Chương 3:
GIẢNG GIẢI VỀ HAI NGÔI BẢO THÁP
THỜ BÚI TÓC VÀ VẢI CHOÀNG
Hơn nữa, sau thời kỳ của đức Thế Tôn Kassapa, không có vị nào khác được gọi là đức Phật ngoại trừ bậc Chánh Đẳng Giác này. Như thế, với sự chú nguyện đã được thọ ký trong sự hiện diện của hai mươi bốn vị Phật bắt đầu là Dīpaṅkara, v.v… đức Bồ Tát đã làm tròn đủ các ba-la-mật rồi đã hiện diện trong bản thể của Vessantara.
Trái đất này không có tâm tư, không nhận thức được sự an lạc và khổ đau; tuy vậy, nó cũng đã rúng động bảy lần do oai lực về sự bố thí của ta.[42]
Sau khi thực hiện những phước thiện làm rung động đại địa cầu như thế, đức Bồ Tát đến khi hết tuổi thọ đã từ trần tại nơi ấy rồi tái sanh về cõi Tusitā (Đẩu Suất). Ở nơi đây, đức Bồ Tát đã vượt trội các thiên nhân khác về mười điểm[43] và đã thọ hưởng sự thành tựu ở thiên giới cho đến khi hết tuổi thọ. Sự chấm dứt tuổi thọ sẽ xảy ra trong bảy ngày theo sự tính đếm của loài người khi năm điềm báo trước này xảy ra: “Các vải choàng bị dơ bẩn, các tràng hoa bị héo úa, mồ hôi bị tiết ra ở các nách, sắc xấu hiện ra ở ngay trên cơ thể, vị thiên nhân không vui thú trong tư thế của vị trời nữa.” Sau khi nhìn thấy những điều ấy, các thiên nhân đã tiếc nuối rằng: “Ôi, các cõi trời của chúng ta sẽ trở nên rỗng không!” và khi biết được tư cách tròn đủ về ba-la-mật của bậc Đại Nhân nên đã suy nghĩ rằng: “Hôm nay, vị ấy từ nơi này sẽ không đi đến cõi trời khác mà sẽ tái sanh trong thế giới loài người, sẽ đạt đến bản thể của vị Phật, và sẽ làm các phước thiện. Rồi các chúng sanh còn luân hồi sẽ tràn đầy thiên giới.”
“Bởi vì khi ta có tên là Santusita ở cõi trời Tusitā, mười ngàn (thế giới chư thiên) đã đến chắp tay thỉnh cầu ta rằng:
– Này vị đại anh hùng, đã đến lúc ngài tái sanh vào bụng mẹ. Trong lúc vượt hơn cả chư thiên, ngài sẽ giác ngộ đạo lộ Bất Tử.”[44]
Như thế, khi được thỉnh cầu vì mục đích quả vị Phật, đức Bồ Tát đã xem xét năm điều kiện quan trọng này là: “Thời kỳ, châu lục, xứ sở, gia tộc, và tuổi thọ” sau đó điều quyết định đã được thực hiện. Từ cõi ấy, đức Bồ Tát đã chết đi và tái sanh vào gia tộc vua chúa dòng Sākya (Thích Ca). Ở nơi ấy, được nuôi dưỡng trong điều kiện vật chất dồi dào, theo thời gian đức Bồ Tát đã đạt đến tuổi niên thiếu hạnh phúc. Trong khi thọ hưởng sự vinh hiển của hoàng gia tương tợ sự vinh hiển ở thế giới chư thiên, đức Bồ Tát đã ngụ trong ba tòa lâu đài thích hợp với ba mùa khí hậu. Trong lúc đi thưởng ngoạn ở công viên, đức Bồ Tát đã lần lượt nhìn thấy ba vị thiên sứ dưới hình thức già-bệnh-chết khiến tâm xao động sanh khởi nên đã quay trở về. Vào lần thứ tư, sau khi nhìn thấy vị xuất gia đức Bồ Tát (nghĩ rằng): “Tốt đẹp thay cho việc xuất gia!” và đã sanh khởi lòng hoan hỷ với việc xuất gia, sau đó đã đi đến công viên, và đã trải qua trọn ngày ở nơi ấy ngồi cạnh bờ hồ Maṅgala, rồi đã được thiên tử Vissakamma hóa thân thành người thợ cạo đi đến trang điểm và sửa soạn. Sau khi nghe được tin về sự hạ sanh của hoàng tử Rāhula và nhận biết được bản chất mạnh mẽ của lòng thương mến đứa con trai, đức Bồ Tát đã suy nghĩ rằng: “Ta sẽ cắt đứt sự trói buộc này khi nó còn chưa được phát triển.” Và trong lúc đi vào thành phố lúc chiều tối, đức Bồ Tát đã nghe được rằng:
“Người mẹ ấy quả thật được hạnh phúc!
Người cha ấy quả thật được hạnh phúc!
Người đàn bà ấy quả thật được hạnh phúc!
Bởi chồng của nàng là người như thế ấy.”
Sau khi lắng nghe lời kệ này đã được nàng Kisāgotamī là con gái của người cô ruột nói lên, đức Bồ Tát (nghĩ rằng): “Nhờ nàng ta đã được nghe về đạo lộ hạnh phúc” nên đã tháo chuỗi ngọc trai trị giá một trăm ngàn ra khỏi cổ rồi bảo người đem đến tặng nàng, sau đó đã đi vào cung điện của mình và nằm xuống trên chiếc giường sang trọng. Sau khi nhìn thấy dung sắc biến đổi của các vũ nữ đang đắm chìm trong giấc ngủ, đức Bồ Tát sanh tâm nhờm gớm nên đã đánh thức Channa dậy, rồi bảo dẫn đến con ngựa Kanthaka, sau đó đã cỡi lên con ngựa, và đã thực hiện cuộc ra đi vĩ đại có Channa là kẻ hầu cận cùng với chư thiên trong mười ngàn thế giới tháp tùng. Trong thời gian còn lại của chính đêm ấy, đức Bồ Tát đã vượt qua ba vương quốc và đã đến được bờ bên kia của giòng sông Anomā. Sau khi từ lưng ngựa leo xuống đứng trên bãi cát lấp lánh trông như đống ngọc trai, đức Bồ Tát đã trao lại các đồ trang sức và ngựa Kanthaka (nói rằng): “Này Channa, ngươi hãy cầm lấy các đồ trang sức của ta và ngựa Kanthaka rồi đi đi,” sau đó đã cầm thanh gươm báu bằng bàn tay phải cắt đi chòm tóc cùng với búi tóc đang được nắm bằng bàn tay trái (nguyện rằng): “Nếu ta sẽ trở thành vị Phật thì hãy ở trên không trung, nếu không thì hãy rơi xuống đất” rồi đã ném vào khoảng không. Chòm tóc và búi tóc đã đi đến vị trí khoảng cách một do-tuần và đã ngự ở trên không trung. Sau đó, Chúa Trời Sakka đã tiếp nhận với cái rương bằng ngọc quý có kích thước một do-tuần.
Có lời nói thế này:
Vị quý phái dòng Sākya đã cắt đi búi tóc được tẩm hương thơm cao quý rồi đã ném vào không trung. Vị Sakka ngàn mắt đê đầu tiếp nhận bằng cái rương vàng cao quý.[45]
Hơn nữa, Chúa Trời Sakka, sau khi nhận lãnh và đem về thiên giới, đã xây dựng ngôi bảo điện thờ búi tóc được làm bằng ngọc bích và có kích thước ba do-tuần ở trên đỉnh núi Suneru. Khi ấy, người bạn xưa cũ vào thời đức Phật Kassapa là vị Đại Phạm Thiên Ghaṭikāra do tình bạn hữu vẫn duy trì được trạng thái không thay đổi trong suốt một khoảng thời gian giữa hai vị Phật đã suy nghĩ rằng: “Hôm nay, người bạn hữu của ta đã thực hiện cuộc ra đi vĩ đại, vậy ta hãy đi đến và mang theo vật dụng của sa-môn cho vị ấy.”
“Ba y và bình bát,
dao cạo, kim, dây buộc,
lọc nước là tám món
của tỳ khưu thiền định.”
Vị Đại Phạm Thiên đã mang lại và trao cho tám món vật dụng của sa-môn. Bậc Đại Nhân đã khoác lên ngọn cờ của vị A-la-hán và nhận lấy hình tướng xuất gia cao thượng rồi đã ném hai tấm áo choàng lên không trung. Vị Phạm Thiên đã nhận lãnh vật ấy và đã xây dựng ngôi bảo điện thờ vải choàng được làm bằng tất cả các loại ngọc quý (kích thước) mười hai do-tuần ở cõi Phạm Thiên.
Mặc dầu phiền não của bậc Đại Nhân chưa được đoạn trừ vào thời điểm ấy, nhưng vì tư chất của ngài vải choàng và búi tóc vẫn được tôn vinh như thế.
Do đó, người không thể thực hiện sự nỗ lực lớn lao trong việc thực hành ấy của các bậc Đại Bồ Tát sao được gọi là Phật?
Dứt Phần Giảng Giải về
Hai Ngôi Bảo Tháp Thờ Búi Tóc và Vải Choàng.
-ooOoo-