Đại-thiện-nghiệp khác nhau, quả khác nhau

Trong một buổi lễ tạo phước-thiện bố-thí, những thí-chủ đều là người có ngũ-giới trong sạch và trọn vẹn, cùng nhau tạo phước-thiện bố-thí giống nhau, do trình độ hiểu biết về pháp-học Phật-giáo khác nhau, hiểu biết về 3 thời-kỳ tác-ý khác nhau, nên mỗi thí-chủ có 3 thời-kỳ tác-ý: thời-kỳ pubbacetanā, thời-kỳ muñca-cetanā, thời-kỳ aparacetanā khác nhau, đã tạo đại-thiện-nghiệp bố-thí khác nhau như sau:

– Tạo tam-nhân đại-thiện-nghiệp bố-thí bậc cao.

– Tạo tam-nhân đại-thiện-nghiệp bố-thí bậc thấp.

– Tạo nhị-nhân đại-thiện-nghiệp bố-thí bậc cao.

– Tạo nhị-nhân đại-thiện-nghiệp bố-thí bậc thấp.

Sau khi mỗi thí-chủ ấy chết, nếu tam-nhân đại-thiện-nghiệp bố-thí bậc cao trong đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người tam-nhân trong lòng mẹ.

– Sau khi mỗi thí-chủ ấy chết, nếu tam-nhân đại-thiện-nghiệp bố-thí bậc thấp trong đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ và nhị-nhân đại-thiện-nghiệp bố-thí bậc cao trong đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có đại-quả-tâm không hợp với trí-tuệ gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người nhị-nhân trong lòng mẹ.

– Sau khi mỗi thí-chủ ấy chết, nếu nhị-nhân đại-thiện-nghiệp bố-thí bậc thấp trong đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp bố-thí bậc thấp gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người vô-nhân cõi thiện-giới đui mù, câm điếc, tật nguyền, … từ trong lòng mẹ.

Tích Aputtakaseṭṭhivatthu

Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, Đức-Thế-Tôn đề cập đến phú hộ Aputtaka (phú hộ không có con) như sau:

Các quan tâu lên Đức-vua Pasenadi Kosala rằng:

– Muôn tâu Bệ-hạ, phú hộ Aputtaka không có con đã qua đời rồi.

Nghe tâu như vậy, Đức-vua truyền hỏi rằng:

– Này các khanh! Vậy tài sản của phú hộ Aputtaka không có con thừa kế sẽ thuộc về ai?

Các quan tâu rằng:

– Muôn tâu Bệ-hạ, tài sản của phú hộ Aputtaka không có con thừa kế sẽ thuộc về Đức-vua.

Đức-vua Pasenadi Kosala truyền lệnh các quan chuyển tất cả tài sản của phú hộ Aputtaka nhập vào kho nhà vua suốt 7 ngày mới xong, rồi Đức-vua Pasenadi Kosala ngự đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn tại ngôi chùa Jetavana.

Đức-Thế-Tôn truyền hỏi Đức-vua Pasenadi Kosala:

– Này Đại-vương, Đại-vương từ đâu ngự đến đây?

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, phú hộ Aputtaka trong kinh-thành Sāvatthi đã qua đời không có con thừa kế, nên con truyền lệnh các quan chuyển tất cả tài sản nhập vào kho nhà vua, rồi con ngự đến đây.

Nghe kể rằng: “Lúc sinh thời, phú hộ Aputtaka không hướng tâm đến sử dụng của cải, để hưởng mọi sự an-lạc trong đời. Khi các gia nhân đem những món cao lương mỹ vị trên chiếc mâm bằng vàng, họ bị ông phú hộ Aputtaka đuổi bảo mang đi nơi khác.

Hằng ngày, ông dùng cơm nấu bằng gạo xấu và món nước cải ngâm, chỉ dùng 2 món này mà thôi.

