Nghe Chánh-pháp (Saddhammassavana)

Nghe chánh-pháp là phước-thiện tối ư thiết yếu đối với các hàng chúng-sinh nhất là chư vị bồ-tát, nhân loại, chư-thiên các cõi trời dục-giới, chư phạm-thiên trong 15 tầng trời sắc-giới phạm-thiên (không có chư phạm-thiên tầng trời Vô-tưởng-thiên, bởi vì chư phạm-thiên này chỉ có thân mà không có tâm, và chư phạm-thiên trong 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên, bởi vì chư phạm-thiên này có tâm mà không có thân nên không nghe được).

Và phước-thiện nghe chánh-pháp cũng cần thiết đối với các bậc Thánh hữu-học là bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai, bởi vì 3 bậc Thánh-nhân này vẫn còn phải nghe chánh-pháp, để thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng đắc đến bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.

Chư thánh A-ra-hán nghe chánh-pháp

Chư Thánh A-ra-hán nghe chánh-pháp không phải để thực-hành theo chánh-pháp, mà chư bậc Thánh A-ra-hán nghe chánh-pháp để ghi nhớ chánh-pháp, duy trì, bảo tồn chánh-pháp, nên chư bậc Thánh A-ra-hán thường nghe Đức-Phật thuyết-pháp, và đôi khi cũng nghe chánh-pháp từ vị Thánh A-ra-hán khác thuyết-pháp:

Như Ngài Trưởng-lão Sāriputta, bậc Thống-Pháp (Dhammasenāpati), bậc Thánh Tối-Thượng thanh-văn bên phải có đại-trí-tuệ bậc nhất trong các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật cũng đến nghe chánh-pháp do Ngài Trưởng-lão Puṇṇamantāṇiputta thuyết bài kinh Rathavinītasutta (1)

Sau khi nghe và đàm đạo với Ngài Trưởng-lão Puṇṇa về 7 pháp-thanh-tịnh (visuddhi), Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta vô cùng hoan-hỷ nói lời Sādhu! Lành thay!

Tán dương ca tụng Ngài Trưởng-lão Puṇṇa có tài thuyết giảng chánh-pháp rõ ràng và Ngài Trưởng-lão Puṇṇa cũng tán dương ca tụng Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta có trí-tuệ siêu việt.

Đức-Phật cung-kính chánh-pháp

Một đêm nọ, Ngài Trưởng-lão Nanda ngồi thuyết- pháp tại giảng đường từ đầu hôm cho đến sáng trọn đêm suốt 3 canh, Đức-Thế-Tôn ngự đến đứng một nơi nghe chánh-pháp trọn đêm suốt 3 canh. Đến khi mãn thời pháp, Đức-Thế-Tôn thốt lên lời hoan-hỷ rằng:

“Sādhu! Sādhu!” “Lành thay! Lành thay!”

Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Nanda đến đảnh lễ Đức- Thế-Tôn, bạch rằng:

– Kāya velāya Bhante, āgatattha?

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Ngài ngự đến đây từ khi nào? Bạch Ngài.

– Tayā suttante āraddhamatte.

– Này Nanda! Như-Lai ngự đến đứng nơi đây từ khi con bắt đầu thuyết-pháp.

– Dukkaraṃ karittha Bhante, Buddhasukhumālā tumhe.

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Ngài là Đức-Phật tối-thượng đã làm điều thật khó làm.

Đức-Thế-Tôn dạy rằng:

– Sace tvaṃ Nanda, kappaṃ desetuṃ sakkuṇeyyāsi, kappamattampā’haṃ ṭhitakova suṇeyyaṃ (1).

– Này Nanda! Nếu con có thể thuyết-pháp suốt kiếp thì Như-Lai cũng đứng nghe chánh-pháp suốt kiếp được.

Evaṃ dhammagaruno Tathāgatā.

Chư Đức-Thế-Tôn đều cung-kính chánh-pháp như vậy.

Tích Ngài Trưởng-lão Soṇakuṭikaṇṇa

Tích Ngài Trưởng-lão Soṇakuṭikaṇṇa(2) được tóm lược một phần như sau:

Trong quá khứ, thời-kỳ Đức-Phật Padumuttara xuất hiện trên thế gian, tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão Soṇakuṭikaṇṇa đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, nghe chánh-pháp. Khi ấy, thấy Đức-Phật Padumuttara tuyên dương vị tỳ-khưu có đức hạnh thuyết-pháp với giọng hay nhất trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, nên tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão nghĩ rằng: “Ta cũng nên trở thành vị tỳ-khưu có đức hạnh thuyết-pháp với giọng hay nhất trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật trong thời vị-lai”.

