Chương 15:

GIẢNG GIẢI VÀ MÔ TẢ HÌNH THỨC CỦA CĂN PHÒNG THỜ XÁ-LỢI

Sau đó, đức vua đã đảnh lễ hội chúng tỳ khưu rồi nói rằng: “Xin hội chúng tỳ khưu hãy thọ nhận vật thực của trẫm cho đến khi ngôi đại bảo điện được hoàn tất.” Các vị tỳ khưu đã không nhận lời. Trong lúc lần lượt thỉnh cầu và đạt được sự nhận lời trong bảy ngày của một nửa số lượng tỳ khưu, đức vua đã cho thực hiện các mái che ở mười tám địa điểm xung quanh vị trí của ngôi bảo tháp, rồi đã thỉnh hội chúng tỳ khưu ngồi xuống, và đã thực hiện cuộc lễ đại thí trong bảy ngày, sau đó đã dâng cúng dược phẩm như là dầu ăn, mật ong, đường mía, v.v… đến tất cả các vị, rồi đã tiễn biệt hội chúng tỳ khưu. Sau đó, đức vua đã cho trống thông báo trong thành phố và cho triệu tập tất cả các người thợ xây gạch lại. Bọn họ gồm có năm trăm người.

Một người trong nhóm (nghĩ rằng): “Sau khi được lòng đức vua, ta có thể thực hiện ngôi đại bảo điện” rồi đã nhìn vào đức vua. Đức vua đã hỏi rằng: “Khanh làm cách nào?” Người ấy đã nói rằng: “Tâu bệ hạ, thần chọn lấy một trăm nhân công, sau đó mỗi ngày cho đổ vào một xe đất, rồi tiến hành công việc.” Đức vua (nghĩ rằng): “Nếu như thế thì sẽ là đống đất. Các loại cỏ, cây, v.v… sẽ mọc lên và sẽ không tồn tại lâu dài,” rồi đã từ chối người ấy.

Người khác đã nói rằng: “Thần chọn lấy một trăm nam nhân, sau đó mỗi ngày cho đổ vào một khối đất, rồi tiến hành công việc.

Người khác đã nói rằng: “Thần cho đổ vào năm ghe đất rồi tiến hành công việc.

Người khác đã nói rằng: “Thần cho đổ vào hai ghe đất rồi tiến hành công việc.” Đức vua cũng đã từ chối những người ấy.

Khi ấy, có người thợ xây gạch khác sáng trí đã nói rằng: “Tâu bệ hạ, sau khi cho giã trong cối giã, sàng bằng rây, nghiền nát bằng cối xay, mỗi một ngày thần sẽ cho đổ vào chỉ một ghe đất và chọn lấy một trăm nhân công rồi tiến hành công việc.

Đức vua (nghĩ rằng): “Nếu như thế ở ngôi đại bảo điện sẽ không có các loại cỏ, v.v… và sẽ tồn tại lâu dài” nên đã đồng ý rồi hỏi thêm rằng: “Tuy nhiên, khanh sẽ làm hình dạng gì?

Vào thời điểm ấy, thiên tử Vissakamma đã nhập vào cơ thể của người thợ xây. Người thợ xây đã cho mang nước lại đổ đầy cái chậu bằng vàng, sau đó đã dùng bàn tay nhúng nước búng ở trên mặt nước và đã làm hiện ra bong bóng nước lớn như cái chậu bằng pha-lê. Người ấy đã nói rằng: “Tâu bệ hạ, thần làm như thế này.”

Đức vua đã đồng ý (nói rằng): “Tốt lắm!” rồi đã ban cho người ấy hai xấp vải trị giá một ngàn, luôn cả đồ trang sức bằng vàng tên là puṇṇaka cũng trị giá một ngàn, đôi giày trị giá một ngàn, và mười hai ngàn đồng tiền, rồi còn bảo cấp cho nhà và ruộng ở địa điểm thích hợp nữa.

Sau đó, trong đêm đức vua đã suy nghĩ rằng: “Làm thế nào ta có thể cho mang lại các viên gạch mà không phải đày đọa dân chúng?” Chư thiên biết được tâm của đức vua nên ngay trong đêm ấy đã thực hiện đống gạch đủ cho từng ngày một ở bốn cổng vào của ngôi bảo điện. Khi đêm hừng sáng, dân chúng đã nhìn thấy và đã trình lên đức vua. Đức vua mừng rỡ rồi đã cho thợ xây gạch tiến hành công việc. Bằng chính phương thức ấy, chư thiên đã thực hiện rồi đem lại số gạch vừa đủ của từng ngày một cho đến khi ngôi đại bảo điện được hoàn thành. Ở tại chỗ được tiến hành công việc, đất sét hoặc bột gạch không được sử dụng trọn thời gian trong ngày thì đã được chư thiên làm cho biến mất vào ban đêm.

Khi ấy, ở mỗi một cánh cổng trong số bốn cổng vào, đức vua đã cho xếp đặt tiền lương và phần thưởng cho việc làm thủ công của bốn hội chúng tham gia công việc xây dựng ngôi đại bảo điện gồm có mười sáu ngàn đồng tiền, vải vóc, đồ trang sức, vật thơm, tràng hoa, dầu ăn, mật ong, đường mía, năm loại gia vị, các loại dược phẩm, bữa ăn gồm có nhiều loại xúp và thức ăn khác nhau, cháo, vật thực cứng, v.v…, tám loại thức uống được phép, các lá trầu kèm theo năm loại làm thơm miệng, rồi đã ra lệnh rằng: “Hãy để những người tại gia hoặc xuất gia đang tham gia công việc xây dựng ngôi đại bảo điện được nhận lãnh theo như ước muốn, những người tham gia công việc không nhận lãnh lương không được phép làm việc.”

