Giải Thích 4 Loại Giới

1- Bhikkhusīla: Tỳ-khưu-giới

Bhikkhusīla: tỳ-khưu-giới là giới mà tỳ-khưu không phải thọ trì như giới của người tại-gia, cận-sự-nam (upāsaka) hoặc cận-sự-nữ (upāsikā).

Trong buổi lễ upasampadā: nâng đỡ vị sa-di giới-tử lên tỳ-khưu, do chư tỳ-khưu-Tăng có từ 5 vị tỳ-khưu thật trở lên tụ hội tại sīmā hành tăng-sự, có 2 – 3 Ngài Trưởng-lão luật-sư tụng ñatticatutthakammavācā, nghĩa là tụng 1 lần ñatti: tuyên-ngôn và 3 lần kammavācā: thành-sự-ngôn, đến lần thứ 3 chấm dứt, ngay khi ấy vị sa-di giới-tử trở thành bhikkhu: tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, và đồng thời có tỳ-khưu-giới gồm có 227 điều-giới hoàn toàn đầy đủ, 14 pháp-hành của vị tỳ-khưu, …

Vị tỳ-khưu mới (navaka bhikkhu) có thể ăn ở chung với chư tỳ-khưu, hành tăng-sự chung với chư tỳ-khưu.

Trở thành tỳ-khưu

Để trở thành vị tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, người nam giới-tử cần phải hội đầy đủ 5 chi-pháp thành-tựu tỳ-khưu (sampatti) là:

1- Vatthusampatti: sa-di giới-tử hợp với Luật.

2- Ñattisampatti: tụng ñatti đúng theo văn phạm Pāḷi.

3- Anusāsanasampatti: tụng kammavācā đúng theo văn phạm Pāḷi.

4- Sīmāsampatti: chỗ ranh giới sīmā hoàn toàn đúng theo Luật.

5- Purisasampatti: chư tỳ-khưu-Tăng hội đầy đủ để hành tăng-sự.

Đó là 5 chi-pháp đúng theo Tạng Luật Pāḷi trong bộ Cūḷavaggaṭṭhakathāpāḷi.

Giảng giải 5 chi-pháp trở thành tỳ-khưu

1- Vatthusampatti: Sa-di giới-tử hợp với Luật:

Sa-di giới-tử là người nam đủ 20 tuổi kể từ khi đầu thai hoặc hơn 20 tuổi, là người không có tật nguyền, cũng không thuộc vào 13 hạng người có lỗi cấm trở thành tỳ-khưu. (1)

Nếu sa-di giới-tử là người nam chưa đủ 20 tuổi, hoặc có tật nguyền, hoặc thuộc vào 1 trong 13 hạng người có lỗi cấm trở thành tỳ-khưu, thì gọi là vatthuvippatti: sa-di giới-tử không hợp với Luật.

2- Ñattisampatti: Tụng ñatti (tuyên-ngôn) đúng theo văn phạm Pāḷi:

Ngài Trưởng-lão luật sư là vị thông thạo văn phạm Pāḷi, rành rẽ về cách hành tăng-sự, tụng ñatti (tuyên-ngôn) 1 lần từng nguyên âm, từng phụ âm từng chữ đúng theo ṭhāna, karaṇa, payatana và đúng theo 10 byañjanabuddhi.

Nếu Ngài Trưởng-lão luật sư không hiểu biết rõ văn phạm Pāḷi, tụng ñatti (tuyên-ngôn) 1 lần không đúng từng nguyên âm, từng phụ âm, từng chữ không đúng theo ṭhāna, karaṇa, payatana và không đúng theo 10 byañjanabuddhi thì gọi là ñattivippatti: tụng tuyên ngôn không đúng theo văn phạm Pāḷi.

3- Anussāsanasampatti: Tụng kammavācā thành-sự-ngôn đúng theo văn phạm Pāḷi.

Ngài Trưởng-lão luật sư là vị thông thạo văn phạm Pāḷi, rành rẽ về cách hành tăng-sự, tụng kammavācā (thành-sự-ngôn) 3 lần từng nguyên âm, từng phụ âm, từng chữ đúng theo ṭhāna, karaṇa, payatana và đúng theo 10 Byañjanabuddhi.

Nếu Ngài Trưởng-lão luật sư không hiểu biết rõ văn phạm Pāḷi, tụng kammavācā (thành-sự-ngôn) 3 lần từng nguyên âm, từng phụ âm, từng chữ không đúng theo ṭhāna, karaṇa, payatana và không đúng theo 10 byañjanabuddhi, thì gọi là anussāsanavippatti: thành-sự-ngôn không đúng theo văn phạm Pāḷi.

