Vòng tử sinh luân-hồi (Saṃsāravaṭṭa)

Tất cả mọi chúng-sinh còn là phàm-nhân (chưa phải bậc Thánh-nhân) dù là vị phạm-thiên trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên tột đỉnh Phi-tưởng-phi-phi-tưởng-xứ-thiên có tuổi thọ lâu dài nhất đến 84.000 đại-kiếp trái đất, nhưng đến khi hết tuổi thọ, cũng phải chuyển kiếp, có đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm hợp với trí-tuệ cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm hợp với trí-tuệ gọi là paṭisandhicitta: dục-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau xuống cõi thiện-dục-giới đầu thai làm người hoặc hóa-sinh làm vị thiên-nam trên cõi trời dục-giới, hưởng an-lạc trong cõi thiện dục-giới ấy cho đến khi hết tuổi thọ, rồi trở lại vòng luẩn quẩn tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, như vậy:

– Ác-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới (địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh), chịu quả khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp, mới thoát ra khỏi cõi ác-giới ấy.

– Dục-giới thiện-nghiệp (đại-thiện-nghiệp) cho quả tái-sinh kiếp sau trong 7 cõi thiện dục-giới là cõi người và 6 cõi trời dục-giới, hưởng quả an-lạc của đại-thiện-nghiệp cho đến khi hết tuổi thọ, rồi chuyển kiếp (tử), nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau sang cõi-giới khác tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của chúng-sinh ấy.

– Sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên, hưởng quả an-lạc cho đến khi hết tuổi thọ, rồi chuyển kiếp (tử), nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau sang cõi-giới khác tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của chúng-sinh ấy.

– Vô-sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp kế-tiếp hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên, hưởng quả an-lạc cho đến khi hết tuổi thọ, rồi chuyển kiếp (tử), nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau sang cõi-giới khác tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của chúng-sinh ấy.

Như vậy, dù chúng-sinh được sinh ra trong cõi-giới nào cũng chỉ được tạm trú tại cõi-giới ấy cho đến hết tuổi thọ mà thôi, không có ai được thường trú tại cõi-giới nào vĩnh viễn được. Cho nên, nếu chúng-sinh nào còn là hạng phàm-nhân (chưa phải bậc Thánh-nhân) thì chúng-sinh ấy vẫn còn luẩn quẩn trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, hoàn toàn chỉ tùy thuộc vào nghiệp và quả của nghiệp của chúng-sinh ấy mà thôi.

Nguồn gốc của vòng tử sinh luân-hồi

Thật ra, nguồn gốc của vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài chúng-sinh đó chính là vòng thập-nhị-duyên-sinh (paṭiccasamuppāda) gồm có 12 chi-pháp liên kết với nhau theo định luật nhân-quả liên-hoàn, mà Đức-Phật đã thuyết giảng như sau:

“Avijjāpaccayā saṅkhārā, saṅkhārāpaccayā viññāṇaṃ, viññāṇapaccayā nāmarūpaṃ, nāma-rūpapaccayā saḷāyatanaṃ, saḷāyatanapaccayā phasso, phassapaccayā vedanā, vedanāpaccayā taṇhā, taṇhāpaccayā upādānaṃ, upādāna-paccayā bhāvo, bhāvapaccayā jāti, jātipaccayā jarā-maraṇa-soka-parideva-dukkha-domanassu-pāyāsā sambhavanti. Evametassa kevalassa dukkhakkhandhassa samudayo hoti.”

Ý nghĩa

– Avijjāpaccayā saṅkhārā sambhavanti: Các pháp-hành phát sinh do vô-minh làm duyên.

– Saṅkhārāpaccayā viññāṇaṃ sambhavati: Tam-giới quả-tâm-thức phát sinh do các pháp-hành làm duyên.

– Viññāṇapaccayā nāmarūpaṃ sambhavati: Danh-pháp và sắc-pháp phát sinh do tam-giới quả-tâm-thức làm duyên.

– Nāmarūpapaccayā saḷāyatanaṃ sambhavati: Lục-xứ phát sinh do danh-pháp, sắc-pháp làm duyên.

– Saḷāyatanapaccayā phasso sambhavati: Lục-xúc phát sinh do lục-xứ làm duyên.

– Phassapaccayā vedanā sambhavati: Lục-thọ phát sinh do lục-xúc làm duyên.

– Vedanāpaccayā taṇhā sambhavati: Lục-ái phát sinh do lục-thọ làm duyên.

– Taṇhāpaccayā upādānaṃ sambhavati: Tứ-thủ phát sinh do lục-ái do làm duyên.

– Upādānapaccayā bhāvo sambhavati: Nhị-hữu phát sinh do tứ-thủ làm duyên.

– Bhāvapaccayā jāti sambhavati: Sự tái-sinh phát sinh do nhị-hữu làm duyên.

– Jātipaccayā jarā-maraṇa-soka-parideva-dukkha-domanassupāyāsā sambhavanti: Lão, tử, sầu-não, khóc than, khổ thân, khổ tâm, nỗi khổ cùng cực phát sinh do tái-sinh làm duyên.

– Evametassa kevalassa dukkhakkhandhassa samudayo hoti: Sự sinh của toàn khổ-uẩn đều do vô-minh, v.v… làm duyên.

Thập-nhị-duyên-sinh có 12 chi-pháp, mà mỗi chi-pháp không thuần là quả, không thuần là nhân. Thật ra, quả của pháp trước, rồi làm nhân cho pháp sau tiến triển theo nhân-quả liên hoàn trong vòng thập-nhị-duyên-sinh không có chi-pháp bắt đầu, cũng không có chi-pháp cuối cùng, nên vô-minh không phải là chi-pháp bắt đầu mà là nhân quá-khứ, còn lão, tử không phải là chi-pháp cuối cùng mà là quả hiện-tại.

Thập-nhị-duyên-sinh có 12 chi-pháp phân chia theo nhân quả trong 3 thời như sau:

– Vô-minh (avijjā), hành (saṇkhārā) thuộc về nhân quá-khứ.

– Quả-tâm-thức, sắc-pháp và danh-pháp, lục-xứ, lục-xúc, lục-thọ thuộc về quả hiện-tại.

– Lục-ái, tứ-thủ, nghiệp-hữu thuộc về nhân hiện-tại.

– Tái-sinh, lão, tử, sầu-não, khóc than, khổ thân, khổ tâm, nỗi khổ cùng cực thuộc về quả vị lai.

Giải thích 12 chi-pháp của thập-nhị-duyên-sinh

1- Vô-minh (avijjā) đó là si tâm-sở (moha-cetasika) đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm.

* Vô-minh phát sinh không biết 8 pháp đó là:

– Dukkhe añāṇaṃ: Không biết ngũ-uẩn chấp-thủ là khổ-đế.

– Dukkhasamudaye añāṇaṃ: Không biết tham-ái là nhân sinh khổ-đế.

– Dukkhanirodhe añāṇaṃ: Không biết Niết-bàn là pháp diệt khổ-đế.

– Dukkhanirodhagāminīpaṭipadāya añāṇaṃ: Không biết bát-chánh-đạo là pháp-hành dẫn đến diệt khổ-đế.

– Pubbante añāṇaṃ: Không biết ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp trong quá-khứ.

– Aparante añāṇaṃ: Không biết ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp trong vị lai.

– Pubbantāparante añāṇaṃ: Không biết ngũ-uẩn, sắc-pháp, danh-pháp trong quá-khứ và vị lai.

– Idappaccayatā paṭiccasamuppannesu dham-mesu añāṇaṃ: Không biết nhân-duyên phát sinh các pháp trong thập-nhị-duyên-sinh.

Vô-minh không biết 8 pháp này làm duyên, nên các hành phát sinh.

2- Hành (saṅkhārā) đó là tác-ý tâm-sở (cetanā-cetasika) đồng sinh với 29 tâm, là quả của vô-minh:

– Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm.

– Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 dục-giới thiện-tâm.

– Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 5 sắc-giới thiện-tâm.

– Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 vô-sắc-giới thiện-tâm.

Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 29 tâm này là quả của vô-minh, được phát sinh do vô-minh làm duyên.

“Quả-tâm-thức phát sinh do các hành làm duyên.”

3- Quả-tâm-thức (viññāṇa) đó là tam-giới quả-tâm-thức gồm có 32 quả-tâm là quả của các hành đó là:

– Dục-giới quả-tâm-thức có 23 tâm.

– Sắc-giới quả-tâm-thức có 5 tâm.

