ĐIỀU NGỰ TRƯỢNG PHU 

Tại sao Đức Phật có hiệu là Purisadammasārathi (Ðiều Ngự Trượng Phu)? Bởi Ngài là đấng tế độ những người hữu duyên nên tế độ.

  1. Người hữu duyên 

Người hữu duyên là người trong kiếp quá khứ đã thực hành pháp ba-la-mật, là người năng bố thí, chuyên cần trì giới, tham thiền, thính Pháp.

Người đã thực hành những hạnh thanh cao ấy là người đã tập duyên lành (upanissaya) đáng được tế độ. Tùy theo trình độ phạm hạnh thấp hoặc cao, thiện duyên nhiều hoặc ít, đức Thế Tôn dùng phương tiện thích ứng để tế độ mỗi người hữu duyên. Có 2 hạng người hữu duyên: hạng người do Đức Phật tế độ (buddhaveneyya), hạng người do các bậc thinh văn tế độ (sāvakaveneyya). Hạng người nào hữu duyên cùng Đức Phật thì tự Ngài đến tế độ, còn hạng người nào Ngài biết rõ hữu duyên với bậc thinh văn nào thì Ngài bảo vị ấy đến tế độ cho.

     b. Phương tiện tế độ chúng sanh 

Ðức Thế Tôn tùy theo tâm tánh và căn cơ của mỗi hạng người mà giảng giải rõ ràng về phước hoặc tội. Chúng sanh nào ưa thích những điều lành thì Ngài thuyết về các pháp hành thiện, là hành thiện do thân (kāya sucarita), do khẩu (vacī sucarita) và do ý (mano sucarita) cùng phước báu của các pháp ấy, hầu làm cho chúng sanh đó phát tâm thỏa thích trong sự làm các điều thiện. Chúng sanh nào ưa thích những điều ác, Ngài thuyết về các pháp hành ác, là hành ác do thân (kāya duccarita), do khẩu (vacī duccarita) và do ý (mano duccarita) cùng quả báo của các pháp ấy, hầu làm cho chúng sanh đó phát tâm ghê sợ những điều tội lỗi và hồi tâm làm các việc lành.

Kế tiếp với những hạng người đã trau dồi giới hạnh thanh tịnh rồi, Ngài thuyết về các pháp thiền định và phước báu do các pháp ấy từ bậc sơ thiền đến tứ thiền.

Với những bậc đã đắc thiền định, Ngài lại giảng giải về các pháp minh sát, hầu làm cho những vị ấy tu tập lần lần để phát sanh trí tuệ thấy rõ thật tướng các pháp hữu vi, diệt trừ phiền não và đắc đạo quả Thánh nhân từ Tu-đà-huờn đến A-la-hán.

Chúng ta không lấy làm lạ rằng trong tích xưa, có nhiều Chư Thiên và bậc đại thiện duyên, khi nghe qua một câu kệ ngôn hoặc một thời Pháp do đức Thế Tôn thuyết, được liễu chứng đạo quả Thánh nhân ngay tại chỗ ngồi của mình. Nguyên do là các bậc ấy đã thực hành viên mãn, các pháp ba-la-mật và tập hợp thiện duyên cao dày quí báu từ vô số kiếp quá khứ, đến kiếp hiện tại hữu phước gặp Đức Phật giảng dạy tế độ cho, nên được nếm hương vị an vui tuyệt đối, ví như trái cây đã chín muồi từ bao nhiêu ngày trên cành cao, chỉ một luồng gió nhẹ thoảng qua là rơi rụng vậy.

Trong kinh Aṅguttara Nikāya, có câu Phật ngôn như vầy: “Này Kesi! Như Lai huấn luyện chúng sanh đáng tế độ khi thì bằng phương cách dịu dàng, lúc thì bằng phương tiện cứng rắn và khi thì bằng cách vừa dịu dàng vừa cứng rắn”.

