THIÊN NHÂN SƯ

Tại sao Đức Phật có hiệu Satthādevamanussānaṃ (Thiên Nhân Sư)? Bởi Ngài là thầy cả Chư Thiên và nhân loại.

    a. Sự lợi ích của Giáo Pháp 

Giáo Pháp đức Thế Tôn đã giảng dạy cho Chư Thiên và nhân loại nhằm vào ba sự lợi ích sau đây: lợi ích hiện tại (diṭṭhadhammikattha), lợi ích tương lai (samparāyikattha), lợi ích cao thượng là Niết-bàn (paramattha).

Sự lợi ích hiện tại có bốn: nên siêng năng làm những công việc nuôi mạng hằng ngày là những nghề nghiệp chân chánh (uṭṭhāna sampadā), không tội lỗi; nên gìn giữ tài sản đã kiếm (ārakkha sampadā) đặng không cho hao mòn tiêu hoại vì những nguyên nhân khác nhau như lửa cháy, trộm cướp, chơi bời, cờ bạc v.v…; nên thân cận bạn lành (kalyānamittatā) là những bạn có đức tin, có giới hạnh, năng làm những việc phước thí, có trí tuệ v.v…; nên tiêu xài tiền một cách độ lượng cân phân (samajīvitā), là tùy theo sức mình đã kiếm được, đừng hoang phí.

Sự lợi ích tương lai có bốn: có đức tin (saddhā sampadā) là tin ân đức Tam bảo, tin nghiệp, tin quả, có giới hạnh (sīla sampada) là trì giới trong sạch (ngũ giới, bát quan trai giới, v.v…), có sự dứt bỏ (cāga sampadā) là đem tiền của ra làm việc phước thí đến các bậc sa môn và kẻ bần cùng, bệnh tật v.v…, có trí tuệ (paññā sampadā) là biết rõ tội phước và thật tướng của các pháp hữu vi. Người nào thực hành đầy đủ cả 4 điều kể trên là người đã dọn xong con đường đi về buổi vị lai, đến khi tan rã ngũ uẩn này rồi sẽ đi dễ dàng không chướng ngại.

Về sự lợi ích cao thượng là Niết-bàn, đức Thế Tôn giảng dạy, chỉ bảo cho thấy bốn chân lý là Tứ diệu đế (Ariya sasa): khổ đế (dukkhaṃ) (12 sự thống khổ hiển nhiên của nhân loại), tập đế (dukkhasamudayo) (nhân sanh của các sự thống khổ là lòng ái dục), diệt đế (dukkha nirodho) (nơi diệt của các sự thống khổ là Niết-bàn), đạo đế (dukkha nirodhagāminīpaṭṭipadā) (con đường Bát chánh đạo hành theo để đi đến nơi diệt khổ).

Ngài đã giáo hóa tùy theo duyên lành (upanissaya). Chúng sanh nào ít duyên lành, nhiều phiền não thì Ngài dạy bảo về sự lợi ích hiện tại và vị lai. Chúng sanh nào thiện duyên cao dày thì Ngài dạy bảo về sự lợi ích cao thượng là Niết-bàn.

    b. Bậc dẫn đạo tuyệt luân 

Trong bộ Mahā Niddesa có giải về chữ “thầy” (satthu) như vầy: “Ðức Thế Tôn là thầy, vì Ngài là bậc dẫn đạo chúng sanh đến nơi an lạc là Niết-bàn”.

Lệ thường, phận sự của người hướng đạo chuyên nghiệp là dắt dẫn đoàn lữ hành qua những con đường xa hẻo lánh đầy sự hiểm nguy tai hại, về đến nhà hoặc đi đến nơi đã định trước một cách an toàn vô sự. Con đường xa hẻo lánh đầy sự hiểm nguy tai hại ấy có 5: tai hại vì trộm cướp (corakantāra), nguy hiểm vì thú dữ (bālakantāra), nguy hiểm vì không có nước uống (nirudakakantāra), nguy hiểm vì phi nhân (dạ xoa,…) (amanussakantāra), nguy hiểm vì không có vật thực (appabhakkhakantāra).

