Chương 2:

GIẢNG GIẢI VỀ CÁC NGÔI BẢO THÁP CỦA CHƯ PHẬT

Khi ấy, đấng Thập Lực Dīpaṅkara đã khen ngợi đức Bồ Tát, đã cúng dường tám bó hoa, sau đó đã hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Bốn trăm ngàn vị Lậu Tận ấy cũng đã cúng dường các bông hoa và các loại hương thơm đến đức Bồ Tát, sau đó đã hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Chư thiên và nhân loại sau khi cúng dường tương tợ như thế, rồi đã đảnh lễ, và ra đi.

Sau đó, khi đã nghe được lời chú nguyện của đấng Thập Lực, đức Bồ Tát tưởng chừng như việc trở thành Phật đã đạt đến trong lòng bàn tay nên tâm tư trở nên hoan hỷ. Đến khi tất cả đã ra đi, đức Bồ Tát đã từ chỗ nằm đứng dậy, rồi đến ngồi xuống ở trên các đống bông hoa, xếp chân thế kiết già. Trong lúc suy tư đến các điều kiện để trở thành Phật: “Các điều kiện để trở thành đức Phật ở nơi đâu? Chúng ở bên trên hay ở bên dưới, ở các hướng chính hay ở các hướng phụ?” và trong lúc lần lượt quán xét toàn bộ các yếu tố chính yếu, vị ấy đã nhìn thấy bố thí ba-la-mật là điều đầu tiên đã được các vị Bồ Tát tiền bối theo đuổi và thực hành. Sau khi phát nguyện sự kiên quyết thọ trì hạnh ba-la-mật ấy, đức Bồ Tát đã lần lượt nhìn thấy các hạnh ba-la-mật như vầy: trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, kham nhẫn, chân thật, quyết định, bác ái, xả. Sau khi phát nguyện sự kiên quyết thọ trì các hạnh ba-la-mật ấy và được chư thiên khen ngợi, đức Bồ Tát đã bay lên không trung và đi thẳng đến dãy Hi-mã-lạp-sơn.

Trong lúc được các cư dân thành phố Ramma sùng kính và được chư thiên đón chào, bậc Đạo Sư Dīpaṅkara cùng với bốn trăm ngàn vị Lậu Tận tùy tùng đã tiến vào thành phố Ramma bằng con đường đã được trang hoàng và sửa soạn, sau đó đã ngồi xuống trên Phật tòa cao quý được sắp đặt sẵn. Hội chúng tỳ khưu cũng đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được quy định cho mỗi vị. Các Phật tử cư trú ở thành phố Ramma đã cúng dường lễ đại thí đến hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu. Khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong, bàn tay đã rời khỏi bình bát, họ đã cúng dường các tràng hoa và hương thơm, v.v… rồi đã ngồi xuống với lòng mong mỏi được nghe lời tùy hỷ về sự bố thí. Trong lúc thực hiện lời tùy hỷ đến những người ấy, đức Phật Dīpaṅkara đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về trì giới, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, và sự lợi ích trong việc xuất ly, sau đó đã thuyết về Pháp đưa đến Bất Tử.

Như thế, sau khi thuyết giảng Giáo Pháp cho đám đông người ấy, Ngài đã an lập một số người vào sự quy y Tam Bảo, một số vào Ngũ Giới, một số vào quả vị Dự Lưu, một số vào quả vị Nhất Lai, một số vào quả vị Bất Lai, một số vào luôn cả bốn quả vị, một số vào Tam Minh, một số vào Lục Thông, một số vào tám tầng thiền, sau đó đã từ chỗ ngồi đứng dậy rời khỏi thành phố Ramma và trở về lại đại tu viện Sudassana.

Vì thế, có lời nói rằng:

Khi ấy, dân chúng đã dâng vật thực đến vị Lãnh Đạo Thế Gian và hội chúng, rồi đã đi quy y với đấng Đạo Sư Dīpaṅkara ấy.

Đấng Như Lai đã an lập một số người vào sự quy y Tam Bảo, một số vào Ngũ Giới, một số khác vào Thập Giới.

Ngài đã ban hạnh sa-môn với bốn quả vị tối cao đến một số người. Ngài đã ban Tuệ Phân Tích là các Pháp không thể sánh bằng đến một số khác.