Nói tóm lại, Ngài tế độ chúng sanh bằng 3 phương tiện sau đây: Ngài giảng dạy rõ ràng về các điều thiện và điều ác (abhiññā); Ngài dạy bảo theo nguyên nhân là tùy theo quả lành hoặc dữ đã xảy ra (sanidāna), Ngài chỉ cho thấy do nhân thiện hoặc nhân ác; Ngài giáo hóa bằng 3 pháp phi thường (sappāṭihāriya) là bằng cách dùng các pháp thần thông (iddhippāṭihāra), bằng cách biết rõ tâm của chúng sanh  (ādesanāpāṭihāra), và bằng những lời khuyên răn (anusāsanipāṭihāra), nhắc nhở và giao huấn về giới, định, huệ.

Ðức Thế Tôn rất thông thạo, rành mạch trong sự giáo hóa chúng sanh ví như nài voi đã thuần thục trong sự tập luyện voi, bởi Ngài thông hiểu tâm của tất cả chúng sanh như đã giải trong hiệu Lokavidu – Thế Gian Giải, đoạn “Chúng sanh thế gian”. Do nhờ sự hiểu biết tường tận tánh nết, hạnh kiểm, trình độ trí tuệ và duyên lành của mỗi chúng sanh, nên Ngài mới có thể giáo hóa Chư Thiên và nhân loại một cách dễ dàng. Vì thế, nên các bậc hữu duyên nên tế độ đều vâng theo lời khuyên bảo và giáo huấn của Ngài.

    c. Chúng sanh được tế độ 

Nếu dịch sát nghĩa thì chữ “Parisadammasārathi” có nghĩa là bậc chỉ đạo (sārathi) những người nam (purisa) đáng được giáo hóa (damma).

Như thế thì đức Thế Tôn chỉ độ toàn những người nam thôi hay sao? Không phải vậy, Ngài tế độ cả người nam và người nữ, nhưng lệ thường thì nói đến người nam trước vì theo Phật giáo người nam hữu phước hơn người nữ và hành đạo cũng được tiện lợi dễ dàng hơn.

Lại nữa, chẳng những chỉ riêng nhân loại thôi, Ngài còn tế độ luôn cả loài thú và phi nhân (Chư Thiên, dạ xoa, ngạ quỷ…) có duyên lành.

Hạng nam (purisa) được tế độ có 3: thú đực (tiracchāna purisa), người nam (manussa purisa), phi nhơn nam (amanussa purisa). 

  • Những thú đực như rồng chúa Apalālo trong núi Hy Mã Lạp Sơn, Cūḷodara và Mahodara trong thế giới loài rồng; Aggisikha và Dhūmasikha trong đảo Tích Lan; Āravāḷa vv.., đã được đức Thế Tôn có tâm bi mẫn dùng thần thông tế độ cho, khiến các rồng chúa ấy hết hung dữ và dứt nọc độc là lòng sân hận, rồi thọ tam qui ngũ giới. Voi Dhanāpālaka cũng được Ngài tế độ cho thọ tam qui. Không phải chỉ có bao nhiêu ấy thôi, các thú khác nữa cũng được Ngài từ bi tế độ rất nhiều.
  • Những người nam đã làm các điều tội lỗi, hằng chấp tà kiến như người con trai ngoại đạo Nigaṇṭha (Jain) tên Saccaka, những người bà-la-môn tên Ambaṭṭha, Pokkharasāti, Soṇadaṇḍa, Kūṭadanta…, đã được đức Thế Tôn từ bi thuyết Pháp tế độ cho, khiến phát sanh đức tin trong sạch nơi Tam bảo, xa lìa tà kiến, được chánh kiến và đắc đạo quả cao thượng. Những người nam đã rơi vào “lưới huệ” của Ngài và được tế độ không phải chỉ bao nhiêu ấy thôi, còn rất nhiều không kể hết được.
  • Những phi nhơn nam như các dạ xoa Ālavaka, Sūciloma và Kharaloma, đức Ðế Thích (Sakka), Ðại Phạm Thiên Pakā… đã chấp tà kiến và ngã mạn, tự cho mình là bậc có đức hạnh tối cao, được đức Chánh Biến Tri thuyết Pháp tế độ cho đến khi phát tâm tín thành Tam bảo.

     d. Huấn từ của Đức Thế Tôn 

Lời đức Thế Tôn thốt ra để giáo hóa chúng sanh rất nhiều, không thể kể xiết. Khi giáo huấn, Ngài tùy theo tâm tánh và duyên lành, theo trí tuệ và căn cơ mỗi chúng sanh, theo nguyên nhân, thời buổi và cơ hội, phong tục tập quán mỗi quốc độ…

Nói tóm lại, huấn từ của Ngài có 3: không nên làm điều ác (sabbapāpassa akaraṇaṃ), nên làm các điều lành (kusalassūpasampadā), nên trau dồi tâm cho trong sạch (sacittapariyodapanaṃ). Đức Thế Tôn khuyên bảo đừng làm điều ác là nên xa lánh 10 pháp hành ác do thân, khẩu, ý (duccarita kiriyā) gọi là thập ác: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói lời đâm thọc, nói lời độc ác (chửi rủi), nói lời viển vông vô ích, tham lam, thù oán, tà kiến (không tin nhân quả tội phước…). Ngài khuyến lệ nên làm các điều lành là nên hành 10 phạm hành pháp (puññakiriyā): bố thí, phụng sự sốt sắng (veyyāvacca), ngũ giới, tứ vô lượng tâm (appamaññā), xa lánh sự dâm dục (methunavirati), chỉ vui thích vợ mình (không ngoại tình), tinh tấn, trì bát quan trai (uposatha), bát thánh đạo (ariyamagga), giáo pháp (sāsana) (giới, định, huệ). Ngài dạy bảo nên trau dồi tâm cho trong sạch là nên cố gắng diệt tận các phiền não (kilesa) và các pháp ngủ ngầm trong tâm (anusaya) là những điều làm cho tâm bợn nhơ và khiến chúng sanh sa đọa mãi trong vòng sanh tử luân hồi. Những phiền não ấy chia ra 2 hạng: phiền não trọng đại (thô sơ) và phiền não vi tế. Phiền não trọng đại (tâm muốn sát sanh, tham muốn của cải người mong làm của mình…) có thể diệt trừ được bằng sự trì giới và thiền định. Phiền não vi tế, khó mà nhận thức được, là căn nguyên làm cho phát khởi các phiền não khác, có thể diệt tận được bằng thánh tuệ.

Nếu tóm tắt thêm nữa, huấn từ của đức Chánh Biến Tri có thể thâu ngắn lại trong hai khuyến ngôn quí báu sau đây: nên xa lánh sự dể duôi (pamāda)28, nên thực hành sự không dể duôi (appamāda).

– Sự dể duôi hằng ngụ trong tâm của hạng người hay quên mình, thường buông lung trí nhớ, không nhất quyết làm một việc gì cho lâu dài, thành tựu.

Tâm chúng sanh mải say mê theo sự cám dỗ của ngũ trần lục dục, tự nghĩ rằng ta còn trẻ chưa già, còn mạnh chưa đau, còn vui chưa khổ. nên ít có dịp tưởng nhớ đến các

pháp lành và các công đức. Dầu cho có nhớ đi nữa, cũng làm qua loa cho có chừng, không để hết tâm trí vào sự thực hành những thiện pháp. Ðó là tâm dể duôi.

Lại nữa, chẳng khác nào con cắc kè chạy một đoạn đường rồi ngừng lại một chập, không bao giờ chạy một mạch đến đích; có người làm việc phước thí hoặc trì giới hoặc thính Pháp, tham thiền. một hôm rồi bỏ luống nhiều ngày; có

người xuất gia trong một thời gian rồi hoàn tục, không còn tưởng nhớ chi đến Phật Pháp nữa… Tất cả sự kiện ấy là trạng thái của tâm dể duôi.

