191.  Ồ! Còn việc tụng Kinh thì sao?

Vâng. Hãy hiểu rằng tụng Kinh là việc Thiền sư thực hiện chứ không phải Thiền sinh. Ở giai đoạn này, Thiền sinh không được dạy tụng Kinh, chỉ ở giai đoạn rất cao mới được. Bây giờ, đối với Thiền sinh, tụng Kinh chỉ là một nghi thức, nghi lễ. Công việc của Thiền sinh không phải là tụng Kinh mà là thực hành quan sát. Thiền sư có một số nhiệm vụ phải làm, một trong số đó là tạo ra các rung động tốt cho môi trường tu tập của Thiền sinh, để bất kỳ các rung động xấu nào từ bên ngoài không thể xen vào và gây phiền nhiễu cho Thiền sinh.

Vì vậy, những rung động tốt được tạo ra để bảo vệ. Chỉ tụng đọc đơn thuần sẽ không tạo ra những rung động tốt. Cách tụng như thế nào mới là quan trọng. Nếu tụng như một nghi thức hay nghi lễ thì không tạo ra được rung động tốt. Nó chỉ là một nghi thức hay nghi lễ tôn giáo. Khi đạt đến một giai đoạn nào đó, một số Thiền sinh sẽ được dạy cách tụng Kinh. Quý vị có thể nghĩ rằng học cách tụng Kinh cũng dễ như học bài ở bậc Mẫu giáo. Chúng ta chỉ việc học tiếng Pāli và rồi tụng, hay tụng bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Nhưng không phải như thế, đó không phải là cách tụng đúng theo Dhamma.

Khi tụng, ta phải ý thức được cảm giác với Sampajañña (ý thức liên tục, thấu đáo về sự sinh diệt của cảm giác). Cứ mỗi chỗ nghỉ giữa chữ này với chữ kia, ta ý thức về các cảm giác: “Aniccā” rất rõ ràng, và rồi chữ kế tiếp, và rồi nghỉ, và rồi chữ kế tiếp. Việc này tạo ra một rung động của Dhamma trong không gian và chỉ ở giai đoạn cao mới làm được. Đó là lý do tại sao các Thiền sinh không được yêu cầu tụng Kinh. Chỉ khi nào, họ đạt tới một giai đoạn nào đó mới được dạy. Và khi đó, không còn nghi thức hay lễ nghi nữa mà là một phần của thực hành Thiền, cũng như cách mà ta thêm Sampajañña vào trong mọi lĩnh vực.

192.  Thưa Ngài Goenka! Xin giải thích câu: “Nguyện cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc”? Không có cái ngã thì phần nào trong chúng sinh có thể cho hay nhận Mettā (Tâm từ)?

Có hai sự thật, sự thật bề ngoài (Tục đế) và sự thật tối hậu (Chân đế). Khi tu tập Vipassana, chúng ta đi từ sự thật bề ngoài đến sự thật tối hậu sâu xa nhất. Nhưng khi chúng ta đến chỗ tột cùng, không có nghĩa là chúng ta quên hết mọi chuyện về sự thật bên ngoài. Sự thật bề ngoài cũng là sự thật.

Ví như, sự thật bề ngoài của bức tường và cái đầu của tôi là chúng rất cứng rắn. Còn sự thật tối hậu của bức tường và cái đầu của tôi là chúng chỉ là những rung động, không gì khác. Vậy thì hãy để những rung động đi xuyên qua những rung động. Nếu tôi đập đầu vào tường thì đầu tôi sẽ vỡ. Đức Phật muốn ta ý thức được về cả hai sự thật bên ngoài lẫn tối hậu bên trong. Sự thật tối hậu là chẳng có chúng sinh nào. Nhưng khi tu tập, ta thực hiện các hành động thiện lành và tránh xa các hành động bất thiện. Mỗi khi thực hiện một hành động bất thiện như ghét bỏ, oán hận, tham lam, ác ý, thù hận,.. thì ta đang tự hại mình. Thay vào đó, mỗi khi phát khởi Mettā (Tình thương, từ bi, thiện chí), thì ta đang tự giúp mình. Đây là cách làm cho tâm ta tự tốt hơn. Nếu đi vào chiều sâu và hiểu được sự thật tối hậu, ta sẽ hiểu cả hai: “Đây là sự thật bề ngoài, đây là sự thật tối hậu”. Khi ấy, ta sẽ hành động theo cách phù hợp để đạt được mục tiêu cuối cùng. Mettā sẽ giúp chúng ta đạt được mục tiêu cuối cùng đó.