Cho nên, tiền-kiếp Ngài Trưởng-lão kính thỉnh Đức-Phật Padumuttara ngự đến tư gia cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, để tạo phước-thiện bố-thí cúng dường suốt 7 ngày. Đến ngày thứ 7, tiền-kiếp Ngài Trưởng-lão kính bạch với Đức-Phật Padumuttara rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Ngài đã tuyên dương vị tỳ-khưu có đức hạnh thuyết-pháp với giọng hay nhất trong hàng thanh-văn đệ-tử của Ngài. Nay con cũng có ý nguyện muốn trở thành ngôi vị như vị tỳ-khưu ấy, trong giáo pháp của Đức-Phật trong thời vị-lai.

Nghe tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão bạch như vậy, Đức-Phật Padumuttara xem xét thấy sẽ được thành-tựu, nên thọ ký xác định thời gian rằng:

– Này thí-chủ! Trong thời vị-lai, còn 100 ngàn đại-kiếp trái đất nữa, con sẽ là vị tỳ-khưu có đức hạnh thuyết-pháp với giọng hay nhất trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama.

Sau khi nghe Đức-Phật Padumuttara(1) thọ ký như vậy, tiền-kiếp Ngài Trưởng-lão vô cùng hoan-hỷ biết ý nguyện của mình sẽ được thành tựu.

Tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão tử sinh luân-hồi trong các cõi trời và cõi người, để tạo 10 pháp hạnh ba-la-mật bậc hạ cho được đầy đủ suốt thời gian 100 ngàn đại-kiếp trái đất.

Trước khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, sau khi tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão chết từ cõi trời, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp chót đầu thai vào lòng cận-sự-nữ Kāḷī tại tỉnh Kuraraghara. Mang thai đủ tháng, cận-sự-nữ Kāḷī trở về nhà cha mẹ tại kinh-thành Rājagaha để sinh con.

Khi ấy, nghe 2 dạ-xoa đàm thoại với nhau, cận-sự-nữ Kāḷī ngồi dậy lắng nghe rõ Dạ-xoa Sātāgira và Dạ-xoa Hemavata tán dương ca tụng chánh-pháp của Đức-Phật Gotama. Cận-sự-nữ Kāḷī chưa từng thấy Đức-Phật, chỉ nghe chánh-pháp, rồi phát sinh đại-thiện-tâm có đức-tin trong sạch thực-hành theo chánh-pháp dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu đầu tiên (paṭhamakasotāpannā) trong các cận-sự-nữ trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.

Trong đêm ấy, cận-sự-nữ Kāḷī sinh hạ đứa con trai, đặt tên là Soṇa. Cận-sự-nữ Kāḷī ở nhà cha mẹ một thời gian, rồi trở lại nhà của mình.

Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Mahākaccayana trú tại núi Upavatta, tỉnh Kuraraghara. Hằng ngày, Ngài Trưởng-lão đến khất thực tại nhà cận-sự-nữ Kāḷī, công-tử Soṇa kính yêu Ngài Trưởng-lão.

Về sau, công-tử Soṇa được Ngài Trưởng-lão Mahā-kaccayana cho phép xuất gia trở thành sa-di, chờ đợi suốt 3 năm mới có đủ chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, để làm lễ nâng đỡ sa-di Soṇa lên trở thành tỳ-khưu Soṇa.

Ngài Trưởng-lão Mahākaccayana thuyết dạy pháp-hành thiền-tuệ cho tỳ-khưu Soṇa. Sau khi học xong, tỳ-khưu Soṇa thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứThánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Tỳ-khưu Soṇa an cư nhập hạ 3 tháng mùa mưa với Ngài Trưởng-lão Mahākaccayana, theo học Suttanipāta-pāli với vị thầy tế độ.

Sau khi ra hạ, hành lễ Pavāraṇā xong, tỳ-khưu Soṇa có ý nguyện muốn đến hầu Đức-Thế-Tôn, nên tỳ-khưu Soṇa đến đảnh lễ Ngài Trưởng-lão Mahākaccayana là vị thầy tế độ, xin phép đi đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn.

Ngài Trưởng-lão Mahākaccayana hoan-hỷ cho phép, rồi căn dặn rằng:

– Này Soṇa! Khi con đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, con sẽ được phép ở chung trong gandhakuṭi cùng với Đức-Thế-Tôn, Ngài sẽ truyền dạy con tụng đọc bài pháp.

Sau khi nghe con tụng đọc bài pháp xong, Đức-Thế-Tôn sẽ phát sinh đại-duy-tác-tâm hoan-hỷ, rồi Đức-Thế-Tôn sẽ ban cho con ân huệ, con nên nhận ân huệ ấy.

Con đảnh lễ dưới đôi chân của Đức-Thế-Tôn, rồi con nên bạch với Đức-Thế-Tôn 5 điều đúng theo lời căn dặn của thầy.

Sau khi nhận lời dạy bảo của vị thầy tế độ xong, Ngài Trưởng-lão Soṇa đảnh lễ thầy tế độ, xin phép từ giã thầy. Ngài Trưởng-lão đi đến thăm thân mẫu báo cho bà biết, Ngài được phép đi đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn tại ngôi chùa Jetavana, gần kinh-thành Sāvatthi.

Thân mẫu của Ngài vô cùng hoan-hỷ bạch với Ngài Trưởng-lão Soṇa rằng:

– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Con xin kính dâng Ngài Trưởng-lão tấm vải len lớn (kambala) này, để Ngài đem cúng dường đến Đức-Thế-Tôn làm tấm lót nền trong cốc gandhakuṭi của Đức-Thế-Tôn.

Sau khi nhận tấm vải len ấy, Ngài Trưởng-lão Soṇa xin từ giã thân mẫu, trở về chỗ ở dọn dẹp các thứ vật dụng gọn gàng, rồi mới lên đường đi tuần tự đến kinh- thành Sāvatthi, vào ngôi chùa Jetavana, đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi đứng một nơi hợp lẽ.

Đức-Thế-Tôn hỏi theo lệ thường của chư Phật xong, Đức-Thế-Tôn truyền bảo Ngài Trưởng-lão Ānanda rằng:

– Này Ānanda! Con nên sắp đặt chỗ nghỉ cho vị tỳ-khưu này.

Ngài Trưởng-lão Ānanda hiểu biết ý của Đức-Thế-Tôn, nên trải chỗ nằm nghỉ cho Ngài Trưởng-lão Soṇa trong cốc gandhakuṭi cùng với Đức-Thế-Tôn.

Đức-Thế-Tôn thực-hành phận sự như mỗi ngày, Đức-Thế-Tôn vào nằm nghiêng bên phải có chánh-niệm và trí-tuệ tỉnh-giác vào thời gian giữa của canh chót đêm, định giờ tỉnh dậy vào cuối canh chót. Đức-Thế-Tôn thức dậy biết tỳ-khưu Soṇa nghỉ ngơi lại sức rồi, nên Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

– Paṭibhātu taṃ bhikkhu, dhammo bhāsituṃ.

– Này tỳ-khưu! Con hãy nên tụng đọc chánh-pháp.

Vâng lời Đức-Thế-Tôn, Ngài Trưởng-lão Soṇa tụng tạng Kinh phần aṭṭhakavagga từng chữ từng câu đúng đắn rõ ràng với giọng rất hay. Khi Ngài Trưởng-lão Soṇa tụng xong, Đức-Thế-Tôn hoan-hỷ nói lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!

Đức-Thế-Tôn khen ngợi rằng:

– Suggahito te bhikkhu, dhammo, mayā desitakāle ca ajja ca ekasadisāva desanā, kiñci ūnaṃ vā adhikaṃ vā natthi(1).

– Này tỳ-khưu! Chánh-pháp mà con đã học, ghi nhớ đúng đắn, Như-Lai đã thuyết dạy trong thời gian trước đây và ngày nay giống như một, không thiếu không dư.

Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Soṇa nghĩ rằng: “Đây là cơ hội tốt”, nên Ngài Trưởng-lão đảnh lễ dưới hai bàn chân của Đức-Thế-Tôn, rồi bạch rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Ngài Trưởng-lão Mahā-kaccayana, vị thầy tế độ của con kính xin đảnh lễ dưới hai bàn chân của Đức-Thế-Tôn, Ngài dạy con bạch với

Đức-Thế-Tôn, có 5 điều rằng:

1- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, vùng Avantidakkhiṇā-patha có ít tỳ-khưu, con cố gắng tìm đủ 10 vị tỳ-khưu để hành-tăng-sự suốt 3 năm mới được làm lễ thọ tỳ-khưu (upasampada).