Sự dể duôi là nguồn cội và chủ động các pháp ác. Chúng sanh nào làm nô lệ cho sự dể duôi rồi thì hằng chất chứa phiền não trong thâm tâm, phải chịu những sự thống khổ của sanh, già, đau, chết, đời này qua kiếp khác không ngừng.

– Sự không dể duôi nghịch hẳn với sự dể duôi . Người không dể duôi là người hằng có sự ghi nhớ trong tâm, chẳng phải chỉ trong một thời gian ngắn mà thôi, trong bất cứ lúc nào, nơi nào và hành động nào cũng vậy.

Ðặc tính của người không dể duôi có 5: ở trong khuôn khổ giới luật (sīle patiṭṭhito); thâu thúc lục căn cho thanh tịnh (indriyesu saṃvuto); biết độ lượng trong sự ăn uống (bhojane mattaññū); thường hay thức tỉnh, ít mê ngủ (jāgariyaṃ anuyañjati); tinh tấn tham thiền, hành đạo để đắc những pháp cao siêu (bhāvagaṃ kusalaṃ dhammaṃ).

Sự không dể duôi là bức tường ngăn cản rất hiệu quả các pháp ác không cho xâm nhập và nảy nở trong thân tâm được, là nguồn cội và chủ động các pháp lành. Nên có câu Phật ngôn như vầy: “Này các thầy tỳ khưu! Dấu chân của tất cả loài thú khác đều có thể nằm trọn trong dấu chân của con voi như thế nào, các thiện pháp hằng qui tụ cả thảy dưới năng lực của sự không dể duôi như thế ấy!”.

Appamādo amatam padam”: sự không dể duôi là con đường đi đến nơi bất diệt. Chúng sanh nào có tâm không dể duôi, thường tưởng nhớ đến những pháp lành, chuyên cần thực hành các công đức như bố thí, trì giới, thính Pháp, tham thiền… và cố gắng không ngừng gìn giữ lục căn thanh tịnh, không cho duyên theo trần dục, chúng sanh ấy chắc chắn một ngày kia sẽ diệt tận được các phiền não trọng đại và vi tế, và sẽ được nếm hương vị Niết-bàn là nơi vô sanh bất diệt vậy.

Vì thế, nên trong khi lâm trọng bệnh sắp nhập Niết-bàn, đức Thế Tôn đưa mắt nhìn hàng tứ chúng29 đang ngồi đầy dẫy trước mặt Ngài, người thì gương mặt âu sầu, buồn bã, người thì giọt lệ đầm đìa… ai ai cũng đều tỏ vẻ áo não, tiếc thương đấng từ phụ trong giờ vĩnh biệt… Khi nhìn thấy cảnh tượng ấy, Ngài bèn thốt lời căn dặn như vầy: “Này các hàng đệ tử! Các người nên nhớ rằng các pháp hữu vi đều phải bị tiêu hoại, ấy là lẽ dĩ nhiên. Các người không nên dể duôi, hãy cố gắng hành những điều lợi ích đến thân tâm cho được mau kết quả!” Ấy là lời cuối cùng của đức Thế Tôn khi sắp lìa cõi thế, tiếng Pāli gọi là “pacchimabuddhavacana” (tối hậu ngôn).

Bao nhiêu lời ấy bao gồm trọn vẹn Giáo Pháp mà đức Thế Tôn đã khổ công truyền bá trọn 45 năm trường đăng đẳng, vì vậy chúng ta là hàng Phật tử, hữu duyên gặp được Chánh pháp, cũng nên khắc tạc nơi tâm khảm lời di huấn vàng ngọc của Ngài và cố gắng thực hành “sự không dể duôi” hầu thấy rõ con đường giải thoát trong buổi tương lai.

Do nhờ những ân đức từ bi phổ độ chúng sanh vừa kể trên, nên Đức Phật có hiệu là Purisadammasārathi (Ðiều Ngự Trượng Phu). 

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app