Khi các người gia nhân đem các thứ vải tốt, chiếc xe sang trọng, những thứ vật dụng quý giá đến cho ông dùng thì ông đuổi,họ và bảo mang những thứ đó đi nơi khác. Ông phú hộ Aputtaka chỉ mặc y phục bằng thứ vải thô xấu, đi chiếc xe cũ xấu, sử dụng những thứ vật dụng loại xấu.

Suốt cuộc đời ông phú hộ Aputtaka không sử dụng các thứ vật dụng cần thiết loại sang trọng.”

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn!

* Do nguyên nhân nào ông trở thành phú hộ?

* Khi trở thành phú hộ, do nguyên nhân nào ông không sử dụng những thứ vật dụng sang trọng?

* Do nguyên nhân nào ông phú hộ Aputtaka không có con thừa kế tài sản?

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết giảng cho Đức-vua Pasenadi Kosala biết về tiền-kiếp của ông phú hộ Aputtaka được tóm lược như sau:

Tiền-kiếp của phú hộ Aputtaka

Trong thời quá-khứ, tiền-kiếp của ông phú hộ Aputtaka vốn là người không có đức-tin, nhưng ông thường tiếp đón Đức-Phật Độc-Giác Tagarasikhi ngự đến khất thực tại biệt thự của ông. Trước khi ông đi lo công việc bên ngoài, bảo phu nhân của ông ở nhà tạo phước-thiện bố-thí cúng dường vật thực đến Đức-Phật Độc-Giác Tagarasikhi, rồi ông đi ra khỏi nhà.

Người vợ của ông vốn là người có đức-tin trong sạch nghĩ rằng: “Lâu rồi, hôm nay mới nghe người vị phu quân bảo tạo phước-thiện bố-thí cúng dường vật thực đến Đức-Phật Độc-Giác.

Vậy, hôm nay ta nên làm các món vật thực ngon lành để tạo phước-thiện bố-thí cúng dường đến Đức-Phật Độc-Giác.”

Phu nhân của ông phú hộ tạo phước-thiện bố-thí cung-kính cúng dường, đặt vào trong bát các món vật thực ngon lành vào đầy bát. Ngay khi ấy, vị phu quân về đến nhà, bạch hỏi Đức-Phật Độc-Giác rằng:

– Bạch Sa-môn, Sa-môn nhận được các món vật thực nào chưa?

Đến dở bát của Đức-Phật Độc-Giác, ông nhìn thấy các món vật thực ngon lành, nên phát sinh phiền-não tham tiếc của, nghĩ rằng:

“Đem các món vật thực ấy cho những người tôi tớ hay người làm công ăn, thì có lợi cho ta, bởi vì họ ăn, rồi họ làm mọi công việc của ta được. Còn Sa-môn này ăn xong, có lợi ích gì cho ta đâu. Các món vật thực ngon của ta mất đi thật là uổng phí quá!”

Đó là ông phú hộ có aparacetanā: tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm sau khi đã tạo phước-thiện bố-thí cúng-dường đến Đức-Phật Độc-Giác Tagarasikhi xong rồi, phát sinh phiền-não tiếc của làm cho tâm bị ô nhiễm.

* Tiền-kiếp của ông phú hộ có một người anh trai, khi cha mẹ qua đời để lại nhiều của cải tài sản cho 2 người con. Người anh của tiền-kiếp ông phú hộ có một đứa con trai. Một hôm, đứa cháu trai nói rằng: “Chiếc xe tốt đẹp này của cha con, phần con bò kia là của chú.”

Nghe cháu trai là con người anh nói như vậy, tiền-kiếp của ông phú hộ nghĩ rằng:

“Bây giờ đứa cháu trai còn bé nhỏ mà đã nói như vậy, đến khi trưởng thành, nó sẽ chiếm phần nhiều của cải trong nhà này.”

Cho nên, tiền-kiếp của ông phú hộ dẫn đứa cháu trai vào trong rừng, bóp cổ đứa cháu trai chết, rồi đem chôn dưới gốc cây.

Đó là những đại-thiện-nghiệp bố-thí và ác-nghiệp sát sinh đứa cháu trai của tiền-kiếp của ông phú hộ đã tạo trong kiếp quá-khứ, nên kiếp-hiện-tại ông phú hộ không có con gọi là phú hộ Aputtaka.

