Cuticitta và paṭisandhicitta của mỗi chúng-sinh

Mỗi kiếp chúng-sinh dù lớn nhất như chư phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên, trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên, dù nhỏ nhất như con kiến, … đều có paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm, bhavaṅgacitta: hộ-kiếp-tâm, cuticitta: tử-tâm cùng 1 loại quả-tâm giống nhau, nhưng chỉ có khác nhau trải qua 3 giai đoạn thời gian mà thôi.

Tuy nhiên, trong maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm có cuticitta: tử-tâm đó là quả-tâm cuối cùng của mỗi chúng-sinh làm phận sự chuyển kiếp tử (chết) kết thúc kiếp hiện-tại cũ của chúng-sinh ấy sinh rồi diệt, liền tiếp theo sau không có thời gian khoảng cách paṭisandhi-citta: tái-sinh-tâm đó là quả-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau, bắt đầu kiếp hiện-tại mới sinh rồi diệt trong cùng maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm ấy. Nhưng mà cuticitta: tử-tâm đó là quả-tâm cuối cùng kết thúc kiếp hiện-tại cũ, liền tiếp theo sau paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm đó là quả-tâm bắt đầu kiếp hiện-tại mới, chắc chắn 2 quả-tâm này là hoàn toàn khác biệt nhau, bởi vì 2 kiếp chúng-sinh khác nhau.

Trong maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm, cuticitta: tử-tâm cuối cùng kiếp hiện-tại cũ và paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm bắt đầu kiếp hiện tại mới có mỗi quả-tâm hoàn toàn khác nhau.

Tìm hiểu về cuticitta và paṭisandhicitta

Ngoài Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, chư Phật Độc-Giác, chư bậc Thánh A-ra-hán ra, còn lại tất cả mọi chúng-sinh dù nhỏ nhất như con kiến, dù lớn nhất như vị phạm-thiên thuộc về hạng phàm-nhân và 3 bậc Thánh-nhân là bậc Thánh Nhập-lưu, bậc Thánh Nhất-lai, bậc Thánh Bất-lai còn có vô-minh (avijjā) và tham-ái (taṇhā), nên vẫn còn tái-sinh kiếp sau, đến lúc lâm chung gần chết, có maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm cuối cùng có 1 trong 3 đối-tượng kamma, kammanimitta, gatinimitta phát sinh đối với mỗi chúng-sinh khác nhau từ bậc thấp đến bậc cao như sau:

1- Chúng-sinh trong 4 cõi ác-giới

Chúng-sinh trong 4 cõi ác-giới đó là chúng-sinh trong cõi địa-ngục, loài a-su-ra, loài ngạ-quỷ, loài súc-sinh đến lúc lâm chung gần chết, có maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm cuối cùng có 1 trong 3 đối-tượng là kamma, kammanimitta, gatinimitta kiếp hiện-tại phát sinh, các tâm sinh rồi diệt theo tuần tự đến cuti đó là cuticitta: tử-tâm là quả-tâm cuối cùng làm phận sự tử (chết) 1 sát-na-tâm rồi diệt, liền tiếp theo sau không có thời gian khoảng cách paṭisandhi đó là paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm có 1 quả-tâm nào trong 10 quả-tâm bắt đầu sinh 1 sát-na-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau thuộc về loài chúng-sinh nào, trong cõi-giới chúng-sinh nào tùy theo năng lực của quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) của mỗi chúng-sinh.

Như vậy, sau khi chúng-sinh trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh) chuyển kiếp tử (chết), có 10 quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong 11 cõi dục-giới như sau:

– Nếu có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả-tâm của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) thuộc về bất-thiện-quả vô-nhân-tâm gọi là paṭisandhi-citta: tái-sinh-tâm, thì làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm chúng-sinh 1 trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh).

– Nếu có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả-tâm của đại-thiện-nghiệp bậc thấp trong 4 đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ thuộc về thiện-quả vô-nhân-tâm gọi là paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm, thì làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người vô-nhân-tâm cõi thiện-giới (sugati ahetukapuggala) đui mù, câm điếc, … hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ bậc thấp trên địa cầu thuộc về cõi trời tứ Đại-thiên-vương.

– Nếu có 1 trong 4 đại-quả-tâm không hợp với trí-tuệ là quả-tâm của đại-thiện-nghiệp trong 4 đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ tương xứng gọi là paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm thì làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người nhị-nhân (dvihetukapuggala) hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ nhị-nhân trên cõi trời dục-giới.

– Nếu có 1 trong 4 đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ là quả-tâm của đại-thiện-nghiệp trong 4 đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ tương xứng, gọi là paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm thì làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người tam-nhân (tiheukapuggala) hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ tam-nhân trên cõi trời dục-giới.

Đó là những trường-hợp sau khi chúng-sinh trong 4 cõi ác-giới chuyển kiếp tử (chết), có 10 quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong 11 cõi dục-giới tùy theo năng lực của mỗi quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm của mỗi chúng-sinh trong mỗi cõi ác-giới.

Phần giảng giải về chúng-sinh 4 cõi ác-giới

– Nếu tiền-kiếp của chúng-sinh trong cõi đại-địa-ngục đã từng tạo ác-nghiệp nặng, dù sau khi được thoát ra khỏi cõi đại-địa-ngục, nhưng mà ác-nghiệp nặng ấy vẫn còn có năng lực cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi tiểu-địa-ngục này đến cõi tiểu-địa-ngục kia cho đến khi mãn quả khổ của ác-nghiệp ấy, mới thật sự thoát ra khỏi cõi ác-giới.

Nếu có đại-thiện-nghiệp trong kiếp quá-khứ cho quả thì tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người, hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới.

Ví dụ như tiền-kiếp xa xưa của Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmoggallāna đã từng giết cha, giết mẹ, đã tạo ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội.

Sau khi tiền-kiếp của Ngài chết, ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi đại-địa-ngục Avīci, khi thoát ra khỏi cõi đại-địa-ngục ấy , ác-nghiệp ấy tiếp tục cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi tiểu-địa-ngục này đến cõi tiểu-địa-ngục kia, cho đến khi mãn quả khổ của ác-nghiệp ấy, mới thật sự thoát ra khỏi cõi ác-giới, nhờ có đại-thiện-nghiệp trong kiếp quá-khứ cho quả tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người.

Trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, Ngài Đại-Trưởng-lão Mahāmog-gallāna là bậc Thánh Tối-thượng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama.

– Nếu tiền-kiếp của chúng-sinh trong cõi tiểu-địa-ngục đã từng tạo ác-nghiệp nhẹ, sau khi được thoát ra khỏi cõi tiểu-địa-ngục, nếu có đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau, thì đầu thai làm người, hoặc hóa-sinh làm vị thiên nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới.

Ví dụ tích Đức-Bồ-tát Thái-tử Temiya tiền-kiếp của Đức-Phật Gotama nhớ lại tiền-kiếp của Ngài đã từng làm Đức-vua ngự tại kinh-thành Bārāṇasī, trị vì đất nước Kāsi 20 năm.

