Phần 4

Người Thiểu Phước Với Người Đại Phước

Cậu Piṅguttara là người dân kinh-thành Mithilā, đi học nghề tại kinh-thành Takkasilā, cậu là người học trò lớn của thầy. Sau khi tốt nghiệp xong, cậu Piṅguttara được thầy gả đứa con gái xinh đẹp như thiên-nữ cho cậu.

Cậu Piṅguttara vốn là người thiểu phước vô duyên, còn người con gái của thầy là người đại phước. Tuy cậu Piṅguttara không hợp với con gái xinh đẹp của thầy, nhưng cậu không dám cãi lời dạy của thầy, nên đành phải chấp thuận lấy cô làm vợ.

Khi còn ở trong nhà thầy, cậu Piṅguttara và vợ ở chung trong một phòng, nhưng không ai nói chuyện với ai lời nào, mỗi người nằm mỗi nơi, cô gái nằm ngủ trên giường, còn cậu Piṅguttara nằm ngủ dưới nền nhà.

Một tuần sau, cậu Piṅguttara đảnh lễ thầy xin phép rời khỏi kinh-thành Takkasilā, dẫn theo vợ trở về kinh-thành Mithilā. Trên đường đi, cậu Piṅguttara đi trước, còn vợ đi theo sau, hai người không nói chuyện với nhau.

Đến gần kinh-thành Mithilā, cậu Piṅguttara nhìn thấy cây sung đầy quả chín, đang đói bụng, cậu leo lên cây hái quả sung chín ăn, còn vợ ở dưới gốc cây sung cũng đang đói bụng, bèn nói rằng:

Này anh! Anh hái quả sung bỏ xuống cho em ăn với.

Cậu Piṅguttara trả lời rằng:

Cô cũng có tay chân, hãy leo lên tự hái quả sung mà ăn vậy.

Cô gái đành phải leo lên cây sung. Thấy cô leo lên cây, cậu Piṅguttara vội leo xuống gốc, đi tìm cây gai đem lại bao quanh gốc cây sung, rồi bỏ trốn, miệng nói lẩm bẩm rằng:

Ta đã thoát ra khỏi tay người đàn bà xui xẻo (kālakaṇṇī) rồi! 

Không thể leo xuống được, nên cô gái đành phải ngồi trên cây như vậy. Hôm ấy, Đức-vua Vedeha ngự đi du lãm vườn thượng uyển. Vào buổi chiều, Đức-vua ngự trên cổ voi báu trên đường ngự hồi cung, nhìn thấy cô gái xinh đẹp như thiên-nữ đang ngồi trên cây sung, Đức-vua đem lòng thương yêu cô gái ấy.

Đức-vua truyền bảo vị quan cận thần đến hỏi thăm cô gái ấy đã có ai là chủ của cô chưa?

Tuân lệnh Đức-vua, vị quan đến hỏi thăm cô gái xong rồi đến tâu rằng:

Tâu Bệ-hạ, cô gái cho biết rằng cô đã có chồng, nhưng người chồng bảo cô leo lên cây hái quả sung để ăn. Khi cô leo lên cây sung, thì y vội leo xuống cây, đi tìm cây gai đem lại bao quanh gốc cây sung, rồi bỏ trốn đi. Cô leo xuống không được, nên đành phải ngồi lại trên cây vậy.

Nghe vị quan cận thần tâu như vậy, Đức-vua Vedeha nghĩ rằng:

“Cô gái này không có chủ, ta nên rước về cung.”

Đức-vua truyền lệnh các quan dọn dẹp cây gai ở gốc cây sung, để cô gái leo xuống cây. Đức-vua đón rước cô gái, đặt ngồi trên voi báu, ngự về cung điện và làm lễ tấn phong cô gái lên ngôi Chánh-cung Hoàng-hậu, đặt tên Udumbaradevī (Cô gái từ cây sung, udumbara: cây sung)

Một hôm, dân chúng gần cửa thành đang sửa sang con đường để Đức-vua ngự ra khỏi kinh-thành. Cậu Piṅguttara là một trong số dân chúng được thuê làm công, cậu đang cặm cụi, vất vả làm việc sửa sang con đường ấy chưa xong thì Đức-vua Vedeha cùng Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī ngồi trên cỗ long xa, ngự ra khỏi kinh-thành.

Khi ấy, nhìn thấy cậu Piṅguttara mặc tấm choàng, tay cầm cuốc san đất cho bằng mặt đường, Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī mỉm cười.

Đức-vua nổi cơn thịnh nộ bèn truyền hỏi rằng:

Tại sao Ái-khanh mỉm cười?

Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī tâu rằng:

Muôn tâu Hoàng-thượng, người đang làm đường kia là người chồng cũ của thần thiếp. Khi ấy, thần thiếp leo lên cây sung, thì y vội leo xuống cây, đi tìm cây gai đem lại bao quanh gốc cây sung, rồi bỏ trốn đi. Bây giờ nhìn thấy y, thần thiếp nghĩ rằng: “Người thiểu phước, vô duyên không thể kết duyên với người đại phước.”

Vì vậy, thần thiếp mỉm cười.

Đức-vua Vedeha truyền rằng:

Ái-khanh nói dối! Ái-khanh thấy ai khác, rồi mỉm cười, Trẫm sẽ giết Ái-khanh.

Truyền xong, Đức-vua rút thanh bảo kiếm ra, Chánh-cung Hoàng-hậu hoảng sợ nên tâu rằng:

Muôn tâu Hoàng-thượng, xin Hoàng-thượng hỏi những bậc thiện-trí trước.

Đức-vua Vedeha bèn truyền hỏi vị quân-sư Senaka rằng:

Thưa quân-sư, quân-sư có tin lời Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī tâu như vậy không?

Muôn tâu Bệ-hạ, hạ thần không tin. Chẳng có người đàn ông nào có thể bỏ một người vợ xinh đẹp như thiên-nữ như vậy được.

Nghe vị quân-sư Senaka tâu như vậy, Chánh-cung Hoàng-hậu càng hoảng sợ hơn nữa.

Đức-vua Vedeha nghĩ rằng: “Ta nên hỏi hoàng-nhi Mahosadhapaṇḍita nghĩ thế nào”, nên truyền hỏi hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita rằng:

Này hoàng-nhi Mahosadhapaṇḍita! Trong đời này có người đàn ông bỏ người vợ xinh đẹp như thiên-nữ. Con có tin đó là sự thật hay không?