Cũng như thế ấy, đức Thiên Nhân Sư đã hướng dẫn chúng sanh qua khỏi 13 con đường xa (kantāra) có nhiều sự khổ não và tai hại như sau: con đường nguy hiểm của sự sanh (jāti kantāra), con đường nguy hiểm của sự già (jarā kantāra), con đường nguy hiểm của sự đau (bệnh) (byādhi kantāra), con đường nguy hiểm của sự chết (marana kantāra), khổ vì các sự thống khổ (dukkha dukkha), khổ vì buồn rầu thương tiếc (soka), khổ vì khóc than kể lể (parideva), khổ vì phiền muộn (domanassa), khổ vì khó chịu bực  tức  (upāyāsa),  tai  hại  vì  kiến  thức  (diṭṭhi),  tai  hại  vì phóng tâm (uddhacca), tai hại vì hoài nghi (vicikiccha), tai hại vì giới cấm thủ (chấp lệ cúng tế thần thánh, thần lửa, v.v…) (sīlabbatta parāmāsa).

Ðức Thế Tôn đã dùng 30 pháp ba-la-mật kết lại làm một thớt tượng dũng mãnh hoặc một chiếc xe kiên cố, vượt qua 13 con đường xa đầy khổ não tai hại kể trên, đến nơi vô sanh bất diệt là Niết-bàn. Sau khi tự mình vượt qua rồi, Ngài từ bi dạy bảo chúng sanh dùng những phương tiện quí báu ấy và hướng dẫn chúng sanh qua những con đường xa đầy dẫy những sự thống khổ sanh, lão, bệnh, tử… đến nơi an lạc cũng như Ngài. Hoặc giả Ngài đã dùng 30 pháp ba-la-mật tạo thành một chiếc thuyền, tự mình vượt qua khổ hải là sanh tử luân hồi, rồi Ngài lại dùng chiếc thuyền ấy đưa chúng sanh từ bờ mê đến nơi bến giác.

“Ye te kappasatasahassā dhammaṃ sutvā paññāya passanti

Chúng sanh nào đã thực hành các pháp ba-la-mật được 100 ngàn đại kiếp hữu phước, rồi sau được thính Pháp đức Thế Tôn, khiến cho phát sanh trí huệ thông hiểu Giáo lý của Ngài, thấy rõ Tứ diệu đế, diệt tận phiền não ái dục trong thân tâm bằng A-la-hán đạo tuệ; chúng sanh ấy được qua khỏi đường xa có nhiều thống khổ vì sự sanh, nghĩa là không còn thọ sanh vào thai bào của người mẹ nữa như năm thầy Kiều Trần Như và ông Yasakola cùng người bạn…

Theo “Nhân quả liên quan” thường gọi là “Thập nhị nhân duyên”, các pháp hữu vi đều do nguyên nhân mà phát sanh lên, khi nguyên nhân diệt tắt rồi thì các pháp ấy cũng bị diệt tắt theo.

Sanh (jāti) là nguyên nhân của lão tử (jarā maranaṃ), khi sanh diệt thì lão tử diệt. Ðúng với câu Phật ngôn “Jātinirodhā jāra maranaṃ soka paridevadukkha domanassupāyāsa nirujjhanti”: khi sanh diệt đi rồi, thì sự già, chết, thương tiếc, khóc than, khổ não, phiền muộn, bực tức cũng diệt theo tất cả.

Vì thế, bậc Thánh nhân nào không còn tái sanh nữa, thì bậc ấy cũng không còn có thân ngũ uẩn. Nếu không có thân ngũ uẩn thì cũng không có sự già, đau, chết và các điều thống khổ khác trong buổi vị lai. Các pháp hữu vi đều bị diệt tắt rồi, ta có thể nói rằng bậc Thánh nhân ấy đã qua khỏi 13 con đường xa vừa kể trên vậy.

    c. Chư Thiên và nhân loại 

Chư Thiên và nhân loại (devamanussānaṃ) đây, ý nói các hạng chúng sanh có nhiều duyên lành, có thể đắc đạo, đắc quả trong kiếp hiện tại (bhabba puggala).

Sự thật, không phải Đức Phật chỉ tế độ các hàng Chư Thiên và nhân loại ấy mà thôi đâu, Ngài cũng tế độ luôn cả loài thú nữa. Vì mặc dầu là loài thú trong kiếp hiện tại, nhưng khi nghe được Pháp của đức Thế Tôn rồi, tạo duyên lành, và nhờ duyên lành ấy, trong hai hoặc ba kiếp tương lai sẽ được đắc đạo quả. (Một lẽ nữa, các loài thú ấy, trong những kiếp quá khứ, khi làm người, lúc làm trời v.v… đã tập hợp được nhiều thiện duyên, đến kiếp hiện tại tuy đã trả quả khổ do nghiệp ác đã tạo nên thân làm súc sanh nhưng thiện duyên vẫn còn tồn tại, đến khi kiếp này, hữu phước, được gặp Đức Phật tế độ cho).

Như tích vị trời Maṇḍūka sau đây. Trong khi đức Thế Tôn thuyết Pháp độ dân chúng trong thành Campā, cạnh bờ hồ Gaggarā, có một con ếch nhận biết được một tiếng trong lời nói của Ngài. Có người chăn bò đứng gần đó, chống cây gậy bọc sắt trên mặt đất, nào ngờ trúng ngay con ếch và đè dẹp nát đầu ếch. Con ếch chết ngay và liền tái sanh ở cõi trời Đạo Lợi trong một đền đài bằng vàng rộng 12 do tuần, dường thể mới thức dậy sau một giấc ngủ. Khi nhìn thấy đền vàng nguy nga và đoàn Chư Thiên nữ bao quanh mình, vị trời ấy ngạc nhiên, tự hỏi “Ta đã làm điều phước thiện gì mà được như vậy?”. Sau khi cố tìm kiếm trong trí, mới nhớ ra rằng điều phước thiện đã làm không chi hơn là sự nhận biết được một tiếng trong lời thuyết Pháp của Đức Phật thôi. Vị trời ấy liền mang cả đền vàng bay xuống cõi trần đảnh lễ đức Thế Tôn. Mặc dầu đã rõ biết, nhưng Ngài vẫn hỏi bằng lời kệ rằng: “Ko me vandati pādāti iddhiyā yasasā jalaṃ abhikantena vaṇṇena sabbā obhāsayaṃ disā” (Vị nào mà có nhiều thần lực, có địa vị cao quí và có hào quang rực rỡ chiếu sáng cả bốn phương, đến đảnh lễ dưới chân Như Lai đó?) Vị trời ấy bèn bạch bằng lời kệ rằng: “Maṇḍukoham pure āsiṃ udake vārigocaro tava dhammaṃ suṇantassa avadhi vacchapalako” (Bạch đức Thế Tôn! Lúc trước tôi là con ếch sống ở dưới nước, khi đang nghe Pháp đức Thế Tôn, người chăn bò đã vô ý giết tôi). Ðức Thế Tôn thuyết Pháp cho vị trời ấy nghe, có tám muôn bốn ngàn chúng sanh đắc đạo quả trong buổi đó, còn vị trời Maṇḍūka được đắc quả Tu-đà- huờn, mỉm cười thỏa thích rồi bay trở về cõi trời.

Do nhờ những ân đức vừa kể trên, nên Đức Phật có hiệu là Satthādevamanussānaṃ (Thiên Nhân Sư).

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app