Chương 8:

GIẢNG GIẢI VỀ SỰ NGỰ ĐẾN CỦA CỘI BỒ ĐỀ

Hơn nữa, khi việc cúng dường xá-lợi đã được hoàn tất và xá-lợi cao quý đã được tôn trí, trưởng lão Mahinda đã đi đến vườn thượng uyển Mahāmegha và ngụ tại đó. Vào lúc bấy giờ, hoàng hậu Anulā có ý muốn xuất gia và đã kể lại cho đức vua. Sau khi lắng nghe lời nói của hoàng hậu, đức vua đã nói với vị trưởng lão điều này: “Bạch ngài, hoàng hậu Anulā có ý muốn xuất gia, xin ngài hãy cho nàng xuất gia.” “Tâu đại vương, chúng tôi không được phép cho người nữ xuất gia. Tuy nhiên, ở Pātaliputta có trưởng lão ni tên Saṅghamittā là em gái của tôi. Tâu đại vương, hãy triệu vời vị ni ấy đến. Và ở trên hòn đảo này, cội bồ đề của ba vị Chánh Đẳng Giác thời quá khứ đã được vun trồng, vậy cội bồ đề của đức Thế Tôn chúng tôi có mạng lưới hào quang đủ màu tỏa ra cũng nên được vun trồng. Vì thế, đức vua hãy nhắn tin đi; như thế Saṅghamittā sẽ mang theo cội Bồ Đề và đi đến.”

Đức vua đã đồng ý lời đề nghị của vị trưởng lão, và trong lúc thảo luận với các quan đại thần đã bảo người cháu trai của mình là Ariṭṭha rằng: “Này cháu yêu dấu, cháu có thể đi đến Pātaliputta rước vị đại đức trưởng lão ni Saṅghamittā cùng với cội Đại Bồ Đề về không?” “Tâu bệ hạ, thần có thể nếu bệ hạ sẽ cho phép thần xuất gia.” “Này cháu yêu dấu, hãy đi! Sau khi rước vị trưởng lão ni về rồi hãy xuất gia.”

Sau khi đã nhận lấy tin nhắn cho đức vua và vị trưởng lão ni rồi nhờ vào sự chú nguyện của vị trưởng lão, Ariṭṭha chỉ trong một ngày đã đi đến hải cảng Jambukola lên tàu băng qua biển cả, sau đó đã đến được Pātaliputta và đã thông báo lời nhắn tin đến đức vua rằng: “Tâu bệ hạ, con trai của bệ hạ là trưởng lão Mahinda đã nói như vầy: ‘Nghe rằng hoàng hậu tên Anulā, vợ của người em trai của Devānampiyatissa là bạn của ngài, có ý muốn xuất gia, xin ngài hãy phái vị đại đức trưởng lão ni Saṅghamittā đi để cho cô ấy xuất gia, và cùng với vị đại đức ni là cội Đại Bồ Đề nữa.’”

Sau khi thông báo lời nhắn tin của vị trưởng lão, Ariṭṭha đã đi đến gặp trưởng lão ni Saṅghamittā và đã nói như vầy: “Bạch ni sư, anh trai của ni sư là trưởng lão Mahinda đã phái tôi đến gặp ni sư (nói rằng): ‘Vợ của người em trai của đức vua Devānampiyatissa là hoàng hậu tên Anulā cùng với năm trăm công nương và năm trăm cung nữ có ý muốn xuất gia.’ Nghe nói ni sư hãy đi đến và cho hoàng hậu xuất gia.

Ngay lập tức, vị ni đã nhanh chóng đi đến và trình lại sự việc ấy cho đức vua rồi đã nói rằng: “Tâu đại vương, thần sẽ đi đến hòn đảo Tambapaṇṇi.” “Này con, như vậy thì con hãy nhận lấy cội Đại Bồ Đề rồi hãy đi.” Nói xong, đức vua đã cho dọn dẹp con đường từ Pāṭaliputta đến cội Đại Bồ Đề, sau đó đã rời khỏi thành Pāṭaliputta cùng với đoàn quân vĩ đại dài bảy do-tuần hàng ngang ba do-tuần, đã rước theo hội chúng Thánh Nhân, và đã đi đến khu vực lân cận cội Đại Bồ Đề.

Đức vua đã cho đoàn quân bao quanh cội Đại Bồ Đề có các cờ và biểu ngữ đã được dương lên, được sặc sỡ với vô số ngọc quý các loại, được trang hoàng với nhiều loại trang sức, được rải rắc bởi những bông hoa vô số loại, và được vang dội bởi nhiều loại nhạc cụ. Kế đến, sau khi cúng dường với các bông hoa, hương thơm, tràng hoa, v.v…, đức vua đã hướng vai phải nhiễu quanh ba vòng, đã đảnh lễ tại tám địa điểm, rồi đã đứng dậy, chắp tay lên, đứng yên, sau đó với ước muốn nhận được cội Bồ Đề bằng hành động của lời nói chân thật, nên đã bước lên bảo tọa cầm lấy cây bút làm dấu bằng đá đỏ, sau đó đã thực hiện hành động chân thật rằng: “Nếu cội Đại Bồ Đề cần được vun trồng ở đảo Laṅkā và nếu trẫm có thể vững tin vào Giáo Pháp của đức Phật, xin cội Đại Bồ Đề hãy tự động được ươm trồng ở trong cái chậu bằng vàng này.”[67] Do hành động chân thật, nhánh Bồ Đề đã được cắt rời ở vị trí đánh dấu bằng đá đỏ rồi đã an vị ở trên cái chậu bằng vàng có chứa đầy đất thơm.

Sau đó, đức vua đã rước cội Đại Bồ Đề từ khuôn viên cội Bồ Đề về Pāṭaliputta với sự tôn vinh trọng thể và đã biểu lộ tất cả mọi niềm sùng kính, sau đó đã đưa cội Đại Bồ Đề lên chiếc thuyền ở sông Gaṅgā. Ngay cả bản thân đức vua cũng đã rời khỏi thành phố, tự mình vượt qua khu rừng Viñjha, cuối cùng đã đến được Tāmalitti sau bảy ngày. Trên đường đi, chư thiên, các loài rồng, nhân loại đã thực hiện việc cúng dường cao cả đến cội Đại Bồ Đề.

Đức vua cũng đã đặt cội Đại Bồ Đề ở trên bờ biển và đã thực hiện việc tôn vinh long trọng trong bảy ngày, sau đó đã đưa cội Bồ Đề cùng với trưởng lão ni Saṅghamittā và đoàn tùy tùng lên thuyền rồi than khóc rằng: “Ôi! Cội Đại Bồ Đề của đấng Thập Lực đang phát ra mạng lưới hào quang đủ màu đã ra đi thật rồi!” sau đó đã chắp tay lên, đứng yên, tuôn trào nước mắt. Chiếc thuyền ấy mang theo cội Đại Bồ Đề đã lướt đi trên mặt đại dương trong lúc đức vua đang dõi nhìn theo. Ngay cả ở trong đại dương, sóng được lặng yên ở xung quanh một do-tuần, các đóa hoa sen năm màu nở rộ. Ở trên không trung, các khúc nhạc thần tiên đã được tấu lên. Chư thiên ngự ở trên không trung, ở biển cả, và ở đất liền đã tiến hành sự cúng dường vô cùng trọng thể. Chiếc thuyền ấy đã đi vào bến tàu Jambukola với sự tôn vinh lớn lao như thế.

Đại vương Devānampiyatissa cũng đã cho làm sạch sẽ và cho trang hoàng con đường bắt đầu từ cửa thành phía Bắc cho đến bến tàu Jambuloka. Rồi vào ngày khởi hành từ thành phố, đức vua đã đứng ở khu đất của Hải Dương Xá gần cửa thành phía Bắc, rồi nhờ vào oai lực của vị trưởng lão đã nhìn thấy ở trên biển cả cội Đại Bồ Đề với sự rạng rỡ ấy đang đi đến gần. Với tâm ý vui mừng, đức vua đã đi ra tung lên những bông hoa ngũ sắc ở khắp cả con đường rồi đã cho dựng lên cổng chào bằng bông hoa ở khoảng chính giữa, sau đó đã đi đến bến tàu Jambukola nội trong ngày hôm ấy. Trong lúc được vây quanh bởi toàn thể các nhạc công và được cúng dường bằng những bông hoa, nhang, và hương thơm, v.v… đức vua đã lội xuống nước ngập đến cổ, rồi với tâm tín thành (nói rằng): “Ôi! Quả nhiên cội Bồ Đề của đấng Thập Lực là vật phát ra mạng lưới hào quang đủ màu đã đi đến!” sau đó đã nâng cội Đại Bồ Đề đặt lên trên đỉnh đầu. Rồi cùng với mười sáu người xuất thân gia đình danh giá đã đi đến đứng quanh cội Đại Bồ Đề, đức vua đã cung nghinh cội Bồ Đề rời khỏi biển cả, sau đó đã đặt xuống ở bờ biển, và đã cúng dường với vương quyền của toàn thể hòn đảo Tambapaṇṇi trong ba ngày.

Sau đó vào ngày thứ tư, trong lúc nhận lấy cội Đại Bồ Đề và tiến hành sự cúng dường cao quý, đức vua theo tuần tự đã đi đến Anurādhapura và cũng đã thực hiện sự tôn vinh trọng thể ở tại Anurādhapura. Vào ngày thứ mười bốn, lúc hoàng hôn đang bao phủ, đức vua đã rước cội Đại Bồ Đề vào bằng cửa thành phía bắc rồi đã băng ngang giữa thành phố và đã đi ra bằng cửa thành phía nam, rồi tiến đến địa điểm cách cửa thành phía nam năm trăm cây cung. Nơi ấy là nơi mà bậc Chánh Đẳng Giác của chúng ta đã ngồi xuống thể nhập thiền diệt và ba vị Chánh Đẳng Giác quá khứ đã ngồi xuống nhập định. Và là nơi cội Bồ Đề Sirīra của đức Phật Kakusandha, cội Bồ Đề Udumbara của đức Phật Konāgamana, và cội Bồ Đề Nigrodha của đức Phật Kassapa đã được vun trồng. Đức vua đã cho vun trồng cội Đại Bồ Đề ở vị trí cổng ra vào của khu vực hoàng gia, ở khu đất đã được thực hiện việc chuẩn bị cho việc trồng mè, trong khu vườn Mahāmegha ấy.

Như thế, vì sự phát triển của Giáo Pháp và nhắm đến lợi ích cho xứ Laṅkā, cội Đại Bồ Đề đã được vun trồng ở khu vườn thượng uyển Mahāmegha xinh xắn.[68]

Dứt Phần Giảng Giải về Sự Ngự Đến của Cội Bồ Đề.

-ooOoo-

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app