Nội Dung Chính
Giáo Án Trường Bộ Kinh
Kinh Khởi Thế Nhân Bổn (Aggañña Sutta)
Xuất Xứ:
Đức Phật đã thuyết giảng Pháp Thoại này cho hai vị Bà La Môn, có tên là VÀSETTHA và BHÀRADVÀJÀ, tại PUBBÀRÀMA, ở lầu của MIGÀRAMÀTU, thành SÀVATTHI.
Duyên Khởi:
Hai vị Bà La Môn, VÀSETTHA và BHÀRADVÀJÀ, khởi tâm muốn xuất gia để trở thành hai vị Tỳ Khưu, nhưng đã bị các vị Bà La Môn khác chỉ trích với những lời phỉ báng thật chí tình, phỉ báng thật toàn diện vì xem như hai người này từ bỏ giai cấp tối thượng là giai cấp Bà La Môn và đi xuống giai cấp hạ tiện là giai cấp Sát Đế Lỵ.
Chánh Kinh:
Đức Phật phủ nhận giá trị tối thượng của giai cấp Bà La Môn và xác nhận sự bình đẳng của bốn giai cấp theo hành vi Thiện và Ác của mình
- Có bốn giai cấp hiện hữu: Sát Đế Lỵ (KHATTIYA), Bà La Môn (BRÀHMANÀ), Phệ Xá (VESSÀ), và Thủ Đà La (SUDDA).
- Bất luận người nào thuộc một trong những giai cấp trên mà thực hành Ác Nghiệp, thì quả thật xứng bị chỉ trích, và ngược lại, thực hành những Thiện Nghiệp, thì thật xứng được tán thán khen ngợi.
- Nếu có ai trong bốn giai cấp ấy là một vị Tỳ Khưu, một vị A La Hán đã diệt tận mọi Lậu Hoặc, thành tựu Phạm Hạnh, đã đạt mục đích tối thượng, Hữu Kiết Sử đã diệt, nhờ Chánh Trí đã được giải thoát, vị ấy sẽ được xem là tối thượng so với bốn giai cấp vì xứng với Pháp, không phải không xứng với Pháp.
- Đức Phật xác định chính Pháp là tối thượng giữa các loài hữu tình trong đời này và đời sau. Một dẫn chứng điển hình là vua PASENADI, nước KOSALA, đã tôn kính, lễ độ, đảnh lễ, đứng dậy, chắp tay, và đối xử với đức Phật rất lễ độ, phải phép. Vì rằng vua PASENADI của KOSALA biết tôn trọng Pháp, cung kính Pháp, đảnh lễ Pháp, cúng dường Pháp.
- Đệ tử của đức Phật với lòng tin được an trí, có căn để, một lòng tin không bị lôi kéo, an trú, và chắc chắn trong Chánh Pháp, xứng danh là “con chính tông của đức Thế Tôn, sanh ra từ miệng, do Pháp sanh, do Pháp tạo, là con cháu thừa tự của Pháp” vì có những chữ đồng nghĩa với đức Thế Tôn là “Pháp Thân, Phạm Thân, Pháp Thể, Phạm Thể.”
Đức Phật đề cập đến khởi nguyên thế giới và sự hình thành bốn giai cấp trong xã hội
1. Đức Phật đề cập đến khởi nguyên Thế Giới
- Khi Thế Giới này được chuyển thành, thì một số lớn chúng sanh từ cõi Quang Âm Thiên (ÀBHASSARA) thác sanh qua tại đây. Do Ý sanh, nuôi dưỡng bằng Hỷ, tự chiếu hào quang, phi hành trên hư không, sống trong sự quang vinh, và sống như vậy được một thời gian lâu dài.
- Lúc bấy giờ, vạn vật trở thành một Thế Giới toàn nước đen sẩm, một màu đen khiến mắt phải mù. Mặt trời, mặt trăng không hiện ra. Sao và chòm sao không hiện ra. Không có ngày và đêm, không có tháng và nửa tháng, không có năm và thời tiết, không có đàn ông và đàn bà, chỉ có một loài hữu tình mà thôi.
- Sau một thời gian khá lâu, vị của đất tan ra trong nước, như bọt nổi lên trên mặt cháo, sữa nóng đang nguội dần, cũng vậy đất hiện ra. Đất này có màu sắc, có hương và có vị. Màu sắc của đất giống như đề hồ hay thuần túy nhũ tô, vị của đất như mật ong thuần tịnh.