Đức-vua đã tạo ác-nghiệp nhẹ, sau khi Đức-vua băng hà, ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi tiểu-địa-ngục Ussuda, chịu quả khổ suốt 80.000 năm. Sau khi thoát ra khỏi cõi tiểu-địa-ngục ấy, nhờ đại-thiện-nghiệp kiếp quá-khứ cho quả tái-sinh kiếp sau làm Thái-tử của Đức-vua Kāsi và Chánh-cung Hoàng-hậu Candādevī, …

– Nếu tiền-kiếp của loài ngạ-quỷ nào đã từng tạo ác-nghiệp nhẹ, mà không tạo đại-thiện-nghiệp nào đáng kể, thì sau khi tiền-kiếp của loài ngạ-quỷ ấy chết, ác-nghiệp nhẹ ấy cho quả tái-sinh kiếp sau làm loài ngạ-quỷ chịu quả khổ đói khát, … trông chờ bà con thân quyến hoặc các thí-chủ khác làm phước-thiện, rồi hồi-hướng đến loài ngạ-quỷ ấy.

Nếu loài ngạ-quỷ nào hay biết, thì loài ngạ-quỷ ấy hiện đến, phát sinh đại-thiện-tâm nói lên lời hoan hỷ nhận phần phước-thiện ấy. Ngay khi ấy, loài ngạ-quỷ ấy được thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ, nhờ đại-thiện-nghiệp hoan hỷ ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới.

Ví dụ: Tích Sāriputtattheramātupeta: tích nữ ngạ-quỷ tiền-kiếp đã từng là mẹ của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, được tóm lược như sau:

Tiền-kiếp nữ ngạ-quỷ này đã từng là thân mẫu tiền-kiếp của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta trong kiếp quá-khứ.

Nữ ngạ-quỷ nhớ lại tiền-kiếp của mình đã từng là thân mẫu trong kiếp quá-khứ của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, nên hiện đến cầu xin Ngài Đại-Trưởng-lão làm phước-thiện, rồi hồi-hướng phần phước-thiện ấy đến cho nữ ngạ-quỷ.

Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta có tâm bi cứu khổ nữ ngạ-quỷ đã từng là thân mẫu, nên Ngài làm phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư tỳ-khưu-Tăng có Đức-Phật chủ trì, rồi xin hồi-hướng phần phước-thiện bố-thí ấy đến nữ ngạ-quỷ đã từng là thân mẫu của Ngài.

Nữ ngạ-quỷ phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ nói lên lời hoan hỷ rằng:

Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Nhận được phần phước-thiện ấy, ngay tức thì, nữ ngạ-quỷ thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ, nhờ đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nữ xinh đẹp trên cõi trời, có hào quang sáng ngời, có y phục lộng lẫy trong lâu đài nguy nga tráng lệ, hưởng mọi sự an-lạc cõi trời.

Và tích Tirokuḍḍapetavatthu nhóm ngạ-quỷ thân quyến của Đức-vua Bimbisāra.

Đức-vua Bimbisāra làm phước-thiện bố-thí cúng dường đến chư tỳ-khưu-Tăng có Đức-Phật chủ trì, rồi hồi hướng phần phước-thiện bố-thí ấy đến nhóm ngạ-quỷ đã từng là thân quyến của Đức-vua.

Nhóm ngạ-quỷ phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ nói lên lời hoan hỷ rằng:

Sādhu! Sādhu! Lành thay! Lành thay! Nhận được phần phước-thiện ấy, ngay tức thì, nhóm ngạ-quỷ thoát khỏi kiếp ngạ-quỷ, nhờ đại-thiện-nghiệp ấy cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc cõi trời.

– Nếu tiền-kiếp của loài súc-sinh nào đã từng tạo ác-nghiệp nhẹ thì sau khi tiền-kiếp của loài súc-sinh ấy chết, ác-nghiệp nhẹ ấy cho quả tái-sinh kiếp sau làm loài súc-sinh nhỏ bé chịu quả khổ trong thời gian 7 ngày hết tuổi thọ.

Sau khi loài súc-sinh nhỏ bé ấy chết, đại-thiện-nghiệp kiếp trước cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới, hưởng mọi sự an-lạc cõi trời ấy cho đến hết tuổi thọ, mới rời khỏi cõi trời dục-giới ấy.

Ví dụ: Ác-nghiệp nhẹ cho quả tái-sinh kiếp sau làm con rận nằm trong tấm y 7 ngày hết tuổi thọ. Sau khi con rận chết, đại-thiện-nghiệp kiếp trước cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời Đâu-xuất-đà-thiên, có tuổi thọ 4.000 năm cõi trời, so với thời gian cõi người 576 triệu năm, bởi vì 1 ngày 1 đêm bằng 400 năm cõi người (Xem tích Tissattheravatthu sau).

* Kiếp con ếch ở tại hồ Gaggarā: Đức-Thế-Tôn ngự đến bờ hồ Gaggarā, thuyết-pháp tế độ dân chúng Campā, con ếch nhảy lên bờ hồ, đang nằm nghe giọng phạm âm của Đức-Phật. Khi ấy, người chăn bò đằng sau lắng nghe Đức-Phật thuyết-pháp, tay cầm cây đầu nhọn vô ý cắm xuống đất dụng phải cái đầu con ếch, làm cho con ếch chết ngay tại nơi ấy.

Sau khi con ếch chết, đại-thiện-nghiệp lắng nghe phạm âm của Đức-Phật với đức-tin trong sạch, cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam tên là Maṇḍuka (Ếch) trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, trong lâu đài bằng vàng nguy nga tráng lệ, có các thiên nữ hầu hạ.

2- Loài người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu

Loài người trong cõi Nam-thiện-bộ-châu (cõi người mà chúng ta đang sinh sống), có 3 hạng người như sau: 1- Sugati ahetukapuggala: Hạng người vô-nhân cõi thiện-giới là người có paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm đó là suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả-tâm của đại-thiện-nghiệp bậc thấp trong 4 đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ thuộc về thiện-quả vô-nhân-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm hạng người vô-nhân cõi thiện-giới đui mù, câm điếc, tật-nguyền, … từ khi đầu thai vào lòng mẹ.

2- Dvihetukapuggala: Hạng người nhị-nhân là người có paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm đó là đại-quả-tâm không hợp với trí-tuệ làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm hạng người nhị-nhân vốn không có trí-tuệ từ khi đầu thai vào lòng mẹ.

Đến lúc lâm chung gần chết hạng người vô-nhân cõi thiện-giới và hạng người nhị-nhân có maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm cuối cùng có 1 trong 3 đối-tượng là kamma, kammanimitta, gatinimitta kiếp hiện-tại phát sinh, các tâm sinh rồi diệt theo tuần tự đến cuti đó là cuticitta: tử-tâm là quả-tâm cuối cùng làm phận sự chuyển kiếp tử (chết) 1 sát-na-tâm rồi diệt, liền tiếp theo sau không có thời gian khoảng cách paṭisandhi đó là paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm có 10 quả-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong 11 cõi dục-giới, tương tự như chúng-sinh trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh) đã trình bày trong phần trước.

3- Tihetukapuggala: Hạng người tam-nhân là người có paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm đó là đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm hạng người tam-nhân vốn có trí-tuệ từ khi đầu thai vào lòng mẹ.