Vị Chúa của nhân loại đã ban cho tám tầng thiền cao quý đến một số người. Ngài đã trao Tam Minh và Lục Thông đến một số khác.

Bậc Đại Hiền Triết đã giáo huấn đám đông người theo phương pháp ấy. Nhờ thế, Giáo Pháp của bậc Chúa Tể Thế Gian đã được lan rộng.

Vị mang tên Dīpaṅkara có hàm rộng và thân hình cao lớn đã đưa nhiều chúng sanh vượt qua và thoát khỏi khổ cảnh.

Khi nhìn thấy chúng sanh có khả năng giác ngộ dầu ở cách trăm ngàn do-tuần, bậc Đại Hiền Triết lập tức đến gần và giác ngộ người ấy.[13]

Như thế, bậc Đạo Sư Dīpaṅkara ấy đã tồn tại một trăm ngàn năm, và trong khi cởi trói mối ràng buộc cho chúng sanh đã hoàn thành tất cả phận sự của vị Phật rồi đã viên tịch Niết Bàn trong cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót tại tu viện Nanda.

Các xá-lợi ấy của đấng Đạo Sư Dīpaṅkara đã không bị phân tán; chúng được tồn tại và kết thành một khối trông như pho tượng bằng vàng.

Dân chúng cư ngụ ở trên toàn bộ Jambudīpa đã kiến tạo ngôi đại bảo tháp ba mươi sáu do-tuần[14] bằng những viên gạch bằng vàng được nén chặt.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đấng Đạo Sư Dīpaṅkara là đấng Chiến Thắng đã tịch diệt ở tu viện Nanda. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp của đấng Chiến Thắng cao ba mươi sáu do-tuần đã được dành cho vị ấy.[15]

Sau đó, một ngôi bảo tháp đã được dựng lên cao ba do-tuần tại cội cây Bồ Đề (để phụng thờ) bình bát, y, và vật dụng sở hữu của đấng Đạo Sư.

Kế đến, vào sau thời kỳ của đức Thế Tôn Dīpaṅkara khi đã trải qua một a-tăng-kỳ, bậc Đạo Sư Koṇḍañña đã xuất hiện. Khi ấy, đức Bồ Tát là vị Chuyển Luân Vương tên Vijitāvī đã cúng dường lễ đại thí đến hội chúng tỳ khưu số lượng một trăm ngàn koṭi[16] vị có đức Phật đứng đầu. Đấng Đạo Sư đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành Phật” rồi đã thuyết giảng Giáo Pháp. Sau khi lắng nghe bài giảng Pháp của đấng Đạo Sư, đức Bồ Tát đã trao lại vương quyền rồi xuất gia. Vị ấy sau khi học hiểu về Tam Tạng, đã làm sanh khởi tám tầng thiền và năm thắng trí, có thiền định không bị hư hoại, và đã sanh về cõi Phạm Thiên. Vị Phật ấy sau khi tồn tại một trăm ngàn năm và hoàn thành tất cả phận sự của vị Phật cũng đã viên tịch Niết Bàn tại tu viện Canda. Các xá-lợi ấy của đức Thế Tôn ấy cũng đã không bị phân tán. Dân chúng cư ngụ ở trên toàn thể xứ Jambudīpa đã tụ hội lại, sau đó đã thực hiện việc đắp đất bằng đá vàng và đỏ cùng với việc tô màu nước bằng dầu ăn và bơ lỏng, rồi đã dựng nên ngôi bảo điện (kích thước) bảy do-tuần làm bằng bảy loại ngọc quý.

Nghe rằng đấng Chánh Đẳng Giác Koṇḍañña đã tịch diệt ở tu viện Canda xinh đẹp. Ngôi bảo điện (kích thước) bảy do-tuần đã được xây dựng cho vị ấy.[17]

