Bạch hỏi 4 câu hỏi
Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana, gần kinh-thành Sāvatthi. Khi ấy, Đức-vua trời Sakka ngự cùng đoàn chư-thiên đông đảo đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn. Đức-Thế-Tôn truyền hỏi Đức-vua trời Sakka rằng:
– Này Thiên-vương! Do nhân nào mà Thiên-vương ngự đến cùng với đoàn chư-thiên đông đảo như vậy?
Đức-vua trời Sakka bạch với Đức-Thế-Tôn rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, toàn thể chư-thiên hội họp, đàm đạo với nhau có đặt ra 4 câu hỏi mà suốt 12 năm qua không một vị nào có khả năng giải đáp được.
Đó là nguyên nhân mà con ngự cùng với đoàn chư-thiên đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn như thế này.
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, có 4 câu hỏi:
1- Trong tất cả các sự bố-thí, bố-thí nào? Bậc thiện- trí gọi là bố-thí cao thượng nhất.
2- Trong tất cả các loại vị, thứ vị nào? Bậc thiện-trí gọi là thứ vị cao thượng nhất.
3- Trong tất cả các sự hỷ-lạc, hỷ-lạc nào? Bậc thiện-trí gọi là sự hỷ lạc cao thượng nhất.
4- Sự diệt tận mọi tham-ái, tại sao? Bậc thiện-trí gọi là cao thượng nhất.
Nghe Đức-vua trời Sakka bạch hỏi 4 câu hỏi như vậy, Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:
– Này Thiên-vương! Như-Lai đã tạo đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật, đã trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác cốt để giải đáp mọi thắc mắc của tất cả chúng-sinh như Thiên-vương bây giờ.
Xin Thiên-vương lắng nghe Như-Lai giải đáp:
1- Trong tất cả các sự bố-thí, thì pháp-thí là sự bố-thí cao thượng nhất.
2- Trong tất cả loại vị, thì pháp-vị là vị cao thượng nhất.
3- Trong tất cả các sự hỷ-lạc, thì pháp-hỷ-lạc là cao thượng nhất.
4- Sự diệt tận mọi tham-ái là cao thượng thật sự, bởi vì trở thành bậc Thánh A-ra-hán giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Đức-Phật thuyết câu kệ Dhammapadagāthā số 354:
“Sabbadānaṃ dhammadānaṃ jināti.
Sabbarasaṃ dhammaraso jināti.
Sabbaratiṃ dhammaratiṃ jināti.
Taṇhakkhayo sabbadukkhaṃ jināti.”
Pháp-thí là cao thượng hơn tất cả mọi sự bố-thí.
Pháp-vị là cao thượng hơn tất cả mọi thứ vị.
Pháp-hỷ-lạc là cao thượng hơn tất cả mọi sự hỷ-lạc.
Sự diệt tận mọi tham-ái, trở thành bậc Thánh A-ra-hán là cao thượng thật sự, vì giải thoát mọi sự khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Giảng Giải:
* Sabbadāna: tất cả mọi sự bố-thí:
Sự bố-thí cúng dường những tấm y quý giá, những vật thực ngon lành, những chỗ ở đầy đủ tiện nghi, những thuốc trị bệnh hay, v.v… thuộc về āmisadāna. Sự bố-thí cúng dường các vật thí này đến Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, đến Đức-Phật Độc-Giác, đến chư Thánh Thanh-văn-giác,… những phước-thiện bố-thí đều thuộc về āmisadāna, các vật thí này sẽ cho quả báu có nhiều của cải đầy đủ, giàu sang phú quý trong kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.
* Dhammadāna: pháp-thí là bố-thí chánh-pháp của Đức-Phật đó là thuyết dạy chánh-pháp, đàm đạo chánh-pháp, sự ấn hành sách học chánh-pháp, phân phát sách dạy chánh-pháp, … đều gọi là dhammadāna: pháp-thí.
Chánh-pháp có 10 pháp là:
– Pháp-học chánh-pháp đó là học Tam-tạng Pāḷi.
– 9 pháp siêu-tam-giới đó là 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn.
Dhammadāna: pháp-thí là bố-thí các chánh-pháp của Đức-Phật là nhân phát sinh các loại trí-tuệ như:
– Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ thật-tánh của các sắc-pháp, danh-pháp.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới.
– Trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp tam-giới.
– Trí-tuệ thiền-tuệ siêu-tam-giới chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Vì vậy, tất cả mọi sự bố-thí thuộc về āmisadāna, các vật thí dù nhiều đến bao nhiêu cũng không thể sánh với dhammadāna: pháp-thí được.
Thật vậy, thí-chủ tạo phước-thiện bố-thí thuộc về āmisadāna chỉ có thể giúp cho người thọ-thí bớt khổ trong kiếp hiện-tại, được sự an-lạc có giới hạn mà thôi.
