Chương 6:

GIẢNG GIẢI VỀ TÁM MƯƠI BỐN NGÀN NGÔI BẢO THÁP

Khi việc lưu trữ các xá-lợi đã được hoàn tất như thế, vị trưởng lão đã sống đến hết tuổi thọ rồi đã viên tịch Niết Bàn, đức vua cũng đã đi theo nghiệp tương ứng, ngay cả những người ấy cũng đã mạng chung. Vào triều đại kế tiếp, vị hoàng tử tên Piyadāsa xứng đáng quyền cai trị và đã trở thành vị vua công chính tên là Asoka. Sau khi nhận được các xá-lợi ấy, đức vua đã thiết lập nên tám mươi bốn ngàn ngôi bảo điện ở Jambudīpa. Bằng cách nào? Nghe rằng Bindusāra có một trăm người con trai. Asoka đã giết chết tất cả bọn họ ngoại trừ hoàng tử Tissa có cùng một mẹ với bản thân. Trong khi cho giết hại và cai trị vương quốc đã bốn năm mà Asoka vẫn chưa được đăng quang. Khi bốn năm trôi qua, tính từ khi đức Như Lai viên tịch Niết Bàn thì đã hơn hai trăm mười tám năm, Asoka đã đạt được sự tấn phong vương quyền trên toàn lãnh thổ Jambudīpa.

Do oai lực của lễ đăng quang, các vương quyền này đã được thành tựu: Sự ra lệnh có hiệu lực khoảng cách một do-tuần về phía bên dưới của đại địa cầu, về phía bên trên ở không trung cũng như thế. Hàng ngày, các thiên nhân dùng tám đòn gánh mang lại mười sáu chum nước uống từ hồ Anotatta. Kể từ khi đã sanh khởi niềm tin vào Giáo Pháp, đức vua đã dâng tám chum đến hội chúng tỳ khưu, hai chum đến các tỳ khưu thông Tam Tạng số lượng sáu mươi vị, hai chum đến chánh cung hoàng hậu Asandhimittā, và bốn chum bản thân đã thọ dụng. Ở Hy-mã-lạp-sơn có loại dây trầu trơn láng, mềm mại, và có hương vị gọi là nha mộc, chính các thiên nhân mang lại vật ấy mỗi ngày; nhờ đó đã hoàn thành công việc làm sạch sẽ răng hàng ngày của đức vua, của chánh cung hoàng hậu, của mười sáu ngàn vũ công, và của các vị tỳ khưu số lượng sáu mươi ngàn vị.

Hàng ngày, các thiên nhân còn mang lại cho đức vua dược phẩm āmalaka, dược phẩm harītaka, và xoài chín có mùi thơm và màu sắc vàng rực. Tương tợ như thế, họ đã mang lại từ hồ Chaddanta hạ y và thượng y năm màu, khăn lau tay màu vàng, và thức uống của thiên đình. Hơn nữa, hàng ngày các long vương còn mang lại từ long cung cho đức vua dầu thoa và hương liệu, vải hoa nhài không đường chỉ dệt để trang phục, và loại thuốc bôi đắt giá. Các con chim két mỗi một ngày mang lại loại gạo sālī mọc ở ngay tại hồ Chaddanta số lượng chín ngàn xe kéo. Các con chuột làm cho sạch trấu và cám, thậm chí không làm vỡ một mảnh của hạt gạo. Chính loại gạo này được làm thành thức ăn cho đức vua ở tại mọi địa điểm. Các con ong mật thực hiện mật ong. Ở trong các trại rèn các con gấu vung tay búa. Các con báo di chuyển các tấm khiên. Các con chim cu đi đến và kêu lên tiếng rù rù ngọt ngào hiến tặng đức vua.