– Vô-sắc-giới quả-tâm-thức có 4 tâm.

32 tam-giới quả-tâm-thức có 2 phận sự:

3.1-Paṭisandhiviññāṇa: Tam-giới tái-sinh-tâm gồm có 19 quả-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong 11 cõi dục-giới, 15 tầng trời sắc-giới phạm-thiên, 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên:

– 1 suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của ác-nghiệp thuộc về bất-thiện-quả vô-nhân-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới: cõi địa-ngục, cõi a-su-ra, cõi ngạ-quỷ, loài súc-sinh.

– 1 suy-xét-tâm đồng sinh với thọ xả là quả của đại-thiện-nghiệp bậc thấp thuộc về thiện-quả vô-nhân-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi người hoặc chư-thiên bậc thấp thuộc về hạng đui mù, câm điếc, tật nguyền,… từ khi tái-sinh, hạng người hoặc chư-thiên này gọi là hạng người vô-nhân cõi dục-giới.

– 8 dục-giới quả-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm người trong cõi người hoặc làm chư-thiên trong 6 cõi trời dục-giới.

– 5 sắc-giới quả-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm phạm-thiên trên 15 cõi trời sắc-giới.

– 4 vô-sắc-giới quả-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau làm phạm-thiên trên 4 cõi trời vô-sắc-giới.

3.2- Pavattiviññāṇa: Tam-giới quả-tâm gồm có 32 tâm làm phận sự sau khi đã tái-sinh, kiếp

hiện-tại.

32 tam-giới quả-tâm này có phận sự thọ nhận quả xấu của bất-thiện-nghiệp hoặc quả tốt của

thiện-nghiệp của các chúng-sinh ấy.

32 tam-giới quả-tâm này là quả của các hành, được phát sinh do hành làm duyên.

“Danh-pháp, sắc-pháp, phát sinh do quả- tâm-thức làm duyên.”

4- Danh-pháp (nāmadhamma) đó là 35 tâm- sở đồng sinh với 32 tam-giới quả-tâm và

Sắc-pháp (rūpadhamma) là sắc-pháp phát sinh do nghiệp và sắc-pháp phát sinh do tâm, sau khi đã tái-sinh.

Những danh-pháp và sắc-pháp này là quả của 32 tâm-thức, được phát sinh do 32 tam-giới

quả-tâm-thức làm duyên.

“Lục-xứ phát sinh do danh-pháp, sắc-pháp làm duyên.”

5- Lục-xứ (sāḷāyatana) đó là 6 xứ nơi tiếp nhận 6 đối-tượng: Nhãn-xứ, nhĩ-xứ, tỷ-xứ, thiệt-

xứ, thân-xứ, ý-xứ.

Lục-xứ này là quả của danh-pháp, sắc-pháp được phát sinh do danh-pháp, sắc-pháp làm duyên 

“Lục-xúc phát sinh do lục-xứ làm duyên.”

6- Lục-xúc (phassa) đó là nhãn-xúc, nhĩ-xúc, tỷ-xúc, thiệt-xúc, thân-xúc, ý-xúc.

Lục-xúc này là quả của lục-xứ được phát sinh do lục-xứ làm duyên.

“Lục-thọ phát sinh do lục-xúc làm duyên.”

7- Lục-thọ (vedanā) đó là nhãn-xúc-thọ, nhĩ-xúc-thọ, tỷ-xúc-thọ, thiệt-xúc-thọ, thân-xúc-thọ, ý-xúc-thọ.

Lục-thọ này là quả của lục-xúc được phát sinh do lục-xúc làm duyên.

“Lục-ái phát sinh do lục-thọ làm duyên.”

8- Lục-ái (taṇhā) đó là sắc-ái, thanh-ái, hương-ái, vị-ái, xúc-ái, pháp-ái.

Lục-ái này là quả của lục-thọ được phát sinh do lục-thọ làm duyên.

“Tứ-thủ phát sinh do lục-ái làm duyên.”

9- Tứ-thủ (upādāna) đó là 4 pháp chấp-thủ: chấp-thủ trong ngũ-dục, chấp-thủ trong kiếp, chấp-thủ trong pháp-hành sai, chấp-thủ trong ngã-kiến.

4 pháp chấp-thủ này là quả của lục-ái được phát sinh do lục-ái làm duyên.

“Nhị-hữu phát sinh do tứ-thủ làm duyên.”

10- Nhị-hữu (bhava) có 2 loại: Nghiệp-hữu và cõi-giới-hữu.

10.1- Nghiệp-hữu (kammabhava) đó là tác-ý tâm-sở (cetanācetasika).

– Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 12 bất-thiện-tâm.

– Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 8 dục-giới thiện-tâm.

– Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 5 sắc-giới thiện-tâm.

– Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 4 vô-sắc-giới thiện-tâm.

Tác-ý tâm-sở đồng sinh với 29 tam-giới tâm này gọi là nghiệp-hữu.

10.2- Cõi-giới-hữu (uppattibhava) đó là cõi-giới, là nơi sinh của tất cả chúng-sinh trong tam-giới, gồm có 31 cõi-giới.

Nghiệp-hữu và cõi-giới-hữu này là quả của tứ-thủ được phát sinh do tứ-thủ làm duyên.

“Tái-sinh phát sinh do nhị-hữu làm duyên.”

11- Tái-sinh (jāti) đó là tái-sinh kiếp sau, sự sinh đầu tiên của tam-giới quả-tâm trong ba giới bốn loài thuộc ba loại chúng-sinh do năng lực quả của bất-thiện-nghiệp hoặc quả của thiện-nghiệp của chúng-sinh ấy.

– Chúng-sinh có ngũ-uẩn trong 11 cõi dục-giới và 15 tầng trời sắc-giới phạm-thiên (trừ tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-tưởng-thiên).

– Chúng-sinh có tứ-uẩn (thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn) trong 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.

– Chúng-sinh có nhất-uẩn là sắc-uẩn trong tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-tưởng-thiên.

Sự tái-sinh đầu tiên của tam-giới quả-tâm và sắc-pháp phát sinh do nghiệp là quả của nghiệp-hữu được phát sinh do nghiệp-hữu làm duyên.

“Lão, tử, … phát sinh do tái-sinh làm duyên.”

12- Lão, tử, … (jarā-maraṇa-…) đó là sự già, sự chết, … là quả của sự tái-sinh.

– Sự già (jarā) đó là thời gian trụ của tam-giới quả-tâm và sắc-pháp phát sinh do nghiệp, là quả của sự tái-sinh.

– Sự chết (maraṇa) đó là thời gian diệt của tam-giới quả-tâm và sắc-pháp phát sinh do nghiệp gọi là “chết”, là quả của sự tái-sinh.

Sự già, sự chết, … là quả của sự tái-sinh được phát sinh do tái-sinh làm duyên.

Thập-nhị-duyên-sinh có 12 chi-pháp ví như vòng xích gồm có 12 mắt xích gắn bó lại với nhau.

Cũng như vậy, vòng tử sinh luân-hồi thập-nhị-duyên-sinh có 12 chi-pháp, từ vô-minh đến lão, tử… Mỗi chi-pháp không thuần là nhân, không thuần là quả, mà sự thật mỗi chi-pháp là quả của chi-pháp trước, rồi làm nhân của chi-pháp sau theo nhân-quả liên-hoàn từng đôi với nhau như vậy.

Vì vậy, nhân và quả trong thập-nhị-duyên-sinh liên quan đến chi-pháp trước với chi-pháp sau liên hoàn với nhau theo mỗi đôi. Nếu chỉ riêng rẽ mỗi chi-pháp nào thì không thể gọi là nhân, cũng không thể gọi là quả.

(Ví dụ: Ông B là con của ông A, cũng là cha của ông C. Nếu chỉ riêng một mình ông B thì không thể gọi là con, cũng không thể gọi là cha.)

Cho nên, vòng luân-hồi thập-nhị-duyên-sinh theo định luật nhân-quả liên-hoàn 12 chi-pháp kết nối vào nhau thành vòng không có chi-pháp bắt đầu, cũng không có chi-pháp cuối cùng.

Đối với chúng-sinh còn có vô-minh và tham-ái, thì vô-minh không phải là chi-pháp bắt đầu, và lão, tử… cũng không phải là chi-pháp cuối cùng.

