Chương 17:
GIẢNG GIẢI VỀ NGÔI ĐẠI BẢO ĐIỆN
Kế đến, đức vua đã cho niêm phong tất cả nơi ấy rồi trong lúc cho xây dựng ngôi bảo điện đã cho hoàn tất gian phòng hình chữ nhật cùng với phần bên trong. Sau đó, trong lúc công việc làm cái lọng che và công việc tô láng còn chưa được hoàn tất, đức vua đã lâm bệnh với căn bệnh chết người nên đã cho triệu hồi người em trai từ Dīghavāpī đến nói rằng: “Này em, công việc làm cái lọng che và công việc tô láng ở ngôi bảo điện chưa được hoàn tất; hãy nhanh chóng cho hoàn tất và hãy làm cho ta được hoan hỷ.” Biết được tình trạng yếu đuối của đức vua, người em (nghĩ rằng): “Không thể hoàn thành công việc chưa được hoàn tất trong khoảng thời gian ấy” nên đã cho thực hiện màn che bằng các tấm vải sạch rồi che ngôi bảo điện lại, sau đó ở bên trên tấm màn che đã cho thực hiện tranh vẽ hình lan can với hình các dãy chum được chứa đầy và các dấu vết năm ngón tay.
Sau khi đã cho thực hiện cái lọng che làm bằng tre với các thanh sậy, người em đã cho thực hiện ở phía trên lan can các hình đĩa tròn mặt trăng và mặt trời được làm bằng các mảnh vải cứng, rồi đã tô điểm vật ấy với các loại nhựa cây và đất màu, sau đó đã thông báo với đức vua rằng: “Việc xây dựng ngôi bảo tháp đã được hoàn tất.” Đức vua đã nói rằng: “Như thế thì hãy cho trẫm nhìn thấy ngôi đại bảo điện,” rồi đã nằm xuống trên chiếc kiệu, và đã hướng vai phải nhiễu quanh ngôi bảo điện, sau đó đã cho sắp đặt giường nằm trên mặt đất ở cổng vào phía nam, rồi đã nằm tại chỗ ấy. Đức vua khi nằm bên hông phải thì nhìn thấy ngôi đại bảo tháp, và khi nằm bên hông trái thì nhìn thấy Lohapāsāda (Lâu đài bằng đồng) nên đã sanh khởi niềm tịnh tín. Khi ấy, sau khi quán xét đến việc Giáo Pháp có nhiều lợi ích đối với đức vua, chín mươi sáu koṭi vị tỳ khưu từ nơi này nơi nọ đã đi đến nhằm mục đích thăm hỏi bệnh tình và đã đứng vây quanh đức vua. Sau đó, hội chúng đã phân thành từng nhóm và đã thực hiện việc trùng tụng.
Đức vua không nhìn thấy trưởng lão Theraputtābhaya tại cuộc hội họp đó nên đã suy nghĩ như vầy: “Trong khi ta tiến hành hai mươi tám trận chiến đấu tàn khốc với những người Damiḷa, vị ấy đã không rút lui. Giờ đây, khi cuộc chiến đấu với tử thần đang diễn tiến, ta nghĩ rằng vị ấy đã nhìn thấy sự thất trận của ta nên không đi đến.” Khi ấy, vị trưởng lão đang cư trú tại ngọn núi Pajjalita ở thượng nguồn giòng sông Karinda đã biết được ý nghĩ suy tầm của đức vua nên đã cùng với năm trăm bậc Lậu Tận tùy tùng đi đến theo đường không trung và đã hiện ra ở phía trước đức vua.
