[02]
Chương 7:
GIẢNG GIẢI VỀ TU VIỆN BẢO THÁP (THŪPĀRĀMA)
Đức vua công chính Asoka, sau khi đã thực hiện lễ hội của tám mươi bốn ngàn tu viện như thế, rồi đã đảnh lễ các vị đại trưởng lão, và hỏi rằng: “Bạch các ngài, trẫm có phải là thân quyến của Phật Giáo không?” “Tâu đại vương, ngài là thân quyến của cái gì? Ngài là người dưng đối với Giáo Pháp.” “Bạch các ngài, trẫm đã xuất ra của cải chín mươi sáu ngàn koṭi và đã cho xây dựng tám mươi bốn ngàn tu viện có cả ngôi bảo tháp mà không phải là thân quyến, vậy những người khác ai là thân quyến?” “Tâu đại vương, ngài được gọi là người thí chủ về vật dụng, còn người nào cho con trai và con gái xuất gia, người ấy được gọi là thân quyến của Giáo Pháp.”
Được nói như vậy, đức vua Asoka, trong lúc đang mong mỏi việc trở thành thân quyến của Giáo Pháp, đã nhìn thấy hoàng tử Mahinda đang đứng gần đó nên đã nói rằng: “Này con, con có thể xuất gia không?” Hoàng tử Mahinda có ước muốn xuất gia từ trong bản chất nên khi nghe được lời nói của đức vua đã phát sanh niềm vui sướng vô tận và đã thưa rằng: “Tâu bệ hạ, con sẽ xuất gia. Cha hãy cho con xuất gia và trở thành thân quyến của Giáo Pháp.” Và vào lúc bấy giờ, công chúa Saṅghamittā cũng đang đứng tại nơi ấy. Đức vua đã nhìn thấy nàng nên đã nói rằng: “Này con, con cũng có thể xuất gia không?” Nàng đã đồng ý (đáp rằng): “Thưa cha, thật tốt đẹp thay!”
Sau khi tiếp nhận ý định của hai con, đức vua với tâm tư phấn khởi đã đi đến gặp hội chúng tỳ khưu (nói rằng): “Bạch các ngài, xin hãy cho hai trẻ xuất gia và hãy làm cho trẫm trở thành thân quyến của Giáo Pháp.” Hội chúng đã chấp nhận lời thỉnh cầu của đức vua, sau đó đã cho người con trai xuất gia với thầy tế độ là trưởng lão Moggalliputtatissa và thầy giáo thọ là trưởng lão Mahādeva, rồi đã cho tu lên bậc trên với thầy giáo thọ là trưởng lão Majjhantika. Mahinda đã thành tựu phẩm vị A-la-hán với các tuệ phân tích ngay trong lúc còn đang tiến hành nghi thức tu lên bậc trên. Về phần công chúa Saṅghamittā thì trưởng lão ni tên Āyupālā là thầy giáo thọ ni và trưởng lão ni tên Dhammapālā là thầy tế độ ni.
Sau đó, tính từ thời điểm đã được tu lên bậc trên, trưởng lão Mahinda, trong lúc rèn luyện về Pháp và Luật với chính thầy tế độ của mình, đã học tập trong ba năm về truyền thống Theravāda gồm có Tam Tạng và Chú Giải đã được tổng hợp và truyền lại qua hai kỳ kết tập, và đã là vị đứng đầu trong số một ngàn tỳ khưu học trò của thầy tế độ của mình.
Vào lúc bấy giờ, trưởng lão Moggalliputtatissa trong lúc suy xét rằng: “Trong tương lai, Giáo Pháp có thể phát triển bền vững ở nơi đâu?” và biết được rằng: “Sẽ được phát triển bền vững ở các quốc độ lân bang” nên đã giao trách nhiệm cho từng nhóm các vị tỳ khưu rồi đã phái các vị tỳ khưu ấy một số đi chỗ này, một số đi chỗ nọ.
Ngài đã phái trưởng lão Majjhantika đến xứ Kasmīra và Gandhāra (nói rằng): “Ngươi hãy đi đến xứ sở ấy và phát triển Giáo Pháp ở đó.” Sau khi đã nói y như thế với trưởng lão Mahādeva rồi đã phái đến xứ Mahiṃsaka-maṇḍala, trưởng lão Rakkhita đến xứ Vanavāsi, trưởng lão Dhamma-rakkhita người xứ Yona đến Aparantaka, trưởng lão Mahādhammarakkhita đến Mahāraṭṭha, trưởng lão Mahārakkhita đến lãnh thổ Yonaka, trưởng lão Majjhima đến khu vực Hi Mã Lạp Sơn, trưởng lão Soṇa và trưởng lão Uttara đến Suvaṇṇabhūmi.