Tâu Đức Phụ-vương, con tin đó cũng là sự thật có thể xảy ra trong đời này. Bởi vì, đối với người đàn ông là người thiểu phước, vô duyên thì không bao giờ kết duyên với người đàn bà đại phước được.

Cũng như bờ đại dương bên này không bao giờ dính liền với bờ đại dương bên kia được.

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita giải thích như vậy, Đức-vua Vedeha bớt cơn thịnh nộ, phát sinh tâm hoan hỷ, truyền bảo rằng:

Này hoàng-nhi Mahosadhapaṇḍita! Nếu không có con hôm nay thì Phụ-vương đã giết Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī quý báu của Phụ-vương rồi.

Lời lẽ của vị quân-sư Senaka là lời lẽ của người si-mê, ngu muội, nếu Phụ-vương tin theo lời của vị quân-sư thì Phụ-vương đã giết chết Chánh-cung Hoàng-hậu rồi. Nay, Phụ-vương còn Chánh-cung Hoàng-hậu là do nhờ trí-tuệ siêu-việt của con.

Vậy, Phụ-vương ban thưởng cho con 1.000 đồng Kahāpana.

Khi ấy, Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī đảnh lễ Đức-vua Vedeha rồi tâu rằng:

Muôn tâu Hoàng-thượng, thần thiếp còn sống đây là nhờ hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita. Vậy, kính xin Hoàng-thượng ban cho thần thiếp một ân huệ: Hoàng-thượng cho phép thần thiếp nhận hoàng-tử làm đứa em trai của thần thiếp. 

Đức-vua Vedeha ban ân huệ cho Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī rằng:

Này Ái-khanh Udumbaradevī! Lành thay! Trẫm ban ân huệ ấy cho Ái-khanh.

Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī tâu tiếp rằng:

Muôn tâu Hoàng-thượng, kể từ nay về sau, thần thiếp dùng món vật thực nào ngon, kính xin Hoàng-thượng cho phép thần thiếp gửi đến cho hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita, em trai của thần thiếp món vật thực ấy. Vì vậy, thần thiếp được lệnh mở cửa cả trong lúc hợp thời và trong lúc phi thời, để gửi món đồ ăn ngon ấy đến cho hoàng-tử, người em trai của thần thiếp.

Kính xin Hoàng-thượng ban cho thần thiếp ân huệ này nữa.

Đức-vua Vedeha truyền bảo rằng:

Này ái-khanh Udumbaradevī! Trẫm ban ân huệ ấy cho á-khanh, ái-khanh hãy nhận ân huệ ấy.

Con Dê Và Con Chó Làm Bạn Với Nhau

Một hôm, Đức-vua Vedeha dùng điểm tâm xong, ngự đi lại trên hành lang trong lâu đài. Khi Đức-vua đứng tại cửa sổ nhìn xuống dưới thấy một con dê với một con chó làm bạn thân thiết với nhau. Chuyện xảy ra rằng:

* Một hôm, có con dê đến ăn cỏ tại chuồng voi, người nài voi cầm gậy đuổi theo con dê, đánh nhằm trên lưng con dê, làm cho nó đau lưng, chạy đến nằm bên vách nhà lớn.

* Một con chó thường đến ăn xương tại nhà bếp của người đầu bếp của Đức-vua. Một ngày nọ, người đầu bếp làm đồ ăn xong, đi ra ngoài nhà bếp mà quên đóng cửa, con chó đánh mùi thịt, lén vào nhà bếp làm đổ món đồ ăn rơi ra ngoài, rồi con chó ăn món thịt ấy. 

Nghe tiếng đồ rơi, người đầu bếp đi vào nhà bếp, nhìn thấy con chó đang ăn thịt, người đầu bếp tức giận đánh con chó, nó chạy ra ngoài được, người đầu bếp ném cây gậy trúng lưng con chó, nó đau đớn chạy trốn nơi vách nhà lớn, nó gặp con dê đang nằm tại nơi ấy, con dê hỏi nó rằng:

Này bạn! Tại sao bạn bị đau lưng như vậy?

Thưa bạn! Tôi bị đánh làm đau lưng, còn bạn tại sao lại nằm ở đây?

Con dê kể lại chuyện đã xảy ra đối với mình cho con chó nghe, và con chó cũng kể lại chuyện đã xảy ra đối với mình cho con dê nghe.

Con dê hỏi con chó rằng:

Này bạn! Bạn còn dám vào nhà bếp nữa không?

Này bạn ơi! Tôi không dám vào nhà bếp nữa đâu! Nếu tôi còn vào nơi đó thì chắc chắn người đầu bếp sẽ đánh tôi chết mất. Còn bạn có dám đến chuồng voi nữa không?

Này bạn ơi! Tôi không dám đến chuồng voi nữa đâu! Nếu tôi còn đến nơi đó thì chắc chắn người nài voi sẽ đánh tôi chết thôi!

Hai con vật bàn tính với nhau rằng:

Bây giờ hai chúng ta sống bằng cách nào đây?

Con dê đề nghị với con chó rằng:

Bây giờ hai chúng ta phải nương nhờ lẫn nhau thì có thể sống được, bằng cách này:

Này bạn! Từ nay, bạn vào chuồng voi, người nài voi sẽ không nghi ngờ bạn, vì bạn là loài chó không ăn cỏ được, bạn lén gặm cỏ đem về đây cho tôi. Còn tôi sẽ đến nhà bếp, người đầu bếp sẽ không nghi ngờ tôi, vì tôi là loài dê không ăn thịt được, tôi sẽ lén gặm xương, thịt đem về đây cho bạn.” 

Hai con vật dê và chó đồng tâm nhất trí theo phương cách ấy. Từ đó về sau, con chó đến chuồng voi gặm cỏ đem về để bên vách nhà lớn cho con dê, và con dê đến nhà bếp gặm xương, thịt đem về để bên vách nhà lớn cho con chó. Con dê ăn cỏ, còn con chó ăn xương, thịt. Hai con vật trở thành đôi bạn thân thiết, nương nhờ lẫn nhau, thương yêu nhau, sống với nhau bên vách nhà lớn.

Nhìn thấy con dê và con chó, đôi bạn thân thiết sống chung với nhau ở vách nhà lớn như vậy, Đức-vua Vedeha nghĩ rằng: “Sự việc này ta chưa từng thấy, hôm nay ta đã nhìn thấy.

Trước kia, hai con vật này là kẻ thù của nhau, nay chúng nó là đôi bạn thân thiết, sống chung với nhau. 

Ta sẽ đem sự việc này đặt thành câu hỏi để hỏi các bậc thiện-trí. Nếu bậc thiện-trí nào giải đáp đúng câu hỏi này thì ta sẽ ban thưởng bậc thiện-trí ấy. Nhưng bậc thiện-trí nào không giải đáp đúng câu hỏi này thì ta sẽ mời ra khỏi đất nước của ta.”

Sáng ngày hôm ấy, bốn vị quân-sư thiện-trí và Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đến chầu Đức-vua theo lệ thường. Khi ấy, Đức-vua Vedeha truyền hỏi rằng:

Này các vị quân-sư! Trong đời này, có hai loại chúng-sinh chưa bao giờ là bạn của nhau, không đi chung đường với nhau được bảy bước.

Trước kia, hai loại chúng-sinh ấy vốn không thân với nhau, nay hai loại chúng-sinh ấy trở thành đôi bạn thân thiết với nhau, nương nhờ lẫn nhau, giúp đỡ nuôi dưỡng lẫn nhau.

Này các bậc thiện-trí, quý vị có biết hai loại chúng-sinh ấy là loại chúng-sinh nào? Tại sao vậy?

Sáng hôm nay, nếu bậc thiện-trí nào giải đáp đúng câu hỏi này thì Trẫm sẽ ban thưởng bậc thiện-trí ấy, nhưng nếu bậc thiện-trí nào không giải đáp đúng thì Trẫm sẽ mời ra khỏi đất nước Videha của Trẫm, bởi vì Trẫm không cần dùng người si mê, người ngu dốt.

Trong buổi hội triều này, vị quân-sư Senaka ngồi đầu kế đến vị quân-sư Pukkusa, vị quân-sư Kāminda, vị quân-sư Devinda, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita ngồi vị trí cuối cùng, nghe Đức-vua Vedeha truyền hỏi câu hỏi ấy.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng: “Chắc chắn Đức-vua đã nhìn thấy một sự việc gì xảy ra, ta nên tìm hiểu mới giải đáp được”.

Vị quân-sư Senaka hoàn toàn không hiểu biết gì cả, tối tăm, mù mịt, và ba vị quân-sư kia thì như người ở trong hang tối. Vị quân-sư Senaka tâu rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, câu hỏi này hơi khó, rất sâu sắc, chúng thần mỗi người phải ở nơi thanh vắng để suy xét kỹ mới có thể giải đáp được.

Muôn tâu Bệ-hạ, kính xin Bệ-hạ ban cho chúng thần cơ hội suy xét về câu hỏi này, sáng ngày mai, chúng thần sẽ tâu giải đáp câu hỏi lên Bệ-hạ.

Nghe vị quân-sư Senaka tâu như vậy, Đức-vua Vedeha hài lòng truyền bảo rằng:

Này các quân-sư! Quý vị nên suy xét kỹ, ngày mai các khanh hãy tâu cho Trẫm rõ. Nếu vị nào không giải đáp đúng thì Trẫm sẽ mời ra khỏi đất nước Videha này.

Các vị quân-sư đảnh lễ Đức-vua Vedeha xin phép ra về. Vị quân-sư Senaka bảo với ba vị quân-sư khác rằng:

Này quý vị! Đức-vua đặt câu hỏi rất khó và sâu sắc, nếu chúng ta không giải đáp được câu hỏi, thì tai họa sẽ xảy đến với chúng ta.

Vậy, quý vị hãy cố gắng suy xét, tìm câu giải đáp cho câu hỏi của Đức-vua vào sáng ngày mai. 

Sau đó, các vị quân-sư trở về tư dinh của mình. Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đi đến gặp Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī, tâu rằng:

Tâu Chánh-cung Hoàng-hậu, hôm qua Đức-vua ngự đi đến nơi nào trong thời gian lâu?

Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī truyền bảo rằng:

Này Mahosadhapaṇḍita em yêu quý! Hôm qua, Đức-vua ngự đi lại trên hành lang cung điện, rồi đứng chỗ cửa sổ nhìn xuống phía dưới thời gian khá lâu.

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng: “Chắc Đức-vua đã nhìn thấy sự việc gì xảy ra phía dưới ấy?”

Nghĩ xong Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đi đến nơi đó nhìn thấy con dê và con chó là đôi bạn thân thiết với nhau. Đức-Bồ-tát nghĩ tiếp rằng: “Đức-vua Vedeha đã nhìn thấy hai con vật này mới đặt ra câu hỏi.”

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tìm hiểu về hành vi cử chỉ của hai con vật ấy: “Con chó đem cỏ về cho con dê ăn, còn con dê đem xương, thịt về cho con chó ăn. Hai con vật nương nhờ lẫn nhau, nuôi dưỡng lẫn nhau.” Biết như vậy, Đức-Bồ-tát trở về dinh thự của mình.

Ba vị quân-sư: Pukkusa, Kāminda và Devinha suy nghĩ mãi mà vẫn không hiểu biết được gì, ba vị quân-sư dẫn nhau đến gặp vị quân-sư Senaka. Nhìn thấy ba vị quân-sư đến, vị quân-sư Senaka hỏi rằng:

Này quý vị! Quý vị đã tìm ra được câu giải đáp cho câu hỏi của Đức-vua chưa?

Ba vị quân-sư đều trả lời không hiểu rõ câu hỏi ấy. Vị quân-sư Senaka bảo rằng:

Nếu quý vị không giải đáp được câu hỏi ấy thì Đức-vua sẽ mời quý vị ra khỏi đất nước Videha này.

Ba vị quân-sư hỏi vị quân-sư Senaka rằng: 

Thưa quân-sư, Ngài đã tìm được câu giải đáp của câu hỏi rồi phải không?

Này quý vị! Tôi cũng chưa hiểu rõ câu hỏi thì làm sao ta tìm câu giải đáp được.

Thưa quân-sư, không phải sáng hôm nay, Ngài đã tâu với Đức-vua rằng: “Sáng ngày mai chúng thần sẽ tâu giải đáp câu hỏi ấy lên Bệ-hạ rõ.”

Vị quân-sư Senaka nói với ba vị quân-sư rằng:

Chúng ta không hiểu rõ câu hỏi này nhưng chắc chắn Mahosadhapaṇḍita có trí-tuệ siêu-việt có khả năng giải đáp câu hỏi ấy được.

Vậy, chúng ta nên tìm đến Mahosadhapaṇḍita để biết.

Bốn vị quân-sư đến tư dinh của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, chào xã giao, rồi ngồi một nơi hợp lẽ, bèn hỏi rằng:

Thưa Mahosadhapaṇḍita, Ngài đã nghĩ ra câu giải đáp cho câu hỏi của Đức-vua được rồi phải không?

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita trả lời rằng:

Thưa bốn vị quân-sư, câu hỏi ấy tôi đã biết rồi.

Bốn vị quân-sư thưa rằng:

Thưa Mahosadhapaṇḍita, xin Ngài nói cho chúng tôi biết với có được không?

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita nghĩ rằng: “Nếu ta không chịu chỉ dạy cho bốn vị quân-sư này thì bốn vị quân-sư không tâu giải đáp câu hỏi ấy được, Đức-vua sẽ nổi cơn thịnh nộ mời bốn vị quân-sư này ra khỏi đất nước Videha này. Ta không thể để cho bốn vị quân-sư này bị thiệt hại.”

Nghĩ vậy, nên thưa rằng:

Thưa bốn vị quân-sư, Tôi sẽ chỉ dạy cho bốn vị, mỗi vị bằng một bài kệ. Vậy, xin mời bốn vị quân-sư xuống ngồi chỗ thấp. 

Khi bốn vị quân-sư ngồi chỗ thấp nơi hợp lẽ xong, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita ngồi chỗ cao truyền dạy mỗi vị quân-sư học thuộc lòng một bài kệ mà hoàn toàn không ai hiểu ý nghĩa câu chuyện trong bài kệ ấy. Đức-Bồ-tát thưa rằng:

Thưa bốn vị quân-sư, khi Đức-vua truyền hỏi, xin mỗi vị quân-sư tâu đúng theo bài kệ mà tôi đã dạy mỗi vị.

Bốn vị quân-sư vô cùng hoan hỷ cám ơn Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, rồi xin từ giã ra về tư dinh của mình.

Sáng ngày hôm sau, các quân-sư đến chầu Đức-vua tại cung điện, ngồi chỗ ngồi của mình. Khi ấy, Đức-vua Vedeha truyền bảo vị quân-sư Senaka rằng:

Thưa quân-sư, quân-sư có khả năng giải đáp câu hỏi của Trẫm rồi phải không?

* Vị quân-sư Senaka tâu rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, nếu hạ thần không có khả năng thì còn có người nào nữa.

Vị quân-sư Senaka tâu bằng bài kệ đã học thuộc rằng:

“Uggaputtarājaputtiyānaṃ, …”

Ý nghĩa là:

Thịt dê là thứ thịt mà các hoàng-tử, công-tử của các quan ưa thích nhất, những vị ấy không dùng thịt chó. Vì vậy, tình thân hữu giữa con dê với con chó gắn bó lẫn nhau.

Vị quân-sư Senaka đọc được bài kệ, nhưng hoàn toàn không hiểu biết rõ tình thân hữu giữa con dê với con chó gắn bó với nhau như thế nào.

Nghe vị quân-sư Senaka đọc bài kệ ấy, trong đó có con dê và con chó, Đức-vua Vedeha tưởng rằng: “Quân-sư Senaka cũng biết được chuyện ấy.”

* Tiếp đến, Đức-vua Vedeha truyền hỏi đến vị quân-sư Pukkusa. Quân-sư tâu rằng:

Tâu Bệ-hạ, hạ thần cũng là bậc thiện-trí giải đáp được câu hỏi của Bệ-hạ. Vị quân-sư Pukkusa tâu bài kệ đã học thuộc lòng rằng:

“Cammaṃ vihananti eḷakassa, …”

Ý nghĩa là:

Mọi người sử dụng da dê lót trên lưng ngựa cho êm, không dùng da chó lót trên lưng ngựa. Vì vậy, tình thân hữu giữa con dê với con chó gắn bó lẫn nhau.

Vị quân-sư Pukkusa đọc được bài kệ, nhưng cũng hoàn tòan không biết rõ tình thân hữu giữa con dê với con chó gắn bó với nhau như thế nào.

Nghe vị quân-sư Pukkusa đọc bài kệ ấy trong đó có con dê và con chó, Đức-vua Vedeha tưởng rằng: “Quân-sư Pukkusa cũng biết được chuyện ấy.”

* Tiếp đến, Đức-vua Vedeha truyền hỏi đến vị quân-sư Kāminda. Quân-sư tâu bài kệ đã học thuộc lòng rằng:

“Āvellitasiṅgiko hi meṇḍo, …”

Ý nghĩa là:

Con dê có sừng cong, con chó không có sừng. Con dê ăn cỏ, con chó ăn thịt. Vì vậy, tình thân hữu giữa con dê với con chó gắn bó lẫn nhau.

Vị quân-sư Kāminda đọc được bài kệ, nhưng cũng hoàn toàn không biết rõ câu chuyện trong bài kệ ấy.

Nghe vị quân-sư Kāminda đọc bài kệ ấy trong đó có con dê và con chó, Đức-vua Vedeha tưởng rằng: “Quân-sư Kāminda cũng biết được chuyện ấy.” 

* Tiếp đến, Đức-vua Vedeha truyền hỏi đến vị quân-sư Devinda. Quân-sư tâu bài kệ đã học thuộc lòng rằng:

“Tiṇamāsi palāsamāsi meṇḍo, …”

Ý nghĩa là:

Con dê ăn cỏ, lá cây, con chó không ăn cỏ, không ăn lá cây. Con chó bắt con thỏ ăn thịt.

Vì vậy, tình thân hữu giữa con dê với con chó gắn bó lẫn nhau.

Vị quân-sư Devinda đọc được bài kệ, nhưng cũng hoàn tòan không biết rõ câu chuyện trong bài kệ ấy.

Nghe vị quân-sư Devinda đọc bài kệ ấy trong đó có con dê và con chó, Đức-vua Vedeha tưởng rằng: “Quân-sư Devinda cũng biết được chuyện giữa dê và chó.”

* Tiếp đến, Đức-vua Vedeha truyền hỏi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita. Đức-Bồ-tát dõng dạc tâu rằng:

Muôn tâu Đại-vương, từ cõi địa-ngục Avīci cho đến cõi trời Phạm-thiên tột đỉnh, chuyện gì xảy ra, hạ thần đều biết cả. Kính xin Đại-vương nghe hạ thần tâu:

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita đọc hai bài kệ rằng:

“Aṭṭhaḍḍhapado catuppadassa, …”

Ý nghĩa là:

Con dê có bốn chân, con chó đem cỏ về cho con dê ấy, con dê đem xương, thịt về cho con chó ấy. Đức-vua Vedeha đất nước Videha nhìn thấy hai con vật đem vật thực về trao đổi nhau ăn, và thấy tình bạn thân thiết giữa con dê và con chó gắn bó với nhau.

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu hai bài kệ giải đáp rõ ràng như vậy, Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ, tán dương ca tụng trí-tuệ siêu-việt của Đức-Bồ-tát. 

Đức-vua không biết bốn vị quân-sư kia đọc mỗi người một bài kệ do Đức-Bồ-tát Mahosadha chỉ dạy. Nên, Đức-vua nghĩ rằng: “Ta thật diễm phúc có được năm bậc thiện-trí đều có trí-tuệ hiểu biết sâu sắc, hiểu rõ được câu hỏi khó và vi-tế của ta.”

Đức-vua Vedeha ban thưởng mỗi bậc thiện-trí một chiếc xe với con ngựa báu Assatara, và được phép thâu thuế một xóm nhà dân cư phồn thịnh.

Sau khi nghe tin Đức-vua Vedeha ban thưởng bốn vị quân-sư và Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita phần thưởng bằng nhau, Chánh-cung Hoàng-hậu ngự đến chầu Đức-vua bèn tâu rằng:

Tâu Hoàng-thượng, bậc thiện-trí nào tâu giải đáp đúng câu hỏi của Hoàng-thượng?

Này Ái-khanh Udumbaradevī! Bốn vị quân-sư và hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita đều giải đáp đúng câu hỏi của Trẫm.

Tâu Hoàng-thượng, Bốn vị quân-sư được gọi là bậc thiện-trí ấy hoàn toàn không hiểu biết gì về câu hỏi của Hoàng-thượng cả, nên họ đã đến cầu cứu hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita giúp đỡ để họ khỏi bị mời ra khỏi đất nước Videharaṭṭha này.

Hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita có tâm đại-bi cứu giúp bốn vị quân-sư si-mê này được thoát khỏi tai họa, nên hoàng-tử chỉ dạy mỗi vị quân-sư một bài kệ rồi học thuộc lòng mà hoàn toàn không hiểu rõ ý nghĩa câu chuyện trong bài kệ, chỉ cốt để đọc tâu lên Hoàng-thượng mà thôi. Thế mà Hoàng-thượng lại ban thưởng cho họ và hoàng-tử mỗi vị một phần thưởng bằng nhau.

Như vậy, Hoàng-thượng ban thưởng không công bằng theo trí-tuệ của mỗi vị.

Nghe Chánh-cung Hoàng-hậu Udumbaradevī tâu như vậy, Đức-vua Vedeha mới biết rằng mỗi bài kệ của mỗi vị quân-sư tâu đều được học từ hoàng-tử Mahosadha-paṇḍita. Nay sự việc đã qua rồi, ta sẽ đặt ra một câu hỏi có hai phương pháp giải đáp, để so tài trí giữa bốn vị quân-sư với hoàng-tử.

Bậc Đại Trí-Tuệ Với Người Có Của Cải

Một buổi hội triều, Đức-vua Vedeha chủ trì gồm các quan đầy đủ trong triều đình, có bốn vị quân-sư và Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita. Khi ấy, Đức-vua truyền bảo rằng:

Này các khanh! Các khanh đều là bậc thiện-trí có trí-tuệ, Trẫm đặt một câu hỏi so sánh có hai vế, các khanh hãy giải đáp.

Vị quân-sư Senaka tâu rằng:

Tâu Bệ-hạ, kính xin Bệ-hạ đặt câu hỏi ấy.

Đức-vua Vedeha truyền hỏi rằng:

Thưa quân-sư, trong đời này, có hai hạng người:

* Một hạng là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ mà không có chức trọng quyền cao, không có nhiều của cải.

* Một hạng là người thiểu trí không có trí-tuệ mà có chức trọng quyền cao, có nhiều của cải.

Vậy, bậc thiện-trí tán dương, ca tụng hạng người nào gọi là người cao thượng trong đời?

Câu hỏi này là câu hỏi đúng sở trường của dòng họ quân-sư Senaka, nên quân-sư Senaka nhanh nhạy tâu rằng:

Tâu Bệ-hạ, trong đời này, người có trí-tuệ, người không có trí-tuệ; người có tài-nghệ, người không tài-nghệ; dù người thuộc dòng họ cao, thấp cũng đều là người phục vụ cho người có chức trọng quyền cao, có nhiều của cải. 

Nhận thức rõ trong đời này như vậy, nên hạ thần xin tâu rằng:

“Bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ mà không có của cải là người thấp hèn, còn người có chức trọng quyền cao, có nhiều của cải, dù là người thiểu trí, không có trí-tuệ vẫn là người cao thượng trong đời.”

Nghe vị quân-sư Senaka tâu như vậy, Đức-vua Vedeha không truyền hỏi ba vị quân-sư khác mà truyền hỏi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita rằng:

Này Mahosadhapaṇḍita! Bậc có trí-tuệ siêu-việt thấy rõ các pháp, Trẫm hỏi khanh rằng:

“Người thiểu trí, không có trí-tuệ, mà có chức trọng quyền cao, có nhiều của cải với bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ, mà không có chức trọng quyền cao, không có của cải.

Trong hai hạng người này, bậc thiện-trí tán dương, ca tụng hạng người nào gọi là người cao thượng trong đời?

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

Muôn tâu Đại-vương, người thiểu trí, không có trí-tuệ, mà có chức trọng quyền cao, có nhiều của cải, tự cho mình là người có chức quyền, tạo ác-nghiệp. Người thiểu trí ấy chỉ biết kiếp hiện-tại mà không biết những kiếp vị-lai, nên người thiểu trí ấy sau khi chết, ác-nghiệp cho quả tái sinh trong cõi địa-ngục, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy.

Như vậy, người thiểu trí ấy chịu quả khổ của ác-nghiệp trong kiếp hiện-tại và những kiếp vị-lai.

Bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ hiểu biết chỉ tạo mọi đại-thiện-nghiệp, nên kiếp hiện-tại, bậc đại-thiện-trí sống được an-lạc. Sau khi bậc đại-thiện-trí chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện giới, hưởng quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp ấy nữa. 

Biết rõ sự thật như vậy, nên hạ thần xin tâu rằng:

“Người thiểu trí không có trí-tuệ, dù có chức trọng quyền cao, có nhiều của cải, cũng chẳng bao giờ cao thượng được. Còn Bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ, dù không có chức trọng quyền cao, không có nhiều của cải, thật sự vẫn là người cao thượng trong đời.”

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy, Đức-vua Vedeha nhìn qua vị quân-sư Senaka, truyền bảo rằng:

Thưa quân-sư, Mahosadhapaṇḍita tán dương ca tụng bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ, dù không có chức trọng quyền cao, không có nhiều của cải, thật sự vẫn là người cao thượng.

Vậy, quân-sư đối đáp thế nào?

Vị quân-sư Senaka tâu rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, Mahosadhapaṇḍita còn trẻ con quá, miệng còn hôi sữa, có biết gì đâu!

Muôn tâu Bệ-hạ, ông đại phú hộ Goravinda có nhiều của cải lớn, có thân hình xấu xí, không có tài nghệ, không có con cái. Khi ông nói, nước miếng chảy ra hai bên mép, có hai cô gái xinh đẹp như thiên-nữ chờ lau nước miếng cho ông, có nhiều người đến phục vụ ông đại phú hộ ấy. Ông đại phú hộ hưởng được mọi sự an- lạc trong đời.

Biết trong đời này như vậy, nên hạ thần xin tâu rằng:

“Bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ mà không có của cải là người thấp hèn, còn người có chức trọng quyền cao, có nhiều của cải, dù là người thiểu trí, không có trí-tuệ vẫn là người cao thượng trong đời.”

Nghe vị quân-sư Senaka dẫn chứng ông đại phú hộ Goravinda như vậy, Đức-vua Vedeha truyền hỏi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita rằng: 

Này Mahosadhapaṇḍita, con đối đáp thế nào?

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

Muôn tâu Đại-vương, quân-sư Senaka chẳng biết gì khác, chỉ thấy của cải và nhóm người phục vụ mà thôi, không thấy cái búa lớn sẽ rơi xuống đầu của mình, ví như con quạ thấy chỗ đống cơm đổ.

Muôn tâu Đại-vương, người thiểu trí hưởng sự an-lạc rồi say mê, phát sinh tâm dể duôi, dám tạo ác-nghiệp. Nếu khi gặp quả khổ thân, khổ tâm thì phát sinh tâm sầu não, như con cá bị bắt lên khỏi nước, ném vào chỗ nóng thì vùng vẫy.

Biết rõ sự thật như vậy, nên hạ thần xin tâu rằng:

“Người thiểu trí không có trí-tuệ, dù có chức trọng quyền cao, có nhiều của cải, cũng chẳng bao giờ cao thượng được cả. Còn bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ, dù không có chức trọng quyền cao, không có nhiều của cải, thật sự vẫn là người cao thượng trong đời.”

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy Đức-vua Vedeha truyền hỏi quân-sư Senaka rằng:

Thưa quân-sư, quân-sư đối đáp thế nào?

Vị quân-sư Senaka tâu rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, Mahosathapaṇḍita có biết gì đâu! Không nói đến loài người, các bầy chim từ mọi nơi đều bay đến sống nhờ cây có nhiều quả ở trong rừng như thế nào, phần đông nhiều người đến gần gũi thân cận với người có nhiều của cải, bởi vì họ nương nhờ người ấy để mong được của cải cũng như thế ấy.

Biết trong đời này như vậy, nên hạ thần xin tâu rằng:

“Bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ mà không có của cải là người thấp hèn, còn người có chức trọng quyền cao, có nhiều của cải, dù là người thiểu trí, không có trí-tuệ vẫn là người cao thượng trong đời.”

Nghe quân-sư Senaka tâu như vậy, Đức-vua Vedeha truyền hỏi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita rằng:

Này Mahosadhapaṇḍita, con đối đáp thế nào?

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

Muôn tâu Đại-vương, người thiểu trí dùng sức mạnh tạo ác-nghiệp làm khổ chúng-sinh, để được của cải. Sau khi người thiểu trí ấy chết, ác-nghiệp cho quả tái-sinh trong cõi địa-ngục, phải chịu quả khổ của ác-nghiệp của mình đã tạo trong tiền-kiếp.

Biết rõ sự thật như vậy, nên hạ thần xin tâu rằng:

“Người thiểu trí không có trí-tuệ, dù có chức trọng quyền cao, có nhiều của cải, cũng chẳng bao giờ cao thượng được cả. Còn bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ, dù không có chức trọng quyền cao, không có nhiều của cải, thật sự vẫn là người cao thượng trong đời.”

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy, Đức-vua Vedeha truyền hỏi quân-sư Senaka rằng:

Thưa quân-sư, quân-sư đối đáp thế nào?

Vị quân-sư Senaka tâu rằng:

Tâu Bệ-hạ, nước các con sông nhỏ, lớn nào chảy ra đến con sông Gaṅgā đều bỏ tên riêng và nơi chốn của mình, trở thành nước sông Gaṅgā. Nước sông Gaṅgā chảy ra biển đại dương, trở thành nước biển đại dương như thế nào, những bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ nhiều khi đến phục vụ cho người có chức trọng quyền cao, thì tên tuổi của những bậc đại-thiện-trí không còn nữa cũng như thế ấy.

Biết trong đời này như vậy, nên hạ thần xin tâu rằng:

“Bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ mà không có của cải là người thấp hèn, còn người có chức trọng quyền cao, có nhiều của cải, dù là người thiểu trí, không có trí-tuệ vẫn là người cao thượng trong đời.”

Nghe quân-sư Senaka tâu như vậy, Đức-vua Vedeha truyền hỏi Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita rằng:

Này Mahosadhapaṇḍita, con đối đáp thế nào?

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

Tâu Đại-vương, nước các con sông lớn nhỏ chảy ra đến biển đại dương, dù biển đại dương có sức mạnh phi thường, có sóng to gió lớn vỗ vào bờ nước cũng không thể nào tràn qua khỏi bờ được. Lời lẽ của người thiểu trí không thể vượt qua bậc đại-thiện-trí có nhiều trí-tuệ được.

Muốn biết điều lợi, điều bất lợi; điều thiện, điều bất-thiện; muốn diệt sự hoài-nghi, người thiểu trí dù có chức trọng quyền cao, có nhiều của cải cũng phải tìm đến học hỏi với bậc đại-thiện-trí.

Biết rõ sự thật như vậy, nên hạ thần xin tâu rằng:

“Người thiểu trí không có trí-tuệ, dù có chức trọng quyền cao, có nhiều của cải, cũng chẳng bao giờ cao thượng được cả. Còn bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ, dù không có chức trọng quyền cao, không có nhiều của cải, thật sự vẫn là người cao thượng trong đời.”

Vị quân-sư Senaka tâu rằng:

Tâu Bệ-hạ, vị quan tòa có chức trọng quyền cao, tuy là người không có giới chủ trì phiên tòa xét xử bị cáo một cách thiên vị, không công minh, nhưng lời phán xử sai trái của vị quan tòa ấy vẫn có hiệu lực, bắt buộc bị cáo phải tuân theo, còn bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ nói lời hợp pháp đúng đắn mà không có quyền lực, thì không có ai tuân theo. 

Biết trong đời này như vậy, nên hạ thần xin tâu rằng:

“Bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ mà không có chức trọng quyền cao, không có của cải là người thấp hèn, còn người có chức trọng quyền cao, có nhiều của cải, dù là người thiểu trí không có trí-tuệ vẫn là người cao thượng trong đời.”

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

Tâu Đại-vương, quân-sư Senaka là người si mê, chỉ thấy trong kiếp hiện-tại mà không biết những kiếp vị-lai trong các cõi khác.

Tâu Đại-vương, người thiểu trí có chức trọng quyền cao là người không có giới, có tâm thiên vị, không công minh, nói lời sai trái, nói dối. Người thiểu trí ấy trong kiếp hiện-tại bị mọi người chê trách. Sau khi người thiểu trí ấy chết, ác-nghiệp nói dối cho quả tái-sinh kiếp sau trong bốn cõi ác giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy nữa.

Biết rõ sự thật như vậy, nên hạ thần xin tâu rằng:

“Người thiểu trí không có trí-tuệ, dù có chức trọng quyền cao, có nhiều của cải, cũng chẳng bao giờ cao thượng được cả. Còn bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ, dù không có chức trọng quyền cao, không có nhiều của cải, thật sự vẫn là người cao thượng trong đời.”

Quân-sư Senaka tâu rằng:

Tâu Bệ-hạ, dù bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ rộng lớn như mặt đất mà không có nhiều của cải, là người nghèo khổ, thì lời nói hay của bậc đại-thiện-trí ấy cũng không có giá trị giữa bà con thân quyến của họ và mọi người. Cho nên, bậc đại-thiện-trí ấy không được tôn trọng.

Biết trong đời này như vậy, nên hạ thần xin tâu rằng:

“Bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ mà không có chức trọng quyền cao, không có của cải là người thấp hèn, còn người có chức trọng quyền cao, có nhiều của cải, dù là người thiểu trí, không có trí-tuệ vẫn là người cao thượng trong đời.”

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

Tâu Đại-vương, quân-sư Senaka chỉ thấy kiếp hiện-tại mà không thấy những kiếp vị-lai.

Tâu Đại-vương, bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ rộng lớn như mặt đất, không bao giờ nói dối, để có lợi cho mình hoặc cho người thân của mình. Bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ ấy nói lời chân thật, nên được nhiều người tôn kính, lễ bái cúng dường giữa nơi hội chúng đông đảo. Sau khi bậc đại-thiện-trí chết, đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau trong các cõi thiện-giới, cõi người, cõi trời dục-giới hưởng được mọi sự an lạc.

Biết rõ sự thật như vậy, nên hạ thần xin tâu rằng:

“Người thiểu trí không có trí-tuệ, dù có chức trọng quyền cao, có nhiều của cải, cũng chẳng bao giờ cao thượng được cả. Còn bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ, dù không có chức trọng quyền cao, không có nhiều của cải, thật sự vẫn là người cao thượng trong đời.”

Quân-sư Senaka tâu rằng:

Tâu Bệ-hạ, voi báu, ngựa báu, bò báu, ngọc maṇi, ngọc kuṇḍala, phụ nữ báu đều phát sinh trong gia đình giàu sang phú quý, cho người có đại phước, có chức trọng quyền cao sử dụng, và các người khác cũng đến phục vụ cho người có chức trọng quyền cao ấy.

Biết trong đời này như vậy, nên hạ thần xin tâu rằng:

“Bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ mà không có chức trọng quyền cao, không có của cải là người thấp hèn, còn người có chức trọng quyền cao, có nhiều của cải, dù là người thiểu trí, không có trí-tuệ vẫn là người cao thượng trong đời.” 

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

Tâu Đại-vương, người thiểu trí có chức trọng quyền cao, mà không biết làm tròn phận sự của mình, thì bị mất chức, có nhiều của cải mà không biết khuếch trương công việc thì của cải bị tiêu hao dần đối với người thiểu trí ấy.

Biết rõ sự thật như vậy, nên hạ thần xin tâu rằng:

“Người thiểu trí không có trí-tuệ, dù có chức trọng quyền cao, có nhiều của cải cũng chẳng bao giờ cao thượng được cả. Còn bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ, dù không có chức trọng quyền cao, không có nhiều của cải, thật sự vẫn là người cao thượng trong đời.”

Nghe Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu như vậy, Đức-vua Vedeha truyền hỏi vị quân-sư Senaka rằng:

Thưa quân-sư, quân-sư đối đáp thế nào?

Vị quân-sư Senaka tâu rằng:

Tâu Bệ-hạ, Mahosathapaṇḍita còn thơ dại quá, chưa biết gì nhiều.

Khi ấy, vị quân-sư Senaka nghĩ rằng: “Ta sẽ đưa ra chiêu thức quyết định này chắc chắn Mahosathapaṇḍita sẽ vô phương đối đáp, cùng đường, bí lối.”

Nghĩ xong ông bèn tâu rằng:

Muôn tâu Bệ-hạ, cầu mong Bệ-hạ sống lâu, chúng thần có năm người là bậc có trí-tuệ, đem hết lòng phụng sự Bệ-hạ, bởi vì Bệ-hạ là Chúa-thượng ngự trị trên chúng thần và toàn thể thần dân thiên hạ, như Đức-vua trời Sakka ngự trị trên toàn thể chư thiên trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên.

Biết trong đời này như vậy, nên hạ thần xin tâu rằng:

“Bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ mà không có của cải là người thấp hèn, còn người có chức trọng quyền cao, có nhiều của cải, dù là người thiểu trí, không có trí-tuệ vẫn là người cao thượng trong đời.”

Nghe quân-sư Senaka tâu như vậy, Đức-vua Vedeha nghĩ rằng: “Quân-sư Senaka đưa ra chiêu thức này rất hay, không biết hoàng-tử Mahosadhapaṇḍita của ta có pháp môn kỳ diệu nào để đối đáp, đè bẹp được chiêu thức này của quân-sư Senaka không?”

Đức-vua Vedeha truyền hỏi rằng:

Này Mahosadhapaṇḍita, con đối đáp thế nào?

Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

Tâu Đại-vương, quân-sư Senaka là người si-mê, chỉ thấy chức trọng quyền cao, có nhiều của cải mà thôi, không biết được tính chất kỳ diệu của trí-tuệ siêu-việt.

Tâu Đại-vương, khi gặp sự việc khó khăn xảy ra, người thiểu trí dù có chức trọng quyền cao, có nhiều của cải cũng phải đến nương nhờ, cầu cứu bậc đại-thiện-trí có nhiều trí-tuệ, để giúp đỡ, giải cứu họ thoát khỏi sự khó khăn ấy.

Tâu Đại-vương, khi gặp điều khó khăn, bậc đại-thiện-trí có nhiều trí-tuệ sáng suốt giải quyết mọi sự khó khăn một cách phi thường, còn người thiểu trí dù có chức trọng quyền cao, có nhiều của cải, vì có tâm si-mê tối tăm nên không tìm ra lối thoát khỏi sự khó khăn ấy.

Biết rõ sự thật như vậy, nên hạ thần xin tâu rằng:

“Người thiểu trí không có trí-tuệ, dù có chức trọng quyền cao, có nhiều của cải, cũng chẳng bao giờ cao thượng được cả. Còn bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ, dù không có chức trọng quyền cao, không có nhiều của cải, thật sự vẫn là người cao thượng trong đời.”

Nghe lời lẽ đanh thép, sắc bén với trí-tuệ siêu-việt của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita như vậy, Đức-vua Vedeha truyền hỏi quân-sư Senaka rằng: 

Thưa quân-sư, quân-sư đối đáp thế nào?

Vị quân-sư Senaka chỉ có vốn kiến thức hiểu biết chừng ấy mà thôi, nên không còn biết gì để đối đáp nữa, cúi mặt, hổ thẹn, làm thinh.

Khi ấy, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita tâu rằng:

Muôn tâu Đại-vương, trí-tuệ là thiện-pháp mà chư bậc đại-thiện-trí tán dương ca tụng. Chư bậc đại-thiện-trí đều tán dương ca tụng rằng: “Trí-tuệ là thiện-pháp cao thượng thật sự, người có trí-tuệ là bậc đại-thiện-trí cao thượng trong đời”. Chức trọng quyền cao, của cải là đối tượng mà những người thiểu trí tham muốn.

Những người thiểu trí cầu mong chức trọng quyền cao, mong muốn có nhiều của cải. Khi tham muốn được thành tựu như ý, rồi say mê, chấp thủ trong chức trọng quyền cao, trong của cải ấy, làm cho tâm càng si mê tăm tối, không thể hiểu biết rõ được sự thật chân-lý các pháp của chư bậc đại-thiện-trí trong đời.

Trí-tuệ sáng suốt thấy rõ, biết rõ sự thật chân-lý các pháp của chư bậc đại-thiện-trí, nên chắc chắn không có báu vật quý giá nào trong đời có thể sánh với trí-tuệ được. Cho nên, người thiểu trí không có trí-tuệ dù có chức trọng quyền cao, có nhiều của cải bao nhiêu đi nữa cũng không bao giờ cao thượng được cả. Chỉ có bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ mới thật sự cao thượng mà thôi.

Biết rõ sự thật như vậy, nên hạ thần xin tâu rằng:

“Người thiểu trí không có trí-tuệ dù có chức trọng quyền cao, có nhiều của cải cũng chẳng bao giờ cao thượng được cả. Còn bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ dù không có chức trọng quyền cao, không có của cải, thật sự vẫn là người cao thượng trong đời.”

Nghe lời lẽ khẳng định đanh thép, sắc bén với trí-tuệ siêu-việt của Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita, Đức-vua Vedeha vô cùng hoan hỷ truyền bảo rằng:

Này hoàng-nhi Mahosadhapaṇḍita yêu quý! Con xứng đáng là bậc đại-thiện-trí có trí-tuệ siêu-việt thấy rõ các pháp, con đã đối đáp được những câu hỏi làm cho Phụ-vương vô cùng hoan hỷ. Phụ-vương ban thưởng cho con 100 con bò quý, một con voi báu cùng với đồ trang sức của nó, 10 chiếc xe ngựa báu ājañña, 16 xóm nhà để thâu thuế.

Cung kính nhận những ân huệ ban thưởng của Đức Vua Vedeha, Đức-Bồ-tát Mahosadhapaṇḍita lạy tạ Đức Phụ-vương ra về. Từ đó về sau, Đức-Bồ-tát hết lòng lo phụng sự Đức Phụ-vương, làm cho triều đình phát triển, giúp xây dựng đất nước Videha được phồn vinh.

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app