THẾ GIAN GIẢI 

Tại sao Đức Phật có hiệu là Lokavidu (Thế Gian Giải)?

Bởi Ngài thông suốt cả tam giới.

“Tam giới” nghĩa là 3 cảnh giới mà chúng sanh đi thọ sanh: Dục giới (kāmabhava), Sắc giới (rūpabhava), Vô Sắc giới (arūpabhava). Dục giới là cảnh giới mà chúng sanh còn vui thích, ưa muốn ngũ trần là sắc, thinh, hương, vị, xúc. Dục giới gồm 11 cõi là Ðịa ngục, A-tu-la, Ngạ quỷ, Súc sanh, Nhân loại, và 6 cõi trời Dục giới. Sắc giới là cảnh giới mà chúng sanh hưởng sự an vui do nơi quả phúc của thiền định hữu sắc. Tùy theo năng lực của bậc thiền đã đắc tại cõi trần, các vị đã đắc từ sơ thiền đến ngũ thiền tái sanh về 16 cõi trời Sắc giới, không còn phân biệt nam nữ và sống lâu từ một phần ba (1/3) kiếp đến 16.000 kiếp quả địa cầu. Vô Sắc giới là cảnh giới mà chúng sanh không còn có sắc tướng nữa, chỉ còn tâm tinh khiết, không nhơ bợn. Các vị trời này đã đắc 4 bậc thiền vô sắc khi còn làm người ở cõi trần, tái sanh về 4 cõi trời vô sắc và tuổi thọ từ 20.000 kiếp đến 84.000 kiếp quả địa cầu.

Trong tam giới vừa kể, có cõi chúng sanh chỉ có nhứt uẩn, cõi có tứ uẩn và cõi có đủ ngũ uẩn nhưng không thoát khỏi sự thọ sanh do 4 cách là noãn, thai, thấp, hóa và vẫn còn dính mắc mãi trong vòng sanh tử luân hồi.

Tam giới thuộc về thế gian còn xuất thế gian là Niết-bàn. Pháp nào có sanh và có diệt, thể trạng nào bị chi phối bởi lẽ vô thường là phải bị tiêu hoại tan rã gọi là thế gian (loka). Thế gian có 3: pháp hành thế gian (saṅkhāra loka), chúng sanh thế gian (satta loka), hư không thế gian (ākasā loka).

  • Pháp hành thế gian.

Ðức Phật thông suốt các pháp hành thế gian kể sau đây:

