Ba Giới Bốn Loài 

Ba giới đó là 3 cõi-giới chúng-sinh: 

1- Cõi dục-giới có 11 cõi-giới chúng-sinh. 

2- Cõi sắc-giới có 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên. 

3- Cõi vô-sắc-giới có 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên. 

Ba giới gồm có 31 cõi-giới chúng-sinh. 

I- Cõi dục-giới (kāmabhūmi) có 11 cõi-giới chia ra 2 loại: 

– Cõi ác-giới (duggatibhūmi) có 4 cõi-giới. 

– Cõi thiện dục-giới (kāmasugatibhūmi) có 7 cõi-giới. 

1- Cõi ác-giới (Duggatibhūmi) 

Cõi ác-giới có 4 cõi-giới là cõi địa-ngục, cõi a-su-ra, cõi ngạ-quỷ, loài súc-sinh. 

1.1- Nirayabhūmi: Cõi địa-ngục là nơi tạm trú của các loài chúng-sinh địa-ngục, có 2 loại: 

– Cõi đại-địa-ngục có 8 cõi lớn dành cho chúng-sinh cõi địa-ngục có ác-nghiệp nặng. 

– Cõi tiểu-địa-ngục gồm có 449 cõi nhỏ dành cho chúng-sinh cõi địa-ngục có ác-nghiệp nhẹ. 

. Tất cả chúng-sinh trong các cõi địa-ngục đều thuộc về loài chúng-sinh hóa-sinh chịu quả khổ của ác-nghiệp của mình, thường bị hành hạ, có tuổi thọ không nhất định. 

1.2- Asurabhūmi: Cõi a-su-ra không có cõi riêng biệt, loài a-su-ra có nhiều nhóm khác nhau đều thuộc về loài chúng-sinh hóa-sinh, có tuổi thọ không nhất định. 

1.3- Pettivisayabhūmi: Cõi ngạ-quỷ không có cõi riêng biệt, loài ngạ-quỷ thuộc về loài chúng-sinh hóa-sinh có rất nhiều loại đáng ghê sợ tạm trú rải rác trong mọi nơi rừng, núi, sông, suối, biển, nghĩa địa, xóm làng, v.v… chịu quả khổ của ác-nghiệp của mình, thường chịu cảnh đói khát, … có tuổi thọ không nhất định. 

1.4- Tiracchānabhūmi: Loài súc-sinh không có cõi riêng biệt, có nhiều loại súc-sinh nương nhờ trong cõi người, sinh sống rải rác mọi nơi trong rừng, núi, sông, biển, xóm làng, trong nhà, … 

– Các loài súc-sinh sinh từ bụng mẹ, như con trâu, con bò, … 

– Các loài súc-sinh sinh từ trứng trong bụng mẹ, rồi từ trứng nở ra con, như con gà, con vịt, … 

– Các loài súc-sinh sinh từ nơi ẩm thấp, như con giun, con cuốn chiếu, … 

Các loài súc-sinh có tuổi thọ không nhất định. 

Ác-nghiệp cho quả tái-sinh trong 4 cõi ác-giới 

Thật ra, ác-nghiệp trong 11 bất-thiện-tâm (trừ si-tâm hợp với phóng-tâm) cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp thuộc về bất-thiện-quả vô-nhân-tâm gọi là paṭi-sandhicitta: ác-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới. 

Bất-thiện-tâm có 12 tâm chia ra 3 loại tâm: 

* Tham-tâm có 8 tâm: 

1- Tham-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà-kiến, không cần tác-động. 

2- Tham-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà-kiến, cần tác-động. 

3- Tham-tâm thứ ba đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với tà-kiến, không cần tác-động. 

4- Tham-tâm thứ tư đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với tà-kiến, cần tác-động. 

5- Tham-tâm thứ năm đồng sinh với thọ xả, hợp với tà-kiến, không cần tác-động. 

6- Tham-tâm thứ sáu đồng sinh với thọ xả, hợp với tà-kiến, cần tác-động. 

7- Tham-tâm thứ bảy đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà-kiến, không cần tác-động. 

8- Tham-tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà-kiến, cần tác-động. 

* Sân-tâm có 2 tâm: 

1- Sân-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, không cần tác-động. 2- Sân-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, cần tác-động. 

* Si-tâm có 2 tâm: 

1- Si-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ xả, hợp với hoài-nghi. 

2- Si-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ xả, hợp với phóng-tâm. 

 * Suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả ấy gọi là ác-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới như thế nào? 

 – Nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong tham-tâm có nhiều năng lực làm phận sự tái-sinh kiếp sau thì hóa-sinh làm loài ngạ-quỷ hoặc loài a-su-ra thường có tham-tâm thèm khát, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới. 

– Nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong sân-tâm có nhiều năng lực làm phận sự tái-sinh kiếp sau thì hóa-sinh làm chúng-sinh trong cõi địa-ngục, thường bị thiêu đốt, hành hạ, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới. 

– Nếu suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp trong si-tâm có nhiều năng lực làm phận sự tái-sinh kiếp sau thì sinh làm loài súc-sinh có tính si-mê, cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới. 

2- Cõi thiện dục-giới (Kāmasugatibhūmi) 

Cõi thiện dục-giới có 7 cõi-giới: 

 – Manussabhūmi: Cõi người. 

 – Catumahārājikābhūmi: Cõi trời Tứ-đại-thiên-vương. 

 – Tavatiṃsābhūmi: Cõi trời Tam-thập-tam-thiên. 

 – Yamābhūmi: Cõi trời Dạ-ma-thiên. 

 – Tusitābhūmi: Cõi trời Đâu-suất-đà-thiên. 

 – Nimmānaratibhūmi: Cõi trời Hóa-lạc-thiên. 

 – Paranimmitavasavattibhūmi: Cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên. 

2.1- Manussabhūmi: Cõi người 

Manussabhūmi: Cõi người là nơi sinh sống của loài người (manussa). 

Loài người (manussa) trong 4 châu lớn (dīpa): 

– Uttarakurudīpa: Bắc-cưu-lưu-châu. 

– Pubbavidehadīpa: Đông-thắng-thần-châu. 

– Aparagoyānadīpa: Tây-ngưu-hóa-châu. 

– Jambūdīpa: Nam-thiện-bộ-châu. 

Bốn châu này nằm ở 4 hướng của núi Sineru. 

– Uttarakurudīpa: Bắc-cưu-lưu-châu nằm ở hướng Bắc của núi Sineru. Loài người ở Uttara-kurudīpa này có 3 đức tính là: 

– Không chấp thủ của cải tài-sản là của mình. 

– Không chấp thủ con trai, con gái, vợ, chồng là của mình. 

– Có tuổi thọ đúng 1.000 năm. 

Loài người ở Uttarakurudīpa này có ngũ-giới là thường-giới, sau khi hết tuổi thọ chết, chắc chắn dục-giới thiện-nghiệp (đại-thiện-nghiệp) cho quả tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới. 

Sau khi vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ chết, nghiệp nào cho quả tái-sinh kiếp sau trong cõi nào tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ ấy. 

– Pubbavidehadīpa: Đông-thắng-thần-châu nằm ở hướng Đông của núi Sineru. Loài người ở pubbavidehadīpa này có tuổi thọ 700 năm. 

– Aparagoyānadīpa: Tây-ngưu-hóa-châu nằm ở hướng Tây của núi Sineru. Loài người ở apara-goyānadīpa này có tuổi thọ 500 năm. 

– Jambūdīpa: Nam-thiện-bộ-châu nằm ở hướng Nam của núi Sineru là trái đất mà chúng ta đang sống, con người ở cõi Jambūdīpa của chúng ta có tuổi thọ không nhất định, tùy theo thời-kỳ thiện-pháp tăng trưởng hoặc ác-pháp tăng trưởng. 

– Nếu thời-kỳ nào loài người ở Jambūdīpa có thân-hành-thiện, khẩu-hành-thiện, ý-hành-thiện, mọi thiện-pháp tăng trưởng, thì thời-kỳ ấy tuổi thọ của loài người tăng lên đến tột đỉnh a-tăng-kỳ năm. 

– Nếu thời-kỳ nào loài người ở Jambūdīpa có thân-hành-ác, khẩu-hành-ác, ý-hành-ác, mọi ác-pháp tăng trưởng thì thời-kỳ ấy tuổi thọ của loài người giảm xuống đến tột cùng chỉ còn 10 năm. 

Tuổi thọ của loài người trong 4 châu dựa theo bộ Chú-giải Samyuttanikāyaṭṭhakathā rằng: 

“Jambūdīpavāsinaṃ āyuppamāṇam natthi, Pubbavidehānaṃ sattavassasatāyukā, Apara-goyānavāsīnaṃ pañcavassasatāyukā, Uttara-kuruvāsīnaṃ vassasahassāyukā. Tesaṃ tesaṃ parittadīpavāsīmampi tadanugatikāva.” 

Loài người sống trong Bắc-cưu-lưu-châu có tuổi thọ 1.000 năm, loài người sống trong Tây-ngưu-hóa-châu có tuổi thọ 500 năm, loài người sống trong Đông-thắng-thần-châu có tuổi thọ 700 năm, loài người sống trong Nam-thiện-bộ-châu có tuổi thọ không nhất định. 

Loài người (manussa) trong châu này đề cập trực-tiếp đến cõi Nam-thiện-bộ-châu, còn 3 châu khác chỉ là gián-tiếp mà thôi. 

2.2- Cātumahārājikābhūmi: Cõi trời Tứ-đại-thiên-vương 

Cõi trời Tứ-đại-thiên-vương là cõi thứ nhất trong 6 cõi trời dục-giới có vị trí từ khoảng giữa núi Sineru ngang bằng đỉnh núi Yugandhara xuống đến mặt đất tiếp xúc cõi người. 

Cõi trời này có 4 Đức-thiên-vương trị vì tất cả chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ trong cõi trời này, nên gọi cātumahārājikābhūmi: cõi trời tứ-đại-thiên-vương có 4 Đức-thiên-vương trị vì: 

– Đức-thiên-vương Dhataraṭṭha trụ ở hướng Đông của núi Sineru trị vì nhóm chư-thiên Gandhabba. 

– Đức-thiên-vương Viruḷhaka trụ ở hướng Nam của núi Sineru trị vì nhóm chư-thiên Kumbhaṇḍa. 

– Đức-thiên-vương Virūpakkha trụ ở hướng Tây của núi Sineru trị vì nhóm chư-thiên Nāga. 

– Đức-thiên-vương Kuvera hoặc Vessavaṇa trụ ở hướng Bắc của núi Sineru trị vì nhóm chư-thiên Yakkha. 

Tất cả chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ trong cõi trời Tứ-đại-thiên-vương đều là thuộc hạ của 4 Đức-thiên-vương, có nhiều nhóm: 

– Pabbataṭṭhadevatā: Chư-thiên trú ở núi. 

– Ākāsaṭṭhadevatā: Chư-thiên ở trên hư không. 

– Khiḍḍāpadosikadevatā: Chư-thiên ham chơi rồi chết vì quên ăn. 

– Manopadosikadevatā: Chư-thiên chết vì sân. 

– Sītavalāhakadevatā: Chư-thiên làm khí lạnh. 

– Uṇhavalāhakadevatā: Chư-thiên làm khí nóng. 

– Candimādevaputtadevatā: Chư-thiên ở trên mặt trăng. 

– Suriyadevaputtadevatā: Chư-thiên ở trên mặt trời… 

Chư-thiên cõi trời Tứ-đại-thiên-vương nương nhờ 3 nơi gọi là: 

– Bhummaṭṭhadevatā: Chư-thiên nương nhờ ở trên mặt đất. 

– Rukkhadevatā: Chư-thiên nương nhờ ở trên cây. 

– Ākāsaṭṭhadevatā: Chư-thiên nương nhờ ở trên hư-không. 

* Bhummaṭṭhadevatā chư-thiên nương nhờ ở trên mặt đất như thế nào? 

Chư-thiên là chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ nương nhờ ở trên mặt đất như núi, sông, biển, xung quanh chùa, ngôi tháp, cội đại Bồ-đề, nhà nghỉ mát, nhà ở, v.v… nếu chư-thiên nương nhờ ở nơi nào thì nơi ấy là chỗ ở của mình. 

* Rukkhadevatā chư-thiên nương nhờ ở trên cây như thế nào? 

Chư-thiên nương nhờ ở trên cây có 2 nhóm: 

– Nhóm chư-thiên có lâu đài đặt trên ngọn cây. 

– Nhóm chư-thiên có lâu đài đặt trên các cành cây xung quanh. 

* Ākāsaṭṭhadevatā chư-thiên nương nhờ ở trên hư-không như thế nào? 

Chư-thiên là chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ nương nhờ ở trên hư-không, lâu đài lớn hoặc nhỏ của mỗi vị phát sinh bằng 7 loại báu do năng lực quả-báu của đại-thiện-nghiệp của mỗi vị thiên-nam, vị thiên-nữ. 

Tuy nhiên, có những lâu đài phát sinh bằng 6 loại báu, hoặc 5 loại báu, thậm chí chỉ có 1 hoặc 2 loại báu, tất cả lâu đài ấy đều phát sinh do năng lực quả-báu của đại-thiện-nghiệp của mỗi vị thiên-nam, vị thiên-nữ. 

4 Đức-thiên-vương mỗi vị có mỗi lâu đài to lớn bằng thất báu nguy nga lộng lẫy. 

Tứ-đại-thiên-vương là 4 Đức-vua-trời hộ trì cõi người, nên gọi là Catulokapāla. 

Chư-thiên ác cõi Tứ-đại-thiên-vương 

Chư-thiên ác cõi Tứ-đại-thiên-vương có 4 nhóm: 

– Yakkha, yakkhī là nam dạ-xoa, nữ dạ-xoa. 

– Gandhabba, gandhabbī là nam gandhabba, nữ gandhabbī. 

– Kumbhaṇḍa, kumbhaṇḍī là nam kumbhaṇḍa, nữ kumbhaṇḍī. 

– Nāga, nāgī là long-nam, long-nữ. 

1- Yakkhadevatā: Chư-thiên yakkha (dạ-xoa) có 2 nhóm: 

– Yakkhadevatā là loài dạ-xoa có thân hình xinh đẹp có hào quang như chư-thiên. 

– Yakkhatiracchāna là loài dạ-xoa có thân hình xấu xí không có hào quang như loài súc-sinh. 

Chư-thiên yakkha này nếu khi phát sinh ác-tâm muốn hành hạ chúng-sinh địa-ngục thì hóa ra chúa địa-ngục hiện xuống cõi địa-ngục, hành hạ chúng-sinh địa-ngục, nếu muốn ăn thịt chúng-sinh địa-ngục thì hóa ra con kên kên, con quạ, con chó bắt chúng-sinh địa-ngục để ăn thịt. 

Yakkha (dạ-xoa) thích ăn xác chết. 