Vào sau thời kỳ của đức Phật Koṇḍañña khi đã trải qua một a-tăng-kỳ, chỉ trong một kiếp đã có bốn vị Phật xuất hiện là Maṅgala, Sumana, Revata, và Yohita. Vào thời kỳ của đức Thế Tôn Maṅgala, đức Bồ Tát là vị bà-la-môn tên Suruci đã đi đến (nghĩ rằng) “Ta sẽ thỉnh mời đấng Đạo Sư,” sau khi lắng nghe bài giảng Pháp êm dịu rồi đã thỉnh mời vào ngày kế, và trong bảy ngày đã cúng dường vật thí tên là cơm sữa đến hội chúng tỳ khưu số lượng một trăm ngàn koṭi vị có đức Phật đứng đầu. Trong lúc nói lời tùy hỷ, đấng Đạo Sư đã cho gọi vị đại nhân đến rồi đã chú nguyện rằng: “Về sau hai a-tăng-kỳ và hơn một trăm ngàn kiếp, ngươi sẽ trở thành vị Phật tên Gotama.” Vị đại nhân sau khi nghe được lời chú nguyện đã suy nghĩ rằng: “Nghe nói ta sẽ trở thành vị Phật, vậy tư cách tại gia có lợi ích gì cho ta? Ta sẽ xuất gia,” và đã từ bỏ sự thành đạt như thế ấy giống như nhổ đi bãi nước bọt. Sau khi đã xuất gia trong sự hiện diện của bậc Đạo Sư, vị ấy đã học hiểu Giáo Pháp của đức Phật, đã làm sanh khởi thắng trí và thiền chứng, đến khi dứt tuổi thọ đã sanh về cõi Phạm Thiên. Ngay cả khi đức Phật ấy viên tịch Niết Bàn, các xá-lợi đã không bị phân tán. Tương tợ như trước đây, các cư dân ở Jambudīpa đã xây dựng ngôi bảo tháp (kích thước) ba mươi do-tuần.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đức Phật Maṅgala đã tịch diệt ở vườn hoa tên là Vasabha. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp của đấng Chiến Thắng (kích thước) ba mươi sáu do-tuần đã được dựng lên cho vị ấy.[18]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, đấng Đạo Sư tên là Sumana đã xuất hiện. Khi ấy, đức Bồ Tát làm long vương tên là Atula có đại thần lực có đại oai lực. Vị ấy nghe được rằng: “Đức Phật đã xuất hiện” nên đã cùng tập thể thân quyến tùy tùng rời khỏi long cung rồi đã cho cúng dường các nhạc khúc thần tiên đến đức Thế Tôn ấy và hội chúng tỳ khưu trăm ngàn koṭi vị, sau đó đã tiến hành cuộc đại thí, đã dâng lên mỗi vị hai tấm y, và đã khẳng định sự quy y. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật trong tương lai.” Khi đức Phật ấy viên tịch Niết Bàn, các xá-lợi cũng đã không bị phân tán. Tương tợ như trước đây, các cư dân ở Jambudīpa đã xây dựng ngôi bảo tháp (kích thước) bốn do-tuần.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đức Phật Sumana là vị có danh tiếng đã tịch diệt ở tu viện Agga. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp của đấng Chiến Thắng (kích thước) bốn do-tuần đã được dựng lên cho vị ấy.[19]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, đấng Đạo Sư tên là Revata đã xuất hiện. Khi ấy, đức Bồ Tát là vị bà-la-môn tên Atideva, sau khi lắng nghe bài giảng Pháp của đấng Đạo Sư rồi đã khẳng định sự quy y, sau đó đã chắp tay lên ở đầu, đã nói lời tán dương về sự dứt bỏ phiền não, và đã cúng dường thượng y đến đấng Đạo Sư ấy. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật trong tương lai.” Đến khi đức Phật ấy viên tịch Niết Bàn, các xá-lợi đã được phân tán.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đức Phật Revata cao quý ấy đã tịch diệt ở thành phố lớn. Xá-lợi đã được phân tán rộng rãi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.[20]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, đấng Đạo Sư tên là Sobhita đã xuất hiện. Khi ấy, đức Bồ Tát là vị bà-la-môn tên Ajito, sau khi lắng nghe bài giảng Pháp của đấng Đạo Sư rồi đã khẳng định sự quy y và đã cúng dường lễ đại thí đến hội chúng có đức Phật đứng đầu. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật trong tương lai.” Các xá-lợi của đức Thế Tôn ấy cũng đã được phân tán.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đấng Chánh Đẳng Giác cao quý Sobhita đã tịch diệt ở tu viện Sīha. Xá-lợi đã được phân tán rộng rãi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.[21]