Khi ấy, có một vị trưởng lão mong muốn việc góp phần trong công việc xây dựng ngôi bảo điện nên đã tạo ra đất sét giống như ở chỗ thực hiện việc xây dựng, sau đó đã dùng một tay cầm lấy cục đất sét đã được bản thân thực hiện còn tay kia cầm lấy tràng hoa rồi đã bước lên khuôn viên của ngôi đại bảo điện, đã đánh lạc hướng những người nhân công của đức vua, và đưa cho người thợ xây gạch. Người ấy ngay trong khi nhận lấy đã biết rằng: “Không phải là đất sét thiên nhiên” và đã nhìn vào khuôn mặt của vị trưởng lão. Sau khi biết được động cơ của vị ấy, tại đó đã xảy ra sự lộn xộn. Cuối cùng, đức vua đã nghe được nên đã đi đến hỏi người thợ xây gạch rằng: “Này khanh, nghe nói có một vị tỳ khưu đã trao cho khanh cục đất sét chưa được trả công.”

Người ấy đã nói như vầy: “Phần đông các ngài đại đức một tay cầm hoa tay kia cầm cục đất sét mang lại và trao cho, vì thế thần không biết nên đã đặt vào chỗ xây dựng. Hơn nữa, vị này là vị vãng lai, vị này là vị tạm trú’ thần chỉ biết được chừng ấy.” (Đức vua đã nói rằng): “Như vậy thì hãy chỉ vị trưởng lão ấy cho người này” rồi đã bố trí một người lính thâm niên ở bên cạnh người thợ xây gạch. Khi vị trưởng lão lại đi đến, người thợ xây gạch đã chỉ vị ấy cho người lính. Người lính đã nhận diện vị ấy rồi trình lên đức vua.

 Đức vua đã trao nhiệm vụ cho người lính rằng: “Khanh đây hãy chất thành đống ba hũ hoa nhài vừa hé nụ và hãy xếp đặt vật thơm ở khuôn viên của cội Đại Bồ Đề. Vào thời điểm vị trưởng lão vãng lai đi đến khuôn viên của cội Đại Bồ Đề, hãy nói rằng: Vật thơm và tràng hoa được đức vua ban cho nhằm mục đích cúng dường,’ rồi trao cho vị ấy.” Theo đúng phương thức chỉ bày của đức vua, người lính đã trao vật thơm và tràng hoa ấy cho vị trưởng lão vào lúc vị ấy đi đến khuôn viên cội Bồ Đề.

Vị ấy đã trở nên hoan hỷ, sau đó đã rửa sạch nền đá rồi đã khoanh vùng bằng hương thơm, sau khi đã thực hiện thảm trải bằng đá rồi đã cúng dường bông hoa và đảnh lễ bốn địa điểm, sau đó vị ấy đã chắp tay hướng về cánh cửa phía đông và sanh khởi niềm hoan hỷ đứng ngắm nhìn sự cúng dường bằng bông hoa.

Vào lúc bấy giờ, người lính đã đi đến gần vị trưởng lão ấy, đã đảnh lễ, rồi đã nói như vầy: “Bạch ngài, đức vua bảo cho ngài hay rằng sự vật được ban thưởng là phần lương bổng cho cục đất sét chưa được trả công đã được ngài trao ra nhằm mục đích góp phần trong công việc xây dựng ngôi bảo điện. Đức vua còn bảo nhân danh đức vua đảnh lễ ngài nữa.” Sau khi nghe điều ấy, vị trưởng lão đã trở nên không được hoan hỷ. Người lính đã nói rằng: “Bạch ngài, chẳng riêng gì ba hũ hoa nhài vừa hé nụ, mà ngay cả các bông hoa bằng vàng cũng không giá trị bằng cục đất sét ấy. Bạch ngài, xin ngài hãy hoan hỷ ở trong tâm!” rồi đã ra đi.

Khi ấy, có một vị trưởng lão cư ngụ ở tu viện Piyaṅgalla trong xứ sở Koṭṭhimāla là thân quyến của người thợ xây gạch. Vị ấy đã đi đến và chuyện trò với người thợ xây, sau khi biết được kích thước của viên gạch về chiều dài, bề dày, và chiều rộng thì đã ra đi. Vị ấy đã tự tay nhào trộn đất sét một cách cẩn thận rồi đã làm ra viên gạch, nung chín, và bỏ vào túi đựng bình bát, sau đó đã quay trở lại một tay cầm viên gạch của đức vua, một tay cầm bông hoa, và đã đưa ra viên gạch của đức vua cùng với viên gạch của mình. Người thợ xây đã nhận lấy đặt vào chỗ xây dựng.

Vị trưởng lão đã sanh khởi sự hoan hỷ và vui mừng rồi trong lúc làm công việc ở ngôi đại bảo điện đã trú ngụ tại gian phòng ở nhà chứa gạch. Việc làm ấy của vị ấy đã được đồn đãi. Đức vua đã hỏi người thợ xây rằng: “Này khanh, nghe nói có viên gạch chưa được trả công đã được vị đại đức trao cho.” Người thợ xây đã nói rằng: “Tâu bệ hạ, đúng vậy. Có viên gạch đã được vị đại đức trao cho, thần (nghĩ rằng): ‘Giống viên gạch của chúng ta’ nên đã đặt vào chỗ xây dựng.” Khi được đức vua hỏi rằng: “Khanh có nhận ra lại viên gạch ấy không?” Do sự quan hệ về quyến thuộc, người thợ xây đã đáp rằng: “Thần không nhận biết được.”

Đức vua đã bố trí người lính (nói rằng): “Nếu như vậy thì hãy chỉ vị ấy cho người này.” Giống như trước đây, người ấy đã chỉ vị ấy cho người lính. Người lính đã đi đến căn phòng rồi đã ngồi xuống gần bên tỏ vẻ thân thiện rồi hỏi rằng: “Ngài là vị vãng lai hay là vị thường trú?” “Này cư sĩ, ta là vị vãng lai.” “Bạch ngài, ngài cư ngụ ở xứ sở nào?” “Này cư sĩ, ta cư ngụ ở tu viện Piyaṅgalla trong xứ sở Koṭṭhimāla.” “Ngài sẽ cư ngụ ở ngay tại chỗ này hay ngài sẽ đi?” Vị trưởng lão đã nói rằng: “Ta không cư ngụ ở đây, ta sẽ đi vào ngày ấy.” Người lính cũng đã nói rằng: “Tôi cũng sẽ đi cùng với ngài. Ngôi làng của tôi có tên như vầy và cũng ở ngay trong xứ sở ấy.” Vị trưởng lão đã đồng ý: “Tốt thôi!”. Người lính đã tường trình lại sự việc ấy lên đức vua.

