Chương 16:
GIẢNG GIẢI VỀ VIỆC TÔN TRÍ XÁ-LỢI
Sau khi hoàn tất công việc cần phải làm ở căn phòng thờ xá-lợi như thế, vào ngày mười bốn đức vua đã đi đến tu viện và cho triệu tập hội chúng tỳ khưu lại. Ba mươi ngàn vị tỳ khưu đã tụ họp lại. Đức vua đã đảnh lễ hội chúng tỳ khưu và đã nói như vầy: “Bạch các ngài, công việc cần phải làm ở căn phòng thờ xá-lợi đã được trẫm hoàn tất. Việc tôn trí các xá-lợi sẽ tiến hành vào ngày mai tức là ngày Uposatha của tháng Āsāḷha, trong thời điểm của sao Uttarāsāḷha. Xin các ngài hãy tìm các xá-lợi.” Sau khi đã trao trách nhiệm cho hội chúng tỳ khưu, đức vua đã trở về lại thành phố.
Khi ấy, trong lúc tìm kiếm vị tỳ khưu làm người rước xá-lợi đến, hội chúng tỳ khưu nhận thấy vị sa di tên Soṇuttara được mười sáu tuổi ngụ tại gian phòng cúng dường là có Lục Thông nên đã cho gọi vị ấy (nói rằng): “Này sư đệ Soṇuttara, đức vua đã cho hoàn tất căn phòng thờ xá-lợi và giao phó cho hội chúng tỳ khưu trách nhiệm đem lại xá-lợi. Vì thế, các xá-lợi cần được đệ rước lại.” Vị ấy đã hỏi rằng: “Bạch các ngài, tôi sẽ rước lại các xá-lợi, vậy sẽ nhận lãnh ở đâu?” Hội chúng tỳ khưu đã nói với vị ấy như vầy: “Này sư đệ Soṇuttara, khi nằm trên chiếc giường tử biệt đức Như Lai đã cho mời Chúa Trời Sakka đến rồi nói rằng: ‘Trong số các xá-lợi di thể có số lượng tám doṇa của ta, một doṇa sẽ được các đức vua xứ Koḷiya tôn kính và trong tương lai sẽ được tôn trí ở ngôi đại bảo điện trên hòn đảo Tambapaṇṇi.’ Sau đó, khi đức Thế Tôn viên tịch Niết Bàn, bà-la-môn Doṇa đã chia các xá-lợi thành tám phần rồi trao cho các cư dân của tám thành phố. Họ đã cho xây dựng ngôi bảo điện ở thành phố của từng nhóm rồi đã bảo quản. Trong số các phần xá-lợi ấy, khi ngôi bảo điện được xây dựng bởi những người Koḷiya tại Rāmagāma bị cơn lũ lớn làm sụp đổ, hộp xá-lợi có hào quang sáu màu bao phủ đã rơi vào biển cả và nằm yên ở trên bãi cát có ngọc quý.
Loài rồng sau khi nhìn thấy đã đi đến cung điện Mañjerika của loài rồng và đã kể lại cho Long Vương Mahākāḷa. Long Vương được tùy tùng bởi mười ngàn koṭi con rồng đã đi đến, đã cúng dường với các vật thơm, tràng hoa, v.v… đã cho trương lên các lá cờ bằng vàng, san hô, ngọc ma-ni, và bạc, sau đó đã đặt hộp xá-lợi vào trong hòm bằng ngọc ma-ni, đội lên ở trên đầu, và đi giữa các vũ công là những con rồng thuộc nhiều chủng loại khác nhau có mang theo năm loại nhạc cụ. Trong lúc thực hiện sự tôn kính vô cùng trọng thể, Long Vương đã rước về long cung rồi đã cúng dường với các tài sản là chín mươi sáu koṭi, sau đó đã biến hóa ra ngôi bảo điện và gian nhà ở ngôi bảo điện với tất cả các loại ngọc quý, rồi đã bảo quản các xá-lợi. Trong lúc tôn trí các xá-lợi, trừ ra các xá-lợi ở Rāmagāma, các phần xá-lợi còn lại đã được trưởng lão Mahākassapa mang lại và trao cho Ajātasattu. Đức vua đã hỏi rằng: ‘Vì sao các xá-lợi ở Rāmagāma đã không được mang lại?’ Vị trưởng lão đã nói rằng: ‘Tâu đại vương, không có gì nguy hiểm cho các xá-lợi ấy; trong ngày vị lai chúng sẽ được tôn trí ở ngôi đại bảo điện trên hòn đảo Tambapaṇṇi.’
Ngay cả đức vua công chính Asoka sau khi khai quật chỗ tôn trí các xá-lợi, trong lúc xem xét đã không nhìn thấy phần xá-lợi thứ tám, nên đã hỏi rằng: ‘Bạch các ngài, phần xá-lợi kia ở đâu?’ Các bậc Lậu Tận đã đáp rằng: ‘Tâu đại vương, phần ấy đã được tôn trí tại ngôi bảo điện được xây dựng ở bờ sông Gaṅgā bởi những người Koḷiya, khi ngôi bảo điện bị sụp đổ bởi cơn lũ lớn đã rơi vào biển cả. Loài rồng sau khi nhìn thấy vật ấy đã đưa về long cung rồi đã bảo quản.’ Đức vua đã nói rằng: ‘Bạch các ngài, long cung là khu vực dưới quyền ra lệnh của trẫm, trẫm cũng sẽ lấy phần ấy lại.’ Các vị đã ngăn cản rằng: ‘Tâu đại vương, trong ngày vị lai các xá-lợi ấy sẽ được tôn trí ở ngôi đại bảo điện ở hòn đảo Tambapaṇṇi.’
Vì thế, ngươi hãy đi đến long cung Mañjerika và thông báo tin này cho Long Vương rồi rước các xá-lợi về. Việc tôn trí các xá-lợi sẽ diễn ra vào ngày mai.” Soṇuttara đã đồng ý (đáp rằng): “Lành thay!” rồi đã đi về gian phòng của mình.
Đức vua cũng đã đi vào thành phố rồi cho trống thông báo ở trong thành phố rằng: “Việc tôn trí các xá-lợi sẽ diễn ra vào ngày mai. Tùy theo khả năng của mỗi cá nhân, các cư dân thành phố hãy trang điểm, hãy mang theo các vật thơm và tràng hoa, v.v… rồi đi đến khuôn viên của ngôi đại bảo điện.” Sakka cũng đã ra lệnh cho Vissakamma rằng: “Việc tôn trí các xá-lợi ở ngôi đại bảo điện sẽ diễn ra vào ngày mai. Ngươi hãy trang hoàng toàn bộ hòn đảo Tambapaṇṇi.” Vị ấy, vào ngày kế, sau khi đã làm hòn đảo Tambapaṇṇi (kích thước) chín mươi chín do-tuần được bằng phẳng như là vòng tròn đề mục kasiṇa của thiền định, rồi đã phủ lên bằng các bông hoa ngũ sắc trông như là cái đĩa bằng bạc được rắc cát lên, sau đó đã xếp đặt các hàng chum đầy ở xung quanh, đã bao quanh với những màn che, đã buộc các lều vải ở bên trên, rồi đã trưng bày các hoa sen của đất liền ở trên mặt đất và các hoa sen treo lủng lẳng ở trên không trung; vị ấy đã chuẩn bị giống như là phòng hội của chư thiên đã được trang hoàng vậy. Vị ấy còn làm cho đại dương được yên tĩnh và được bao phủ bởi năm loại hoa sen.
Do nhờ oai lực của xá-lợi, toàn bộ thế giới đã được trang hoàng giống như thời kỳ (Bồ Tát) nhập thai hoặc chứng ngộ Chánh Đẳng Giác, v.v… Các cư dân thành phố cũng đã quét dọn các con đường trong thành phố, đã rải lên loại cát giống như là các hạt ngọc trai, đã rắc đều các bông hoa và bắp rang là loại thứ năm, đã cho trương lên các cờ và biểu ngữ đủ loại màu sắc, đã tô điểm và trang hoàng thành phố với các chậu vàng, với các cổng chào bằng cây chuối, và bằng các tràng hoa đắt giá, v.v… Đức vua đã cho đặt ở bốn cổng của thành phố nhiều loại vật thực cứng, vật thực mềm, hương thơm, tràng hoa, vải vóc, đồ trang sức, các lá trầu cùng với năm vật làm sạch miệng nhằm cung cấp vật dụng cho những người không nơi nương tựa.
Sau đó, được trang điểm với tất cả các đồ trang sức, đức vua đã bước lên chiếc xe ngựa quý giá được thắng vào bốn con ngựa Sindhu có màu sắc của cánh hoa súng trắng, rồi đặt con voi Kaṇḍula đã được trang điểm ở phía trước, sau đó đã đội lên đầu chiếc hòm vàng, và đứng phía dưới chiếc lọng trắng. Vào thời điểm ấy, hàng ngàn nữ vũ công trông tợ như là các tiên nữ đã được điểm tô với vô số loại trang sức giống như là các nữ thần của Chúa Trời Sakka, và còn có mười vị đại dũng sĩ cùng với đoàn quân gồm bốn loại binh chủng đã hộ tống đức vua. Tương tợ, hơn tám ngàn nữ nhân đã mang các chậu đầy (nước) đứng xung quanh. Còn có số lượng hơn tám ngàn nam nhân và hơn tám ngàn nữ nhân đã cầm những giỏ bông hoa, những cây đuốc, và các cây cờ màu sắc khác nhau đứng xung quanh. Như thế, đức vua đã ra đi với oai lực vĩ đại của hoàng gia giống như là vị thiên vương đang rời khỏi khu rừng Nandana. Khi ấy, đại địa cầu dường như đạt đến trạng thái bị vỡ tan bởi những âm thanh của nhiều loại nhạc cụ khác nhau và những tiếng động của loài voi, loài ngựa, và các cỗ xe.
Vào thời khắc ấy, Soṇuttara đang ngồi ở ngay trong phòng của mình và đã biết được việc ra đi của đức vua nhờ vào tiếng nhạc, sau đó đã thể nhập vào tứ thiền có nền tảng là thần thông, đã chú nguyện, rồi đi vào trong lòng trái đất, và đã hiện ra ở phía trước Long Vương Mahākāḷa tại cung điện Mañjerika của loài rồng. Long Vương sau khi nhìn thấy Soṇuttara đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ, rồi đã dùng nước thơm rửa hai bàn chân (của vị sa di), sau đó đã cúng dường với các bông hoa xinh đẹp và thơm ngát, rồi đã ngồi xuống ở một bên hỏi rằng: “Thưa ngài, ngài từ đâu đi đến đây?” Khi được nói rằng: “Tôi đã đi đến từ hòn đảo Tambapaṇṇi,” Long Vương đã hỏi rằng: “Vì mục đích gì?” Soṇuttara đã nói rằng: “Tâu đại vương, ở hòn đảo Tambapaṇṇi đại vương Duṭṭhagāmaṇi Abhaya trong lúc cho thực hiện ngôi đại bảo điện đã trao nhiệm vụ về các xá-lợi cho hội chúng tỳ khưu. Các vị tỳ khưu số lượng ba mươi ngàn đã tụ hội lại ở Mahāvihāra (Đại Tự) và đã phái tôi đến (nói rằng): ‘Các xá-lợi được để riêng dành cho ngôi đại bảo tháp được để ở chỗ Long Vương Mahākāḷa. Hãy nói với Long Vương lời nhắn ấy và rước các xá-lợi về.’ Vì thế, tôi đã đi đến đây.”
Sau khi nghe được điều ấy, Long Vương bị tràn ngập bởi nỗi buồn lớn lao như là bị chèn ép bởi hòn núi nên đã suy nghĩ như vầy: “Chúng ta đã tin tưởng rằng: ‘Sau khi cúng dường các xá-lợi này, chúng ta sẽ thoát khỏi địa ngục và sẽ sanh về cõi trời.’ Tuy nhiên, vị tỳ khưu này lại có đại thần lực có đại oai lực. Nếu các xá-lợi này được duy trì ở tại nơi này thì vị ấy có thể khuất phục chúng ta và lấy đi. Vậy phải đưa các xá-lợi đi nơi khác.” Sau khi đã suy nghĩ và trong lúc quan sát đám cận thần, Long Vương đã nhìn thấy người cháu trai của mình tên là Vāsuladatta đang đứng ở cuối đám đông nên đã ra hiệu cho vị ấy. Vị ấy biết được ý định của người cậu nên đã đi đến gian nhà ở ngôi bảo điện, cầm lấy hộp đựng xá-lợi nuốt vào, rồi đã đi đến chân của ngọn núi Sineru.
Con rồng có đại thần lực đã biến hóa ra thân hình chu vi một trăm do-tuần, dài ba trăm do-tuần, có hàng ngàn cái đầu.
Trong lúc phun ra khói và khạc ra lửa ở chân của ngọn núi Sineru, con rồng đã cuộn mình nằm xuống ở trên bãi cát.[100]
Nó đã biến hóa ra hàng ngàn con rắn giống như bản thân mình rồi cho nằm xuống bao bọc ở xung quanh.
Khi ấy, đông đảo chư thiên và loài rồng đã đáp xuống nơi ấy (nghĩ rằng): “Chúng ta sẽ chứng kiến cuộc chiến đấu của hai giống rồng.”[101]
Sau đó, khi đã hay biết về việc các xá-lợi đã được người cháu đem đi, Long Vương đã nói như vầy: “Không có các xá-lợi ở nơi trẫm. Ngài chớ có chần chờ ở đây, hãy nhanh chóng đi và thông báo tin này cho hội chúng tỳ khưu. Hội chúng tỳ khưu sẽ tìm kiếm xá-lợi ở nơi khác.” Vị sa di đã nói về sự ngự đến của xá-lợi kể từ giai đoạn ban đầu rồi đã quở trách rằng: “Các xá-lợi là ở ngay nơi ngài, xin hãy trao ra và chớ làm chậm trễ.”
Khi ấy, Long Vương biết rằng vị sa di đã nắm được nguồn gốc của sự việc nên đã suy nghĩ rằng: “Phải mời vị này đi bằng bất cứ cách nào mà không phải trao ra các xá-lợi” nên đã đưa vị sa di đến gian nhà xá-lợi rồi chỉ cho thấy ngôi bảo điện và gian nhà của ngôi bảo điện. Hơn nữa, ngôi bảo điện và gian nhà của ngôi bảo điện đều được làm bằng tất cả các loại ngọc quý.
Bởi vì việc này đã được đề cập ở Mahāvaṃsa:
“Này vị tỳ khưu, hãy nhìn xem ngôi bảo điện và gian nhà của ngôi bảo điện khéo được thực hiện khéo được thiết kế bằng nhiều ngọc quý thuộc nhiều loại.”[102]
Hơn nữa, sau khi chỉ cho thấy Long Vương đã từ gian nhà của ngôi bảo điện bước xuống rồi đứng ở đóa hoa sen bằng san hô trên phiến đá hình bán nguyệt nói rằng: “Thưa ngài, hãy ước định giá trị của ngôi bảo điện và gian nhà của ngôi bảo điện này.” Vị sa di đã nói rằng: “Tâu đại vương, không thể ước định giá trị được, thậm chí các ngọc quý ở trên toàn bộ hòn đảo Tambapaṇṇi cũng không giá trị bằng phiến đá hình bán nguyệt này.”
Long Vương đã nói rằng: “Này vị tỳ khưu, nếu như vậy thì việc di chuyển các xá-lợi từ nơi có sự tôn vinh trọng thể đến chỗ có sự tôn vinh kém hơn phải chăng là điều không hợp lý?” Vị sa di đã nói như vầy: “Tâu đại vương, theo chư Phật Giáo Pháp là quan trọng chứ tài vật không quan trọng. Trong khi ngài thị hiện ngôi nhà bằng ngọc quý có kích thước lớn bằng thế giới và chứa đầy tất cả các loại ngọc quý rồi bảo quản các xá-lợi, nhưng vẫn không có được một con rồng nào có khả năng thể nhập được Giáo Pháp. Vì thế:
Sự thể nhập Chân Lý không hiện hữu ở các ngài là loài rồng. Điều hoàn toàn hợp lý là đưa các xá-lợi đến nơi có sự thể nhập chân lý.
Các đấng Như Lai xuất hiện nhằm sự giải thoát khỏi khổ đau vì luân hồi. Và trong trường hợp này là ý định của đức Phật, vì thế ta sẽ rước các xá-lợi đi.
Bởi vì đúng vào ngày hôm nay, vị vua ấy sẽ thực hiện việc tôn trí các xá-lợi. Do đó, chớ có làm chậm trễ. Hãy mau trao cho tôi các xá-lợi.[103]
Được nói như thế, Long Vương đã trở nên bối rối và trong lúc nghĩ rằng: “Các xá-lợi đã được cháu trai của ta bảo quản” nên đã nói như vầy: “Thưa ngài, trong khi ngài không biết rõ về trạng thái có hay trạng thái không có các xá-lợi ở ngôi bảo điện lại nói rằng: ‘Hãy trao ra, hãy trao ra.’ Trẫm nói rằng: ‘Không có.’ Nếu ngài nhìn thấy thì hãy cầm lấy rồi đi đi.” “Tâu đại vương, tôi sẽ lấy.” “Này tỳ khưu, hãy lấy đi.” “Tâu đại vương, tôi sẽ lấy.” “Này tỳ khưu, hãy lấy đi” và đã khẳng định ba lần.
Rồi trong khi đang đứng ngay tại chỗ ấy, vị tỳ khưu ấy đã biến hóa ra cánh tay mảnh khảnh rồi ngay lập tức đã vươn bàn tay đến miệng của người cháu trai.
Sau khi cầm lấy hộp xá-lợi đã nói rằng: “Này rồng, hãy đứng yên” rồi đã lặn vào trong lòng đất và nổi lên ở gian phòng.[104]
Sau đó, ngay cả hội chúng của chư thiên và loài rồng đã tụ hội lại (nghĩ rằng): “Chúng ta sẽ chứng kiến cuộc chiến đấu của vị sa di với loài rồng.” Sau khi chứng kiến sự chiến thắng của vị tỳ khưu đối với loài rồng, họ đã trở nên mừng rỡ phấn chấn, và ngay trong lúc tôn vinh xá-lợi đã đi cùng với vị ấy. Lúc vị sa di đã ra đi, Long Vương (nghĩ rằng): “Ta đã đánh lừa được vị tỳ khưu và đã tiễn vị ấy đi” trở nên mừng rỡ hoan hỷ, sau đó đã nhắn tin cho người cháu trai cầm các xá-lợi đi đến.
Sau đó, khi không nhìn thấy hộp Xá-lợi ở trong bụng, người cháu trai trong lúc than vãn đã đi đến và thông báo cho người cậu.
Khi ấy, ngay cả vị Long Vương ấy cũng đã than vãn rằng: “Chúng ta đã bị gạt rồi.” Bị khổ sở, tất cả các con rồng cũng đã than vãn.[105]
Sau đó, tất cả các con rồng đã tụ họp lại ở long cung, rồi xõa tóc ra, dùng hai tay cầm lấy trái tim, và từ những con mắt giống như là những đóa sen xanh đang trào ra giòng nước mắt như là đang tuôn ra nỗi sầu dai dẳng.
Trong lúc than vãn, các con rồng đau khổ vì việc bị lấy đi các xá-lợi đã đi đến gần hội chúng và đã than vãn bằng nhiều cách.[106]
Và sau khi đã than vãn, các con rồng đã nói với hội chúng tỳ khưu như vầy: “Bạch các ngài, chúng tôi đã không hành hạ đến người nào và đã nhận được các xá-lợi nhờ vào năng lực phước báu của chúng tôi, rồi đã bảo quản lâu nay. Tại sao các ngài lại thâu tóm tất cả và mang đi? Các ngài đã tạo nên chướng ngại cho cõi trời và sự giải thoát của chúng tôi.”
Vì lòng bi mẫn, hội chúng đã bảo cho lại loài rồng một ít xá-lợi. Vì thế, họ đã mừng rỡ ra đi rồi đã mang lại những lễ vật cúng dường.[107]
Sau đó, Chúa Trời Sakka đã gọi Vissakamma và nói rằng: “Ngươi hãy biến hóa ra mái che làm bằng bảy loại ngọc quý ở vị trí đang đứng của vị sa di.” Vị ấy đã biến hóa ra mái che vào ngay giây phút ấy. Sau đó, được tháp tùng bởi hội chúng chư thiên ở cả hai cõi trời, Sakka đã cầm lấy chiếc ngai làm bằng ngọc quý cùng với chiếc hòm vàng đi đến đặt ở mái che ấy, sau đó đã nhận lấy hộp xá-lợi từ tay của vị sa di và đã đặt ở trên chiếc ngai. Khi ấy,
Phạm Thiên đã cầm chiếc lọng, Santussita đã cầm chiếc quạt lông đuôi thú, Suyāma đã cầm cành thốt nốt bằng ngọc ma-ni, Sakka đã cầm vỏ sò có chứa nước.
Nhưng bốn vị Đại Thiên Vương đã đứng cầm gươm trong bàn tay. Ba mươi hai vị thiên tử có thần lực đã mang những cái giỏ ở cánh tay.
Họ đã đứng ở chỗ đó và đang cúng dường bằng những bông hoa của cây san hô. Ba mươi hai thiếu nữ cũng đã đứng cầm các cây đuốc.
Hơn nữa, hai mươi tám vị thủ lãnh dạ-xoa đã đuổi đi những dạ-xoa xấu xa rồi đã đứng thực hiện sự bảo vệ.
Pañcasikha đã đứng ở đó trình tấu đàn vīṇa. Timbarū đã biến hóa ra bục sân khấu rồi đã làm vang lên tiếng nhạc cụ.
Và nhiều vị thiên tử đã trình diễn những bài hát du dương. Long Vương Mahākāḷa đã ca ngợi bằng nhiều phương thức.
Những nhạc cụ của thiên đình được tấu lên, dàn hợp ca của thiên cung đã trình diễn. Và chư thiên đã làm những cơn mưa và các hương thơm của cõi trời rơi xuống.[108]
Sau đó, trưởng lão Indagutta đã biến hóa ra cái lọng bằng đồng ở trên bầu trời che khắp cả thế giới nhằm xua đuổi Ma Vương. Các vị trưởng lão thông thạo về năm bộ Kinh đã vây quanh các xá-lợi, sau đó đã ngồi xuống ở năm vị trí, và đã tiến hành việc trùng tụng. Vào lúc bấy giờ, đức vua đã đi đến nơi ấy và đã hạ chiếc hòm vàng từ trên đầu xuống, sau đó đã đặt cái hòm xá-lợi vào trong cái hòm của mình, rồi đã đặt lên trên chiếc ngai, đã cúng dường bằng các loại vật thơm và tràng hoa, v.v… sau đó đã đảnh lễ với năm điểm tiếp xúc, rồi đã chắp tay ở đỉnh đầu, mở mắt ra, và đứng nhìn chăm chú.
Vào giây phút ấy, chiếc lọng trắng ở phía trên các xá-lợi đã được nhìn thấy nhưng vị Phạm Thiên là người cầm lọng lại không được nhìn thấy. Tương tợ như thế, cành thốt nốt, chiếc quạt, v.v… được nhìn thấy nhưng các người cầm lại không được nhìn thấy. Các sự hòa tấu và hợp xướng nhạc thiên đình được nghe tiếng nhưng các thiên nhân càn-thát-bà lại không được nhìn thấy. Đức vua sau khi nhận ra điều kỳ diệu ấy đã nói với trưởng lão Indagutta như vầy: “Bạch ngài, chư thiên đã cúng dường bằng cái lọng của thiên đình, trẫm sẽ cúng dường với cái lọng của nhân loại.” Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, đúng vậy!” Đức vua, sau khi cúng dường chiếc lọng trắng có cán bằng vàng của bản thân, đã cầm lấy cái bình bằng vàng và đã rưới nước hiến dâng. Ngày hôm ấy, đức vua đã dâng cúng vương quyền ở trên toàn thể đảo Tambapaṇṇi.
Sau đó, họ đã cầm lấy tất cả các loại nhạc cụ, đã cúng dường bằng các loại vật thơm và tràng hoa, v.v… rồi đã tiến hành sự tôn vinh trọng thể. Đức vua lại hỏi vị trưởng lão rằng: “Bạch ngài, có phải bậc Đạo Sư của chúng ta đã sử dụng hai loại lọng che của chư thiên và loài người?” “Tâu đại vương, là ba lọng che, không phải hai lọng che.” “Bạch ngài, trẫm không nhìn thấy cái lọng che kia.” “Bậc Đạo Sư đã trương lên chiếc lọng trắng cao quý của sự giải thoát với giới là cái đế, định là cán cầm, quyền là cái sườn, lực là tràng hoa, đạo quả đã đắc chứng là tấm che. Ngài đã chứng đạt sự tấn phong của trí tuệ, sau đó đã vận chuyển bánh xe Pháp, rồi đã sở hữu và đã trị vì Phật quốc ở trong mười ngàn thế giới.” Đức vua đã cúng dường vương quyền đến xá lợi ba lần (nói rằng): “Trẫm xin dâng vương quyền ba lần đến bậc Ðạo Sư là vị sử dụng ba chiếc lọng.”
Sau đó, trong lúc chư thiên và nhân loại đang cúng dường bằng các vật thơm và tràng hoa của thiên đình, v.v… và trong lúc nhiều dàn hòa tấu và hợp ca đang được trình diễn, đức vua đã cầm lấy hộp xá-lợi đặt ở trên đầu và đã rời khỏi mái che bằng các loại ngọc quý. Sau đó, được hội chúng tỳ khưu tùy tùng đức vua đã hướng vai phải nhiễu quanh ngôi đại bảo điện, rồi đã bước lên cánh cửa phía đông, và bước vào căn phòng thờ xá-lợi. Ở đó, các vị A-la-hán có số lượng chín mươi sáu koṭi đã đứng vòng quanh ngôi đại bảo điện.
Đức vua đã suy nghĩ rằng: “Ta sẽ đưa cái hộp xá-lợi từ đỉnh đầu xuống và đặt ở bề mặt của long sàng vô cùng giá trị.” Vào thời điểm ấy, cái hộp xá-lợi từ trên đầu của đức vua đã bay lên độ cao bảy thân cây thốt nốt rồi đã tự động mở ra. Các xá-lợi đã bay lên không trung tạo thành hình dáng của đức Phật được điểm tô với chùm ánh sáng từ ba mươi hai tướng của bậc đại nhân cùng tám mươi tướng phụ, được chiếu sáng bởi vầng hào quang ở đỉnh đầu, và rạng ngời với mạng lưới của vô số ánh sáng được phân thành các màu xanh, vàng, đỏ, v.v… rồi đã thị hiện song thông tương tợ như là song thông đã thị hiện ở cội cây xoài Gaṇḍa. Sau khi nhìn thấy thần thông ấy của xá-lợi, mười hai koṭi chư thiên và nhân loại đã khởi niềm tin và đã thành tựu phẩm vị A-la-hán. Số đã thành tựu ba quả vị còn lại là vượt ngoài khả năng tính đếm. Sau khi đã thị hiện thần thông bằng nhiều phương thức và đã phóng ra hình bóng của đức Phật như thế, các xá-lợi đã trở vào chiếc hộp, rồi đã cùng với chiếc hộp hạ xuống, và ngự ở trên đầu của đức vua. Như là đã được đăng quang với sự bất tử, đức vua, trong khi nghĩ đến sự thành tựu thân nhân loại đã có kết quả, đã dùng hai tay cầm lấy chiếc hộp xá-lợi, và được tháp tùng bởi các vũ công đã đi đến bên cạnh chiếc long sàng đã được trang hoàng, rồi đã đặt chiếc hòm xá-lợi trên chiếc ngai bằng ngọc quý, sau đó đã rửa hai tay bằng nước đã được tẩm hương, đã chà xát bằng bốn vật có mùi thơm tự nhiên, rồi đã mở ra chiếc hộp bằng ngọc quý cầm lấy các xá-lợi, và đã suy nghĩ như vầy:
Nếu các xá-lợi sẽ không bị khuấy nhiễu bởi bất cứ người nào và nếu các xá-lợi sẽ là nơi nương tựa cho mọi người và sẽ được tồn tại,
Xin các xá-lợi hãy ngự xuống ở chỗ nằm vô cùng quý giá được khéo xếp đặt với hình dáng của bậc Ðạo Sư đã nằm xuống ở trên chiếc giường Vô Dư Niết Bàn.[109]
Hơn nữa, sau khi đã suy nghĩ như thế, đức vua đã đặt các xá-lợi trên bề mặt của chiếc giường cao quý. Vào thời khắc ấy, các xá-lợi đã nằm với hình dáng của đức Phật ở trên chỗ nằm vô cùng giá trị theo đúng như cách thức đức vua đã nghĩ đến.
Vào ngày rằm Uposatha của thượng huyền tháng Āsāḷha và nhằm lúc chòm sao Uttarāsāḷha, các xá-lợi đã được tôn trí như thế.
Do việc tôn trí xá-lợi, đại địa cầu đã rung chuyển và nhiều hiện tượng kỳ lạ đã xảy ra theo nhiều cách.[110]
Bởi vì khi ấy, đại địa cầu này đã được bao bọc quanh bởi nước và đã lay động, rúng động, chuyển động. Đại dương đã dậy sóng. Các tia chớp đã xuất hiện trên không trung. Mưa rào đã rơi xuống. Từ sáu cõi trời đã có một sự chộn rộn. Sau khi nhìn thấy điều kỳ diệu này, đức vua đã tịnh tín cúng dường đến các xá-lợi chiếc lọng trắng với tràng hoa bằng vàng của bản thân, rồi đã dâng lên vương quyền ở trên đảo Tambapaṇṇi trong bảy ngày, sau đó đã cởi ra và đã cúng dường vật dụng trang sức trị giá một trăm ngàn. Tương tợ, tất cả các nữ vũ công, các quan đại thần, tất cả dân chúng còn lại, và chư thiên đã cúng dường toàn bộ đồ trang sức. Do đó,
Người cúng dường với sự quý mến đến đấng Thiện Thệ khi Ngài còn tồn tại và được tôn kính trong tam giới, hoặc người cúng dường xá-lợi của vị ấy dầu chỉ nhỏ bằng hạt mù-tạt,
“Quả của những phước báu ấy đều bằng nhau” người trí tuệ biết được điều ấy rồi đã cúng dường xá-lợi ấy với tâm tín thành và an tịnh cho dầu đấng Thiện Thệ đã Viên Tịch Niết Bàn.[111]
Sau đó, đức vua đã cúng dường đến hội chúng các loại vải may y và các loại dược phẩm như là đường viên, bơ lỏng, v.v… rồi đã cho trùng tụng suốt đêm. Vào ngày kế, đức vua đã cho trống thông báo trong thành phố rằng: “Dân chúng hãy mang theo các vật thơm và các tràng hoa, v.v… rồi hãy đi đến và đảnh lễ các xá-lợi trong bảy ngày của tuần lễ này.” Trưởng lão Indagutta cũng đã chú nguyện rằng: “Dân chúng ở trên toàn bộ đảo Tambapaṇṇi có ý định đảnh lễ các xá-lợi ngay trong thời hạn ấy hãy đi đến và đảnh lễ, rồi về lại chỗ ở của mình.”
Dân chúng đã đảnh lễ các xá-lợi rồi đã ra đi đúng y như thế. Đức vua đã tiến hành lễ đại thí đến hội chúng trong bảy ngày, và khi bảy ngày trôi qua đã thông báo đến hội chúng rằng: “Bạch các ngài, công việc cần phải làm ở căn phòng thờ xá-lợi đã được trẫm hoàn tất. Xin các ngài hãy niêm phong căn phòng thờ xá-lợi.” Hội chúng đã gọi các vị sa di Uttara và Sumana rồi bảo rằng: “Hãy niêm phong căn phòng thờ xá-lợi bằng tảng đá màu vàng đã được hai ngươi mang lại trước đây.” Hai vị đã đồng ý (đáp rằng): “Lành thay!” rồi đã niêm phong căn phòng thờ xá-lợi.
Sau đó, các bậc Lậu Tận đã chú nguyện rằng: “Ở trong căn phòng thờ xá-lợi, các hương thơm chớ bị phai tàn, các tràng hoa chớ bị héo úa, các ngọn đèn chớ bị dập tắt, các ngọc quý chớ bị phai màu, các đồ vật cúng dường chớ bị mất mát, các tảng đá màu vàng hãy được liền lặn, những kẻ thù nghịch không có được cơ hội.”
Sau khi đã cho tôn trí các xá-lợi như thế, đức vua lại cho trống thông báo trong thành phố rằng: “Những người nào có ước muốn tôn trí xá-lợi ở ngôi đại bảo điện thì hãy mang xá-lợi đến và hãy tiến hành việc tôn trí.” Dân chúng đã cho thực hiện các hộp bằng vàng, bạc, v.v… tùy theo khả năng của cá nhân rồi đã để các xá-lợi vào trong đó và đã đặt xuống ở bề mặt tảng đá màu vàng bên trên chỗ tôn trí các xá-lợi. Các xá-lợi đã được quy tụ lại bởi tất cả dân chúng có số lượng là một ngàn.
Phần Giảng Giải về Việc Tôn Trí Xá-Lợi
trong tập “Sử Liệu về Bảo Tháp Xá-Lợi Phật”
được thực hiện nhằm tạo niềm tin trong tâm trí
của các thiện nhân đã chấm dứt.
-ooOoo-