Còn đệ tử của mình là trưởng lão Mahinda cùng với trưởng lão Iṭṭiya, trưởng lão Uttiya, trưởng lão Bhaddasāla, và trưởng lão Sambala (nói rằng): “Các ngươi hãy đi đến hòn đảo Tambapaṇṇi và phát triển Giáo Pháp ở nơi ấy.” Tất cả các vị ấy trong khi đi đến xứ này xứ nọ ở các phương đã đi thành nhóm năm người. Tất cả các vị trưởng lão ấy đều tạo được niềm tin cho dân chúng và đã thiết lập Giáo Pháp ở tại địa điểm đã đi đến.
Phần trưởng lão Mahinda, khi được thầy tế độ và hội chúng tỳ khưu yêu cầu: “Ngươi hãy đi đến và thiết lập Giáo Pháp ở hòn đảo Tambapaṇṇi,” trong lúc quán xét rằng: “Có phải bây giờ là lúc để ta đi đến hòn đảo Tambapaṇṇi hay không?” đã nghĩ đến tình trạng già nua của đức vua Muṭasīva: “Vị đại vương này thì già cả, không thể thuyết phục vị này để hoằng khai Giáo Pháp được. Vả lại, con trai của vị ấy là Devānampiyatissa sẽ trị vì xứ sở trong đời hiện tại.” Sau khi nắm được điều ấy (đã suy nghĩ rằng): “Phải chăng vị ấy sẽ có khả năng hoằng khai Giáo Pháp? Vậy chúng ta hãy đi thăm các thân quyến cho đến khi nào thời điểm ấy đến. Khi ấy, biết chúng ta có thể trở lại xứ sở này lần nữa hay không đây?”
Sau khi suy nghĩ như thế, vị ấy đã đảnh lễ thầy tế độ và hội chúng tỳ khưu rồi đã cùng với bốn vị trưởng lão ấy là Iṭṭiya, v.v…, người con trai của Saṅghamittā là sa di Sumana, và nam cư sĩ Bhaṇḍuka rời khỏi tu viện Asoka. Trong khi du hành ở xứ sở Dakkhiṇāgiri ở gần thành Rājagaha và thăm viếng các thân quyến, sáu tháng đã trôi qua. Sau đó, theo tuần tự vị ấy đã đến được nơi trú ngụ của người mẹ là thành phố tên Veṭisa. Hơn nữa, vị hoàng hậu mẹ của trưởng lão, khi nhìn thấy vị trưởng lão vừa đi đến, đã đê đầu đảnh lễ ở chân, đã dâng vật thực, rồi đã bàn giao tu viện tên Veṭisagiri do bà kiến tạo đến vị trưởng lão.
Khi đang ngồi ở tu viện ấy, vị trưởng lão đã suy nghĩ rằng: “Công việc chúng ta cần phải làm ở đây đã được hoàn tất. Có phải bây giờ là lúc để đi đến đảo Laṅkā không?” Sau đó, lại suy nghĩ rằng: “Hãy để cho Devānampiyatissa trải qua lễ phong vương do cha ta phái đến và được nghe về ân đức của Tam Bảo, sau đó rời khỏi thành phố vì mục đích săn bắn và leo lên ngọn núi Missaka, khi ấy chúng ta sẽ gặp vị ấy tại chỗ ấy;” và vị trưởng lão đã trú ngụ ở tại nơi ấy thêm một tháng nữa.
Khi một tháng đã trôi qua, Chúa Trời Sakka đã đi đến gặp trưởng lão Mahinda và đã nói điều này: “Thưa ngài, đức vua Muṭasīva đã băng hà, giờ đây vị đại vương Devānampiyatissa trị vì vương quốc. Và ngài đã được bậc Chánh Đẳng Giác chú nguyện rằng: ‘Trong ngày vị lai, vị tỳ khưu tên Mahinda sẽ gieo niềm tin ở hòn đảo Tambapaṇṇi này.’ Thưa ngài, vì thế đối với ngài bây giờ là thời điểm của việc đi đến hòn đảo cao quý ấy, và ta sẽ là bạn đồng hành với ngài.”
Đồng ý với lời nói của vị ấy, bản thân vị trưởng lão là người thứ bảy đã từ tu viện Veṭisapabbata bay lên không trung rồi đã đáp xuống ngọn núi Missaka ở phía đông thành phố Anurādhapura; bây giờ nơi ấy được biết đến là “Núi Cetiya.” Vào ngày hôm ấy, trên hòn đảo Tambapaṇṇi là dịp lễ kỷ niệm tháng Jeṭṭhamūla. Sau khi cho thông báo về lễ kỷ niệm, đức vua đã ra lệnh cho các quan đại thần rằng: “Hãy tổ chức lễ hội” sau đó cùng với đoàn tùy tùng bốn mươi ngàn nam nhân đã rời khỏi thành phố đi về hướng ngọn núi Missaka với ý định tiêu khiển việc săn thú. Khi ấy, vị thiên thần ngự ở ngọn núi ấy (nghĩ rằng): “Ta sẽ tạo điều kiện cho đức vua gặp các vị trưởng lão” nên đã biến thành con nai màu đỏ bước đi ở gần đó như là đang ăn cỏ và lá cây.