Đức vua đã trao cho người lính hai xấp vải trị giá một ngàn, một cái mền len nhuộm đắt giá, đôi dép, một nāḷi[90] dầu thơm hảo hạng, và nhiều vật dụng của sa-môn khác nữa (nói rằng): “Hãy trao cho vị trưởng lão.” Người lính đã nhận lấy vật dụng rồi đi đến căn phòng và đã ngụ qua đêm cùng với vị trưởng lão, sau đó đã cùng với vị ấy ra đi vào buổi sáng. Tuần tự đã đi đến chỗ nhìn thấy được tu viện Piyaṅgalla, người lính đã thỉnh vị trưởng lão ngồi xuống ở bóng râm, đã rửa hai bàn chân (của vị trưởng lão) rồi xoa bằng dầu thơm, sau đó đã mời uống nước đường rồi đã lấy ra đôi dép nói rằng: “Vật dụng này đã được tôi mang theo cho ngài trưởng lão thân thiết, bây giờ tôi xin dâng đến ngài. Hơn nữa, đây là hai xấp vải đã được mang đi nhằm đem đến sự may mắn cho con trai của tôi, xin ngài hãy may y và khoác vào,” rồi đã đặt ở chân của vị trưởng lão.

Vị trưởng lão đã để hai xấp vải vào trong túi đựng bình bát và đã buộc các vật dụng còn lại thành gói, sau đó đã mang dép vào, cầm lấy cây gậy chống, rồi tiếp tục cuộc hành trình. Người lính đã đi cùng với vị ấy một khoảng ngắn rồi nói rằng: “Bạch ngài, xin hãy dừng bước. Đây là lối đi của tôi” rồi đã kể lại cho vị trưởng lão lời giải thích của đức vua theo đúng như phương thức đã được đề cập ở trên.

Sau khi nghe được điều ấy, (nghĩ rằng): “Công việc đã được thực hiện với sự nỗ lực lớn lao giờ được biết là xem như chưa được thực hiện” vị trưởng lão đã trở nên buồn rầu, tuôn rơi giòng nước mắt (nói rằng): “Này cư sĩ, chính ngươi hãy nhận lại vật dụng của ngươi,” rồi đứng ngay tại chỗ đó và đã bỏ xuống tất cả các vật dụng. Người lính đã nói rằng: “Bạch ngài, sao ngài lại nói vậy? Cho dầu đức vua ấy đã định giá cao nhất trong khi đưa ra vật dụng cho ngài cũng không thể sánh bằng viên gạch của ngài được. Đức vua bắt làm như vầy với ý định: ‘Trẫm sẽ thực hiện toàn bộ việc xây dựng ở ngôi đại bảo điện, không để phần cho những người khác.’ Bạch ngài, hơn nữa ngài hãy cầm lấy vật dụng đã được ngài nhận lãnh và hãy hoan hỷ ở trong tâm.” Sau khi đã làm cho vị trưởng lão hiểu rõ, người lính đã ra đi.

Tuy nhiên, không đếm được số lượng chúng sanh được sanh về cõi trời sau khi đã làm công việc với thù lao và đặt tâm hoan hỷ vào ngôi bảo điện này.

Nghe rằng có những tiên nữ được sanh lên cung trời Đạo Lợi sau khi nhìn thấy sự thành tựu của bản thân rồi trong lúc quán xét rằng: “Do nghiệp gì mà chúng ta đã đạt đến sự thành tựu này?” Sau khi nhận biết bản thể được thành tựu do đã làm công việc với thù lao ở ngôi đại bảo điện nên đã suy nghĩ rằng: “Thậm chí kết quả của hành động đã được thực hiện với thù lao còn là như thế này, vậy kết quả của hành động đã được thực hiện bằng vật sở hữu của bản thân sau khi đã có niềm tin vào nghiệp quả thì sẽ là như thế nào?” sau đó đã cầm lấy các vật thơm và tràng hoa của cõi trời rồi trong đêm đã đi đến cúng dường và đảnh lễ ngôi bảo điện.

Vào thời khắc ấy, vị trưởng lão tên Mahāsīva cư trú ở Bhātivaṅka đã đi đến nhằm mục đích đảnh lễ ngôi bảo điện, sau khi nhìn thấy các tiên nữ ấy đang đảnh lễ liền đứng cạnh cây cổ thụ Thất Diệp (Sattapaṇṇi). Đến khi các tiên nữ đã đảnh lễ theo như ý thích và sắp sửa ra đi, vị trưởng lão đã hỏi rằng: “Toàn thể hòn đảo Tambapaṇṇi có được ánh sáng thuần nhất do ánh sáng từ thân thể của các cô, các cô đã thực hiện nghiệp gì vậy?” Các tiên nữ đã nói rằng: “Bạch ngài, không phải là nghiệp đã được thực hiện bằng vật sở hữu của chúng tôi, chúng tôi đã thực hiện công việc với thù lao sau khi đã khởi tâm hoan hỷ vào ngôi bảo điện này.” Như thế, ngay cả công việc đã được thực hiện với thù lao do tâm hoan hỷ vào Giáo Pháp của đức Phật cũng có kết quả lớn. Do đó:

Khi đã biết rằng: “Dầu chỉ khởi tâm hoan hỷ cũng sẽ đạt được sự tái sanh cao quý vào cõi trời,” bậc trí tuệ nên thực hiện việc cúng dường ngôi bảo tháp.[91]