Vào sau thời kỳ của đức Phật Sobhita khi đã trải qua một a-tăng-kỳ, chỉ trong một kiếp đã sanh lên ba vị Phật là Anomadassī, Paduma, Nārada. Vào thời kỳ của đức Thế Tôn Anomadassī, đức Bồ Tát là một vị lãnh tụ của loài dạ-xoa có đại thần lực có đại oai lực và là vị chỉ huy hàng triệu triệu dạ-xoa. Vị ấy sau khi nghe được rằng: “Đức Phật đã xuất hiện” nên đã đi đến và đã cúng dường lễ đại thí đến hội chúng có đức Phật đứng đầu. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật trong tương lai.” Khi đức Thế Tôn Anomadassī viên tịch Niết Bàn, các xá-lợi đã không bị phân tán. Các cư dân ở Jambudīpa đã xây dựng ngôi bảo tháp (kích thước) hai mươi lăm do-tuần.

Vì thế, có lời nói rằng:

Bậc Đạo Sư Anomadassī là đấng Chiến Thắng đã tịch diệt ở tu viện Dhamma. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp của đấng Chiến Thắng dành cho vị ấy có chiều cao hai mươi lăm do-tuần.[22]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, đấng Đạo Sư tên là Paduma đã xuất hiện. Trong khi đấng Như Lai cư ngụ ở trong rừng không ở trong làng, đức Bồ Tát sanh làm con sư tử, sau khi nhìn thấy đấng Đạo Sư đang thể nhập thiền Diệt đã khởi tâm tín thành, đã đảnh lễ, rồi đã hướng vai phải nhiễu quanh. Do sanh khởi tâm hoan hỷ, nó đã gầm lên tiếng rống sư tử ba lần. Trong bảy ngày, nó đã không đánh mất niềm hoan hỷ với hình ảnh của đức Phật ở trong tâm. Và do chính niềm hỷ lạc ấy, nó đã không đi ra ngoài kiếm mồi và đã thực hiện việc xả bỏ mạng sống; nó đã ở lại tiếp tục hầu cận. Sau bảy ngày, bậc Đạo Sư đã xuất khỏi thiền Diệt nhìn thấy con sư tử (biết rằng): “Nó cũng sẽ khởi tâm tịnh tín đối với hội chúng tỳ khưu và sẽ đảnh lễ hội chúng” nên đã khởi ý rằng: “Hội chúng tỳ khưu hãy đi đến.” Ngay lập tức, các vị tỳ khưu đã đi đến. Con sư tử đã khởi tâm tịnh tín đối với hội chúng. Đấng Đạo Sư sau khi xem xét tâm của con sư tử rồi đã chú nguyện rằng: “Sẽ trở thành vị Phật trong tương lai.” Hơn nữa, các xá-lợi của đức Thế Tôn ấy đã không bị phân tán.

Vì thế, có lời nói rằng:

Bậc Đạo Sư cao quý Paduma là đấng Chiến Thắng đã tịch diệt ở tu viện Dhamma. Xá-lợi đã được phân tán rộng rãi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.[23]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, đấng Đạo Sư tên là Nārada đã xuất hiện. Lúc bấy giờ, sau khi xuất gia làm ẩn sĩ và thường xuyên an trú vào năm thắng trí và tám tầng thiền, đức Bồ Tát đã thực hiện cuộc lễ đại thí và đã cúng dường trầm hương màu đỏ đến hội chúng có đức Phật đứng đầu. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật trong tương lai.” Tuy nhiên, các xá-lợi của đức Thế Tôn Nārada đã kết thành một khối. Tất cả chư thiên và nhân loại đã tụ hội lại và đã xây dựng ngôi bảo tháp (kích thước) bốn do-tuần.

Vì thế, có lời nói rằng:

Ngài Nārada, vị lãnh tụ của các đấng Chiến Thắng, đã tịch diệt ở thành phố Sudassana. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp cao quý (kích thước) bốn do-tuần đã được dựng lên cho vị ấy.[24]

Vào sau thời kỳ của vị ấy khi đã trải qua một a-tăng-kỳ, và kể từ đó một trăm ngàn kiếp, vào một kiếp nọ đã xuất hiện đấng Đạo Sư tên là Padumuttara. Khi ấy, đức Bồ Tát là viên quan đại thần tên Jaṭila đã cúng dường vật thí là y đến hội chúng có đức Phật đứng đầu. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật trong tương lai.” Các xá-lợi của đức Thế Tôn Padumuttara cũng đã kết thành một khối. Tất cả chư thiên và nhân loại đã tụ hội lại và đã xây dựng ngôi đại bảo tháp (kích thước) mười hai do-tuần.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đức Phật Padumuttara là đấng Chiến Thắng đã tịch diệt ở tu viện Nanda. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp quý báu cao mười hai do-tuần là dành cho vị ấy.[25]