Đức vua sau khi nhìn thấy (nghĩ rằng): “Không đáng để bắn con vật lơ đễnh vào lúc này,” nên đã khẽ búng sợi dây cung. Con nai đã ra sức tẩu thoát theo lối đi đến Ambatthala. Đức vua trong lúc đuổi theo sát phía sau cũng đã lên đến Ambatthala. Và con nai đã biến mất ở nơi không xa các vị trưởng lão lắm.
Khi đức vua đang đi đến gần, trưởng lão Mahinda đã chú nguyện rằng: “Hãy để nhà vua chỉ nhìn thấy ta chớ không nhìn thấy các vị khác” rồi đã nói rằng: “Này Tissa! Này Tissa! Hãy đi đến đây.” Nghe tiếng, nhà vua đã suy nghĩ rằng: “Không ai sanh ra trên hòn đảo Tambapaṇṇi này có thể biết được và gọi ta bằng tên là ‘Tissa,’ vậy mà kẻ mặc vải choàng cắt ngang dọc, đầu cạo trọc, khoác y ca-sa lại gọi ta bằng tên. Kẻ này là ai, người hay là phi nhân?” Vị trưởng lão đã nói rằng:
– Tâu Đại Vương,
chúng tôi là sa-môn,
đệ tử đấng Pháp Vương
từ Jambudīpa
đến đây vì bi mẫn
đến chính bản thân ngài.[52]
Vào lúc bấy giờ, đức vua Devānampiyatissa và vị vua công chính Asoka là bạn bè nhưng chưa hề gặp mặt. Và do năng lực phước báu của đức vua Devānampiyatissa, tại lùm tre ở chân núi Chāta có ba chồi măng tre đã mọc lên: một gọi là chồi măng dây leo, một gọi là chồi măng bông hoa, và một gọi là chồi măng chim chóc. Trong số đó, bản thân chồi măng dây leo có màu bạch kim, nhưng sau khi được tô điểm bởi nó các dây leo mọc lên được nhìn thấy có màu hoàng kim. Hơn nữa, ở chồi măng bông hoa được nhìn thấy những bông hoa mọc lên có màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, và có các cành, lá, và nhụy hoa khéo được phân phối. Ở chồi măng chim chóc, các con chim như là thiên nga, gà trống, chim jīvaṃjīvaka, v.v… và vô số loài thú bốn chân được nhìn thấy như là loài thú đang còn sức sống. Thậm chí vô số loại ngọc quý như là ngọc trai, ngọc ma-ni, ngọc bích, v.v… từ biển cả cũng đã phát sanh lên cho vị ấy. Hơn nữa, ở Tambapaṇṇi đã phát sanh lên tám loại ngọc trai là: Mã ngọc, tượng ngọc, xa ngọc, ngọc āmalaka, ngọc vòng, ngọc nhẫn, ngọc kakudha, và ngọc thiên nhiên. Chính các chồi măng ấy, các ngọc trai ấy, và nhiều loại ngọc quý khác nữa đã được gởi đến vị vua công chính Asoka để làm quà biếu. Đức vua Asoka được hoan hỷ cũng đã gởi đến năm vật biểu tượng của hoàng gia và nhiều quà biếu khác để dùng cho lễ đăng quang. Và toàn bộ việc ấy không chỉ là quà biếu về vật chất, việc này được nghe nói là đức vua còn gởi đến quà biếu Giáo Pháp nữa:
“Trẫm đã đến nương tựa
Tam Bảo Phật Pháp Tăng
tuyên bố là cư sĩ
trong Giáo Pháp Thích Ca.
Hỡi này bậc quý nhân,
tâm hoan hỷ tín thành
hãy đi đến nương tựa
ba ngôi cao quý này.”[53]
Sau khi nghe được lời nói ấy của vị trưởng lão rằng: “Tâu Đại Vương, chúng tôi là sa-môn đệ tử đấng Pháp Vương” và trong khi nhớ lại lời nhắn nhủ về Giáo Pháp đã được nghe trong thời gian gần đây, đức vua (nghĩ rằng): “Quả nhiên các ngài đại đức đã đến!” ngay lập tức đã hạ vũ khí, sau đó đã ngồi xuống ở một bên, và nói lời chào hỏi thân thiện. Ngay trong lúc đức vua đang nói lời chào hỏi thân thiện, bốn mươi ngàn nam nhân ấy đã đi đến và đứng quanh đức vua. Khi ấy, vị trưởng lão cũng đã làm cho nhìn thấy các vị kia.