Trong lúc cho tiến hành công việc xây dựng ngôi bảo điện như thế, đức vua đã cho hoàn tất cái đỉnh ba chân dùng để cắm hoa. Các bậc Lậu Tận đã làm cho vật ấy chìm xuống ngang bằng mặt đất để có được trạng thái vững chắc. Như thế, các vị đã làm cho vật đã được thiết kế chìm sâu xuống chín lần. Đức vua trong khi không hiểu được nguyên nhân nên đã không hài lòng và đã cho triệu tập hội chúng tỳ khưu lại. Tám mươi ngàn vị tỳ khưu đã tụ hội lại. Đức vua đã cúng dường hội chúng tỳ khưu bằng các vật thơm và bông hoa, v.v… rồi đã đảnh lễ và hỏi rằng: “Bạch các ngài, cái đỉnh ba chân để cắm hoa ở ngôi đại bảo điện đã bị chìm xuống trong lòng đất chín lần so với lúc đã được thiết kế. Trẫm không biết có phải là trạng thái nguy hiểm cho mạng sống của trẫm hay là cho công trình xây dựng?” Hội chúng tỳ khưu đã nói rằng: “Tâu đại vương, không có gì nguy hiểm cho công trình xây dựng hay là cho mạng sống của đại vương. Các vị có thần thông đã làm cho cái đỉnh ba chân chìm xuống để có được trạng thái vững chắc trong tương lai. Đến mức ấy rồi, các vị sẽ không làm cho chìm xuống nữa. Ngài chớ có làm khác đi và hãy cho hoàn thành ngôi đại bảo tháp.” Nghe được điều ấy, đức vua đã trở nên hoan hỷ và đã cho tiến hành công việc xây dựng ngôi bảo tháp.

Mười cái đỉnh cắm hoa đã được hoàn tất với mười koṭi viên gạch. Hơn nữa, khi cái đỉnh ba chân để cắm hoa đã được hoàn tất, hội chúng tỳ khưu đã ra lệnh cho hai vị sa di Lậu Tận tên là Uttara và Sumana rằng: “Hai ngươi hãy mang lại sáu tảng đá màu vàng có kích thước tám mươi cánh tay ở mỗi cạnh, dày tám ratana, và là hình vuông đều đặn.” Hai vị đã đồng ý (đáp rằng): “Lành thay!” rồi đã đi đến xứ Kuru ở phương Bắc và mang lại sáu tảng đá màu vàng giống màu hoa bhaṇḍi có kích thước như cách thức đã được mô tả, sau đó đã lót một tảng đá ở trên mặt nền của căn phòng thờ xá-lợi, sau đó xếp đặt bốn tảng đá ở bốn phía, rồi đã làm cho tảng đá còn lại trở nên vô hình và đặt ở bên cạnh hàng rào bằng cát ở khu vực phía đông nhằm mục đích niêm phong căn phòng thờ xá-lợi.

Sau đó, ở giữa căn phòng thờ xá-lợi đức vua đã cho thực hiện cây Bồ Đề được làm bằng tất cả các loại ngọc quý và có vẻ đẹp được thành tựu về mọi khía cạnh. Bởi vì nó được đặt ở trên mặt nền làm bằng ngọc bích và ngọc ma-ni, các rễ của nó được làm bằng san hô, thân được làm bằng bạc cao mười tám cánh tay, được tô điểm với tám biểu tượng kiết tường như là các con bò con của sự may mắn, v.v… những dãy lá cây, những giàn dây leo, và những hàng thú bốn chân và chim thiên nga. Còn có năm cành cây lớn dài mười tám cánh tay, những lá cây làm bằng ngọc ma-ni, những lá úa làm bằng vàng, các trái cây làm bằng san hô. Tương tợ, ở phía trên các chồi non đức vua đã cho buộc tấm màn che bằng vải. Ở xung quanh viền của màn che, đức vua đã treo màn lưới các chuông nhỏ làm bằng ngọc trai. Các dãy chuông vàng và các sợi chỉ vàng được treo đó đây. Ở bốn góc của tấm màn che có treo mỗi góc một chuỗi ngọc trai trị giá chín trăm ngàn. Ở đó, các hình tượng về mặt trăng, mặt trời, và các ngôi sao được làm bằng nhiều loại ngọc quý khác nhau và các đóa hoa sen đã được gắn vào một cách tương xứng. Hơn tám ngàn tấm vải đắt giá có nhiều màu sắc đã được treo lên.

Kế đến, đức vua đã cho thực hiện lan can bằng bảy loại ngọc quý ở xung quanh cây Bồ Đề và đã lót ở nền những viên ngọc trai bằng trái āmalaka cỡ lớn. Bên trong những lan can bằng ngọc trai, đức vua đã cho đặt những hàng chậu làm bằng bảy loại ngọc quý và chứa đầy nước thơm. Trong số đó, ở cái chậu bằng vàng có các bông hoa làm bằng san hô, ở cái chậu bằng san hô có các bông hoa làm bằng vàng, ở cái chậu bằng ngọc ma-ni có các bông hoa làm bằng bạc, ở cái chậu bằng bạc có các bông hoa làm bằng ngọc ma-ni, ở cái chậu bằng bảy loại ngọc quý có các bông hoa làm bằng bảy loại ngọc quý.

Ở khu vực phía đông của cây Bồ Đề, đức vua đã cho đặt tượng đức Phật làm bằng vàng khối rắn chắc ngồi trên bảo tọa làm bằng ngọc quý trị giá một koṭi. Ở trên bức tượng ấy, hai mươi móng tay và những chỗ màu trắng của hai con mắt được làm bằng ngọc pha-lê. Lòng bàn tay, lòng bàn chân, các nướu răng, và những chỗ màu đỏ của hai con mắt được làm bằng san hô. Tóc, các lông mày, và những chỗ màu đen của hai con mắt được làm bằng ngọc bích và ngọc ma-ni. Tuy nhiên, sợi lông giữa hai lông mày được làm bằng bạc. Sau đó, đức vua đã cho thực hiện Đại Phạm Thiên Sahampati đứng cầm chiếc lọng bằng bạc. Tương tợ, đức vua đã cho thực hiện vị Chúa Trời Sakka cùng với chư thiên ở hai cõi trời đang nắm lấy chiếc tù và bằng vỏ ốc Vijayuttara và đang ban cho lễ phong vương, rồi (đã cho thực hiện) thiên tử Pañcasikha là vị nhạc sĩ thiên đình cầm chiếc đàn vīṇā bằng gỗ beḷuva màu vàng úa đang tấu nhạc, và (đã cho thực hiện) Long Vương Mahākāḷa, được tùy tùng bởi các long nữ, đang ca ngợi đấng Như Lai bằng những lời tán dương theo nhiều cách khác nhau.

