Nội Dung Chính
Dhammadesanākusala: Phước-thiện thuyết-pháp
Định nghĩa Dhammadesanā
“Dhammaṃ desenti etāyā’ti dhammadesanā.”
Những người có khả năng thuyết dạy, giảng dạy chánh-pháp tế độ chúng-sinh gọi là dhammadesanā: phước-thiện thuyết-pháp, đó là tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm có yonisomanasikāra: sự hiểu biết trong tâm đúng theo thật-tánh của các pháp.
Dhammadesanākusala: Phước-thiện thuyết-pháp
* Vị nào có khả năng thuyết dạy, giảng dạy chánh-pháp với đại-thiện-tâm trong sạch, không cho tham-tâm phát sinh mong muốn mình là một pháp sư nổi tiếng, cũng không mong muốn được những phẩm vật cúng dường, cũng không muốn nhiều người đến lễ bái, cũng không muốn được nhiều thuộc hạ tùy tùng đông đảo, cũng không muốn danh thơm tiếng tốt, …mà chỉ có đại-thiện-tâm trong sạch tế độ người nghe, hy vọng mọi người cung-kính nghe chánh-pháp, hiểu rõ chánh-pháp của Đức-Phật mà thôi, thì phước-thiện thuyết-pháp trong sạch, chắc chắn có nhiều quả báu cao thượng.
* Người nào có khả năng thuyết, giảng dạy chánh-pháp với đại-thiện-tâm không trong sạch, bởi vì tham-tâm phát sinh mong muốn mình trở thành một pháp sư nổi tiếng, cũng mong muốn được những phẩm vật cúng dường, mong được nhiều người đến lễ bái, cúng dường, có được nhiều thuộc hạ tùy tùng đông đảo, được danh thơm tiếng tốt, có nhiều lợi lộc, v.v… thì phước-thiện thuyết-pháp không trong sạch, không có nhiều quả báu.
Thuyết-pháp với tâm không trong sạch
Vị tỳ-khưu thuyết-pháp với tâm không trong sạch, có tác-ý tâm-sở đồng sinh với bất-thiện-tâm (ác-tâm) nói trái với chánh-pháp, để mong đem lại sự lợi ích cho mình. Ví dụ:
Tích Kapilamacchavatthu
Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana, gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, Đức-Thế-Tôn đề cập đến con cá màu vàng tên Kapila, nên thuyết tích Kapilamacchavatthu (1) này, được tóm lược như sau:
Trong quá khứ, thời-kỳ Đức-Phật Kassapa(2) đã tịch diệt Niết-bàn. Khi ấy, một gia đình có 2 anh em đều đi xuất gia trở thành tỳ-khưu ở tại một ngôi chùa của vị thầy tế độ. Người mẹ và em gái cũng đi xuất gia trở thành tỳ-khưu-ni ở tại một ngôi chùa tỳ-khưu-ni.
Toàn gia đình gồm có 4 người: người anh tên là tỳ-khưu Sāgata, người em trai tên là tỳ-khưu Kapila, người mẹ tên là tỳ-khưu-ni Sādhinī và người em gái tên là tỳ-khưu ni Tāpanā.
Sau khi trở thành tỳ-khưu, hằng ngày, hai tỳ-khưu huynh đệ thực-hành bổn phận đối với Ngài Trưởng-lão thầy tế-độ và Ngài Trưởng-lão thầy tế độ hướng dẫn dạy dỗ một cách chu đáo.
Một hôm, hai vị tỳ-khưu bạch hỏi vị thầy tế độ rằng:
– Kính bạch Ngài Trưởng-lão thầy tế độ, phận sự chính trong Phật-giáo là gì?
Ngài Trưởng-lão thầy tế độ truyền dạy rằng:
– Này hai con! Trong Phật-giáo có 2 phận sự chính:
1- Ganthadhura: phận sự học pháp-học Phật-giáo.