Quả của các nghiệp của phú hộ Aputtaka

* Phước-thiện tiếp đón, bảo phu nhân tạo phước-thiện bố-thí cúng dường vật thực để bát đến Đức-Phật Độc-Giác Tagarasikhi, cho quả tái-sinh lên cõi trời dục-giới 7 kiếp, cũng do nhờ quả của phước-thiện bố-thí cúng-dường đến Đức-Phật Độc-Giác Tagarasikhi ấy cho quả tái-sinh làm người trong kinh-thành Sāvatthi, rồi trở thành phú hộ 7 kiếp.

Do aparacetanā: tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm sau khi đã tạo phước-thiện bố-thí cúng-dường đến Đức-Phật Độc-Giác Tagarasikhi xong rồi, phát sinh phiền-não tiếc của làm cho tâm bị ô nhiễm. Vì vậy, ông phú hộ không hướng tâm đến sử dụng của cải để đem lại sự an-lạc trong cuộc sống.

Hằng ngày, ông phú hộ ăn cơm nấu bằng gạo xấu, mặc y phục thứ vải thô xấu, đi chiếc xe xấu cũ, sử dụng những thứ vật dụng cần thiết xấu, v.v…

* Ác-nghiệp sát sinh đứa cháu trai là con người anh vì của cải, cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, chịu quả khổ suốt thời gian lâu dài hằng 100 ngàn năm.

Đến khi mãn quả của ác-nghiệp, thoát ra khỏi cõi địa-ngục, đại-thiện-nghiệp bố-thí, cúng dường vật thực đến Đức-Phật Độc Giác Tagarasikhi ấy có cơ hội cho quả tái-sinh làm người trong kinh-thành Sāvatthi, rồi trở thành phú hộ không có con gọi là phú hộ Aputtaka đến kiếp thứ 7 này.

Đó là quả của đại-thiện-nghiệp bố-thí cúng-dường đến Đức-Phật Độc-Giác Tagarasikhi ấy còn lại.

Phước-thiện bố-thí cũ của phú hộ Aputtaka không còn năng lực nữa, các phước-thiện mới không tích lũy, nên sau khi phú hộ Aputtaka chết, ác-nghiệp sát-sinh cũ lại cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục mahāroruva niraya, chịu quả khổ trong cõi địa-ngục ấy.

Cho nên, thí-chủ có đức-tin trong sạch tạo phước-thiện bố-thí đến người thọ-thí, nên có tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm trong sạch hoan-hỷ đầy đủ cả 3 thời-kỳ:

– Pubbacetanā: tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm trong sạch hoan-hỷ trước khi tạo phước-thiện bố-thí.

– Muñcacetanā: tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm trong sạch hoan-hỷ khi đang tạo phước-thiện bố-thí.

– Aparacetanā: tác-ý tâm-sở đồng sinh với đại-thiện-tâm trong sạch hoan-hỷ sau khi đã làm xong phước-thiện bố-thí ấy.

Thí-chủ tạo phước-thiện bố-thí ấy đến người thọ-thí có đầy đủ 3 thời-kỳ tác-ý như vậy, nếu đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) làm người thì hưởng được quả tốt, quả an-lạc từ thời-kỳ sau khi đã tái-sinh (pavattikāla), kiếp hiện-tại trong lòng mẹ.

Khi thai nhi sinh ra đời (pasūtikāla) được an-lạc, rồi hưởng mọi sự an-lạc trong thời ấu-niên, thời trung-niên cho đến thời lão-niên, suốt cuộc đời phần nhiều được hưởng mọi quả tốt, quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp bố-thí ấy trong cuộc sống kiếp hiện-tại.

Bài viết trích từ cuốn Phước ThiệnTỳ Khưu Hộ Pháp biên soạn. Quý vị có thể tải sách bản PDF tại đây.

AUDIO TOÀN BỘ CUỐN SÁCH PHƯỚC THIỆN

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app