Đến lúc lâm chung gần chết, Tihetukapuggala: hạng người tam-nhân có maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm cuối cùng có 1 trong 3 đối-tượng là kamma, kammanimitta, gatinimitta kiếp hiện-tại phát sinh, các tâm sinh rồi diệt theo tuần tự đến cuti đó là cuticitta: tử-tâm là đại-quả-tâm cuối cùng làm phận sự chuyển kiếp tử (chết) 1 sát-na-tâm rồi diệt, liền tiếp theo sau không có thời gian khoảng cách paṭisandhi đó là paṭisandhi-citta: tái-sinh-tâm có 19 quả-tâm và jīvitanavaka-kalāpa: nhóm sắc-pháp có sắc-mạng-chủ thứ 9 làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong 11 cõi dục-giới, trong 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên, trong 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên, gồm có 31 cõi-giới chúng-sinh, tùy theo năng lực của mỗi quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhi-citta) của hạng người tam-nhân ấy.

Như vậy, sau khi hạng người tam-nhân (tihetukapuggala) chuyển kiếp tử (chết), có 19 quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm và jīvitanavakakālapa: nhóm sắc-pháp có sắc-mạng-chủ thứ 9 làm phận sự tái-sinh kiếp sau như sau:

* Người tam-nhân nào (tihetukapuggala) dể duôi trong mọi thiện-pháp, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi, phạm điều-giới nào, tạo ác-nghiệp điều-giới ấy.

Sau khi người tam-nhân ấy chết, nếu ác-nghiệp ấy trong 11 bất-thiện-tâm (trừ si-tâm hợp với phóng-tâm) có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) thì có 1 quả-tâm đó là suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả-tâm của bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) thuộc về bất-thiện-quả vô-nhân-tâm gọi là paṭisandhi-citta: tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm chúng-sinh 1 trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ trong cõi ác-giới ấy cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới ấy.

Ví dụ: Tỳ-khưu Devadatta thuộc về hạng người tam-nhân (tihetukapuggala) còn là phàm-nhân chứng đắc các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và chứng đắc các phép-thần-thông.

Về sau, tỳ-khưu Devadatta phát sinh bất-thiện-tâm muốn giết Đức-Phật để làm Phật, nên tỳ-khưu Devadatta sử dụng mọi thủ đoạn để giết Đức-Phật nhưng không thành, chỉ làm bàn chân của Đức-Phật bị bầm máu mà thôi, đã tạo ác-nghiệp làm bầm máu chân Đức-Phật và ác-nghiệp chia rẽ tỳ-khưu-Tăng thuộc về 2 ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội.

Cho nên, sau khi tỳ-khưu Devadatta chết, ác-nghiệp vô-gián-trọng-tội ấy cho quả tái-sinh kiếp sau làm chúng-sinh trong cõi đại-địa-ngục Avīci, chịu quả khổ của ác-nghiệp ấy suốt 100 ngàn đại-kiếp trái đất.

– Đức-vua Ajātasattu thuộc về hạng người tam-nhân (tihetukapuggala) nghe lời khuyên dạy của tỳ-khưu Devadatta, nên giết Đức Phụ-vương Bimbisāra, rồi lên ngôi làm Vua.

Về sau, Đức-vua Ajātasattu phát sinh khổ tâm cùng cực, biết ăn năn sám hối, nên ngự đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, lắng nghe Đức-Phật thuyết bài kinh Sāmaññaphalasutta để tế độ Đức-vua Ajātasattu.

Sau khi nghe bài kinh ấy xong, Đức-vua Ajātasattu phát sinh đại-thiện-tâm hỷ lạc chưa từng có bao giờ, có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, kính xin quy-y Tam-bảo, xin Đức-Phật công nhận Đức-vua đã quy-y Tam-bảo kể từ đó cho đến trọn đời.

Đức-vua Ajātasattu trở thành cận-sự-nam có đức-tin trong sạch đặc biệt nơi Tam-bảo.

Sau khi Đức-vua Ajātasattu băng hà, ác-nghiệp vô-gián trọng-tội giết cha ấy ưu tiên cho quả tái-sinh kiếp sau trong địa-ngục nồi đồng sôi suốt 60 ngàn năm.

* Tích Tissattheravatthu

Một thuở nọ Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthī. Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết giảng đề cập đến tích Ngài Trưởng-lão Tissa được tóm lược như sau:

Ngài Trưởng-lão Tissa sinh trưởng trong một gia đình tại kinh-thành Sāvatthī. Người chị dệt một tấm vải tốt và mịn để dâng cho Ngài Trưởng-lão Tissa là người em trai kính yêu để may y.

Một hôm, Ngài Trưởng-lão Tissa đi đến nhà, người chị đem tấm vải tốt và mịn ấy kính dâng Ngài Trưởng-lão Tissa, để may y. Ngài Trưởng-lão thọ nhận tấm vải ấy với đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ. Ngài Trưởng-lão Tissa đem tấm vải ấy trở về ngôi chùa Jetavana.

Ngài Trưởng-lão Tissa nhờ các vị tỳ-khưu trẻ và các sa-di biết cắt y, biết may y, để giúp hỗ trợ may tấm y cho Ngài Trưởng-lão.

Trong khoảng thời gian may y, người chị của Ngài lo dâng cúng dường vật thực đến các vị tỳ-khưu trẻ và sa-di giúp hỗ trợ may tấm y cho Ngài Trưởng-lão.

Sau khi may hoàn thành tấm y và nhuộm màu xong rất đẹp, người chị làm lễ cúng dường đến các vị tỳ-khưu trẻ và sa-di. Ngài Trưởng-lão Tissa nhìn thấy tấm y tốt và mịn ấy, nên phát sinh tâm tham-ái trong tấm y ấy, rồi nghĩ rằng: “Ngày mai này ta sẽ mặc tấm y này”. Ngài vắt tấm y ấy lên trên dây.

Trong đêm hôm ấy, Ngài Trưởng-lão Tissa lâm bệnh nặng, lúc lâm chung, Ngài Trưởng-lão luyến tiếc tấm y ấy, nên sau khi Ngài Trưởng-lão Tissa chết, ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau làm con rận nằm trong tấm y ấy (tasmiṃyeva cīvare ūkā hutvā nibbatti).

Nghe tin Ngài Trưởng-lão Tissa em trai của mình chết, người chị đến khóc than thảm thiết, vì thương tiếc người em trai kính yêu của mình.

Chư tỳ-khưu trong chùa làm lễ hỏa-táng thi thể của Ngài Trưởng-lão Tissa xong, chư tỳ-khưu bàn bạc với nhau rằng:

“Ngài Trưởng-lão Tissa không có vị tỳ-khưu nuôi bệnh nên tấm y ấy thuộc về của Tăng. Như vậy, chư tỳ-khưu hội lại làm lễ bốc thăm để được tấm y ấy.”

Khi vị tỳ-khưu đụng vào tấm y ấy, con rận ở trong tấm y ấy bò tới bò lui khóc than rằng:

“Nhóm tỳ-khưu này đến chiếm đoạt tấm y này của tôi.”