2- Vipassanādhura: phận sự thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thuộc về pháp-hành Phật-giáo.
Nghe Ngài Trưởng-lão thầy tế độ dạy như vậy, vị tỳ- khưu Sāgata (huynh) lớn tuổi nghĩ rằng:
“Ta nên theo phận sự thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thuộc về pháp-hành Phật-giáo.”
Vị tỳ-khưu Sāgata ở trong chùa, hằng ngày thực-hành pháp-hành phận sự người đệ tử đối với Ngài Trưởng-lão thầy tế-độ, và Ngài Trưởng-lão thầy tế độ dạy dỗ về giới luật rành rẽ và hiểu rõ phương pháp thực-hành pháp-hành thiền-tuệ (vipassanādhura) cho vị tỳ-khưu Sāgata suốt 5 năm.
Sau 5 năm, tỳ-khưu Sāgata đảnh lễ thầy tế độ, xin phép vào rừng thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham- ái, mọi phiền-não không còn dư sót trở thành bậc Thánh A-ra-hán.
* Vị tỳ-khưu Kapila (đệ) nhỏ tuổi nghĩ rằng:
“Ta còn trẻ nên theo phận sự học pháp-học Phật-giáo trước, đến khi lớn tuổi ta sẽ theo phận sự thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thuộc về pháp-hành Phật-giáo.”
Sau khi nghĩ như vậy, tỳ-khưu Kapila đảnh lễ Ngài Trưởng-lão thầy tế độ, xin theo phận sự học pháp-học Phật-giáo (ganthadhura) trước, nên tỳ-khưu Kapila cố gắng tinh-tấn theo học pháp-học Phật-giáo ghi nhớ thuộc lòng Tam-tạng Pāḷi, trở thành vị pháp-sư thuyết-pháp hay nổi tiếng, nên được nhiều người ngưỡng mộ, theo hộ độ, cúng dường nhiều phẩm vật.
Tỳ-khưu Kapila say mê trong danh lợi, rồi phát sinh tự cao ngã mạn, tự cho mình hiểu biết hơn người, hành động sai trái, nói năng sai trái với luật, trái với chánh-pháp của Đức-Phật.
* Điều hợp với luật, hợp với pháp, thì tỳ-khưu Kapila dám nói không hợp với luật, không hợp với pháp; và điều không hợp với luật, không hợp với pháp, thì tỳ-khưu Kapila dám nói hợp với luật, hợp với pháp.
* Điều có tội, thì tỳ-khưu Kapila dám nói vô tội; và điều vô tội, thì tỳ-khưu Kapila dám nói có tội, v.v…
Tỳ-khưu Kapila nương nhờ sự hiểu biết Tam-tạng Pāḷi, rồi trổ tài ngụy biện cho hành vi sai trái của mình, tỳ-khưu Kapila đã hành động và nói lời trái với chánh-pháp của Đức-Phật .
Nghe thấy hành động sai trái và lời nói sai trái của tỳ-khưu Kapila, các Ngài Trưởng-lão thiện-trí có giới-đức trong sạch đến khuyên bảo tỳ-khưu Kapila rằng:
– Này pháp-hữu Kapila! Pháp-hữu không nên hành động và nói năng trái với chánh-pháp của Đức-Phật như vậy nữa, đó là điều không không hợp với luật, không hợp với chánh-pháp.
Nghe các Ngài Trưởng-lão thiện-trí khuyên bảo như vậy, nhưng tỳ-khưu Kapila không những không biết phục thiện, mà còn chê trách các bậc thiện-trí rằng:
– Này các Ngài Trưởng-lão! Các Ngài biết được những gì! Các Ngài chỉ là các người rỗng tuếch mà thôi!
Tỳ-khưu Kapila càng ngày càng tự cao ngã mạn thường chê trách các Ngài Trưởng-lão có giới-đức trong sạch, và hăm dọa các tỳ-khưu nhỏ khác mà không chịu nghe theo lời của y.
