo dành cho những vị đạo-sĩ già lớn tuổi, vòng tiếp theo dành cho những đạo-sĩ trung niên và vòng ngoài cùng dành cho những nam đạo-sĩ trẻ khoẻ mạnh.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla ngồi trên hư không thuyết pháp giảng dạy toàn thể đạo-sĩ, dạy pháp-hành thiền-định đề-mục “Tứ vô-lượng-tâm” Đó là:

* Niệm rải tâm-từ đến tất cả chúng-sinh vô lượng.

* Niệm rải tâm-bi đến tất cả chúng-sinh vô lượng.

* Niệm rải tâm-hỷ đến tất cả chúng-sinh vô lượng.

* Niệm rải tâm-xả đến mỗi chúng-sinh vô lượng.

Trong ba đề-mục vô-lượng-tâm: niệm rải tâm-từ, niệm rải tâm-bi, niệm rải tâm-hỷ, hành-giả chọn một trong 3 đề mục thực-hành pháp-hành thiền-định trước.

Sau khi hành-giả chứng đắc đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm xong, mới chuyển đổi sang thực-hành pháp-hành thiền-định với đề-mục niệm rải tâm-xả sau cùng.

Một Đức-vua của nước khác nghe tin rằng:

Trong kinh-thành Bārāṇasī, Đức-vua Esukārī và Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī từ bỏ ngai vàng, dẫn tất cả các quan trong triều, các phu-nhân của các quan cùng dân chúng trong kinh-thành Bārāṇasī đông đảo ngự đi theo công-tử Hatthipāla vào rừng núi Himavanta, để xuất gia trở thành đạo-sĩ.

Nghe tin như vậy, muốn biết hư thực thế nào, nên Đức-vua dẫn đầu đội quân ngự đến kinh-thành Bārāṇasī.

Khi đến nơi, thấy cửa thành mở rộng, Đức-vua ngự đi vào bên trong kinh-thành vắng người, không thấy một bóng người qua lại, các dinh thự đều mở cửa, của cải ngổn ngang, ngự đến cung điện của Đức-vua Esukārī vắng người, các cửa cung điện đều mở, các kho báu đều mở cửa bỏ trống, nên Đức-vua nghĩ rằng:

“Đức-vua Esukārī, Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī, toàn thể các quan, dân chúng trong kinh-thành đều từ bỏ các của cải quý báu mà họ đã dành dụm tích lũy trải qua các đời vua, các đời cha ông tổ tiên, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ.

Như vậy, bậc xuất-gia đạo-sĩ ắt hẳn là cao quý hơn của cải quý báu ấy.

Nghĩ như vậy, Đức-vua ngự ra khỏi cung điện, tìm người hỏi thăm đường đi đến chỗ ở công-tử Hatthipāla, gặp mấy người uống rượu tại một nơi, họ chỉ con đường đi theo công-tử Hatthipāla. Đức-vua ngự cùng với đội quân theo con đường đi đến chỗ ở công-tử Hatthipāla, vừa đến bìa rừng.

Biết Đức-vua tìm đến, nên Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla hiện ra bìa rừng đón rước Đức-vua, ngồi trên hư không thuyết pháp tế độ Đức-vua cùng đội quân, rồi dẫn vào chỗ ở bên trong.

Đức-vua cùng đội quân xin phép xuất gia trở thành đạo-sĩ. Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla cho phép xuất gia trở thành đạo-sĩ theo ý nguyện.

Về sau, có năm Đức-vua của đất nước khác cùng đội quân cũng tìm đến xin phép xuất gia trở thành đạo-sĩ, như Đức-vua trước.

Như vậy, có bảy Đức-vua từ bỏ ngai vàng ngự đi cùng với các quan và toàn thể dân chúng rộng lớn gồm có 36 do-tuần, theo xuất gia trở thành đạo-sĩ theo Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla.

Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla ngồi trên hư không thuyết pháp tế độ tất cả mọi đạo-sĩ, truyền dạy pháp-hành thiền-định đề-mục tứ vô-lượng-tâm và đề-mục kasiṇa.

Tất cả mọi vị đạo-sĩ thực-hành pháp-hành thiền-định phần đông dẫn đến chứng đắc các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và các phép-thần-thông.

