[01]

Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri!

THŪPAVAṂSA
Sử Liệu về Bảo Tháp Xá-Lợi Phật

“Sau khi tạo nên hình tượng của Đấng Chiến Thắng nhằm đem lại lợi ích cho thế gian, tôi xin đê đầu đảnh lễ ngôi bảo tháp kỳ diệu hạng nhất là nơi tôn trí các xá-lợi cao quý của Đấng Chiến Thắng với vô số hào quang sáu màu tỏa sáng xung quanh.

Và tôi xin thuật lại lịch sử của ngôi bảo tháp có đỉnh chóp là ngọc quý sáng ngời. Ngôi bảo tháp ấy là nguồn đem lại phúc lợi cho tất cả thế gian, là nhân sanh niềm hoan hỷ cho tất cả chúng sanh, luôn được chư thiên, A-tu-la, và các bậc vua chúa cao quý cúng dường.

Mặc dầu lịch sử việc ấy đã được một vị tu sĩ tiền bối thực hiện trước đây nhắm đến sự lợi ích cho người dân xứ Tích Lan, nhưng do nguyên bản đã được sáng tác bằng ngôn ngữ của xứ Tích Lan nên không đem lại sự lợi ích toàn diện cho tất cả chúng sanh.

Sử Liệu về Bảo Tháp Xá-Lợi Phật’ cũng đã được thực hiện bằng ngôn ngữ của xứ Magadha (Ma Kiệt Đà) [4] nhưng do cách sắp xếp bị lẫn lộn và từ ngữ khó hiểu, hơn nữa nhiều điều cần được nói đến đã không được đề cập; cho nên tôi sẽ thuật lại sử liệu ấy.

Hỡi các bậc thiện tri thức, xin tất cả hãy lắng nghe lịch sử ngôi bảo tháp của bậc Đạo sư đang được tôi trình bày một cách tốt đẹp, đầy đủ, và không bị nhầm lẫn.”

-ooOoo-

 

Chương 1:

GIẢNG GIẢI VỀ LỜI PHÁT NGUYỆN

Khi nói rằng: “Tôi xin thuật lại lịch sử của ngôi bảo tháp”: Ngôi bảo tháp được đề cập ở đây theo ý nghĩa chính của từ ấy là ngôi bảo điện[5] được kiến tạo sau khi đã tôn trí các xá-lợi của những bậc xứng đáng với bảo tháp như là các vị Phật, v.v… theo lời nói rằng: “Đấng Như Lai, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác xứng đáng với bảo tháp, Phật Độc Giác xứng đáng với bảo tháp, bậc Thinh Văn của đấng Như Lai xứng đáng với bảo tháp, Vua Chuyển Luân xứng đáng với bảo tháp.[6] Hơn nữa, trong trường hợp này là nói đến ngôi đại bảo tháp có tràng hoa bằng vàng; nếu thế thì “Xá-lợi đã được tôn trí và ngôi đại bảo tháp đã được xây dựng ấy là của vị nào?”

Ngôi bảo tháp ấy đã được dựng lên sau khi đã tôn trí các xá-lợi của đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác ấy, tức là vị đã nhận được lời thọ ký trong sự hiện diện của hai mươi bốn vị Phật bắt đầu với đức Phật Dīpaṅkara (Nhiên Đăng), v.v…, là vị đã thực hiện đầy đủ đồng đều ba mươi pháp ba-la-mật, đã đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng, đã hoàn thành tất cả các phận sự của vị Phật tính từ lúc chuyển vận bánh xe Pháp cho đến khi tế độ du sĩ ngoại đạo Subhadda, rồi đã viên tịch Niết Bàn trong cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót. Ở đây, điều này là phần tóm tắt; bây giờ phần chi tiết sẽ được giảng giải:

Nghe rằng từ đây tính về trước bốn a-tăng-kỳ[7] và hơn một trăm ngàn kiếp, có thành phố tên là Amaravatī. Ở đó, có vị bà-la-môn tên Sumedha sinh sống. Vị ấy đã không làm công việc nào khác mà chỉ trau dồi có mỗi học nghệ của bà-la-môn. Song thân đã từ trần ngay từ lúc vị ấy còn niên thiếu. Sau đó, viên quan phụ trách tài sản của vị ấy đã mang lại sổ sách thâu nhập, đã mở ra gian phòng chứa đựng vàng, bạc, ngọc ma-ni, ngọc trai, v.v… và đã tường thuật về tài sản do sự thừa kế của gia tộc cho đến bảy đời: “Thưa công tử, tài sản của mẹ cậu là chừng này, tài sản của cha cậu là chừng này, của ông nội và tổ tiên là chừng này,” rồi nói rằng: “Cậu hãy bảo quản chúng.” Vị ấy đồng ý đáp rằng: “Tốt lắm!” Cho đến một ngày nọ, vị ấy trong lúc đang sống cuộc đời tại gia đã suy nghĩ rằng: “Sự tái sanh vào kiếp sống mới gọi là khổ. Sự tan rã thân xác trong trường hợp sanh đi sanh lại cũng là khổ. Và ta là đối tượng của sự sanh, là đối tượng của sự già, là đối tượng của sự bệnh, là đối tượng của sự chết. Như thế, khi còn tồn tại ta cần phải tầm cầu Niết Bàn an lạc, tịch tịnh, không sanh, không già, không bệnh, không chết.” Sau khi suy tư về động cơ của sự xuất gia, vị ấy đã tiếp tục suy nghĩ rằng: “Trong khi đi đến cảnh giới khác, cha, ông, và tổ tiên của ta đã ra đi không mang theo tất cả tài sản này cho dù chỉ một đồng tiền; vả lại khi ta đã biết được điều ấy thì cần phải chuẩn bị cho sự ra đi.” Sau khi cho đánh trống thông báo ở trong thành phố, vị ấy đã bố thí phẩm vật đến dân chúng rồi đã đi vào núi Hy-mã-lạp xuất gia làm đạo sĩ. Và chỉ trong bảy ngày, vị ấy đã làm sanh khởi các pháp thần thông và các sự đắc chứng, sau đó đã sống với niềm an lạc của sự thành đạt.

Lúc bấy giờ, đấng Đạo Sư tên Dīpaṅkara sau khi đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng đã trải qua bảy tuần lễ ở ngay khu vực lân cận cội Bồ Đề. rồi đã chuyển vận bánh xe Pháp ở tu viện Sunandā. Tương tợ như là đám mây lớn đổ mưa xuống khắp cả bốn châu lục, Ngài trong lúc gieo rắc cơn mưa Giáo Pháp đã giúp cho một trăm koṭi[8] thiên nhân và loài người được nếm vị bất tử của Giáo Pháp. Trong khi tuần tự du hành cùng với bốn trăm ngàn vị Lậu Tận[9] tùy tùng, Ngài đã đi đến thành phố Ramma và đã ngụ tại đại tu viện Sudassana. Khi ấy, cư dân thành phố Ramma đã mang theo các loại dược phẩm như là bơ lỏng, đường mía, v.v… và cầm bông hoa, nhang, dầu thơm ở tay đi đến gặp đức Phật. Họ đã đảnh lễ đấng Đạo Sư, đã cúng dường bông hoa và các phẩm vật khác, rồi đã ngồi xuống ở một bên lắng nghe Giáo Pháp, sau đó đã thỉnh mời đức Thế Tôn vào ngày mai, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy, hướng vai phải nhiễu quanh đấng Thập Lực, và ra đi.

Vào ngày kế, họ đã chuẩn bị cuộc đại thí không gì sánh bằng và đã làm sạch sẽ con đường đi đến của đấng Thập Lực. Vào thời điểm ấy, đạo sĩ Sumedha đã bay lên từ khu ẩn cư của mình, và trong lúc di chuyển ở khoảng không bên trên đám người là cư dân thành phố Ramma ấy đã nhìn thấy họ đang làm sạch sẽ con đường với vẻ hớn hở vui mừng, liền suy nghĩ rằng: “Vậy là có nguyên nhân gì đây?” Sumedha đã từ không trung đáp xuống phía trước tất cả bọn họ rồi đứng ở một bên và hỏi những người ấy rằng: “Này, các người làm sạch sẽ con đường này cho ai vậy?” Họ đã đáp rằng: “Thưa ngài Sumedha, không lẽ ngài không hay rằng sau khi đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng và có bánh xe Pháp quý báu đã được vận chuyển, đấng Đạo Sư tên Dīpaṅkara trong khi tuần tự du hành ở xứ sở đã đi đến thành phố Ramma của chúng ta và ngụ tại đại tu viện Sudassana hay sao? Chúng tôi đã thỉnh mời đức Thế Tôn ấy và chúng tôi đang làm sạch sẽ con đường đi đến của đức Thế Tôn ấy.” Sau khi nghe được điều ấy, bậc trí tuệ Sumedha đã suy nghĩ rằng: “Đức Phật! Quả thật danh hiệu khó đạt được này ít nhiều có liên quan đến việc sanh khởi sự giác ngộ! Chính vì điều ấy, ngay cả ta cũng nên cùng với những người này làm sạch sẽ con đường đi đến của đấng Thập Lực.” Vị ấy đã nói với những người ấy rằng: “Này quý vị, nếu các người làm sạch sẽ con đường này cho đức Phật, hãy chừa cho tôi một khoảng. Tôi cũng sẽ cùng với các người làm sạch sẽ con đường.” “Tốt lắm!” Họ đã đồng ý, và biết rằng: “Bậc trí tuệ Sumedha này có đại thần lực, có đại oai lực” nên đã chọn lựa một khoảng khó thu dọn, ngập nước, quá gồ ghề, rồi giao cho (nói rằng): “Ngài hãy làm sạch sẽ khoảng này và hãy làm cho đẹp.”

Bậc trí tuệ Sumedha đã sanh khởi niềm hoan hỷ đối với đối tượng đức Phật và đã suy nghĩ rằng: “Đương nhiên ta có khả năng thần thông để làm cho khoảng này trở thành đẹp đẽ nhất, tuy nhiên làm như thế thì ta không ưng ý. Trái lại, hôm nay ta cần phải thể hiện sự phục vụ bằng thân,” rồi đã mang đất lại và lấp đầy khu vực ấy. Tuy nhiên, khi khu vực ấy của đạo sĩ Sumedha còn chưa được sạch sẽ và chưa được hoàn tất thì các cư dân thành phố Ramma đã thông báo về thời điểm (thọ thực). Đấng Thập Lực sau khi quấn y nội che đủ ba vòng[10] rồi đã trùm lên y hai lớp có màu sắc như là hoa tử vi, sau đó đã buộc vào người sợi dây thắt lưng sáng chói tợ ánh chớp, trông như là đang quấn quanh chùm hoa bằng dải lụa vàng. Sau khi choàng lên lá y phấn tảo quý giá có màu sắc đỏ của hoa kiṃsuka do được nhuộm bằng nhựa cánh kiến đỏ trông giống như đang rắc đều nhựa cây cánh kiến đỏ lên đỉnh ngọn núi bằng vàng, trông giống như đang trùm lên ngôi bảo điện với tấm lưới san hô đỏ, trông giống như đang choàng lên cột thạch nhũ vàng bằng tấm mền nhuộm đỏ, trông giống như ráng mây hồng đang phủ lên ánh trăng vào mùa thu, Ngài đã đi ra từ cánh cửa của hương thất trông giống như con sư tử đang rời khỏi hang động bằng vàng. Giống như vị thần Ngàn Mắt[11] được tùy tùng bởi tập thể thiên nhân, giống như vị Trời Đại Phạm được tùy tùng bởi tập thể Phạm Thiên, đức Phật Dīpaṅkara, với vẻ từ hòa vô lượng của bậc Giác Ngộ được tạo nên nhờ vào oai lực của thiện nghiệp đã tích lũy trong khoảng thời gian vô tận, đã cùng với bốn trăm ngàn vị Lậu Tận có lục thông tháp tùng bước đi trên con đường đã được trang hoàng và sửa soạn, trông giống như ánh trăng mùa thu có các vì tinh tú vây quanh di chuyển ở trên bầu trời.

Khi đức Thế Tôn Dīpaṅkara đang đi đến bằng con đường đã được trang hoàng và sửa soạn ấy, đạo sĩ Sumedha đã chiêm ngưỡng hình dáng có sắc đẹp tột đỉnh được điểm tô với ba mươi hai quý tướng cọng thêm vào tám mươi tướng phụ và được rực rỡ với vầng sáng lan tỏa xung quanh đang phát ra các hào quang sáu màu của đấng Giác Ngộ, giống như là các tia chớp đủ loại lóe sáng ở trên bầu trời màu ngọc xanh biếc. Vị ấy (đã suy nghĩ rằng): “Hôm nay, ta cần phải ra sức cống hiến thân mạng đến đấng Thập Lực. Mong rằng đức Thế Tôn chớ bước đi ở bãi lầy. Mong rằng Ngài cùng với bốn trăm ngàn vị Lậu Tận hãy bước đi trên lưng của ta như là đang bước đi ở cây cầu lót đá phiến làm bằng ngọc ma-ni. Điều ấy sẽ đem lại cho ta sự lợi ích và an lạc lâu dài,” sau đó đã xỏa tóc, trải ra các tấm choàng bằng lông thú và vỏ cây ở trên bãi lầy, rồi đã nằm xuống ngay tại chỗ ấy ở bên trên của bãi lầy. Và khi đang nằm xuống, vị ấy đã suy nghĩ rằng: “Nếu ta muốn, ta có thể thiêu đốt tất cả phiền não và trở thành vị tân thọ của hội chúng rồi đi vào thành phố Ramma. Tuy nhiên, sau khi thiêu đốt phiền não theo cách thức ấy thì không có sự cống hiến gì trong việc thành tựu Niết Bàn. Hay là ta nên đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng, rồi duy trì con thuyền Giáo Pháp và dìu dắt số đông chúng sanh vượt qua biển cả luân hồi, sau đó mới viên tịch Niết Bàn giống như đấng Thập Lực Dīpaṅkara vậy? Đây là điều tốt đẹp cho ta!” Sau khi liên tưởng đến tám pháp,[12] đạo sĩ Sumedha đã xác định lời phát nguyện trở thành vị Phật rồi nằm xuống.

Sau khi đi đến đứng ở phía trên đầu của bậc trí tuệ Sumedha, đức Thế Tôn Dīpaṅkara đã ngắm nhìn vị đạo sĩ đang nằm ở trên bãi lầy rồi quán xét rằng: “Vị đạo sĩ này nằm xuống sau khi đã xác định lời phát nguyện trở thành Phật, điều thệ nguyện của vị này sẽ thành tựu hay không nhỉ?” Sau khi biết được rằng: “Sẽ trở thành vị Phật tên Gotama trong ngày vị lai,” Ngài đã đứng ngay tại nơi ấy ở giữa hội chúng tuyên bố rằng: “Này các tỳ khưu, các ngươi có nhìn thấy vị đạo sĩ vô cùng khổ hạnh này vì chúng ta đã nằm xuống ở trên bãi lầy hay không?” “Bạch ngài, thưa có.” Ngài đã chú nguyện toàn bộ như vầy: “Vị này đã xác định lời phát nguyện trở thành Phật rồi nằm xuống, điều thệ nguyện của vị này sẽ được thành tựu sau bốn a-tăng-kỳ và hơn một trăm ngàn kiếp và sẽ là vị Phật tên Gotama.”

Vì thế, ở Buddhavaṃsa có lời nói rằng:

Đấng Dīpaṅkara
vị hiểu biết thế gian
nhận lãnh sự cúng dường
đã đứng trước đầu ta
và đã nói điều này:

“Các ngươi hãy nhìn xem
đến vị đạo sĩ này
áo lông, hành khổ hạnh,
vô số kiếp về sau
vị này sẽ thành Phật.

Như Lai đã lìa bỏ
Kapilavatthu
là thành phố xinh đẹp
rồi ra sức nỗ lực
làm được việc khó làm.

Sau khi đã ngồi xuống
cội cây người chăn dê,
tại đó thọ lãnh cháo,
rồi Như Lai đi đến
sông Nerañjarā.

Sau khi đã thọ dụng
cháo nấu ở bờ sông
bậc Chiến Thắng đi đến
ngay bên cội Bồ Đề
bằng con đường cao quý
được chuẩn bị sẵn sàng.

Nơi ấy, hướng vai phải
nhiễu quanh cội Bồ Đề,
bậc Vô Thượng danh tiếng
sẽ chứng quả Toàn Giác
dưới cội Assattha.

Người mẹ sanh vị ấy
sẽ có tên Māyā,
và Suddhodana
là tên của người cha,
vị này sẽ trở thành
đức Phật Gotama.

Hai vị dứt lậu hoặc,
ái dục đã đoạn trừ,
tâm tịnh, an trú thiền,
hai tối thượng Thinh Văn
sẽ là Kolita
và Upatissa.

Thị giả Ānanda
là vị sẽ phục vụ
đến bậc Chiến Thắng này,
tối thượng thinh văn nữ
là Khemā cùng với
Uppalavaṇṇā.

Hai vị dứt lậu hoặc,
ái dục đã đoạn trừ,
tâm tịnh, an trú thiền,
Cội Bồ Đề giác ngộ
của đức Thế Tôn ấy
gọi là ‘Assattha’.”

Dứt Phần Giảng Giải về Lời Phát Nguyện.

-ooOoo-

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app