4- Sīmāsampatti: Ranh-giới Sīmā đúng theo Luật:

Sīmā là ranh giới có diện tích không lớn quá 3 do-tuần, cũng không nhỏ quá không đủ cho 21 vị tỳ-khưu ngồi cách nhau hatthapāsa (2 cùi tay và 1 gang), để hành các tăng-sự, xung quanh chu vi ranh giới Sīmā có đầy đủ các dấu nimitta.

Sīmā là một nơi riêng biệt để chư tỳ-khưu-Tăng từ 4-5 vị trở lên hội họp hành các loại tăng-sự uposathakamma, tụng ñatti kammavācā, …

Nếu ranh-giới Sīmā không đúng theo Tạng Luật Pāḷi mà Đức-Phật đã chế định và ban hành, nghĩa là ranh-giới Sīmā không làm đúng theo Tạng Luật Pāḷi thì gọi là sīmāvippatti: ranh-giới Sīmā không đúng theo Luật.

Sīmā là ranh giới chu vi rõ rệt, khi chư tỳ-khưu-Tăng hành tăng-sự cần phải ngồi cách nhau trong hatthapāsa (2 cùi tay và 1 gang), sīmā có tầm quan trọng trong Phật-giáo, bởi vì sīmā là nơi thành-tựu tỳ-khưu, cũng là nơi để thành-tựu các pháp-hành tăng-sự khác trong Phật-giáo.

5- Purisasampatti: Chư tỳ-khưu-Tăng đủ số lượng hành tăng-sự:

Đức-Phật cho phép làm lễ upasampadā: lễ nâng đỡ vị sa-di giới-tử lên vị tỳ-khưu tại trung Ấn-độ (majjhima-padesa) cần phải có ít nhất 10 vị tỳ-khưu thật, hay nhiều hơn càng tốt.

Ngoài trung Ấn-độ ra, các tỉnh nơi biên địa, kể cả các nước khác, Đức-Phật cho phép làm lễ upasampadā cần phải có ít nhất 5 vị tỳ-khưu thật, hay nhiều hơn càng tốt.

Chư tỳ-khưu-Tăng gồm có đủ số lượng cần thiết hội họp tại sīmā, hành tăng-sự, có 3 hoặc 2 hoặc 1 Ngài Trưởng-lão luật sư tụng ñatticatutthakammavācā, tụng 1 lần ñatti và tiếp theo tụng 3 lần kammavācā, gọi là ñatticatutthakammavācā để thành tựu lễ nâng đỡ vị nam sa-di giới-tử trở thành vị tỳ-khưu đúng theo Tạng Luật Pāḷi mà Đức-Phật đã ban hành.

Vị tỳ-khưu mới (navakabhikkhu) ấy trở thành 1 trong tứ chúng: tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, cận-sự-nam, cận-sự-nữ của Đức-Phật Gotama.

Nếu chư tỳ-khưu-Tăng không có đủ số lượng cần thiết, nghĩa là tại trung Ấn-độ, không có đủ 10 vị tỳ-khưu thật, hoặc tại các tỉnh biên địa, kể cả các nước khác không có đủ 5 vị tỳ-khưu thật để hành tăng-sự, làm lễ upasampadā ấy thì gọi là purisavippatti: chư tỳ-khưu-Tăng không đủ số lượng hành tăng-sự.

* Trường hợp tuy có nhiều vị tỳ-khưu hội họp tại sīmā, nhưng trong số tỳ-khưu ấy phần đông là tỳ-khưu không thật, còn lại số tỳ-khưu thật không có đủ số lượng cần thiết 5 vị tỳ-khưu thật, thì cũng gọi là purisavippatti: chư tỳ-khưu-Tăng hội không đủ số lượng hành tăng-sự.

Trong trường hợp lễ upasampadā: nâng đỡ vị nam sa-di giới-tử lên tỳ-khưu ấy hội đủ 5 chi-pháp sampatti là vatthusampatti ñattisampatti, anusāsanasampatti, sīmāsampatti, purisasampatti thì lễ nâng đỡ vị nam sa-di giới-tử lên tỳ-khưu được thành-tựu, nên vị nam sa-di giới-tử trở thành vị tỳ-khưu thật.