Còn bậc thiện-trí tạo phước-thiện bố-thí thuộc về dhammadāna dù chỉ một bài kệ gồm có 4 câu, mà người hiểu biết rõ ý nghĩa bài kệ ấy, rồi thực-hành đúng theo chánh-pháp cũng dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh- đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Thật vậy, như trường hợp Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta vốn là bậc đại-trí-tuệ, khi Ngài còn là tu-sĩ tên Upatissa đệ-tử của vị Đạo-sư ngoại đạo Sañcaya, tu-sĩ Upatissa không thể tự chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế.
Đến khi tu-sĩ Upatissa nghe Ngài Trưởng-lão Assaji thuyết dạy bài kệ gồm có 4 câu, mới nghe 2 câu đầu, tu-sĩ Upatissa liền chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.
Cho nên, pháp-thí là cao thượng hơn tất cả mọi sự thí.
* Sabbarasa: tất cả mọi thứ vị đó là các thứ vị ngon của các món ăn, thức uống của con người, hoặc của chư-thiên trong các cõi trời dục-giới, …Tất cả mọi thứ vị ngon bổ dưỡng ấy làm nhân-duyên cho chúng-sinh dễ phát sinh tâm tham-ái trong vị (rasataṇhā), say đắm trong vòng tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.
* Dhammarasa: pháp-vị đó là vị của chánh-pháp 37 pháp gọi là bodhipakkhiyadhamma dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, gọi là 9 pháp siêu-tam-giới, diệt tận được mọi tham-ái, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Đức-Phật dạy rằng:
“Seyyathāpi Pahārāda, mahāsamuddo ekaraso loṇa-raso. Evamevaṃ kho Pahārāda, ayaṃ dhammavinayo ekaraso vimuttiraso.
Ayampi Pahārāda, ayaṃ dhammavinayo ekaraso vimuttiraso,… (1)”
– Này Pahārāda! Như đại dương chỉ có vị duy nhất là vị mặn mà thôi.
– Này Pahārāda! Cũng như vậy, pháp và luật này của Như-Lai chỉ có vị duy nhất là “vị giải-thoát-khổ” mà thôi.
Cho nên, dhammarasa pháp-vị đó là vimuttirasa: vị giải-thoát-khổ là vị cao thượng hơn tất cả mọi thứ vị.
* Sabbarati: tất cả mọi thọ hỷ-lạc là thọ hỷ-lạc trong của cải, trong danh vọng, trong con cái thành đạt, trong các trò chơi trong đời. Tất cả mọi thọ hỷ-lạc ấy làm nhân-duyên để cho chúng-sinh dễ phát sinh tâm tham-ái trong thọ hỷ-lạc, say đắm trong vòng tử sinh luân-hồi trong 3 giới 4 loài.
* Dhammarati: pháp-lạc như hành-giả thực-hành pháp-hành tứ niệm-xứ trong phần thọ-lạc niệm-xứ, hoặc thực-hành pháp-hành thiền-tuệ có đối-tượng thiền-tuệ là thọ-lạc (sukhavedanā) thuộc về danh-pháp, trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh thấy rõ, biết rõ thật-tánh của danh-pháp (thọ-lạc), trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của danh-pháp (thọ lạc) ấy, thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của danh-pháp (thọ lạc), sắc-pháp ấy dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, trở thành bậc Thánh A-ra-hán hưởng an-lạc tịch tịnh Niết-bàn.
“Nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ”.
Niết-bàn là pháp an-lạc tuyệt đối, bởi vì hoàn toàn không còn có khổ nữa.
Đến khi hết tuổi thọ, bậc Thánh A-ra-hán tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Cho nên, Niết-bàn là pháp an-lạc là cao thượng hơn tất cả mọi sự hỷ-lạc trong đời.
* Taṇhakkhaya: Diệt tận được tham-ái thì chỉ có 4 Thánh-đạo-tuệ mới có khả năng đặc biệt diệt tận được tham-ái mà thôi. Mỗi bậc Thánh-đạo-tuệ diệt tận được tham-ái theo khả năng mỗi Thánh-đạo-tuệ.
– Nhập-lưu Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được tham-ái trong 4 tham-tâm hợp với tà-kiến.
Cho nên, bậc Thánh Nhập-lưu ấy vĩnh viễn không còn khổ tái-sinh trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh) nữa, mà chỉ còn tái-sinh trong 7 cõi thiện-giới là cõi người và 6 cõi trời dục-giới nhiều nhất 7 kiếp nữa.
Đến kiếp thứ 7, bậc Thánh Nhập-lưu chắc chắn sẽ diệt tận được mọi tham-ái không còn dư sót nữa, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới .
– Nhất-lai Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được tham-ái loại thô trong cõi dục-giới trong 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến.
Cho nên, bậc Thánh Nhất-lai chỉ còn tái-sinh trong cõi thiện-giới: cõi người hoặc cõi trời dục-giới một kiếp duy nhất nữa mà thôi.