193. Sự giải thích Kinh điển của Ngài hình như không chính xác cho lắm. Làm sao Ngài có thể biết chắc rằng lời giải thích của Ngài đúng như ý Đức Phật?

Tốt lắm. Chúng ta thấy rằng mỗi người có thể giải thích những lời dạy của Đức Phật theo những cách khác nhau. Chúng ta không tranh cãi ở đây. Bởi vì, ngôn ngữ đã trải qua 25 thế kỷ, ý nghĩa cũng đã thay đổi. Và thậm chí, ngay cả ý nghĩa không thay đổi, thì vẫn có trường hợp người này không hiểu người khác muốn nói gì. Vì Đức Phật nói ra từ kinh nghiệm của Ngài. Và nếu chưa đạt đến kinh nghiệm ấy, tôi sẽ không hiểu Ngài muốn nói gì. Thế cho nên, một trong những khó khăn về ngôn ngữ là trong 25 thế kỷ, nhiều từ ngữ đã mang những ý nghĩa khác nhau và tạo ra nhiều rắc rối. Và đó là lý do khiến chúng ta thấy có nhiều cách giải thích.

 

Một khó khăn nữa là nhiều người dịch lời dạy của Đức Phật mà chưa hề trải nghiệm điều gì trong Vipassana. Có rất nhiều bản dịch lời Phật dạy. Thật không may, hầu hết các Dịch giả lại chưa bao giờ thực hành lời dạy của Ngài. Vì thế, khi thực hành, chúng ta không cần phải chỉ trích họ. Khi thực hành, ta sẽ hiểu: “À! Đây là điều mà Đức Phật muốn nói”. Bởi vì sự thực tập và kinh nghiệm của mình nói cho mình biết như thế. Ngoài ra, có vài Bản chú giải được viết trong khoảng 1000 năm hay 1500 năm sau khi Đức Phật nhập diệt.

Theo sự nghiên cứu của chúng tôi, việc thực hành Vipassana trong hình thức thuần khiết của nó đã bị thất truyền ở Ấn Độ trong vòng 500 năm sau thời của Đức Phật. Các Bản chú giải được viết ra sớm hơn, nhưng vì lý do nào đó, cũng đã bị thất lạc. Nhưng lại được gìn giữ trong Bản viết bằng tiếng Sinhali ở Sri Lanka (Tích Lan). Có người đi từ Ấn Độ sang Tích Lan và dịch sang tiếng Pāli. Những Vị ấy cũng đưa ra lời chú giải riêng của mình. Các Bản chú giải cho thấy những Vị này viết ra rất hay vì nhiều chỗ, họ tháo gỡ được các gúc mắc một cách rõ ràng. Chúng hiểu rõ được ý nghĩa từ ngữ thời ấy là như thế này, như thế kia vì họ đưa ra nhiều từ đồng nghĩa cho những từ không rõ nghĩa, điều này rất hay. Họ còn cho ta một bức tranh tuyệt vời, một sự mô tả xã hội Ấn Độ vào thời ấy.

Tất cả bối cảnh xã hội, chính trị, giáo dục, văn hóa, kinh tế, tôn giáo, triết học,… rất nhiều thứ trở nên rõ ràng nhờ vào các Bản chú giải ấy nên chúng rất có ích. Nhưng đôi lúc, vẫn có sự khác biệt. Khi kinh nghiệm nói cho chúng ta biết một điều mà các Bản chú lại giải thích một điều khác, thì khi đó, chúng ta lại phải tra cứu những lời Đức Phật dạy. Chúng ta phải tìm ra hết những lời Đức Phật dạy xem Ngài giải thích thế nào về những điều tương tự. Chúng ta phải tra cứu và nếu tìm được lời giải thích do chính Đức Phật đưa ra và rõ nghĩa, thì ta chỉ việc chấp nhận lời giải thích của Ngài mà không cần chỉ trích các Bản chú giải. Những khác biệt phát sinh như thế và có lẽ, đây là điều Vị này muốn nói. Chẳng hạn, chữ “Vedanā”, có một truyền thống xem Vedanā chỉ là cảm giác của tâm. Họ cũng có phần đúng theo đường lối riêng của mình. Bởi vì Vedanā của tâm là một thành phần trong 4 tập hợp của tâm (Thức, Tưởng, Thọ, Hành). Cho nên, khi một người thực hành Vedanānupassanā, họ nói nó thuộc về tâm. Nhưng nếu đi sâu vào những lời dạy của Đức Phật, ta sẽ thấy Ngài đưa ra lời giải thích rất rõ ràng.