Trong tất cả mọi đạo-sĩ ấy có hai phần ba (2/3) đạo-sĩ chứng đắc bậc thiền sắc-giới thiện-tâm.

Sau khi những đạo-sĩ ấy chết, sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên nào, tùy theo sắc-giới quả-tâm của bậc thiền sắc-giới thiện-tâm ấy của đạo-sĩ.

Còn lại một phần ba đạo-sĩ không chứng đắc bậc thiền nào, tâm vẫn còn thuộc về dục-giới thiện-nghiệp.

Sau khi những đạo-sĩ ấy chết, dục-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên sáu cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời ấy cho đến khi mãn quả của đại-thiện-nghiệp ấy.

Một số đạo-sĩ khác, sau khi chết, dục-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người trong ba hạng người: Đức-vua hoặc Bà-la-môn hoặc hạng trưởng giả giàu sang phú quý trong đời, không có một ai bị tái-sinh trong bốn cõi ác giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ quỷ, súc-sinh.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy câu kệ rằng:

“Abhitthretha kalyāṇe, pāpā cittaṃ nivāraye . Dandhañhi karato puññaṃ, pāpasmiṃ ramate mano.”

– Này chư tỳ-khưu! Các con nên mau lẹ tạo thiện-nghiệp, để ngăn tâm ác.

Thật vậy, người chậm chạp tạo thiện-nghiệp, thì tâm hay ưa thích trong ác-nghiệp.

Sau khi thuyết xong tích Hatthipālajātaka, Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

– Này chư tỳ-khưu! Trong những tiền-kiếp của Như-Lai từ bỏ tất cả đi xuất gia trở thành đạo-sĩ, nhiều người khác cũng noi gương từ bỏ tất cả đi theo tiền-kiếp Như-Lai xuất gia trở thành đạo-sĩ.

Tích Hatthipālajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện-Tại

Tích Hatthipālajātaka này, Đức-Bồ-tát tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama sinh làm công-tử Hatthipāla trong thời quá khứ. Đến khi Đức-Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian thì hậu-kiếp của những nhân vật trong tích Hatthipālajātaka liên quan đến kiếp hiện-tại của những nhân vật ấy như sau:

– Đức-vua Esukārī, nay kiếp hiện-tại là Đức Phụ-vương Suddhodana.

– Chánh-cung Hoàng-hậu Pañcālī, nay kiếp hiện-tại là Mẫu-hậu Mahāmāyādevī.

– Quan thừa-tướng, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahākassapa.

– Phu-nhân Vāseṭṭhī của Quan thừa-tướng, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-đức tỳ-khưu-ni Bhaddakāpilānī.

– Công-tử Assapāla, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta.

– Công-tử Gopāla, nay kiếp hiện-tại là Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna.

– Công-tử Ajapāla, nay kiếp hiện-tại là Ngài Trưởng-lão Anuruddha.

– Các vị đạo-sĩ khác, nay kiếp hiện-tại là tứ chúng: tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự-nữ.

– Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla, nay kiếp hiện-tại là Đức-Phật Gotama.

Mười Pháp-Hạnh Ba-La-Mật

Tóm lược tích Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama đã tạo pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật bậc trung. Ngoài ra, còn có pháp-hạnh ba-la-mật khác cũng đồng thời thành tựu như sau:

– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla từ bỏ của cải, … đó là pháp-hạnh bố-thí ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla giữ-giới trong sạch, đó là pháp-hạnh giữ-giới ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla có trí-tuệ suy xét đúng đắn, đó là pháp-hạnh trí-tuệ ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla có sự tinh-tấn không ngừng, đó là pháp-hạnh tinh-tấn ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla có đức nhẫn-nại, đó là pháp-hạnh nhẫn-nại ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla phát-nguyện bằng lời chân-thật, đó là pháp-hạnh chân-thật ba-la-mật. 

– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla nói lời phát-nguyện, đó là pháp-hạnh phát-nguyện ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla có tâm-từ đối với chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-từ ba-la-mật.