Nhóm yakkha (nam dạ-xoa), yakkhī (nữ dạ-xoa) này ở trong sự cai quản của Đức-vua-trời Kuvera hoặc Vessavaṇa. 

2- Gandhabbadevatā (Chư-thiên gandhabba) có 2 nhóm: 

– Nhóm chư-thiên gandhabba nương nhờ sinh trên cây có mùi thơm, rồi vĩnh viễn trú tại nơi cây ấy mãi mãi, dù cho cây ấy bị ngã hoặc bị chết vẫn không dời sang cây khác. Nếu người nào chặt cây ấy đem về làm nhà, đóng tủ, bàn ghế, v.v… làm bất cứ dụng cụ nào thì vị chư-thiên gandhabba ấy vẫn đi theo nương nhờ nơi vật dụng ấy. 

Vì vậy, đôi khi chư-thiên gandhabba ấy hiện hình ra để chủ nhân nhìn thấy; đôi khi chư-thiên gandhabba ấy không hài lòng làm quấy nhiễu trong gia đình với nhiều cách như làm cho người trong nhà bị bệnh hoạn ốm đau, làm cho của cải tài-sản hư hao không rõ nguyên-nhân, v.v… 

Chư-thiên gandhabba có tính chất khác với vị chư-thiên rukkhadevatā là vị chư-thiên cũng nương nhờ sinh trên cây, nhưng khi cây ấy chết hoặc bị người ta chặt cây ấy, vị chư-thiên rukkha-devatā sẽ dời sang nương nhờ nơi cây khác. 

– Nhóm chư-thiên gandhabba nương nhờ nơi thân người, người ta thường gọi là người bị phi nhân nhập, hoặc người có người âm nhập. 

Người nào khi bị chư-thiên gandhabba nhập vào rồi, người ấy không còn tự chủ nữa, không biết mình, cho đến khi chư-thiên gandhabba xuất ra, thì người ấy mới trở lại bình thường như trước. 

Chư thiên nam gandhabba, nữ gandhabbī này ở trong sự cai quản của Đức-vua-trời Dhataraṭṭha. 

3- Kumbhaṇḍadevatā (chư-thiên kumbhaṇḍa) có thân hình to lớn, mắt lồi màu đỏ, có 2 nhóm: 

– Nhóm chư-thiên kumbhaṇḍa ở trong cõi người có phận sự giữ gìn các kho báu, những viên ngọc quý báu, ngọc maṇi trên núi cao, ngôi bảo tháp, rừng rậm, cây cao to lớn, hồ nước lớn tự nhiên, các con sông sâu, v.v… những nơi nào mà Đức-thiên-vương truyền lệnh cho vị chư-thiên kumbhaṇḍa nào có phận sự giữ gìn, nếu người nào xâm nhập vào nơi ấy thì vị chư-thiên kumbhaṇḍa ấy trừng phạt người ấy. 

– Nhóm chư-thiên kumbhaṇḍa ở trong cõi địa-ngục, làm phận sự chúa địa-ngục, chư-thiên kumbhaṇḍa hóa ra kên kên kumbhaṇḍa, quạ kumbhaṇḍa, chó kumbhaṇḍa hành hạ chúng-sinh địa-ngục, hoặc bắt chúng-sinh địa-ngục để ăn thịt. 

– Nhóm chư-thiên nam kumbhaṇḍa, nữ kum-bhaṇḍī này ở trong sự cai quản của Đức-vua trời Viruḷhaka. 

4- Nāgadevatā (chư-thiên nāga: long) ở dưới mặt đất và ở dưới núi gọi là paṭhavīdevatā. 

Nāgadevatā có phép biến hóa do quả của nghiệp (vipāka-iddhi) có khả năng hóa ra thành người, chư-thiên, con cọp, sư tử, v.v… Nāga-devatā phát sinh ác-tâm thích hành hạ chúng-sinh địa-ngục giống như yakkhadevatā, kumbhaṇḍadevatā. 

Nhóm chư-thiên nam nāga (long nam), nữ nāgī (long nữ) này ở trong sự cai quản của Đức-vua-trời Virūpakkha. 

4 nhóm chư-thiên có ác-tâm hung dữ trong cõi Tứ-đại-thiên-vương này không những thích hành hạ các chúng-sinh khác, mà còn hành hạ đồng loại với nhau nữa. 

Vì vậy, mỗi Đức-thiên-vương cai quản, trừng phạt mỗi nhóm. 

Tóm lại chư-thiên trong cõi Tứ-đại-thiên-vương có nhiều nhóm, có nhóm chư-thiên thiện, có nhóm chư-thiên ác, có nhóm chư-thiên chánh-kiến, có nhóm chư-thiên tà-kiến, có nhóm có đức-tin nơi Tam-bảo, có nhóm không có đức-tin nơi Tam-bảo, có nhóm hộ trì loài người, có nhóm quấy nhiễu loài người, v.v… 

* Chư-thiên trong cõi Tứ-đại-thiên-vương có tuổi thọ 500 năm cõi trời, so với thời gian cõi người 9 triệu năm, bởi vì 1 ngày và 1 đêm bằng 50 năm cõi người. 

2.3- Tāvatiṃsābhūmi: Cõi trời Tam-thập-tam-thiên 

Cõi trời Tam-thập-tam-thiên là cõi trời thứ nhì trong 6 cõi trời dục-giới, có vị trí nằm trên đỉnh núi Sineru. 

Cõi trời Tam-thập-tam-thiên này có sự tích được tóm lược như sau: 

Trong thời quá-khứ, một xóm nhà Macalagāma, có nhóm người sahapuññakārī (nhóm cùng tạo phước-thiện với nhau) gồm có 33 người đàn ông, người đứng đầu tên là Māghamānava. 

Nhóm 33 người này cùng nhau làm vệ sinh xung quanh xóm làng, các đường sá, các ngõ hẻm đều sạch sẽ, để thuận tiện cho mọi người qua lại. Trên các con đường, rải rác làm chỗ đặt nồi nước sạch để cho mọi người qua lại uống nước, xây dựng trại nghỉ chân dọc đường để cho những người qua lại có chỗ nghỉ chân. 

Nhóm 33 người này đồng tâm nhất trí với nhau tạo mọi phước-thiện, cho nên sau khi nhóm 33 người này chết, dục-giới thiện-nghiệp (đại-thiện-nghiệp) ấy cho quả tái-sinh kiếp sau làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới thứ nhì, tiền-kiếp của Māghamānava trở thành Đức-vua-trời Inda hoặc Đức-vua-trời Sakka và tiền-kiếp của 32 người bạn thân trở thành 32 vị chư-thiên bậc cao trên cõi trời dục-giới thứ nhì. 

Vì vậy, cõi trời dục-giới thứ nhì gọi là Tāvatiṃsābhūmi: cõi trời Tam-thập-tam-thiên (cõi trời 33 vị chư-thiên). 

Vấn: Ngoài cõi tam-giới gồm có 31 cõi-giới này ra, còn các cõi tam-giới khác, cõi trời dục-giới thứ nhì có tên gọi là cõi trời Tam-thập-tam-thiên hay không? 

Đáp: Các cõi tam-giới gồm có 31 cõi-giới khác, cõi trời dục-giới thứ nhì cũng bắt chước tên gọi là cõi trời Tam-thập-tam-thiên. 

Vị trí của 6 cõi trời dục-giới 

1- Cõi trời Tứ-đại-thiên-vương nằm vị trí ở khoảng giữa núi Sineru, cách mặt đất loài người khoảng 42.000 do-tuần (yojana). 

2- Cõi trời Tam-thập-tam-thiên nằm vị trí ở trên đỉnh núi Sineru, cách cõi trời Tứ-đại-thiên-vương khoảng 42.000 do-tuần (yojana). 

3- Cõi trời Dạ-ma-thiên nằm ở trên hư không cao cách cõi trời Tam-thập-tam-thiên khoảng 42.000 do-tuần (yojana). 

4- Cõi trời Đâu-suất-đà-thiên nằm ở trên hư không cao cách cõi trời Dạ-ma-thiên khoảng 42.000 do-tuần (yojana). 

5- Cõi trời Hóa-lạc-thiên nằm ở trên hư khôngcao cách cõi trời Đâu-suất-đà-thiên khoảng 42.000 do-tuần (yojana). 

6- Cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên nằm ở trên hư không cao cách cõi trời Hóa-lạc-thiên khoảng 42.000 do-tuần (yojana). 

Cõi trời Tam-thập-tam-thiên nằm vị trí ở trên đỉnh núi Sineru có bề mặt diện tích hình vuông mỗi cạnh khoảng 42.000 do-tuần (yojana), ngay trung tâm có kinh-thành Sudassana bề rộng mỗi cạnh 10.000 do-tuần, tất cả mặt bằng trên đỉnh núi Sineru được thành-tựu bằng thất báu. 

 Toàn thể chư-thiên trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên có 2 nhóm: Nhóm bhummaṭṭhadevatā và nhóm ākāsaṭṭhadevatā. 

– Nhóm bhummaṭṭhadevatā có Đức-vua-trời Inda (Sakka) và 32 vị thiên-nam cao quý cùng với nhóm chư-thiên thuộc hạ và 5 nhóm chư thiên a-su-ra trú ngụ dưới núi Sineru cũng ở trong nhóm lớn bhummaṭṭhadevatā. 

– Nhóm ākāsaṭṭhadevatā có những lâu đài nổi trong hư không phía trên đỉnh núi Sineru. 

Trung tâm kinh-thành Sudassana có đại lâu đài Vejayanta là nơi ngự của Đức-vua-trời Sakka. 

– Hướng Đông của kinh-thành Sudassana có khu vườn Nandavana rộng 1.000 do-tuần, trong vườn có 2 hồ nước: hồ lớn Mahānanda và hồ Cūḷananda, xung quanh hồ nước lát đá quý, để ngồi nghỉ ngơi. 

Hướng Tây của kinh-thành Sudassana có khu vườn Cittaladā rộng 500 do-tuần, có 2 hồ nước: hồ lớn Vicitta và hồ Cūḷacitta. 

– Hướng Bắc của kinh-thành Sudassana có khu vườn Missakavana rộng 500 do-tuần, có 2 hồ nước: hồ Dhammā và hồ Sudhammā. 

– Hướng Nam của kinh-thành Sudassana có khu vườn Phārusakavana rộng 700 do-tuần, có 2 hồ nước: hồ Bhaddā và hồ Subhaddā. 

Khu vườn 4 hướng này là nơi du ngoạn tiêu khiển của chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên. 

– Hướng Đông Bắc của kinh-thành Sudassana có 2 khu vườn: khu vườn Puṇḍarika không rõ bề rộng và khu vườn Mahāvana rộng 700 do-tuần. 

Cūḷāmaṇi Cetiya Và Sudhammasabhā 

– Khu vườn Puṇḍarika có cây pārichatta hoặc parijāta cao 100 do-tuần có cành vươn rộng ra 50 do-tuần, khi đến mùa trổ hoa có mùi thơm tỏa ra xa 100 do-tuần. 

Phía dưới tàng cây pārichatta có tấm đá quý làm chỗ ngồi gọi là Paṇḍukambalasilā bề ngang 50 do-tuần, bề dọc 60 do-tuần, bề dày 15 do-tuần có màu đỏ hồng như màu hoa. 

– Ngôi bảo tháp Cūḷāmaṇicetiya nơi tôn thờ Xá-lợi Răng nhọn bên phải của Đức-Phật 

Gotama và nắm tóc của Đức-Bồ-tát Siddhattha. Khi Đức-Bồ-tát đi xuất gia, cắt tóc ném lên hư không, khi ấy, Đức-vua-trời Sakka hiện xuống, hứng đón nhận nắm tóc, đem về tôn thờ trên ngôi bảo tháp Cūḷāmaṇi này. 

– Hội-trường Sudhammasabhā là nơi mà tất cả chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ tụ hội nghe pháp hoặc đàm đạo pháp tại cõi trời Tam-thập-tam-thiên. 

– Khu vườn Mahāvana có hồ nước rộng tên gọi là Sunandā và có lâu đài nguy nga tráng lệ là nơi du ngoạn tiêu khiển của Đức-vua-trời Sakka. 

Tính chất cõi trời Tam-thập-tam-thiên 

Chư-thiên là chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên có những tính chất đặc biệt như sau: 

– Nếu là vị thiên-nam thì có thân hình dáng dấp trẻ trung trong độ tuổi 20, và nếu là vị thiên-nữ thì có thân hình trẻ đẹp trong độ tuổi 16. Tất cả mọi thiên-nam, mọi thiên-nữ vẫn duy trì độ tuổi ấy cho đến khi hết tuổi thọ 1.000 năm tuổi trời, so với thời gian trong cõi người là 36 triệu năm, bởi vì 1 ngày 1 đêm trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên bằng 100 năm trong cõi người. 

Tất cả mọi thiên-nam, mọi thiên-nữ trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên không có già, bệnh, tóc bạc, răng rụng, da nhăn, v.v… vẫn duy trì sự trẻ trung, xinh đẹp cho đến hết tuổi thọ (chết) biến mất không có thi thể. 

– Vật thực, nước uống của tất cả mọi thiên-nam, mọi thiên-nữ là vô cùng vi-tế, cho nên trong thân thể không có thải ra các chất cặn bã, nghĩa là không có tiểu tiện, đại tiện. Các thiên-nữ không có kinh nguyệt, không có thai, bởi vì vị thiên-nam, vị thiên-nữ trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên đều hóa sinh. 

Theo lệ thường, chư-thiên trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên này: 

– Nếu vị thiên-nam, vị thiên-nữ là con thì hóa-sinh tại nơi vế của vị chư-thiên. 

– Nếu vị thiên-nữ là vợ thì hóa-sinh tại chỗ nằm của vị thiên-nam. Mỗi vị thiên-nam có 500, 700, 1.000, v.v… vị thiên-nữ làm vợ. 

– Nếu vị thiên-nam, vị thiên-nữ là vị hầu hạ thì hóa-sinh xung quanh chỗ nằm của vị chư-thiên ấy. 

– Nếu vị thiên-nam, vị thiên-nữ là vị giúp công việc thì hóa-sinh trong lâu đài, hoặc trong phạm vi lâu đài của vị chư-thiên ấy. 

– Nếu vị thiên-nam, vị thiên-nữ hóa-sinh ở bên ngoài khoảng giữa 2 lâu đài của 2 vị thiên-nam, nếu có sự tranh chấp giữa 2 vị thiên-nam muốn vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ ấy là thuộc hạ của mình thì dẫn nhau đến hầu Đức-vua-trời Sakka phán xét. 

Đức-vua-trời phán xét rằng: 

“Nếu vị thiên-nam, hoặc vị thiên-nữ nào xuất hiện gần với lâu đài của vị chư-thiên nào thì vị thiên-nam, hoặc vị thiên-nữ thuộc về vị chư-thiên ấy.” 

“Vị thiên-nam, hoặc vị thiên-nữ nào xuất hiện ngay khoảng giữa 2 lâu đài của 2 vị chư-thiên-nam, nếu vị thiên-nam, hoặc vị thiên-nữ nhìn về hướng lâu đài của vị chư-thiên nào thì thuộc về vị chư-thiên ấy.” 

 “Vị thiên-nam, hoặc vị thiên-nữ nào xuất hiện ngay chính khoảng giữa 2 lâu đài của 2 vị chư-thiên, nếu vị thiên-nam, hoặc vị thiên-nữ nhìn thẳng, không hướng về lâu đài của vị chư-thiên nào thì vị thiên-nam, vị thiên-nữ ấy thuộc về của Đức-vua-trời Sakka.” 

Các vị thiên-nam, các vị thiên-nữ trên cõi trời Tam-thập-tam-thiên có hào quang tỏa ra rộng lớn khác nhau, có những đồ trang sức các loại châu báu quý giá khác nhau, có lâu đài to lớn nguy nga tráng lệ khác nhau, có thân hình xinh đẹp khác nhau, v.v… tiếp xúc với các đối-tượng tốt đáng hài lòng khác nhau, đó là do quả báu của các phước-thiện khác nhau, khác với loài người có thân hình ô-trọc. 

Cho nên, nếu tiếp xúc với mùi của loài người thì dù cách xa 100 do-tuần chư-thiên vẫn không thể chịu đựng nổi. 

 Cõi trời Tam-thập-tam-thiên có toàn những đối-tượng tốt thật vô cùng hoan hỷ mà đối-tượng trong cõi người không sao sánh được, nhất là khu vườn Nandavana là nơi hoan hỷ bậc nhất trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên. 

Thật vậy, vị thiên-nam, vị thiên-nữ nào có nỗi khổ tâm vì lo sợ chết, nếu vị thiên-nam, vị thiên-nữ ấy đi đến du ngoạn tiêu khiển trong khu vườn Nandavana thì cảm nhận vô cùng hoan hỷ, nên không còn khổ tâm nữa. 

Đức-vua-trời Sakka 

Đức-vua-trời Sakka là Đức-vua cao cả nhất trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên và cõi trời Tứ-đại-thiên-vương. Đức-vua-trời Sakka ngự tại lâu đài bằng vàng gọi là Vejayanta trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên. Lâu đài Vejayanta cao 1.000 do-tuần có những cây cột cờ cao 300 do-tuần cẩn bằng thất báu cắm xung quanh lâu đài. 

* Đức-vua-trời Sakka có chiếc xe cũng có tên Vejayanta, phía trước xe là chỗ ngồi của vị thiên-nam lái xe Mātali dài 50 do-tuần, phần giữa xe là chỗ ngồi của Đức-vua-trời Sakka dài 50 do-tuần, phía sau xe dài 50 do-tuần, chiếc xe Vejayanta gồm có chiều dài 150 do-tuần, bề rộng 50 do-tuần. Chiếc ngai của Đức-vua-trời Sakka trên chiếc xe thành-tựu bằng thất báu có chiều cao 1 do-tuần, bề rộng 1 do-tuần, phía trên có chiếc lọng lớn 3 do-tuần, có 1.000 con ngựa báu trang hoàng những đồ trang sức quý giá để kéo chiếc xe Vejayanta (1.000 con ngựa báu không phải là loài súc-sinh mà chính là vị thiên-nam trên cõi trời biến hóa ra con ngựa báu). 

* Nếu khi Đức-vua-trời Sakka muốn cỡi voi thì có con voi báu Erāvaṇa to lớn 150 do-tuần được trang hoàng lộng lẫy, voi báu Erāvaṇa này không phải là loài súc-sinh mà chính là vị thiên-nam biến hóa ra voi báu, … Để trở thành Đức-vua-trời Sakka cần phải thực-hành 7 pháp: 

1- Nuôi dưỡng cha mẹ một cách cung kính và chu đáo. 

2- Tôn kính bậc trưởng lão trong dòng họ và người trong đời. 

3- Nói năng dịu dàng lễ phép đối với mọi người. 

4- Không nói lời chia rẽ mà nói lời hòa thuận. 

5- Không có tính keo kiệt trong của cải tài sản 

của mình mà hoan hỷ tạo phước-thiện bố-thí. 

6- Có tính chân thật với mình và mọi người. 

7- Chế ngự được tính sân hận. 

Cõi trời Tam-thập-tam-thiên 

Cõi trời Tam-thập-tam-thiên có kinh-thành Sudassana, 4 khu vườn giải trí công cộng, đặc biệt có 2 khu vườn Puṇḍarika và Mahāvana. 

– Khu vườn Mahāvana là nơi mà Đức-vua-trời Sakka đến du lãm giải trí. 

– Khu vườn Puṇḍarika là nơi đặc biệt quan trọng hơn các nơi khác, bởi vì có ngôi bảo-tháp Cūḷāmaṇicetiya, nơi tôn thờ Xá-lợi của Đức-Phật Gotama, có tảng đá Paṇḍukambalasilā dưới tàng cây Parichatta mà Đức-Phật Gotama đã từng ngự đến ngồi thuyết Abhidhamma-piṭaka: Tạng Vi-Diệu-Pháp gồm có 7 bộ, trong mùa hạ thứ 7 của Đức-Phật tại cung trời Tam-thập-tam-thiên và hội-trường Sudhammasabhā là nơi mà tất cả chư-thiên tụ hội nghe pháp hoặc đàm đạo pháp. 

Hội-Trường Sudhammasabhā 

Hội-trường Sudhammasabhā nằm gần cây Parichatta. Cây Parichatta mỗi năm trổ hoa một lần, khi đến thời-kỳ trổ hoa, lá cây trở thành màu vàng, nhìn thấy lá màu vàng như vậy, chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ vui mừng hoan hỷ sẽ được nhìn thấy hoa parichatta. Đến khi gần trổ hoa, tất cả lá vàng đều rụng cả, tiếp theo toàn cây parichatta trổ hoa màu đỏ tỏa ra ánh sáng xung quanh 500 do-tuần, mùi thơm của hoa theo chiều gió 100 do-tuần. 

Hội-trường Sudhammasabhā là nơi mà các vị thiên-nam, vị thiên-nữ hoan hỷ tụ hội lắng nghe pháp hoặc đàm đạo pháp có Đức-vua-trời Sakka chủ trì. 

Hội-trường Sudhammasabhā được thành-tựu bằng thất báu, có chiều cao 500 do-tuần, rộng 300 do-tuần, nền lát bằng ngọc quý, cột bằng vàng, v.v… tất cả đều thành-tựu bằng 7 thứ báu. 

Bên trong hội trường, phía trên ngay ở giữa có một pháp-tòa thành tựu bằng thất báu quý giá cao 3 do-tuần, để vị Pháp sư ngồi thuyết pháp. 

Phía dưới có chỗ ngồi của Đức-vua-trời Sakka, kế tiếp 32 chỗ ngồi của 32 vị thiên-nam cấp cao quý và tiếp theo các vị thiên-nam, vị thiên-nữ theo thứ tự từ cao đến thấp. 

Khi đến thời-kỳ nghe pháp tại hội trường Sudhammasabhā, Đức-vua-trời Sakka thổi tù-và bằng vỏ ốc gọi là vijayuttara dài 140 cùi tay, tiếng tù-và vang xa trong kinh-thành Sudassana, ngoài kinh-thành, và thổi tù-và chỉ một lần, âm thanh kéo dài lâu 4 tháng của cõi người. 

Tất cả vị thiên-nam, vị thiên-nữ ở trong cõi trời Tam-thập-tam-thiên này nghe tiếng tù-và báo hiệu, tất cả vị thiên-nam, vị thiên-nữ khắp mọi nơi đều đến hội-trường Sudhammasabhā. 

Đức-vua-trời Sakka ra khỏi lâu đài Vejayanta cùng với 4 Chánh-cung hoàng-hậu là Nandā, Cittā, Sudhammā, Sujā lên voi báu Eravaṇa dẫn đầu tất cả vị thiên-nam, vị thiên-nữ ngự đến hội-trường Sudhammasabhā. 

Pháp-sư là vị phạm-thiên Sunaṅkumāra từ cõi phạm-thiên hiện xuống thuyết-pháp, nếu khi vị phạm-thiên không hiện xuống thì Đức-vua-trời Sakka sẽ thay thế thuyết-pháp hoặc vị thiên nam nào có trí-tuệ sáng suốt hiểu biết chánh-pháp có khả năng cũng thuyết-pháp được. 

Đức-vua-trời Sakka trở thành bậc Thánh Nhập-lưu 

Một thuở nọ Đức-Thế-Tôn ngự tại động núi Veriyaka, miền bắc của xóm làng Ambasaṇḍa, hướng Bắc của kinh-thành Rājagaha. Khi ấy, Đức-vua-trời Sakka thấy 5 hiện tượng gần chết của chư-thiên, nên phát sinh tâm sợ chết, Đức-vua-trời Sakka ngự xuống cõi người cùng với vị thiên-nam Pañcasikha đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, bạch hỏi 14 câu hỏi. 

Đức-Thế-Tôn truyền dạy giải đáp xong 14 câu hỏi . Khi ấy, Đức-vua-trời Sakka chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Nhập-lưu-Thánh-đạo, Nhập-lưu-Thánh-quả, Niết-bàn, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu. Ngay tại nơi ấy, Đức-vua-trời Sakka chuyển kiếp (cuti: chết), rồi hóa-sinh kiếp sau (paṭisandhi) trở lại làm Đức-vua-trời Sakka (kiếp mới). 

Đức-vua-trời Sakka thành kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, xin phép hồi cung trở về cõi trời Tam-thập-tam-thiên. 

Kiếp vị-lai của Đức-vua-trời Sakka 

 Trong thời vị-lai, khi Đức-vua-trời Sakka hết tuổi thọ ở cõi trời Tam-thập-tam-thiên sẽ chuyển kiếp (cuti: chết), rồi tái-sinh kiếp sau (paṭisandhi) xuống làm người trong cõi người, sẽ trở thành Đức-vua chuyển-luân-thánh-vương, sẽ trở thành bậc Thánh Nhất-lai tại cõi người. 

– Khi Đức-vua chuyển-luân-thánh-vương hết tuổi thọ tại cõi người sẽ chuyển kiếp (cuti: chết), rồi hóa-sinh kiếp sau (paṭisandhi) lên cõi trời Tam-thập-tam-thiên, làm vị thiên-nam, rồi sẽ trở thành bậc Thánh Bất-lai chứng đắc đến đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-tâm, sau đó sẽ chuyển kiếp (cuti: chết), đệ ngũ thiền sắc-giới thiện-nghiệp cho quả hóa-sinh kiếp sau (paṭisandhi) lên 5 tầng trời sắc-giới Suddhāvāsa: Tịnh-cư-thiên, hết tuổi thọ tầng trời bậc thấp hóa-sinh kiếp sau lên tầng trời bậc cao theo tuần tự, từ tầng trời Avihā, tầng trời Atappā, tầng trời Sudassā, tầng trời Sudassī, cho đến tầng trời Akaniṭṭhā cuối cùng. 

– Trong tầng trời sắc-giới Akaniṭṭhā, hậu kiếp của Đức-vua-trời Sakka sẽ trở thành bậc Thánh-A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn tại tầng trời sắc-giới này, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới. 

(Theo Chú-giải bộ Dī. Mahāvaggaṭṭhakathā, kinh Sakkapañhāsuttavaṇṇanā.) 

2.4- Yāmābhūmi: Cõi trời Dạ-ma-thiên 

Cõi trời Dạ-ma-thiên là cõi trời thứ ba nằm ở trên hư không cao cách cõi trời Tam-thập-tam-thiên khoảng 42.000 do-tuần (yojana). 

Tất cả chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ trong cõi trời này không có khổ, chỉ có sự an-lạc mà thôi, nên gọi cõi trời này là Yāmābhūmi: Cõi trời Dạ-ma-thiên. 

Đức-vua-trời Suyāma hoặc Đức-vua-trời Yāma trị vì toàn thể chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ trong cõi trời Dạ-ma-thiên. 

Tất cả chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ trong cõi trời Dạ-ma-thiên này không có nhóm bhummaṭṭhadevatā mà chỉ có nhóm chư-thiên ākāsaṭṭhadevatā mà thôi. Tất cả chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ có thân hình, hào quang, lâu đài, các món đồ trang sức, v.v… hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời này vi-tế hơn cõi trời Tam-thập-tam-thiên. 

* Chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ trong cõi trời Dạ-ma-thiên có tuổi thọ 2.000 năm cõi trời, so với thời gian cõi người 144 triệu năm, bởi vì 1 ngày và 1 đêm bằng 200 năm cõi người. 

2.5- Tusitābhūmi: Cõi trời Đâu-suất-đà-thiên 

Cõi trời Đâu-suất-đà-thiên là cõi trời thứ tư nằm ở trên hư không cao cách cõi trời Dạ-ma-thiên khoảng 42.000 do-tuần (yojana). 

Toàn thể chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ trong cõi trời Đâu-suất-đà-thiên có tâm hoan hỷ và luôn luôn vui tươi an-lạc trong cõi trời này, nghĩa là chư-thiên không có khổ tâm, chỉ có tâm thường an-lạc mà thôi. 

Vì vậy, cõi trời này gọi là Tusitābhūmi: Cõi trời Đâu-suất-đà-thiên rất cao quý. 

Thật vậy, tất cả chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác khi đã hoàn thành đầy đủ trọn vẹn 30 pháp-hạnh ba-la-mật: 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc trung, 10 pháp-hạnh ba-la-mật bậc thượng chắc chắn sẽ trở thành Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác. 

Chư Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác ấy kiếp áp chót đều hóa-sinh làm vị thiên-nam Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác trên cõi trời Đâu-suất-đà-thiên này chờ đợi đến thời-kỳ đúng lúc, hợp thời sẽ tái-sinh kiếp sau làm người trong cõi người, để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác. 

Trong kiếp trái đất này gọi là Bhaddakappa thật vô cùng diễm phúc có 5 Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác xuất hiện trên thế gian. 

Trong thời quá-khứ có 3 Đức-Phật đã xuất hiện là Đức-Phật Kakusandha, Đức-Phật Koṇā-gamana, Đức-Phật Kassapa; trong thời hiện-tại Đức-Phật Gotama đã xuất hiện, giáo-pháp của Đức-Phật vẫn đang còn lưu truyền; và trong thời vị-lai Đức-Phật Metteyya sẽ xuất hiện trên thế gian cùng trong kiếp trái đất này. 

Vấn: Trong thời vị-lai, đến thời-kỳ nào Đức-Phật Metteyya sẽ xuất hiện trên thế gian cùng trong kiếp trái đất này? 

Đáp: Trong thời hiện-tại Phật-lịch 2562 năm, giáo-pháp của Đức-Phật Gotama đang còn lưu truyền trên thế gian cho đến Phật-lịch 5000 năm, giáo-pháp của Đức-Phật hoàn toàn bị tiêu hoại, bởi vì không còn các hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật trong cõi người này, không còn một ai biết đến Phật-giáo nữa. 

Từ đó, ác-pháp càng ngày càng tăng trưởng, ngược lại thiện-pháp càng ngày càng suy giảm, nên tuổi thọ của con người càng ngày càng giảm dần, giảm dần cho đến khi tuổi thọ của loài người chỉ còn 10 năm mà thôi. 

Khi ấy, một thảm họa khủng khiếp sẽ xảy ra, loài người chém giết lẫn nhau vô cùng tàn khốc, không phân biệt cha mẹ, con cái, bà con thân quyến, một số người hoảng sợ chạy trốn vào rừng núi thoát thân. 

Biết nạn chém giết không còn nữa, số người còn sống sót ấy gặp lại nhau cam kết không sát hại nhau nữa. Từ đó, con người biết hổ-thẹn tội-lỗi, biết ghê-sợ tội-lỗi, nên thiện-pháp bắt đầu càng ngày càng tăng trưởng, ngược lại ác-pháp càng ngày càng suy giảm, tuổi thọ của con người càng ngày càng tăng dần, tăng dần cho đến tột đỉnh a-tăng-kỳ năm. 

Trong thời-kỳ ấy con người bắt đầu sống thất niệm dể duôi, nên ác-pháp phát sinh. Vì vậy, tuổi thọ con người lại bắt đầu giảm dần, giảm dần cho đến khi thời đại con người có tuổi thọ còn khoảng 80.000 năm. Khi ấy, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác tiền-kiếp của Đức-Phật Metteyya, chuyển kiếp (cuti: chết) từ cõi trời Đâu-suất-đà-thiên, tái-sinh kiếp chót (paṭisandhi) đầu thai làm người trong cõi người này, rồi sẽ trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Metteyya. 

Chư Đức-Bồ-tát mỗi bậc khi đã tạo đầy đủ trọn vẹn các pháp-hạnh ba-la-mật của mình xong rồi, kiếp áp chót đều sinh trong cõi trời Đâu-suất-đà-thiên này. Cho nên, cõi trời Đâu-suất-đà-thiên là cõi trời cao quý hơn các cõi trời dục-giới khác. 

Đức-vua-trời Santussita trị vì toàn thể chư-thiên trong cõi trời Đâu-suất-đà-thiên. Tất cả chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ trong cõi trời Đâu-suất-đà-thiên này chỉ có nhóm chư-thiên ākāsaṭṭhadevatā mà thôi. Tất cả chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ có thân hình, hào quang, lâu đài, các món đồ trang sức, v.v… hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời này vi-tế hơn cõi trời Dạ-ma-thiên. 

* Chư-thiên trong cõi trời Đâu-suất-đà-thiên có tuổi thọ 4.000 năm cõi trời, so với thời gian cõi người 576 triệu năm, bởi vì 1 ngày và 1 đêm bằng 400 năm cõi người. 

2.6- Nimmānaratībhūmi: Cõi trời Hóa-lạc-thiên 

Cõi trời Hóa-lạc-thiên là cõi trời thứ năm nằm ở trên hư không cao cách cõi trời Đâu-suất-đà-thiên khoảng 42.000 do-tuần (yojana). Toàn thể chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ trong cõi trời này có khả năng tự hóa ra 5 đối-tượng ngũ dục theo ý muốn của mình, rồi hưởng sự an-lạc trong các đối-tượng ấy. 

Vì vậy, cõi này gọi là Nimmānaratībhūmi: Cõi trời Hóa-lạc-thiên. 

Trong 6 cõi trời dục-giới, từ cõi trời Tứ-đại-thiên-vương, Tam-thập-tam-thiên, Dạ-ma-thiên, Đâu-suất-đà-thiên chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ đều có cặp có đôi riêng biệt của mỗi vị, nhưng cõi trời Hóa-lạc-thiên và cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên không có cặp có đôi riêng biệt của mỗi vị. 

Vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trong cõi trời Hóa-lạc-thiên nếu khi nào muốn hưởng an-lạc trong đối-tượng ngũ-dục thì khi ấy vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ tự mình hóa ra vị thiên-nữ hoặc vị thiên-nam khác phái theo ý muốn của mình, để hưởng sự an-lạc trong đối-tượng ngũ-dục ấy xong, rồi cho biến mất. 

Đức-vua-trời Sunimmita hoặc Đức-vua-trời Nimmita trị vì toàn thể chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ, chỉ có nhóm chư-thiên ākāsaṭṭhadevatā trong cõi trời Hóa-lạc-thiên mà thôi. 

Tất cả chư vị thiên-nam, vị thiên-nữ có thân hình, hào quang, lâu đài, các món đồ trang sức, v.v… hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời này vi-tế hơn cõi trời Đâu-suất-đà-thiên. 

* Chư-thiên trong cõi trời Hóa-lạc-thiên có tuổi thọ 8.000 năm cõi trời, so với thời gian cõi người 2.304 triệu năm, bởi vì 1 ngày và 1 đêm bằng 800 năm cõi người. 

2.7- Paranimmitavasavattībhūmi: Cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên 

Cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên là cõi trời thứ sáu cao nhất trong 6 cõi trời dục-giới nằm ở trên hư không cao cách cõi trời Hóa-lạc-thiên khoảng 42.000 do-tuần (yojana). 

Toàn thể chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ trong cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên muốn hưởng an-lạc trong đối-tượng ngũ-dục đều do vị chư-thiên thuộc hạ biết rõ sự ham muốn ấy nên hóa ra đối-tượng ấy theo ý muốn. 

Vì vậy, cõi này gọi là Paranimmitavasavattī-bhūmi: Cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên. 

Vị thiên-nam, vị thiên-nữ trong cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên giống như vị thiên-nam, vị thiên-nữ trong cõi trời Hóa-lạc-thiên đều không có cặp có đôi riêng biệt của mỗi vị. 

Đức-vua-trời Paranimmita hoặc Đức-vua-trời Vasavattī trị vì toàn thể chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ trong cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên. 

Tất cả chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ trong cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên này chỉ có nhóm chư-thiên ākāsaṭṭhadevatā mà thôi. Tất cả chư-thiên có thân hình, hào quang, lâu đài, các món đồ trang sức, v.v… hưởng mọi sự an-lạc trong cõi trời này vi-tế hơn cõi trời Hóa-lạc-thiên. 

* Chư vị thiên-nam, chư vị thiên-nữ trong cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên có tuổi thọ 16.000 năm cõi trời, so với thời gian cõi người 9.216 triệu năm, bởi vì 1 ngày và 1 đêm bằng 1.600 năm cõi người. 

 * Đức-vua-trời Vasavattī không chỉ trị vì cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên, mà còn có oai lực cai quản cả 6 cõi trời dục-giới nữa. 

Ác-ma-thiên (Devaputtamāra) 

* Ác-ma-thiên (Devaputtamāra) có nhiều oai lực tại cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên, Ác-ma-thiên có ác-tâm không muốn chúng-sinh nào thoát ra khỏi quyền năng của mình. 

Thật vậy, khi biết Đức-Bồ-tát Siddhattha đi xuất gia để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, thuyết-pháp tế độ chúng-sinh giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, thì Ác-ma-thiên từ cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên liền hiện xuống, ngăn cản Đức-Bồ-tát Siddhattha, nhưng y bất lực, đành trở về cõi trời. 

Đến khi Đức-Bồ-tát Siddhattha ngự đến ngồi trên bồ-đoàn quý báu, vào buổi chiều ngày rằm tháng tư (âm-lịch) để trở thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác. Khi ấy, Ác-ma-thiên cầm đầu thiên-ma-binh, thiên-ma-tướng từ cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên xuất hiện đến cội Đại-Bồ-đề nơi Đức-Bồ-tát Siddhattha đang ngự trên bồ-đoàn quý báu, Ác-ma-thiên sử dụng mọi phép mầu cực kỳ lợi hại, cốt để đuổi Đức-Bồ-tát rời khỏi cội đại-Bồ-đề, giành ngôi bồ-đoàn quý báu ấy, để Đức-Bồ-tát Siddhattha không thể chứng đắc thành Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác, nhưng mà Ác-ma-thiên hoàn toàn bất lực, đành phải chịu thất bại, nên Ác-ma-thiên cùng thiên-ma-binh, thiên-ma tướng bỏ chạy trở về cõi trời Tha-hóa-tự-tại-thiên. 

Đêm rằm tháng tư ấy, Đức-Bồ-tát Siddhattha chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế đầu tiên không thầy chỉ dạy, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được mọi phiền-não trầm-luân, mọi tham-ái không còn dư sót, đặc biệt diệt mọi tiền-khiên-tật (vāsanā), trở thành bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi-giới chúng-sinh, gọi là Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama độc nhất vô nhị trong toàn cõi-giới chúng-sinh, vào canh chót đêm rằm tháng tư ấy. 

Sau khi Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, Ác-ma-thiên đến kính thỉnh Đức-Phật tịch diệt Niết-bàn, bởi vì y không muốn chúng-sinh nào được nghe chánh-pháp của Đức-Phật, rồi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não trở thành bậc Thánh A-ra-hán y theo Đức-Phật, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, thoát ra khỏi quyền năng của y, nhưng Đức-Phật không chấp thuận theo lời thỉnh cầu của Ác-ma-thiên. 

Đức-Phật Gotama thuyết-pháp tế độ chúng-sinh được 45 năm, Ác-ma-thiên hiện xuống kính thỉnh Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn. Lần này Đức-Phật Gotama nhận lời thỉnh cầu của Ác-ma-thiên. 

* Hiện-tượng của chư-thiên trước khi chết 

Mỗi vị thiên-nam, vị thiên-nữ sắp hết tuổi thọ tại cõi trời dục-giới nào, thường có pubbanimitta 5 hiện-tượng báo trước phát sinh là: 

– Mālā milāyanti: Những vòng hoa héo. 

– Vatthāni kilissanti: Những y phục phai màu. 

– Kacchehi sedā muccanti: Mồ hôi chảy ra từ 2 bên nách. 

– Kāye dubbaṇṇiyaṃ okkamati: Sắc thân không còn xinh đẹp. 

– Devo devāsane nābhiramati: Chư-thiên không còn hài lòng cõi trời dục-giới đang sống. 

Vị thiên-nam, vị thiên-nữ nào nếu có 5 triệu chứng báo trước phát sinh thì vị thiên-nam, vị thiên-nữ sắp hết tuổi thọ tại cõi trời ấy, phải cuti: chuyển kiếp (chết), rồi sẽ tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác, tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ ấy. 

– Nếu đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả thì tái-sinh kiếp sau đầu thai làm người hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam, hoặc vị thiên-nữ trong cõi trời dục-giới cao hơn hoặc cõi trời dục-giới thấp hơn hoặc cõi trời dục-giới ngang bằng với kiếp trước. 

– Nếu ác-nghiệp có cơ hội cho quả thì tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới: cõi địa-ngục, cõi a-su-ra, cõi ngạ-quỷ, loài súc-sinh, tùy theo năng lực quả của ác-nghiệp ấy. 

Lựa chọn tái-sinh trong 6 cõi trời dục-giới 

Đối với hạng người nào đến lúc lâm chung có khả năng lựa chọn cõi trời dục-giới nào trong 6 cõi trời dục-giới, sau khi người ấy chết, đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm có cơ hội cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là tái-sinh-tâm (paṭisandhicitta) làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới ấy đúng theo ý muốn lựa chọn của mình được. 

Trong Chú-giải bài kinh Sakkapañhāsutta, có đoạn đề cập đến người có giới, người giữ gìn các điều-giới của mình trong sạch và trọn vẹn rằng: 

“Parisuddhasīlā nāma chasu devalokesu yatthicchanti, tattha nibbattanti.” 

Những người thiện nào giữ gìn các điều-giới của mình trong sạch trọn vẹn, đến lúc lâm chung có đại-thiện-tâm tỉnh táo sáng suốt, muốn lựa chọn cõi trời dục-giới nào trong 6 cõi trời dục-giới, rồi sau khi người thiện ấy chết, đại-thiện-nghiệp giữ-giới ấy có cơ hội cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời ấy đúng như ý muốn lựa chọn của mình, hưởng an-lạc cho đến khi hết tuổi thọ tại cõi trời dục-giới ấy. 

Đại-thiện-nghiệp cho quả tái-sinh trong 7 cõi thiện dục-giới 

Thật ra, đại-thiện-nghiệp trong 8 đại-thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có 8 đại-quả-tâm gọi là paṭi-sandhicitta: tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện-dục-giới. 

Đại-thiện-tâm có 8 tâm: 

1- Đại-thiện-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động. 

2- Đại-thiện-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, cần tác-động. 

3- Đại-thiện-tâm thứ ba đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí-tuệ, không cần tác-động. 

4- Đại-thiện-tâm thứ tư đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí-tuệ, cần tác-động. 

5- Đại-thiện-tâm thứ năm đồng sinh với thọ xả, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động. 

6- Đại-thiện-tâm thứ sáu đồng sinh với thọ xả, hợp với trí-tuệ, cần tác-động. 

7- Đại-thiện-tâm thứ bảy đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí-tuệ, không cần tác-động. 

8- Đại-thiện-tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí-tuệ, cần tác-động. 

Đại-quả-tâm có 8 tâm là quả của 8 đại-thiện-tâm, nên mỗi quả-tâm tương xứng với mỗi đại-thiện-tâm về thọ, về trí-tuệ, về tác-động. 

Đại-quả-tâm có 8 tâm: 

1- Đại-quả-tâm thứ nhất đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động. 

2- Đại-quả-tâm thứ nhì đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí-tuệ, cần tác-động. 

3- Đại-quả-tâm thứ ba đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí-tuệ, không cần tác-động. 

4- Đại-quả-tâm thứ tư đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí-tuệ, cần tác-động. 

5- Đại-quả-tâm thứ năm đồng sinh với thọ xả, hợp với trí-tuệ, không cần tác-động. 168 

6- Đại-quả-tâm thứ sáu đồng sinh với thọ xả, hợp với trí-tuệ, cần tác-động. 

7- Đại-quả-tâm thứ bảy đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí-tuệ, không cần tác-động. 

8- Đại-quả-tâm thứ tám đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí-tuệ, cần tác-động. 

Đó là 8 đại-quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện-dục-giới là cõi người hoặc 6 cõi trời dục-giới, cũng gọi là bhavaṅgacitta: hộ-kiếp-tâm, cũng gọi là cuticitta: tử-tâm.

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app