Khi nói về Sukkha Vedanā hay Dukkha Vedanā, Ngài có ý nói đến cảm giác dễ chịu hay khó chịu trên thân. Còn khi nói Somanassam hay Domanassam, Ngài lại đề cập đến các cảm giác dễ chịu và khó chịu trong tâm. Ở đây, khi giảng dạy Satipaṭṭhāna, Ngài chỉ nói đến Sukkha Vedanā  và Dukkha Vedanā. Và không chỉ ở đây mà trong nhiều chỗ khác, khi nói về Vedanā, Ngài đều nói về thân, về cách thức Vedanā nảy sinh và diệt đi trong thân. Nhiều trường hợp khác, cũng có những sự khác biệt tương tự.

Nhưng nếu chúng ta trở lại với những lời dạy đích thực của Đức Phật và tra cứu hết, chúng ta sẽ tìm ra lời giải thích phù hợp với kinh nghiệm thực hành. Giống như chữ “Sampajañño”, nó cũng tạo ra nhiều rắc rối. Nó được dịch sang nhiều thứ tiếng, kể cả tiếng Anh, nghĩa là hiểu biết rõ ràng. Hiểu biết rõ ràng là sao? Hiểu biết cái gì rõ ràng? Nếu có người đang đi và nói: “Hiểu biết rõ ràng đang đi”, thì người ấy chỉ có hiểu biết rõ ràng về việc đang đi thôi. Đấy chỉ là Sati (Ý thức, chánh niệm) mà không có Sampajañño. Còn Ngài thì nói là Sampajañño, nó có nghĩa là hiểu biết với Paññā (Trí tuệ) hoàn hảo về quy luật sinh diệt: Aniccā (Vô thường) – Dukkha (Khổ) – Vô ngã (Anattā), một trong ba quy luật này. Và rồi chúng ta tra cứu về những lời dạy của Đức Phật và tìm ra lời giải thích của Ngài về Sampajañña. Sampajañña là quan sát Vedanā (Cảm giác trên thân) đang sinh khởi và diệt đi.

Nếu bỏ qua Vedanā, bỏ qua cảm giác ở trên thân mà chỉ ý thức về việc bước đi, đang ăn,…, đó không phải là Sampajañña. Ý thức là tốt cho giai đoạn “Mẫu giáo”, lúc mới bắt đầu tu tập. Như tôi đã nói, nếu có người nói: “Ngứa, ngứa, ngứa”, mà không hiểu rằng đây là Aniccā. Bắt đầu với cảm giác ngứa cũng tốt nhưng cuối cùng, việc tu tập phải đưa đến giai đoạn người ấy hiểu rằng đây là Aniccā: “Hãy xem kìa! Nó vừa sinh khởi, nó đã diệt đi”. Cơn ngứa ngáy này đang nảy sinh, cơn ngứa ngáy này đang diệt đi. Đó là Sampajañña. Nếu không bao hàm nghĩa này, ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Giống như chữ “Sati Parimukhaṃ”, có người dịch là đặt sự chú tâm ra phía trước.

Thế là phát sinh ra nhiều rắc rối. Đặt sự chú tâm ra phía trước? Rồi người ta ngồi xuống và tưởng tượng: “Sự chú tâm của tôi ở phía trước, bên ngoài, ở đâu đó bên ngoài thân, như có người nào đó nhìn thân này từ bên ngoài vào”. Toàn bộ kỹ thuật đã bị sai lệch. Đức Phật muốn chúng ta quan sát thực tại ngay trong thân, phải cảm nhận Vedanā trong Vedanā, thân trong thân, chứ không phải cảm nhận từ bên ngoài vào. Thế cho nên, nhiều người giải thích nhiều kiểu khác nhau. Nhưng việc chúng ta làm là nương tựa vào chính lời dạy của Đức Phật. Nếu có sự khác biệt giữa kinh nghiệm của chúng ta với niềm tin của các truyền thống khác và các Bản chú giải, thì chúng ta quay lại lời dạy của chính Đức Phật để tìm lời giải đáp.