Đức vua sau khi nhìn thấy vị trưởng lão đã thỉnh ngồi xuống phía trước mình rồi đã nói như vầy: “Bạch ngài, sau khi có được ngài cùng với mười vị đại dũng sĩ, trẫm đã chiến đấu với những người Damiḷa. Giờ đây, trẫm chỉ mỗi một mình đã bắt đầu cuộc chiến đấu với tử thần. Tuy nhiên, trẫm không thể chiến thắng kẻ thù là thần chết được.” Do đó,
Trưởng lão Theraputtābhaya đã nói rằng: “Tâu chúa thượng, chớ có sợ hãi. Không chiến thắng được kẻ thù phiền não thì không thể chiến thắng kẻ thù là thần chết.[112]
Sau khi đã nói như thế, vị trưởng lão đã giảng dạy như vầy: “Tâu đại vương, hết thảy toàn bộ chúng sanh ở thế gian đều bị tác động bởi sự sanh, bị đày đọa bởi tuổi già, bị thống trị bởi bệnh tật, bị tấn công bởi sự chết. Vì thế, có điều nói rằng:
Cũng giống như ngọn núi đá vĩ đại trong khi nén xuống ở bốn phía có thể vươn đến không trung và làm chuyển động khu vực xung quanh,
Tương tợ như thế, tuổi già và thần chết thống trị các chúng sanh dầu là sát-đế-lỵ, bà-la-môn, thương buôn, nông phu, hạ tiện, cùng khổ. Chúng không tha bất cứ ai và đày đọa hết tất cả.
Trong trường hợp ấy, không phải là môi trường của các con voi, của các xe ngựa, hay của binh lính, và cũng không thể chiến thắng bằng bùa chú, vũ khí, hay tài sản.[113]
Do đó, điều gọi là sự chết này, không còn gì phải nghi ngờ, áp dụng cho những người có danh tiếng lớn lao như là Mahāsammata, v.v… cho những người có phước báu cao cả như là Jotiya, v.v… cho những người có sức mạnh phi thường như là Baladeva, v.v… cho các bậc Độc Giác đã chứng ngộ các chân lý nhờ vào trí tuệ tự thân, luôn cả các bậc Chánh Đẳng Giác thành tựu tất cả các đức hạnh. Vậy còn những chúng sanh nào khác nữa? Vì thế,
Tất cả những vị vua cao quý ấy dầu đã đạt đến danh tiếng lớn lao như là Mahāsammata, v.v… và có sức mạnh phi thường như là Baladeva, v.v… đều phải trải qua trạng thái vô thường như thế.
Những vị đầy đủ phước báu đã đạt được danh vọng và tài sản lớn như là Jotiya và Meṇḍaka, v.v… tất cả những vị ấy mặc dầu giàu có cũng đã đi vào miệng của tử thần giống như mặt trăng bị mất đi vào lúc nguyệt thực.
Tâu đại vương, trong số những người con trai có thần thông của đức Như Lai, ngay cả vị trưởng lão được nổi tiếng là đứng hàng đầu cũng đi vào miệng của tử thần cùng với năng lực thần thông (của mình).
Tâu đại vương, trong tất cả chúng sanh ngoại trừ đấng Chiến Thắng, không ai có trí tuệ sánh bằng vị Thinh văn là Tướng Quân Chánh Pháp, ngay cả vị ấy cũng gánh chịu sự vô thường.
Tâu đại vương, ngay cả những đấng Tạo Hóa đã đạt đến sự an tịnh nhờ vào năng lực trí tuệ của chính mình, tất cả các vị ấy dầu đã thành đạt được sức mạnh của trí tuệ cũng không vượt qua được sự vô thường.
Ngay cả đấng Thiện Thệ là bậc đại nhân, là vị chúa tể của tam giới đã vượt qua bản thể của sự vô thường cũng không thể thoát khỏi. Tâu bệ hạ, không có gì để nói về những chúng sanh khác.
Vì thế, tâu đại vương, mặc dầu tất cả các chúng sanh trong các cõi không sao tránh khỏi sự chết, trong khi còn luân hồi tất cả cũng nên suy xét về “vô thường khổ não vô ngã.”
Ngay cả trong kiếp sống trước, sự ao ước về Chánh Pháp của bệ hạ thật là lớn lao. Trong khi đang ngự ở cõi trời, bệ hạ đã từ bỏ an lạc của thiên đường.[114]
Sau khi hạ sanh ở cõi này, bệ hạ đã thực hiện nhiều phước thiện bằng nhiều cách. Hơn nữa, sự thống nhất vương quốc của bệ hạ đem lại sự rạng ngời của Giáo Pháp.
Tâu đại vương, chỉ tưởng nhớ đến tất cả phước thiện đã được bệ hạ thực hiện cho đến ngày hôm nay, an lạc sẽ hiện khởi ngay lập tức.”