– Đức-Bồ-tát đạo-sĩ Hatthipāla có tâm-xả đối với chúng-sinh, đó là pháp-hạnh tâm-xả ba-la-mật.

Đó là chín pháp-hạnh ba-la-mật khác cũng đồng thời thành tựu cùng một lúc với pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật bậc trung này.

Nhận Xét Về Đức-Bồ-Tát Đạo-Sĩ Hatthipāla

Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật bậc trung là 1 trong 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, cũng là 1 trong 30 pháp-hạnh ba-la-mật mà Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác cần phải tạo cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác (Sammāsambuddha).

Pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật đó là đại-thiện-tâm trong sạch nhàm chán ngũ-dục (sắc-dục, thanh-dục, hương-dục, vị-dục, xúc-dục) ràng buộc trong đời.

Tích Hatthipālajātaka này, Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla, tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama, sinh làm công-tử của Quan thừa-tướng trong triều đình của Đức-vua Esukārī trong kinh-thành Bārāṇasī, đất nước Kāsi.

Tiền-kiếp Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla là vị thiên-nam tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên. Khi gần hết tuổi thọ, Đức-vua-trời Sakka ngự đến mời vị thiên-nam ấy tái-sinh xuống làm người, đầu thai vào lòng phu-nhân Vāseṭṭhī của Quan thừa-tướng, cùng với ba vị thiên-nam bạn với điều kiện khi trưởng thành sẽ từ bỏ nhà, đi vào rừng núi Himavanta, xuất gia trở thành đạo-sĩ lúc còn trẻ mà thôi.

Được biết rõ điều này, nên Quan thừa-tướng sẽ tìm cách ngăn cản bốn công-tử của mình không nghĩ đến việc xuất-gia, để công-tử trưởng lên ngôi vua, trị vì đất nước Kāsi.

Khi công-tử đầu lòng sinh ra đời, Quan thừa-tướng đặt tên Hatthipālakumāra: Công-tử giữ voi, rồi giao cho người giữ voi nuôi dưỡng.

Tuần tự ba công-tử sinh ra đời: Công-tử thứ nhì được đặt tên là Assapālakumāra: Công-tử giữ ngựa, rồi giao cho người giữ ngựa nuôi dưỡng. Công-tử thứ ba được đặt tên là Gopālakumāra: Công-tử giữ bò, rồi giao cho người giữ bò nuôi dưỡng. Công-tử thứ tư được đặt tên là Ajapālakumāra: Công-tử giữ dê, rồi giao cho người giữ dê nuôi dưỡng.

Bốn công-tử của Quan thừa-tướng từ nhỏ đến trưởng thành gần gũi thân cận với người ác, nên trở thành 4 người ác có tính khí ngang tàng ngỗ nghịch quậy phá làm khổ nhiều người.

Thấy bốn công-tử của mình như vậy, nên Quan thừa-tướng dẫn về dinh thự của mình, bốn công-tử biết nhau là bốn huynh đệ. Mỗi công-tử ở mỗi tư dinh riêng biệt có nhóm tuỳ tùng thuộc hạ của mình.

Khi công-tử trưởng Hatthipāla lên 16 tuổi, Đức-vua Esukārī và Quan thừa-tướng bàn tính làm lễ đăng quang cho công-tử trưởng Hatthipāla lên ngôi vua, trị vì đất nước Kāsi này, nhưng xét thấy công-tử trưởng Hatthipāla có tính khí ngang tàng ngỗ nghịch là người ác như vậy.

Nếu khi công-tử trưởng Hatthipāla lên ngôi làm vua thì chắc chắn chỉ làm cho đất nước Kāsi này sẽ bị diệt vong mà thôi.

Nếu công-tử trưởng Hatthipāla từ bỏ tư dinh, đi xuất gia trở thành đạo-sĩ thì cũng chỉ quậy phá làm khổ dân chúng mà thôi.

Đức-vua Esukārī bàn tính với Quan thừa-tướng rằng:

“Trẫm và khanh nên giả làm hai vị đạo-sĩ ngự đến thử công-tử trưởng Hatthipāla xem thế nào, rồi sau đó chúng ta sẽ tính việc làm lễ đăng quang cho công-tử trưởng Hatthipāla lên ngôi vua.”