Sư đệ không vâng lời sư huynh
Các Ngài Trưởng-lão thiện-trí không thể khuyên bảo tỳ-khưu Kapila được, nên quý Ngài Trưởng-lão đến bạch sự việc này cho Ngài Trưởng-lão Sāgata là bậc Thánh A-ra-hán cũng là sư huynh của tỳ-khưu Kapila.
Ngài Trưởng-lão Sāgata đến khuyên bảo rằng:
– Này sư đệ Kapila! Các Ngài Trưởng-lão thiện-trí khuyên bảo đúng đắn, để bảo vệ, duy trì chánh-pháp của Đức-Phật.
Vậy, sư đệ nên vâng lời các Ngài Trưởng-lão thiện-trí ấy. Sư đệ không nên hành động và nói lời vô lễ đối với các Ngài Trưởng-lão ấy.
Sư đệ không nên hành động và nói năng trái với chánh-pháp của Đức-Phật như vậy nữa.
Tuy Ngài Trưởng-lão Sāgata đã khuyên bảo đôi ba lần, nhưng tỳ-khưu Kapila ngoan cố không chịu từ bỏ những hành động sai lầm, nói lời sai trái với chánh-pháp của Đức-Phật.
Biết tỳ-khưu Kapila không chịu nghe lời khuyên dạy của mình, nên Ngài Trưởng-lão Sāgata bảo rằng:
– Này sư đệ Kapila! Nếu sư đệ không từ bỏ những điều sai trái của mình thì sư đệ sẽ chịu những quả khổ của ác-nghiệp của mình.
Sau khi nhắc nhở khuyên dạy sư đệ Kapila như vậy, rồi Ngài Trưởng-lão Sāgata trở về chỗ ở của mình.
Từ đó, các tỳ-khưu có giới-đức trong sạch đều xa lánh, không gần gũi với tỳ-khưu Kapila nữa. Tỳ-khưu Kapila vẫn hành động sai trái, nói lời sai trái cùng với nhóm thuộc hạ tùy tùng của y, sống chung với nhau.
Một hôm, tỳ-khưu Kapila nghĩ rằng:
“Hôm nay là ngày uposatha hằng tháng, ta nên đến làm lễ uposathakamma tại sīmā.”
Tỳ-khưu Kapila đến ngồi trên pháp tòa hỏi các tỳ-khưu rằng:
– Này các Ngài! Chư tỳ-khưu hành Tăng-sự tụng Bhikkhupātimokkha tại nơi đây phải không?
Nghe tỳ-khưu Kapila hỏi như vậy, các vị tỳ-khưu đều làm thinh, bởi vì nghĩ rằng:
“Không có lợi ích gì đối đáp với tỳ-khưu Kapila này.”
Thấy vậy, tỳ-khưu Kapila nói rằng:
“Āvuso, dhammo vā vinayo vā natthi, pātimokkhena sutena vā asutena vā ko attho.”
– Này các Ngài! Chánh-pháp hoặc chánh luật không có, nghe bhikkhupātimokkha hoặc không nghe bhikkhu-pātimokkha có lợi ích gì!
Sau khi nói như vậy, tỳ-khưu Kapila đứng dậy trở về chỗ ở của mình.
Tỳ-khưu Kapila vẫn chấp-thủ theo sự sai của mình, hành động, nói năng sai trái với chánh-pháp của Đức-Phật Kassapa, không biết phục thiện cho đến suốt đời.
* Ngài Trưởng-lão Sāgata là bậc Thánh A-ra-hán tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
* Sau khi tỳ-khưu Kapila chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy của mình suốt thời gian lâu dài.
* Tỳ-khưu-ni Sādhinī là thân-mẫu của tỳ-khưu Kapila, và tỳ-khưu-ni Tāpanā là em gái của tỳ-khưu Kapila thường bênh vực tỳ-khưu Kapila, chê trách, quở mắng các tỳ-khưu có giới-đức trong sạch, nên sau khi tỳ-khưu-ni Sādhinī và tỳ-khưu-ni Tāpanā chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy của mình suốt thời gian lâu dài.