  • Tất cả chúng sanh đều nhờ thực phẩm mà tồn tại (āhārasaṅkhāra lakaṃ).
  • Danh sắc hành vi (nāmarūpa saṅkhātaṃ): danh (nāma) gồm có 81 tâm vương (citta), 52 tâm sở (cetasika)16; sắc (rūpa) gồm có 4 tứ đại sắc (mahābhūta rūpa) là đất, nước, gió, lửa, và 24 phụ sắc (hoặc liên kết sắc) (upādāya rūpa)17.
  • Tam thọ hành vi (tividhavedanā saṅkhātaṃ): thọ vui, thọ khổ, thọ xả (không vui, không khổ).
  • Hành vi bốn món vật thực (caturāhāra saṅkhātaṃ) là: vật thực hữu hình (kabaliṅkārāhāra) như cơm, bánh, trái… gồm có tứ đại, màu sắc, mùi, vị và chất bổ dưỡng; vật thực tiếp xúc (phassāhāra) là sự tiếp xúc lục căn và lục trần làm cho thọ (vedanā) phát sanh lên; vật thực tác ý thiện, ác (manosañcetanāhāra) là vật thực để đưa đi tái sanh trong tam giới, vật thực tâm thức (viññāṇāhāra) là vật thực để phát sanh danh sắc trong lúc thọ
  • Hành vi thủ (pañcupādānakkhandhā saṅkhātaṃ) là cố chấp, giữ chặt 5 uẩn: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn cho là ta, là thân ta, là của ta…
  • Hành vi lục căn (chājjhattikāyatana saṅkhātaṃ) là nhãn căn, nhĩ căn, tỉ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn.
  • Hành vi về chỗ trú ngụ của thức (sattaviññāṇaṭṭhiti saṅkhātaṃ) có 7: có chúng sanh thân hình khác nhau và tư tưởng cũng khác nhau (nānattakāyā nānattasaññi) (như nhân loại, Chư Thiên, ngạ quỷ); có chúng sanh thân hình khác nhau nhưng tư tưởng giống nhau (nānattakāyā ekattasaññi) (như Chư Thiên trong 3 cõi Sắc giới thuộc hạng sơ thiên là Hành kiến thiên (parisajjā), Hành thần thiên (parohitā) và Ðại Phạm Thiên (Mahā brahmā); có chúng sanh thân hình giống nhau nhưng tư tưởng khác nhau (ekattakāyā nānattasaññi) (như Chư Thiên trong 3 cõi Sắc giới thuộc về hạng nhị thiên là: Thiểu quang thiên (Parittābhā), Vô lượng quang thiên (Appamāṇābhā), Thân quang thiên (Ābhassarā); có chúng sanh thân hình giống nhau và tư tưởng cũng giống nhau (ekattakāyā ekattasaññi) (như Chư Thiên trong 3 cõi Sắc giới thuộc hạng tam thiên là: Thiểu hảo thiên (Paritta subhā), Vô lượng hảo thiên (Appamāṇa subhā), Ða hảo thiên (Subha kinhā), và như Chư Thiên trong 5 cõi Tịnh cư thiên (Suddhāvāsa) thuộc về tứ thiên là chỗ ngụ của các bậc A-na-hàm đã diệt lòng tham muốn cảnh dục, chờ đắc A-la-hán nhập Niết-bàn luôn nơi ấy chớ không trở lại cõi trần nữa nên gọi là hạng Bất lai. Năm cõi Tịnh cư thiên là: Vô phiền thiên (Avihā), Vô nhiệt thiên (Atappā), Hảo thân thiên (Suddassā), Hảo kiến thiên (Suddassī), Vô thiểu thiên (Akaniṭṭhakā); có chúng sanh mà tư tưởng vượt qua khỏi cảnh sắc (ākāsānañcayatana), nhập vào cõi vô sắc thứ nhất là “Không vô biên thiên”, lấy hư không vô tận làm cảnh giới; có chúng sanh tư tưởng vượt qua cõi “Không vô biên thiên” (viññāṇañcāyatana), nhập vào cõi vô sắc thứ nhì là “Thức vô biên thiên”, lấy thức vô tận làm cảnh giới; có chúng sanh tư tưởng vượt qua cõi “Thức vô biên thiên” (ākiñcaññāyatana), nhập vào cõi vô sắc thứ ba là “Vô hữu sơ thiên”, lấy “sự không có vật chi cả” (dầu vật chi hết sức nhỏ nhen vi tế cũng không có) làm cảnh giới.
  • Hành vi tâm của phàm nhân luôn luôn bị 8 pháp thế gian chi phối, ám ảnh (aṭṭhalokadhamma): được lợi (lābho), thất lợi (alābho), được danh (yaso), thất sanh (ayaso), bị chê (nindā), được khen (pasaṃsā), được vui (sukhaṃ), bị khổ (dukkhaṃ).