Vào sau thời kỳ của vị ấy khi đã trải qua ba mươi ngàn kiếp, hai vị Phật là Sumedha và Sujāta đã sanh lên trong một kiếp. Vào thời kỳ của đức Thế Tôn Sumedha, đức Bồ Tát là người thanh niên bà-la-môn tên Uttara đã tích lũy rồi đã xuất ra tài sản tám mươi koṭi[26] đã được cất giữ ấy và đã cúng dường lễ đại thí đến hội chúng có đức Phật đứng đầu, sau đó đã lắng nghe Giáo Pháp, đã khẳng định sự quy y, đã ra đi, và đã xuất gia. Đấng Đạo Sư cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật trong tương lai.” Hơn nữa, các xá-lợi của đức Thế Tôn Sumedha đã được phân tán.

Vì thế, có lời nói rằng:

Bậc Phật cao quý Sumedha là đấng Chiến Thắng đã tịch diệt ở tu viện Medha. Xá-lợi đã được phân tán rộng rãi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.[27]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, đấng Đạo Sư tên là Sujāta đã xuất hiện. Khi ấy, đức Bồ Tát là vị Chuyển Luân Vương, sau khi đã nghe được rằng: “Đức Phật đã xuất hiện” nên đã đi đến, đã lắng nghe Giáo Pháp, đã cúng dường vương quốc gồm bốn hòn đảo lớn cùng với bảy loại châu ngọc đến hội chúng có đức Phật đứng đầu, và đã xuất gia trong sự hiện diện của đấng Đạo Sư. Cư dân trong toàn thể vương quốc sau khi đạt được sự thành lập xứ sở và trong lúc làm tròn phận sự của người hộ tự đã thường xuyên cúng dường lễ đại thí đến hội chúng có đức Phật đứng đầu. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho đức Bồ Tát rằng: “Sẽ trở thành vị Phật trong tương lai.” Các xá-lợi của đức Thế Tôn Sujāta đã kết thành một khối. Các cư dân ở Jambudīpa đã xây dựng ngôi bảo tháp (kích thước) ba gāvuta.[28]

Vì thế, có lời nói rằng:

Đức Phật cao quý Sujāta là đấng Chiến Thắng đã tịch diệt ở tu viện Sīla. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo điện (kích thước) ba gāvuta đã được dựng lên cho vị ấy.[29]

Vào sau thời kỳ của vị ấy khi đã trải qua một ngàn tám trăm kiếp, ba vị Phật là Piyadassī, Atthadassī, và Dhammadassī đã sanh lên trong một kiếp. Vào thời kỳ của đức Phật Piyadassī, đức Bồ Tát là người thanh niên bà-la-môn tên Kassapa được thông thạo ba bộ Vệ Đà. Sau khi lắng nghe sự thuyết giảng Giáo Pháp của đấng Đạo Sư, vị ấy đã cho xây dựng tu viện dành cho hội chúng với sự dứt bỏ tài sản một trăm ngàn koṭi, sau đó đã an trú vào sự quy y và các giới cấm. Khi ấy, đấng Đạo Sư đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật sau một ngàn tám trăm kiếp.” Các xá-lợi của đức Thế Tôn Piyadassī cũng đã kết thành một khối. Các cư dân ở Jambudīpa đã tụ hội lại và đã xây dựng ngôi đại bảo tháp (kích thước) ba do-tuần.

Vì thế, có lời nói rằng:

Bậc Hiền Triết cao quý Piyadassī đã tịch diệt ở tu viện Salala. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp của đấng Chiến Thắng (kích thước) ba do-tuần đã được dựng lên cho vị ấy.[30]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, đức Thế Tôn tên là Atthadassī đã xuất hiện. Khi ấy, đức Bồ Tát là đạo sĩ khổ hạnh tên Susīma có đại thần lực có đại oai lực. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp trong sự hiện diện của đức Thế Tôn, vị ấy đã khởi niềm tin nên đã mang lại các bông hoa ở cung trời như là hoa mạn-đà-la, hoa sen, hoa cây san hô, v.v…, rồi đã làm rơi xuống trận mưa bông hoa giống như là đám mây lớn đổ mưa xuống khắp bốn châu lục, đã thực hiện ở khắp nơi các cổng chào đắt giá bằng bông hoa và các mái che bằng bông hoa, v.v…, rồi đã cúng dường đến đấng Thập Lực chiếc lọng che kết bằng hoa mạn-đà-la. Đức Thế Tôn ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật tên là Gotama trong tương lai.” Các xá-lợi của đức Thế Tôn ấy đã được phân tán.