- Có loài hữu tình khởi lên tánh Tham, lấy tay nếm vị của đất, vị ấy thấm vào thân, và tham ái khởi lên. Các vị khác cũng bắt chước làm giống như vậy. Rồi các hữu tình bắt đầu thưởng thực vị của đất, bằng cách bẻ từng cục đất với bàn tay, thì ánh sáng của chúng biến mất. Khi ánh sáng của chúng biến mất thì mặt trời, mặt trăng hiện ra, sao, và chòm sao hiện ra, ngày và đêm hiện ra, nửa tháng và tháng hiện ra, thời tiết và năm hiện ra. Như vậy, thế giới này bắt đần hình thành trở lại.
- Vì các hữu tình thưởng thức vị của đất, lấy đất làm món ăn trong thời gian khá lâu, nên sắc thân của chúng trở thành cứng rắn và sắc đẹp của chúng trở thành sai biệt. Có hạng hữu tình có sắc đẹp và có hạng hữu tình không có sắc đẹp. Do đó, chúng khởi sanh kiêu mạn và kiêu ngạo sắc đẹp của chúng, vị của đất biến mất. Khi vị đất biến mất, chúng hội họp lại và kêu than: ”Ôi vị ngon! Ôi vị ngon!”
- Khi vị của đất biến mất với các hữu tình ấy, có một loại nấm hiện ra, như hình mai con rắn, có sắc, có hương, có vị. Màu sắc của loại nấm này giống như đề hồ hay thuần túy nhũ tô. Vị của nấm đất như mật ong thuần tịnh. Những hữu tình bắt đầu ăn thứ nấm đất này, lấy nấm đất làm thức ăn, lấy nấm làm món ăn trong một thời gian khá lâu, nên sắc thân của chúng trở thành cứng rắn, và sắc đẹp của chúng trở thành sai biệt. Có hạng hữu tình có sắc đẹp, và có hạng hữu tình không có sắc đẹp. Do đó, chúng khởi sanh kiêu mạn và kiêu ngạo sắc đẹp của chúng, nấm đất biến mất.
- Khi nấm đất biến mất, cỏ và cây leo hiện ra, như loại cây tre hiện ra. Loại cây leo này có sắc, có hương, có vị. Màu sắc của loại cây leo này giống như đề hồ, thuần túy nhũ tô. Vị của loại cây leo này như mật ong thuần tịnh. Những hữu tình bắt đầu ăn thứ cây leo này, lấy cây leo làm thức ăn, lấy cây leo làm món ăn trong một thời gian khá lâu, nên sắc thân của chúng trở thành cứng rắn, và sắc đẹp của chúng trở thành sai biệt. Có hạng hữu tình có sắc đẹp, và có hạng hữu tình không có sắc đẹp. Do đó, chúng khởi sanh kiêu mạn và kiêu ngạo sắc đẹp của chúng, cỏ và cây leo biến mất. Khi cỏ và cây leo biến mất, chúng hội họp lại và kêu than: “Ôi, cái này thuộc chúng ta. Ôi, hại thay cho chúng ta. Nay cỏ và cây leo đã biến mất.”
- Khi cỏ và cây leo biến mất, cây lúa xuất hiện tại các khoảng trống, không có vỏ, không có cám, có mùi thơm, và hột trơn nhẵn. Chỗ nào, vào buổi chiều chúng mang đi ăn chiều, thì tại chỗ ấy, vào buổi sáng lúa lại mọc lớn và chín. Chỗ nào, vào buổi sáng chúng mang đi ăn sáng, thì tại chỗ ấy, vào buổi chiều lúa lại mọc lớn và chín, không gián đoạn. Những hữu tình bắt đầu thưởng thức lúa mọc tại khoảng trống, lấy lúa làm thức ăn, lấy lúa làm món ăn trong một thời gian khá lâu, nên sắc thân của chúng trở thành cứng rắn, và sắc đẹp của chúng trở thành sai biệt. Về phái nữ, nữ tánh xuất hiện. Về phái nam, nam tánh xuất hiện. Phái nữ nhìn phái nam hết sức kỹ lưỡng, phái nam nhìn phái nữ hết sức kỹ lưỡng, như vậy tình dục khởi lên, ái luyến đối với thân thể bắt đầu. Do sự ái luyến, chúng làm các hạnh dâm. Lúc bấy giờ, những hữu tình ấy thấy làm các hạnh dâm như vậy, người thì quăng bùn, người thì quăng tro, người thì quăng phân bò với những lời chỉ trích: “Hãy chết đi, đồ ô uế! Hãy chết đi, đồ ô uế! Sao một loài hữu tình lại đối xử với một loài hữu tình khác như vậy.”