Đó là lý do Viện Nghiên Cứu Vipassana được thành lập, nhằm tra mọi lời dạy của Đức Phật, bằng cách tận dụng công nghệ hiện đại như máy vi tính, … để xác định một chữ nào đó nằm ở đâu trong Kinh. Và Máy vi tính sẽ cho biết chữ đó ở đây, ở đây, ở đây…. Đó là một lượng Kinh văn đồ sộ, khoảng 40 hay 50 bộ, mỗi bộ khoảng 300 – 400 trang. Thay vì, phải mất nhiều công sức để tìm trong tất cả các cuốn Kinh sách đó và ghi nhớ Ngài đã dùng chữ “Vedanā” ở đâu. Máy vi tính giúp chúng ta làm điều này. Chúng ta tìm ở một phần đặc biệt nào đó để xem Đức Phật dùng chữ “Vedanā” như thế nào, dùng chữ “Sampajañño” ra sao. Và cứ thế, những sự khác biệt nảy sinh. Chúng ta không thể tránh được sự sai lầm này, nhưng ta không khăng khăng cho rằng bất cứ những gì tôi nói là Chân lý, chỉ những điều ấy mới là chân lý. Không có sự chấp chặt như thế. Bất cứ điều gì chúng tôi thể nghiệm và hiểu biết từ lời dạy trực tiếp của Đức Phật là lời mà chúng tôi đang nói. Bởi vì dòng truyền thừa các vị đã dạy cho chúng tôi cũng nói như thế.

Trong số những Vị Thầy ấy, có những người đã đạt đến những giai đoạn tu chứng rất cao. Chúng tôi thấy rằng tất cả đều hiểu theo cùng một cách như vậy từ kinh nghiệm của họ. Tôi cũng hiểu giống như thế qua thể nghiệm của tôi. Và hàng ngàn người trên khắp thế giới cũng hiểu giống như thế bằng kinh nghiệm thực sự của mình. Thế cho nên, chúng tôi tin tưởng rằng những gì chúng tôi đang dạy là đúng theo lời dạy của Đức Phật. Nếu có hoài nghi điều gì, tôi khuyên là hãy thực tập. Chỉ có như vậy mới xóa tan nghi ngờ, không còn cách nào khác.

Nếu kỹ thuật này không hợp với tâm trí và tri thức lý luận của quý vị , thì hãy bỏ đi và tu tập với phương pháp khác; Nhưng hãy tu tập cho đến đích cuối cùng, đừng pha trộn, đừng mãi chạy nay chỗ này, mai chỗ kia. Nhưng nếu quý vị thấy kỹ thuật nào mang lại kết quả thì hãy tu tập phương pháp đó thật sâu, càng lúc càng sâu hơn, và tất cả các thắc mắc sẽ được giải đáp. Sẽ có lúc nào đó trong đời của một hành giả thuần thục, sau khi học một ít từ Pāli, sẽ thấy rằng khi mình đọc những lời dạy của Đức Phật, mọi chuyện trở nên hết sức rõ ràng, như thể Đức Phật đang nói điều này với tôi và hướng dẫn cho tôi: “Hãy như thế này, không phải như thế kia”. Mọi chuyện sẽ hết sức rõ ràng, tất cả các từ ngữ sẽ trở nên rất rõ ràng nhờ kinh nghiệm tu tập chứ không phải nhờ lý luận, tranh cãi hay nhờ sự trí thức hóa vô bổ. Cũng nên có sự hiểu biết bằng trí thức, nhưng đồng thời kinh nghiệm của chúng ta quan trọng hơn. Chúng ta đã đến các khóa Thiền, không phải chỉ để nghe những lời dạy của Đức Phật hay lời giải thích đặc biệt của một Vị Thầy nào đó, mà là để tự thể nghiệm.