Vì thế, có lời nói rằng:

Bậc Phật cao quý Atthadassī là đấng Chiến Thắng đã tịch diệt ở tu viện Anoma. Xá-lợi đã được phân tán rộng rãi từ quốc độ ấy đến khắp các nơi.[31]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, đấng Đạo Sư tên là Dhammadassī đã xuất hiện. Khi ấy, đức Bồ Tát là Chúa Trời Sakka đã thực hiện sự cúng dường với các hương thơm và bông hoa của cõi trời cùng các nhạc khúc thần tiên. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật.” Các xá-lợi của đức Thế Tôn Dhammadassī cũng đã kết thành một khối. Các cư dân ở Jambudīpa đã xây dựng ngôi bảo tháp (kích thước) ba do-tuần.

Vì thế, có lời nói rằng:

Vị đại anh hùng Dhammadassī đã tịch diệt ở tu viện Kelāsa. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp quý giá (kích thước) ba do-tuần đã được dựng lên cho vị ấy.[32]

Sau thời kỳ của vị ấy chín mươi bốn kiếp, trong một kiếp chỉ có một đấng Đạo Sư xuất hiện tên là Siddhattha. Khi ấy, đức Bồ Tát là vị đạo sĩ khổ hạnh tên là Maṅgala đã thành tựu oai lực của thần thông và có danh tiếng lừng lẫy. Vị ấy đã mang lại trái của cây jambu vĩ đại và đã dâng lên đức Như Lai. Đấng Đạo Sư đã thọ dụng trái cây ấy và đã chú nguyện rằng: “Sẽ trở thành vị Phật sau chín mươi bốn kiếp.” Các xá-lợi của đức Thế Tôn ấy cũng đã không bị phân tán. Dân chúng đã xây dựng ngôi bảo tháp làm bằng châu báu (kích thước) bốn do-tuần.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đức Phật Siddhattha là bậc hiền triết cao quý đã tịch diệt ở tu viện Anoma. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp quý giá (kích thước) bốn do-tuần đã được dựng lên cho vị ấy.[33]

Vào sau thời kỳ của vị ấy kể từ đó cho đến chín mươi hai kiếp, hai vị Phật Tissa và Phussa đã sanh lên trong một kiếp. Vào thời kỳ của đức Thế Tôn Tissa, đức Bồ Tát là người dòng dõi sát-đế-lỵ tên là Sujāta có nhiều tài sản và có nhiều danh tiếng đã xuất gia làm ẩn sĩ và đã đạt đến đại thần lực. Sau khi nghe được rằng: “Đức Phật đã xuất hiện,” vị ấy đã lấy các bông hoa ở cung trời như là hoa mạn-đà-la, hoa sen, và hoa cây san hô rồi cúng dường đến đức Như Lai đang bước đi ở giữa tứ chúng. Vật cúng dường ấy đã được tồn tại giống như là tấm màn che bằng bông hoa ở giữa không trung. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật kể từ đây đến khi trải qua chín mươi hai kiếp.” Các xá-lợi của đức Thế Tôn ấy đã không bị phân tán. Dân chúng đã nhận lấy các xá-lợi và đã xây dựng ngôi bảo tháp (kích thước) ba do-tuần.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đức Phật Tissa là đấng Chiến Thắng cao quý đã tịch diệt ở tu viện Nanda. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp cao quý (kích thước) ba do-tuần đã được dựng lên cho vị ấy.[34]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, đức Phật tên Phussa đã xuất hiện. Khi ấy, đức Bồ Tát là người dòng dõi sát-đế-lỵ tên Vijitāvī đã từ bỏ vương quốc rộng lớn rồi đã xuất gia trong sự hiện diện của đấng Đạo Sư. Vị ấy đã học hiểu Tam Tạng, đã thuyết giảng Giáo Pháp đến đám đông dân chúng, và đã làm tròn đủ ba-la-mật về giới hạnh. Đức Phật ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy giống y như thế. Các xá-lợi của đức Thế Tôn ấy đã được phân tán.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đấng Đạo Sư Phussa là đấng Chiến Thắng cao quý đã tịch diệt ở tu viện Sunanda. Xá-lợi đã được phân tán rộng rãi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.[35]