Tái-sinh lên cõi trời nhờ phước-thiện giữ-giới
Trong thời-kỳ ấy, có nhóm trộm cướp 500 người vào xóm làng trộm cướp, bị số đông dân làng cầm khí giới vây bắt, họ hoảng sợ, chạy vào rừng trốn thoát, nhưng không tìm được nơi nương nhờ an toàn nào trong rừng, nhìn thấy vị tỳ-khưu sống trong rừng, nên họ cùng nhau đến đảnh lễ Ngài Trưởng-lão ấy, rồi bạch rằng:
– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, kính xin Ngài Trưởng-lão là nơi nương nhờ an toàn của chúng con.
Ngài Trưởng-lão dạy bảo rằng:
– Này các con! Ngoài giới ra, không có nơi nương nhờ an toàn đối với các con. Vậy, các con nên thọ trì ngũ-giới.
Nghe Ngài Trưởng-lão dạy bảo như vậy, tất cả nhóm trộm cướp đều vâng lời dạy của Ngài Trưởng-lão, kính xin Ngài Trưởng-lão hướng dẫn cho thọ trì ngũ-giới.
Sau khi thọ trì ngũ-giới xong, Ngài Trưởng-lão khuyên dạy rằng:
– Này các con! Bây giờ các con là người có giới, mỗi người hãy cố gắng giữ gìn ngũ-giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn, thà phải hy sinh sinh-mạng, chứ không để phạm điều-giới nào.
Tất cả nhóm trộm cướp đều cung-kính vâng lời của Ngài Trưởng-lão. Khi ấy, số đông dân làng cầm khí giới chạy đuổi theo đến khu rừng, tìm thấy nhóm trộm cướp gồm có 500 người, họ giết chết tất cả nhóm trộm cướp, không còn ai sống sót.
Sau khi nhóm trộm cướp 500 người ấy chết, đại-thiện-nghiệp giữ-giới cho quả tái-sinh lên cõi trời. Người cầm đầu nhóm trộm cướp trong tiền-kiếp, lại trở thành vị thiên-nam đứng đầu nhóm chư-thiên 500 vị. Nhóm chư thiên 500 vị hưởng mọi sự an-lạc trên cõi trời cho đến khi hết tuổi thọ tại cõi trời ấy.
Tái-sinh trong nhóm dân chài
Nhóm chư-thiên 500 vị ấy tử sinh luân-hồi trên cõi trời từ thời-kỳ trong giáo-pháp của Đức-Phật Kassapa cho đến thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, trải qua thời gian lâu dài trong cùng kiếp trái đất gọi là Bhaddakappa này.
Sau khi nhóm chư-thiên 500 vị chết tại cõi trời, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh xuống cõi người trong làng 500 gia đình dân chài. Sau khi vị thiên-nam trưởng nhóm chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh làm con của ông trưởng làng dân chài, nhóm chư-thiên còn lại, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh làm con của các gia đình dân chài.
Khi 500 đứa trẻ sinh ra đời, lúc trưởng thành, 500 đứa trẻ là bạn thân với nhau, con của ông trưởng làng dân chài là trưởng nhóm.
Kapila sinh làm con cá lớn da màu vàng
Hậu kiếp của tỳ-khưu Kapila bị thiêu đốt trong cõi đại-địa-ngục Avīci trải qua thời gian lâu dài từ thời-kỳ giáo-pháp của Đức-Phật Kassapa cho đến thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thời gian, mới thoát ra khỏi cõi địa-ngục, ác-nghiệp ấy lại cho quả tái-sinh làm con cá lớn da màu như vàng, nhưng miệng có mùi hôi ghê tởm, trong con sông Aciravatī.