Chúng ta đã thể nghiệm phương pháp này. Hãy tiếp tục đi sâu hơn nữa thì những lời dạy của Đức Phật sẽ trở nên rõ ràng hơn. Quy luật tự nhiên trở nên rõ ràng đối với mình ở mức độ thực nghiệm, để chúng ta tự giải thoát mình khỏi tất cả các Saṅkhāra này và thể nghiệm tự do thật sự trong chính mình và cuối cùng đạt được mục đích giải thoát hoàn toàn, Nibbāna trọn vẹn. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra, tôi mỉm cười trước những câu hỏi ấy, tất cả đều hay. Cuối cùng, con người là một sinh vật có lý trí. Người ta muốn hợp lý hóa bất cứ điều gì người ta làm. Vâng, điều ấy cũng hay, ta nên làm như vậy. Nhưng đối với những người đã vượt qua quá trình ấy thì các câu hỏi này dường như là các câu hỏi “Trẻ con”.

Khi những người đang hỏi này tiếp tục thực hành thì họ sẽ thấy câu trả lời sẽ xuất hiện một cách tự nhiên. Và khi các câu trả lời xuất hiện qua kinh nghiệm thực hành thì đó là những câu trả lời đích thực. Ngài Thầy sẽ cố gắng trả lời các câu hỏi của quý vị , nhưng câu trả lời có thể hoặc không thể làm cho quý vị hài lòng. Trí thức của mình sẽ nói: “Ồ! Không” và ta có thể tranh luận như thế này, như thế kia. Nếu có câu trả lời nào làm vừa lòng quý vị thì biết đâu sau một vài ngày, một điều gì khác sẽ nảy sinh trong đầu quý vị.

Một nghi ngờ nào đó sẽ nảy sinh ra trong trí quý vị và tất cả những lời giải thích này sẽ bị xóa sạch. Thế nên, lời giải thích nếu chỉ ở mức độ trí thức sẽ có tính chất nhất thời. Lời giải thích cho mọi câu hỏi là lời giải thích mà quý vị có được qua kinh nghiệm thực tế sẽ là lời giải thích đích thực. Khi đến giai đoạn này, quý vị không còn nghi ngờ gì nữa. Làm sao còn nghi ngờ khi quý vị đã trải nghiệm qua.

Nếu ta có kinh nghiệm và tiếp tục trảãi nghiệm thì trong mỗi khóa, mặc dù nghe cùng những bài giảng và hướng dẫn như thế, ta cũng thấy một điều gì đó mới mẻ: “Ô, đúng rồi, bây giờ, mình hiểu rõ hơn. Đây mới chính là Dhamma”. Khi nghe lần thứ 100 và ta thấy: “Ô, đây mới chính là Dhamma”. Bởi vì mình thực hành càng ngày càng sâu hơn nên sự hiểu biết càng lúc càng rõ ràng hơn. Sự hiểu biết qua kinh nghiệm của mình chính là sự hiểu biết đích thực. Nó sẽ đưa ta đến giai đoạn không còn hoài nghi, xóa tan mọi nghi ngờ. Tất cả chúng ta đang bước đi đúng đắn trên con đường giải thoát chân chính. Mặc dù, con đường còn rất dài, không sao cả. Dù con đường có dài bao nhiêu đi nữa, nó cũng khởi đầu bằng bước đi đầu tiên. Chúng ta đã đi được bước đầu tiên, bước thứ hai,… và từng bước một, chắc chắn, ta sẽ đi đến bước cuối cùng.

–    Xin cảm ơn Ngài rất nhiều về Giáo Pháp kỳ diệu này.

–   Cảm ơn Pháp (Dhamma)! Pháp thật vĩ đại. Tôi chỉ là một cỗ xe. Và cũng phải cảm ơn chính bản thân bạn nữa. Bạn đã chịu khó thực hành, nhờ vậy bạn đã nắm được kỹ thuật. Một vị Thầy cứ làm công việc nói, nói mãi, nói mãi, nhưng nếu bạn không thực hành, bạn không được gì cả. Hãy sống an vui và cố gắng thực hành, cố gắng thực hành!

 

 

 

* Bài viết được tổng hợp từ cuốn Cốt Lõi Thiền Vipassana - Thiền Sư U Ba Khin, S.N. Goenka và nhiều tác giả
Các bài viết trong sách

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app