Sau khi nhìn thấy, đức vua đã hỏi rằng: “Những người này đã đến khi nào vậy?” “Tâu Đại Vương, họ đã đến cùng lúc với bần tăng.” “Hiện nay ở Jambudīpa cũng có những vị sa-môn khác như thế này hay sao?” “Tâu Đại Vương, hiện nay Jambudīpa đang rực rỡ với bóng dáng của y ca-sa và được tràn ngập bởi vô số hiền triết. Ở nơi ấy:
Nhiều đệ tử đức Phật
đạt thần thông, tam minh,
Lậu Tận, A-la-hán,
biết được tâm người khác.”
Sau đó, đức vua đã nói rằng: “Bạch ngài, ngày mai trẫm sẽ phái xe đến. Xin ngài hãy lên xe ấy và đi đến” rồi đã ra đi. Sau khi đức vua ra đi không bao lâu, vị trưởng lão đã bảo với sa di Sumana rằng: “Này Sumana, hãy đi và thông báo giờ giấc nghe Pháp.” Vị sa di đã thể nhập vào tứ thiền có cơ sở của thần thông, sau đó đã xuất thiền rồi chú nguyện bằng tâm định, và đã thông báo về giờ giấc nghe Pháp khiến cho toàn bộ đảo Laṅkā đều nghe được.
Khi nghe được lời thông báo của vị sa di, chư thiên địa cầu đã lập lại lời ấy. Và bằng phương thức trên, lời thông báo đã đi lên đến tận cõi trời Phạm Thiên. Nhờ lời thông báo ấy, đông đảo chư thiên đã tụ hội lại. Khi nhìn thấy đông đảo chư thiên đã tụ hội lại, vị trưởng lão đã thuyết bài kinh Tâm Thăng Bằng(Samacittasuttantaṃ).[54] Đến khi chấm dứt bài thuyết pháp, vô số chư thiên đã lãnh hội được Giáo Pháp; nhiều loài rồng và kim-sỉ-điểu đã an trú vào sự quy y (Tam Bảo).
Sau đó, khi trải qua đêm ấy nhà vua đã cho xe đến rước các vị trưởng lão. Các vị trưởng lão đã nói rằng: “Chúng tôi không lên xe đâu. Ngươi cứ việc đi, sau đó chúng tôi sẽ đi đến,” rồi đã bay lên không trung, và đã đáp xuống vùng đất của ngôi bảo tháp thứ nhất ở về phía đông[55] của thành phố Anurādhapura.
Phần nhà vua, sau khi đã phái người đánh xe đi và cho chuẩn bị mái che ở nội cung, đã suy nghĩ rằng: “Các ngài đại đức sẽ ngồi hay sẽ không ngồi ở trên ghế?” Ngay lúc đức vua đang suy nghĩ như thế, người đánh xe đã đi đến cổng thành và nhìn thấy các vị trưởng lão đã đến trước đang buộc dây thắt lưng và khoác lại y. Sau khi nhìn thấy, người đánh xe đã sanh tâm tín thành cao độ rồi đã đi đến trình lên đức vua rằng: “Tâu bệ hạ, các vị trưởng lão đã đến.”
Đức vua đã hỏi rằng: “Các vị có bước lên xe không?” “Tâu bệ hạ, không có bước lên. Hơn nữa, họ khởi hành sau nhưng lại đến trước và đang đứng ở cửa thành phía đông.” Đức vua sau khi nghe rằng: “Các vị đã không lên xe” liền nói: “Này các khanh, như thế thì hãy sắp xếp các chỗ ngồi theo lối đơn giản là tấm trải ở trên mặt nền” rồi đã đi ra đón rước. Các quan đại thần đã cho sắp xếp thảm lông thú ở trên mặt đất và ở bên trên xếp đặt các tấm trải sặc sỡ như là thảm lông cừu, v.v… Đức vua đã đi đến và đảnh lễ các vị trưởng lão, sau đó đã nhận lấy bình bát từ tay của trưởng lão Mahinda, rồi đã đưa các vị trưởng lão đi vào thành phố với sự tôn vinh và cung kính vô cùng trọng thể, sau đó đã đưa vào nội cung.
Sau khi tự tay làm hài lòng các vị trưởng lão với vật thực thượng hạng loại cứng loại mềm, đức vua đã cho gọi hoàng hậu Anulā dẫn đầu năm trăm nữ nhân (bảo rằng): “Hãy đảnh lễ, cúng dường, và tôn vinh các vị trưởng lão,” rồi đã ngồi xuống ở một bên. Vị trưởng lão, trong lúc ban phát cơn mưa Pháp Bảo cho nhà vua và những người tùy tùng, đã thuyết giảng về Chuyện Ngạ Quỷ (Petavatthu), Chuyện Thiên Cung(Vimānavatthu),[56] và Tương Ưng Sự Thật (Saccasaṃyutta).[57] Sau khi lắng nghe vị trưởng lão, luôn cả năm trăm nữ nhân ấy cũng đã chứng ngộ quả vị Nhập Lưu.
