THIỆN THỆ

Tại sao Đức Phật có hiệu là Sugato (Thiện Thệ)? Bởi Ngài có sự hành trình toàn hảo (sobhana gamana) và có ngôn ngữ chân chánh (sammāgadattā)

  1. Sự hành trình toàn hảo đây, ý nói có 4 điều:

− Tướng đi đẹp đẽ.

Ðức Phật có tướng đi vừa oai hùng, vừa trang nghiêm tề chỉnh, khiến cho chúng sanh trông đến phải ngưỡng mộ, tôn kính và vui thích nhìn xem.

Sau khi thành đạo dưới cội bồ đề, Ngài cất bước thẳng tiến về phía vườn Lộc Giả (Isipatana) để độ năm thầy Kiều Trần Như, có vô số Chư Thiên và cầm thú trông thấy diện mạo quang minh hào quang rực rỡ và tướng đi trang nghiêm đẹp đẽ của đức Thế Tôn, đồng thanh phát tâm thỏa thích hoan hô ca tụng. Từ trên không, Chư Thiên rắc hoa thơm ngào ngạt và phổ tấu những nhạc điệu du dương cúng dường từng bước đi của Ngài. Dưới trần, muôn thú hân hoan theo gót chân Ngài, chim chóc bay liệng, hót mừng ca tụng đấng đại bi…

Vạn vật như bừng lên một ánh sáng huy hoàng và rộn rịp lên một niềm hoan lạc đón chào đấng cứu thế, từ đây châu du trọn 45 năm trường tế độ quần sanh…

Lại nữa, mỗi khi đức Thế Tôn ngự đến xóm làng nào, đều có Chư Thiên và đông người cung kính đi theo nhìn xem tướng trang nghiêm tốt đẹp và phát sanh tâm ngưỡng mộ tôn sùng.

Cần nói thêm rằng có nhiều hạng chúng sanh sùng bái tôn kính Đức Phật vì Ngài có 4 pháp chan hòa (pamāṇa) nghĩa là dồi dào lai láng sự tốt đẹp, cao quí như sau đây:

  • Sắc chan hòa (rūpa pamāṇa): dung nhan Ngài tốt đẹp phi phàm trọn đủ 32 tướng hảo và 80 tướng phụ14, Chư Thiên và nhân loại không ai sánh bằng.
  • Pháp chan hòa (dhamma pamāṇa): các Pháp mà Ngài đã tỏ ngộ thật vi diệu thậm thâm và đúng chân lý, các bậc thiện trí thức khác không thể sánh bằng.
  • Thinh chan hòa (ghosa pamāṇa): tiếng nói của Ngài thanh tao, vang ngân như tiếng của trời Phạm Thiên và êm dịu rõ ràng như tiếng con chim quốc (karavika).
  • Tâm vui thích bình đẳng chan hòa (luka pamāṇa): Ngài có tâm bình đẳng, dầu bậc vua chúa hoặc thường dân, người giàu sang hoặc kẻ bần hàn đem vật chi đến cúng dường, Ngài cũng đều thọ lãnh một cách vui vẻ hồn nhiên không phân biệt giai cấp của thí chủ và vật cúng cao quý hay thấp hèn.

Vì thế, nên có người phát tâm hoan hỷ, ưa thích sắc tướng đẹp đẽ phi phàm của đức Thế Tôn, rồi xuất gia vào tu theo Giáo Pháp hoặc tin lời giáo huấn của Ngài mà làm điều phước thiện. Có người cảm mến Ngài vì những pháp hợp lý, cao thượng, chân chánh mà Ngài đã giảng dạy rồi trở thành môn đồ của Ngài. Có người ưa thích tiếng nói tao nhã êm ái của Ngài rồi tu theo Ngài. Có người lại mến tâm bình đẳng của Ngài trong sự thọ nạp vật dụng cúng dường rồi thọ giáo với Ngài.

Do nhờ 4 “Pháp chan hòa” cao quí vừa kể trên mà đức Thế Tôn ngự đến nơi nào, cũng hằng làm cho đại chúng phát tâm tín ngưỡng sùng mộ Ngài. Chúng sanh nào chưa có đức tin nơi Tam bảo, khi gặp Ngài rồi liền phát lòng cảm mến tin tưởng.

Chúng sanh nào đã tu theo Giáo Pháp của Ngài rồi, khi nghe Ngài thuyết Pháp, hoặc nhìn sắc thân, hoặc nghe tiếng nói, hoặc cảm thông tâm bình đẳng của Ngài, lại càng có đức tin dõng mãnh và thực hành tinh tấn những Pháp mà Ngài đã giáo huấn.

− Ði đến nơi trong sạch.

Ðức Phật hằng đi đến nơi trong sạch vì nơi nào dầu ô uế nhơ bẩn đến đâu, khi Ngài ngự đến đều trở nên sạch sẽ vui tươi.

Như tính xưa, thành Vesālī bị bọn phi nhân là ngạ quỉ, dạ xoa… hoành hành, gieo rắc bệnh dịch hạch làm cho dân chúng chết chóc vô số đến nỗi không kịp chôn, mùi tử khí xông lên nồng nặc. Trước khi đức Thế Tôn ngự đến thành ấy, Chư Thiên hay biết liền tuôn một đám mưa lành rất lớn, quét tan các hàng phi nhân và mùi tử khí, thành Vesālī trở nên sạch sẽ an lành.