Khi ấy, Đức-Thế-Tôn đang ngự tại gandha-kuṭi nghe tiếng khóc than của con rận ấy bằng thiên-nhĩ-thông (dibbasotadhātu), nên truyền bảo Ngài Trưởng-lão Ānanda rằng:

– Này Ānanda! Con nên truyền bảo nhóm tỳ-khưu không được đụng chạm vào tấm y của Tissa. Hãy nên chờ qua 7 ngày sau.

Vâng theo lời dạy của Đức-Phật, Ngài Trưởng-lão Ānanda đến gặp nhóm tỳ-khưu, truyền dạy lời của Đức-Phật như vậy.

Đến ngày thứ 7, con rận hết tuổi thọ chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời Tusitā (Đâu-suất-đà-thiên), hưởng mọi sự an-lạc trên cõi trời ấy.

Đức-Phật cho phép chia tấm y của Ngài Tissa

Vào ngày thứ 8, Đức-Phật cho phép chia tấm y của Ngài Tissa rằng:

– Này chư tỳ-khưu! Hôm nay Như-Lai cho phép các con chia tấm y của Tissa.

Vâng theo lời truyền dạy của Đức-Phật, chư tỳ-khưu chia tấm y của Ngài Tissa.

Chư tỳ-khưu hội họp trong giảng đường đàm đạo với nhau rằng:

– Do nguyên-nhân nào Đức-Phật truyền dạy chư tỳ-khưu không nên đụng chạm vào tấm y của Ngài Tissa, rồi Đức-Phật cho phép chư tỳ-khưu chia tấm y của Ngài Tissa vào ngày thứ 8.

Tham-ái làm khổ chúng-sinh

Khi ấy, Đức-Phật ngự đến giảng đường, truyền hỏi chư tỳ-khưu:

– Này chư tỳ-khưu! Các con đang đàm đạo về vấn đề gì vậy?

Chư tỳ-khưu bạch với Đức-Phật rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, các con đang đàm đạo về tấm y của Ngài Tissa. Bạch Ngài.

Đức-Phật truyền dạy chư tỳ-khưu rằng:

– Này chư tỳ-khưu! Sau khi Tissa chết, ác-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau làm con rận ở trong tấm y của mình. Cho nên, khi các con đụng vào tấm y ấy, con rận ở trong tấm y ấy bò tới bò lui khóc than rằng:

“Tỳ-khưu này đến chiếm đoạt tấm y của tôi.”

Nếu các con lấy tấm y ấy, thì con rận sẽ tức giận các con rồi chết, ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi địa-ngục. Vì vậy, Như-Lai truyền dạy các con không nên đụng chạm vào tấm y của Tissa. Đến ngày thứ 7 con rận hết tuổi thọ chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời Tusitā. Cho nên, ngày thứ 8, Như-Lai cho phép các con chia tấm y của Tissa.

Chư tỳ-khưu bạch với Đức-Phật rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, tham-ái thật là đáng sợ.

– Này chư tỳ-khưu! Đúng như vậy, tham-ái của chúng-sinh thật là đáng sợ.

Gỉ sinh từ sắt, ăn sắt, làm cho sắt tiêu hoại, không còn sử dụng được nữa như thế nào, tham-ái này cũng như vậy, tham-ái phát sinh trong tâm của chúng-sinh ấy, dắt dẫn chúng-sinh ấy tái-sinh kiếp sau trong cõi địa-ngục, v.v… làm cho chúng-sinh lầm than đau khổ.

Đức-Phật thuyết dạy câu kệ rằng:

“Ayasāva malaṃ samuṭṭhitaṃ,

taduṭṭhāya tameva khādati.

Evaṃ atidhonacārinaṃ,

sāni kammāni nayanti duggatiṃ.”

– Này chư tỳ-khưu!

Gỉ sinh từ sắt, sau khi sinh từ sắt lại ăn mòn sắt ấy.

Cũng như vậy, những ác-nghiệp sinh từ vật dụng của mình, đối với người sử dụng 4 thứ vật dụng không biết suy xét, những ác-nghiệp ấy dắt dẫn đến cõi ác-giới.

Tìm hiều về tích Tissattheravatthu

Trong thời-kỳ xưa, một vị tỳ-khưu nào muốn có một tấm y mới, vị tỳ-khưu ấy nếu có thí-chủ dâng tấm vải may y thì tốt, nếu không có thí-chủ thì vị tỳ-khưu ấy đi lượm từng mảnh vải mà người ta vất bỏ, đem về giặt giũ cho sạch sẽ cho đến khi đủ vải để cắt may tấm y. Cho nên, công việc may y là một công việc không kém phần quan trọng.

Thật vậy, trong phần suddhipācittiya có 92 điều-giới, trong 92 điều-giới ấy, có số điều-giới nếu vị tỳ-khưu trong thời gian đang may y (cīvarakārasamaya) thì không phạm điều-giới ấy.

Ngài Trưởng-lão Tissa có được tấm vải tốt và mịn để may tấm y, nên Ngài Trưởng-lão nhờ các vị tỳ-khưu, các sa-di biết cắt y, biết may y đến hỗ trợ cắt và may tấm y xong, rồi nhuộm màu.

Tấm y ấy của Ngài Trưởng-lão Tissa thật là tốt và mịn, Ngài Trưởng-lão Tissa nhìn thấy tấm y tốt ấy, nên phát sinh tâm tham-ái trong tấm y ấy, rồi nghĩ rằng:

“Ngày mai này ta sẽ mặc tấm y này.”

Ngài vắt tấm y ấy lên trên dây.

Trong đêm hôm ấy, Ngài Trưởng-lão Tissa bị lâm bệnh nặng đột ngột, trong lúc lâm chung, tâm tham-ái của Ngài luyến tiếc tấm y ấy, đến khi maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm cuối cùng có 1 trong 3 đối-tượng kamma, kammanimitta, gatinimitta trong tấm y ấy phát sinh, các tâm sinh rồi diệt theo tuần tự đến cuti đó là cuticitta: quả-tâm cuối cùng có 1 sát-na-tâm làm phận sự chuyển kiếp tử (chết) kết thúc kiếp hiện-tại của Ngài Trưởng-lão Tissa diệt, liền tiếp theo sau paṭisandhi, đó là paṭisandhi-citta: tái-sinh-tâm, là suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong tham-tâm sinh 1 sát-na-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm con rận ở trong tấm y ấy (tasmiṃyeva cīvare ūkā hutvā nibbatti).

Khi vị tỳ-khưu đụng vào tấm y ấy, con rận bò tới bò lui khóc than. Nghe tiếng khóc than của con rận, Đức-Phật có tâm đại bi cứu khổ kiếp con rận ấy, nên truyền dạy chư tỳ-khưu chờ qua 7 ngày sau, mới đem tấm y ấy chia cho tỳ-khưu được. Đến ngày thứ 7, con rận ấy hết tuổi thọ, đến lúc lâm chung gần chết có maraṇāsannavīthicitta: cận-tử lộ-trình-tâm cuối cùng có đối-tượng gatinimitta đó là cõi trời Tusitā hiện ra, các tâm sinh rồi diệt theo tuần tự đến cuti đó là cuticitta: quả-tâm cuối cùng có 1 sát-na-tâm làm phận sự chuyển kiếp tử (chết) kết thúc kiếp hiện-tại của con rận diệt, liền tiếp theo sau không có thời gian khoảng cách paṭisandhi, đó là paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm đó là đại-quả-tâm kiếp trước làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời Tusitā, hưởng mọi sự an-lạc cho đến hết tuổi thọ tại cõi trời Tusitā có 4.000 năm, so với thời gian cõi người 576 triệu năm, bởi vì 1 ngày 1 đêm cõi trời này bằng 400 năm cõi người.

* Tích sư phụ của Ngài Trưởng-lão Soṇa

Ngài Trưởng-lão Soṇa ở tại ngôi chùa Acela-vihāra dưới chân núi Soṇagiri. Thân phụ của Ngài Trưởng-lão hành nghề săn bắn thú rừng để nuôi mạng. Ngài Trưởng-lão đã khuyên thân phụ từ bỏ nghề săn bắn thú rừng, rồi hành nghề lương thiện khác nuôi mạng, nhưng thân phụ của Ngài Trưởng-lão đã quen với nghề này, vả lại không biết nghề khác, cho nên ông vẫn tiếp tục hành nghề săn bắn thú rừng để nuôi mạng.

Đến lúc tuổi già sức yếu, thân phụ của Ngài Trưởng-lão Soṇa không thể hành nghề săn bắn thú rừng được nữa. Ngài Trưởng-lão Soṇa khuyên thân phụ xuất gia trở thành tỳ-khưu.

Sau khi trở thành tỳ-khưu, sư phụ của Ngài Trưởng-lão vì tuổi già sức yếu, khi thực-hành pháp-hành thiền-định, pháp-hành thiền-tuệ tâm vẫn chưa được ổn định.

Khi bị lâm bệnh nặng trầm trọng, trước lúc lâm chung, sư phụ của Ngài Trưởng-lão thấy đối-tượng gatinimitta đó là hiện tượng ác-nghiệp sát-sinh trong thời quá-khứ hiện ra trong tâm, làm cho sư phụ của Ngài Trưởng-lão kinh hoàng hoảng sợ kêu la, nhờ Ngài Trưởng-lão Soṇa xua đuổi.

Ngài Trưởng-lão Soṇa nghĩ rằng: “Nếu sư phụ tịch (chết) trong lúc này, thì ác-nghiệp ấy có cơ hội cho quả thì khó tránh khỏi tái-sinh trong cõi địa-ngục, ta phải tìm cách hóa giải đối-tượng xấu của ác-nghiệp ấy.”

Ngài Trưởng-lão Soṇa bảo vị sa-di đem lại cho Ngài một ít cành hoa, và nhờ người khiêng sư phụ nằm trên chiếc gường đem lên đặt trên nền ngôi Bảo-tháp, rồi Ngài Trưởng-lão trao những cành hoa để cho sư phụ cúng dường đến ngôi Bảo-tháp, và hướng dẫn sư phụ đem hết lòng thành kính bạch rằng:

“Kính bạch Đức-Thế-Tôn, đây là những cành hoa, lễ vật mọn của con, con đem hết lòng thành kính dâng cúng dường lên ngôi Bảo-tháp thờ Xá-lợi của Đức-Thế-Tôn.”

Sư phụ đã làm theo sự hướng dẫn của Ngài Trưởng-lão. Thật phi thường! Ngay khi ấy, đối-tượng gatinimitta đó là hiện tượng ác-nghiệp kia biến mất, thay bằng đối-tượng gatinimitta đó là cảnh đẹp ở trên cõi trời, lâu đài nguy nga, những thiên-nữ hiện ra.

Sư phụ của Ngài Trưởng-lão phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ thốt lên rằng:

“Các cô thiên-nữ đã đến rồi!”

Nghe vậy, Ngài Trưởng-lão Soṇa nghĩ rằng:

“Cõi trời dục-giới đã hiện ra với sư phụ rồi.”

Sau khi sư phụ của Ngài Trưởng-lão Soṇa tịch, nhờ đại-thiện-nghiệp cúng dường trong đại-thiện-tâm phát sinh trong lúc lâm chung ấy có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới, hưởng mọi quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp trong cõi trời dục-giới ấy cho đến hết tuổi thọ.

Đó là trường hợp bệnh nhân tạo đại-thiện-nghiệp lúc lâm chung.

Cho nên, bệnh nhân đến lúc lâm chung gần chết, nếu có người thiện có trí-tuệ gần gũi, thì giúp cho bệnh nhân được nhiều sự lợi ích lớn.

Người thiện ấy có trí-tuệ hiểu biết về sự-thật tử và sinh (cuti và paṭisandhi) trong cận-tử lộ-trình-tâm (maraṇāsannavīthicitta), bởi vì đó là thời điểm cực kỳ hệ trọng của kiếp hiện-tại của bệnh nhân ấy với kiếp kế-tiếp. Nếu có sơ suất nào thì thật đáng ân hận biết dường nào!

– Người thiện-trí có trí-tuệ sáng suốt nếu nhận thức thấy sắc mặt bệnh nhân trong tình trạng tỉnh táo điềm tĩnh, thì không nên quấy rầy bệnh nhân trong lúc lâm chung gần chết này.

– Người thiện-trí có trí-tuệ sáng suốt nếu nhận thức thấy sắc mặt bệnh nhân là người tại gia ở trong tình trạng kinh hoàng hoảng sợ, thì nên hướng dẫn bệnh nhân thọ phép quy-y Tam-bảo và thọ-trì ngũ-giới, bệnh nhân có thể đọc nhẩm trong tâm, nên nhắc nhở bệnh nhân nhớ đến phước-thiện mà họ đã tạo, hoặc niệm ân-Đức-Phật, để làm cho bệnh nhân phát sinh đại-thiện-tâm hoan hỷ làm tan biến đối-tượng gatinimitta hiện tượng ác-pháp ấy bằng thiện-pháp này.

Như vậy, người thiện-trí có trí-tuệ sáng suốt giúp hỗ trợ bệnh nhân phát sinh đại-thiện-tâm tỉnh táo trong lúc lâm chung, hy vọng sau khi bệnh nhân chết, đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới, hưởng mọi quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp trong cõi thiện-giới ấy cho đến hết tuổi thọ.

Trường hợp bệnh nhân trong lúc lâm chung gần chết, những người thân đến khóc than, làm cho tâm của bệnh nhân trở nên ô nhiễm trong lúc lâm chung, đó là điều bất hạnh, như Đức-Phật dạy như sau:

“Citte saṅkiliṭṭe duggatiṃ paṭikaṅkā…

Citte asaṅkiliṭṭe sugatiṃ paṭikaṅkā…

Lúc lâm chung tâm bị ô nhiễm, thì sau khi chết, tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới, …

Lúc lâm chung tâm không bị ô nhiễm, đại-thiện-tâm trong sạch tỉnh táo thì sau khi chết, tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới, …

Trong lúc lâm chung gần chết, nếu tâm bị ô nhiễm do phiền-não thì ác-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi ác-giới. Trong lúc lâm chung gần chết, nếu tâm không bị ô nhiễm, có đại-thiện-tâm trong sạch tỉnh táo, thì đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-giới.