Trong kiếp ấy, bậc Thánh Nhất-lai ấy chắc chắn sẽ diệt tận được mọi tham-ái không còn dư sót nữa, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
– Bất-lai Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được tham-ái loại vi-tế trong cõi dục-giới trong 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến.
Cho nên, bậc Thánh Bất-lai không còn tái-sinh trở lại trong cõi dục-giới, mà chỉ còn tái-sinh trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên. Vị phạm-thiên Thánh Bất-lai ấy chắc chắn sẽ diệt tận được mọi tham-ái không còn dư sót nữa, trở thành bậc Thánh A-ra-hán rồi tịch diệt Niết-bàn tại tầng trời sắc-giới phạm-thiên ấy, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
– A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ có khả năng diệt tận được tham-ái còn lại trong 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến không còn dư sót.
Cho nên, bậc Thánh A-ra-hán đến khi hết tuổi thọ, đồng thời tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Taṇhakkhaya: diệt tận được mọi tham-ái không còn dư sót thì chắc chắn là bậc Thánh A-ra-hán.
Sabbadukkha: tất cả mọi cảnh khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới đều không còn nữa, bởi vì bậc Thánh A-ra-hán tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Cho nên, sự diệt tận được mọi tham-ái, trở thành bậc Thánh A-ra-hán là cao thượng thật sự, vì giải thoát khỏi mọi cảnh khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.
Đức-vua trời Sakka thỉnh cầu Đức-Phật ban phước
Sau khi Đức-Thế-Tôn thuyết dạy bài kệ như vậy, Đức-vua trời Sakka đảnh lễ Đức-Thế-Tôn bạch rằng:
“Bhante evaṃ jeṭṭhake nāma dhammadāne kimatthaṃ amhākaṃ pattiṃ na dāpetha, ito paṭṭhāya no bhikkhu-saṃghassa kathetvā pattiṃ dāpetha Bhante.”
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, phước-thiện pháp-thí là cao thượng hơn tất cả mọi phước-thiện bố-thí khác như vậy. Đức-Thế-Tôn không truyền bảo chư tỳ-khưu-Tăng ban phần phước-thiện pháp-thí cao thượng ấy cho chúng con.
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, từ nay về sau, kính xin Ngài truyền bảo chư tỳ-khưu-Tăng ban phần phước-thiện pháp-thí cao thượng ấy cho chúng con. Bạch Ngài.
Nghe lời thỉnh cầu của Đức-vua trời Sakka như vậy, nên Đức-Thế-Tôn truyền dạy chư Đại-đức tỳ-khưu rằng:
“Bhikkhave, Ajjādiṃ katvā mahādhammassavanaṃ vā pākatikadhammassavanaṃ vā upanisinnakathaṃ vā antamaso anumodanampi kathetvā sabbasattānaṃ pattiṃ dadeyyātha.”
– Này chư tỳ-khưu! Từ nay về sau, các con nghe chánh-pháp nhiều hoặc nghe chánh-pháp thường ngày hoặc ngồi đàm đạo chánh-pháp, dù ít nhất nói lời hoan-hỷ, thì các con cũng nên ban phần phước-thiện pháp-thí cao thượng ấy đến cho tất cả chúng-sinh.
Như vậy, pattidānakusala, phước-thiện hồi-hướng (biếu, dâng, phân phát) phần phước-thiện của mình đến cho người khác, và pattānumodanakusala, phước-thiện hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác biếu cho (dâng cho, phân phát cho) đến mình có liên quan với nhau.
* Nếu người thí-chủ nào đã tạo phước-thiện bố-thí (dānakusala), rồi hồi-hướng phần phước-thiện bố-thí ấy đến cho tất cả chúng-sinh, thì người thí-chủ ấy có thêm được phước-thiện hồi-hướng (pattidānakusala).
* Và nếu chúng-sinh nào phát sinh đại-thiện-tâm hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác đã hồi-hướng đến cho mình, thì chúng-sinh ấy có được phước-thiện hoan-hỷ nhận phần phước-thiện của người khác (pattānumodanākusala).
Cho nên, nếu người nào đã tạo phước-thiện nào rồi, nên hồi-hướng phần phước-thiện ấy đến cho nhiều chúng-sinh khác, thì người ấy càng làm tăng thêm được nhiều phước-thiện hồi-hướng nữa.
Cũng ví như người có ngọn đèn đang cháy sáng, rồi cho nhiều người mồi thắp sáng nhiều cây đèn khác, thì ánh sáng đèn của mình không giảm mà còn làm cho ánh sáng lan toả rộng thêm nữa.
Cũng như vậy, người nào đã tạo phước-thiện nào rồi, người ấy nên hồi-hướng phần phước-thiện ấy đến cho tất cả mọi chúng-sinh, thì làm cho phước-thiện ấy của mình càng thêm xán lạn.
TẢI MOBILE APP PHẬT GIÁO THERAVĀDA ĐỂ XEM THÊM NHIỀU THÔNG TIN HỮU ÍCH (ANDROID & IOS)