Nhưng nếu trong buổi lễ upasampadā nâng đỡ vị nam sa-di giới-tử lên tỳ-khưu ấy, có 1 trong 5 chi-pháp vippatti là vatthuvippatti, ñattivippatti, anusāsanavippatti, sīmāvippatti, purisavippatti thì lễ upasampadā ấy không thành tựu, nên vị nam sa-di giới-tử không trở thành vị tỳ-khưu thật, dù biết hay không biết cũng không phải là vị tỳ-khưu thật trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.

Trở thành tỳ-khưu thật

Nam sa-di giới-tử nào trong cuộc lễ upasampadā nếu có đầy đủ 5 chi-pháp sampatti là vatthusampatti, ñatti-sampatti, anusāsanasampatti, sīmāsampatti, purisa-sampatti, khi Ngài Trưởng-lão luật sư tụng ñatti-catutthakammavācā xong, thì lễ upasampadā ấy được thành tựu, vị nam sa-di giới-tử ấy trở thành tỳ-khưu thật, ngay lúc ấy, vị tỳ-khưu mới (navakabhikkhu) có đầy đủ 227 điều-giới của tỳ-khưu như các tỳ-khưu khác, có 14 pháp hành của tỳ-khưu, …

Tỳ-khưu mới có thể sinh hoạt chung với các tỳ-khưu khác như ăn ở, hành tăng-sự chung với các tỳ-khưu khác.

Không trở thành tỳ-khưu thật

Nam sa-di giới-tử nào trong cuộc lễ upasampadā, nếu có 1 trong 5 chi-pháp vippatti là vatthuvippatti, ñatti-vippatti, anusāsanavippatti, sīmāvippatti, purisavippatti, dù khi Ngài Trưởng-lão luật sư tụng ñatticatuttha-kammavācā xong, cuộc lễ upasampadā ấy vẫn không được thành tựu, vị nam sa-di giới-tử ấy không trở thành tỳ-khưu thật đúng theo Tạng Luật Pāḷi, nên không có 227 điều-giới của tỳ-khưu như các tỳ-khưu khác, không có 14 pháp-hành của tỳ-khưu.

Nếu gọi là tỳ-khưu thì chỉ là tên tỳ-khưu mà thôi, (không phải là tỳ-khưu thật), bởi vì, cuộc lễ nâng đỡ lên tỳ-khưu (upasampadā) ấy không thành tựu.

Vị tỳ-khưu đầu tiên trong Phật-giáo

Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian vào ngày rằm tháng tư (âm-lịch) tại cội Đại-Bồ-đề trong khu rừng (nay gọi là Buddhagayā), đến ngày rằm tháng 6, Đức-Phật Gotama ngự đến khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, gần kinh-thành Bārāṇasī, nơi ấy có nhóm 5 tỳ-khưu là Ngài Đại-Trưởng-lão Koṇḍañña, Ngài Vappa, Ngài Bhaddiya, Ngài Mahānāma, Ngài Assaji.

Vào buổi chiều ngày rằm tháng 6, Đức-Phật Gotama lần đầu tiên thuyết bài kinh Dhammacakkappavattana-sutta: Kinh chuyển-pháp-luân tế độ nhóm 5 tỳ-khưu ấy.

Sau khi nghe Đức-Phật Gotama thuyết giảng bài Kinh chuyển-pháp-luân xong, nhóm 5 tỳ-khưu phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan-hỷ trong lời dạy của Đức-Phật.

Trong nhóm 5 tỳ-khưu ấy, chỉ có Ngài Đại-Trưởng-lão Koṇḍañña là vị đầu tiên chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu đầu tiên trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama, nên Ngài có tên mới là “Aññāsikoṇḍañña”.

Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành sa-di, tỳ-khưu trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.

Đức-Phật có Phật-nhãn thấy rõ, biết rõ phước-duyên của Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña có đầy đủ 8 thứ vật dụng cần thiết của tỳ-khưu được thành-tựu do quả phước như thần-thông, nên Đức-Phật đưa bàn tay phải, chỉ bằng ngón trỏ mà truyền dạy rằng:

“Ehi bhikkhu! Svākkhāto dhammo cara brahmacariyaṃ sammā dukkhassa antakariyāya.”

– “Này Aññāsikoṇḍañña! Con hãy đến với Như-lai, con trở thành tỳ-khưu theo ý nguyện, Chánh-pháp mà Như-lai đã thuyết giảng hoàn hảo ở phần đầu, phần giữa, phần cuối. Con hãy nên cố gắng tinh-tấn hành phạm-hạnh cao thượng, để chứng đắc A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.”