Thật vậy, vô-minh là nhân-duyên quá-khứ, không phải là nhân-duyên bắt đầu, vì vô-minh còn là quả của 4 pháp-trầm-luân. Như Đức-Phật dạy:

“Āsavasamudayā avijjāsamudayo …”

“Do có sự sinh của bốn pháp trầm-luân, nên có sự sinh của vô minh …”

Và lão, tử, … chỉ là chi-pháp cuối cùng của mỗi kiếp mà thôi. Nếu chúng-sinh nào còn có vô-minh và tham-ái sau khi chết, thì nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau. Kiếp sau như thế nào, hoàn toàn chỉ tùy thuộc vào nghiệp và quả của nghiệp của chúng-sinh ấy mà thôi.

Vòng tam-luân

Vòng tử sinh luân-hồi thập-nhị-duyên-sinh có 12 chi-pháp này được phân chia thành tam-luân, luân chuyển theo chiều hướng nhất định:

1- Phiền-não-luân gồm có 3 chi-pháp: vô-minh, lục-ái, tứ-thủ.

2- Nghiệp-luân gồm có 2 chi-pháp: hành, nghiệp-hữu.

3- Quả-luân gồm có 8 chi-pháp: cõi-giới-hữu, thức, danh-sắc, lục-xứ, lục-xúc, lục-thọ, sinh, lão tử, …

Vòng tử sinh luân-hồi “thập-nhị-duyên-sinh” luân chuyển theo ba luân: phiền-não-luân → nghiệp-luân → quả-luân → phiền-não-luân … từ kiếp này sang kiếp khác tiếp nối với nhau, từ vô thủy trải qua vô số kiếp cho đến kiếp hiện-tại, và sẽ còn những kiếp vị-lai, đối với chúng-sinh còn phiền-não-luân.

Vòng tử sinh luân-hồi và vòng tam-luân

Giải thích vòng tam-luân

Chúng-sinh còn vô-minh, lục-ái, tứ-thủ làm nhân-duyên khiến tạo bất-thiện-nghiệp, thiện-nghiệp do thân, khẩu, ý.

1- Phiền-não-luân làm nhân-duyên tạo nghiệp-luân

* Phiền-não làm nhân-duyên tạo ác-nghiệp

Có số chúng-sinh do vô-minh và tham-ái không biết rõ bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) cho quả khổ trong kiếp hiện-tại lẫn nhiều kiếp trong vị-lai. Và cũng có số chúng-sinh tuy có biết bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) cho quả khổ như vậy, nhưng vì vô-minh, tham-ái có nhiều năng lực, nên khiến tạo mọi bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) bằng thân, bằng khẩu, bằng ý như sau:

– Thân hành ác như: sát-sinh, trộm cắp, tà dâm.

– Khẩu nói ác như: nói-dối, nói lời chia rẽ, nói lời thô tục, nói lời vô ích.

– Ý nghĩ ác như: tham lam, thù hận, tà-kiến.

* Phiền-não làm nhân-duyên tạo thiện-nghiệp

Có số chúng-sinh do vô-minh không biết rõ chân-lý tứ Thánh-đế, không biết khổ của ngũ-uẩn, vì vậy, muốn hưởng sự an-lạc tạm thời, nên tạo mọi thiện-nghiệp:

– Dục-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau làm người hoặc làm vị thiên-nam hoặc thiên-nữ trong 6 cõi trời dục-giới, hưởng an-lạc tạm thời cho đến khi hết tuổi thọ tại cõi thiện dục-giới ấy.

– Sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 16 tầng trời sắc-giới phạm-thiên, hưởng an-lạc tạm thời cho đến khi hết tuổi thọ tại tầng trời sắc-giới phạm-thiên ấy.

– Vô-sắc-giới thiện-nghiệp cho quả tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên, hưởng an-lạc tạm thời cho đến khi hết tuổi thọ tại tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên ấy.

Sự an-lạc trong tam-giới này không phải là sự-thật chân-lý, mà chỉ có tính cách tạm thời tùy theo năng lực quả của thiện-nghiệp ấy mà thôi.

Như vậy, gọi là phiền-não luân khiến tạo nghiệp-luân.

2- Nghiệp-luân cho quả-luân

Chúng-sinh còn phiền-não khiến đã tạo bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp), tạo đại-thiện-nghiệp, nếu khi nghiệp nào có cơ hội thì nghiệp ấy cho quả, chúng-sinh ấy thọ quả của nghiệp ấy.

* Nếu bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) có cơ hội cho quả trong kiếp hiện-tại, thì phải chịu quả xấu, quả khổ của ác-nghiệp ấy như sau:

– Nhãn-thức-tâm thấy các đối-tượng xấu.

– Nhĩ-thức-tâm nghe các đối-tượng thanh dở.

– Tỷ-thức-tâm ngửi các đối-tượng mùi hôi.

– Thiệt-thức-tâm nếm các đối-tượng vị dở.

– Thân-thức-tâm tiếp xúc các vật thô cứng.

– Ý-thức-tâm biết các điều xấu, điều ác.

Sau khi chúng-sinh ấy chết, nếu bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) có cơ hội cho quả thì tái-sinh kiếp sau 1 trong 4 cõi ác-giới: địa-ngục, a-su-ra, ngạ-quỷ, súc-sinh tùy theo năng lực quả của ác-nghiệp ấy, chúng-sinh ấy phải chịu khổ cho đến khi mãn quả của ác-nghiệp ấy trong cõi ác-giới, rồi tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác, tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của chúng-sinh ấy.

* Nếu đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả trong kiếp hiện-tại thì được hưởng quả tốt, quả an-lạc như sau:

– Nhãn-thức-tâm nhìn thấy các đối-tượng tốt.

– Nhĩ-thức-tâm nghe các đối-tượng thanh hay.

– Tỷ-thức-tâm ngửi các đối-tượng mùi thơm.

– Thiệt-thức-tâm nếm các đối-tượng vị ngon.

– Thân-thức-tâm tiếp xúc các vật mềm mại.

– Ý-thức-tâm biết các điều tốt, điều thiện.

Sau khi chúng-sinh ấy chết, nếu đại-thiện-nghiệp có cơ hội cho quả thì tái-sinh kiếp sau đầu-thai làm người trong cõi người, hoặc tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị thiên-nam hoặc vị thiên-nữ trên cõi trời dục-giới, hưởng quả an-lạc cho đến khi hết tuổi thọ tại cõi trời dục-giới ấy, phải tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác, tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của chúng-sinh ấy.

* Nếu có sắc-giới thiện-nghiệp trong bậc thiền sắc-giới thiện-tâm nào cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có bậc thiền sắc-giới quả-tâm ấy gọi là paṭisandhicitta: sắc-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên. Vị phạm-thiên ấy hưởng an-lạc cho đến khi hết tuổi thọ trong tầng trời sắc-giới phạm-thiên ấy, rồi phải tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác, tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của vị phạm-thiên ấy.

* Nếu có vô-sắc-giới thiện-nghiệp trong bậc thiền vô-sắc-giới thiện-tâm nào cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có bậc thiền vô-sắc-giới quả-tâm ấy gọi là paṭisandhi-citta: vô-sắc-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên. Vị phạm-thiên ấy hưởng an-lạc cho đến khi hết tuổi thọ trong tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên ấy, rồi phải tái-sinh kiếp sau trong cõi-giới khác, tùy theo nghiệp và quả của nghiệp của vị phạm-thiên ấy.

3- Quả-luân sinh phiền-não-luân

Quả-luân là sự hiện hữu của chúng-sinh trong tam-giới:

– Chúng-sinh có ngũ-uẩn (sắc-uẩn, thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn) trong 11 cõi dục-giới, 15 tầng trời sắc-giới phạm-thiên (trừ tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-tưởng-thiên).

– Chúng-sinh có tứ-uẩn (thọ-uẩn, tưởng-uẩn, hành-uẩn, thức-uẩn (không có sắc-uẩn) trong 4 tầng trời vô-sắc-giới phạm-thiên.

– Chúng-sinh có nhất-uẩn là sắc-uẩn (không có 4 danh-uẩn) trong tầng trời sắc-giới phạm-thiên Vô-tưởng-thiên.

Nếu chúng-sinh nào trong cõi dục-giới chưa diệt tận được mọi phiền-não, vô-minh, tham-ái, … khi có cơ hội thì phiền-não phát sinh làm nhân duyên khiến tạo nên bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) hoặc thiện-nghiệp tùy theo khả năng của mỗi chúng-sinh, rồi trở lại vòng tam-luân chuyển biến không ngừng từ kiếp này sang kiếp khác, trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Tam-luân này chuyển biến theo định luật nhân và quả như sau:

Phiền-não-luân là nhân, nghiệp-luân là quả; nghiệp-luân là nhân, quả-luân là quả; quả-luân là nhân, phiền-não-luân là quả và tiếp diễn như vậy thành vòng tam-luân trong vòng tử sinh luân-hồi thập-nhị-duyên-sinh.

Đức-Phật chưa xuất hiện trên thế gian

Trong suốt vô số đại-kiếp trái đất trải quả 4 a-tăng-kỳ thành, trụ, hoại, không mà không có Đức-Phật nào xuất hiện trên thế gian gọi là suññakappa: kiếp trái đất không có Đức-Phật xuất hiện trên thế gian, nên tất cả chúng-sinh bị chìm đắm trong biển khổ, luẩn quẩn trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Đức-Phật xuất hiện trên thế gian

Thật là vô cùng diễm phúc, đến kiếp trái đất mà chúng ta đang sinh sống gọi là Bhadda-kapppa: kiếp trái đất tốt lành có 5 Đức-Phật xuất hiện trên thế gian.

* Trong thời quá-khứ đã có 3 Đức-Phật đã xuất hiện trên thế gian là:

– Đức-Phật Kakusandha đã xuất hiện trên thế gian vào thời đại con người có tuổi thọ 40.000 năm.

– Đức-Phật Koṇāgamana đã xuất hiện trên thế gian vào thời đại con người có tuổi thọ 30.000 năm.

– Đức-Phật Kassapa đã xuất hiện trên thế gian vào thời đại con người có tuổi thọ 20.000 năm.

* Trong thời hiện-tại Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian vào thời đại con người có tuổi thọ 100 năm.

* Trong thời vị-lai Đức-Phật Metteyya sẽ xuất hiện trên thế gian vào thời đại con người có tuổi thọ 80.000 năm.

Đức-Phật Gotama xuất hiện trên thế gian vào canh chót đêm rằm tháng tư tại cội Đại-Bồ-đề trong khu rừng Uruvelā, cách nay 2607 năm.

Đức-Phật Gotama thuyết-pháp tế độ vô số chúng-sinh có duyên lành nên tế độ, đó là những chúng-sinh mà tiền-kiếp đã từng liên quan đến tiền-kiếp của Đức-Phật hoặc có duyên lành với chư Đức-Phật quá-khứ, đã từng thực-hành và tích lũy đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật từ vô số kiếp quá-khứ.

Những chúng-sinh ấy là người tam-nhân (tihetukapuggala) đã tích lũy đầy đủ 10 pháp-hạnh ba-la-mật từ vô số kiếp quá-khứ cho đến kiếp hiện-tại, có duyên lành đến hầu đảnh lễ Đức-Phật hoặc bậc Thánh thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, lắng nghe chánh-pháp của Đức-Phật, rồi thực-hành pháp-hành thiền-tuệ dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả thấp cao tùy theo năng lực của 10 pháp-hạnh ba-la-mật và 5 pháp-chủ (indriya): tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi vị Thánh thanh-văn đệ-tử như sau:

– Có số chứng đắc Nhập-lưu Thánh-đạo, Nhập-lưu Thánh-quả, Niết-bàn, diệt tận được 2 loại phiền-não là tà-kiến trong 4 tham-tâm hợp với tà-kiến và hoài-nghi trong si-tâm hợp với hoài-nghi không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Nhập-lưu.

– Có số chứng đắc đến Nhất-lai Thánh-đạo, Nhất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được 1 loại phiền-não là sân loại thô trong 2 sân-tâm không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Nhất-lai.

– Có số chứng đắc đến Bất-lai Thánh-đạo, Bất-lai Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được 1 loại phiền-não là sân loại vi-tế trong 2 sân-tâm và diệt tận được tham-ái loại thô trong 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến không còn dư sót, trở thành bậc Thánh Bất-lai.

– Có số chứng đắc đến A-ra-hán Thánh-đạo, A-ra-hán Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được 7 loại phiền-não còn lại là tham, si, ngã-mạn, buồn-chán, phóng-tâm, không biết hổ-thẹn tội-lỗi, không biết ghê-sợ tội-lỗi trong 4 tham-tâm không hợp với tà-kiến và trong si-tâm hợp với phóng-tâm không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cao thượng.

– Sau khi bậc Thánh Nhập-lưu chết, chắc chắn không còn tái-sinh kiếp sau trong 4 cõi ác-giới nữa, chỉ có đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là paṭi-sandhicitta: tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới là cõi người hoặc cõi trời dục-giới nhiều nhất 7 kiếp nữa mà thôi. Trong kiếp thứ 7 ấy, bậc Thánh Nhập-lưu chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

– Sau khi bậc Thánh Nhất-lai chết, chỉ có đại-thiện-nghiệp trong đại-thiện-tâm cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có đại-quả-tâm gọi là paṭisandhicitta: tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau trong cõi thiện-dục-giới chỉ có 1 kiếp nữa mà thôi. Trong kiếp ấy, bậc Thánh Nhất-lai chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

– Sau khi bậc Thánh Bất-lai chết, chắc chắn không còn tái-sinh kiếp sau trở lại cõi dục-giới, chỉ có sắc-giới thiện-nghiệp trong bậc thiền sắc-giới thiện-tâm nào cho quả trong thời-kỳ tái-sinh kiếp sau (paṭisandhikāla) có bậc thiền sắc-giới quả-tâm ấy gọi là paṭisandhicitta: sắc-giới tái-sinh-tâm làm phận sự tái-sinh kiếp sau hóa-sinh làm vị phạm-thiên trên tầng trời sắc-giới phạm-thiên tương xứng với bậc thiền sắc-giới quả-tâm ấy. Vị phạm-thiên Bất-lai ấy chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán tại tầng trời sắc-giới phạm-thiên, rồi sẽ tịch diệt Niết-bàn giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Bậc Thánh A-ra-hán đã diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, ngay trong kiếp hiện-tại đến khi hết tuổi thọ (chết) gọi là tịch diệt Niết-bàn là anupādisesanibbāna: Niết-bàn của bậc Thánh A-ra-hán đã diệt rồi không còn tái-sinh kiếp nào nữa, giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong tam-giới.

Đức-Phật Gotama thuyết pháp tế độ chúng-sinh suốt 45 năm, đến ngày rằm tháng tư, Đức-Phật ngự đi đến khu rừng Sāla xứ Kusinārā tịch diệt Niết-bàn khi Ngài tròn đúng 80 tuổi, cách nay 2562 năm.

Dù Đức-Phật Gotama đã tịch diệt Niết-bàn, nhưng mà giáo-pháp của Đức-Phật vẫn còn lưu truyền trên thế gian đến 5.000 năm mới hết tuổi thọ của Phật-giáo, để cứu vớt tế độ những chúng-sinh có duyên lành đã từng tích lũy các pháp-hạnh ba-la-mật từ vô số kiếp trong quá-khứ cho đến kiếp hiện-tại.

Không có người nào tự biết mình có khả năng chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả

Chúng ta là những người còn có diễm phúc sinh ra trong thời-kỳ Phật-giáo đang còn lưu truyền trong cõi người này, nên mỗi người có duyên lành được gặp Phật-giáo, nhưng mà mỗi người còn là hạng phàm-nhân, không có người nào tự biết được mình có khả năng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả nào trong kiếp hiện-tại này.

Thật vậy, tìm hiểu về Ngài Trưởng-lão Cūḷa-panthaka trong tích Cūḷapanthakattheravatthu được tóm lược như sau:

Cận-sự nam Cūḷapanthaka có sư huynh là Ngài Trưởng-lão Mahāpanthakatthera xuất gia trước đã trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Về sau, Ngài Trưởng-lão Mahāpanthaka khuyên bảo người em là Cūḷapanthaka xuất gia trở thành tỳ-khưu. Sau khi trở thành tỳ-khưu, tỳ-khưu Cūḷapanthaka trở nên người chậm nhớ.

Thật vậy, Ngài Trưởng-lão Mahāpanthaka dạy tỳ-khưu Cūḷapanthaka một bài kệ gồm có 4 câu mà suốt 4 tháng vẫn chưa học thuộc lòng được.

Một hôm, Ngài Trưởng-lão Mahāpanthaka bảo với sư đệ Cūḷapanthaka rằng:

– Này Cūḷapanthaka! Dường như sư đệ không có phước duyên trong Phật-giáo, cho nên chỉ một bài kệ mà sư đệ học suốt 4 tháng vẫn chưa thuộc lòng được, thì làm sao thực-hành pháp-hạnh cao thượng để giải thoát khổ được!