Kế đến, những cư dân trong thành phố sau khi nghe được đức hạnh của các vị trưởng lão đã than vãn rằng: “Chúng tôi không được nhìn thấy các vị trưởng lão.” Khi ấy, đức vua suy nghĩ rằng: “Ở đây, không có khoảng trống!” nên đã nói rằng: “Này các khanh, hãy đi và dọn dẹp khu trại voi, rải đều cát lên, rắc các bông hoa ngũ sắc, cột mái che, rồi xếp đặt chỗ ngồi cho các vị trưởng lão ở vị trí của vương tượng.” Các quan đại thần đã thực hiện theo như thế.
Vị trưởng lão sau khi đi đến nơi ấy đã ngồi xuống và đã thuyết giảng bài kinh Thiên Sứ(Devadūtasuttantaṃ).[58] Khi chấm dứt bài thuyết giảng, vị ấy đã an trú một ngàn người vào quả vị Nhập Lưu. Tương tợ, họ (nghĩ rằng): “Trại voi bị đông đúc!” nên đã sắp xếp chỗ ngồi nơi vườn hoa Nandana ở cửa thành phía nam. Vị trưởng lão đã ngồi xuống tại chỗ ấy và đã thuyết giảng bài kinh Rắn Độc(Āsivisosuttantaṃ).[59] Khi chấm dứt bài thuyết giảng, một ngàn người đã chứng đạt quả vị Nhập Lưu. Như thế, vào ngày thứ nhì kể từ ngày đi đến, hai ngàn năm trăm người đã lãnh hội Giáo Pháp.
Ở tại khu vườn Nandana, trong lúc vị trưởng lão còn bận tiếp chuyện với các phụ nữ gia đình danh giá, với các cô dâu gia đình danh giá, với các thiếu nữ gia đình danh giá đang lần lượt đi đến, thì trời sụp tối. Vị trưởng lão nhận biết về thời gian nên đã đứng dậy (nói rằng): “Bây giờ, tôi đi về núi Missaka.” Các quan đại thần đã đưa các vị trưởng lão đến ngụ tại vườn thượng uyển Mahāmegha. Khi trải qua đêm ấy, nhà vua cũng đã đi đến gặp các vị trưởng lão hỏi han về việc nghỉ ngơi có được an lạc không rồi đã hỏi như vầy: “Bạch ngài, tu viện có được phép đối với hội chúng tỳ khưu không?” Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu Đại Vương, được phép.” Đức vua mừng rỡ đã cầm lấy cái bình bằng vàng chế nước trên tay của vị trưởng lão và đã cúng dường khu vườn thượng uyển Mahāmegha. Vào ngày kế tiếp, vị trưởng lão đã thọ thực ở ngay tại hoàng cung rồi đã thuyết giảng về Luân Hồi Vô Thỉ (Anamataggiyāni)[60] ở khu vườn Nandana, vào ngày kế đã thuyết giảng bài kinh Ví Dụ về Đám Lửa (Aggikkhandhopama).[61] Theo phương thức ấy, vị trưởng lão đã thuyết giảng bảy ngày. Tám ngàn năm trăm người đã lãnh hội Giáo Pháp. Tuy nhiên, vào ngày thứ bảy sau khi thuyết giảng đến đức vua bài kinh Không Phóng Dật (Appamādasuttantaṃ)[62] ở nội cung, vị trưởng lão đã đi thẳng về núi Cetiyagiri.
Sau đó, đức vua đã suy nghĩ rằng: “Vị trưởng lão không do thỉnh cầu đã tự mình đi đến; do đó cũng có thể xảy ra việc ra đi mà không từ giã!” nên đã leo lên xe ngựa đi đến núi Cetiya. Trong khi đi đến gặp các vị trưởng lão, đức vua đã ra đi với oai quyền lộng lẫy của hoàng gia nhưng lúc đến gần lại có dáng vẻ vô cùng mệt nhọc. Khi ấy, vị trưởng lão đã nói với đức vua rằng: “Tâu đại vương, vì sao ngài đi đến có vẻ mệt nhọc như thế này?” “Bạch ngài, với mục đích để biết được rằng: ‘Chẳng lẽ sau khi ban lời giáo giới đến trẫm một cách mật thiết rồi bây giờ Ngài lại có ý định ra đi hay sao?’” “Tâu đại vương, chúng tôi không có ý định ra đi, tuy nhiên lúc này gọi là thời điểm vào mùa an cư mưa. Gọi là sa-môn thì cần phải biết địa điểm vào mùa an cư mưa.” Đúng vào thời điểm ấy, đức vua đã rào quanh lại khuôn viên ngôi bảo điện Karaṇḍaka và đã cho khởi sự công việc xây dựng sáu mươi tám chỗ trú ngụ rồi đã đi về thành phố. Và các vị trưởng lão ấy, trong lúc giáo giới đám đông dân chúng, cũng đã cư trú mùa mưa ở tại núi Cetiya.
Sau đó, khi đã trải qua mùa (an cư) mưa và đã hành lễ Pavāraṇā (lễ Tự Tứ) vào ngày Uposatha nhằm ngày trăng tròn tháng Kattika,[63] đại đức Mahāmahinda đã nói với đức vua điều này: “Tâu đại vương, đã lâu chúng tôi không còn được nhìn thấy bậc Chánh Đẳng Giác và không còn cơ hội thực hiện các việc đảnh lễ, phục vụ, chắp tay, và hành động thích hợp; vì thế chúng tôi tiếc nuối.” “Bạch ngài, không phải ngài đã nói là bậc Chánh Đẳng Giác đã viên tịch Niết Bàn rồi hay sao?” “Tâu đại vương, mặc dầu đã viên tịch Niết Bàn nhưng di thể xá-lợi của Ngài còn tồn tại.” “Bạch ngài, trẫm đã hiểu rồi. Hãy để trẫm cho xây dựng ngôi bảo tháp. Xin ngài hãy xác định khu đất.” Rồi thêm vào: “Từ đâu trẫm sẽ nhận được các xá-lợi?” “Tâu đại vương, ngài hãy thỉnh ý sa di Sumana.” Đức vua đã đi đến gặp sa di Sumana và hỏi rằng: “Bạch ngài, trẫm sẽ nhận được các xá-lợi từ đâu bây giờ?” Sumana đã nói rằng: “Tâu đại vương, ngài không phải nhọc công. Ngài hãy cho làm sạch sẽ các con đường rồi trang hoàng với những lá cờ, biểu ngữ, và các lu chứa đầy (nước), v.v… Hãy cùng với đoàn tùy tùng thọ trì trai giới, hãy cho tập trung tất cả các nhạc công lại, hãy cho thực hiện việc trang điểm con vương tượng với tất cả các loại trang sức, hãy cho che lọng trắng phía trên nó rồi quay mặt về khu vườn thượng uyển và đi đến vào ban đêm, chắc chắn rằng ngài sẽ nhận được các xá-lợi ở tại địa điểm ấy.” Đức vua đã đồng ý rằng: “Lành thay!” Rồi các vị trưởng lão đã đi thẳng đến núi Cetiya.
Tại đó, đại đức trưởng lão Mahinda đã nói với sa di Sumana rằng: “Này sa di, ngươi hãy đi đến gặp ông ngoại tức là đức vua công chính Asoka ở Jambudīpa rồi hãy nói với lời của ta như vầy: ‘Tâu đại vương, người bạn của ngài là Devānampiyatissa đã tin tưởng Phật Pháp và có ý định cho xây dựng ngôi bảo tháp. Nghe nói ngài có trong tay cái bình bát đã được đức Thế Tôn sử dụng và cả xá-lợi nữa. Xin ngài hãy trao cho tôi vật ấy.’ Sau khi nhận lấy vật ấy, ngươi hãy đi đến gặp Chúa Trời Sakka (nói rằng): ‘Tâu đại vương, Nghe nói ngài có trong tay hai loại xá-lợi là chiếc răng bên phải và mảnh xương vai bên phải. Do đó, ngài hãy thờ phượng chiếc răng bên phải và hãy cho chúng tôi mảnh xương vai bên phải.’ Và ngươi hãy nói với vị ấy rằng: ‘Tâu đại vương, tại sao sau khi phái chúng tôi đến hòn đảo Tambapaṇṇi ngài lại thờ ơ vậy?’”
“Bạch ngài, lành thay!” Sau khi tiếp nhận lời nói của vị trưởng lão, Sumana ngay lập tức đã cầm lấy y và bình bát bay lên không trung rồi hạ xuống ở cổng thành Pātaliputta[64] đi đến gặp đức vua và kể lại sự việc ấy. Đức vua mừng rỡ đã nhận lấy cái bình bát từ tay của vị sa di, đã dâng thức ăn, sau đó đã tẩm bình bát của đức Thế Tôn bằng các loại hương thơm và chứa đầy các loại xá-lợi trông giống như các hạt ngọc trai quý báu, rồi đã trao cho.
Vị sa di sau khi nhận lấy vật ấy rồi đã đi đến gặp Chúa Trời Sakka. Sau khi nhìn thấy vị sa di, Chúa Trời Sakka đã nói rằng: “Bạch ngài Sumana, việc gì mà ngài đi thưởng ngoạn vậy?” “Tâu đại vương, sau khi phái chúng tôi đến hòn đảo Tambapaṇṇi tại sao ngài lại thờ ơ vậy?” “Bạch ngài, tôi đâu có thờ ơ. Ngài bảo tôi làm việc gì?” “Nghe nói ngài có trong tay hai loại xá-lợi là chiếc răng bên phải và mảnh xương vai bên phải. Do đó, ngài hãy thờ phượng chiếc răng bên phải và hãy cho chúng tôi mảnh xương vai bên phải.” “Bạch ngài, lành thay!” Vị Chúa Trời Sakka đã mở ra ngôi bảo tháp bằng ngọc ma-ni có kích thước một do-tuần rồi đã mang lại mảnh xương vai bên phải trao cho Sumana. Vị sa di đã nhận lấy vật ấy rồi đã tôn trí ở ngay tại ngọn núi Cetiya.
Khi ấy, tất cả các nhân vật kiệt xuất ấy có ngài Mahinda dẫn đầu đã tôn trí các xá-lợi đã được vị vua công chính Asoka trao tặng ở ngay tại ngọn núi Cetiya rồi đã cầm lấy mảnh xương vai phải đi đến vườn thượng uyển Mahānāga trong lúc hoàng hôn đang kéo đến. Phần đức vua, sau khi thực hiện sự cúng dường và tôn vinh theo cách thức đã được Sumana giảng giải, rồi vào ban đêm đã cỡi lên mình con voi cao quý, nắm giữ chiếc lọng trắng che ở đầu con vương tượng, rồi đã ngự đến vườn thượng uyển Mahānāga.
Khi ấy, đức vua đã khởi ý điều này: “Nếu đây là xá-lợi của đấng Chánh Đẳng Giác thì chiếc lọng hãy cúi lạy, con vương tượng hãy quỳ xuống bằng các đầu gối ở trên mặt đất, và chiếc hòm xá-lợi hãy ngự lên trên đầu của ta.” Khi tâm của đức vua vừa khởi, chiếc lọng đã cúi lạy, con voi đã quỳ xuống bằng các đầu gối, và chiếc hòm xá-lợi đã ngự lên trên đầu của đức vua. Với thân thể như là được rưới nước thánh bất tử, đức vua đã đạt đến niềm phỉ lạc cùng tột và đã hỏi rằng: “Bạch ngài, trẫm sẽ làm gì với xá -lợi?” “Tâu đại vương, ngài chỉ việc đặt ở ngay trên trán của con voi.” Đức vua đã đặt chiếc hòm xá-lợi ở trên trán của con voi. Con voi đã mừng rỡ rống lên tiếng rống của loài voi. Một đám mây lớn đã hiện ra và đổ xuống cơn mưa các đóa hoa sen. Đại địa cầu đã dâng nước lên ở xung quanh và đã rúng động, có ý rằng: “Các xá-lợi của bậc Chánh Đẳng Giác sẽ được tôn trí ở ngay cả xứ biên địa.”
Sau đó, trong lúc đang được vây quanh bởi nhiều nhạc công đang cung kính bày tỏ sự cúng dường và tôn vinh vô cùng trọng thể, con long tượng ấy đã quay mặt về hướng tây rồi khởi hành đi đến cửa thành phía đông, sau đó đã đi vào thành phố bằng cửa thành phía đông. Và khi đang được cúng dường trọng thể trong khắp cả thành phố, con long tượng đã rời khỏi bằng cửa thành phía nam rồi đi đến khu vực phía tây của Tu Viện Bảo Tháp, là nơi nghe nói có mảnh đất dành cho việc tế lễ. Sau khi đi đến nơi ấy, con long tượng đã quay mình lại với khuôn mặt hướng về Tu Viện Bảo Tháp. Và nơi ấy là vị trí của ngôi bảo điện đã được xây dựng sau khi tôn trí bình lọc nước, dây buộc thân, và vải choàng tắm của ba vị Chánh Đẳng Giác thời quá khứ. Ngay cả khi các ngôi bảo điện đã bị tiêu hoại, chính nơi ấy đã tồn tại và được bao quanh bởi nhiều lùm cây và các cành bao phủ những gai nhọn nhờ vào năng lực của chư thiên: “Chớ cho bất cứ người nào làm ô uế khu vực ấy với những chất thải và rác rến dơ bẩn.”
Sau đó, những người của đức vua đã đi đến phía trước của con voi ấy rồi đã chặt đứt tất cả các lùm cây, đã làm sạch sẽ mặt đất, và làm cho khu vực ấy trở thành như là lòng bàn tay vậy. Con long tượng đã đi đến, hướng mặt về địa điểm ấy, rồi đã đứng tại vị trí của cội Bồ Đề ở trên phần đất phía tây của khu vực ấy. Sau đó, họ đã khởi sự đưa xá-lợi từ đầu của con voi ấy xuống. Con voi đã không cho lấy xuống. (Đức vua) đã hỏi vị trưởng lão rằng: “Bạch ngài, tại sao con voi lại không cho lấy xá-lợi xuống.” “Tâu đại vương, đã được nâng lên rồi không tiện hạ thấp xuống.”
Và vào lúc bấy giờ, nước ở hồ Abhaya rút cạn đi, mặt đất xung quanh nứt ra, các khối đất sét được nâng lên dễ dàng. Từ đó, đám đông người đã nhanh chóng hối hả mang đất sét lại và đã thực hiện nền móng có kích thước bằng cái trán của con voi. Kể từ lúc ấy, họ đã bắt đầu thực hiện các viên gạch cho mục đích xây dựng ngôi bảo tháp. Cho đến khi các viên gạch được hoàn tất, con long tượng, trong những ngày ấy, vào ban ngày đứng trong trại voi ở tại vị trí của cội Bồ Đề, còn vào ban đêm thì đi vòng quanh khu đất sẽ được xây dựng lên ngôi bảo tháp.
Sau đó, khi đã cho xây dựng nền móng, đức vua đã hỏi vị trưởng lão rằng: “Bạch ngài, bảo tháp nên được thực hiện như thế nào?” “Tâu đại vương, giống như là đống lúa vậy.” “Bạch ngài, đúng vậy!” Sau khi cho xây dựng ngôi bảo tháp đến độ cao của đầu gối, đức vua đã cho thực hiện sự tôn vinh trọng thể nhằm mục đích đưa xá-lợi xuống.
Kế đến, toàn thể người dân trong thành phố và xứ sở đã tụ hội lại để chiêm ngưỡng lễ hội xá-lợi. Và khi đám dân chúng ấy đã tụ hội lại, xá-lợi của đấng Thập Lực từ cái trán của con voi đã bay lên không trung với độ cao bảy thân cây thốt-nốt và đã thị hiện song thông. Các hào quang sáu màu, các nguồn nước, và các khối lửa đã tuôn ra từ mỗi một vị trí của xá-lợi. Thần thông này cũng giống y như thần thông đã được đức Thế Tôn thị hiện tại cội cây xoài Gaṇḍa ở thành Sāvatthi. Và điều ấy không phải do năng lực của các vị trưởng lão, cũng không phải do năng lực của chư thiên, mà chính là do oai lực của chư Phật. Nghe rằng đức Thế Tôn ngay trong lúc còn tại tiền đã chú nguyện rằng:
“Hãy xuất hiện song thông vào ngày tôn trí xá-lợi xương vai phải của ta tại địa điểm ngôi bảo điện của ba vị Phật quá khứ ở khu vực phía nam của thành Anurādhapura trên hòn đảo Tambapaṇṇi.”
Như vậy, chư Phật là vượt trên sự suy luận!
Các Pháp của chư Phật là vượt trên sự suy luận!
Quả thành tựu cho những người đã đặt niềm tin vào chư Phật và các Pháp của chư Phật là vượt trên sự suy luận![65]
Thậm chí, ở trên toàn bộ bề mặt hòn đảo Tambapaṇṇi, không có khoảng không gian nào gọi là không được chạm đến bởi các hạt nước phát xuất từ di thể xá-lợi. Như thế, bằng những hạt nước di thể xá-lợi ấy của đức Phật đã làm tan biến cơn nóng ở trên mặt đất của hòn đảo Tambapaṇṇi, đã thị hiện thần thông của bậc Đại Nhân, rồi đã hạ xuống và an vị ở trên đầu của đức vua. Trong khi suy nghĩ rằng: “Việc thành tựu thân người đã được tưởng thưởng!” đức vua đã tôn trí xá-lợi và đã thể hiện sự tôn vinh thật trọng thể. Do sự tôn trí xá-lợi, đại địa cầu đã rúng động. Hơn nữa, khi ngôi bảo tháp đã được hoàn tất, đức vua cùng các anh em của đức vua và các hoàng hậu đã xây dựng từng ngôi bảo tháp riêng biệt khiến cho chư thiên, các loài rồng, và các dạ-xoa phải ngạc nhiên.
Với di thể xá-lợi, đấng Chiến Thắng mặc dầu đã Niết Bàn vẫn có thể tạo nên các pháp đem lại lợi ích và an lạc cho nhân loại về nhiều phương diện như thế. Đương nhiên khi còn tại tiền, bậc Lãnh Đạo đã thực hiện việc làm tương tợ.[66]
Phần Giảng Giải về Tu Viện Bảo Tháp (Thūpārāma)
trong tập “Sử Liệu về Bảo Tháp Xá-Lợi Phật”
được thực hiện nhằm tạo niềm tin trong tâm trí
của các thiện nhân đã chấm dứt.
-ooOoo-