Sau khi lắng nghe điều ấy, đức vua đã khởi tâm hoan hỷ rồi nói rằng: “Bạch ngài, ngay cả trong cuộc chiến đấu với thần chết, ngài cũng là nguồn hỗ trợ.” Nói xong, đức vua đã được yên tâm rồi ra lệnh đọc lên cuốn sách ghi chép về phước báu. Viên thư ký đã đọc lên cuốn sách ghi chép về phước báu như vầy:
Chín mươi chín tu viện và tu viện Maricavaṭṭi đã được vị đại vương cho xây dựng với chín mươi chín koṭi.
Lohapāsāda (Lâu đài bằng đồng) hạng nhất được cho xây dựng với ba mươi koṭi. Các vật quý giá ở ngôi đại bảo tháp đã được cho thực hiện là hai mươi bốn ngàn.
Tâu đại vương, các việc còn lại ở ngôi đại bảo tháp cũng đã được bệ hạ là người có trí tuệ sắc sảo cho thực hiện trị giá một ngàn koṭi.
Ở dãy núi tên là Koḷamba vào nạn đói phải ăn hạt akkha, bệ hạ đã đưa ra hai bông tai rất quý giá để trao đổi.
Với tâm tín thành, phần cháo chua hạt kê tuyệt hảo đã được dâng đến năm vị đại trưởng lão là các bậc Lậu Tận.
Trong trận chiến ở Cūḷaṅgaṇiya, sau khi bị bại trận và đang trốn chạy, ngài đã thông báo về thời điểm (của bữa ăn) đến vị đã ngự đến theo đường hư không.
Không quan tâm gì đến bản thân, ngài đã dâng đĩa thức ăn đến vị tu sĩ Lậu Tận. Cuốn sách ghi chép về phước báu đã được đọc lên như thế.[115]
Sau khi lắng nghe điều ấy, đức vua đã trở nên hoan hỷ và bảo rằng: “Này khanh, hãy ngưng lại! Hãy ngưng lại!” rồi đã nói như vầy: “Trong bảy ngày lễ hội của tu viện Maricavaṭṭi và bảy ngày khởi công ngôi bảo tháp, trẫm đã thực hiện cuộc lễ đại thí vô cùng xứng đáng đến cả hai hội chúng bốn phương. Trẫm đã cho thực hiện hai mươi bốn đại lễ cúng dường Vesākha (Rằm Tháng Tư) và đã cúng dường y đến đại chúng tỳ khưu ở trên hòn đảo Tambapaṇṇi ba lần. Trẫm đã cúng dường vương quyền của Laṅkā đến Giáo Pháp năm lần, mỗi lần bảy ngày. Trẫm đã cho thắp sáng thường xuyên một ngàn cây đèn ở mười hai địa điểm với tim đèn bằng vải trắng mịn được nhúng trong bơ lỏng. Trẫm đã ra lệnh cho các thầy thuốc thường xuyên bố thí thuốc men và thức ăn đến những người bệnh ở mười tám địa điểm. Trẫm đã bố thí dầu ăn và gạo ở bốn mươi bốn địa điểm. Trẫm đã cho bố thí thường xuyên các bánh nướng bơ với bữa ăn ở rất nhiều địa điểm. Mỗi tháng vào tám ngày Uposatha, trẫm đã ra lệnh bố thí dầu đèn ở tất cả các tu viện trên đảo Laṅkā. Sau khi đã nghe được rằng: ‘Sự bố thí Pháp là cao cả hơn sự bố thí tài vật,’ mặc dầu đã ngồi xuống trên Pháp tọa ở tầng dưới của Lohapāsāda (Lâu đài bằng đồng) và đã bắt đầu giảng giải bài kinh Điềm Lành (Maṅgalasutta),[116] nhưng trẫm đã không thể giảng giải vì sự tôn kính hội chúng. Từ đó trở đi, trẫm đã tôn vinh các vị Pháp sư và đã cho thuyết giảng Giáo Pháp ở tất cả các tu viện. Vào tám ngày Uposatha trong tháng, trẫm đã cho cúng dường đến mỗi một vị Pháp sư bơ lỏng, đường mía, đường viên mỗi loại một nāḷī, thanh cam thảo dài bốn ngón tay ước lượng một nắm tay, và hai xấp vải. Tất cả các việc này cũng chỉ là sự bố thí sau khi đã có quyền lực nên không làm cho tâm ta được hoan hỷ. Trái lại, có hai việc bố thí đã được ta thực hiện khi bị lâm vào sự nguy khốn và không còn quan tâm đến mạng sống lại làm ta hoan hỷ.”
Sau khi nghe được điều ấy, vị trưởng lão Abhaya đã nói rằng: “Tâu đại vương, bệ hạ đã đặt niềm tin vào đúng sự việc đáng để đặt niềm tin. Hơn nữa, hai lần vật thực ấy là vĩ đại do năm nguyên nhân này: Do duyên đã đạt được đúng Pháp bởi không hành hạ kẻ khác, do bản chất của sự bố thí không vướng mắc bởi không quan tâm đến bản thân, do bản chất của sự bố thí vật cần thiết đối với những người thọ lãnh, do bản chất của sự bố thí với đức tin mạnh mẽ tạo nên hỷ và lạc, và sự đạt đến tính chất hữu dụng một cách toàn diện của vật bố thí.” Rồi đã nói tiếp rằng: “Tâu đại vương, trong số các vị trưởng lão đã thọ lãnh món cháo chua hạt kê, vị trưởng lão Maliyamahādeva đã cho đến năm trăm vị tỳ khưu ở đỉnh núi Samanta rồi mới thọ dụng, vị trưởng lão Dhammagutta là vị đã làm rung động quả đất đã cho đến năm trăm vị tỳ khưu ở tu viện Kalyāṇī rồi mới thọ dụng, vị trưởng lão Dhammagutta cư ngụ ở Talaṅgara đã cho đến mười hai ngàn vị tỳ khưu ở Piyaṅgudīpe rồi mới thọ dụng, vị trưởng lão Cūḷatissa cư ngụ ở Maṅgaṇa đã cho đến sáu mươi ngàn vị tỳ khưu ở tu viện Kelāsakūṭa rồi mới thọ dụng, vị trưởng lão Mahābhagga cũng đã cho đến bảy trăm vị tỳ khưu ở tu viện Ukkānagara rồi mới thọ dụng. Hơn nữa, vị trưởng lão là người nhận lãnh thức ăn trong cái đĩa đã cho đến mười hai ngàn vị tỳ khưu ở Piyaṅgudīpe rồi mới tiến hành việc thọ thực;” và vị trưởng lão đã làm cho tâm của đức vua được thơ thới.
Khi tâm đã được hoan hỷ, đức vua đã nói như vầy: “Bạch ngài, trong lúc trị vì vương quốc hai mươi bốn năm, trẫm đã là người có nhiều cống hiến cho hội chúng. Hãy để cho thân của trẫm cũng là vật cống hiến đến hội chúng. Các ngài hãy thiêu thi hài của trẫm là kẻ tôi đòi của hội chúng ở trong khuôn viên hành sự của hội chúng tại địa điểm nhìn thấy ngôi đại bảo điện.” Sau đó, đã cho gọi người em trai (nói rằng): “Này em Tissa, Hãy cho hoàn tất một cách tốt đẹp công việc chưa được hoàn tất ở ngôi đại bảo tháp. Hãy cho tiến hành việc cúng dường bông hoa sáng và tối ở ngôi đại bảo tháp và cho thực hiện nghi thức cúng dường ba lần. Chớ có bỏ bê mọi tập quán bố thí đã được trẫm thiết lập và luôn luôn chớ xao lãng các phận sự cần phải làm đối với hội chúng.” Sau khi nhắn nhủ, đức vua đã im lặng.