* Người tam-nhân nào (tihetukapuggala) biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, giữ gìn giới-hạnh của mình trong sạch, tạo phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ-giới, … với đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ.

Sau khi người tam-nhân ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm không hợp với trí-tuệ có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có 1 trong 4 đại-quả-tâm không hợp với trí-tuệ gọi là paṭisandhi-citta: tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm nhị-nhân (dvihetukapuggala) từ khi tái-sinh đầu thai vào bụng mẹ, hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ nhị-nhân trên cõi trời dục-giới.

Khi sinh ra đời, lúc trưởng thành, người nhị-nhân ấy vốn không có trí-tuệ, nên hiểu biết không sâu sắc.

– Nếu người nhị-nhân ấy thực-hành pháp-hành thiền-định, không có khả năng chứng đắc được bậc thiền nào cả.

– Nếu người nhị-nhân ấy thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, không có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, không chứng đắc Thánh-đạo nào, Thánh-quả nào cả.

* Người tam-nhân nào (tihetukapuggala) biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, giữ gìn giới-hạnh của mình trong sạch, tạo phước-thiện bố-thí, phước-thiện giữ-giới, phước-thiện hành-thiền, v.v… với đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ.

Sau khi người tam-nhân ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có 1 trong 4 đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ gọi là paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người tam-nhân (tihetukapuggala) từ khi tái-sinh đầu thai vào bụng mẹ, hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ tam-nhân trên cõi trời dục-giới.

Khi sinh ra đời, lúc trưởng thành, người tam-nhân ấy vốn có trí-tuệ, nên hiểu biết sâu sắc.

– Nếu người tan-nhân ấy thực-hành pháp-hành thiền-định, có khả năng chứng đắc 5 bậc thiền sắc giới thiện-tâm, 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm.

– Nếu người tam-nhân ấy thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-nhân.

Ví dụ: Tích Dhammika upāsakavatthu

Một thuở nọ Đức-Thế-Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthī. Khi ấy, Đức-Thế-Tôn thuyết giảng đề cập đến tích cận-sự-nam Dhammika được tóm lược như sau:

Trong kinh-thành Sāvatthī có nhóm người cận-sự-nam gồm có 500 người, mà mỗi người có 500 thuộc hạ đều là những người có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, có giới-hạnh trong sạch, hoan hỷ trong mọi phước-thiện, có người trưởng nhóm là cận-sự-nam Dhammika.

Cận-sự-nam Dhammika có 7 người con trai và 7 người con gái gồm có 14 người con và người vợ đều ngoan ngoãn vâng lời kuyên dạy của cận-sự-nam Dhammika, nên trong gia đình đều là những người có giới-hạnh trong sạch, hoan hỷ trong mọi phước-thiện.

Một hôm cận-sự-nam Dhammika lâm bệnh nặng trầm trọng, mong được nghe chánh-pháp trước khi chết, nên cận-sự-nam truyền bảo người nhà đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, bạch rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, cận-sự-nam Dhammika lâm bệnh nặng mong được nghe kinh, kính xin Đức-Thế-Tôn cho phép 8 hoặc 14 vị tỳ-khưu đến tư gia của cận-sự-nam Dhammika tụng kinh. Bạch Ngài.

Đức-Phật cho phép nhóm tỳ-khưu ấy đến tư gia của cận-sự-nam Dhammika, ngồi bên cạnh cận-sự-nam.

Cận-sự-nam Dhammika nằm trên giường chắp 2 tay bạch rằng:

– Kính bạch quý Ngài, con đến lúc sức tàn lực kiệt, còn được chiêm ngưỡng quý Ngài đó là điều khó đối với con.

– Kính xin quý Ngài có tâm bi tế độ tụng cho con nghe một bài kinh.

Ngài Trưởng-lão hỏi ông cận-sự-nam rằng:

– Này cận-sự-nam Dhammika! Con muốn nghe bài kinh nào?

– Kính bạch quý Ngài, con muốn nghe bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta mà chư Phật đều coi trọng.

Nhóm chư tỳ-khưu đang tụng bài kinh Mahā-satipaṭṭhānasutta như sau: “Ekāyano ayaṃ bhikkhave maggo sattānaṃ visuddhiyā …”

(- Này chư tỳ-khưu! Đạo này là độc đạo, để làm trong sạch thanh-tịnh tất cả chúng-sinh, …)

Trong khi cận-sự-nam Dhammika đang nằm nhắm mắt lắng nghe chư tỳ-khưu đang tụng bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta, khi ấy, 6 chiếc xe trời lớn khoảng 150 do-tuần được trang hoàng lộng lẫy có ngàn con ngựa báu hiện xuống từ 6 cõi trời dục-giới. Vị thiên-nam đứng trên mỗi chiếc xe nói lời thỉnh mời cận-sự-nam Dhammika rằng:

– Amhākaṃ develokaṃ nessāma, Amhākaṃ develokaṃ nessāma. Ambho mattikabhājanaṃ bhinditvā suvaṇṇabhājanaṃ gaṇhanto viya amhākaṃ devaloke abhiramituṃ idha nibbattāhi.

– Kính thỉnh Ngài lên xe, chúng tôi sẽ đưa Ngài lên cõi trời của chúng tôi. Kính thỉnh Ngài lên xe, chúng tôi sẽ đưa Ngài lên cõi trời của chúng tôi.

– Kính thưa Ngài, xin Ngài hóa-sinh trên cõi trời, để an hưởng mọi sự an-lạc đáng hài lòng trong cõi trời của chúng tôi, ví như người bỏ cái nồi đất, rồi nhận lấy cái nồi vàng.

Khi ấy, ông cận-sự-nam Dhammika nhìn thấy 6 chiếc xe trời và nghe tiếng thỉnh mời của các vị thiên-nam đó là đối-tượng gatinimitta, ông cận-sự-nam không muốn làm gián đoạn lắng nghe bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta, nên ông truyền bảo các vị thiên-nam ấy rằng:

Āgametha! Āgametha! Xin quý vị hãy chờ! Xin quý vị hãy chờ!

Nghe ông cận-sự-nam Dhammika nói như vậy, chư tỳ-khưu hiểu lầm rằng:

“Ông cận-sự-nam Dhammika bảo chúng ta.”

Cho nên, chư tỳ-khưu mỗi vị đều ngừng lại, không tiếp tục tụng bài kinh Mahāsatipaṭṭhāna-sutta nữa.

Khi ấy, các người con của ông cận-sự-nam Dhammika nghĩ rằng:

“Từ trước cha của chúng ta là người không biết no đủ trong việc nghe pháp, nhưng mà bây giờ, thỉnh mời chư tỳ-khưu đang tụng bài kinh, cha lại truyền bảo chư tỳ-khưu ngừng tụng.”

Vì vậy, các người con của ông cận-sự-nam Dhammika khóc.

Nhóm chư tỳ-khưu bàn bạc với nhau rằng: “Bây giờ không hợp thời” nên chư tỳ-khưu xin rời khỏi tư gia, trở về ngôi chùa Jetavana.

Ông cận-sự-nam Dhammika qua một lát liền tỉnh lại hỏi các con rằng: Tại sao các con khóc như vậy?

Các con của ông cận-sự-nam thưa với cận-sự-nam rằng:

– Kính thưa cha, cha đã cho người đến ngôi chùa Jetavana, bạch với Đức-Phật, kính xin Đức-Phật cho phép chư tỳ-khưu đến nhà tụng kinh cho cha nghe. Trong khi chư tỳ-khưu đang tụng bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta, thì cha lại truyền bảo chư tỳ-khưu ngừng tụng. Đó là nguyên-nhân khiến cho các con khóc với nhau như vậy.

Csn: – Này các con! Chư tỳ-khưu, quý Ngài đi đâu cả rồi?

Con: – Kính thưa cha, chư tỳ-khưu, quý Ngài bàn bạc với nhau: “Bây giờ không hợp thời”, nên quý Ngài xin trở về ngôi chùa Jetavana.

Csn: – Này các con! Cha không phải truyền bảo với quý Ngài.

Con: – Kính thưa cha, nếu như vậy thì cha truyền bảo với ai vậy?

Csn: – Này các con! Có 6 chiếc xe trời lớn được trang hoàng lộng lẫy có ngàn con ngựa báu hiện xuống từ 6 cõi trời dục-giới. Vị thiên-nam đứng trên mỗi chiếc xe nói lời thỉnh mời cha rằng:

– Kính xin thỉnh mời ông cận-sự-nam Dham-mika lên chiếc xe. Kính xin ông hài lòng hoan hỷ hóa-sinh trên cõi trời của chúng tôi.

Cha không muốn làm gián đoạn lắng nghe bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta, nên cha truyền bảo các vị thiên-nam ấy rằng:

“Āgametha! Āgametha! Xin quý vị hãy chờ! Xin quý vị hãy chờ!”

Thật ra, cha chỉ truyền bảo các vị thiên-nam ấy mà thôi.

Con: – Kính thưa cha, sự-thật 6 chiếc xe trời ở đâu? Chúng con không ai thấy cả.

Csn: – Này các con! Vòng hoa dành cho cha có hay không?

Con: – Kính thưa cha, vòng hoa dành cho cha đã có sẵn.

Csn: – Này các con! Trong 6 cõi trời dục-giới, cõi trời nào đáng hài lòng hoan hỷ nhất? Con:- Kính thưa cha, trong 6 cõi trời dục-giới, cõi trời Tusitā (Đâu-suất-đà-thiên) là cõi trời dục-giới đáng hài lòng hoan hỷ nhất, bởi vì cõi trời này là nơi tạm nghỉ của chư Đức-Bồ-tát, của Phật-mẫu, nên đó là cõi trời đáng hài lòng hoan hỷ.

Csn: – Này các con! Nếu như vậy thì các con nguyện rằng:

“Xin cho vòng hoa này đeo trên chiếc xe đến từ cõi trời Tusitā.”

Sau khi các con nguyện xong, các con nên dồi vòng hoa ấy lên hư không.

Vâng theo lời dạy của ông cận-sự-nam Dhammika, các con của ông dồi vòng hoa ấy lên trên hư không, vòng hoa ấy tròng trên đầu chiếc xe đến từ cõi trời Tusitā.

Thật ra, mọi người chỉ nhìn thấy vòng hoa treo lơ lửng trên hư không mà thôi, mà không thể nhìn thấy chiếc xe trời được, bởi vì chiếc xe trời này thuộc về loại sắc vi-tế, nên mắt thường không thể nhìn thấy được.

Khi ấy, ông cận-sự-nam Dhammika khuyên bảo các con rằng:

– Này các con! Các con nhìn thấy vòng hoa treo lơ lửng trên hư không phải không?

– Kính thưa cha, chúng con đều nhìn thấy vòng hoa ấy như vậy.

– Này các con! Vòng hoa ấy thật sự đeo trên đầu chiếc xe đến từ cõi trời Tusitā. Sau khi cha chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh lên cõi trời Tusitā ấy.

– Này các con! Các con phải là người có giới-hạnh trong sạch, cố gắng tạo mọi phước-thiện như cha đã tạo.

Sau khi khuyên bảo các con xong, ông cận-sự-nam Dhammika chết, đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời Tusitā mà ông đã lựa chọn như ý.

Vị thiên-nam Dhammika có thân hình cao 3 gāvuta với đồ trang sức quý giá, có ngàn thiên-nữ hầu hạ, trong lâu đài nguy nga tráng lệ cao 25 do-tuần, hưởng mọi sư an-lạc trong cõi trời ấy.

Đức-Phật truyền hỏi nhóm tỳ-khưu từ nhà ông cận-sự-nam Dhammika trở về rằng:

– Này chư tỳ-khưu! Cận-sự-nam Dhammika đã nghe bài kinh xong rồi phải không?

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, cận-sự-nam Dham-mika đang nghe bài kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta chưa xong, thì cận-sự-nam truyền bảo rằng:

“Xin quý vị hãy chờ.”

Chúng con ngừng tụng bài kinh. Khi ấy, các con của cận-sự-nam khóc than. Chúng con bàn bạc với nhau rằng: “Bây giờ không hợp thời”, nên chúng con xin rời khỏi, trở về ngôi chùa.

– Này chư tỳ-khưu! Cận-sự-nam Dhammika không phải truyền bảo với các con đâu! Thật ra, chư-thiên trang hoàng 6 chiếc xe trời lộng lẫy hiện đến từ 6 cõi trời dục-giới. Vị thiên-nam đứng trên mỗi chiếc xe trời nói lời thỉnh mời cận-sự-nam Dhammika lên chiếc xe trời của mình, đưa về cõi trời của mình.

Cận-sự-nam Dhammika không muốn bị gián đoạn lắng nghe kinh Mahāsatipaṭṭhānasutta, nên cận-sự-nam truyền bảo các vị thiên-nam ấy như vậy.

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, sự thật là như vậy sao? Bạch Ngài.

– Này chư tỳ-khưu! Sự thật đúng là như vậy.

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, sau khi cận-sự-nam chết, nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới nào? Bạch Ngài.

– Này chư tỳ-khưu! Đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời Tusitā.

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, cận-sự-nam Dham-mika trong kiếp hiện-tại hưởng mọi sự an-lạc trong gia đình, thân quyến, bạn hữu, thuộc hạ. Sau khi chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời Tusitā, hưởng mọi an-lạc trong cõi trời dục-giới.

– Này chư tỳ-khưu! Đúng như vậy, bởi vì những người không dể duôi quên mình, có trí nhớ trí-tuệ biết mình, biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn dù là người cận-sự-nam, cận-sự-nữ sống tại gia, dù là bậc xuất-gia, cũng hưởng mọi sự an-lạc trong khắp mọi nơi.

Đức-Phật thuyết dạy câu kệ rằng:

“Idha modati pecca modati,

katapuñño ubhayattha modati.

So modati so pamodati,

disvā kammavisuddhimattano.”