Hơn nữa, đức vua đã cho thực hiện Ma Vương nổi tiếng về quyền lực đã biến hóa ra ngàn cánh tay cầm nhiều loại vũ khí như là chĩa ba, gậy ngắn, v.v… cỡi lên lưng voi Grimekhala có ngàn đầu được tháp tùng bởi binh lực hùng hậu đang tiến đến khuôn viên cội Bồ Đề và gây ra nhiều nỗi kinh hoàng. Sau khi đã cho trưng bày ở các phương còn lại ba bảo tọa trị giá mỗi cái một koṭi giống như cái bảo tọa ở khu vực phía đông, đức vua đã cho lắp đặt cây quạt san hô có cán làm bằng ngà. Đức vua còn cho đặt chiếc giường bằng bạc trị giá một koṭi được trang điểm với nhiều loại ngọc quý khác nhau và đã đặt phần đầu hướng về cội Bồ Đề.

Đức vua đã cho thực hiện vị trí đấng Thập Lực đã đứng nhìn bảo tọa Bồ Đề bằng ánh mắt không chớp nháy sau khi thành tựu Chánh Đẳng Giác, (sau đó là) địa điểm kinh hành ở con đường kinh hành bằng ngọc trọn bảy ngày, (rồi đến) nơi chốn đã đi vào bảo thất và thâm nhập Giáo Pháp, (kế đến là) địa điểm gốc cây Mucalinda đã được Ngài đi đến và ngồi xuống sau đó được con rồng Mucalinda dùng các phần thân thể quấn quanh bảy vòng và phồng mang che ở phía trên rồi giữ yên, sau đó là địa điểm gốc cây Nigrodha của những người chăn dê đã được Ngài đi đến và ngồi xuống, kế đến là cội cây Rājāyatana đã được Ngài đi đến và ngồi xuống rồi sự thọ lãnh bình bát do bốn vị Đại Thiên Vương đem lại vào lúc vật thực là các cục mật ong được hai người thương buôn Tapussa và Bhallika mang đến.

Sau đó, đức vua đã cho thực hiện sự thỉnh cầu của Phạm Thiên, sự chuyển vận bánh xe Pháp, sự xuất gia của Yasa, sự xuất gia của nhóm các vương tử, sự nhiếp phục ba anh em đạo sĩ tóc bện, sự đi đến của đức vua Bimbisāra ở công viên Laṭṭhivana, sự đi vào thành Rājagaha, sự thọ lãnh Veḷuvana (Trúc Lâm), và tám mươi vị đại đệ tử. Sau đó là việc đi đến thành Kapilavatthu, địa điểm đã đứng ở con đường kinh hành bằng ngọc quý, sự xuất gia của Rāhula, sự xuất gia của Nanda, sự nhận lãnh Jetavana (Kỳ Viên), sự thị hiện song thông ở gốc cây xoài Gaṇḍa, sự thuyết giảng Abhidhamma ở cõi trời, sự kỳ diệu trong việc hạ trần từ cõi trời, và cuộc hội họp với các câu hỏi của các vị trưởng lão.

Tương tợ như thế, đức vua đã cho thực hiện cuộc hội họp với những bài kinh Đại Hội (Mahāsamayasutta),[92] kinh Giáo Giới La-hầu-la (Rāhulovādasutta),[93] kinh Điềm Lành (Maṅgalasutta),[94] kinh Trên Đường Đến Bờ Kia (Pārāyanasutta),[95] (rồi các) sự nhiếp phục Dhanapāla (voi Nālāgiri), (Dạ-xoa) Āḷavaka, (tướng cướp) Aṅgulimāla, (rồng chúa) Apalāla, (sau đó đã cho thực hiện) sự từ bỏ thọ hành, sự thọ lãnh thịt heo hầm, sự thọ lãnh hai xấp vải màu vàng, sự uống nước đã được lắng đọng, sự Viên Tịch Niết Bàn, sự than khóc của chư thiên và nhân loại, sự đảnh lễ hai bàn chân đức Thế Tôn của trưởng lão Mahākassapa, sự hỏa táng thi thể, về sự dập tắt ngọn lửa, sự long trọng ở lễ hỏa táng, và sự phân chia xá-lợi đã được thực hiện bởi Bà-la-môn Doṇa.

Tương tợ, đức vua đã cho thực hiện năm trăm năm mươi câu chuyện Bổn Sanh. Hơn nữa, trong khi thực hiện câu chuyện bổn sanh Vessantara, đức vua đã cho thực hiện đại vương Sañjaya, hoàng hậu Phūsatī, hoàng hậu Maddī, hoàng tử Jāliya và Kaṇhajinā. Sau đó, (đức vua đã cho thực hiện) sự bố thí voi Paṇḍava, bảy trăm lần đại thí, sự nhìn lại thành phố, sự bố thí ngựa Sindhava, sự kéo chiếc xe bởi chư thiên trong hình dáng của các con nai, sự bố thí chiếc xe, sự bố thí cho hai đứa trẻ trái cây đã hái ở thân cây tự động uốn cong xuống, sự bố thí cây kim vàng cho người thợ săn đã cho mật ong và thịt, địa điểm đã trú ngụ với hình thức người xuất gia ở trong lòng ngọn núi Vaṅka, sự bố thí hai đứa con đến Pūjaka, sự bố thí người vợ đến bà-la-môn Sakka, địa điểm Pūjaka đã đi đến trước đức vua Sañjaya sau khi đã nhận lấy và đưa đi hai đứa trẻ do nhờ oai lực của chư thiên, sau đó là sự hội họp của sáu vị dòng dõi sát-đế-lỵ ở trong lòng ngọn núi Vaṅka, địa điểm của Vessantara và Maddī đã thành tựu lễ đăng quang, địa điểm đã đổ xuống cơn mưa bảy loại báu vật khi họ đi vào thành phố, kế đến là địa điểm tái sanh ở cung trời Đẩu Suất sau khi từ trần, đức vua đã cho thực hiện tất cả một cách chi tiết.

Sau đó, đức vua đã cho thực hiện nơi chốn đã được chư thiên trong mười ngàn thế giới thỉnh cầu hạ trần để trở thành đức Phật, sự không quay trở lại lần nữa, sự giáng sanh vào lòng mẹ, hoàng hậu Mahāmayā, đại vương Suddhodana, địa điểm đản sanh ở khu rừng Lumbinī, sự đổ xuống của hai luồng nước từ không trung, sự quay mặt về hướng bắc, sự bước đi bảy bước chân, việc bậc Đại Nhân đặt bàn chân trên đầu tóc bện của Kāḷadevala, vị trí Ngài ngồi tư thế kiết già trên long sàng và thể nhập thiền định ở bóng mát không di động của cây Jambu sau khi nhìn thấy sự xao lãng của các nữ tỳ.

Sau đó, đức vua đã cho thực hiện người mẹ của Rāhula và quý tử Rāhula. Kế đến là địa điểm quay trở lại sau khi nhìn thấy ba vị thiên sứ trong hình dáng người già, người bệnh, và người chết vào dịp đi dạo chơi ở vườn hoa lúc hai mươi chín tuổi; (rồi đến) địa điểm đã được Vissakamma trang hoàng trong dịp (du hành) lần thứ tư Ngài đã nhìn thấy hình ảnh vị xuất gia rồi đã khởi tâm rằng: “Sự xuất gia là tốt đẹp!” sau đó đã đi đến vườn hoa và đã cảm nhận được vẻ tráng lệ của khu vườn, rồi đã tắm rửa vào lúc chiều tối và đã ngồi xuống trên phiến đá ở hoàng cung, kế đến là sự từ bỏ vĩ đại sau khi nhìn thấy sự biến đổi của những vũ công vào lúc giữa khuya rồi đã cỡi lên con ngựa Kanthaka quý báu, địa điểm đã ra đi, cách thức cúng dường đã được thực hiện bởi chư thiên trong mười ngàn thế giới, địa điểm của ngôi bảo điện về sự quay trở lại của con ngựa Kanthaka, sự xuất gia ở bên bờ sông Anomā, sự đi vào thành Rājagaha, sự thỉnh cầu về việc cai trị vương quốc của đức vua Bimbisāra ở bóng râm tại núi Paṇḍava, sự thọ lãnh món cơm sữa được nàng Sujātā dâng cúng, sự thọ dụng món cơm sữa ở bờ sông Nerañjarā, sự kỳ diệu là sự lội ngược giòng sông của cái đĩa, chỗ đã đi đến nghỉ ngơi vào ban ngày ở trong rừng cây Sālā, sự thọ nhận cỏ kusa được Sotthiya dâng cúng, vị trí đã ngồi sau khi bước lên cội Bồ Đề, đức vua đã cho thực hiện tất cả một cách chi tiết.

Sau đó, đức vua đã cho thực hiện bảy vị dẫn đầu là trưởng lão Mahinda đã cùng nhau đi đến. Ở bốn hướng, đức vua đã cho thực hiện bốn vị đại vương cầm gươm ở tay, sau đó là ba mươi hai vị thiên tử, rồi đến ba mươi hai vị tiên nữ cầm đèn có đế bằng vàng, sau đó là hai mươi tám vị tướng lãnh của các dạ-xoa, rồi đến các thiên nhân đứng chắp tay, sau đó là các thiên nhân đứng cầm những bó hoa làm bằng ngọc quý, rồi đến các thiên nhân đứng cầm những chậu vàng, sau đó là các thiên nhân vũ công, rồi đến các thiên nhân sử dụng nhạc cụ, sau đó là các thiên nhân đứng cầm các gương soi có kích thước mười cánh tay và trị giá một trăm ngàn mỗi chiếc, rồi cũng tương tợ như thế đến các thiên nhân đứng cầm những cành hoa trị giá một trăm ngàn, sau đó là các thiên nhân đứng cầm các đĩa hình mặt trăng, rồi đến các thiên nhân đứng cầm các đĩa hình mặt trời, sau đó là các thiên nhân đứng cầm các đóa hoa sen, rồi đến các thiên nhân đứng cầm các lọng che, sau đó là các thiên tử võ sĩ mặc y phục sặc sỡ, rồi đến các thiên nhân múa vải, sau đó là các thiên nhân đứng cầm các ngọc quý đắt giá, rồi đến các thiên nhân đứng cầm các bánh xe Pháp, sau đó là các thiên nhân mang gươm, rồi đến các thiên nhân đội ở trên đầu các chậu đèn bằng vàng có kích thước năm cánh tay được chứa đầy dầu thơm và được thắp sáng với những tim đèn bằng vải mịn.

Sau đó, ở bốn góc trên đỉnh đầu các vòm bằng pha lê, đức vua đã cho đặt bốn viên ngọc ma-ni lớn và cho thực hiện bốn đống: vàng, ngọc ma-ni, ngọc trai, và kim cương ở bốn góc. Sau đó, ngài đã cho thực hiện các tia sét ở trên bức tường đá màu vàng. Kế đến đã cho thực hiện các chuỗi dây leo bằng ngọc quý, sau đó là các cây quạt lông thú, kế đến là các long nữ trẻ trung đứng cầm các bông hoa súng xanh.

Đức vua đã cho thực hiện chừng ấy hình tượng toàn bằng vàng khối rắn chắc. Ngay cả các phương thức cúng dường còn lại, ngài cũng đã cho thực hiện toàn bằng bảy loại ngọc quý. Hơn nữa, đồ vật cúng dường ở tại nơi ấy như đã được mô tả là vô tận, không thể đo lường. Chính vì như thế, vị trưởng lão tên Cittagutta cư trú ở Ambapāsāna trong khi đang thuyết giảng Giáo Pháp đến mười hai ngàn vị tỳ khưu tụ hội ở tầng dưới của Lohapāsāda (Lâu đài bằng đồng) đã bắt đầu với bài kinh Trạm Xe (Rathanavinītasutta),[96] và trong lúc ca ngợi về việc tôn trí xá-lợi vĩ đại đã suy nghĩ rằng: “Một số vị sẽ không tin” nên đã lược bớt rồi mới thuyết giảng. Vào thời điểm ấy, có vị trưởng lão tên Mahātissa cư trú tại núi Koṭa là bậc Lậu Tận ngồi ở chỗ không xa đang lắng nghe bài Pháp đã nói rằng: “Này đại đức Pháp Sư, có đoạn bỏ bớt trong bài giảng của đại đức. Có thể không cần lược bớt, hãy thuyết giảng chi tiết.” Khi ấy, ở ngay trên hòn đảo này, vị đại vương tên Bhātiya là có niềm tin và mộ đạo. Vị ấy, vào ban chiều và ban mai, chỉ sau khi đã đảnh lễ ngôi đại bảo điện rồi mới thọ thực. Đến một ngày nọ, vị đại vương ngồi ở nơi phòng xử án và đang phán quyết vụ án khó phần quyết định, đến lúc tối mịt đã đứng dậy, sau đó đã quên đi việc đảnh lễ ngôi bảo tháp và đặt tay vào thức ăn đã được mang lại nên đã hỏi mọi người rằng: “Có phải hôm nay trẫm chưa đảnh lễ bậc Tổ Phụ?” Bởi vì các vị vua thời xưa gọi bậc Đạo Sư là “Tổ Phụ.” Mọi người đã trả lời rằng: “Tâu bệ hạ, chưa đảnh lễ.”

Vào giây phút ấy, đức vua đã buông rơi cục cơm được nắm trong tay vào đĩa, sau đó đã đứng dậy, bảo mở ra cánh cửa phía nam, rồi đã đi đến và bước lên khuôn viên ngôi đại bảo điện bằng cánh cửa phía đông, và trong khi đang đảnh lễ đã nghe được lời giảng Giáo Pháp của các bậc Lậu Tận ở bên trong căn phòng thờ xá-lợi nên suy nghĩ rằng: “Ở cánh cửa phía nam” rồi đã đi đến đó; sau khi không nhìn thấy nên đã theo đúng phương pháp ấy đi đến các cánh cửa khác, và cũng đã không nhìn thấy ở các nơi đó nên mới suy nghĩ rằng: “Các ngài đại đức di chuyển trong lúc giảng giải Giáo Pháp,” sau đó đã bố trí quân lính ở bốn cánh cửa để quan sát rồi đích thân đã đi vòng quanh lần nữa, nhưng vẫn không nhìn thấy nên đã hỏi mọi người và biết rằng không có biểu hiện gì ở bên ngoài, nên đã kết luận rằng: “Sẽ ở bên trong căn phòng thờ xá-lợi.” Và khi đang ở gần cánh cửa phía đông, đức vua đã quay mặt về ngôi đại bảo điện, buông xuôi tay chân, dứt bỏ mạng sống, nằm dài xuống, lập lời thệ nguyện rằng: “Nếu các ngài đại đức không làm cho trẫm nhìn thấy căn phòng thờ xá-lợi thì trẫm sẽ trải qua bảy ngày không vật thực và sẽ không đứng dậy cho dầu bị tan tác như nắm bột khô vậy.” Do nhờ oai lực đức hạnh của vị ấy, cung điện của Sakka đã trở nên nóng nực.

Trong lúc suy xét, Sakka đã nhận biết được nguyên nhân ấy nên đã đi đến và đã nói với các vị trưởng lão đang giảng giải Giáo Pháp như vầy: “Bạch các ngài, vị vua này liêm chính, có niềm tin vào Phật Pháp, đã nghe được tiếng trì tụng ở nơi này nên đã nằm dài ra và lập lời thệ nguyện rằng: ‘Không nhìn thấy căn phòng thờ xá-lợi ta sẽ không đứng dậy.’ Nếu đức vua không nhìn thấy căn phòng thờ xá-lợi thì sẽ bị chết ngay tại chỗ ấy. Hãy cho đức vua đi vào nhìn thấy căn phòng thờ xá-lợi.” Cũng vì lòng thương xót đến đức vua nên các vị trưởng lão đã ra lệnh cho một vị trưởng lão chỉ cho đức vua thấy căn phòng thờ xá-lợi (bảo rằng): “Hãy dẫn đức vua đến cho nhìn thấy căn phòng thờ xá-lợi rồi hãy đưa đi.” Vị ấy đã nắm cánh tay của đức vua đưa vào căn phòng thờ xá-lợi và đã để cho đảnh lễ theo như ước muốn, rồi đã đưa đi khi đã chiêm ngưỡng xong tất cả. Sau khi đã trở về thành phố và vào thời gian sau đó, đức vua đã cho thực hiện các sự trang hoàng bằng vàng tương tợ như các hình tượng đã được bản thân nhìn thấy ở căn phòng thờ xá-lợi. Sau đó đã cho thực hiện nhà lộ thiên lớn ở hoàng cung và ở trong nhà lộ thiên ấy đã cho trưng bày các hình tượng ấy, rồi đã cho triệu tập các cư dân thành phố lại nói rằng: “Các hình tượng bằng vàng như thế này đã được trẫm nhìn thấy ở căn phòng thờ xá-lợi.” Do các hình tượng ấy đã được thực hiện theo bản chính nên được xem như là các hình tượng nguyên mẫu.

Hàng năm, đức vua đã cho đem lại các hình tượng ấy và cho các cư dân thành phố chiêm ngưỡng. Vào thời kỳ được chiêm ngưỡng lần thứ nhất, các cư dân thành phố đã khởi niềm tin và đã đem lại từ mỗi một gia đình là một đứa trẻ và đã cho xuất gia. Hơn nữa, đức vua (nghĩ rằng): “Các ngài đại đức có nhiều vị không biết sự trưng bày này. Ta sẽ cho thông báo đến các vị ấy” nên đã đi đến tu viện rồi đã cho triệu tập hội chúng tỳ khưu ở tầng dưới của Lohapāsāda, sau đó đã đích thân đi đến Pháp tọa và đã thuyết giảng cả ba canh của đêm về sự thể hiện ở căn phòng thờ xá-lợi mà vẫn không có thể hoàn tất nên đã đứng dậy. Ở nơi ấy, có một vị tỳ khưu đã hỏi đức vua rằng: “Tâu đại vương, ngài đã dùng bữa ăn sáng rồi mới đi đến và trong khi tán dương cách thức cúng dường ở căn phòng thờ xá-lợi cả ba canh của đêm mà vẫn không thể chấm dứt; vậy có còn nhiều điều khác nữa không?” Đức vua đã nói rằng: “Bạch ngài, ngài nói cái gì? Điều trẫm đã nói với ngài thậm chí còn chưa được một phần trong mười phần. Hơn nữa, trẫm cũng chỉ nói về sự việc đã được trẫm xem xét. Bạch ngài, hình thức cúng dường ở căn phòng thờ xá-lợi là vô tận.”

Đồ vật được cúng dường là vô tận như thế. Không dễ gì tiến hành theo thứ tự và đầy đủ ở trong căn phòng thờ xá-lợi hình vuông có kích thước mỗi một cạnh là tám mươi cánh tay, còn nói chi đến việc sắp xếp theo giá trị. Điều cần được nói về ý nghĩa của việc ấy đã được cổ nhân nói lên rằng: “Hãy vậy thôi! Không thể làm cho đầy đủ theo thứ tự kể từ ranh giới là hàng rào bằng cát của ngôi đại bảo điện cho đến căn phòng thờ xá-lợi. Vì thế, hãy xem như tất cả đồ vật được cúng dường ấy là lời nói về nơi ấy.

Nghe rằng trưởng lão Mahāsīva là vị thông Tam Tạng ở Nigrodhapiṭṭhi đã ngồi xuống ở hoàng cung và trong lúc thuyết giảng về bài kinh Sư Tử Hống (Sīhanādasutta)[97] của đấng Thập Lực cho đức vua đã ca ngợi về sự tôn trí xá-lợi rồi đã đề cập lại bài kinh. Đức vua đã nói với vị trưởng lão như vầy: “Bạch ngài, căn phòng thờ xá-lợi này là hình vuông có kích thước mỗi một cánh là tám mươi cánh tay, ai sẽ tin được rằng: ‘Các đồ vật cúng dường nhiều như thế được đặt ở tại nơi ấy’?” Vị trưởng lão đã nói rằng: “Trước đây ngài có nghe về ‘Hang Indasāla có kích thước như thế nào’ không?” Đức vua đã nói rằng: “Bạch ngài, có kích thước của chiếc giường nhỏ.” Kế đó, vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, trước đây ngài có nghe nói về ‘Bao nhiêu hội chúng đã ở trong hang vào ngày bậc Đạo Sư của chúng ta thuyết giảng bài kinh Đế Thích Sở Vấn (Sakkapañhasuttanta)[98] cho Sakka’ không?” Đức vua đã nói rằng: “Bạch ngài, chư thiên ở hai cõi trời.” “Tâu đại vương, nếu là như thế phải chăng điều ấy cũng khó có thể tin được?” Khi được vị trưởng lão nói như thế, đức vua đã nói rằng: “Nhưng điều ấy là do quyền lực của chư thiên. Bạch ngài, quyền lực của chư thiên được xem là không thể nghĩ bàn.”

Sau đó, vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, điều ấy là do quyền lực của chư thiên, tức là chỉ mới mỗi một loại. Trái lại, việc này được sanh lên do ba loại quyền lực này là do quyền lực của đức vua, do quyền lực của chư thiên, và do quyền lực cao quý của các bậc Thánh.” “Lành thay!” Đức vua đã đồng ý với lời nói của vị trưởng lão rồi đã cung nghinh vị trưởng lão với chiếc lọng màu trắng, và trong lúc cầm chiếc lọng che ở trên đầu, đã đưa đến ngôi Đại Tự, sau đó còn dâng chiếc lọng đến ngôi đại bảo điện trong bảy ngày và đã cúng dường các bông hoa nhài. Chỉ riêng mục đích hoàn tất ý nghĩa của điều này, còn có nhiều câu chuyện khác được biết đến; chúng đã được chúng tôi lược bỏ (nghĩ rằng): “Chúng không cần thiết.”

Và ở đây, đức vua là có uy quyền lớn lao, có năng lực vĩ đại, có các ba-la-mật đã được tròn đủ, có lời phát nguyện đã được thực hiện; quyền lực của đức vua nên được hiểu theo ý nghĩa của điều ấy. Do sự ra lệnh của Sakka, đầu tiên là thiên tử Vissakamma hiện đến và hoàn tất công việc; quyền lực của chư thiên nên được hiểu theo ý nghĩa của điều ấy. Vị trưởng lão Indagutta là vị quản lý việc xây dựng, trong khi đôn đốc công việc, đã cho thực hiện các việc nhỏ nhặt linh tinh. Không chỉ riêng vị trưởng lão mà tất cả các Thánh nhân đều có sự nỗ lực của từng cá nhân trong các phận sự cần được thực hiện; như thế cần được hiểu rằng: “Đã được thực hiện do ba loại quyền lực này.

Bởi vì điều này đã được đề cập đến ở Mahāvaṃsa:

Vị đại trưởng lão Indagutta, có Lục Thông, có đại trí tuệ, là vị quản lý việc xây dựng ở đây và đã sắp xếp tất cả công trình này.

Tất cả việc này được hoàn thành không bị chướng ngại nhờ vào quyền lực của đức vua, quyền lực của chư thiên, và quyền lực của các bậc Thánh.[99]

Dứt Phần Giảng Giải và Mô Tả
Hình Thức của Căn Phòng Thờ Xá-Lợi.

-ooOoo-

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app