Vào giây phút ấy, các vị tỳ khưu đã bắt đầu việc trùng tụng. Hơn nữa, chư thiên từ sáu cõi trời đã lấy sáu chiếc xe ngựa đưa đến và xếp hàng theo thứ tự nói rằng: “Tâu đại vương, cõi trời của chúng tôi thú vị lắm! Cõi trời của chúng tôi thú vị lắm!” và đã thỉnh cầu về việc đi đến cõi trời của chính các vị. Nghe lời nói của họ, đức vua đã ngăn cản họ bằng cách giơ tay ra dấu hiệu rằng: “Hãy chờ đợi cho đến khi trẫm nghe Pháp xong.” Hội chúng lại nghĩ rằng: “Đức vua ngăn cản việc trùng tụng” nên đã ngưng lại việc tụng đọc. Đức vua đã nói rằng: “Bạch các ngài, tại sao các ngài lại ngưng việc trùng tụng?” “Tâu đại vương, vì ngài đã giơ tay ra hiệu ngăn cản.” “Bạch các ngài, trẫm đã không ra dấu hiệu cho các ngài. Chư thiên từ sáu cõi trời đã đưa lại sáu chiếc xe ngựa và thỉnh cầu đi đến cõi trời của chính các vị. Vì thế, trẫm đã ra dấu hiệu cho họ rằng: ‘Hãy chờ đợi cho đến khi trẫm nghe Pháp xong.’” Sau khi nghe được điều ấy, một số người đã nghĩ rằng: “Vị vua này hoảng hốt vì sợ hãi sự chết nên nói nhảm. Không có chúng sanh nào gọi là người không sợ hãi sự chết.”
Do đó, trưởng lão Abhaya đã nói rằng: “Tâu đại vương, làm thế nào có thể tin được rằng sáu chiếc xe ngựa đã được đưa lại từ sáu cõi trời?” Sau khi nghe được điều ấy, đức vua đã bảo ném những lẳng hoa lên không trung. Các lẳng hoa ấy đã bay lên và từng cái một đã máng vào ở càng xe. Đám đông sau khi nhìn thấy các lẳng hoa được máng ở trên không trung nên đã hết hoài nghi.
Sau đó, đức vua đã hỏi vị trưởng lão rằng: “Bạch ngài, vậy cõi trời nào là thú vị?” Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, cung trời Đẩu Suất là thú vị. Bồ Tát Metteyya trong lúc quán xét thời điểm để trở thành Phật cư ngụ ở ngay tại nơi ấy.”
Sau khi nghe được điều ấy, đức vua đã chọn sanh xứ ở cõi ấy và đã từ trần ngay trong lúc đang nằm ngắm nhìn ngôi đại bảo tháp, rồi đã tái sanh vào chiếc xe được đem lại từ cõi trời Đẩu Suất như là người vừa thức dậy sau giấc ngủ. Để bày tỏ đến đám đông quả báu của phước thiện đã được thực hiện bởi bản thân, đức vua được điểm tô với những vật trang sức của cõi trời đã đứng ở ngay trong chiếc xe ngựa, rồi trong khi đám đông đang chăm chú nhìn, đã hướng vai phải nhiễu quanh ngôi đại bảo tháp ba vòng, đã đảnh lễ hội chúng tỳ khưu, rồi đã đi đến cõi trời Đẩu Suất.
Như vậy, vô thường luôn luôn hiện hữu trong việc tích lũy vô ích đối với các tài sản. Những người có trí tuệ thực hiện sự xả bỏ tài sản đến Tam Bảo và nắm giữ thực chất sẽ sanh về cõi trời.
Các nữ vũ công sau khi biết được trạng thái băng hà của đức vua đã đứng tại chỗ cởi bỏ chóp mũ đội đầu; tại chỗ ấy đã được xây dựng gian nhà gọi tên là Makuḷamuttasālā (sảnh đường của các chóp mũ đội đầu đã được cởi bỏ). Khi thi thể của đức vua được đưa lên giàn hỏa thiêu, tại địa điểm đám đông đã đưa tay lên khóc lóc đã được xây dựng sảnh đường gọi tên là Viravitthasālā (sảnh đường của sự khóc lóc). Tại chỗ họ đã hỏa táng thi thể của đức vua, chỗ ấy là khuôn viên của ranh giới và được gọi tên là Rājamālaka (khuôn viên của đức vua). Sau đó, người em trai của đức vua đã trở thành vị đại vương tên là Saddhātissa, sau đó đã cho hoàn tất công việc làm chiếc lọng che và công việc tô láng ở ngôi bảo điện chưa được hoàn tất, rồi đã cho xây dựng ngôi bảo tháp.
Phần Giảng Giải về Ngôi Đại Bảo Điện
trong tập “Sử Liệu về Bảo Tháp Xá-Lợi Phật”
được thực hiện nhằm tạo niềm tin trong tâm trí
của các thiện nhân đã chấm dứt.
-ooOoo-