Vào sau thời kỳ của vị ấy kể từ đó cho đến chín mươi mốt kiếp, đức Phật tên là Vipassī đã xuất hiện. Khi ấy, đức Bồ Tát là Long Vương tên Atula có đại thần lực có đại oai lực đã dâng lên đức Thế Tôn cái ghế lớn bằng vàng được trang hoàng với bảy loại châu báu. Đức Phật ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật kể từ đây đến khi trải qua chín mươi mốt kiếp.” Các xá-lợi của đức Thế Tôn ấy đã không bị phân tán. Toàn bộ chư Thiên và nhân loại đã tụ hội lại, đã nhận lấy các xá-lợi, và đã xây dựng ngôi bảo tháp (kích thước) bảy do-tuần.

Vì thế, có lời nói rằng:

Vị anh hùng Vipassī là đấng Chiến Thắng cao quý đã tịch diệt ở tu viện Sumitta. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp quý giá ấy có (kích thước) bảy do-tuần đã được xây dựng.[36]

Vào sau thời kỳ của vị ấy kể từ đó cho đến ba mươi mốt kiếp, có hai vị Phật tên là Sikhī và Vessabhū đã sanh lên. Vào thời kỳ của đức Thế Tôn Sikhī, đức Bồ Tát là vị vua tên Arindama đã tiến hành cuộc đại thí có y phục đến hội chúng có đức Phật đứng đầu, đã dâng lên voi báu được trang điểm với bảy loại ngọc quý, và đã thực hiện rồi đã dâng lên số lượng vật dụng được phép lớn bằng con voi. Đức Phật Sikhī cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật kể từ đây đến khi trải qua ba mươi mốt kiếp.” Các xá-lợi của đức Thế Tôn Sikhī đã được kết thành một khối và tồn tại. Toàn bộ dân chúng cư ngụ ở Jambudīpa đã nhận lấy các xá-lợi và đã xây dựng ngôi bảo tháp làm bằng bảy loại ngọc quý cao ba do-tuần và rực rỡ như là ngọn núi Hi-mã-lạp.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đức Phật Sikhī là bậc hiền triết cao quý đã tịch diệt ở tu viện Dussa. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp quý giá (kích thước) ba do-tuần đã được dựng lên cho vị ấy.[37]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, đức Phật tên Vessabhū đã xuất hiện. Khi ấy, đức Bồ Tát là vị vua tên Sudassana đã cúng dường lễ đại thí có y phục đến hội chúng có đức Phật đứng đầu, đã xuất gia trong sự hiện diện của vị Phật ấy, đã thành tựu các đức hạnh, và đã có được nhiều pháp hỷ trong khi suy tưởng đến Phật Bảo. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy rằng: “Sẽ trở thành vị Phật sau khi trải qua ba mươi mốt kiếp kể từ kiếp này.” Tuy nhiên, các xá-lợi của đức Thế Tôn Vessabhū đã được phân tán.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đấng Đạo Sư Vessabhū là đấng Chiến Thắng cao quý đã tịch diệt ở tu viện Khema. Xá-lợi đã được phân tán rộng rãi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.[38]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, trong một kiếp đã sanh lên bốn vị Phật là Kakusandha, Konāgamana, Kassapa, và đức Thế Tôn của chúng ta. Vào thời kỳ của đức Thế Tôn Kakusandha, đức Bồ Tát là vị vua tên Khema đã cúng dường vật thí là y cùng với bình bát và các loại thuốc men như là thuốc bôi, v.v… đến hội chúng có đức Phật đứng đầu, đã lắng nghe lời thuyết giảng Giáo Pháp của đấng Đạo Sư, và đã xuất gia. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy. Các xá-lợi của đức Thế Tôn ấy đã không bị phân tán. Tất cả đã tụ họp lại, đã nhận lấy các xá-lợi, và đã dựng lên ngôi bảo tháp cao một gāvuta.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đấng Chiến Thắng cao quý Kakusandha đã tịch diệt ở tu viện Khema. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp quý giá vươn lên bầu trời một gāvuta là dành cho vị ấy.[39]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, đấng Đạo Sư tên Konāgamana đã xuất hiện. Khi ấy, đức Bồ Tát là vị vua tên Pabbata được đám quan đại thần tháp tùng đã đi đến yết kiến đấng Đạo Sư. Vị ấy sau khi lắng nghe bài thuyết Pháp đã thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu, đã tiến hành cuộc đại thí, đã cúng dường tấm vải bằng vàng và các loại vải thượng hạng gồm các tấm vải dệt và băng vải bằng len và tơ lụa, rồi đã xuất gia trong sự hiện diện của đấng Đạo Sư. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy. Các xá-lợi của đức Thế Tôn ấy đã được phân tán.