Nếu được thì kính xin Đức-Thế-Tôn cho phép làm lễ thọ tỳ-khưu (upasampadā) tại vùng Avantidakkhiṇā-patha với nhóm tỳ-khưu-Tăng hội ít hơn.

2- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, vùng Avantidakkhiṇā-patha đường sá xấu gồ ghề khó đi lại.

Nếu được thì kính xin Đức-Thế-Tôn cho phép tỳ-khưu trong vùng Avantidakkhiṇāpatha được phép mang dép.

3- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, dân chúng trong vùng Avantidakkhiṇāpatha có thói quen thường hay tắm, họ cho rằng:“Nước làm cho sạch sẽ, trong sạch”.

Nếu được thì kính xin Đức-Thế-Tôn cho phép tỳ-khưu trong vùng Avantidakkhiṇāpatha được phép tắm hằng ngày.

4- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, trong vùng Avanti-dakkhinapatha có da lót nằm như da cừu, da dê, da nai, cũng như Majjhimajanapada có lót nằm như cỏ tranh, cỏ lác.

Nếu được thì kính xin Đức-Thế-Tôn cho phép tỳ-khưu trong vùng Avantidakkhiṇāpatha được phép dùng da cừu, da dê, da nai lót nằm.

5- Kính bạch Đức Thế Tôn, các cận-sự-nam, cận-sự-nữ gửi y dâng cúng dường đến vị tỳ-khưu với lời bạch rằng:

“Kính bạch Ngài Trưởng-lão, con xin gửi bộ y này, nhờ Ngài dâng hộ đến vị tỳ-khưu có pháp danh ấy ở nơi ấy.”

Vị tỳ-khưu không dám nhận bộ y của thí-chủ, bởi vì cất giữ bộ y ấy quá ngày sẽ phạm giới “nissaggiya-pācittiya”.

Nếu được thì kính xin Đức-Thế-Tôn truyền dạy, cho phép về vấn đề y này.

Đức-Thế-Tôn cho phép đặc biệt

Do nguyên nhân đầu tiên phát sinh, nên Đức-Thế-Tôn truyền dạy chư tỳ-khưu-Tăng rằng:

1- Này chư tỳ-khưu! Vùng Avantidakkhiṇāpatha có tỳ-khưu ít, nên Như-Lai cho phép làm lễ thọ tỳ-khưu (upasampadā) với nhóm tỳ-khưu-Tăng tối thiểu 5 vị tỳ-khưu thông luật (vinayadhara) và tại tất cả mọi vùng paccantajanapada.

(Trung xứ majjhimajanapada làm lễ thọ tỳ-khưu (upasampadā) phải có nhóm tỳ-khưu-Tăng tối thiểu 10 vị tỳ-khưu thông luật (vinayadhara).

Ngoài majjhimajanapada ra, còn tất cả các nơi khác làm lễ thọ tỳ-khưu (upasampadā) phải có nhóm tỳ-khưu-Tăng hội tối thiểu 5 vị tỳ-khưu thông luật (vinayadhara)).

2- Này chư tỳ-khưu! Vùng Avantidakkhiṇāpatha có đường sá xấu gồ ghề khó đi lại, nên Như-Lai cho phép tỳ-khưu trong tất cả mọi vùng paccantajanapada được phép mang dép.

3- Này chư tỳ-khưu! Dân chúng trong vùng Avanti-dakkhiṇāpatha có thói quen thường hay tắm, họ cho rằng: “Nước làm cho sạch sẽ, trong sạch”.

Vì vậy, Như-Lai cho phép tỳ-khưu trong tất cả mọi vùng paccantajanapada được phép tắm hằng ngày.

4- Này chư tỳ-khưu! Trong vùng Avantidakkhiṇā-patha có da lót nằm như da cừu, da dê, da nai, cũng như Majjhimajanapada có cỏ lót nằm như cỏ tranh, cỏ lác, nên Như-Lai cho phép tỳ-khưu trong tất cả mọi vùng paccantajanapada được phép dùng da cừu, da dê, da nai lót nằm.

5- Này chư tỳ-khưu! Tất cả thí-chủ gửi tấm y để dâng cúng dường đến các vị tỳ-khưu ở nơi khác, với lời bạchrằng: “Các con gửi tấm y này, xin kính dâng cúng dường đến vị tỳ-khưu có pháp danh ấy”.

– Này chư tỳ-khưu! Như-Lai cho phép các con nhận tấm y ấy không quá 10 đêm.

Sau khi Đức-Thế-Tôn cho phép 5 điều của Ngài Trưởng-lão Mahākaccayana, vị thầy tế độ xong, tỳ-khưu Soṇa đảnh lễ Đức Thế Tôn bạch lời của thân mẫu rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, cận-sự-nữ Kāḷī thân mẫu của con gửi tấm vải len lớn này kính dâng lên Đức-Thế-Tôn, để lót nền cốc gandhakuṭi của Đức-Thế-Tôn.

Sau khi bạch xong, Ngài Trưởng-lão Soṇa kính dâng tấm vải len lớn (kambala) lên Đức-Thế-Tôn, rồi đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, xin phép trở về chùa.

Ngài Trưởng-lão Soṇa đã đến hầu Đức-Thế-Tôn như ý nguyện và đã hoàn thành xong phận sự mà vị thầy tế độ là Ngài Trưởng-lão Mahākaccayana đã giao phó.

Trên đường trở về núi Upavatta, tỉnh Kuraraghara. Ngài Trưởng-lão Soṇa về đến nơi, vào đảnh lễ vị thầy tế độ là Ngài Trưởng-lão Mahākaccayana, rồi xin thuật lại mọi sự việc của mình cho vị thầy tế độ nghe.

Nghe tỳ-khưu Soṇa đệ-tử thuật lại như vậy, Ngài Trưởng-lão Mahākaccayana biết 5 điều thỉnh cầu của mình đã được Đức-Phật cho phép, nên Ngài Trưởng-lão vô cùng hoan-hỷ nói lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!

Ngày hôm sau, Ngài Trưởng-lão Soṇa đi khất thực đến đứng trước cổng nhà thân mẫu. Nhìn thấy Ngài Trưởng-lão, thân mẫu ra tận cổng đón rước Ngài Trưởng-lão vào nhà, tự tay bà dâng vật thực để bát cúng dường đến Ngài Trưởng-lão.

Sau khi Ngài Trưởng-lão độ vật thực xong, thân mẫu bạch với Ngài Trưởng-lão rằng:

– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, Ngài đã đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, mọi việc đều tốt lành phải không?

– Thưa thân mẫu, mọi việc đều tốt lành.

– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, Ngài đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, bạch lời của thân mẫu hay không?

– Thưa thân mẫu, sư đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, rồi bạch lời của thân mẫu và kính dâng cúng dường tấm vải len lớn, lót nền cốc gandhakuṭi của Đức-Thế-Tôn.

– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, nghe rằng:

“Ngài Trưởng-lão đã nghỉ trong cốc gandhakuṭi cùng với Đức-Thế-Tôn, rồi Đức-Thế-Tôn truyền bảo Ngài tụng đọc chánh-pháp xong, Đức-Thế-Tôn hoan-hỷ nói lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!” Đúng vậy phải không?

– Thưa thân mẫu, thân mẫu biết bằng cách nào vậy?

– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, chư thiên trú trong nhà báo cho thân mẫu biết rằng:

“Khi nghe Đức-Thế-Tôn hoan-hỷ nói lên lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Thì toàn thể chư thiên mười ngàn thế giới đồng nói lời hoan-hỷ Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay!”

– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, thân mẫu kính thỉnh Ngài tụng chánh-pháp giống như Ngài đã từng tụng tại cốc gandhakuṭi của Đức-Thế-Tôn, có được hay không?

Nghe thân mẫu kính thỉnh như vậy, Ngài Trưởng-lão Soṇa nhận lời. Biết Ngài Trưởng-lão đã chấp thuận, nên thân mẫu của Ngài Trưởng-lão cho người trang hoàng một hội trường trước cổng nhà, có pháp tòa trang nghiêm, dân chúng tụ hội đông đủ, rồi kính thỉnh Ngài Trưởng-lão Soṇa lên ngồi trên pháp tòa tụng chánh-pháp mà Ngài Trưởng-lão đã từng tụng tại cốc gandhakuṭi của Đức-Thế-Tôn.

Về sau, Đức-Thế-Tôn chủ trì giữa chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng, tuyên dương Ngài Trưởng-lão Soṇa là vị Thánh thanh-văn đệ-tử tụng chánh-pháp với giọng hay đặc biệt nhất trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama.

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app