Sau khi bàn tính xong, Đức-vua Esukārī và Quan thừa-tướng giả làm hai vị đạo-sĩ ngự đến khất thực trước cổng tư dinh của công-tử trưởng Hatthipāla.

Nhìn thấy hình dạng hai vị đạo-sĩ đứng trước cổng tư dinh của mình, đó là hình ảnh đạo-sĩ chưa từng nhìn thấy bao giờ, nên Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla vô cùng hoan hỷ ra tận cổng, quỳ xuống cung kính đảnh lễ dưới hai bàn chân của hai vị đạo-sĩ, rồi kính thỉnh vào ngồi trên chỗ ngồi cao quý, Đức-Bồ-tát công-tử Hatthi-pāla ngồi chỗ thấp, cung kính bạch lời khiêm tốn với đại-thiện-tâm tôn kính đối với hai vị đạo-sĩ.

Đức-vua Esukārī và Quan thừa-tướng vô cùng ngạc nhiên không ngờ công-tử trưởng Hatthipāla có thể thay đổi tâm tính hiền lương một cách mau lẹ như vậy.

Thật vậy, Đức-Phật thuyết dạy trong bài kinh Maṅgala-sutta về 38 pháp-hạnh phúc an lành, hai pháp đầu tiên là:

“Asevanā ca bālānaṃ, paṇḍitānañca sevanā…”

“Không nên gần gũi thân cận với kẻ ác, Nên gần gũi thân cận với bậc thiện-trí, …

Đó là pháp-hạnh phúc an lành cao thượng.”

Bốn công-tử của Quan thừa-tướng khi còn nhỏ hằng ngày gần gũi thân cận với người ác, nên trở thành người ác, bởi vì bị ảnh hưởng người ác, chỉ làm cho tâm tính bị ô nhiễm nhất thời mà thôi.

Nhưng khi nhìn thấy hình tướng đạo-sĩ là bậc thiện-trí thì bốn công-tử của Quan thừa-tướng phát sinh đại-thiện-tâm trong sạch vô cùng hoan hỷ, cung-kính đảnh lễ hai Ngài đạo-sĩ, nên tâm tính hiền lương một cách mau lẹ, bởi vì tiền-kiếp của bốn công-tử là bốn vị thiên-nam trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, sau khi chuyển kiếp (cuti: chết), đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ làm phận-sự tái-sinh kiếp sau đầu thai vào lòng bà Vāseṭṭhī phu-nhân của Quan thừa-tướng, thuộc về hạng người tam-nhân từ khi đầu thai làm người.

Khi bốn công-tử sinh ra đời, lúc trưởng thành vốn là người có trí-tuệ, nên khi nhìn thấy hai Ngài đạo-sĩ, bốn công tử đều phát sinh đại-thiện-tâm trong sạch, cung-kính đảnh lễ hai Ngài đạo-sĩ, đồng thời nhớ lại điều kiện trong tiền-kiếp rằng: “Xuất gia trở thành đạo-sĩ lúc còn trẻ.”

Mặc dù, sau khi biết Đức-vua Esukārī và Quan thừa-tướng phụ thân của mình, chứ không phải là đạo-sĩ, nhưng hình tướng đạo-sĩ ban đầu có ấn tượng sâu sắc trong tâm. Cho nên, khi Đức-vua Esukārī và Quan thừa-tướng phụ thân muốn làm lễ đăng quang cho công-tử trưởng Hatthipāla lên ngôi vua, trị vì đất nước Kāsi, thì Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla một mực từ chối không chịu lên ngôi làm vua, mà chỉ muốn từ bỏ tư dinh, đi vào rừng núi Himavanta, xuất gia trở thành đạo-sĩ mà thôi.

Còn ba công-tử thứ là công-tử Assapāla, công-tử Gopāla, công-tử Ajapāla noi theo gương công tử huynh trưởng Hatthipāla cũng từ bỏ tư dinh, đi vào rừng núi Himavanta, để xuất gia trở thành đạo-sĩ theo Đức-Bồ-tát công-tử Hatthipāla.

(Xong pháp-hạnh xuất-gia ba-la-mật bậc trung)

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app