Vì thế, có lời nói rằng:

Đấng Toàn Giác Konāgamana đã tịch diệt ở tu viện Pabbata. Xá-lợi đã được phân tán rộng rãi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.[40]

Vào sau thời kỳ của vị ấy, đấng Đạo Sư tên Kassapa đã xuất hiện. Khi ấy, đức Bồ Tát là người thanh niên bà-la-môn tên Jotipāla thông thạo ba bộ Vệ Đà. Vị ấy được biết tiếng ở đất liền luôn cả ở trên không trung và là bạn của người thợ làm đồ gốm Ghaṭikāra. Đức Bồ Tát cùng với người thợ gốm ấy đã đi đến gặp đấng Đạo Sư. Vị ấy sau khi lắng nghe bài giảng Pháp, đã xuất gia, có sự nỗ lực tinh tấn, đã học hiểu Tam Tạng, và đã làm sáng chói Giáo Pháp của Chư Phật với sự thành tựu về các phận sự lớn nhỏ. Đấng Đạo Sư ấy cũng đã chú nguyện cho vị ấy. Hơn nữa, các xá-lợi của đấng Đạo Sư Kassapa đã không bị phân tán. Toàn bộ dân chúng cư ngụ ở Jambudīpa đã tụ họp lại, và trong lúc thực hiện cái sườn bằng vàng với việc đắp đất bằng đá đỏ nhằm mục đích làm đầy ở phần bên trong mỗi một cái trị giá nửa koṭi và việc tô màu nước bằng dầu ăn nhằm mục đích phối trí ở bên ngoài được trang hoàng bằng ngọc quý cho mỗi một cái trị giá một koṭi, họ đã thực hiện ngôi bảo tháp (kích thước) một do-tuần.

Vì thế, có lời nói rằng:

Bậc Đạo Sư Mahākassapa là đấng Chiến Thắng đã tịch diệt ở Setavyā. Chính tại nơi ấy, ngôi bảo tháp của đấng Chiến Thắng cao một do-tuần đã được dựng lên cho vị ấy.[41]

Và ở đây:

Như thế, đức Phật Dīpaṅkara, Koṇḍañña, Maṅgala, Sumana, Anomadassī, Nārada, Padumuttara,

Sujāta, Piyadassī, và vị tối thượng nhân Dhammadassī, đức Phật Siddhattha, Tissa, Vipassī, và Sikhī cũng như vậy,

Kakusandha, và Kassapa; mười sáu vị này là các đại ẩn sĩ. Kích thước về các bảo tháp của các vị này được nêu rõ ở ngay trong Chánh Tạng Pāli.

Nhờ vậy, tôi đã giảng giải rõ ràng về tất cả những ngôi bảo tháp ấy. Những người hiền thiện có đức tin nên đảnh lễ các ngôi bảo tháp ấy một cách tôn kính.

Tám đức Thiện Thệ còn lại là những vị tầm cầu sự lợi ích. Xá-lợi của các vị ấy đã được phân tán rộng rãi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.

Phần giảng giải về các ngôi bảo tháp của chư Phật và của các ngôi bảo tháp trong thời hiện tại đồng thời phần giảng giải về lời phát nguyện trước sự hiện diện của chư Phật ấy trong tập “Sử Liệu về Bảo Tháp Xá-Lợi Phật” được thực hiện nhằm đem lại tâm thành tín cho những người hiền thiện đã đầy đủ.

-ooOoo-

 

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời