Phần Ii – Chương 13 – Giảng Giải Về Sự Nhận Được Vật Liệu Xây Dựng Ngôi Bảo Tháp

Chương 13:

GIẢNG GIẢI VỀ SỰ NHẬN ĐƯỢC VẬT LIỆU XÂY DỰNG NGÔI BẢO THÁP

Sau đó, đức vua đã suy nghĩ rằng: “Nghe rằng vị đại trưởng lão Mahinda đã nói với đức vua Devānampiyatissa nội tổ của ta như vầy: ‘Tâu đại vương, cháu trai của ngài tên là Duṭṭhagāmaṇi Abhaya sẽ thực hiện ngôi bảo tháp có vòng hoa vàng cao một trăm hai mươi cánh tay và sẽ xây dựng lâu đài bằng đồng chín tầng để làm nhà hành lễ Uposatha cho hội chúng.’” Vả lại, sau khi đã suy nghĩ và trong lúc tìm kiếm đã nhìn thấy giòng chữ khắc ở cái đĩa bằng vàng đặt trong cái rương ở hoàng cung, đức vua đã cho đọc lên dòng chữ ấy rằng: “Trong ngày vị lai sau khi trải qua một trăm bốn mươi năm, con trai của Kākavaṇṇatissa là Duṭṭhagāmaṇi Abhaya sẽ cho thực hiện việc này và việc này.” Sau khi nghe xong, đức vua đã khởi tâm vui mừng phấn chấn vỗ tay (nói rằng): “Nghe rằng ngài đại đức Mahāmahinda đã tiên tri về ta quả nhiên là đúng!

Sau đó, vào sáng sớm đức vua đã đi đến khu rừng Mahāmegha rồi đã cho triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã nói điều này: “Bạch các ngài, sau khi thực hiện nhà hành lễ Uposatha cho hội chúng tỳ khưu, trẫm sẽ xây dựng tòa lâu đài tương tự như là cung điện ở thiên đình vậy. Xin các ngài hãy phái người đi đến cõi trời, cho vẽ hình dáng của cung điện ở trên mảnh vải, rồi trao cho trẫm.” Hội chúng đã phái đi tám vị Lậu Tận. Các vị ấy sau khi đi đến cõi trời Đạo Lợi đã nhìn thấy tòa lâu đài bằng ngọc quý cao mười hai do-tuần, chu vi bốn mươi tám do-tuần ngự ở trên hư không, được điểm tô với ngàn tháp nhọn, có chín tầng lầu, một ngàn căn phòng, và được sanh lên bởi năng lực phước báu của người con gái của vị trời Bīraṇa. Sau khi vẽ lại hình dáng ấy bằng màu đỏ thắm ở trên mảnh vải, các vị đã đem lại và trao cho hội chúng tỳ khưu. Hội chúng đã gởi đến đức vua.

Sau khi nhìn thấy vật ấy, đức vua khởi tâm hoan hỷ rồi đã cho thực hiện lâu đài bằng đồng tương tợ như bản vẽ ấy. Hơn nữa, vào lúc khởi sự công trình, đức vua đã cho đặt tám trăm ngàn miếng vàng ở bốn cửa thành. Sau đó, đã cho đặt ở bốn cửa thành mỗi nơi một ngàn gói vải và hàng ngàn hũ chứa đầy mật đường, dầu ăn, đường tinh khiết, mật ong rồi cho đánh trống thông báo rằng: “Không được thực hiện công việc không lương ở tòa lâu đài.” Đức vua đã cho định giá công việc đã hoàn thành chưa được trả công rồi đã bảo trả tiền cho những người lao công. Tòa lâu đài đã có kích thước ở mỗi bên là một trăm cánh tay và chiều cao cũng như vậy. Lâu đài này có chín tầng, ở mỗi tầng lầu có hàng trăm tháp nhọn; và tất cả những tháp nhọn ấy được lát bằng bạc và được bao quanh bởi những chuông nhỏ bằng vàng. Các tháp nhọn của những nơi ấy là các tầng gác bằng nhiều loại ngọc quý, có các lan can bằng đá san hô, và ở các lan can ấy còn có những đóa hoa sen được trang điểm bằng vô số loại ngọc quý nữa. Tương tợ như thế, một ngàn căn phòng được lát bằng nhiều loại ngọc quý khác nhau và được điểm tô với các cửa sổ. Sau khi nghe nói về chiếc xe chuyên chở phụ nữ của Vessavana, đức vua đã cho thực hiện mái che bằng ngọc quý theo hình thức ấy ở chính giữa.

Mái che được tô điểm với nhiều cột bằng ngọc quý có các hình ảnh sư tử, cọp, v.v… cùng với các hình ảnh chư thiên, và được bao bọc bởi màng lưới ngọc trai treo ở xung quanh. Các lan can bằng san hô của nó cũng tương tợ như đã được đề cập trước đây. Hơn nữa, ở giữa mái che còn được trang điểm bằng bảy loại ngọc quý còn có chiếc giường làm bằng ngà ở trên mặt sàng làm bằng ngọc pha-lê. Ngay cả cái gối kê cũng được làm bằng ngà voi. Chiếc giường được tô điểm với những vầng mặt trời bằng vàng, với những vầng mặt trăng bằng bạc, và với các ngôi sao làm bằng ngọc trai. Ở chỗ kia chỗ nọ, tùy theo sự tương ứng, đức vua còn cho thực hiện những đóa hoa sen làm bằng nhiều loại ngọc quý khác nhau luôn cả các tranh chuyện Bổn Sanh làm sanh khởi niềm tin, và những hình dây leo bằng vàng xen kẽ ở giữa. Ở đó, đức vua đã cho trải ra tấm trải nền đắt giá và dựng đứng cây quạt xinh đẹp bằng ngà voi. Ngài đã cho thực hiện các đôi guốc bằng san hô. Tương tợ như thế, ở phía trên chiếc giường đức vua đã cho làm cái lọng màu trắng, có cán cầm bằng bạc được đặt cắm vào mặt nền bằng ngọc pha-lê. Ở đó, đức vua đã cho thực hiện tám biểu tượng kiết tường[83] làm bằng bảy loại ngọc quý, có các dãy thú bốn chân làm bằng ngọc ma-ni và ngọc trai xen kẽ ở khoảng giữa. Ở bìa mép của cái lọng, còn có các chuông làm bằng ngọc quý được treo thành hàng nữa.

Tòa lâu đài, cái lọng che, chiếc giường, mái che là bốn vật vô giá. Sau khi cho xếp đặt các giường ghế đắt giá ở tại đó, đức vua đã cho trải ra các tấm mền len đắt giá làm thảm trải nền. Hũ nước súc miệng và cái gáo múc cũng được làm bằng vàng. Cũng không cần nói đến các vật dụng và đồ đạc còn lại. Thậm chí khung cửa ra vào cũng được rào quanh bằng hàng rào tuyệt đẹp. Hơn nữa, do tính chất được bao phủ bởi gạch bằng đồng đỏ nên lâu đài được gọi là “Lâu Đài Bằng Đồng” (Lohapāsāda).[84]

Như thế, sau khi đã cho thiết lập nên tòa lâu đài như là chỗ hội họp của chư thiên ở cõi trời Đạo Lợi, đức vua đã cho triệu tập hội chúng lại. Hội chúng đã tụ hội lại như là vào dịp lễ hội của tu viện Maricavaṭṭi vậy. Các vị còn là phàm nhân đã đứng ở tầng lầu thứ nhất, các vị thông Tam Tạng ở tầng thứ nhì, trong ba tầng lầu kế, bắt đầu với tầng lầu thứ ba theo tuần tự là các vị Nhập Lưu, Nhất Lai, và Bất Lai, rồi chính các vị Lậu Tận đã đứng ở bốn tầng lầu ở bên trên. Như thế, sau khi đã cho triệu tập hội chúng lại, đức vua đã dâng tòa lâu đài đến hội chúng rồi đã cúng dường lễ đại thí trong bảy ngày như là lễ hội của tu viện Maricavaṭṭi vậy.

Không tính đến bốn vật vô giá, đức vua đã hào phóng chi dụng ba mươi koṭi vì nguyên nhân tòa lâu đài.[85]

 Các bậc trí từ bỏ vật chất phù du và bố thí tài sản đã được tích lũy, sở dĩ thực hành như thế vì bố thí là tài sản luôn đi cùng.

Vào một ngày kia, đức vua đã xuất ra một trăm ngàn và đã cúng dường đến cội Đại Bồ Đề, rồi trong khi đi vào thành phố đã nhìn thấy tháp đá di tích được lập nên ở địa điểm của ngôi bảo tháp liền nhớ lại lời nói của ngài trưởng lão Mahinda và đã có quyết định rằng: “Ta sẽ xây dựng ngôi đại bảo tháp.” Sau khi đi vào thành phố, đức vua đã bước lên bục cao, thọ dụng thức ăn hảo hạng, rồi đã nằm xuống trên long sàng, và suy nghĩ như vầy: “Trong khi ta tàn sát người Damiḷa thì thế gian này đã bị hành hạ quá mức rồi. Vậy bằng phương thức nào ta không phải ngược đãi dân chúng mà vẫn tạo ra được các viên gạch cần thiết cho ngôi đại bảo tháp một cách đúng pháp và công bằng?” Vị thiên nhân ngự ở trên cái lọng biết được điều suy nghĩ ấy nên đã công bố rằng: “Đức vua đã suy nghĩ như thế!

Ngay cả ở cõi trời kế tiếp cũng đã có sự xáo trộn xảy ra. Sau khi biết được điều ấy, Chúa Trời Sakka đã bảo Vissakamma rằng: “Này khanh Vissakamma, đại vương Duṭṭhagāmaṇi Abhaya đã suy nghĩ về vấn đề gạch của ngôi đại bảo tháp. Ngươi hãy đi và làm hiện ra các viên gạch ở bờ sông Gambhīra tại địa điểm cách thành phố một do-tuần về phía Bắc, rồi hãy trở về.” Hiểu được điều ấy, thiên tử Vissakamma đã đi đến và làm hiện ra các viên gạch cần thiết cho ngôi đại bảo tháp ở ngay tại chỗ ấy rồi đã trở về lại thiên cung.

Vào ngày kế, có một người thợ săn đã dẫn các con chó đi vào rừng, trong lúc lang thang đó đây đã đi đến địa điểm ấy nhưng không nhìn thấy các viên gạch nên đã bỏ đi. Vào giây phút ấy, nhằm làm cho người thợ săn nhìn thấy các viên gạch, một vị thiên nhân địa cầu đã biến hóa thành con kỳ đà khổng lồ, rồi khiến cho người thợ săn và các con chó nhìn thấy bản thân mình, đến khi bị bọn chúng rượt theo đã chạy đến phía trước các viên gạch rồi biến mất.

Sau khi nhìn thấy các viên gạch, người thợ săn (nghĩ rằng): “Đức vua của chúng ta có ý định xây dựng ngôi bảo tháp. Đương nhiên là chúng ta đã đạt được món quà khổng lồ!” rồi trở nên mừng rỡ, và vào lúc sáng sớm ngày hôm sau đã đi đến trình lên đức vua về món quà là các viên gạch đã được bản thân nhìn thấy. Đức vua sau khi nghe được tin ấy đã trở nên hoan hỷ, rồi đã cho thực hiện sự tôn vinh trọng thể đến người ấy, và đã cho chính người ấy làm người bảo vệ các viên gạch ấy. Sau đó, đức vua đã nói rằng: “Chính ta sẽ đi để xem xét các viên gạch. Hãy giương cây giáo lên!

Chính vào giây phút ấy, dân chúng đã đem lại thông tin khác nữa. Tại địa điểm về phía đông-bắc cách thành phố ba do-tuần ở trong ngôi làng Ācāraviṭṭhi, sau khi trời mưa trọn ba canh của đêm ở tại khu vực có diện tích mười sáu karīsa[86] đã có các quặng vàng nổi lên. Về kích thước của chúng, các quặng lớn có kích thước là một gang tay và các quặng nhỏ có kích thước tám ngón tay. Sau đó, lúc đêm đã rạng các dân làng đã nhìn thấy các quặng vàng (nghĩ rằng): “Quả nhiên, vật xứng đáng với đức vua đã được sanh lên!” Sau khi bố trí sự bảo vệ ở xung quanh, họ đã chất đầy các quặng vàng ở trong cái dĩa rồi đã đi đến trình đức vua xem. Đức vua cũng đã cho thực hiện sự tôn vinh tương xứng đến những người ấy và đã cho chính những người ấy làm những người bảo vệ vàng.

Khi ấy, vào đúng thời điểm ấy, dân chúng đã đem lại thông tin khác nữa. Tại địa điểm ở về phía đông cách thành phố bảy do-tuần phía bên kia sông Gaṅgā ở xứ sở tên là Tambaviṭṭhi đã xuất hiện đồng đỏ. Các dân làng đã lấy đồng đỏ chất đầy cái đĩa rồi đã đi đến trình đức vua xem. Đức vua cũng đã cho thực hiện sự tôn vinh tương xứng đến những người ấy và đã cho chính những người ấy làm những người bảo vệ.

Cùng thời gian ấy, dân chúng đã đem lại thông tin khác nữa. Tại địa điểm ở về phía đông-nam cách thành phố bốn do-tuần ở ngôi làng tên là Sumanavāpī đã xuất hiện nhiều ngọc ma-ni trộn lẫn với ngọc bích và hồng ngọc. Các dân làng đã chất đầy cái dĩa rồi đã đi đến và trình các viên ngọc ma-ni lên đức vua. Đức vua cũng đã cho thực hiện sự tôn vinh đến những người ấy và đã cho chính những người ấy làm những người bảo vệ.

Cùng thời gian ấy, dân chúng đã đem lại thông tin khác nữa. Tại địa điểm ở về phía nam cách thành phố tám do-tuần ở trong xứ sở Ambaṭṭhakola đã có bạc sanh lên tại một hang động. Vào lúc bấy giờ, có một người thương buôn là cư dân của thành phố đã đi đến Malaya cùng với nhiều xe kéo vì mục đích về các loại gia vị như cà-ri, gừng, v.v… Sau khi tháo ra các xe kéo ở không xa hang động và trong lúc tìm kiếm nhánh cây để làm roi, người ấy đã leo lên hòn núi ấy và đã nhìn thấy một nhánh cây bánh mì. Nhánh cây ấy chỉ có mỗi một trái bánh mì khổng lồ có kích thước bằng cái chum làm trĩu nhánh cây non trẻ xuống và tựa lên bề mặt tảng đá ở bên dưới. Sau khi nhìn thấy sự trĩu xuống ấy do sức nặng của trái cây, người ấy liền đến gần dùng bàn tay sờ vào và biết được tình trạng đã chín tới nên đã cắt đi ở cuống. Nhánh cây bánh mình đã vươn lên và nằm yên ở vị thế tương xứng. Người thương buôn đã suy nghĩ rằng: “Ta sẽ cúng dường phần ngon nhất rồi mới thọ dụng,” sau đó đã thông báo về thời giờ. Khi ấy, bốn vị Lậu Tận đã đi đến và đã hiện ra phía trước vị ấy. Sau khi nhìn thấy các vị ấy, người thương buôn trở nên hoan hỷ, đã đảnh lễ ở chân, rồi thỉnh ngồi xuống, sau đó đã dùng dao khía xung quanh phần cuống của trái cây ấy, kéo phần ruột lên và lấy ra. Nước mật ở xung quanh đã giọt xuống và làm tràn đầy phần vỏ rỗng có phần ruột đã được lấy ra. Người thương buôn đã chứa đầy các bình bát với nước mật trái cây bánh mì có màu sắc của nước hồ Manosilā. Các bậc Lậu Tận ấy đã bay lên không trung và ra đi trong khi người thương buôn đang chăm chú nhìn theo.

Người thương buôn lại thông báo thời giờ lần nữa. Bốn vị Lậu Tận khác đã đi đến. Sau khi nhận lấy các bình bát từ tay của các vị ấy, lần này người ấy đã chứa đầy với các múi có màu sắc vàng chói rồi đã dâng lên. Ba vị trưởng lão trong số ấy đã ra đi bằng đường không trung. Vị trưởng lão kia tên Indagutta là bậc Lậu Tận có ý định chỉ cho người thương buôn thấy số bạc ấy nên đã từ phía trên ngọn núi đi xuống, rồi đã ngồi xuống không xa hang động ấy và thọ thực phần ruột của trái bánh mì. Vào lúc vị trưởng lão đã ra đi, người cư sĩ cũng đã tự mình nhai phần ruột còn lại, sau đó đã gói ghém phần còn thừa rồi mang đi. Trong khi đi, người ấy đã nhìn thấy vị trưởng lão nên đã dâng nước và cành cây cho việc chùi rửa bình bát.

Vị trưởng lão cũng đã biến hóa ra con đường cho các xe tải đi đến gần cửa hang động rồi đã nói rằng: “Này cư sĩ, hãy đi bằng con đường này.” Sau khi đảnh lễ vị trưởng lão, người ấy trong khi đi theo con đường ấy đã đến được cửa hang động, và trong khi xem xét ở chung quanh hang động đã nhìn thấy đống bạc ấy, sau khi cầm lấy thỏi bạc rồi khía bằng con dao và biết được tính chất của bạc, rồi đã lấy đi khối bạc lớn và đi đến gần các xe kéo. Sau khi đã đưa các xe kéo đến địa điểm đầy đủ cỏ và nước, người ấy đã nhanh chóng đi đến Anurādhapura trình cho đức vua xem rồi đã tường thuật lại sự việc ấy. Đức vua cũng đã cho thực hiện sự tôn vinh tương xứng đến người ấy.

Cùng thời gian ấy, dân chúng cũng đã đem lại thông tin khác nữa. Tại địa điểm ở về phía tây cách thành phố năm do-tuần ở ngọn núi Uruvelā có những viên ngọc trai với số lượng sáu mươi xe kéo đã từ biển cả hiện lên trên đất liền; chúng được lẫn lộn với san hô và có kích thước của trái cây āmalaka cỡ lớn. Các ngư phủ sau khi nhìn thấy (nghĩ rằng): “Quả nhiên vật xứng đáng với đức vua đã được sanh lên!” rồi đã chất thành đống, bố trí sự bảo vệ, chứa đầy cái đĩa, rồi đã đi đến trình đức vua xem và đã tường thuật lại sự việc ấy. Đức vua cũng đã cho thực hiện sự tôn vinh tương xứng đến những người ấy.

Dân chúng đã đem lại thông tin khác nữa. Tại địa điểm ở về phía tây-bắc cách thành phố bảy do-tuần, ở bãi cát nơi hang động dẫn xuống hồ nước của ngôi làng Peḷavāpī đã xuất hiện bốn loại ngọc ma-ni lớn có kích thước của viên đá mài nhỏ bề dài là một gang với bốn ngón tay, và có màu sắc của hoa cây bông vải . Khi ấy, một người thợ săn tên Matta đã dẫn bầy chó lang thang ở nơi ấy và đã đi đến địa điểm ấy, sau khi nhìn thấy (nghĩ rằng): “Quả nhiên là vật xứng đáng với đức vua!” rồi đã dùng cát lấp lại và đi đến thông báo cho đức vua. Đức vua cũng đã cho thực hiện sự tôn vinh tương xứng đến người ấy.

Như thế, nội trong ngày hôm ấy đức vua đã nghe tin về các viên gạch, v.v… đã được sanh lên vì mục đích ngôi bảo tháp. Chính vì điều ấy, địa điểm phát sanh lên các viên gạch và bạc đã có được tên gọi.

Dứt Phần Giảng Giải về Sự Nhận Được
Vật Liệu Xây Dựng Ngôi Bảo Tháp.

-ooOoo-

[52] Mahāvaṃsa, chương XIV, câu kệ thứ 8.

[53] So sánh với hai câu kệ 34-35, chương XI, Sđd.

[54] Kinh Tăng Chi, Chương Hai Pháp, Phẩm 4.

[55] Bản Thūpavaṃsa ghi là “pacchimadisāya” (ở phía tây) là không phù hợp với Mahāvaṃsa. Hơn nữa, theo đoạn văn ở bên dưới các vị trưởng lão đã đứng ở cửa thành phía đông nên việc các vị đã đáp xuống vùng đất phía đông xem ra hợp lý hơn.

[56] Hai bộ kinh thuộc Kinh Tiểu Bộ.

[57] Kinh Tương Ưng, Tập 5, Thiên Đại Phẩm, Chương Mười Hai.

[58] Kinh Trung Bộ III, bài kinh 130.

[59] Kinh Tương Ưng, Tập IV: Thiên Sáu Xứ, Chương 1: Tương Ưng Sáu Xứ, Phẩm 19: Rắn Độc, bài kinh thứ nhất.

[60] Sđd., Tập II: Thiên Nhân Duyên, Chương 4: Tương Ưng Vô Thỉ, Phẩm Thứ Hai.

[61] Kinh Tăng Chi, Chương Bảy Pháp, Phẩm 7, Đoạn viii.

[62] Kinh Tương Ưng, Tập I: Thiên Có Kệ, Chương 3: Tương Ưng Kosala, Phẩm Thứ Hai, bài kinh viii: Không Phóng Dật.

[63] Tương đương ngày rằm tháng 9 âm lịch Việt Nam là ngày cuối cùng của mùa an cư mưa kỳ đầu.

[64] Nay là thành phố Patnā của nước Ấn Độ.

[65] Apadāna, Phẩm 1: Đức Phật, câu kệ thứ 82.

[66] So sánh với câu kệ 65, chương 17, của Mahāvaṃsa.

[67] So sánh với hai câu kệ 40-41, chương 18, Sđd.

[68] So sánh với câu kệ 84, chương 19, Sđd.

[69] Lohapāsāda nghĩa là tòa lâu đài bằng đồng, đã được sử dụng làm tên gọi. Vào thời điểm này, Lohapāsāda còn chưa được xây dựng.

[70] Thủy tổ của người Tamil hiện nay.

[71] Xem chương 23, Sđd.

[72] Duṭṭha: hờn giận, giận dữ, xấu xa. Duṭṭha được ghép thêm vào ở phía trước tên của đức vua.

[73] Mahāvaṃsa ghi là Guttahāla (Chương 24, câu kệ 17).

[74] Viên quan đại thần có trùng tên “Tissa” với vị hoàng tử.

[75] Vị hoàng tử là người em trai tên Tissa và đức vua là Duṭṭhagāmaṇi Abhaya.

[76] Theo Geiger, Sumanakūṭa là Adam’s Peak, một điểm du lịch của Sri Lanka ngày nay (The Mahāvaṃsa, trang 5, cước chú 1).

[77] Sđd., chương 1, các câu kệ 32-36.

[78] Sđd., chương 25, các câu kệ 16-18.

[79] 18 hattha (cánh tay) = 9 m; 8 usabha = 400 m.

[80] Sđd., chương 25, hai câu kệ 45-46.

[81] Sđd., chương 25, hai câu kệ 66-71.

[82] Sđd., chương 26, các câu kệ 23-25.

[83] Tám biểu tượng kiết tường là: vỏ sò, bánh xe, hũ nước đầy, cái chùy, bò con của sự may mắn (sirivaccha), gậy thúc voi, ngọn cờ, dấu hiệu chữ S ở mang rắn hổ (Encyclopaedia of Buddhism vol. vi. Sri Lanka: Government of Sri Lanka, 2002), 604.

[84] Loha: kim loại đồng, pāsāda: tòa lâu đài, dãy nhà dài, cung điện.

[85] So sánh với câu kệ 47, chương 27, Sđd.

[86] Karīsa là diện tích đất đủ để gieo trồng 1 karīsa hạt giống, ước lượng gần bằng 1 mẫu Anh (acre).

-ooOoo-

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời