Nội Dung Chính
Thực-hành Pháp Không Sợ Chết
Mỗi chúng-sinh dù lớn dù nhỏ đã sinh ra rồi, ắt có tử, đó là sự-thật hiển nhiên không thể tránh khỏi được.
– Nếu người nào gần chết phát sinh sân-tâm sợ chết, mà phải chết, thì đó là điều bất lợi đối với người ấy, bởi vì sau khi người ấy chết, ác-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới ấy.
– Nếu người nào gần chết phát sinh đại-thiện-tâm bình thản không sợ chết, rồi chết, thì đó là điều lợi đối với người ấy, bởi vì sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện dục-giới là cõi người hoặc cõi trời dục-giới, hưởng an-lạc cho đến khi mãn quả của đại-thiện-nghiệp ấy, mới chuyển kiếp sang cõi-giới khác.
– Do nguyên-nhân nào khiến cho người gần chết phát sinh sân-tâm sợ chết?
– Người nào không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, không biết tự trọng, phạm điều-giới nào của mình, tạo ác-nghiệp ấy.
Đức-Phật dạy 5 quả xấu, quả khổ của người phạm điều-giới, người không có giới là:
1- Người phạm điều-giới, người không có giới làm tiêu hao của cải tài-sản lớn lao, do nhân dể duôi.
2- Người phạm điều-giới, người không có giới có tiếng xấu lan truyền khắp mọi nơi.
3- Người phạm điều-giới, người không có giới có bất-thiện-tâm e ngại, sợ sệt, …
4- Người phạm điều-giới, người không có giới có ác-tâm mê muội lúc lâm chung.
5- Người phạm điều-giới, người không có giới sau khi chết, ác-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy.
Do nguyên nhân phạm điều-giới, tạo ác-nghiệp khiến cho người ác lúc lâm chung gần chết phát sinh sân-tâm sợ chết.
– Do nguyên-nhân nào khiến cho người gần chết phát sinh đại-thiện-tâm không sợ chết?
– Người nào biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, biết tự trọng, biết giữ gìn các điều-giới của mình được trong sạch trọn vẹn, tạo đại-thiện-nghiệp giữ-giới.
Đức-Phật dạy 5 quả báu an-lạc của người giữ gìn giới trong sạch, người có giới là:
1-Người giữ gìn giới trong sạch, người có giới có nhiều của cải tài-sản lớn lao, do nhân không dể duôi.
2- Người giữ gìn giới trong sạch, người có giới có danh thơm tiếng tốt được lan truyền khắp mọi nơi.
3-Người giữ gìn giới trong sạch, người có giới có đại-thiện-tâm dũng cảm không rụt rè e thẹn.
4- Người giữ gìn giới trong sạch, người có giới có đại-thiện-tâm tỉnh táo lúc lâm chung.
5- Người giữ gìn giới trong sạch, người có giới sau khi chết, đại-thiện-nghiệp giữ-giới cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện dục-giới là cõi người hoặc cõi trời dục-giới.
Do nguyên-nhân giữ gìn các điều-giới trong sạch trọn vẹn, tạo đại-thiện-nghiệp giữ-giới khiến cho người thiện lúc lâm chung gần chết phát sinh đại-thiện-tâm không sợ chết.
* Cận-tử-nghiệp hỗ trợ cho quả tái-sinh kiếp sau
Trong lúc lâm chung gần chết, tuy người cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, có giới trong sạch, nhưng có tâm không vững vàng, nếu người ấy gặp đối-tượng xấu như gặp nỗi đau đớn, gặp cảnh tượng xấu, v.v… khiến người ấy phát sinh sân-tâm bực mình, làm cho tâm ô nhiễm trong lúc lâm chung, nếu người ấy chết khi ấy, thì ác-nghiệp này có cơ hội hỗ trợ ác-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới.
Khi ấy, người thiện-trí có trí-tuệ sáng suốt bên cạnh nhận thức thấy trên gương mặt sầu não của người cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ ấy như vậy, nên người thiện-trí tìm cách hóa giải đối-tượng xấu ấy, bằng cách thỉnh Ngài Trưởng-lão đến hướng dẫn thọ phép quy-y Tam-bảo, thọ-trì ngũ-giới, tụng kinh, thuyết pháp, nhắc nhở niệm ân-Đức-Phật, niệm tưởng đến những phước-thiện của mình, v.v … giúp cho người cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ ấy phát sinh đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo, nên có đại-thiện-tâm hoan hỷ trong lúc lâm chung. Nhờ vậy sau khi người cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ ấy chết, đại-thiện-nghiệp này có cơ hội hỗ trợ đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện dục-giới là cõi người hoặc cõi trời dục-giới, hưởng an-lạc cho đến khi hết tuổi thọ tại cõi thiện dục-giới ấy.
Như vậy, những đối-tượng trong lúc lâm chung làm ảnh hưởng đối với người cận-sự-nam hoặc cận-sự-nữ ấy, giúp hỗ trợ cho ác-nghiệp khác hoặc đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau, như Đức-Phật dạy rằng:
“Citte saṅkiliṭṭe duggatiṃ paṭikaṅkā …
Citte asaṅkiliṭṭe sugatiṃ paṭikaṅkā …
Lúc lâm chung, nếu tâm bị ô nhiễm, sau khi chết, thì ác-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới, …
Lúc lâm chung, nếu tâm không bị ô nhiễm, đại-thiện-tâm tỉnh táo, sau khi chết, thì đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới, …
Như vậy, trong lúc lâm chung gần chết, nếu người nào có tâm bị ô nhiễm do phiền-não thì ác-nghiệp có cơ hội hỗ trợ cho ác-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới.
Trong lúc lâm chung gần chết, nếu người nào có tâm không bị ô nhiễm, có đại-thiện-tâm trong sạch tỉnh táo, thì đại-thiện-nghiệp có cơ hội hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới.
Thực-hành pháp nào không sợ chết
Để có đại-thiện-tâm được vững vàng, hành-giả cần phải thường thực-hành pháp-hành thiền-định, đề-mục maraṇānussati: đề-mục niệm-niệm về sự chết, là 1 trong 40 đề-mục thiền-định.
Tất cả mọi chúng-sinh dù lớn như chư phạm-thiên trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiên có tuổi thọ sống lâu nhất đến 84.000 đại-kiếp trái đất, dù nhỏ như con kiến, … khi đã sinh ra, rồi cuối cùng đều tử (chết) cả thảy, không ngoại trừ một ai cả. Tất cả mọi người cuối cùng cũng đều chết như các chúng-sinh khác vậy.
– Nếu người nào đến lúc lâm chung gần chết, phát sinh sân-tâm sợ chết làm tâm ô nhiễm rồi phải chết, thì sau khi người ấy chết, ác-nghiệp có cơ hội hỗ trợ cho ác-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy trong cõi ác-giới ấy. Đó là điều bất lợi.
– Nếu người nào đến lúc lâm chung gần chết, có đại-thiện-tâm bình thản không sợ chết, không làm tâm ô nhiễm rồi cũng chết, thì sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp có cơ hội hỗ trợ cho đại-thiện-nghiệp khác cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện dục-giới là cõi người hoặc cõi trời dục-giới, hưởng an-lạc cho đến khi hết tuổi thọ trong cõi thiện dục-giới ấy. Đó là điều thuận lợi.
Để có đại-thiện-tâm được vững vàng bình thản không sợ chết trong lúc lâm chung, không làm cho tâm ô nhiễm, thì hành-giả nên thường thực-hành đề-mục maraṇānussati: đề-mục niệm-niệm về sự chết, như Đức-Phật thuyết dạy cho dân chúng xứ Āḷavī, trong tích Pesakāra-dhītāvatthu được tóm lược như sau:
Hành đề-mục maraṇānussati không sợ chết
Một thuở nọ, Đức-Thế-Tôn ngự đến xứ Āḷavī, dân chúng Āḷavī kính dâng vật thực cúng dường lên Đức-Thế-Tôn. Sau khi thọ thực xong, Đức-Thế-Tôn thuyết-pháp dạy dân chúng Āḷavī rằng:
“Addhuvaṃ me jīvitaṃ, dhuvaṃ me maraṇaṃ, avassaṃ mayā maritabbameva, maraṇapariyosānaṃ me jīvitaṃ, jīvitameva aniyataṃ, maraṇaṃ niyataṃ.”
– Này dân chúng Āḷavī! Các con nên thường niệm-niệm về sự chết rằng:
“Sinh-mạng của ta là không bền vững, sự chết của ta là chắc chắn, ta phải chết là điều không sao tránh khỏi, sinh-mạng của ta có sự chết là cuối cùng, sinh-mạng của ta là vô thường, sự chết là thường.”
Đức-Phật giảng dạy cho dân chúng Āḷavī hiểu biết về sự lợi ích của pháp-hành thiền-định, đề-mục maraṇānussati: đề-mục niệm-niệm về sự chết như sau:
– Những người nào không thường thực-hành đề-mục niệm-niệm về sự chết, đến lúc lâm chung gần chết, những người ấy phát sinh sân-tâm sợ hãi sự chết, hoảng sợ rồi chết.
Sau khi những người ấy chết, ác-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới.
– Những người nào thường thực-hành đề-mục niệm-niệm về sự chết, đến lúc lâm chung gần chết, những người ấy phát sinh đại-thiện-tâm tỉnh táo không sợ chết, tâm bình thản rồi chết.
Sau khi những người ấy chết, đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện dục-giới.
Đức-Phật giảng dạy dân chúng Āḷavī nên thường thực-hành đề-mục niệm-niệm về sự chết, rồi Đức-Phật từ giã dân chúng Āḷavī, ngự đến ngôi chùa Jetavana.
Trong số dân chúng Āḷavī nghe Đức-Phật thuyết giảng đề-mục maraṇānussati: đề-mục niệm-niệm về sự chết xong, phần nhiều họ không thường thực-hành đề-mục niệm-niệm về sự chết, bởi vì họ còn lo công việc làm ăn, chỉ có cô bé, con của ông thợ dệt, mới lên 16 tuổi, suy xét rằng: “Lời giáo huấn của Đức-Phật là sự-thật chân-lý thật là phi thường. Vậy, hằng ngày đêm ta nên tranh thủ thời gian thực-hành đề-mục maraṇānussati: niệm-niệm về sự chết”.
Thật vậy, cô bé hằng ngày đêm tinh-tấn thực-hành đề-mục maraṇānussati: niệm-niệm về sự chết suốt khoảng thời gian 3 năm.
Một hôm, vào canh chót đêm, sau khi Đức-Phật xả đại-bi thiền xem xét chúng-sinh nào có duyên nên tế độ, thì thấy cô bé, con của người thợ dệt hiện ra trong màng lưới tế độ của Ngài.
Đức-Phật xem xét thấy rõ, biết rõ rằng:
“Cô bé này thực-hành đề-mục maraṇānussati suốt 3 năm qua, kể từ ngày Như-Lai thuyết dạy đề-mục niệm-niệm về sự chết cho đến nay. Nay, Như-Lai đến xứ Āḷavī, hỏi cô bé 4 câu hỏi, rồi cô bé trả lời đúng, Như-Lai tán dương nói lời sādhu xong. Sau đó, cô bé sẽ trở thành bậc Thánh Nhập-lưu. Do nương nhờ cô bé ấy, Như-Lai thuyết-pháp đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài cho nhiều người.”
Sau khi thấy rõ, biết rõ sự việc như vậy, Đức-Phật rời khỏi ngôi chùa Jetavana ngự đi cùng với 500 tỳ-khưu đến ngôi chùa Aggāḷavihāra.
Dân chúng xứ Āḷavī biết tin Đức-Phật ngự đến cùng với chư tỳ-khưu-Tăng, nên họ vô cùng hoan hỷ cùng nhau đến ngôi chùa Aggāḷavihāra, kính đảnh lễ Đức-Phật cùng với chư tỳ-khưu-Tăng, rồi kính bạch Đức-Phật ngày hôm sau dân chúng sẽ đem vật thực đến làm phước-thiện cúng dường lên Đức-Phật cùng với chư tỳ-khưu-Tăng.
Được biết tin Đức-Phật đã ngự đến, cô bé con của thợ dệt phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ nghĩ rằng:
“Cách nay 3 năm, ta đã có duyên lành đảnh lễ Đức-Phật, lắng nghe Đức-Phật thuyết dạy đề-mục maraṇānussati mà ta tranh thủ thời gian thực-hành suốt ngày đêm. Nay, ta lại có diễm phúc sẽ được đảnh lễ Đức-Phật và sẽ nghe lời giáo huấn của Đức-Phật, thật là hạnh phúc an lành biết dường nào!”
Khi ấy, người cha đến gặp cô bé bảo rằng:
– Này con! Tấm vải này cha đang dệt chỉ còn 1 gang nữa là xong, con hãy nên dệt phần còn lại cho xong, rồi mau chóng đem đến cho cha.
Nghe cha truyền bảo như vậy, cô bé nghĩ rằng: “Nếu sáng nay ta đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, rồi nghe pháp, tấm vải này dệt chưa xong, thì cha quở mắng ta, bởi vì mất uy tín với khách hàng. Vậy, ta nên cố gắng dệt tấm vải xong cho sớm trước, sau rồi ta sẽ đến hầu đảnh lễ Đức-Phật và nghe pháp.
Tại ngôi chùa, Đức-Phật cùng với chư tỳ-khưu-Tăng đã thọ thực xong, Đức-Phật ngự ngồi trên pháp tòa im lặng giữa đại chúng, chờ đợi cô bé con của người thợ dệt.
Thật ra, Đức-Phật từ ngôi chùa Jetavana ngự đến xứ Āḷavī cách xa 30 do-tuần, để tế độ cô bé ấy, nên chờ cho đến khi cô bé đến, Đức-Phật mới thuyết-pháp.
Phần cô bé dệt xong tấm vải, vội vàng đem đến trao cho cha, rồi xin phép đi đến hầu đảnh lễ Đức-Phật.
Cô đến ngôi chùa nhìn thấy Đức-Phật đang ngự trên pháp toà.
Do nguyên-nhân nào Đức-Phật chờ cô bé?
Đức-Phật thấy rõ biết rõ cô bé sẽ chết hôm nay không thể tránh khỏi. Nếu sau khi cô bé chết, thì cô vẫn còn là hạng phàm-nhân, nên những kiếp sau không chắc chắn.
Sau khi gặp Đức-Phật, cô bé sẽ trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, thì sau khi cô bé chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nữ trên cõi trời Đâu-suất-đà-thiên.
Đức-Phật đang ngự ngồi trên pháp tòa im lặng giữa đại chúng, cô bé đi vào đảnh lễ Đức-Phật, do năng lực tâm đại-bi của Đức-Phật, rồi đứng một nơi hợp lẽ.
Khi ấy, Đức-Phật truyền hỏi cô bé rằng:
ĐP: – Này cô bé! Con từ đâu đến?
Cb: – Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con không biết, Bạch Ngài.
ĐP: – Này cô bé! Con sẽ đi về đâu?
Cb: – Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con không biết. Bạch Ngài.
ĐP: – Này cô bé! Con không biết thật sao?
Cb: – Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con biết. Bạch Ngài.
ĐP: – Này cô bé! Con biết thật sao?
Cb: – Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con không biết. Bạch Ngài.
Đức-Phật truyền hỏi cô bé 4 câu hỏi như vậy.
Phần đông mọi người không hiểu câu trả lời của cô bé, nên xôn xao phàn nàn cách trả lời của cô bé với Đức-Phật.
Đức-Phật truyền hỏi:
– Này cô bé! Con từ đâu đến?
Con gái của người thợ dệt nên trả lời rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con từ nhà người thợ dệt đến. Bạch Ngài.
– Này cô bé! Con sẽ đi về đâu?
Con gái của người thợ dệt nên trả lời rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con sẽ đi về nhà thợ dệt. Bạch Ngài. Như vậy, không phải sao?
Khi ấy, Đức-Phật làm cho mọi người im lặng, rồi hỏi cô bé rằng:
– Này cô bé! Khi Như-Lai truyền hỏi con rằng:
1- Con từ đâu đến? Tại sao con trả lời rằng:
“- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con không biết. Bạch Ngài.”
Cô bé giải đáp rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Ngài vốn đã biết con từ nhà người thợ dệt đến, nhưng khi Ngài truyền hỏi con rằng: “Con từ đâu đến?” Con hiểu ý nghĩa câu hỏi rằng: Con chết từ cõi-giới nào? Nghiệp đã cho quả tái-sinh đến cõi người này?
Vì vậy, con không biết: Con chết từ cõi-giới nào, rồi nghiệp đã cho quả tái-sinh đến cõi người này.
Nghe cô bé giải đáp đúng như vậy, nên Đức-Phật nói lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! lần đầu tiên đối với cô bé ấy rằng:
– Này cô bé! Câu hỏi mà Như-Lai đã hỏi, con đã giải đáp đúng.
Đức-Phật truyền hỏi tiếp theo rằng:
– Này cô bé! Khi Như-Lai truyền hỏi con rằng:
2- Con sẽ đi về đâu? Tại sao con trả lời rằng:
“- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con không biết. Bạch Ngài.”
Cô bé giải đáp rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Ngài vốn đã biết con sẽ đi về nhà thợ dệt, nhưng khi Ngài truyền hỏi con rằng: “Con sẽ đi về đâu?” Con hiểu ý nghĩa câu hỏi rằng: Con sẽ chết từ cõi người, rồi nghiệp cho quả sẽ tái-sinh đến cõi-giới nào.
Vì vậy, con không biết: Con sẽ chết từ cõi người, rồi nghiệp cho quả sẽ tái-sinh đến cõi-giới nào.
Nghe cô bé giải đáp đúng như vậy, nên Đức-Phật nói lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! lần thứ nhì đối với cô bé ấy rằng:
– Này cô bé! Câu hỏi mà Như-Lai đã hỏi, con đã giải đáp đúng.
Đức-Phật truyền hỏi tiếp theo rằng:
– Này cô bé! Khi Như-Lai truyền hỏi con rằng:
3- Con không biết thật sao? Tại sao con trả lời rằng:
“- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con biết. Bạch Ngài.”
Cô bé giải đáp rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con biết sinh-mạng của con có sự chết là cuối cùng. Vì vậy, con trả lời như vậy.
Nghe cô bé giải đáp đúng như vậy, nên Đức-Phật nói lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! lần thứ ba đối với cô bé ấy rằng:
– Này cô bé! Câu hỏi mà Như-Lai đã hỏi, con đã giải đáp đúng.
Đức-Phật truyền hỏi tiếp theo rằng:
– Này cô bé! Khi Như-Lai truyền hỏi con rằng:
4- Con biết thật sao? Tại sao con trả lời rằng:
“- Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con không biết. Bạch Ngài.”
Cô bé giải đáp rằng:
– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con biết sinh-mạng của con có sự chết là cuối cùng, nhưng mà con không biết rằng: Con sẽ chết vào ban đêm, hoặc vào ban ngày, hoặc vào buổi sáng hoặc vào buổi chiều, hoặc vào lúc nào, … Vì vậy, con trả lời như vậy.
Nghe cô bé giải đáp đúng như vậy, nên Đức-Phật nói lời Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! lần thứ tư đối với cô bé ấy rằng:
– Này cô bé! Câu hỏi mà Như-Lai đã hỏi, con đã giải đáp đúng.
Đức-Phật khuyên dạy dân chúng Āḷavī không nên phàn nàn cô bé, bởi vì cô bé trả lời theo sự hiểu biết của cô.
Trong đời này, người có trí-tuệ như là người có đôi mắt sáng, người không có trí-tuệ như là người mù. Đức-Phật thuyết dạy câu kệ rằng:
“Andhabhūto ayaṃ loko, tanuk’ettha vipassati.
Sakuṇo jālamuttova, appo saggāya gacchati.”
– Này dân chúng Āḷavī! Trong đời này, người không có trí-tuệ như là người mù, ít người có trí-tuệ thấy rõ, biết rõ trạng-thái vô-thường, v.v… của sắc-pháp, danh-pháp.
Có số ít con chim thoát khỏi lưới của người bẫy chim, cũng như có số ít người sau khi chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trên cõi trời dục-giới, hoặc tịch diệt Niết-bàn.
Sau khi Đức-Phật thuyết dạy xong câu kệ, cô bé con người thợ dệt trở thành bậc Thánh Nhập-lưu, còn dân chúng Āḷavī cũng được sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài.
Đức-Phật ngự trở về ngôi chùa Jetavana cùng với chư tỳ-khưu-Tăng.
Cô bé con người thợ dệt đi trở về nhà rồi chết, sau khi chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nữ hưởng an-lạc trên cõi trời Tusitā: Đâu-suất-đà-thiên.