Một hôm, nhóm trẻ 500 bạn thân bàn bạc với nhau rằng:
“Chúng ta nên đi bắt cá”. Chúng nó đem lưới chở trên ghe ra con sông Aciravatī, giăng lưới xuống nước bắt cá. Con cá lớn da màu vàng ấy bị mắc vào lưới của nhóm trẻ ấy, cha mẹ của chúng vui mừng reo hò lên rằng:
“Các con của chúng ta bắt được con cá lớn da màu vàng đẹp quá! Chúng ta nên đem con cá này dâng lên Đức-vua Pasenadi Kosala để lãnh thưởng.”
Nhóm trẻ bạn thân đặt con cá da màu vàng trên chiếc ghe, rồi cùng nhau khiêng đến cung điện của Đức-vua.
Nhìn thấy con cá lớn chưa tùng thấy, nên Đức-vua Pasenadi Kosala truyền hỏi rằng:
– Này các ngươi! Các ngươi bắt con cá này ở đâu vậy?
Nhóm bạn trẻ tâu rằng:
– Muôn tâu Đại-vương, chúng tiện dân bắt con cá này tại con sông Aciravatī.
Đức-vua nhìn thấy con cá lớn da màu vàng rất xinh đẹp, nên nghĩ rằng:
“Đức-Thế-Tôn biết rõ nguyên nhân nào con cá lớn này có da màu vàng như thế này.”
Truyền bảo nhóm trẻ khiêng con cá lớn ấy đến ngôi chùa Jetavana, Đức-vua cùng ngự đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn.
Con cá lớn có màu da màu vàng ấy hả miệng ra, thì mùi hôi ghê tởm từ miệng con cá ấy tỏa ra khắp ngôi chùa Jetavana.
Khi ấy, Đức-vua Pasenadi Kosala bạch hỏi Đức-Thế-Tôn rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, do nguyên nhân nào con cá lớn này có màu da màu vàng xinh đẹp như vậy?
Do nguyên nhân nào miệng của nó có mùi hôi ghê tởm như vậy? Bạch Ngài.
Nghe Đức-vua Pasenadi Kosala bạch hỏi như vậy, Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:
– Này Đại Vương! Tiền-kiếp của con cá lớn này là vị tỳ-khưu tên Kapila trong giáo-pháp của Đức-Phật Kassapa. Vị tỳ-khưu Kapila cố gắng tinh-tấn học ghi nhớ nhiều trong Tam-tạng Pāḷi, trở thành vị pháp-sư thuyết-pháp hay, nên được nhiều người ngưỡng mộ, vì có nhiều người theo hộ độ, cúng dường nhiều phẩm vật, tỳ-khưu Kapila say mê trong danh lợi, rồi phát sinh tự cao ngã mạn, tự cho mình hiểu biết hơn người.
Tỳ-khưu Kapila hành động sai trái với giới luật, nói năng sai trái với chánh-pháp của Đức-Phật Kassapa, thường chê trách các Ngài Trưởng-lão thiện-trí có giới-đức trong sạch, hăm doạ các tỳ-khưu nhỏ không nghe theo mình. Tỳ-khưu Kapila vẫn chấp-thủ những điều sai trái ấy cho đến chết.
Sau khi tỳ-khưu Kapila chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy suốt thời gian lâu dài.
Nay kiếp hiện-tại, cũng do ác-nghiệp ấy cho quả tái- sinh làm con cá lớn này:
* Con cá lớn có màu da vàng, đó là quả của đại-thiện-nghiệp học Tam-tạng Pāḷi, tán dương ân-đức Phật-bảo trong kiếp quá-khứ.
* Cái miệng của con cá lớn có mùi hôi hám đáng ghê tởm, đó là quả của ác-nghiệp nói điều sai trái với chánh-pháp của Đức-Phật Kassapa, thường chê trách các Ngài Trưởng-lão thiện-trí có giới-đức trong sạch, hăm dọa các tỳ-khưu nhỏ có giới-đức trong sạch.
