Chương 11:

GIẢNG GIẢI VỀ NGÔI BẢO THÁP Ở MAHIYAṄGANA

Nghe nói người em thứ hai của đức vua Devānampiyatissa là vị phó vương tên Mahānāga. Khi ấy, trong lúc vị phó vương đang thực hiện cái hồ nước tên là Taraccha, hoàng hậu của đức vua mong muốn vương quyền cho con trai của mình nên đã tẩm độc trái xoài rồi để ở bên trên các trái xoài và gởi đến. Người con trai của hoàng hậu, đi với vị phó vương, đã tự mình cầm lấy trái xoài ở mâm đã được mở ra rồi ăn vào nên đã bị thiệt mạng. Vị phó vương biết được nguyên nhân ấy trở nên khiếp sợ bà hoàng hậu, rồi từ chính chỗ đó đã đưa nương tử của mình và đoàn quân đi đến Rohaṇa. Giữa đường ở tại trú xá tên Yaṭṭāla, chánh cung nương tử của vị ấy đã hạ sanh người con trai và đã lấy tên Tissa của người anh trai đặt cho đứa bé.

Vị phó vương đã chiếm giữ vùng đất ấy và đã cai trị vương quốc Rohaṇa trong lúc cư ngụ tại Mahāgāma. Khi vị phó vương băng hà, con trai của vị ấy tên Yaṭṭālatissa đã trị vì vương quốc ở ngay tại Mahāgāma. Khi vị ấy băng hà, con trai của vị ấy tên Goṭhābhaya đã cai trị vương quốc ở ngay tại nơi ấy. Con trai của Goṭhābhaya tên Kākavaṇṇatissa đã cai trị vương quốc ở ngay tại nơi ấy. Nghe nói con gái của đức vua Kalyāṇitissa tên Vihāramahādevī là chánh cung hoàng hậu của đức vua Kākavaṇṇatissa. Nàng được đức vua yêu thương và quý mến. Trong lúc sống chung hòa hợp cùng nàng, đức vua đã thực hiện các phước thiện. Cho đến một ngày kia, sau khi thực hiện lễ đại thí đến hội chúng tỳ khưu ở ngay tại hoàng cung, vào buổi chiều vị hoàng hậu đã bảo mang theo các vật thơm và tràng hoa, v.v… đi đến tu viện để nghe Pháp và đã nhìn thấy một vị sa di giới đức bị bệnh trầm trọng gần chết đang nằm ở nơi ấy. Vị hoàng hậu đã cúng dường với các vật thơm và tràng hoa, v.v… rồi đã khen ngợi sự vinh hiển của bản thân sau đó đã yêu cầu rằng: “Bạch ngài, ngài hãy ước nguyện tái sanh làm con trai của tôi đi.” Vị ấy đã không đồng ý, tuy nhiên hoàng hậu vẫn cứ tiếp tục thỉnh cầu. Vị sa di cũng đã suy nghĩ như vầy: “Nếu là như vậy thì có thể thực hiện việc hộ trì Giáo Pháp” nên đã đồng ý. Sau khi đã buông bỏ thiên giới cho dầu cảnh tướng đã được xác định, rồi do nguyện ước vị ấy đã tái sanh vào bụng vị hoàng hậu đang ngồi trong chiếc kiệu vàng.

Sau mười tháng, nàng đã sanh ra người con trai. Họ đã đặt tên cho đứa bé là Gāmaṇi Abhaya. Thời gian sau, họ cũng đã có người con khác nữa và đã đặt tên cho đứa bé ấy là Tissa. Trong lúc tuần tự lớn lên và đạt đến lứa tuổi mười sáu, hoàng tử Gāmaṇi là người thông thạo về voi, ngựa, kiếm thuật và đã thành tựu về danh tiếng, sức mạnh, và sự trì chí. Khi ấy, đức vua Kākavaṇṇatissa đã bố trí mười đại dũng sĩ là Nandimitta, Sūranimmila, Mahāsena, Goṭhayimbara, Theraputtābhaya, Bharaṇa, Veḷusumana, Khañcadeva, Phussadeva, và Labhiyavasabha sống kề cận người con trai. Phần nói về sự xuất thân của những vị ấy có thể xem ởMahāvaṃsa.[71]