− Ði con đường chân chánh.

Ðức Phật đã đi con đường chân chánh, thanh tịnh là Thánh đạo (ariya magga), không hề quay lại tìm các phiền não trọng đại và thụy miên mà Ngài đã diệt trừ do nhờ đạo quả Tu-đà-huờn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán.

Con đường chân chánh ấy trọn 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp quả địa cầu, đức Thế Tôn đã đi từ lúc còn là Bồ tát, được Đức Phật Nhiên Ðăng (Dīpaṅkāra) thọ ký cho đến khi thành bậc Chánh đẳng Chánh giác dưới cội bồ đề. Với hoài bảo thiết tha cứu vớt nhân loại ra khỏi mê tận khổ ải, Ngài đã hành viên mãn 30 pháp ba-la-mật và đã gian lao khổ nhọc trên con đường trung đạo, không thiên về những quan niệm cực đoan là “lợi dưỡng” và “khổ hạnh”, “thường kiến” và “đoạn kiến”.

− Ði đến nơi an lạc.

Ðức Phật đã đi đến nơi an lạc, vô sanh bất diệt là Ðại Niết-bàn.

Trước ngày thành đạo, Ngài chưa từng đến nơi tịch tĩnh ấy, nhưng Ngài không mảy may e ngại, vì thâm tâm đã được hoàn toàn trong sạch thanh tịnh, không còn phiền não. Phiền não nào Ngài đã diệt tận rồi, phiền não ấy không còn trở lại tâm Ngài và Ngài cũng không bao giờ quay lại tìm phiền não ấy.

   2. Ngôn ngữ chân chánh, ý nói: những huấn từ chân thật đúng theo Giáo lý, nhắm vào sự lợi ích và sự giải thoát của chúng sanh mà Đức Phật thốt ra tùy theo trường hợp và tùy theo hoàn cảnh thích đáng.

Ngài hiểu biết tường tận lời nào đúng theo chân lý hoặc không đúng theo chân lý, lời nào có lợi ích hoặc không có lợi ích, lời nào vừa lòng thích ý hoặc không vừa lòng thích ý chúng sanh. Lời nào không đúng theo chân lý, không có lợi ích và không vừa lòng chúng sanh, Ngài không bao giờ thuyết. Lời nào đúng theo chân lý nhưng không có lợi ích và không vừa lòng chúng sanh, Ngài không bao giờ thuyết. Lời nào đúng theo chân lý, có lợi ích nhưng không vừa lòng chúng sanh, Ngài biết tùy cơ hội thuận tiện để thuyết. Lời nào không đúng theo chân lý, không có lợi ích, nhưng vừa lòng chúng sanh, Ngài không bao giờ thuyết. Lời nào đúng theo chân lý, nhưng không có lợi ích, dầu vừa lòng chúng sanh, Ngài không bao giờ thuyết. Lời nào đúng theo chân lý, có lợi ích và vừa lòng chúng sanh, Ngài biết lựa cơ hội thuận tiện để thuyết.

Như một ngày nọ, đi ngang qua cánh rừng nhỏ gần thành Kosambī, đức Thế Tôn cầm một nắm lá trong tay và phán hỏi đức A-Nan như vầy: “Này A-Nan lá cây mà Như Lai nắm trong tay đây và lá cây trong rừng này, lá nào nhiều hơn?” Đức A-Nan bèn bạch rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Lá cây mà đức Thế Tôn nắm trong tay rất ít, lá cây còn trong rừng thật là nhiều”. Đức Phật mới phán rằng: “Này A-Nan! Cũng như thế ấy, những pháp mà Như Lai đã thấy rõ, biết rõ thật là nhiều ví như lá cây trong cánh rừng này, còn những pháp mà Như Lai đã thuyết ra cho chúng sanh được biết, chỉ ít ỏi như nắm lá trong tay Như Lai vậy. Tại sao thế? Bởi vì, các pháp mà Như Lai không thuyết ra là những pháp không đem lại sự lợi ích, không liên hệ chi đến sự hành phạm hạnh, đến sự diệt tận phiền não, đến sự yên lặng của tâm hồn, đến sự phát sanh trí tuệ viên dung và đến Niết-bàn. Vì vậy, Như Lai không thuyết ra. Còn các pháp mà Như Lai đã thuyết là những pháp chỉ rõ đây là khổ, đây là nguyên nhân phát sanh sự khổ, đây là nơi diệt khổ và đây là con đường đi đến nơi diệt khổ. Vì các Pháp ấy đem lại sự lợi ích liên hệ đến đời sống thanh cao, đến sự diệt tận phiền não, đến sự yên lặng của tâm hồn, đến sự phát sanh trí tuệ viên dung và đến Niết-bàn”.

Như thế, ta nhận thấy rằng mặc dầu Đức Phật đã hiểu biết tường tận vô lượng pháp, nhưng Ngài chỉ phổ cập những pháp nào đúng theo chân lý và đem sự lợi ích và sự giải thoát đến cho chúng sanh thôi.

Do nhờ những ân đức cao quí vừa kể trên nên Ngài có hiệu là Sugato (Thiện Thệ).

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app