– Này Đại-vương! Như-Lai truyền bảo con cá này trả lời những câu hỏi cho Đại-vương nghe.
Đức-vua Pasenadi Kosala bạch rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, kính thỉnh Đức-Thế-Tôn truyền bảo con cá trả lời những câu hỏi. Bạch Ngài.
Đức-Thế-Tôn truyền hỏi con cá ấy rằng:
– Này cá! Con tên là Kapila đúng không?
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, đúng, tên con là Kapila.
– Này cá! Tiền-kiếp của con từ đâu đến?
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, tiền-kiếp của con từ đại-
địa-ngục Avīci đến.
– Này cá! Sư huynh Sāgata của con sinh ở đâu?
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, sư huynh Sāgata của con đã tịch diệt Niết-bàn.
– Này cá! Tỳ-khưu-ni Sādhanī là mẹ của con sinh ở cõi nào?
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, tỳ-khưu-ni Sādhanī là mẹ của con sinh trong cõi đại-địa-ngục.
– Này cá! Tỳ-khưu-ni Tāpanā là em của con sinh ở cõi nào?
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Tỳ-khưu-ni Tāpanā là em của con cũng sinh trong cõi đại-địa-ngục.
– Này cá! Bây giờ, con sẽ sinh cõi nào?
Con cá tên Kapila bạch rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, sau khi con chết, ác-nghiệp cho quả sẽ tái-sinh trong cõi đại-địa-ngục Avīci.
Sau khi bạch với Đức-Thế-Tôn như vậy, con cá Kapila phát sinh nóng nảy, nên đập đầu vào be thuyền vỡ đầu chết ngay tại chỗ, sau khi chết, ác-nghiệp ấy cho quả tái-sinh trong cõi đại-địa-ngục Avīci.
Nghe và thấy cảnh tượng như vậy, mọi người hết sức kinh ngạc.
Qua tích Kapilamacchavatthu này, tỳ-khưu Kapila vốn là vị học ghi nhớ nhiều trong Tam-tạng Pāḷi trong thời-kỳ Đức-Phật Kassapa. Tỳ-khưu Kapila thuyết-pháp hay nổi tiếng, nên được nhiều người ngưỡng mộ, cúng dường nhiều phẩm vật.
Về sau, tỳ-khưu Kapila say mê trong danh lợi, phát sinh tâm ngã mạn, tự cho mình hơn người, nên nói điều nào có lợi cho mình, dù cho điều ấy không hợp với luật mà Đức-Phật đã chế định, không hợp với chánh-pháp mà Đức-Phật đã thuyết giảng.
Mỗi khi, nếu có Ngài Trưởng-Lão đến khuyên dạy, nhắc nhở thì tỳ-khưu Kapila không biết phục thiện, cố chấp-thủ, nhờ dựa vào vốn hiểu biết về pháp-học Phật-giáo, rồi ngụy biện bào chữa cho hành vi sai trái, lời nói sai trái của mình.
Học pháp-học Phật-giáo như tỳ-khưu Kapila ví như người bắt rắn độc phần đuôi, không chỉ có hại cho mình, mà còn đem lại sự tai hại cho những người gần gũi thân cận tin tưởng khác nữa.
Đức-Phật dạy có 3 hạng người học pháp-học Phật- giáo như sau:
1- Alagadda pariyatti: Hạng người học pháp-học Phật-giáo ví như người bắt rắn độc phần đuôi có hại cho sinh-mạng của mình.
2- Nissaraṇa pariyatti: Hạng người học pháp-học Phật-giáo để thực-hành mong giải thoát khỏi khổ tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.
3- Bhaṇḍāgārika pariyatti: Bậc Thánh A-ra-hán học pháp-học Phật-giáo cốt để giữ gìn, duy trì kho tàng Pháp-bảo của Đức-Phật.