  • Hành vi về chỗ trú ngụ của chúng sanh (navasattavasa saṅkhātaṃ) có 9: 7 chỗ trú ngụ của thức vừa kể trên thêm 2 cõi trời sau đây nữa là 9 là cõi trời Sắc giới Vô tưởng thiên (Asaññisatta) thuộc về tứ thiền, cõi trời vô sắc thứ tư là Phi phi tưởng thiên (Nevasaññānāsaññāyatana) là cảnh giới của hạng chúng sanh không có tưởng và cũng không phải không có tưởng.
  • Hành vi ngũ căn và ngũ trần (dasāyatana saṅkhātaṃ): nhãn căn (cakkhavāyatana), nhĩ căn (sotāyatana), tỉ căn (ghānāyatana), thiệt căn (jivhāyatana), thân căn (kāyāyatana), sắc trần (rūpāyatana), thanh trần (saddāyatana), hương trần (gandhāyatana), vị trần (rasāyatana), xúc trần (phoṭṭhabbāyatana).
  • Hành vi 11 cái tâm duyên theo cảnh giới bên ngoài đưa đến (ekādasavithārammaṇa saṅkhātaṃ): tâm vui thích phối hợp với cảnh giới có luôn cả trí tuệ (somanassañāṇa sampayutta), sự vui thích có 2 là thụ động và tự động; tâm vui thích phối hợp với cảnh giới nhưng không trí tuệ (somanassañāṇa vippayutta) có 2 là thụ động và tự động; tâm vô ký phối hợp cảnh giới có luôn cả trí tuệ (upekkhāñāṇa sampayutta), có 2 là thụ động và tự động; tâm vô ký phối hợp với cảnh giới nhưng không trí tuệ (upekkhāñāṇa vippayutta), có 2 là thụ động và tự động; tâm thọ lãnh cảnh giới với ý vô ký (upekkhāsampaṭicchanna); tâm xem xét cảnh giới với ý vô ký (upekkhāsantīraṇa); tâm xem xét cảnh giới với ý vui thích (somanassa santīraṇa).
  • Hành vi lục căn và lục trần (dvādasāyatana saṅkhātaṃ) gồm có: ngũ căn vừa kể trên thêm ý căn (manāyatana) là 6, ngũ trần vừa kể trên thêm pháp trần (dhammāyatana) là 6.
  • 13 cái tâm vui thích (terasahasanacitta saṅkhātaṃ) là: 4 tâm tham luôn cả ý vui thích (lobhasomanassa), 4 tâm đại thiện luôn cả ý vui thích (mahākusalasomanassa), 4 đại hạnh tâm hiệp theo ý vui thích (mahākiriyāsomanassa), 1 tâm vui thích để sanh sự vui cười chúm chím (hasituppāda). 
  • 14 ác tâm (cuddasacittuppāda saṅkhātaṃ) là: si mê (moho); không hổ thẹn tội (ahirikaṃ); không ghê sợ tội lỗi (anottappaṃ); tâm phóng dật (uddhaccaṃ); xan tham (lobho); tà kiến (diṭṭhi); ngã mạn (māno); sân hận (dosa); ganh tị (issā); bỏn xẻn (macchariyaṃ); tâm hay hối tiếc, lo nghĩ viển vông, nhớ theo chuyện chi không nhất định (kukkuccaṃ); do dự, uể oải, không sốt sắng (thīnaṃ); hôn trầm, buồn ngủ (middhaṃ); hoài nghi, không tin chắc (vicikicchā). 
  • 18 bản chất (aḍḍhārasadhātu saṅkhātaṃ) là: chất nhãn (thị giác quan) (cakkhu dhātu), chất nhĩ (thính giác quan) (sota dhātu), chất tỉ (khứu giác quan) (ghāna dhātu), chất thiệt (vị giác quan) (jivhā dhātu), chất thân (xúc giác quan) (kāya dhātu), chất ý (tâm thức) (mano dhātu), chất sắc (sắc cảnh) (rūpa dhātu), chất thinh (thinh cảnh) (saddha dhātu), chất hương (hương cảnh) (gandha dhātu), chất vị (vị cảnh) (rasa dhātu), chất xúc (xúc cảnh) (phoṭṭhabba dhātu), chất pháp (pháp cảnh) (dhamma dhātu), chất nhãn thức (cakkhu viññāṇa dhātu) (khi nhãn căn tiếp xúc với sắc trần thì phát sanh sự biết gọi là nhãn thức), chất nhĩ thức (sota viññāṇa dhātu), chất tỉ thức (ghāna viññāṇa dhātu), chất thiệt thức (jivhā viññāṇa dhātu), chất thân thức (kāya viññāṇa dhātu), chất ý thức (mano viññāṇa dhātu).

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app