- Lúc bấy giờ, việc hành dâm được xem là phi pháp, và các loài hữu tình ấy hành dâm không được phép vào làng hay xã một tháng, hay cả hai tháng. Vì những hữu tình ấy, lúc bấy giờ bị chỉ trích mau chóng vì hành động phi pháp, nên chúng bắt đầu làm nhà cửa để che dấu những hành động phi pháp của chúng.
- Có loài hữu tình bản tánh biếng nhác, sợ mỏi mệt, nên đi cắt lúa đem về nhà dự trữ để ăn cả một ngày, hai ngày, rất nhiều ngày. Từ việc bắt đầu tích trữ lúa để ăn, cám bắt đầu bao bọc hạt gạo trơn nhẵn, và vỏ lúa bao bọc hạt lúa. Cây lúa bị cắt không lớn lên được, như vậy có sự gián đoạn và các cây lúa mọc lên từng cụm, từng chùm. Các loài hữu tình hội họp lại và kêu than, khởi lên sự phân chia lúa và đắp đê ngăn bờ ruộng lúa.
- Có loài hữu tình với bản tánh biếng nhác, chỉ lo gìn giữ phần của mình, đánh cắp phần của người khác, và thưởng thức phần ấy. Loài hữu tình đó bị bắt gặp một lần, nhiều lần, chúng bị con người đánh bằng tay, có người đánh bằng đá, có người đánh bằng gậy. Như vậy, bắt đầu lấy của không cho xuất hiện, quở trách xuất hiện, nói láo xuất hiện, và hình phạt đánh đập xuất hiện. Các loài hữu tình hội họp lại và kêu than trước cảnh trạng của xã hội.
2. Đức Phật nói đến sự hình thành bốn giai cấp trong xã hội
Hình thành giai cấp KHATTIYÀ (Sát Đế Lỵ)
Các hữu tình hội họp lại và đề cử một người đại diện để xử lý mọi sự vụ trong mọi tình huống và được trả công đức bằng lúa. Vị đại diện ấy có sắc đẹp nhất, có gương mặt dễ nhìn nhất, và được ái luyến nhiều nhất.
“Được lựa chọn bởi đại chúng,” tức là MAHÀ SAMMATO, đây là danh từ đầu tiên được khởi lên.
“Vị chủ của ruộng vườn,” tức là KHATTIYÀ, đây là danh từ thứ hai được khởi lên.
“Làm cho mọi người hoan hỷ bởi đúng phép tắc” (DHAMMA), tức là RÀJA (vị vua), đây là danh từ thứ ba được khởi lên.
Như vậy, là sự khởi lên nguồn gốc của giới vức xã hội của KHATTIYÀ theo danh từ truyền thống cổ xưa. Nguồn gốc của chúng là ở giữa những loài hữu tình, không ở ngoài loại nào khác, một cách đúng phép tắc, không phải phi pháp. Như vậy, Pháp (DHAMMA) là tối thượng ở trên đời, trong hiện tại và cả cho đời sau.
Hình thành giai cấp BRAHMANÀ (Bà La Môn)
Có một số các vị hữu tình từ bỏ các Ác Pháp, Bất Thiện Pháp, tức là BRAHMANÀ (Bà La Môn), là danh từ đầu tiên được khởi lên. Những vị này lập lên những chòi bằng lá tại các khu rừng, tu thiền trong những nhà chòi bằng lá ấy, và đi vào thành thị hay làng xã để sống hạnh khất thực. Chúng suy tư tu tập Thiền, nên danh từ JHÀYAKÀ (Thiền Giả) là danh từ thứ hai được khởi lên.
Có một số loài hữu tình, không thể tu Thiền trong các chòi bằng lá tại khu rừng, liền đi xuống quanh làng, thị xã để làm sách. Các vị này không tu Thiền được, nên chúng được gọi là AJJHÀYAKÀ (Phi Thiền Giả – các vị lập nên các VEDÀ), đây là danh từ thứ ba được khởi lên. Khởi đầu, chúng thuộc hạ cấp. Nay chúng được xem là cao thượng nhất.