Đức vua đã quý trọng mười vị đại dũng sĩ cũng như đã quý trọng người con trai vậy. Ngài đã bố trí hoàng tử Tissa ở Dīghavāpī nhằm mục đích bảo vệ lãnh thổ. Vào một ngày nọ, sau khi nhận thấy sự thành tựu binh lực của mình hoàng tử Gāmaṇi đã cho người thông báo với đức vua rằng: “Con sẽ gây chiến với những người Damiḷa.” Đức vua trong lúc bảo vệ đứa con trai đã ngăn cản rằng: “Bên này sông Gaṅgā là đủ rồi!” Vị hoàng tử đã cho người thông báo đến lần thứ ba khiến đức vua đã nổi giận (ra lệnh rằng): “Hãy làm sợi xích bằng vàng. Ta sẽ trói lại và bảo vệ nó.” Abhaya đã hờn giận vua cha nên đã trốn thoát và đi đến Malaya; do bản tánh hờn giận người cha nên từ đó trở đi được biết đến là Duṭṭhagāmaṇi.[72] Đức vua đã buộc các dũng sĩ thực hiện lời thề là không đi đến tham dự chiến trận của người con trai.

Sau đó, đức vua Kākavaṇṇatissa đã cho xây dựng sáu mươi bốn tu viện và đã sống chỉ sáu mươi bốn năm rồi băng hà. Hoàng tử Tissa nghe được tin người cha đã băng hà nên đã từ Dīghavāpī đi đến và cho tiến hành việc mai táng thi thể của vua cha, sau đó đã giữ lại người mẹ và con voi Kaṇḍula rồi trở về lại Dīghavāpī vì sự e ngại đối với người anh trai. Các quan đại thần sau khi tụ họp đã bàn thảo về sự kiện ấy rồi đã phái người đi đến gặp Duṭṭhagāmaṇi. Vị ấy, sau khi nghe được lời nhắn ấy, đã đi đến Bhuttasālā[73]và đã phái các sứ giả đến gặp người em trai, rồi từ nơi ấy đã đi đến Mahāgāma và đã thành tựu lễ đăng quang, sau đó đã phái người đưa thơ cho người em đến lần thứ ba (ra lệnh rằng): “Hãy đưa mẹ và con voi Kaṇḍula về.” Và khi biết được tình trạng không chịu phục tòng (của người em), Duṭṭhagāmaṇi đã xuất binh ra trận. Trận chiến dữ dội của hai anh em đã diễn ra tại sườn núi ở Culaṅgaṇiya.

Nghe rằng những dũng sĩ thân cận ấy đã không tham dự trận chiến của họ do đã thực hiện lời thề. Khi ấy, hàng ngàn binh sĩ của đức vua đã bị chết. Đức vua bị thua trận nên đã đem theo viên quan đại thần Tissa[74]và con lừa Dīghatūṇika tẩu thoát. Vị hoàng tử[75] đã đuổi theo sát phía sau. Các vị tỳ khưu đã biến hóa ra ngọn núi ở giữa. Sau khi nhìn thấy điều ấy, vị hoàng tử biết được: “Việc làm của hội chúng tỳ khưu” nên đã quay lui. Đức vua sau khi tẩu thoát đã đi đến hải cảng tên Jalamāla ở giòng sông Kappakandara và đã nói rằng: “Ta đói.” Viên quan đại thần đã đem lại bữa ăn được đặt vào trong cái tô bằng vàng rồi dâng lên.

Đức vua đã xem xét thời giờ (nghĩ rằng): “Ta sẽ dâng đến hội chúng rồi mới ăn” và đã chia làm bốn phần cho hội chúng, vị quan đại thần, con lừa, và cho bản thân, rồi đã bảo thông báo về giờ giấc. Khi ấy, vị trưởng lão tên Kuṭumbiyatissa đã đi đến từ hòn đảo Piyaṅgu và đứng ở phía trước. Đức vua sau khi nhìn thấy vị trưởng lão liền sanh tâm tịnh tín và đã đặt phần chia dành riêng cho hội chúng và phần ăn của mình vào bình bát của vị trưởng lão. Viên quan đại thần cũng đã đặt phần ăn của mình (vào bình bát). Ngay cả con lừa cũng đã khởi tâm bố thí. Viên quan đại thần nhận biết được ý định của con lừa nên cũng đã đặt phần ăn của nó vào bình bát.

Như thế, vị vua ấy đã dâng bình bát đầy vật thực đến vị trưởng lão. Sau khi nhận lấy bình bát, vị trưởng lão đã ra đi và đã dâng đến vị trưởng lão tên là Gotama. Sau khi đã giải quyết bữa ăn cho năm trăm vị tỳ khưu, vị trưởng lão đã làm đầy bình bát bằng những phần ăn được nhận lại từ nơi ấy, sau đó đã ném lên không trung. Bình bát đã di chuyển rồi dừng lại ở phía trước đức vua. (Viên quan đại thần) Tissa đã nhận lấy bình bát rồi phục vụ bữa ăn cho đức vua, bản thân đã thọ dụng phần còn lại, rồi mới cho con lừa ăn. Sau đó, đức vua đã buộc chặt lớp vải rồi ném bình bát đi. Từ chỗ đó, bình bát đã đi đến và đáp vào bàn tay của vị trưởng lão. Đức vua đã quay trở lại Mahāgāma và đã quy tụ lại quân đội, sau khi đạt được binh lực sáu mươi ngàn đã chiến đấu với người em lần nữa. Lần này, hàng ngàn binh sĩ của vị hoàng tử đã gục ngã.

Vị hoàng tử sau khi trốn thoát đã đi vào tu viện rồi vào đến gian nhà của vị đại trưởng lão. Trong lúc đuổi theo sát phía sau, đức vua đã biết được việc đi vào tu viện (của người em) nên đã quay về. Sau đó, các vị trưởng lão đã hòa giải cả hai anh em họ với nhau. Rồi đức vua đã phái hoàng tử Tissa đến ngay tại Dīghavāpī để hướng dẫn các công việc mùa màng, còn bản thân sau khi cho nổi trống lên cũng đã điều hành các công việc trồng trọt. Sau đó, khi đã quy tụ được đông người, đức vua đã gắn xá-lợi ở cây thương rồi cùng với đoàn quân tùy tùng đi đến tu viện Tissa đảnh lễ hội chúng rồi đã nói rằng: “Bạch các ngài, trẫm sẽ đi đến bên kia sông Gaṅgā để làm sáng chói Giáo Pháp. Xin hãy cho các vị tỳ khưu cùng đi để chúng tôi được vinh hạnh.” Hội chúng đã trao cho năm trăm vị tỳ khưu. Sau khi tiếp nhận hội chúng tỳ khưu, đức vua đã leo lên lưng con voi Kaṇḍula, được hộ vệ bởi các dũng sĩ, rồi tiến ra chiến trường cùng với binh lực hùng mạnh tiến đến Mahiyaṅgana. Trong lúc chiến đấu với những người Damiḷa ở tại nơi ấy, đức vua đã cho xây dựng ngôi bảo tháp Kañcuka tại Mahiyaṅgana. Sau đây là phần giảng giải tuần tự nhằm mục đích nói rõ về ngôi bảo tháp ấy:

Nghe rằng vào tháng thứ chín kể từ khi được giác ngộ, đức Thế Tôn đã ngự đến hòn đảo này và đã đi đến cộng đồng các dạ-xoa ở khu vườn Mahānāga có chiều dài ba do-tuần chiều rộng một do-tuần ở bờ sông Gaṅgā, sau đó đã đứng ở không trung phía bên trên các dạ-xoa ấy tại vị trí của bảo tháp Mahiyaṅgana và đã làm cho các dạ-xoa hoảng sợ bởi các cơn mưa, gió, và bóng tối, v.v… Khi được các dạ-xoa ấy cầu xin sự không còn sợ hãi, đức Phật đã nói rằng: “Ta sẽ ban cho các ngươi sự không còn sợ hãi, các ngươi hãy đồng ý cho ta một chỗ ngồi.” Các dạ-xoa đã nói rằng: “Quý nhân ơi, chúng tôi xin dâng ngài toàn thể hòn đảo này. Hãy ban cho chúng tôi sự không còn sợ hãi.” Sau đó, đức Thế Tôn đã xua tan nỗi sợ hãi của các dạ-xoa, rồi đã trải ra mảnh da thú ở trên mặt đất đã được chúng dâng cho, và đã ngồi xuống tại chỗ ấy. Ngài đã thể nhập đề mục lửa rồi đã làm cho phát hỏa ở xung quanh mảnh da thú, sau đó đã làm cho lan rộng ra. Bị chế ngự bởi mảnh da thú, các dạ-xoa đã co cụm lại ở ven bờ biển xung quanh. Bằng năng lực của thần thông, đức Thế Tôn đã mang hòn đảo tên Giri đến nơi ấy, đã đưa các dạ-xoa lên hòn đảo, rồi đã mang hòn đảo trở về lại vị trí cũ, sau đó đã gấp mảnh da thú lại. Khi ấy, chư thiên đã tụ hội lại. Ở cuộc tụ hội ấy, đức Thế Tôn đã thuyết giảng Giáo Pháp. Khi ấy:

Không những nhiều koṭi chúng sanh đã lãnh hội Giáo Pháp mà vô số chúng sanh đã an trú vào các sự nương tựa và các giới cấm.

Chúa Trời Mahāsumana ở trên núi đá Sumanakūṭa[76] sau khi chứng đạt quả vị Nhập Lưu đã cầu xin bậc đáng cúng dường về vật để cúng dường.

Đấng Chiến Thắng, bậc ân nhân của chúng sanh đã sờ vào đỉnh đầu rồi đã cho vị ấy nắm tóc từ mái tóc xanh tuyền.

Vị ấy đã nhận lấy vật ấy bằng chiếc hòm vàng quý báu. Khi đống báu vật gồm nhiều loại đã được gom tụ lại ở chỗ bậc Đạo Sư đã ngồi,

vị ấy đã tôn trí nắm tóc ở bên trên bảy loại báu vật, sau đó đã kiến tạo ngôi bảo tháp bằng ngọc trùm lên nắm tóc và khối báu vật ấy, rồi đã phụng thờ.[77]

Hơn nữa, sau khi đức Thế Tôn đã viên tịch Niết Bàn, vị trưởng lão tên Sarabhū, đệ tử của bậc trưởng lão Tướng Quân Chánh Pháp Sāriputta, đã nhận lấy xá-lợi xương đòn ở cổ từ lễ hỏa táng rồi được tháp tùng bởi hội chúng tỳ khưu đã đi đến và đã tôn trí ở ngay tại ngôi bảo điện ấy, sau đó đã đậy lên bằng những viên đá màu mây, đã cho xây dựng ngôi bảo tháp cao mười hai cánh tay, rồi ra đi.

Sau đó, người em trai của đức vua Devānampiyatissa tên là Cūḷābhaya đã nhìn thấy ngôi bảo điện tuyệt vời ấy rồi đã cho xây dựng ngôi bảo điện cao ba mươi cánh tay. Lúc bấy giờ, đức vua Duṭṭhagāmaṇi Abhaya cũng đã đi đến Mahiyaṅgana, và trong khi khuất phục những người Damiḷa ở tại nơi ấy, đã cho xây dựng ngôi bảo điện bao bọc quanh cao tám mươi cánh tay rồi đã thực hiện việc cúng dường.

Ngay cả trong lúc tiến hành những công việc khẩn thiết như thế, những người hành đức hạnh, các bậc trí tuệ, những người sợ hãi nỗi hiểm nguy của sự luân hồi vẫn làm điều phước thiện.

Dứt Phần Giảng Giải về Ngôi Bảo Tháp ở Mahiyaṅgana.

-ooOoo-

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app