Được phú cho những năng lực này, đức vua một ngày nọ đã phái đem đi sợi dây xích trói bằng vàng và bảo dẫn đến vị Long Vương Mahākāḷa đã sống trọn kiếp và đã được sự chiêm ngưỡng hình dáng của bốn vị Phật, rồi đã cho vị Long Vương ngồi lên long sàng vô cùng quý giá ở bên dưới chiếc lọng màu trắng, sau đó đã cúng dường với các bông hoa có hàng trăm màu sắc mọc ở nước hoặc mọc ở đất liền và các bông hoa bằng vàng, rồi đã phân bố mười sáu ngàn vũ công đã được tô điểm với tất cả các loại đồ trang sức ở xung quanh, sau đó đã nói rằng: “Hãy làm cho các con mắt này của ta thấy được hình ảnh của vị Phật Chánh Đẳng Giác có trí tuệ vô biên đã chuyển vận bánh xe Diệu Pháp cao quý.” Vị Long Vương đã tạo nên toàn bộ thân thể với ba mươi hai tướng tốt của bậc đại nhân được điểm tô với tám mươi tướng phụ đã được sanh lên nhờ vào oai lực của phước báu đã được phát tán ra, ví như mặt nước được điểm tô với những đóa hoa sen và hoa súng màu trắng đang nở rộ, ví như bầu trời rực rỡ với vô số ánh sáng rung động từ mạng lưới hào quang của các chòm tinh tú, ví như đỉnh trái núi vàng được bao quanh bởi các tia chớp của cầu vồng xen kẽ với ánh sáng hoàng hôn, với vẻ đẹp được bao quanh bởi ánh sáng hào quang tròn đều có vô số tia sáng đầy màu sắc được phân chia thành màu xanh, màu vàng, màu đỏ, v.v… giống như là ánh sáng chói lọi có vẻ đẹp rực rỡ của vô số hào quang tinh khiết, không vướng bụi, đem lại sự thích thú cho ánh mắt của tập thể Phạm thiên, thiên nhân, loài người, loài rồng, và dạ-xoa. Trong khi nhìn dáng vóc của đức Phật, đức vua Asoka đã thực hiện việc được gọi là sự cúng dường đôi mắt trong bảy ngày.

Nghe rằng sau khi đạt được sự phong vương, đức vua đã đặt niềm tin vào truyền thống ngoại đạo trong ba năm. Đến năm thứ tư, đức vua có được sự tín thành vào Giáo Pháp của đức Phật. Nghe rằng vua cha Bindusāra là nguồn vật thực của các vị bà-la-môn. Vua cha đã thiết lập bữa ăn thường kỳ cho các bà-la-môn, các ngoại đạo thuộc dòng dõi bà-la-môn, và các du sĩ thân bôi tro trắng có số lượng sáu mươi ngàn vị.

Đức vua Asoka trong lúc thường xuyên ban phát sự bố thí đã được người cha quy định ở nội cung của mình đúng y như thế, cho đến một ngày kia, đã đứng tại cửa sổ và nhìn thấy những người đang ăn có sở hành bên ngoài dường như an tịnh, nhưng các giác quan không được thu thúc và các cử chỉ không được kiềm chế, nên đã suy nghĩ rằng: “Cần xem xét lại sự bố thí này và cần phải bố thí ở chỗ xứng đáng.” Sau khi suy nghĩ như thế, đức vua đã nói với các viên quan đại thần rằng: “Này các khanh, hãy đi rồi đưa đến nội cung các sa-môn và bà-la-môn được đánh giá là tốt đẹp theo ý kiến riêng của từng cá nhân, trẫm sẽ dâng cúng vật thí.” Các viên quan đã trả lời đức vua rằng: “Tâu bệ hạ, lành thay!” rồi họ đã lần lượt dắt lại các du sĩ thân bôi tro trắng, các đạo sĩ lõa thể, các vị ngoại đạo, v.v… và đã nói rằng: “Tâu đại vương, những vị này là các vị A-la-hán của chúng tôi.”

Khi ấy, đức vua đã cho sắp xếp các chỗ ngồi theo nhiều kiểu rồi bảo rằng: “Hãy để họ đi vào,” sau đó đã nói với những người đang lần lượt đi vào rằng: “Các vị hãy ngồi ở chỗ ngồi thích hợp đối với bản thân.” Một số vị đã ngồi ở những chỗ ngồi đẹp đẽ, một số ở các chỗ ngồi rộng lớn. Sau khi nhìn thấy điều ấy, đức vua đã biết rằng: “Những người này không có phẩm chất!” nên đã bố thí vật thực loại cứng loại mềm tương xứng cho họ rồi đã giải tán.

Như thế thời gian trôi qua, vào một ngày nọ đức vua đang đứng ở cửa sổ đã nhìn thấy vị sa di Nigrodha có các giác quan đã được huấn luyện, thu thúc, an tịnh, và thành tựu các oai nghi đang đi ở khuôn viên hoàng cung. Vị Nigrodha này là ai vậy? Là con trai của thái tử Sumana và là cháu nội đích tôn của đức vua Bindusāra. Trong trường hợp này, câu chuyện trước đây là thế này: Nghe rằng vào lúc đức vua Bindusāra bị bệnh, hoàng tử Asoka, sau khi rời bỏ lãnh thổ Ujjenī do bản thân chiếm được, đã đi đến thâu tóm toàn bộ thành phố vào tay mình và đã bắt giữ thái tử Sumana.

Vào đúng ngày hôm ấy, vương phi của thái tử Sumana tên là Sumanā mang thai đã tròn tháng. Nàng ta đã cải trang khác đi và thoát ra bên ngoài. Trong khi đi về phía ngôi làng của nhóm người hạ cấp ở gần đó, nàng đã được vị thiên nhân ngự trên một cội cây Nigrodha không xa ngôi nhà của người đứng đầu nhóm người hạ cấp bảo rằng: “Này Sumanā, hãy đi đến đây.” Nghe theo lời nói, nàng đã đi đến gần vị thiên nhân ấy. Vị thiên nhân đã dùng năng lực của cá nhân làm hiện ra một gian nhà rồi dâng lên (nói rằng): “Hãy cư ngụ ở nơi đây.” Nàng đã đi vào gian nhà ấy và đã hạ sanh người con trai vào chính ngày hôm ấy. Do lòng nhớ ơn vị thiên nhân ở cội cây Nigrodha nên nàng đã đặt tên đứa bé là “Nigrodha.”

Kể từ ngày được nhìn thấy, vị đứng đầu nhóm người hạ cấp đã xem nàng như là con gái của chủ nhân mình nên đã thường xuyên cống hiến sự phục vụ. Vị vương phi đã sống ở nơi ấy bảy năm. Và hoàng tử Nigrodha được sanh ra cũng đã bảy tuổi. Khi ấy, vị đại trưởng lão tên Varuṇa là một vị A-la-hán thấy được sự thành tựu nhân duyên của đứa bé trai nên trong khi cư ngụ ở đó đã suy nghĩ rằng: “Giờ đây, đứa bé trai đã được bảy tuổi; đã đến lúc cho nó xuất gia,” rồi đã cho người thông báo đến vị vương phi và đã cho hoàng tử Nigrodha xuất gia. Vị hoàng tử đã thành tựu quả vị A-la-hán ngay trong lúc cạo đầu. Vào buổi sáng của một ngày nọ, sau khi chăm sóc cơ thể và thực hành phận sự đối với các vị thầy giáo thọ và thầy tế độ, vị ấy đã cầm lấy y và bình bát rồi ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ đi đến cửa nhà của người mẹ cư sĩ.” Để đi đến địa điểm ngôi nhà người mẹ của vị ấy thì nên đi vào thành bằng cổng thành phía nam, sau đó đi đến trung tâm thành phố, rồi đi ra bằng cổng thành phía tây. Và vào lúc bấy giờ, vị vua công chính Asoka đang đi qua lại ở cửa sổ, với khuôn mặt nhìn về hướng tây.

Chính vào thời điểm ấy, vị sa-di Nigrodha có các giác quan thanh tịnh, có tâm ý thanh tịnh, có tầm nhìn trong khoảng cách của cán cày đã đi đến khuôn viên hoàng cung. Vì thế, có lời nói rằng: “Vào một ngày nọ, đức vua đang đứng ở cửa sổ đã nhìn thấy vị sa di Nigrodha có các giác quan được huấn luyện, thu thúc, an tịnh, và thành tựu các oai nghi đang đi ở khuôn viên hoàng cung.” Hơn nữa, sau khi nhìn thấy đức vua đã khởi ý điều này: “Thậm chí hết thảy đám người này đều có tâm tán loạn như là con thú đã bị đâm; thế mà thiếu niên này lại có tâm không bị tán loạn, sự nhìn qua nhìn lại và hành động co duỗi chân tay của vị này lại vô cùng rạng rỡ. Chắc hẳn pháp thượng nhân có ở bên trong của người này?” Chỉ với ánh nhìn, đức vua tâm đã khởi tâm tín thành vào vị sa di và sanh lòng mến mộ. Vì sao? Nghe rằng trước kia trong thời kỳ làm phước thiện, vị này là người thương buôn và là anh cả của đức vua.

Khi ấy, đức vua với niềm quý mến sanh khởi và có nhiều sự kính trọng nên đã phái các vị quan đại thần bảo rằng: “Hãy thỉnh vị sa di đến.” Sau đó (đã suy nghĩ): “Chậm đến vậy!” nên đã nhắn thêm hai ba lần nữa rằng: “Hãy đến nhanh lên!” Vị sa di đã bước đi theo đúng như bản chất tự nhiên của mình. Đức vua đã nói rằng: “Hãy nhận biết chỗ ngồi thích hợp rồi ngồi xuống.” Vị sa di sau khi nhìn xem bên này và bên kia (nghĩ rằng): “Hôm nay, không có vị tỳ khưu nào khác,” nên đã đi đến bên long sàng có chiếc lọng trắng che ở phía trên, rồi ra dấu hiệu cho nhà vua về việc nhận lãnh cái bình bát. Khi nhìn thấy vị ấy đang đi đến cạnh long sàng, đức vua đã suy nghĩ như vầy: “Giờ đây, ngay trong ngày hôm nay, vị sa di sẽ là chủ nhân của ngôi nhà này.” Vị sa di đã trao bình bát ở tay của đức vua rồi bước lên long sàng và ngồi xuống.

Đức vua đã cho đem lại tất cả các loại cháo, vật thực cứng, vật thực mềm đã được chuẩn bị để phục vụ cho bản thân. Vị sa di đã thọ nhận số lượng chỉ vừa đủ cho mình. Đến khi chấm dứt bữa thọ thực, đức vua đã nói rằng: “Ngài có biết lời giáo huấn đã được ban bố bởi bậc Đạo Sư của ngài không?” “Tâu đại vương, tôi biết được một phần.” “Ngài yêu quý, hãy thuyết giảng phần ấy đến trẫm đi.” “Tâu bệ hạ, lành thay!” rồi đã nói lên chương “Không Dễ Duôi” ở trong Kinh Pháp Cú phù hợp với đức vua nhằm mục đích tùy hỷ phước báu.

Hơn nữa, sau khi nghe được rằng: “Không dễ duôi là con đường bất tử, dễ duôi là con đường của diệt vong,”[51] đức vua đã nói rằng: “Ngài yêu quý, vấn đề đã được hiểu rõ. Xin ngài hãy kết thúc.” Sau khi hoàn tất việc tùy hỷ phước báu, vị ấy đã nhận lời về bữa ăn của ba mươi hai vị. Vào ngày hôm sau, vị sa di đã đưa ba mươi hai vị tỳ khưu đi vào hoàng cung và đã thực hiện phận sự của việc thọ thực. Đức vua đã thỉnh mời rằng: “Chính các ngài đây cùng với ba mươi hai vị tỳ khưu khác nữa hãy nhận lãnh vật thực.” Trong lúc làm cho gia tăng từng ngày một theo đúng phương thức như thế, đức vua đã chấm dứt bữa ăn của sáu mươi ngàn bà-la-môn và du sĩ ngoại đạo, đồng thời đã thiết lập bữa ăn thường kỳ cho sáu mươi ngàn vị tỳ khưu ở nội cung chỉ nhờ vào niềm tin đã hướng đến trưởng lão Nigrodha. Trưởng lão Nigrodha đã an trú đức vua cùng với tùy tùng vào Tam Quy và Ngũ Giới, đồng thời cũng đã làm sanh khởi niềm tin bất động vào Giáo Pháp của đức Phật và thiết lập đức tin của phàm nhân ở nơi họ.

Sau khi cho xây dựng ngôi đại tự tên là Tu Viện Asoka, đức vua tiếp tục cung cấp bữa ăn đến sáu mươi ngàn vị tỳ khưu. Ở khắp xứ Jambudīpa, đức vua đã cho xây dựng tám mươi bốn ngàn tu viện được tô điểm bởi tám mươi bốn ngàn ngôi bảo tháp đúng thể thức và không sái quy cách ở tám mươi bốn ngàn thành phố. Nghe rằng một ngày nọ, đức vua sau khi cúng dường lễ đại thí ở tu viện Asoka đã ngồi xuống giữa hội chúng tỳ khưu số lượng sáu mươi ngàn vị, rồi đã thỉnh cầu hội chúng về bốn món vật dụng và đã hỏi câu hỏi này: “Bạch các ngài, Pháp đã được thuyết giảng bởi đức Thế Tôn có bao nhiêu?” “Tâu đại vương, có chín thể loại, tính theo uẩn thì có tám mươi bốn ngàn Pháp uẩn.”

Đức vua sau khi hâm mộ Giáo Pháp (đã suy nghĩ rằng): “Mỗi một Pháp uẩn ta sẽ cúng dường bằng một tu viện,” rồi chỉ trong một ngày đã xuất ra tài sản chín mươi sáu koṭi và đã ra lệnh cho các quan đại thần rằng: “Này các khanh, trong khi cho xây dựng mỗi một tu viện ở mỗi một thành phố, hãy cho xây dựng tám mươi bốn ngàn tu viện ở tám mươi bốn ngàn thành phố,” còn bản thân thì sắp đặt công việc cho đại tu viện Asoka ở khu vườn Asoka.

Hội chúng đã giao phó trách nhiệm về công trình mới cho trưởng lão tên Indagutta có đại thần lực có đại oai lực và đã đoạn tận lậu hoặc. Bất cứ việc nào không được hoàn tất thì vị trưởng lão đã dùng năng lực của mình làm cho hoàn thành việc ấy. Như thế, vị trưởng lão đã hoàn tất việc xây dựng các tu viện trong ba năm. Vào cùng một ngày nọ, các lá thơ từ tất cả các thành phố đã gởi đến. Các quan đại thần đã trình lên đức vua rằng: “Tâu bệ hạ, tám mươi bốn ngàn tu viện đã được hoàn tất.” Khi ấy, đức vua đã đi đến gặp hội chúng tỳ khưu và hỏi rằng: “Bạch các ngài, tám mươi bốn ngàn tu viện đã được trẫm cho xây dựng, trẫm sẽ nhận các xá-lợi ở đâu?

Tâu đại vương, chúng tôi được nghe rằng: ‘Có việc gọi là sự lưu trữ các xá-lợi,’ nhưng ở chỗ nào thì không được biết đến.” Đức vua sau khi cho phá vỡ ngôi bảo điện ở thành Rājagaha nhưng không tìm thấy xá-lợi nên đã cho xây dựng lại như trước đây, rồi đã hướng dẫn tứ chúng gồm có tỳ khưu, tỳ khưu ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ đi đến thành Vesālī. Ngay cả ở tại nơi ấy cũng không nhận được, nên đã đi đến Kapilavatthu. Thậm chí ở tại nơi này cũng không nhận được, nên đã đi đến Rāmagāma. Các loài rồng ở Rāmagāma đã không cho phép phá vỡ ngôi bảo điện; cuốc xẻng bổ xuống ngôi bảo điện đều trở thành mảnh vụn. Như thế, sau khi không nhận được ở tại nơi ấy và sau khi đã đập vỡ các ngôi bảo điện ở tất cả các nơi như Allakappa, Pāva, Kusinārā mà không nhận được xá-lợi, nên đức vua đã cho xây dựng lại như trước đây rồi đã đi đến thành Rājagaha cho triệu tập tứ chúng lại hỏi rằng: “Có người nào trước đây đã được nghe về việc gọi là sự lưu trữ các xá-lợi ở tại nơi nào hay không?

Tại nơi ấy, có vị trưởng lão một trăm hai mươi tuổi đã nói rằng: “Tôi không biết sự lưu trữ các xá-lợi là ở tại nơi nào. Tuy nhiên, vào lúc tôi được bảy tuổi, vị trưởng lão là ông nội của tôi đã bảo mang theo tràng hoa và cái rương nói rằng: ‘Này sa di, hãy đi. Có ngôi bảo tháp bằng đá ở giữa chòm cây như thế, chúng ta hãy đi đến nơi ấy.’ Sau khi đi đến và cúng dường rồi đã nói rằng: ‘Này sa di, phải ghi nhớ địa điểm này.’ Tâu đại vương, tôi biết chỉ có chừng ấy.”

Đức vua đã nói rằng: “Đúng là chỗ ấy rồi!” sau đó đã cho dời đi chòm cây và đã cho di chuyển ngôi bảo tháp bằng đá cùng với đất cát thì đã nhìn thấy mặt nền bằng vữa hồ ở bên dưới. Sau khi đã cho dời đi vữa hồ và các viên gạch khỏi nơi ấy, theo tuần tự đức vua đã đi xuống căn phòng và đã nhìn thấy bãi cát gồm bảy loại ngọc quý và các tranh gỗ dài tám mươi cánh tay quây tròn. Sau khi cho vời các dạ-xoa phục vụ đến, và ngay cả sau khi đã thực hiện nghi thức cúng tế mà vẫn không nhìn thấy ở bên trong và phía bên trên, nên đã bày tỏ sự cung kính đến các thiên nhân nói rằng: “Trẫm lấy đi các xá-lợi này rồi sẽ tôn trí trong tám mươi ngàn tu viện và sẽ thực hiện sự tôn kính. Xin các thiên nhân chớ có gây ra điều chướng ngại.”

Chúa Trời Sakka trong lúc đi du hành đã nhìn thấy việc ấy nên đã gọi Vissakamma nói rằng: “Này khanh yêu quý, vị vua công chính Asoka đã xuống đến căn phòng (nghĩ rằng): ‘Trẫm sẽ mang đi các xá-lợi.’ Ngươi hãy đi đến và dời đi các bức tranh gỗ.” Vị ấy đã hóa thân thành đứa bé trai ở thôn quê có năm bím tóc tay cầm cung đi đến đứng phía trước của đức vua nói rằng: “Tâu đại vương, tôi sẽ làm cho dời đi.” “Này khanh yêu quý, hãy mang đi.” Vị ấy đã cầm lấy mũi tên ghim vào ngay tại chỗ nối và tất cả đã bị rã tan.

Sau đó, đức vua đã cầm lấy chìa khoá và dấu niêm được buộc ở sợi dây thừng và đã nhìn thấy khối ngọc ma-ni, hơn nữa còn nhìn thấy dòng chữ “Trong ngày vị lai, các vị vua gặp khó khăn hãy lấy ngọc ma-ni này rồi tiến hành việc tôn vinh các xá-lợi” nên đã bực bội (nghĩ rằng): “Có thích đáng để gọi vị vua như ta là ‘vị vua gặp khó khăn’ hay không?” rồi đã loay hoay ra sức mở ra cánh cửa và đã đi vào bên trong gian nhà. Các cây đèn đã được thiết lập trải qua hơn hai trăm mười tám năm vẫn tỏa sáng như thế ấy. Những đóa hoa sen xanh trông như là đã được mang lại và trang hoàng vào thời khắc ấy, thảm trải bằng bông hoa trông như là đã được trải ra vào thời điểm ấy, và các hương thơm dường như đã được nghiền giã và phô bày ra vào giây phút ấy.

Đức vua đã cầm lấy cái mâm vàng và đọc lên rằng: “Trong ngày vị lai, vị hoàng tử tên Piyadāsa sẽ xứng đáng quyền cai trị và sẽ trở thành vị vua công chính tên là Asoka. Vị ấy sẽ làm cho các xá-lợi này được phổ biến lan rộng” rồi đã nói rằng: “Ta đã được ngài đại đức trưởng lão Mahākassapa nhìn thấy” sau đó đã lật ngửa bàn tay trái ra và vỗ vào bằng bàn tay phải.

Trừ ra chỉ một phần xá-lợi cho việc phụng thờ ở tại nơi ấy, đức vua đã lấy đi tất cả các xá-lợi còn lại sau đó đã đóng lại gian nhà xá-lợi theo cách thức đã được đóng lại trước đây, rồi đã cho xây dựng lại tất cả theo như tình trạng nguyên thủy. Sau khi cho thiết lập ngôi bảo điện bằng đá ở bên trên, đức vua đã an vị các xá-lợi trong tám mươi bốn ngàn tu viện. Như thế, ở xứ Jambudīpa vị vua công chính Asoka đã cho kiến tạo tám mươi bốn ngàn ngôi bảo điện.

 Tất cả các ngôi bảo tháp là ngọn đèn chung cho tất cả thế gian và là phương tiện đưa đến cõi trời và sự giải thoát cho tất cả. Sau khi đã dứt bỏ tất cả các phận sự khác, chúng sanh nên đảnh lễ các ngôi bảo tháp ấy bằng mọi cách vào mọi thời điểm.

Dút Phần Giảng Giải về Tám Mươi Bốn Ngàn Ngôi Bảo Tháp.

-ooOoo-

[4] Là ngôn ngữ đã được dùng để ghi chép lại Tam Tạng, ngày nay gọi là ngôn ngữ Pāli.

[5] Trong tài liệu này, hai từ thūpa (bảo tháp) và cetiya (bảo điện) được sử dụng thay đổi lẫn nhau. Về ý nghĩa tổng quát, thūpa chỉ áp dụng với xá-lợi (sārīrika), còn cetiya có ý nghĩa bao quát hơn được áp dụng cho: 1/ sārīrika (xá-lợi), 2/ pāribhogika (các vật đã được đức Phật sử dụng lúc còn tại thế), 3/ uddesika (các hình tượng) (Encyclopaedia of Buddhism, vol. IV, p.105).

[6] Trích lời đức Phật dạy ở bài kinh Mahāparinibbānasutta, Dīghanikāya (Kinh Đại Bát Niết Bàn, Kinh Trường Bộ I).

[7] Asaṅkheyya nghĩa là con số không thể đếm được (có đến 141 số không).

[8] 100 koṭi tương đương 1 tỷ (1 koṭi là 10 triệu).

[9] Khīṇāsava = vị có lậu hoặc đã cạn kiệt, nghĩa là đã thành tựu phẩm vị A-la-hán trở thành vị Phật.

[10] Vòng bụng ở rốn và hai vòng đầu gối.

[11] Một trong những danh hiệu của thần Inda/Indra.

[12] Để lời phát nguyện trở thành Phật có được kết quả, người phát nguyện phải thành tựu tám điều sau: là loài người, là người nam, có thể chứng đạt phẩm vị A-la-hán ngay trong kiếp ấy, được nhìn thấy vị Phật Toàn Giác đang tại thế, là vị ẩn sĩ đã xuất gia, thành tựu về thiền định, có dự định hy sinh thân mạng đến đức Phật, có ước nguyện theo đuổi việc thực hành ba-la-mật của vị Bồ Tát.

[13] Tác giả trích dẫn câu kệ 1-7 ở phần nói về đức Phật Dīpaṅkara của bộ kinh Buddhavaṃsa.

[14] 1 do-tuần = 4 gāvuta, tương đương 16 km (Khó có thể tưởng tượng được mức độ vĩ đại của một công trình như vậy cho dầu dịch ubbedha là chiều cao hay bề rộng).

[15] Câu kệ 31, sđd.

[16] 100.000 koṭi tương đương 1 triệu triệu.

[17] So sánh với câu kệ 38 ở phần nói về đức Phật Koṇḍañña, sđd.

[18] So sánh với câu kệ 32 ở phần nói về đức Phật Maṅgala, sđd.

[19] So sánh với câu kệ 34 ở phần nói về đức Phật Sumana, sđd.

[20] So sánh với câu kệ 29 ở phần nói về đức Phật Revata, sđd.

[21] Câu kệ 30 ở phần nói về đức Phật Sobhita, sđd.

[22] So sánh với câu kệ 29 ở phần nói về đức Phật Anomadassī, sđd.

[23] Câu kệ 29 ở phần nói về đức Phật Paduma, sđd.

[24] Câu kệ 33 ở phần nói về đức Phật Nārada, sđd.

[25] Câu kệ 31 ở phần nói về đức Phật Padumuttara, sđd.

[26] 80 koṭi tương đương tám trăm triệu.

[27] Câu kệ 31 ở phần nói về đức Phật Sumedha, sđd.

[28] 1 gāvuta = ¼ yojana tương đương 4 km.

[29] Câu kệ 36 ở phần nói về đức Phật Sujāta, sđd.

[30] So sánh với câu kệ 27 ở phần nói về đức Phật Piyadassī, sđd.

[31] So sánh với câu kệ 26 ở phần nói về đức Phật Atthadassī, sđd.

[32] So sánh với câu kệ 25 ở phần nói về đức Phật Dhammadassī, sđd.

[33] Câu kệ 24 ở phần nói về đức Phật Siddhattha, sđd.

[34] So sánh với câu kệ 28 ở phần nói về đức Phật Tissa, sđd.

[35] So sánh với câu kệ 25 ở phần nói về đức Phật Phussa, sđd.

[36] So sánh với câu kệ 37 ở phần nói về đức Phật Vipassī, sđd.

[37] So sánh với câu kệ 28 ở phần nói về đức Phật Sikhī, sđd.

[38] Câu kệ 30 ở phần nói về đức Phật Vessabhū, sđd.

[39] Câu kệ 27 ở phần nói về đức Phật Kakusandha, sđd.

[40] Câu kệ 29 ở phần nói về đức Phật Konāgamana, sđd.

[41] Câu kệ 51 ở phần nói về đức Phật Kassapa, sđd.

[42] Câu kệ 58 phần thứ 9 nói về Vessantara, Cariyāpiṭaka (Hạnh Tạng).

[43] Mười điểm là: “thiên giới thọ mạng, thiên sắc, thiên lạc, thiên giới danh xưng, thiên giới uy lực, thiên giới sắc tướng, thiên giới âm thanh, thiên hương, thiên vị, thiên xúc” (Kinh Tướng – Lakkhaṇasutta, KinhTrường BộDīghanikāya, lời dịch của H.T. Minh Châu).

[44] Buddhavaṃsa, chương 1, câu kệ 66-7.

[45] Jātaka-aṭṭhakathā 1, Ekakanipāta, tr. 65 PTS.

[46] Rằm tháng tư theo âm lịch Việt Nam.

[47] Koṇḍañña, Bhaddiya, Vappa, Mahānāma, và Assaji (Luật Đại Phẩm – Mahāvagga, chương 1).

[48] Năm loại nhãn quan (cakkhu) là: maṃsa-cakkhu: nhục nhãn, dibba-cakkhu: thiên nhãn, paññā-cakkhu: huệ nhãn, buddha-cakkhu: Phật nhãn, samanta-cakkhu: tuệ Toàn Giác (Được giải thích chi tiết ở Mahāniddesa thuộc Kinh Tiểu Bộ).

[49] 1 nāḷī = 2 pattha (pattha là lượng chứa của hai bàn tay bụm lại).

[50] 1 yojana = 4 gāvuta = 320 usabha; vậy 1 usabha = 1/320 yojana = 16/320 km = 1/20 km = 1000/20 m = 50 m. Như vậy 8 usabha = 400 m. Một cách tính khác, 1 usabha = 20 yaṭṭhi = 140 ratana = 1680 aṅgula # 420 m (Chiều rộng của con đường như vậy rất lớn!).

[51] Kinh Pháp Cú, Phẩm 2: Không Phóng Dật, câu 21.

-ooOoo-

 

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app