– Này chư tỳ-khưu! Người đã tạo mọi phước-thiện, hưởng quả an-lạc trong kiếp hiện-tại, sau khi chết hưởng quả an-lạc trong kiếp vị-lai, hưởng quả an-lạc cả kiếp hiện-tại và vô số kiếp vị-lai.

Người đã tạo mọi phước-thiện ấy sau khi thấy phước-thiện của mình trong sạch thanh-tịnh, nên hài lòng hoan hỷ, càng hài lòng vô cùng hoan hỷ.

Tìm hiểu tích cận-sự-nam Dhammika

Cận-sự-nam Dhammika có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức Tăng-bảo, có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn, đã tạo mọi phước-thiện trong kiếp hiện-tại.

Cận-sự-nam Dhammika đến lúc lâm chung gần chết, trong thời gian phút giây cận-tử (maraṇāsannakāla), có nhiều lộ-trình-tâm phát sinh có đối-tượng gatinimitta đó là 6 chiếc xe trời được trang hoàng lộng lẫy, mỗi chiếc xe được kéo do 1.000 con ngựa báu do chư-thiên hóa ra, từ 6 cõi trời dục-giới hiện xuống, chiếc xe nào cũng mong muốn sau khi cận-sự-nam Dhammika chết, đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh trên cõi trời của mình, nên tha thiết thỉnh mời cận-sự-nam Dhammika lựa chọn chiếc xe của mình.

Sau khi cận-sự-nam Dhammika lựa chọn chiếc xe từ cõi trời Tusitā (Đâu-suất-đà-thiên) là cõi trời dục-giới thứ tư trong 6 cõi trời dục-giới, thì cận-tử lộ-trình-tâm (maraṇāsannavīthicitta) phát sinh có đối-tượng gatinimitta đó là chiếc xe từ cõi trời Tusitā (Đâu-suất-đà-thiên) có các tâm sinh rồi diệt tuần tự đến cuti đó là cuticitta: tử-tâm là quả-tâm cuối cùng của kiếp hiện-tại phát sinh 1 sát-na-tâm làm phận sự chuyển kiếp tử (chết) diệt kết thúc kiếp hiện-tại; liền tiếp theo sau không có thời gian khoảng cách paṭisandhi đó là paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm đó là đại-quả-tâm có đối-tượng gatinimitta kiếp hiện-tại, đó là chiếc xe từ cõi trời Tusitā phát sinh 1 sát-na-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam Dhammika trên cõi trời Tusitā (Đâu-suất-đà-thiên) rồi diệt; liền tiếp theo bhavaṅgacitta: hộ-kiếp-tâm cũng có đối-tượng gatinimitta đó là chiếc xe từ cõi trời Tusitā có phận sự hộ kiếp, bảo hộ, giữ gìn kiếp vị thiên-nam Dhammika ấy cho đến hết tuổi thọ tại cõi trời Tusitā có 4.000 năm cõi trời so với thời gian cõi người 576 triệu năm, bởi vì 1 ngày 1 đêm cõi trời này bằng 400 năm cõi người.

Người có giới-hạnh trong sạch trọn vẹn tự mình có khả năng lựa chọn cõi trời nào trong 6 cõi trời dục-giới để tái-sinh kiếp sau.

Thật vậy, trong Chú-giải bài kinh Sakkapañhā-sutta, có đoạn đề cập đến người có giới, người giữ gìn các điều-giới của mình được trong sạch trọn vẹn rằng:

“Parisuddhisīlā nāma chasu devalokesu yatthicchanti, tattha nibbattanti.”

Những người thiện nào giữ gìn các điều-giới của mình được trong sạch trọn vẹn, đến lúc lâm chung gần chết, có đại-thiện-tâm tỉnh táo sáng suốt muốn lựa chọn cõi trời dục-giới nào trong 6 cõi trời dục-giới, rồi sau khi người thiện ấy chết, đại-thiện-nghiệp giữ-giới ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới ấy đúng theo ý muốn của mình, hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời dục-giới, cho đến khi hết tuổi thọ tại cõi trời dục-giới ấy.

* Người tam-nhân (tihetukapuggala) là hành-giả nào biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, giữ gìn giới-hạnh của mình trong sạch làm nền tảng, làm nơi nương nhờ, thực-hành pháp-hành thiền-định, có khả năng dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm, giữ gìn duy trì cho đến lúc lâm chung gần chết.

Sau khi hành-giả ấy chết, chắc chắn sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm có quyền ưu tiên cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đệ ngũ thiền sắc-giới quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: sắc-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh gọi là Vehapphalā: Quảng-quả-thiên. Chư phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên có tuổi thọ 500 đại-kiếp trái đất.

Sắc-giới thiện-nghiệp trong 4 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm bậc thấp còn lại đều trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp (ahosikamma) không có cơ hội cho quả được nữa.

Tuy nhiên, hành-giả nào đã chứng đắc đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm, vốn có tâm nhàm chán 4 danh-uẩn (thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn) biết các đối-tượng, nên phát nguyện chỉ muốn có sắc-uẩn mà thôi.

Sau khi hành-giả ấy chết, do năng lực phát nguyện của hành-giả ấy, sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ ngũ sắc-giới thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có jīvitanavakakalāpa: nhóm sắc-pháp có sắc-mạng-chủ thứ 9 làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên gọi là Asaññasattā: Vô-tưởng-thiên. Chư phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên này chỉ có nhất uẩn là sắc-uẩn mà thôi, nghĩa là vị phạm-thiên chỉ có thân không có tâm, 1 trong 3 tư thế là tư thế ngồi hoặc tư thế nằm hoặc tư thế đứng, có tuổi thọ 500 đại-kiếp trái đất.

* Người tam-nhân (tihetukapuggala) là hành-giả nào biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, giữ gìn giới-hạnh của mình trong sạch làm nền tảng, làm nơi nương nhờ, thực-hành pháp-hành thiền-định, có khả năng dẫn đến chứng đắc 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và 4 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm, giữ gìn duy trì cho đến lúc lâm chung gần chết.

Sau khi hành-giả ấy chết, chắc chắn vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong đệ tứ thiền vô-sắc-giới thiện-tâm có quyền ưu tiên cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đệ tứ thiền vô-sắc-giới quả-tâm gọi là phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiền quả-tâm gọi là paṭisandhi-citta: vô-sắc-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh gọi là Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiên. Chư phạm-thiên trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên này có tuổi thọ 84.000 đại-kiếp trái đất.

Sắc-giới thiện-nghiệp trong 5 bậc thiền sắc-giới thiện-tâm và vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong 3 bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm bậc thấp còn lại đều trở thành vô-hiệu-quả-nghiệp (ahosi-kamma) không có cơ hội cho quả được nữa.

Đó là những trường-hợp sau khi hạng người tam-nhân (tihetukapuggala) trong cõi người chuyển kiếp tử (chết), có 19 quả-tâm gọi là paṭi-sandhicitta: tái-sinh-tâm và jīvitanavakakalāpa: nhóm sắc-pháp có sắc-mạng-chủ thứ 9 làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong 11 cõi dục-giới, 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên, 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên gồm có 31 cõi-giới chúng-sinh tùy theo năng lực của mỗi quả-tâm của hạng người tam-nhân (tihetukapuggala).

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app