Vì vậy, sư đệ nên rời khỏi ngôi chùa Amba-vana này, trở về nhà trở thành cận-sự-nam cố gắng tinh-tấn tạo bồi bổ thêm các pháp-hạnh ba-la-mật.

Nghe sư huynh truyền bảo như vậy, thật tâm tỳ-khưu Cūḷapanthaka yêu tha thiết đời sống bậc xuất-gia, hoàn toàn không muốn hoàn tục trở lại đời sống của người tại gia, bởi vì tỳ-khưu Cūḷapanthaka có đức-tin trong sạch tha thiết trong Phật-giáo, nhưng đành phải vâng lời sư huynh của Ngài.

Hôm ấy, cận-sự-nam Jīvaka Komārabhacca là quan ngự y của Đức-vua Bimbisāra trong kinh-thành Rājagaha đến ngôi chùa Ambavana hầu đảnh lễ Đức-Phật, lắng nghe Đức-Phật thuyết pháp.

Sau khi nghe Đức-Phật thuyết pháp xong, cận-sự-nam Jīvaka đến đảnh lễ Ngài Trưởng-lão Mahāpanthaka bạch rằng:

– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, trong ngôi chùa này có bao nhiêu vị tỳ-khưu? Bạch Ngài.

– Này cận-sự-nam Jīvaka! Trong chùa có 500 vị tỳ-khưu.

– Kính bạch Ngài Trưởng-lão, sáng ngày mai, con xin kính thỉnh Đức-Phật ngự cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng gồm có 500 vị đến tư thất của con, để cho con cúng dường vật thực.

– Này cận-sự-nam Jīvaka! Sáng ngày mai, Đức-Phật cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng có 499 vị đến tư thất của con, không có tỳ-khưu Cūḷapanthaka.

Nghe sư huynh nói với cận-sự-nam Jīvaka như vậy, thì tỳ-khưu Cūḷapanthaka không còn hy vọng ở lưu lại tại ngôi chùa Ambavana này được nữa. Tỳ-khưu Cūḷapanthaka cảm thấy khổ tâm cùng cực.

Canh chót đêm hôm ấy, Đức-Phật xả đại-bi thiền, xem xét chúng-sinh nào có phước duyên nên tế độ, thì thấy rõ tỳ-khưu Cūḷapanthaka hiện ra, Đức-Phật thấy rõ, biết rõ tỳ-khưu Cūḷa-panthaka sẽ trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Đức-Phật tế độ tỳ-khưu Cūḷapanthaka

Sáng sớm hôm ấy, Đức-Phật ngự ra trước cổng chùa đi kinh hành chờ gặp tỳ-khưu Cūḷapanthaka.

Cũng sáng sớm hôm ấy, tỳ-khưu Cūḷapanthaka rời khỏi ngôi chùa Ambavana trở về nhà. Nhìn thấy Đức-Phật, tỳ-khưu Cūḷapanthaka liền đến đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đức-Phật.

Đức-Phật truyền hỏi rằng:

– Này Cūḷapanthaka! Con đi đâu từ sáng sớm vậy?

Tỳ-khưu Cūḷapanthaka kính bạch rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, sư huynh của con bảo rằng: “Con nên rời khỏi ngôi chùa Amba-vana trở về nhà, hoàn tục trở thành cận-sự-nam, bởi vì con là người chậm nhớ”. Bạch Ngài.

Đức-Phật truyền dạy rằng:

– Này Cūḷapanthaka! Con là tỳ-khưu trong giáo-pháp của Như-Lai, sư huynh bảo con rời khỏi ngôi chùa Ambavana, sao con không đến với Như-Lai?

– Này Cūḷapanthaka! Con hãy đến với Như-Lai.

Đức-Phật đưa bàn tay mềm mại sờ trên đầu của tỳ-khưu Cūḷapanthaka, rồi dẫn đến cốc Gandhakuṭi. Đức-Phật truyền bảo tỳ-khưu Cūḷapanthaka ngồi trước cốc Gandhakuṭi, rồi ban cho một miếng vải trắng mới sạch phát sinh do thần thông, rồi truyền dạy rằng:

– Này Cūḷapanthaka! Con nên ngồi quay mặt về hướng Đông, hai tay vò miếng vải này, đồng thời niệm trong tâm rằng: “Rajoharaṇaṃ, … Rajoharaṇaṃ, … Rajoharaṇaṃ, … Vải lau bụi dơ, … Vải lau bụi dơ, … Vải lau bụi dơ, …”

Khi ấy đến giờ, cận-sự-nam Jīvaka đến kính thỉnh Đức-Phật ngự cùng với chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng gồm có 499 vị đến tư thất của ông (không có tỳ-khưu Cūḷapanthaka).

Vâng theo lời dạy của Đức-Phật, tỳ-khưu Cūḷapanthaka ngồi hướng mặt trời mọc, vò miếng vải ấy, đồng thời niệm trong tâm rằng: “Rajoharaṇaṃ, … Rajoharaṇaṃ, … Rajoharaṇaṃ, …, Vải lau bụi dơ, … Vải lau bụi dơ, … Vải lau bụi dơ, …”

Khi vò miếng vải mới sạch ấy, miếng vải ấy trở nên dơ bẩn, tỳ-khưu Cūḷapanthaka nhìn thấy miếng vải ấy dơ bẩn như vậy, nên nghĩ rằng: “Miếng vải mới sạch thật sự, nhưng khi tiếp xúc với thân thể này của ta, miếng vải mới sạch không còn sạch như trước nữa, nay miếng vải ấy trở nên dơ bẩn như vậy.

Tất cả pháp-hữu-vi đều là vô-thường nhỉ!”

Tỳ-khưu Cūḷapanthaka thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, phát sinh trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của sắc-pháp, danh-pháp; trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp.

Đức-Phật dõi theo biết rõ rằng: “Tâm của Cūḷapanthaka đã có trí-tuệ thiền-tuệ rồi”. Đức-Phật phóng hào quang hiện đến ngồi trước mặt tỳ-khưu Cūḷapanthaka truyền dạy rằng:

– Này Cūḷapanthaka! Con không nên chỉ biết đến miếng vải ấy dơ bẩn vì bụi dơ, mà con còn phải biết những bụi dơ đó là rāga: tham-dục, dosa: sân-hận, moha: si-mê ngấm ngầm ở trong tâm của con.

Con hãy nên diệt tận tham-dục, sân-hận, si-mê không còn nữa.

Đức-Phật thuyết dạy 3 bài kệ rằng:

“Rāgo rajo na ca pana reṇu vuccati…”

“Doso rajo na ca pana reṇu vuccati…”

“Moho rajo na ca pana reṇu vuccati…”

– Bụi dơ đó là tham-dục, bụi dơ không có nghĩa là bụi dơ, mà bụi dơ là tên gọi của tham-dục.

Chư tỳ-khưu đã diệt tận được bụi dơ tham-dục ấy, rồi sống trong giáo-pháp của Đức-Phật không còn bụi dơ ấy.

– Bụi dơ đó là sân-hận, bụi dơ không có nghĩa là bụi dơ, mà bụi dơ là tên gọi của sân-hận.

Chư tỳ-khưu đã diệt tận được bụi dơ sân-hận ấy, rồi sống trong giáo-pháp của Đức-Phật không còn bụi dơ ấy.

– Bụi dơ đó là si-mê, bụi dơ không có nghĩa là bụi dơ, mà bụi dơ là tên gọi của si-mê.

Chư tỳ-khưu đã diệt tận được bụi dơ si-mê ấy, rồi sống trong giáo-pháp của Đức-Phật không còn bụi dơ ấy.

Sau khi lắng nghe 3 bài kệ xong, Ngài Trưởng-lão Cūḷapanthaka thực-hành pháp-hành thiền-tuệ liền dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được tham-dục, sân-hận, si-mê không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cùng với tứ-tuệ phân-tích (paṭisam-bhidā), lục-thông (abhiññā), đặc biệt thông suốt Tam-Tạng Pāḷi (Tīṇi piṭakāni).

Tại tư thất, cận-sự-nam Jīvaka Komārabhacca đem nước đến kính dâng lên Đức-Phật.

Đức-Phật truyền bảo cận-sự-nam Jīvaka rằng:

– Này Jīvaka! Trong ngôi chùa Ambavana còn có tỳ-khưu phải không?

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, Ngài Trưởng-lão Mahāpanthaka cho con biết không còn tỳ-khưu nào trong ngôi chùa Ambavana nữa.

– Này Jīvaka! Trong ngôi chùa Ambavana vẫn còn có tỳ-khưu.

Nghe Đức-Phật truyền dạy như vậy, cận-sự-nam Jīvaka bảo gia nhân rằng:

– Này ngươi! Ngươi hãy mau lẹ đến ngôi chùa Ambavana, để biết còn có tỳ-khưu nào, hãy mau trở về báo ngay!

Khi ấy, Ngài Trưởng-lão Cūḷapanthaka hóa ra ngàn tỳ-khưu mà mỗi nhóm đều làm mỗi việc khác nhau như học kinh, may y, quét dọn sạch sẽ, … trong ngôi chùa Ambavana này.

Gia nhân của ông cận-sự-nam Jīvaka đến chùa, nhìn thấy nhiều vị tỳ-khưu trong ngôi chùa, nên y liền trở về trình cho ông chủ Jīvaka biết trong ngôi chùa Ambavana có nhiều vị tỳ-khưu, mỗi nhóm làm mỗi việc khác nhau.

Cận-sự-nam Jīvaka kính bạch rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, trong ngôi chùa Ambavana có nhiều vị tỳ-khưu.

Đức-Thế-Tôn truyền bảo rằng:

– Này Jīvaka! Con hãy nên bảo gia nhân rằng: “Đức-Thế-Tôn truyền bảo tỳ-khưu tên Cūḷapanthaka đến hầu”.

Khi gia nhân đi đến ngôi chùa Ambavana, nói lời truyền bảo của Đức-Thế-Tôn như vậy, thì cả ngàn vị tỳ-khưu đều xưng tên rằng: tôi là tỳ-khưu Cūḷapanthaka, tôi là tỳ-khưu Cūḷapanthaka.

Gia nhân trở về kính bạch lên Đức-Phật rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con nghe các vị tỳ-khưu đều xưng tên là tỳ-khưu Cūḷapanthaka.

Đức-Thế-Tôn truyền dạy rằng:

– Này con! Nếu như vậy thì con nghe vị tỳ-khưu nào xưng tên trước rằng: tôi là tỳ-khưu Cūḷapanthaka.

Con hãy đến thỉnh vị tỳ-khưu ấy, các vị tỳ-khưu còn lại sẽ đều biến mất.

Vâng lời dạy của Đức-Phật, gia nhân của cận sự nam Jīvaka đến thỉnh vị tỳ-khưu xưng tên trước, các vị tỳ-khưu còn lại đều biến mất ngay tức khắc.

Sau khi Đức-Phật cùng chư Đại-đức tỳ-khưu-Tăng thọ thực xong, Đức-Thế-Tôn truyền bảo cận-sự-nam Jīvaka rằng:

– Này Jīvaka! Con hãy nên đón nhận bát của tỳ-khưu Cūḷapanthaka, rồi thỉnh tỳ-khưu Cūḷa-panthaka thuyết pháp và nói lời hoan hỷ phước-thiện bố-thí cúng dường của con hôm nay.

Vâng lời truyền dạy của Đức-Phật, cận-sự-nam Jīvaka đến nhận bát của Ngài Trưởng-lão Cūḷapanthaka, rồi thỉnh Ngài Trưởng-lão thuyết pháp.

Ngài Trưởng-lão Cūḷapanthaka thuyết pháp với giọng hay, thông thuộc, thấu suốt Tam-Tạng Pāḷi, nói lời hoan hỷ làm cho số đông phát sinh đại-thiện-tâm vô cùng hoan hỷ trong lời dạy của Ngài Trưởng-lão Cūḷapanthaka.

Đức-Thế-Tôn ngự trở về ngôi chùa Amba-vana cùng với nhóm chư Đại-đức-Tăng gồm có đủ 500 vị tỳ-khưu.

Nghiệp quá-khứ của Ngài Cūḷapanthaka

Ngài Trưởng-lão Cūḷapanthaka là 1 trong 80 vị Thánh A-ra-hán Đại-Thanh-văn, có phép thần thông biến hóa do tâm xuất sắc nhất trong các hàng Thánh Thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật Gotama.

Ngài Trưởng-lão Cūḷapanthaka vốn là vị đã từng tạo 10 pháp-hạnh ba-la-mật suốt 100 ngàn đại-kiếp trái đất, kể từ thời-kỳ Đức-Phật Padumuttara cho đến kiếp chót trong thời-kỳ Đức-Phật Gotama.

Vấn: Do nguyên nhân nào mà kiếp chót của Ngài Trưởng-lão Cūḷapanthaka khi xuất gia trở thành tỳ-khưu, thì Ngài Trưởng-lão trở nên vị tỳ-khưu chậm nhớ, nên học một bài kệ gồm có 4 câu, dù Ngài Trưởng-lão cố gắng tinh-tấn ngày đêm suốt 4 tháng vẫn không thuộc lòng được?

Đáp: Trong thời-kỳ Đức-Phật Kassapa, tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão Cūḷapanthaka là vị tỳ-khưu có nhiều trí-tuệ, thông suốt Tam-Tạng Pāḷi.

Khi tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão nghe vị tỳ-khưu học Pāḷi (uddesa), đọc đi đọc lại nhiều lần mà không thuộc, nên Ngài cười chế nhạo, làm cho vị tỳ-khưu ấy cảm thấy hổ thẹn, rồi bỏ học thuộc lòng Pāḷi.

Do ác-nghiệp quá-khứ ấy trong tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão cho quả, nên kiếp hiện-tại khi xuất gia trở thành tỳ-khưu thì trở nên vị tỳ-khưu chậm nhớ, nên học một bài kệ gồm có 4 câu, dù cố gắng tinh-tấn ngày đêm suốt 4 tháng vẫn không thuộc lòng được.

Vấn Do nguyên nhân nào mà Đức-Phật ban cho tỳ-khưu Cūḷapanthaka miếng vải mới sạch, rồi truyền dạy tỳ-khưu dùng 2 tay vò miếng vải ấy, đồng thời niệm tưởng trong tâm rằng: “Rajoharaṇaṃ, …” tạo nhân-duyên dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận mọi tham-dục, sân-hận, si-mê không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán?

Đáp: Trong thời quá-khứ, tiền-kiếp của Ngài Trưởng-lão Cūḷapanthaka là Đức-vua. Một hôm, Đức-vua ngự trên con voi báu đi quan sát quanh kinh-thành lúc trời nắng nóng, mồ hôi chảy ra trên trán.

Đức-vua dùng khăn vải trắng mới sạch lau mồ hôi trên trán, làm cho chiếc khăn vải trắng ấy bị dơ bẩn. Đức-vua phát sinh động tâm về vô-thường, bất-tịnh rằng: “Chiếc khăn vải trắng mới sạch khi tiếp xúc, lau sắc-thân này thì không còn sạch như xưa nữa. Chiếc khăn bị dơ bẩn, bởi vì thân thể của ta dơ bẩn.

Tất cả các pháp-hữu-vi đều là vô-thường cả!”

Do nguyên nhân chiếc khăn vải trắng sạch sẽ bị dơ bẩn trong thời quá-khứ ấy làm nhân-duyên, nên Đức-Phật ban cho Ngài Trưởng-lão miếng vải mới sạch, rồi truyền dạy Ngài Trưởng-lão dùng 2 tay vò miếng vải ấy, đồng thời niệm tưởng trong tâm rằng: “Rajoharaṇaṃ, …” như vậy.

Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có 2 loại trí-tuệ đặc biệt:

1- Indriyaparopariyattañāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ 5 pháp-chủ: tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ già dặn hoặc non yếu của mỗi chúng-sinh.

2- Āsayānusayañāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ bản tính cố hữu, bất-thiện-nghiệp, đại-thiện-nghiệp và mọi phiền-não ngấm ngầm của mỗi chúng-sinh.

Đức-Phật có 2 loại trí-tuệ đặc biệt này, nên Đức-Phật thuyết-pháp tế độ chúng-sinh nào chắc chắn đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài đối với chúng-sinh ấy.

Ngoài Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác ra, các bậc Thánh Thanh-văn đệ-tử không có một vị nào có 2 loại trí-tuệ đặc biệt này, dù Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta là bậc Thánh Tối-thượng-thanh-văn-giác có trí-tuệ-siêu-việt cũng không có 2 loại trí-tuệ đặc biệt này.

Tìm hiểu tích Suvaṇṇakārattheravatthu đệ-tử của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta được tóm lược như sau:

Người con trai của người thợ vàng còn trẻ xuất gia trở thành tỳ-khưu, là đệ-tử của Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, Ngài nghĩ rằng: “Người trai trẻ thường có tham-ái”, nên Ngài Đại-Trưởng-lão truyền dạy đệ-tử với đề-mục thiền-định bất-tịnh (asubha) để diệt tham-ái, nhưng đề-mục thiền-định này không phù hợp với tính và trí-tuệ của vị tỳ-khưu trẻ này.

Thật vậy, vị tỳ-khưu trẻ đi vào rừng cố gắng tinh-tấn không ngừng suốt 4 tháng mà vẫn không phát sinh nimitta nào cả. Vị tỳ-khưu trở về đảnh lễ Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta, thầy tế độ, trình bạch về pháp-hành của mình như vậy.

Ngài Đại-Trưởng-lão Sāriputta nghĩ rằng: “Vị tỳ-khưu trẻ này thuộc về sự tế độ của Đức-Phật”.

Cho nên, Ngài Đại-Trưởng-lão dẫn người đệ-tử đến hầu đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, bạch rằng:

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con dạy đề-mục thiền-định cho vị tỳ-khưu trẻ này, vị tỳ-khưu này đã thực-hành pháp-hành thiền-định suốt 4 tháng mà vẫn không thể phát sinh nimitta nào, nên con nghĩ rằng: Vị tỳ-khưu này thuộc sự tế độ của Đức-Thế-Tôn, nên con dẫn vị tỳ-khưu này đến hầu Đức-Thế-Tôn.

Đức-Phật truyền hỏi rằng:

– Này Sāriputta! Con dạy đề-mục thiền-định nào cho đệ-tử của con vậy?

– Kính bạch Đức-Thế-Tôn, con dạy đề-mục thiền-định bất-tịnh (asubha) cho đệ-tử của con.

– Này Sāriputta! Con không có loại trí-tuệ đặc biệt āsayānusayañāṇa: trí-tuệ thấy rõ, biết rõ bản tính cố hữu, bất-thiện-nghiệp, đại-thiện-nghiệp, và mọi phiền-não ngấm ngầm của mỗi chúng-sinh, nên con dạy đề-mục thiền-định không phù hợp với đệ-tử của con.

– Này Sāriputta! Con nên trở về, người đệ-tử ở lại với Như-Lai.

Đức-Phật suy xét thấy vị tỳ-khưu trẻ xuất thân từ gia đình người thợ vàng, và tiền-kiếp suốt 500 kiếp đều sinh trong gia đình thợ vàng, y cũng là người thợ làm vàng giỏi khéo tay, nên quen nhìn thấy vàng, cho nên đề-mục thiền-định asubha: bất-tịnh là đề-mục thiền-định không phù hợp với tỳ-khưu trẻ này.

Đức-Phật hóa ra một đóa hoa sen hồng thật là xinh đẹp ban cho tỳ-khưu trẻ với lời truyền dạy rằng:

– Này tỳ-khưu! Con hãy đem đóa hoa sen này cắm trên gò đất đằng sau tăng xá, rồi ngồi thực-hành pháp-hành thiền-định, hướng tâm đến đóa hoa sen ấy bằng cách niệm thầm trong tâm rằng: “Lohitakaṃ, … Lohitakaṃ, … Lohitakaṃ, …, Màu đỏ, … Màu đỏ, … Màu đỏ, …”

Khi đón nhận đóa hoa sen từ trên tay của Đức-Phật, vị tỳ-khưu trẻ cảm nhận vô cùng hoan hỷ, vâng theo lời dạy của Đức-Phật, vị tỳ-khưu trẻ đi đến sau tăng xá, cắm đóa hoa sen trên gò đất, rồi ngồi thực-hành pháp-hành thiền-định, hướng tâm đến đóa hoa sen ấy bằng cách niệm thầm trong tâm rằng:

“Lohitakaṃ, … Lohitakaṃ, … Lohitakaṃ, …, Màu đỏ, … Màu đỏ, … Màu đỏ, …”

Vị tỳ-khưu trẻ chế ngự được 5 pháp-chướng-ngại, nên đối-tượng uggahanimitta phát sinh, rồi tiếp theo đối-tượng paṭibhāganimitta phát sinh, chứng đắc đệ nhất thiền sắc-giới thiện-tâm, rồi tiếp tục chứng đắc đệ nhị thiền sắc-giới thiện-tâm, cho đến chứng đắc đệ tứ thiền sắc-giới thiện-tâm cuối cùng tại nơi ấy, chưa thay đổi chỗ ngồi sang chỗ khác.

Đức-Phật dõi theo biết rõ vị tỳ-khưu trẻ này đã chứng đắc các bậc thiền sắc-giới thiện-tâm rồi. Ngài suy xét rằng: “Tỳ-khưu ấy có khả năng tự mình chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn được hay không?”

Biết rõ tỳ-khưu ấy không có khả năng, nên Đức-Phật biến đóa hoa sen ấy cho héo tàn, các cánh sen rơi rụng xuống đất.

Vị tỳ-khưu xả thiền ra, ngồi nhìn thấy đóa sen héo tàn như vậy, nên suy xét rằng: “Đóa hoa sen nở thật là xinh đẹp vừa mới đây, nay đóa hoa sen bị héo tàn, các cánh sen rơi rụng cả, đến nhuỵ sen cũng không còn, nay chỉ còn trơ trọi gương sen mà thôi. Sự già của đóa hoa sen như thế nào, rồi sự già ấy chắc chắn cũng sẽ xảy đến trong thân của ta cũng như thế ấy. Các pháp-hữu-vi thật là vô-thường!”

Vị tỳ-khưu ấy bắt đầu thực-hành pháp-hành thiền-tuệ, trí-tuệ thiền-tuệ phát sinh thấy rõ, biết rõ toàn thân chỉ là sắc-pháp có sự sinh, sự diệt, nên trí-tuệ thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ 3 trạng-thái-chung: trạng-thái vô-thường, trạng-thái khổ, trạng-thái vô-ngã của sắc-pháp, danh-pháp.

Khi ấy, dõi theo biết tâm của vị tỳ-khưu đã phát sinh trí-tuệ-thiền-tuệ rồi, nên Đức-Phật từ Gandhakuṭi phóng hào quang ngự đến trước mặt thuyết dạy bài kệ rằng:

“Ucchinda sinehamattano,

kumudaṃ sāradikaṃva pāṇinā.

Santimaggameva brūhaya,

Nibbānaṃ Sugatena desitaṃ.”

– Này tỳ-khưu! Con hãy nên diệt tận được tâm tham-ái say mê trong thân của con bằng A-ra-hán Thánh-đạo-tuệ, như người cắt đứt đóa hoa sen trắng trong mùa sārada tháng 10 bằng lưỡi dao sắc bén.

Con hãy nên tiến hành pháp-hành bát-chánh-đạo dẫn đến chứng ngộ Niết-bàn mà Như-Lai đã thuyết giảng.

Sau khi lắng nghe bài kệ xong, vị tỳ-khưu liền chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có 2 loại trí-tuệ đặc biệt ấy, nên mỗi khi Đức-Phật thuyết pháp tế độ chúng-sinh nào, chắc chắn chúng-sinh ấy được sự lợi ích cao thượng.

.* Tích Aniccalakkhaṇavatthu

Một thuở nọ, Đức-Phật ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh-thành Sāvatthī. Khi ấy, 500 vị tỳ-khưu đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, kính xin đề-mục-thiền. Đức-Phật suy xét rằng: “Đề-mục-thiền nào là pháp-hành phù hợp với nhóm tỳ-khưu này?”

Đức-Phật biết rõ nhóm tỳ-khưu này trong thời-kỳ Đức-Phật Kassapa thường hay thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của ngũ-uẩn, đặc biệt quan tâm đến trạng-thái vô-thường, nên Đức-Phật truyền dạy rằng:

– Này chư tỳ-khưu! Tất cả các pháp-hữu-vi trong tam-giới: dục-giới, sắc-giới, vô-sắc-giới đều có sự sinh, sự diệt là vô-thường, có nghĩa là có rồi không có.

Đức-Phật thuyết dạy bài kệ rằng:

“Sabbe saṅkhārā aniccā’ti, yadā paññāya passati.

Atha nibbindati dukkhe, esa maggo visuddhiyā.”