Đức-Phật truyền dạy vừa chấm dứt, ngay khi ấy, hình tướng cũ của Ngài đại-trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña biến mất, thay vào tăng tướng mới đạo mạo là vị tỳ-khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng cần thiết của tỳ-khưu được thành-tựu do quả phước như thần thông.

Vị tỳ-khưu có tăng tướng trang nghiêm, lục môn thanh-tịnh như vị tỳ-khưu có 60 hạ.

Như vậy, Ngài đại-trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña là vị tỳ-khưu đầu tiên trong giáo-pháp của Đức-Phật Gotama.

Trở thành tỳ-khưu theo cách “Ehi bhikkhūpasampadā” này chỉ có từ Đức-Phật mà thôi.

Về sau, Đức-Phật cho phép chư tỳ-khưu làm lễ xuất gia cho nam giới-tử trở thành tỳ-khưu theo cách tụng “ñatticatutthakammūpasampadā” nghĩa là tụng 1 lần ñatti: tuyên-ngôn và 3 lần kammavācā: thành-sự-ngôn.

Cách ñatticatutthakammūpasampadā này được duy trì từ thời Đức-Phật còn hiện hữu trên thế gian, và sau khi Đức-Phật Gotama đã tịch diệt Niết-bàn vẫn còn được duy trì cho đến ngày nay trong các nước theo truyền thống Phật-giáo nguyên-thuỷ Theravāda như nước Srilankā (Tích-Lan), nước Myanmar (Miến-Điện), nước Thái-Lan, nước Kampuchia, nước Lào, Phật-giáo nguyên-thuỷ Theravāda tại Việt-Nam,…

Bhikkhusīla: Tỳ-khưu-giới

Giới của tỳ-khưu gồm có 227 điều-giới, chia ra làm 8 loại giới:

1- Giới Pārājika gồm có 4 điều-giới.

2- Giới Saṃghādisesa gồm có 13 điều-giới.

3- Giới Aniyata gồm có 2 điều-giới.

4- Giới Nissaggiya gồm có 30 điều-giới.

5- Giới Suddha pācittiya gồm có 92 điều-giới.

6- Giới Pāṭidesanīya gồm có 4 điều-giới.

7- Giới Sekhiya gồm có 75 điều-giới.

8- Điều Adhikaraṇasamatha gồm có 7 điều.

Trong 8 loại giới này phân chia ra 7 loại āpatti:

1- Pārājika āpatti: Sự phạm điều-giới pārājika.

2- Saṃghādisesa āpatti: Sự phạm điều-giới

saṃghādisesa.

3- Thullaccaya āpatti: Sự phạm điều-giới thullaccaya.

4- Pācittiya āpatti: Sự phạm điều-giới pācittiya.

5- Pāṭidesaniya āpatti: Sự phạm điều-giới pāṭidesaniya.

6- Dukkaṭa āpatti: Sự phạm điều-giới dukkaṭa.

7- Dubbhāsita āpatti: sự phạm điều-giới dubbhāsita.

Trong 7 loại āpatti này phân chia ra làm 2 loại:

– Garuka āpatti là phạm điều-giới nặng gồm có 2 loại là pārājika āpatti và saṃghādisesa āpatti.

Sở dĩ 2 loại āpatti này gọi là āpatti nặng là vì tỳ-khưu nào đã phạm điều-giới này, tỳ-khưu ấy không thể sám hối được.

* Nếu vị tỳ-khưu nào phạm điều-giới pārājika (bại hoại phẩm-hạnh) này thuộc āpatti nặng thì vị tỳ-khưu ấy đã bị bại hoại phẩm-hạnh tỳ-khưu của mình rồi, không còn là tỳ-khưu nữa, phải hoàn tục trở thành cận-sự-nam hoặc xuống trở thành vị sa-di suốt đời, mà không được phép xuất gia trở thành tỳ-khưu được nữa.

Nếu tỳ-khưu nào đã phạm điều-giới pārājika ấy rồi mà không chịu hoàn tục trở thành người cận-sự-nam thì gọi là tỳ-khưu dussīla, tỳ-khưu phá giới, tỳ-khưu không có giới.

* Nếu vị tỳ-khưu nào đã phạm 1 trong 13 điều-giới saṃghādisesa thuộc về āpatti nặng này thì vị tỳ-khưu ấy tuy vẫn còn là tỳ-khưu nhưng là tỳ-khưu phạm điều-giới saṃghādisesa phải chịu hành phạt theo luật của Đức-Phật đã chế định.

