CHÚNG SANH THẾ GIAN 

Ðức Phật thông suốt tâm tánh của tất cả chúng sanh như sau đây:

Ngài hiểu biết tường tận nước tâm của chúng sanh (sabbasattānam asayam), nghĩa là các pháp thường trụ trong thân tâm mỗi chúng sanh như vầy: thường kiến (sassata diṭṭhi) và đoạn kiến (uccheda diṭṭhi) hằng trụ trong thân tâm các hạng phàm nhân, còn 10 minh sát tuệ (vipassanāñāṇa) và chân như tuệ (yathābhūtañāṇa) hằng trụ trong thân tâm các bậc Thánh nhân.

  • Ngài thông hiểu các phiền não ngủ ngầm (anusayaṃ) trong tâm chúng sanh chờ dịp phát khởi lên có 7: tình dục ngũ trần ngủ ngầm (kāmarāgānusaya); mê thích tam giới ngủ ngầm (bhavarāgānusaya); bất bình ngủ ngầm (paṭighānusaya); cống cao, ngã mạn ngủ ngầm (mānānusaya); kiến thức (tà kiến)ngủ ngầm (diṭṭhānusaya); hoài nghi ngủ ngầm (vicikicchānusaya); vô minh ngủ ngầm (avijjānusaya).
  • Ngài biết rõ 6 tính chất (carita) của chúng sanh (saritaṃ) là: tính tham (rāgacarita) là tính nhiều ái dục, ưa thích sắc tốt, tiếng hay…; tính sân (dosacarita) là tính nhiều sân hận, dễ giận, dễ bất bình; tính si (mohacarita) là tính nhiều si mê, tối tăm ngu độn; tính tin (saddhācarita) là tính nhiều đức tin, dễ tin, ít suy xét; tính giác (buddhicarita) là tính nhiều trí tuệ hay suy xét, mau hiểu biết, sáng suốt; tính tầm (vitakkacarita) là tính nhiều suy tầm, quen nghĩ tưởng các điều, không quyết định.
  • Ngài biết rõ tâm chúng sanh nào ưa thích những pháp cao thượng hoặc thấp hèn, ưa thích phước hay tội (adhimittaṃ).
  • Ngài thông hiểu chúng sanh nào có nhiều bụi trần hoặc ít bụi trần trong con mắt (apparajjakkhe mahārajjakkhe satte) nghĩa là có nhiều tình dục hoặc ít tình dục.
  • Ngài tri tỏ chúng sanh nào có bản căn tinh nhuệ thượng căn, thượng trí hay hạ căn, hạ trí (tikkhindriye satte muddindriye satte). Ngũ căn tinh thần là: tín căn (saddhindriyaṃ), tấn căn (viriyindriyaṃ), niệm căn (satindriyaṃ), định căn (samādhindriyaṃ), huệ căn (paññindriyaṃ).
  • Ngài biết rõ chúng sanh nào có phẩm hạnh thanh cao lánh xa điều ác hoặc nết hạnh xấu hèn thích điều tội lỗi (svā kāre satte dvākāre satte).
  • Ngài biết tường tận chúng sanh nào nhiều trí tuệ, mau thông hiểu các pháp hoặc ít trí tuệ khó thông hiểu các pháp (suviññāpaye satte duviññāpaye satte).
  • Ngài tri tỏ chúng sanh nào có duyên lành có thể giác ngộ đạo quả hoặc không có duyên lành, không thể giác ngộ đạo quả (bhabbābhabbe satte).

Chúng sanh nào trong tâm còn nhiều ái dục (taṇhā), nhiều phiền não (kilesa), nhiều tà kiến (micchā diṭṭhi) là những pháp ngăn cản (āvarana dhamma) thiện duyên, không thể đắc đạo quả Niết-bàn được. Ái dục trong ngũ uẩn có 5: sắc ái (rūpa taṇhā); thinh ái (saddha taṇhā); hương ái (gandha taṇhā); vị ái (rasa taṇhā); xúc ái (photthabba taṇhā). Phiền não có 10: tham lam (lobha); sân hận (dosa); si mê (moha); ngã mạn (māna); kiến thức (tà kiến) (diṭṭhi); hoài nghi (về nhân và quả) (vicikicchā); tâm dụ dự, uể oải, buồn ngủ (thīna); phóng tâm (uddhacca); không hổ thẹn tội lỗi (ahirika); không ghê sợ tội lỗi (anottappa). Tà kiến chia ra 2 loại: thường kiến (sassata diṭṭhi) là sự hiểu biết cho rằng trời, người hay thú khi mãn kiếp này cũng tái sanh y như trước vậy, chớ không hề tiến hóa hoặc thối hóa; đoạn kiến (uccheda diṭṭhi) là sự hiểu biết rằng khi chết đi thì mất luôn, chớ không có tái sanh lại ở đâu cả. Ðoạn kiến lại chia ra làm 3 là: vô hành kiến (akiriyā diṭṭhi), vô nhân kiến (ahetuka diṭṭhi), vô quả kiến (naṭṭhika diṭṭhi). Lại nữa, chúng sanh nào phạm 5 vô gián nghiệp (cùng gọi là ngũ nghịch tội “pañcānantariya kamma” là: giết mẹ (mātughāta), giết cha (pitughāta), giết A-la-hán (arahantaghāta), làm cho Đức Phật đổ máu (Buddhalohituppāda), làm cho tăng chúng chia rẽ (saṅghabheda) (từ 8 vị trở lên) và phạm đến trinh tiết của tỳ khưu ni Thánh nhân, chúng sanh ấy không thể đắc đạo quả trong quả địa cầu này được.

Chúng sanh nào không còn ở 3 pháp ngăn cản, không chấp tà kiến, không phạm ngũ nghịch tội và không phạm đến trinh tiết tỳ khưu ni Thánh nhân, là người chuyên cần bố thí, trì giới, tham thiền, có lòng từ bi siêng năng thính Pháp và hết lòng hầu hạ cha mẹ, chúng sanh ấy hằng tạo nhiều duyên lành có thể giác ngộ đạo quả trong kiếp hiện tại. Bằng chưa đắc được đạo quả trong kiếp này, cũng hằng được hưởng những phước báu cao quí trong cõi người và cõi trời, đến khi trọn đủ các Pháp ba-la-mật thì được giác ngộ đắc đạo quả Niết-bàn dễ dàng.

 

 

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app