Tất cả các pháp-hữu-vi đều là vô-thường,

Khi nào trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ trạng-thái vô-thường.

Khi thấy rõ như vậy, trí-tuệ-thiền-tuệ nhàm chán khổ trong ngũ-uẩn này.

Hành-giả chứng ngộ khổ thánh-đế đã biết, nhân sinh khổ thánh-đế đã diệt, v.v…

Đó là Thánh-đạo thanh-tịnh này.

Sau khi lắng nghe Đức-Phật thuyết giảng xong bài kệ này, tất cả nhóm 500 tỳ-khưu đều chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cả thảy.

* Tích Dukkhalakkhaṇavatthu

Cũng như trường hợp trên, Đức-Phật ngự tại ngôi chùa Jetavana, gần kinh-thành Sāvatthī. Khi ấy, 500 vị tỳ-khưu đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, kính xin đề-mục-thiền.

Đức-Phật suy xét rằng: “Đề-mục-thiền nào là pháp-hành phù hợp với nhóm tỳ-khưu này?”

Đức-Phật biết rõ nhóm tỳ-khưu này trong thời-kỳ Đức-Phật Kassapa, thường hay thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của ngũ-uẩn, đặc biệt quan tâm đến trạng-thái khổ, bởi vì ngũ-uẩn sinh rồi diệt vô-thường, trạng-thái khổ luôn luôn hành hạ, nên Đức-Phật truyền dạy rằng:

– Này chư tỳ-khưu! Tất cả các pháp-hữu-vi trong tam-giới: dục-giới, sắc-giới, vô-sắc-giới đều có sự sinh, sự diệt là vô-thường, nên sự thật chỉ có khổ mà thôi, có nghĩa là luôn luôn hành hạ.

Đức-Phật thuyết dạy bài kệ rằng:

“Sabbe saṅkhārā dukkhā’ti, yadā paññāya passati.

Atha nibbindati dukkhe, esa maggo visuddhiyā.”

Tất cả các pháp-hữu-vi đều là khổ,

Khi nào trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ trạng-thái khổ.

Khi thấy rõ như vậy, trí-tuệ-thiền-tuệ nhàm chán khổ trong ngũ-uẩn này.

Hành-giả chứng ngộ khổ thánh-đế đã biết, nhân sinh khổ thánh-đế đã diệt, v.v…

Đó là Thánh-đạo thanh-tịnh này.

Sau khi lắng nghe Đức-Phật thuyết giảng xong bài kệ này, tất cả nhóm 500 tỳ-khưu đều chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cả thảy.

* Tích Anattalakkhaṇavatthu

Cũng như trường hợp trên, Đức-Phật ngự tại ngôi chùa Jetavana, gần kinh-thành Sāvatthī. Khi ấy, 500 vị tỳ-khưu đến hầu đảnh lễ Đức-Phật, kính xin đề-mục-thiền.

Đức-Phật suy xét rằng: “Đề-mục-thiền nào là pháp-hành phù hợp với nhóm tỳ-khưu này?

Đức-Phật biết rõ nhóm tỳ-khưu này trong thời-kỳ Đức-Phật Kassapa thường hay thực-hành pháp-hành thiền-tuệ thấy rõ, biết rõ sự sinh, sự diệt của ngũ-uẩn, đặc biệt quan tâm đến trạng-thái vô-ngã, bởi vì ngũ-uẩn sinh rồi diệt là vô-thường, khổ luôn luôn hành hạ, vô chủ, không chiều theo ý muốn của ai, nên Đức-Phật dạy rằng:

– Này chư tỳ-khưu! Tất cả ngũ-uẩn này là pháp-vô-ngã thật sự, có nghĩa là không chiều theo ý muốn của ai cả, nên không thể muốn rằng: Xin ngũ-uẩn của tôi đừng già, đừng bệnh, đừng chết.

Đức-Phật thuyết dạy bài kệ rằng:

“Sabbe dhammā anattā’ti, yadā paññāya passati.

Atha nibbindati dukkhe, esa maggo visuddhiyā.”

Tất cả ngũ-uẩn này đều là pháp-vô-ngã,

Khi nào trí-tuệ-thiền-tuệ thấy rõ trạng-thái vô-ngã.

Khi thấy rõ như vậy, trí-tuệ-thiền-tuệ nhàm chán khổ trong ngũ-uẩn này.

Hành-giả chứng ngộ khổ thánh-đế đã biết, nhân sinh khổ thánh-đế đã diệt, v.v…

Đó là Thánh-đạo thanh-tịnh này.

Sau khi lắng nghe Đức-Phật thuyết giảng xong bài kệ này, tất cả nhóm 500 tỳ-khưu đều chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, chứng đắc 4 Thánh-đạo, 4 Thánh-quả và Niết-bàn, diệt tận được mọi tham-ái, mọi phiền-não không còn dư sót, trở thành bậc Thánh A-ra-hán cả thảy.

Những trường hợp như vậy có rất nhiều trong Tam-Tạng Pāḷi và các Chú-giải Pāḷi, bởi vì Đức-Phật có 2 loại trí-tuệ đặc biệt là:

1- Indriyaparopariyattañāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ 5 pháp-chủ: tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ già dặn hoặc non yếu của mỗi chúng-sinh.

2- Āsayānusayañāṇa: Trí-tuệ thấy rõ, biết rõ bản tính cố hữu, bất-thiện-nghiệp, đại-thiện-nghiệp, và mọi phiền-não ngấm ngầm của mỗi chúng-sinh.

Đức-Phật có 2 loại trí-tuệ đặc biệt này, nên Đức-Phật thuyết-pháp tế độ những chúng-sinh nào chắc chắn đem lại sự lợi ích, sự tiến hóa, sự an-lạc lâu dài đối với những chúng-sinh ấy.

Niềm hy vọng của hàng thanh-văn đệ-tử

Kiếp hiện-tại của mỗi chúng-sinh nói chung, của mỗi người nói riêng là quả của nghiệp mà vô số tiền-kiếp quá-khứ của mỗi người đã tạo đại-thiện-nghiệp và bất-thiện-nghiệp (ác-nghiệp) dù nặng dù nhẹ đều được tích lũy đầy đủ trọn vẹn ở trong tâm sinh rồi diệt liên tục từ kiếp này sang kiếp kia trong vòng tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài, từ vô thủy cho đến kiếp hiện-tại của mỗi người không hề bị mất mát một mảy may nào cả.

Nếu người nào trong tiền-kiếp đã từng phát nguyện trở thành vị Bồ-tát thanh-văn-giác, thì kiếp hiện-tại của người ấy vẫn là vị Bồ-tát thanh-văn-giác đã từng thực-hành 10 pháp-hạnh ba-la-mật từ vô số kiếp quá-khứ đều được tích lũy đầy đủ trọn vẹn ở trong tâm sinh rồi diệt liên tục từ kiếp này sang kiếp kia cho đến kiếp hiện-tại, nhưng mà vị Bồ-tát thanh-văn-giác ấy vẫn không biết, và những người khác cũng không biết.

Tuy nhiên, duy nhất chỉ có Đức-Phật Chánh-Đẳng-Giác có 2 loại trí-tuệ đặc biệt mới thấy rõ, biết rõ khả năng tiềm tàng của mỗi chúng-sinh mà thôi.

Kiếp hiện-tại mỗi người chúng ta có đức-tin trong sạch nơi Tam-bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, là 1 trong hàng thanh-văn đệ-tử của Đức-Phật, dù là người tại gia cận-sự-nam, cận-sự-nữ, dù là bậc xuất-gia sa-di, tỳ-khưu, mỗi người chúng ta chắc đã có duyên trong Phật-giáo, nên mỗi người chúng ta có quyền hy vọng thực-hành pháp-hành thiền-tuệ để dẫn đến chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, để chứng đắc Thánh-đạo, Thánh-quả và Niết-bàn, để mong giải thoát khổ tử sinh luân-hồi trong ba giới bốn loài.

Dhamma Paññā

BQT trang Theravāda cố gắng sưu tầm thông tin tài liệu Dhamma trợ duyên quý độc giả tìm hiểu về Dhamma - Giáo Pháp Bậc Giác Ngộ thuyết giảng suốt 45 năm sau khi Ngài chứng đắc trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác vào đêm Rằm tháng 4, tìm hiểu thêm phương pháp thực hành thiền Anapana, thiền Vipassana qua các tài liệu, bài giảng, pháp thoại từ các Thiền Sư, các Bậc Trưởng Lão, Bậc Thiện Trí.

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app