Để thoát ra khỏi sự phạm điều-giới saṃghādisesa, vị tỳ-khưu ấy cần phải đến trình chư tỳ-khưu-Tăng biết, rồi xin chịu hành phạt đúng theo các pháp-hành mà Đức-Phật đã chế-định và ban hành đến chư tỳ-khưu phạm điều-giới saṃghādisesa.

– Xin thọ parivāsakamma xong, tiếp theo

– Xin thọ mānattakamma xong, tiếp theo

– Xin hành abbhāna.

* Nếu vị tỳ-khưu nào biết mình đã phạm điều-giới saṃghādisesa nào, khi ấy, đến trình với vị tỳ-khưu khác, không có tác-ý che giấu sự phạm điều-giới saṃghā-disesa ấy của mình qua cách đêm, thì vị tỳ-khưu ấy không cần xin thọ parivāsakamma. Vị tỳ-khưu ấy cần phải đến trình với chư tỳ-khưu-Tăng, xin thọ mānatta-kamma, rồi thực-hành mānattakamma suốt 6 đêm.

* Nếu vị tỳ-khưu nào đã phạm điều-giới saṃghādisesa nào, rồi có tác-ý che giấu sự phạm điều-giới saṃghā-disesa ấy của mình qua thời gian cách bao nhiêu đêm, thì vị tỳ-khưu ấy phải xin thọ parivāsakamma, rồi thực-hành parivāsakamma suốt bấy nhiêu đêm đủ xong rồi. Vị tỳ-khưu ấy cần phải đến trình với chư tỳ-khưu-Tăng, xin thọ mānattakamma, rồi thực-hành mānattakamma suốt 6 đêm.

Trong suốt khoảng thời gian vị tỳ-khưu phạm điều-giới saṃghādisesa ấy, bị hành phạt, thực-hành parivāsa-kamma và mānattakamma, vị tỳ-khưu phạm điều-giới ấy không được phép ăn ở sinh hoạt chung với chư tỳ-khưu bình thường khác.

Sau khi thực-hành mānattakamma suốt 6 đêm xong rồi, vị tỳ-khưu ấy kính thỉnh chư tỳ-khưu-Tăng có ít nhất 21 vị tỳ-khưu thật tụ hội tại sīmā, vị tỳ-khưu ấy xin thọ hành abbhānakamma.

Ngài Trưởng-lão luật sư tụng abhānakammavācā xong, khi ấy vị tỳ-khưu ấy mới thoát ra khỏi sự phạm giới saṃghādisesa ấy, và được phép trở lại sinh hoạt chung với chư tỳ-khưu-Tăng, như ăn ở chung, hành tăng-sự chung với chư tỳ-khưu như trước.

– Lahuka āpatti là phạm điều-giới nhẹ gồm có 5 loại āpatti còn lại là thullaccaya āpatti, pācittiya āpatti, pāṭidesaniya āpatti, dukkaṭa āpatti, dubbhāsita āpatti.

Sở dĩ 5 loại āpatti này gọi là āpatti nhẹ là vì tỳ-khưu nào đã phạm các điều-giới nhẹ này, tỳ-khưu ấy có thể sám hối được, để cho giới của tỳ-khưu ấy được trong sạch trở lại.

Nếu tỳ-khưu nào phạm điều-giới thuộc về āpatti nhẹ nào, và 14 pháp hành nào của tỳ-khưu thì vị tỳ-khưu ấy phải đến gặp một vị tỳ-khưu khác không phạm āpatti nhẹ giống với mình, xin làm lễ sám hối āpatti ấy với vị tỳ-khưu khác đúng theo luật của Đức-Phật đã chế định.

Sau khi làm lễ sám hối xong, vị tỳ-khưu ấy có giới của vị tỳ-khưu trở lại như trước.

* Nếu tỳ-khưu nào đã có tác-ý phạm āpatti nhẹ nào và 14 pháp-hành của tỳ-khưu, mà không chịu làm lễ sám hối āpatti nhẹ ấy với một vị tỳ-khưu khác thì gọi tỳ-khưu ấy là tỳ-khưu ālajjī: tỳ-khưu không biết hổ-thẹn mình phạm giới.

Bài viết trích từ cuốn Phước ThiệnTỳ Khưu Hộ Pháp biên soạn. Quý vị có thể tải sách bản PDF tại đây.

AUDIO TOÀN BỘ CUỐN SÁCH PHƯỚC THIỆN

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app