Như vậy, là sự khởi lên nguồn gốc của giới vức xã hội của BRAHMANÀ theo danh từ truyền thống cổ xưa. Nguồn gốc của chúng là ở giữa những loài hữu tình, không ở ngoài loại nào khác, một cách đúng phép tắc, không phải phi pháp. Như vậy, Pháp (DHAMMA) là tối thượng ở trên đời, trong hiện tại và cho cả đời sau,
Hình thành giai cấp VESSÀ
Có một số loại hữu tình sống theo hạnh dâm dục, thiết lập các nghề nghiệp sai khác (VISUTTA). Những ai sống theo pháp dâm dục, thiết lập các nghề sai khác nhau, như vậy gọi là VESSÀ, là danh từ đầu tiên được khởi lên.
Như vậy, là sự khởi lên nguồn gốc của giới vức xã hội của VESSÀ theo danh từ truyền thống cổ xưa. Nguồn gốc của chúng là ở giữa những loài hữu tình, không ở ngoài loại nào khác, một cách đúng phép tắc, không phải phi pháp. Như vậy, Pháp (DHAMMA) là tối thượng ở trên đời, trong hiện tại và cho cả đời sau.
Hình thành giai cấp SUDDÀ
Có một số loại hữu tình còn lại, chọn sự săn bắn và theo các nghề hạ liệt, nên được gọi là SUDDÀ, là danh từ đầu tiên được khởi lên.
Như vậy, là sự khởi lên nguồn gốc của giới vức xã hội của SUDDÀ theo danh từ truyền thống cổ xưa. Nguồn gốc của chúng là ở giữa những loài hữu tình, không ở ngoài loại nào khác, một cách đúng phép tắc, không phải phi pháp. Như vậy, Pháp (DHAMMA) là tối thượng ở trên đời trong hiện tại và cho cả đời sau.
Hình thành giai cấp SAMANA (SA MÔN)
Từ bốn giai cấp này, tự trách pháp của mình, có một vị xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, sống làm người Sa Môn. Như vậy, giai cấp SAMANA (SA MÔN) được khởi lên từ bốn giai cấp này.
Như vậy, là sự khởi lên nguồn gốc của giới vức xã hội của SAMANA. Nguồn gốc của chúng là ở giữa những loài hữu tình, không ở ngoài loại nào khác, một cách đúng phép tắc, không phải phi pháp. Như vậy, Pháp (DHAMMA) là tối thượng ở trên đời, trong hiện tại và cho cả đời sau.
Bất luận trong bốn giai cấp trên, có một vị thực hiện Tà Hạnh về Thân, Lời, Ý, thì sau khi thân hoại mạng chung, với Tà Nghiệp ấy làm nhân duyên sanh vào Khổ Thú. Ngược lại, nếu thực hiện Chánh Hạnh về Thân, Lời, Ý, thì sau khi thân hoại mạng chung, với Chánh Nghiệp làm nhân duyên sanh về Thiện Thú. Nếu làm lẫn lộn, vừa Chánh Kiến và Tà Kiến, Chánh Hạnh và Tà Hạnh, thì sau khi thân hoại mạng chung, sẽ thọ lãnh vừa khổ thọ và lạc thọ.
Nếu biết sống tự chế về Thân, Lời, Ý, sau khi tu tập Thất Giác Chi, đã diệt trừ hoàn toàn các Ác Pháp ngay trong đời hiện tại, các Lậu Hoặc đã diệt tận, việc phải làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục tiêu đã đạt tới, Hữu Kiết Sử đã diệt trừ, Chánh Trí giải thoát. Vị ấy được gọi là Tối Thượng trong tất cả giai cấp, đúng với Chánh Pháp, không phải phi pháp.
Cuối cùng, đức Phật kết luận, nếu luận bàn thì giai cấp Sát Đế Lỵ là tối thắng, nhưng thật sự chỉ có những ai có giới hạnh và trí tuệ mới thật sự Tối Thượng giữa Chư Thiên và Nhân Loại.
“Chúng sanh tin giai cấp, Sát Đế Lỵ tối thắng.
Ai đủ cả Trí Đức,
Tối thắng giữa Nhân Thiên.”
Kết Luận:
Sau khi đức Phật dứt lời Pháp Thoại này, VÀSETTHA và BHÀ-RADVÀJÀ hoan hỷ tín thọ lời dạy của đức Thế Tôn.